Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số XX/2023/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN XX/2023/KDTM-PT NGÀY 24/08/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Trong các ngày 21 và 24/08/2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số: 01/2023/TLPT-KDTM ngày 04 tháng 01 năm 2023 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội bị kháng cáo theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 548/2023/QĐ-PT ngày 04 tháng 08 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty X.

Địa chỉ: Đường L, phường P, thị xã S, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T - Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến T - sinh năm 1995 và Ông Nguyễn Hoàng T- sinh năm 1959; Địa chỉ: đường Q, quận B, Thành phố Hà Nội. Ông T có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Ngọc D - Luật sư Văn phòng luật sư ĐT, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

Địa chỉ: phố Q, quận B, Thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Công ty M.

Địa chỉ: thôn V, xã P, huyện T, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật do Toà án chỉ định: Bà Chu Thị H – thành viên Công ty TNHH M.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Trần Quang D – sinh năm 1973; có mặt Địa chỉ: Thôn V, xã P, huyện T, Hà Nội

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các văn bản tiếp theo trong quá trình tố tụng nguyên đơn trình bày:

Công ty X và công ty M ký hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu số: 17/HĐĐLXD ngày 02/01/2014, số: 28/XDTL1-HĐĐL/VN ký ngày 29/01/2015; số 08/XDTL1-HĐĐL/VN ngày 02/01/2016 và phụ lục hợp đồng số 01 PLHĐ.2014, số 02 PLHĐ.2014 ngày 28/3/2014, số 01/XDTL1-PLHĐ ĐL/VN ngày 29/01/2015; số 05/XDTL1-PLHĐĐL.2016 ngày 03/01/2016 về việc làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về kinh doanh xăng dầu.

Để đảm bảo cho một phần công nợ của hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu, bà Trần Nhật T là Giám đốc, đại diện cho Công ty M lập Biên bản thỏa thuận ngày 28/03/2014 với Công ty X, qua đó bà Trần Nhật T tự nguyện dùng tài sản riêng của mình là lô đất có diện tích: 1.230m2 tại thôn Đ, xã Đ, huyện Q, Hà Nội để thế chấp cho Công ty X đảm bảo một phần công nợ cho Công ty M.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, mặc dù Công ty X đã tạo điều kiện rất thuận lợi song Công ty M vẫn nhiều lần vi phạm hợp đồng về nghĩa vụ thanh toán. Ngày 22/02/2016 hai bên đã lập Biên bản đối chiếu công nợ số 01 và số 02. Căn cứ vào hai Biên bản đối chiếu công nợ này thì Công ty M còn nợ Công ty X tổng số tiền hàng tính đến hết ngày 31/01/2016 là 7.130.588.840 đồng.

Trong thời gian từ tháng 02/2016 đến tháng 04/2016 Công ty M tiếp tục mua của Công ty X với tổng số tiền hàng là 2.459.236.270 đồng, đã thanh toán được 2.253.000.000 đồng, còn nợ lại 206.236.270 đồng. Sau đó hai bên chấm dứt việc mua bán xăng dầu với nhau.

Như vậy, tính đến tháng 4/2016 Công ty M còn nợ Công ty X tổng số tiền hàng là 7.336.825.110 đồng (Bảy tỷ,ba trăm ba mươi sáu triệu, tám trăm hai mươi lăm nghìn, một trăm mười đồng). Kể từ ngày 20/04/2016, Công ty M đơn phương phá vỡ hợp đồng, Công ty X đã nhiều lần yêu cầu Công ty M thanh toán toàn bộ công nợ cho Công ty X để 02 bên thanh lý hợp đồng đảm bảo việc kinh doanh đúng pháp luật. Nhưng Công ty M vẫn không trả cho Công ty X số tiền trên và hai bên vẫn chưa thanh lý hợp đồng, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty X và không thực hiện đúng Nghị định 83/CP 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Về tiền lãi, tính đến ngày 30/8/2022, Công ty M còn nợ Công ty X số tiền lãi (tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) như sau:

+ Lãi chậm trả từ 01/01/2015 đến 31/01/2016 theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 22/02/2016 là: 520.000.000 đồng.

+ Lãi chậm trả từ ngày 20/04/2016 đến ngày 28/02/2019 theo mức lãi 8%/năm là: 7.336.825.110 đồng x 8%/năm x 34 tháng = 1.663.013.691 đồng.

+ Lãi từ ngày 01/3/2019 đến ngày 30/8/2022 theo mức lãi 7,5%/năm là: 1.924.437.393 đồng.

Tổng số tiền lãi tính đến ngày 30/8/2022là: 4.107.451.084 đồng.

Tổng cộng tiền hàng (gốc) và tiền lãi tính đến ngày 30/8/2022là: 11.444.276.194 đồng.

Công ty X khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty M có trách nhiệm:

1/ Thanh toán cho Công ty X toàn bộ số tiền hàng và tiền lãi chậm trả tính đến ngày 30/8/2022 là 11.444.276.194 đồng và tiếp tục chịu tiền lãi phát sinh kể từ ngày 31/8/2022 cho đến khi trả hết nợ gốc theo mức lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

2/ Công ty X xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, không đề nghị Tòa án buộc Công ty M bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất 1.230 m2 tại tại thôn Đ, xã Đ, huyện Q, Hà Nội cho Công ty X theo Biên bản thỏa thuận ngày 28/03/2014.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Công ty X không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty M vì các lý do sau:

- Việc xác định thực tế khách quan của việc mua bán hàng hóa giữa các bên không chỉ dựa trên phiếu UNC và hóa đơn mà phải dựa trên tất cả các tài liệu chứng cứ có liên quan bao gồm cả Biên bản giao hàng, các phiếu chi trả tiền thừa, Biên bản đối chiếu công nợ.

- Việc Công ty X chậm xuất hóa đơn cho Công ty M là do Công ty M vi phạm nghĩa vụ trong việc thanh toán tiền hàng trước.

- Trong suốt một thời gian dài và liên tục phía Công ty M đều thừa nhận số nợ qua các Biên bản đối chiếu công nợ.

Tại đơn phản tố và các văn bản tiếp theo, người đại diện của bị đơn trình bày:

Công ty M và Công ty X có ký Hợp đồng đại lý xăng dầu hàng năm đã diễn ra từ năm 2011, đến năm 2016 Công ty M không lấy hàng của Công ty X nữa. Nay Công ty X kiện đòi nợ đối với Công ty M số tiền mua hàng là 9.266.855.640 đồng (Số tiền theo đơn khởi kiện). Nguyên đơn căn cứ Biên bản đối chiếu công nợ số 01 ngày 22/02/2016 và Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/02/2016 là không đúng với thực tế giao nhận, thanh quyết toán công nợ giữa hai bên.

Công ty M đã kiểm tra lại các tài liệu, chứng từ về việc mua bán xăng dầu giữa hai bên từ khi có hợp đồng ký kết, Công ty M khẳng định không nợ tiền bên Công ty X, cụ thể như sau:

1- Năm 2011, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 31/12/2011 là 24.656.598.680 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 23.356.637.400 đồng. Như vậy, Bị đơn còn nợ là 1.299.961.280 đồng.

2- Năm 2012, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 30/12/2012 là 32.821.212.430 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 33.712.266.700 đồng. Như vậy, Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn là 891.054.270 đồng.

3- Năm 2013, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 31/12/2013 là 7.520.601.910 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 11.306.248.820 đồng. Như vậy, Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn là 3.785.646.910 đồng.

4- Năm 2014, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 31/12/2014 là 14.191.113.420 đồng.Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 8.931.284.240 đồng. Như vậy, Bị đơn còn nợ là 5.259.829.180 đồng.

5- Năm 2015, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 31/12/2015 là 13.317.832.400 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 16.923.295.950 đồng. Như vậy, Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn là 3.605.463.550 đồng.

6- Năm 2016, Bị đơn nhập hàng của Nguyên đơn tính đến ngày 31/12/2016 là 3.103.744.580 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn là 3.989.000.000 đồng. Như vậy, Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn là 885.255.420 đồng.

Như vậy, tính từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2016, Bị đơn đã nhập hàng của Nguyên đơn với tổng số tiền là 95.611.103.420 đồng. Bị đơn đã trả cho Nguyên đơn tổng số tiền là 98.218.733.110 đồng. Đối trừ, Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn số tiền là 2.607.629.690 đồng.

Bị đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn mà chấp nhận yêu cầu phản tố của Bị đơn để buộc Nguyên đơn phải thanh toán trả lại Bị đơn số tiền thừa là 2.607.629.690 đồng. Bị đơn không yêu cầu Nguyên đơn phải thanh toán tiền lãi suất theo quy định của pháp luật.

Tại văn bản đề nghị ngày 05/7/2021, Bị đơn đề nghị Tòa án yêu cầu bên Nguyên đơn phải cung cấp bổ sung các hồ sơ, tài liệu bao gồm:

- Toàn bộ tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng (hoặc quý) và toàn bộ báo cáo tài chính quyết toán thuế gửi cơ quan thuế của bên Công ty X từ năm 2011 đến 2016.

- Cung cấp chứng từ thanh toán số tiền 41.054.301.790 đồng theo nội dung báo cáo Kiểm toán của Công ty kiểm toán mà bên Công ty M thanh toán cho Công ty X.

- Báo cáo chi tiết số lượng xăng dầu hàng hóa nhập- xuất tồn của Công ty X gửi Bộ Công thương và Sở Công thương.

Nếu Công ty X không cung cấp các tài liệu trên thì đề nghị Tòa án ra quyết định thu thập các tài liệu trên tại Cơ quan thuế, Sở Công thương và Bộ công thương Hà Nội.

Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 12/9/2022 Toà án nhân dân huyện Thạch Thất đã quyết định:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty X.

Buộc Công ty M phải trả nợ cho cho Công ty X tổng số tiền hàng và tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 30/8/2022 là 11.444.276.194 đồng (Mười một tỷ, bốn trăm bốn mươi bốn triệu, hai trăm bảy mươi sáu nghìn, một trăm chín mươi tư đồng). Trong đó: Tiền hàng (gốc) là 7.336.825.110 đồng (Bảy tỷ, ba trăm ba mươi sáu triệu, tám trăm hai mươi lăn nghìn, một trăm mười đồng), tiền lãi chậm thanh toán là 4.107.451.084 đồng (Bốn tỷ, một trăm linh bảy triệu, bốn trăm năm mốt nghìn, không trăm tám mươi tư đồng). Kể từ ngày 31/8/2022, Công ty M phải tiếp tục chịu tiền lãi phát sinh đối với số nợ gốc chậm thanh toán, theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận trong phụ lục hợp đồng ngày 28/3/2014 cho đến khi thanh toán xong nợ gốc.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty M về việc buộc Công ty X trả lại số tiền 2.607.629.690 đồng (Hai tỷ, sáu trăm linh bảy triệu, sáu trăm hai mươi chín nghìn, sáu trăm chín mươi đồng).

3. Đình chỉ yêu cầu của Công ty X về việc buộc Công ty M bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất 1.230 m2 tại thôn Đ, xã Đ, huyện Q, Hà Nội cho Công ty X theo biên bản thỏa thuận ngày 28/03/2014 do Công ty X rút yêu cầu.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 19/9/2022 Công ty M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại phiên toà phúc thẩm ông Trần Quang D – đại diện theo uỷ quyền của bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị HĐXX căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu quan điểm:

Căn cứ vào 02 biên bản đối chiếu công nợ số 01 ngày 22/2/2016 và biên bản số 02 ngày 24/2/2016 khẳng định Công ty M đang nợ Công ty X số tiền 7.336.825.110 đồng. Mặt khác theo báo cáo kết quả kiểm tra của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn cũng xác định Công ty M đang nợ số tiền nêu trên. Vì vậy đề nghị HĐXX bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX và việc chấp hành pháp luật của nguyên đơn, bị đơn đúng qui định Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn và nộp dự phí kháng cáo là hợp lệ.

Hợp đồng mua bán xăng được hai bên ký kết tự nguyện và đã được các bên thực hiện mua bán xăng dầu trong nhiều năm. Biên bản đối chiếu công nợ số 01, 02 giữa hai bên ngày 22/02/2016 xác định: đến hết 31/01/2016 Công ty M còn nợ 7.130.588.840 đồng tiền hàng, tiền nợ lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng giữa 02 bên là 520.000.000 đồng. Tiền hàng từ tháng 2 đến tháng 4/2016 chưa thanh toán là 206.236.270 đồng.

Các số liệu mua bán, nợ tiền hàng và lãi đã được Tòa án cấp sơ thẩm ký hợp đồng thuê kiểm toán xác định Công ty M còn đang nợ tổng 7.336.825.110 đồng và 520.000.000 đồng là phù hợp với biên bản đối chiếu công nợ, cũng như các tài liệu do nguyên đơn xuất trình nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở.

Về tiền lãi chậm thanh toán: Phụ lục hợp đồng ngày 28/3/2014 và phụ lục hợp đồng các năm 2015, 2016 có thỏa thuận lãi suất Công ty M phải chịu tuy nhiên không thỏa thuận rõ lãi suất ngân hàng nào. Tuy nhiên lãi suất mà Công ty Xyêu cầu áp dụng là lãi suất của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn mức 8% từ 20/4/2016 đến 28/2/2019 và mức 7,5% từ 01/3/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 30/8/2022 là phù hợp với quy định của pháp luật và có lợi cho bị đơn nên chấp nhận.

Cần sửa cách tuyên đối với lãi suất chậm thi hành án kể từ ngày 31/8/2022 theo lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đến khi thanh toán hết nợ gốc để có căn cứ thi hành án.

Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản Khoản 2 điều 308 BLTTDS; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:

- Không chấp nhận kháng cáo của Công ty M - Sửa bản án KDTM sơ thẩm về cách tuyên đối với lãi suất áp dụng như đã nêu trên.

- Án phí KDTM phúc thẩm: Công ty M phải chịu án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

1.Về việc xác định người đại diện tham gia tố tụng:

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty M, loại hình doanh nghiệp là Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Người đại diện theo pháp luật: bà Trần Nhật T – Giám đốc. Ngày 5/5/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện T có Quyết định khởi tố bị can số 152 và Lệnh bắt bị can để tạm giam số 20/LB-CQĐT đối với Trần Nhật T.

Căn cứ quy định tại điều 12 Luật Doanh nghiệp, Toà án sẽ chỉ định thành viên còn lại là người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng trong trường hợp nếu thành viên là người đại diện theo pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù….Vì vậy Toà án chỉ định thành viên còn lại của Công ty là bà Chu Thị H là người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng.

2. Xét kháng cáo của Công ty M:

Trong các năm từ 2014 đến 2016 Công ty X và Công ty M ký các hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu số: 17/HĐĐLXD ngày 02/01/2014, số: 28/XDTL1-HĐĐL/VN ký ngày 29/01/2015; số 08/XDTL1-HĐĐL/VN ngày 02/01/2016 và phụ lục hợp đồng số 01 PLHĐ.2014, số 02 PLHĐ.2014 ngày 28/3/2014, số 01/XDTL1-PLHĐ ĐL/VN ngày 29/01/2015; số 05/XDTL1-PLHĐĐL.2016 ngày 03/01/2016 về việc làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Theo đó Bên B (Công ty M) làm đại lý bán lẻ hưởng thù lao do bên A (công ty X) quy định để tổ chức bán cho hệ thống phân phối của mình đã đăng ký với bên A. Bên B tiêu thụ các sản phẩm Dầu Diezel, xăng các loại tính bằng lít ở nhiệt độ thực tế.

Thanh toán: Định kỳ đến tháng sau bên A và bên B đối chiếu số lượng hàng hoá giao nhận tháng trước bằng văn bản có chữ ký của người có thẩm quyền đại diện của mỗi bên. Thời gian thanh toán: Thanh toán ngay.

Xét Hợp đồng được ký kết trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên có hiệu lực.

Quá trình thực hiện hợp đồng. Các bên đã nhiều lần đối chiếu công nợ. Tại biên bản đối chiếu công nợ cuối cùng số 01 ngày 22/02/2016 và biên bản đối chiếu công nợ số 02 ngày 24/2/2016. Công ty M xác nhận còn nợ Công ty X tổng số tiền hàng tính đến hết ngày 31/01/2016 là 7.130.588.840 đồng.

Sau khi chốt nợ vào ngày 31/01/2016, Công ty X tiếp tục giao hàng đến tháng 04/2016 với tổng số tiền hàng là 2.459.236.270 đồng, Công ty M đã thanh toán được 2.253.000.000 đồng, còn nợ lại 206.236.270 đồng. Sau đó hai bên chấm dứt việc mua bán xăng dầu với nhau. Số tiền Công ty M nợ Công ty X đến hết tháng 04/2016 là 7.336.825.110 đồng.

Công ty M không đồng ý với số tiền Công ty X đề nghị thanh toán. Theo đơn phản tố Công ty M cho biết từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2016, Bị đơn đã nhập hàng của Nguyên đơn với tổng số tiền là 95.611.103.420 đồng, đã thanh toán 98.218.733.110 đồng. Như vậy Bị đơn đã trả thừa cho Nguyên đơn số tiền là 2.607.629.690 đồng. Biên bản đối chiếu công nợ bị đơn ký khi chưa kiểm tra các chứng từ nhập hàng và trả tiền. Hai bên ký biên bản không chuẩn bị kỹ về số liệu, qua loa, bị nguyên đơn ép ký. Nay Công ty đã kiểm tra thì thấy bị đơn không nợ nguyên đơn mà còn trả tiền thừa cho nguyên đơn HĐXX thấy rằng: Công ty X khi giao hàng cho bị đơn đều có biên bản giao nhận hàng cụ thể theo từng đợt. Bị đơn chỉ căn cứ vào Hoá đơn GTGT do nguyên đơn phát hành và các chứng từ thanh toán của bị đơn qua Ngân hàng để xác định số tiền như bị đơn trình bày. Thực tế nguyên đơn chưa xuất hết hoá đơn khi giao hàng cho bị đơn bởi Công ty M thanh toán tiền hàng chậm, không đúng quy định của hợp đồng là phải thanh toán ngay.

Quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, Toà án đã thuê Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn K có trụ sở tại đại lộ T, phường M, quận N, Hà Nội để kiểm tra số dư công nợ phải thu, công nợ phải trả của Công ty X và Công ty M. Tại Báo cáo kết quả kiểm tra ngày 12/5/2021 Công ty kiểm toán khi căn cứ vào tài liệu do bên A (công ty X cung cấp) gồm:

- Biên bản bàn giao giữa bên A và bên B - Sổ chi tiết công nợ của bên A - Chứng từ thanh toán của bên B cho bên A qua ngân hàng - Biên bản đối chiếu công nợ giữa bên A và bên B đến tháng 1/2016 - Phiếu chi tiền mặt của bên A cho bên B - Một số tài liệu khác.

Trên cơ sở tài liệu trên, số liệu Công ty kiểm toán xác định như sau:

- Tổng công nợ hàng hoá đến hết 31/01/2016 (hai bên đã chốt công nợ): 7.130.588.840 đồng - Thời điểm phát sinh công nợ tháng 2/2016 đến tháng 4/2016 (có biên bản nhận hàng (đã trừ đi số tiền M thanh toán ): 206.236.270 đồng.

Như vậy trong báo cáo kiểm toán cũng đã xác định số tiền Công ty M còn nợ Công ty X 7.336.825.110 đồng. Công ty M cho rằng công ty Xc òn nợ 2.607.629.690 đồng không dựa trên số liệu nhập hàng mà chỉ căn cứ hoá đơn do công ty X phát hành là không có cơ sở bởi công ty X chưa xuất hết hoá đơn đối với số hàng đã giao cho bị đơn. Căn cứ kết quả kiểm toán cũng như biên bản đối chiếu công nợ, án sơ thẩm buộc công ty M phải thanh toán số tiền gốc còn nợ 7.336.825.110 đồng cho công ty X là có căn cứ.

Việc Công ty M cho rằng số liệu chưa kiểm tra, bị ép ký biên bản đối chiếu công nợ nhưng trong suốt thời gian từ năm 2016 Công ty không có ý kiến gì về việc này. Chỉ đến khi nguyên đơn khởi kiện, bị đơn mới có ý kiến bị ép ký biên bản đối chiếu công nợ là không có cơ sở chấp nhận.

Xét yêu cầu của Nguyên đơn về khoản tiền lãi của số tiền gốc chưa thanh toán.

Các bên đã đối chiếu công nợ vào ngày 24/02/2016 và nguyên đơn ngừng giao hàng từ tháng 5/2016. Ngày 13/3/2019 nguyên đơn có đơn khởi kiện đề nghị Toà án buộc công ty M trả số tiền còn nợ. Trong quá trình giải quyết vụ án các đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện nên Toà án cấp sơ thẩm không xem xét về thời hiệu là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại phụ lục hợp đồng số 05/XDTL1-PLHĐĐL.2016 ngày 3/1/2016 Nguyên đơn đồng ý cho Bị đơn được dư nợ cố định 3.000.000.000 đồng. Số dư nợ này Bị đơn có trách nhiệm thanh toán hàng tháng cho Nguyên đơn là 40.000.000 đồng, thời gian thanh toán từ ngày 05 đến ngày 10 tháng kế tiếp. Ngoài số dư nợ trên, bên A đồng ý cho bên B được dư nợ thêm tối đa 4.000.000.000 đồng, số tiền này bên B không phải chịu lãi vay Ngân hàng nhưng lượng hàng bên B lấy đến đâu sẽ thanh toán dứt điểm cho bên A.

Theo phụ lục số 05, lãi suất nguyên đơn và bị đơn thoả thuận theo số liệu đã chốt nợ lãi được tính với mức lãi suất 16%/năm. Tại phiên toà sơ thẩm, Nguyên đơn đề nghị áp dụng mức lãi suất quá hạn là 8%/năm, mức lãi suất này thấp hơn lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường theo quy định tại điều 306 Luật Thương mại (lãi suất của 03 Ngân hàng V, Vbank và Ag) là có lợi cho bị đơn nên được chấp nhận.

Hai bên đã đối chiếu số tiền lãi bị đơn phải trả tính từ 1/1/2015 đến 31/1/2016 là 520.000.000 đồng (biên bản đối chiếu công nợ số 01 ngày 22/02/2016). Do đó số tiền lãi tiếp theo được tính tiếp từ 1/2/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm. Theo thoả thuận tại phụ lục hợp đồng số 05, số tiền nguyên đơn đồng ý không tính lãi là 04 tỷ đồng nên số tiền lãi được tính trên số tiền là 7.130.588.840 đồng - 4.000.000.000 đồng = 3.130.588.840 đồng x 8%/năm từ 1/2/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm 12/9/2022 (2.415 ngày) = 1.657.067.846 đồng Đối với lãi suất của khoản nợ phát sinh giao hàng từ tháng 2 đến tháng 4/2016 được xác định là 206.236.270 đồng. Lãi suất được tính từ 1/5/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm 12/9/2022 (2.325 ngày) = 206.236.270 x 8%/năm = 105.095.743 đồng.

Như vậy số lãi bị đơn phải trả nguyên đơn: 520.000.000 + 1.657.067.846 + 105.095.743 = 2.282.163.589 đồng.

Án sơ thẩm tính lãi trên toàn bộ số nợ gốc phải thanh toán là không phù hợp với thoả thuận tại phụ lục hợp đồng số 05/XDTL1-PLHĐĐL.2016 ngày 03/01/2016. Do đó cần sửa bản án sơ thẩm đối với khoản nợ lãi.

Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Từ những nhận định nêu trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điều 302, 303, 307 Luật Thương mại 2005, điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Căn cứ điều 30, 35, 147, 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội.

Xử: Sửa bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 24/2022/KDTM-ST ngày 12/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Thạch Thất.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty X.

Buộc Công ty M phải trả Công ty X tổng số tiền hàng và tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 12/9/2022 theo hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu số 17/HĐĐLXD ngày 02/01/2014, số: 28/XDTL1-HĐĐL/VN ký ngày 29/01/2015; số 08/XDTL1-HĐĐL/VN ngày 02/01/2016 và các phụ lục hợp đồng kèm theo với số nợ gốc là 7.336.825.110 đồng và nợ lãi là 2.282.163.589 đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi là 9.618.988.699 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty M về việc buộc Công ty X trả lại số tiền 2.607.629.690 đồng.

3. Đình chỉ yêu cầu của Công ty X về việc buộc Công ty M bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đất 1.230 m2 tại thôn Đ, xã Đ, huyện Q, Hà Nội cho Công ty X theo biên bản thỏa thuận ngày 28/03/2014 do Công ty X rút yêu cầu.

4. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

5. Về chi phí tố tụng: Công ty M phải thanh toán cho Công ty X số tiền chi phí kiểm toán là 60.000.000 đồng.

6. Về án phí: Công ty M phải chịu 117.618.988 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm + án phí phản tố 84.152.593 đồng không được chấp nhận và không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 42.076.000 đồng theo biên lai số AB/2014/06894 ngày 4/10/2019 và 2.000.000 đồng theo biên lai số AA/2020/0025512 ngày 30/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Hoàn trả Công ty X số tiền 58.633.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số AB/2014/06673 ngày 14/5/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có Hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

304
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá số XX/2023/KDTM-PT

Số hiệu:XX/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 24/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về