Quyết định giám đốc thẩm về tranh chấp hợp đồng mua bán điện số 12/2023/KDTM-GĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 12/2023/KDTM-GĐT NGÀY 19/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Ngày 19/9/2023, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án“Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” giữa:

1. Nguyên đơn:

1.1. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T; địa chỉ: số 65/3, đường D, phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Thị Mộng H, chức vụ: Giám đốc.

1.2. Công ty TNHH Năng lượng xanh V; địa chỉ: Buôn D, xã C, huyện K, tỉnh Gia Lai. Đại diện theo pháp luật: bà Nguyễn Thị Mộng H, chức vụ: Giám đốc.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phan Quang H1, Luật sư Công ty luật TNHH LDL - Chi nhánh G, thuộc Công ty luật LDL Đ; địa chỉ chi nhánh: Số 79A, đường T, phường P, thành phố P, tỉnh Gia Lai.

2. Bị đơn:

2.1. Tổng Công ty Điện lực M; địa chỉ: Số 78A, đường D, phường H, quận C thành phố Đà Nẵng.

Đại diện theo ủy quyền: ông Trần Duy L, chức vụ: Phó Trưởng Ban pháp chế - EVNPC và ông Võ Ngọc Q, chức vụ: Phó Giám đốc Công ty Điện lực G (theo Giấy ủy quyền số: 9648/GUQ-EVNCPC ngày 15/11/2021).

2.2. Công ty Điện lực G; địa chỉ: Số 66, đường H, phường T, thành phố P, tỉnh Gia Lai.

Đại diện theo ủy quyền: ông Đặng Quang V, chức vụ: Trưởng phòng Thanh tra Bảo vệ Pháp chế - Công ty Điện lực G (theo Giấy ủy quyền số: 1150/UQ-GLPC ngày 22/3/2022).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Điện lực K; địa chỉ: Số 295, đường H, thị trấn P, huyện K, tỉnh Gia Lai. Đại diện theo pháp luật: ông Nguyễn Chấn Th, chức vụ: Giám đốc.

4. Người làm chứng:

4.1. Ông Nguyễn Quang T; địa chỉ: Số 295, đường H, thị trấn P, huyện K, tỉnh Gia Lai.

4.2. Ông Trần Minh H; địa chỉ: Số 295, đường H, thị trấn P, huyện K, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ngày 26-12-2020, Tổng Công ty Điện lực M thông qua chi nhánh là Công ty Điện lực G ký kết 02 Hợp đồng mua bán điện, cụ thể: Hợp đồng mua bán điện số 20/000486-PC10DD0522211 giữa bên bán điện (bên A) là hộ kinh doanh Chư Ngọc H (nay thay đổi chủ thể là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T) với bên mua (bên B) là Tổng Công ty Điện lực M; Hợp đồng mua bán điện số 20/000479-PC10DD0522201 giữa bên bán điện (bên A) là Công ty TNHH Năng lượng xanh V với bên mua (bên B) là Tổng Công ty Điện lực M. Hai hợp đồng mua bán điện này có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn từ ngày 26-12-2020 đến ngày 16-12-2040.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty Điện lực G mới thanh toán tiền điện cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T (sau đây viết tắt là Công ty T) và Công ty TNHH Năng lượng xanh V (sau đây viết tắt là Công ty V) được 03 lần tương ứng với các tháng 12-2020, tháng 01-2021 và tháng 02-2021. Công ty Điện lực G tạm ngừng thanh toán tiền điện phát sinh từ ngày 11-3-2021 đến nay vì cho rằng Công ty T đã lắp đặt thêm 476 tấm pin, Công ty V lắp đặt thêm 477 tấm pin so với Biên bản nghiệm thu ngày 26-12-2020, dẫn đến sản lượng điện của hai Công ty tăng bất thường. Công ty Điện lực G đề nghị hai Công ty tách bỏ các số lượng tấm pin lắp vượt ra khỏi hệ thống điện mặt trời mái nhà thì Công ty Điện lực G sẽ thực hiện thanh toán tiền điện tạm tính tương ứng với công suất đã ký kết theo hợp đồng.

Công ty T và Công ty V cho rằng hai Công ty không gắn thêm tấm pin, không nâng công suất kể từ khi ký hợp đồng vào ngày 26-12-2020. Việc Công ty T lắp đặt 2.915 tấm pin, Công ty V lắp 2.916 tấm pin đều trước ngày 26-12-2020 theo hình ảnh hoàn thành thi công số lượng tấm pin trên mái nhà ngày 14 -12-2020. Tại Biên bản nghiệm thu ngày 26-12-2020 xác định rõ đối tượng nghiệm thu là: “Thông số kỹ thuật của các tấm pin quang điện và bộ chuyển đổi inverter”. Theo đó, số lượng tấm pin không thuộc đối tượng nghiệm thu.

Do các bên không thống nhất được sản lượng điện cần thanh toán nên ngày 07-10-2021, Công ty T và Công ty V khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Điện lực M thanh toán tiền mua điện cho Công ty T và Công ty V, cụ thể:

- Thanh toán cho Công ty T số tiền điện tạm tính đến ngày 30-9-2021 là 2.304.322.310 đồng, tiền lãi phạt do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 11-3-2021 đến ngày 30-9-2021 là 53.115.806 đồng.

- Thanh toán cho Công ty V số tiền điện tạm tính đến ngày 30-9-2021 là 2.298.080.400 đồng, tiền lãi phạt do chậm thanh toán tạm tính từ ngày 11-3-2021 đến ngày 30-9-2021 là 52.915.728 đồng.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15-9-2022, Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T.

Buộc Tổng Công ty Điện lực M và Công ty Điện lực G phải liên đới thanh toán cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 08-9-2022 là: 5.518.622.769 đồng; và tiền lãi suất do chậm thanh toán theo mức 0,8%/tháng tính từ ngày 11-3-2021 đến 08-9-2022 là: 373.602.917 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là: 5.892.225.686 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Năng lượng xanh V.

Buộc Tổng Cổng ty Điện lực M và Công ty Điện lực G phải liên đới thanh toán cho Công ty TNHH Năng lượng xanh V số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 08-9-2022 là: 5.479.335.501 đồng; và tiền lãi suất do chậm thanh toán theo mức 0,8%/tháng tính từ ngày 11-3-2021 đến 08-9-2022 là: 370.957.240 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là: 5.850.292.741 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, các chi phí tố tụng khác và thông báo quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 27-9-2022, Tổng Công ty Điện lực M kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm nêu trên.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT ngày 17-3-2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai quyết định:

Chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty điện lực M; hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15-9-2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai đã xét xử vụ án về “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T, Công ty TNHH Năng lượng xanh V với bị đơn là Tổng Công ty Điện lực M.

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí.

Ngày 29-3-2023, nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T, Công ty TNHH Năng lượng xanh V có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

- Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM ngày 17/8/2023, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm; hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15-9-2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

- Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị số 06/2023/KN-KDTM ngày 17/8/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân thành phố P xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Công ty Điện lực G là chi nhánh của Tổng Công ty Điện lực M, nhân danh Tổng Công ty Điện lực M ký kết các Hợp đồng mua bán điện số 20/000486- PC10DD0522211 ngày 26-12-2020 với bên bán điện là hộ kinh doanh Chư Ngọc H (nay thay đổi chủ thể là Công ty T) và Hợp đồng mua bán điện số 20/000479- PC10DD0522201 ngày 26-12-2020 với bên bán điện là Công ty V.

Trụ sở của Công ty Điện lực G tọa lạc tại thành phố P, tỉnh Gia Lai nên theo quy định tại b khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết”. Như vậy, hoạt động ký kết hợp đồng tại Công ty Điện lực G nêu trên chính là hoạt động của chi nhánh và hiện đang có tranh chấp; do đó, việc Tòa án Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện của Công ty T và Công ty V là không trái với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng tại Văn bản ủy quyền số 4354/UQ-EVNCPC ngày 21/5/2019, Tổng Công ty Điện lực M ủy quyền cho cá nhân, không phải ủy quyền cho chi nhánh nhân danh mình thực hiện việc ký kết hợp đồng, do đó tranh chấp hợp đồng mua bán điện nêu trên không phải là tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh, từ đó xác định Tòa án nhân dân thành phố P thụ lý và giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền, là không chính xác.

[2] Tại Đơn khởi kiện đề ngày 07-10-2021, người khởi kiện là Công ty T và Công ty V đều xác định người bị kiện là Tổng Công ty Điện lực M và đại diện là Công ty Điện lực G. Tuy nhiên, người khởi kiện yêu cầu Công ty Điện lực G phải cùng Tổng Công ty Điện lực M thanh toán tiền điện tạm tính đến ngày 30-9-2021 và lãi chậm trả theo quy định, trong khi Công ty Điện lực G chỉ là chi nhánh của Tổng Công ty Điện lực M và ký kết hợp đồng với nguyên đơn theo sự ủy quyền Tổng Công ty Điện lực M.

Xét thấy: Tổng Công ty Điện lực M là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và Công ty Điện lực G là một chi nhánh của Tổng Công ty Điện lực M, hạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân, hoạt động theo ủy quyền của Tổng Công ty Điện lực M nên theo quy định khoản 6 Điều 84 Bộ luật dân sự, Tổng Công ty Điện lực M có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do Công ty Điện lực G xác lập và thực hiện. Vì vậy trường hợp này, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải yêu cầu Công ty T và Công ty V sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, xác định Tổng Công ty Điện lực M là bị đơn, Công ty Điện lực G là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trên cơ sở đó giải quyết yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định Tổng Công ty Điện lực M là bị đơn trong vụ án là có căn cứ; tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định Công ty Điện lực G cũng là bị đơn, từ đó buộc Công ty Điện lực G phải liên đới cùng Tổng Công ty Điện lực M thanh toán cho Công ty T và Công ty V số tiền 11.742.518.427 đồng là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Điện lực G.

[3] Tổng Công ty Điện lực M cho rằng, Công ty Tvà Công ty V đã tự ý lắp thêm các tấm pin (Công ty Tlắp thêm 476 tấm pin, Công ty V lắp thêm 477 tấm pin) dẫn đến sản lượng điện tăng bất thường, làm tăng công suất bán điện so với công suất đã thỏa thuận tại hợp đồng. Do đó, Tổng Công ty Điện lực M đã tạm ngừng thanh toán tiền điện cho hai Công ty từ ngày 11 -3-2021 đến nay.

Xét thấy:

Tại Biên bản nghiệm thu lập ngày 26-12-2020, số lượng tấm pin được ghi là 2.439 tấm; tuy nhiên, nội dung Biên bản thể hiện số lượng tấm pin không thuộc đối tượng nghiệm thu; do đó, không có cơ sở xác định tính chính xác của số lượng các tấm pin được ghi tại Biên bản này. Mặt khác, tại Biên bản làm việc ngày 15-4-2021 giữa Điện lực K với đại diện hai Công ty, xác định số lượng tấm pin của Công ty T 3.218 tấm, Công ty V 2.773 tấm; tại Biên bản làm việc ngày 06-5-2021 giữa Công ty Điện lực G với đại diện hai Công ty, xác định số tấm pin của Công ty T2.915 tấm, Công ty V 2.916 tấm. Như vậy, qua mỗi lần làm việc số lượng các tấm pin được ghi nhận là khác nhau, trong khi Tổng Công ty Điện lực M và Công ty Điện lực G không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh vị trí cũng như thời gian lắp đặt các tấm pin mà bị đơn cho rằng phía nguyên đơn đã lắp đặt thêm.

Ngoài ra, theo ghi nhận của Tổng Công ty Điện lực M thì sản lượng điện hàng tháng thu được từ tháng 4-2021 đến tháng 9-2022 thì có sự tăng, giảm chứ không đơn thuần chỉ tăng. Điều này cho thấy, việc Tổng Công ty Điện lực M, Công ty Điện lực G xác định nguyên nhân dẫn đến sản lượng điện thu được từ hệ thống điện mặt trời của Công ty Tvà Công ty V là do hai Công ty này lắp thêm các tấm pin, là không có cơ sở. Do đó, không có căn cứ xác định, Công ty T và Công ty V lắp đặt thêm các tấm pin sau thời điểm các bên lập Biên bản nghiệm thu (26-12-2020).

Theo Bảng tính chi tiết do Tổng Công ty Điện lực M lập thì tính đến ngày 08-9-2022, Tổng Công ty Điện lực M vẫn sử dụng toàn bộ sản lượng điện thực tế do Công ty Tvà Công ty V sản xuất được, cụ thể: tổng điện năng của Công ty T đã phát lên lưới qua hệ thống đo đếm là 2.608.368 KWh, thành tiền là 5.518.622.769 đồng; tổng điện năng của Công ty V đã phát lên lưới qua hệ thống đo đếm là 2.589.792 KWh, thành tiền là 5.479.335.501 đồng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở.

Như đã phân tích tại mục [2], lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc Tổng Công ty Điện lực M phải thanh toán cho Công ty T và Công ty V số tiền bán điện theo tổng sản lượng điện năng đã phát lên lưới qua hệ thống đo đếm và tiền lãi do chậm thanh toán mới chính xác. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Tổng Công ty Điện lực M và Công ty Điện lực G liên đới thanh toán số tiền bán điện và tiền lãi do chậm thanh toán là không có cơ sở.

[4] Từ những phân tích trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có những sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời để đảm bảo quyền kháng cáo của các đương sự thì cần hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng xét xử giám đốc thẩm xét thấy Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM ngày 17-8-2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có cơ sở nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 337, Điều 343, Điều 345, Điều 348, Điều 349 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM ngày 17-8-2023 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

2. Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM- PT ngày 17-3-2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 15-9-2022 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai về vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” giữa nguyên đơn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại T, Công ty TNHH Năng lượng xanh V với bị đơn là Tổng Công ty Điện lực M, Công ty Điện lực G và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Điện lực K.

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

4. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

75
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định giám đốc thẩm về tranh chấp hợp đồng mua bán điện số 12/2023/KDTM-GĐT

Số hiệu:12/2023/KDTM-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về