21/03/2022 15:46

05 bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất khi không ký giáp ranh với chủ đất liền kề

05 bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất khi không ký giáp ranh với chủ đất liền kề

Khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hai bên thường căn cứ vào diện tích trên sổ đỏ. Trong trường hợp, sau một thời gian sử dụng đất, bạn xây nhà trên đất và bỗng vào ngày đẹp trời hàng xóm có yêu cầu bạn thay đổi kết cấu nhà vì đã lấn chiếm diện tích đất của họ. Một trong những lí do xảy ra tình trạng này là vì khi mua đất bạn đã không làm biên bản ký giáp ranh, giáp thửa với các chủ đất liền kề.

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 như sau:

Điều 11a. Từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau: 

a) Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ;

b) Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định;

c) Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật;

d) Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;

đ) Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;

e) Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, pháp luật không có quy định từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ vì lý do hàng xóm không ký giáp ranh. Tuy nhiên, đây là cách phổ biến và dễ dàng để xác định có tranh chấp quyền sử dụng đất với các chủ đất liền kề hay không. Vì vậy, khi mua đất, tốt nhất mọi người nên làm biên bản để chủ đất liền kề ký vào và đóng cọc mốc ranh giới, như vây sẽ tránh được nhiều nhiều tranh chấp pháp lý không cần thiết sau này.

Dưới đây, là một số Bản án có nội dung về tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh giới đất khi người có quyền sử dụng đất không làm biên bản ký giáp ranh, giáp thửa với chủ đất liền kề, mời các bạn tham khảo:

1. Bản án 27/2020/DS-PT ngày 08/06/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Trích dẫn nội dung: “Ông Trịnh Công M kháng cáo không nhất trí với bản án sơ thẩm và cho rằng gia đình ông không mượn, không lấn chiếm đất của gia đình bà C, vì diện tích đất đó bỏ hoang cây cối rậm rạp mà lại nằm sát vị trí đất nhà ông nên đã khai phá để trồng Chuối từ năm 1975. Năm 2013 bà C có đến nhà yêu cầu gia đình ông ký giáp ranh để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng gia đình ông không đồng ý vì diện tích đất trên gia đình ông đã sử dụng để trồng hoa màu ổn định, liên tục từ năm 1975 không có tranh chấp với ai. Mặc dù gia đình ông không ký giáp ranh nhưng đến ngày 18/6/2014 UBND thành phố Q vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C đối với diện tích đất trên là trái pháp luật. Mặc dù gia đình ông không có giấy tờ gì đối với diện tích đất đang có tranh chấp nhưng đã sử dụng ổn định, ngay tình, liên tục hơn 40 năm không có tranh chấp với ai nên có quyền sử dụng diện tích đất này”

2. Bản án về tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất số 83/2021/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang

Trích dẫn nội dung: “Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Nguyễn Văn D được cấp năm 1997, thì đối với thửa đất số 4, sau khi trừ đi diện tích đất mà ông D đã chuyển nhượng cho người khác và chuyển mục đích, thì đến 2018 khi ông D được cấp đổi giấy chứng nhận, diện tích đất đã tăng thêm 558m2. Lý do có việc này là khi cấp đổi lại giấy chứng nhận, ông D có mời cơ quan chuyên môn đo đạc, nhưng không có mời các hộ giáp ranh ký giáp ranh, nên việc cấp đổi giấy có sai sót về số liệu đối với diện tích đất của thửa đất số 4. Đối chiếu diện tích đất trong giấy chứng nhận được cấp với phần đất theo đo đạc thực tế của Tòa án thì diện tích đất của bà A và bà R đều bị thiếu, còn diện tích đất của ông D thì dư.”

3. Bản án 55/2020/DS-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất, lối đi qua bất động sản liền kề, đòi bồi thường thiệt hại

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Trích dẫn nội dung: “Năm 1994, bà Nguyễn Thị O (là cô của bà Nguyễn Thị G) có chia đất cho các hộ trong dòng họ gồm hộ ông U, bà Y, bà X và bà G mỗi người một miếng đất. Phần đất bà G được cho có diện tích 100m2 thuộc thửa số 1635, tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại Phường 3, thành phố V, đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R ngày 20/9/2000 cho bà Nguyễn Thị G, kèm theo là sơ đồ vị trí do Phòng Kinh tế Uỷ ban nhân dân thành phố V lập ngày 10/9/1994. Ranh giới đất giữa các hộ được chia trong dòng họ thể hiện trên bản vẽ sơ đồ mang tính chất liên hệ, không có trên thực địa. Thực tế các hộ được chia đất muốn xác định vị trí đất của mình đều phải dựa vào đường ranh giới giữa đất của bà O với đất của Tập đoàn. Theo đó, đất của bà G được xác định bắt đầu từ ranh giữa đất bà O và đất Tập đoàn là 32,5m, kết thúc là 42,2m. Ông Nguyễn Ngọc C khi mua phần đất của bà Nguyễn Thị V (là con của bà U) chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có sơ đồ vị trí đất kèm theo. Sau này, ông C đo vẽ lại sơ đồ vị trí đất nhưng không lấy chữ ký giáp ranh giữa các hộ liền kề nên hậu quả là sai lệch vị trí đất sử dụng trên thực địa.

4. Bản án 49/2017/DS-ST ngày 19/10/2017 về tranh chấp quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Trích dẫn nội dung: “Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không tiến hành đo đạc thực tế các thửa đất mà căn cứ trên cơ sở trích lục bản đồ địa chính, không ký giáp ranh giữa các chủ sử dụng đất, hơn nữa hai thửa đất này đều giáp với rạch nên có sự chênh lệch giữa diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đo đạc thực tế. Do đó, không thể căn cứ vào diện tích đo đạc thực tế đủ, thiếu so với diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định có việc sử dụng lấn ranh sang phần đất của chủ sử dụng khác hay không.”

5. Bản án 52/2019/DS-PT ngày 15/05/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất, di dời tài sản trên đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

- Trích dẫn nội dung: “Đến năm 2013, khi anh Đ xây tường rào bao quanh nhà chồng lên tường rào bà Tạ Thị M xây năm 2002 (nhưng vẫn để một lối đi rộng 0lm cho bà Tạ Thị M đi lại), thì bà M sang yêu cầu trả lại đất với lý do gia đình bà M đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó anh Đ gọi ông lên nói chuyện với bà M, hai bên gia đình đã thống nhất không tranh chấp nữa và thống nhất thỏa thuận mở cho gia đình bà M đi lại. Năm 2015, bà M lại cố tình kiện ông từ thôn đến Ủy ban nhân dân xã, Ủy ban nhân dân huyện và giờ lại kiện anh Đ ra Tòa án nên anh Đ mới xây bịt lối đi lại. Phần đất còn lại của gia đình ông vẫn là đất ruộng, chỉ chuyển đổi từ sổ cũ sang sổ mới. Khi chuyển đổi sổ, ông không được đi kê khai mà do cán bộ xã làm nên ông không biết là không có diện tích đất bà M đang tranh chấp. Khi bà M đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không báo cho gia đình ông biết, gia đình ông cũng không được ký giáp ranh các hộ liền kề.”

Như Ý
9206

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]