Theo đó, tại Điều 117 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định việc tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu cần phải đáp ứng 05 nguyên tắc sau:
- Thứ nhất, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, minh bạch và kịp thời.
- Thứ hai, công tâm, khách quan, không gây khó khăn cho đơn vị được kiểm tra; tuân thủ các quy định về phòng, chống tham nhũng.
- Thứ ba, tiến hành độc lập nhưng có sự phối hợp và phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
- Thứ tư, không chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đơn vị được kiểm tra, nội dung và thời gian kiểm tra giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
- Thứ năm, trường hợp có sự trùng lặp về đơn vị được kiểm tra thì ưu tiên thực hiện kiểm tra của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan cấp trên.
Theo Điều 118 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định, việc kiểm tra hoạt động đấu thầu sẽ thực hiện hiện theo 02 hình thức sau: Kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
Cụ thể:
* Về kiểm tra định kỳ:
- Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo kế hoạch thường xuyên hằng năm được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt;
- Căn cứ tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu của từng năm, đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra định kỳ cho năm kế tiếp, trình người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt. Kế hoạch kiểm tra định kỳ bao gồm các nội dung sau đây:
+ Danh sách các đơn vị được kiểm tra;
+ Dự án, dự toán mua sắm sẽ tiến hành kiểm tra;
+ Thời gian thực hiện kiểm tra;
+ Phạm vi và nội dung kiểm tra;
+ Đơn vị phối hợp kiểm tra (nếu có).
-Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch kiểm tra định kỳ đã phê duyệt, đơn vị chủ trì kiểm tra lập kế hoạch điều chỉnh, trình người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt;
- Kế hoạch kiểm tra định kỳ và kế hoạch điều chỉnh (nếu có) được phê duyệt là cơ sở để người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt quyết định kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra;
- Kế hoạch kiểm tra định kỳ và kế hoạch điều chỉnh (nếu có) được gửi đến đơn vị được kiểm tra trong thời hạn tối đa là 10 ngày kể từ ngày được phê duyệt nhưng phải đảm bảo đơn vị được kiểm tra nhận được tối thiểu là 15 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.
* Về kiểm tra đột xuất:
- Kiểm tra đột xuất do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết định;
- Kiểm tra đột xuất được thực hiện đối với từng trường hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Thời gian và kinh phí kiểm tra hoạt động đấu thầu được quy định tại Điều 120 Nghị định 24/2024/NĐ-CP như sau:
* Về thời gian kiểm tra hoạt động đấu thầu:
- Thời gian kiểm tra trực tiếp tại cơ sở tối đa là 07 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra trực tiếp, đoàn kiểm tra phải có báo cáo kiểm tra.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt kết luận kiểm tra trong thời hạn tối đa 20 ngày kể từ ngày đoàn kiểm tra trình dự thảo kết luận kiểm tra;
- Trường hợp cuộc kiểm tra có nội dung phức tạp và liên quan đến nhiều đơn vị được kiểm tra thì thời gian kiểm tra trực tiếp tại cơ sở tối đa là 15 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong thời hạn tối đa 40 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra trực tiếp, đoàn kiểm tra phải có báo cáo kiểm tra.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt kết luận kiểm tra trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày đoàn kiểm tra trình dự thảo kết luận kiểm tra.
* Về kinh phí thực hiện kiểm tra:
- Kinh phí thực hiện kiểm tra được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của đơn vị chủ trì kiểm tra hoạt động đấu thầu thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
- Doanh nghiệp nhà nước tự bố trí kinh phí thực hiện kiểm tra.