Bản án XY/2019/HS-ST ngày 28/08/2019 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUAN HÓA, TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN XY/2019/HS-ST NGÀY 28/08/2019 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Vào ngày 28 tháng 08 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 25/2019/TLST-HS ngày 30 tháng 07 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 24/2019/QĐXXST-HS ngày 14 tháng 08 năm 2019 đối với bị cáo:

Lương Văn N - Sinh năm 1980, tại xã Tr, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa; Nơi cư trú: bản C, xã Tr, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa;

Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ văn hoá (học vấn): Không biết chữ Dân tộc: Thái; Giới tính: Nam;

Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam;

Con ông Lương Văn D (đã chết) và bà Lương Thị Đ Bị cáo có vợ là Lò Thị K (đã ly thân) và 01 con;

Tiền án: 02 tiền án. Ngày 06/02/2015, bị TAND huyện Quan Hóa xử phạt 12 tháng tù; ngày 30/11/2016, tiếp tục bị TAND huyện Quan Hóa xử phạt 10 tháng tù đều về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS 1999. Tiền sự: Không;

Bị cáo bị bắt, tạm giữ, tạm giam từ ngày 07/05/2019. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ- Công an huyện Quan Hóa (Có mặt);

- Bị hại: Truyền tải Điện Hòa Bình – Công ty Truyền tải điện I

Địa chỉ: 64 Điện Biên Phủ, phường Phương Lâm, Tp. Hòa Bình, Hòa Bình

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đinh Sỹ Ch (Có mặt)

Chức vụ: Đội phó Đội truyền tải điện Mai Châu

Địa chỉ: Xóm S, xã Ch, huyện M, tỉnh Hòa Bình (Theo văn bản ủy quyền số 0287/UQ-TTTTĐ ngày 23/04/2019)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Phạm Thị M – Sinh năm: 1973 (Có mặt)

Địa chỉ: bản C, xã Tr, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa

- Người bào chữa: Ông Nguyễn Ngọc Khang – Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa (có mặt)

- Người làm chứng: Chị Lương Thị S – Sinh năm: 1963 (Vắng mặt)

Địa chỉ: bản P, xã Tr, huyện Q, tỉnh Thanh Hóa

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 18/02/2019, Tổ vận hành quản lý đường dây truyền tải điện 220KV Mai Châu – Hòa Bình đi kiểm tra định kỳ phát hiện tại các cột điện thuộc vị trí 3,4,5,6 đi quan bản C, xã Tr, huyện Q bị mất một số thiết bị trên cột điện. Cụ thể:

+ Cột vị trí số 03: Mất 03 sợi tiếp địa liền mạ kẽm, mỗi sợi dài 3m; 02 thanh giằng ngang chân cột hình chữ L dài 1,6m; 02 thanh giằng chéo chân cột hình chữ L, dài 2,2m; 01 biển báo tên đường dây, số cột, TTP, SĐT có kích thước 1,975x67,5x3; 01 biển báo số cột thiết kế, SĐT kích thước: 970x320x3; 19 bộ bulong mạ kẽm M16X55;

+ Cột vị trí số 04: Mất 04 sợi tiếp địa liền cờ mạ kẽm, mỗi sợi dài 3m; 01 biển báo tên đường dây, số cột, TTP, SĐT có kích thước 1,975x67,5x3; 08 bộ bulong mạ kẽm M16X55;

+ Cột vị trí số 05: Mất 04 sợi tiếp địa liền cờ mạ kẽm, mỗi sợi dài 3m; 04 cột hãm dây néo giảm tổng trở sóng mạ kẽm hình chữ L dài 1,8m; 16 bộ ghíp kẹp thép dây TK 70; 04 bộ bulong mạ kẽm M16X55;

+ Cột vị trí số 06: Mất 04 sợi tiếp địa liền cờ mạ kẽm, mỗi sợi dài 3m; 04 cọc hãm dây néo giảm tổng trở sóng mạ kẽm hình chữ L dài 1,8m; 16 bộ ghíp kẹp thép dây TK 70; 01 biển báo tên đường dây, số cột, TTP, SĐT có kích thước 1,975x67,5x3; 01 biển báo số cột thiết kế, SĐT kích thước: 970x320x3; 10 bộ bulong mạ kẽm M16X55.

Toàn bộ thiết bị, vật liệu trên có tổng giá trị ước tính 40.832.437đ (Bốn mươi triệu tám trăm ba mươi hai nghìn bốn trăm ba mươi bảy đồng). Truyền tải điện Hòa Bình đã có văn bản trình báo việc mất trộm trên cho Ban Công an xã Trung Sơn và Công an huyện Quan Hóa.

Ngày 18/04/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Quan Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Lương Văn N về hành vi “Trộm cắp tài sản” theo khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Lương Văn N khai nhận:

Sáng ngày 01/02/2019, Lương Văn N đi từ nhà mình (ở bản C, xã Tr) lên khu vực đặt đường dây truyền tải điện 220KV trên đồi luồng thuộc bản C, xã Tr (do Công ty Truyền tải điện Hòa Bình giao cho Đội truyền tải điện Mai Châu, Hòa Bình quản lý, khai thác). Khi đi N mang theo 01 chiếc kìm sắt với mục đích tháo gỡ, trộm cắp các thiết bị, bộ phận của cột điện cao thế. Khi đến vị trí cột điện đầu tiên (cột số 05), N lần lượt dùng kìm cắt hai dây thép gần chân cột điện hàn nối với cọc thép mạ kẽm màu xám hình chữ V cắm xuống đất, cắt được dây thép N liền nhổ 02 cọc thép mạ kẽm hình chữ V vác lên vai. Rồi N tiếp tục đi đến cột điện số 03, bỏ hai thanh sắt xuống đất và trèo lên cột điện tới vị trí treo biển báo tên đường dây; Nội dùng kìm vặn các bulong khỏi biển báo rồi gỡ xuống đất; và tiếp tục dùng kìm tháo các bulong một thanh giằng ngang có cạnh hình chữ L ở vị trí chân cột điện số 05 và gỡ lấy thanh giằng.

Sau khi trộm cắp được các tài sản trên, N làm biến dạng biển báo và đem toàn bộ số thiết bị này bán cho chị Phạm Thị M (sinh năm 1973, ở bản C, xã Tr) được số tiền 205.000đ (Hai trăm lẻ năm nghìn đồng); Nội lấy đem chi tiêu cá nhân hết.

Tại Kết luận định giá số 02 ngày 12/04/2019 của Hội đồng định giá tài sản huyện Quan Hóa kết luận: 01 biển báo tên đường dây, số cột, TTP, SĐT hình chữ nhật màu xám, kích thước 1,975x67,5x3: 01 thanh giằng ngang chân cột hình chữ L, kích thước 63x63x6, dài 1,6m có hai lỗ ở hai đầu; 02 cọc thép mạ kẽm hình chữ V (75X75X3) nhọn một đầu, hàn tai để hãm dây néo dài 1,8m tại thời điểm ngày 18/02/2019 có giá trị 2.097.5000đ (Hai triệu không trăm chín mươi bảy ngàn năm trăm đồng).

Tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa, đại diện bị hại không có ý kiến gì về Kết luận định giá.

Vt chứng trong vụ án gồm có:

+ 01 chiếc kìm sắt dài 20cm, cán bên tay cầm có bọc cao su màu đỏ đen do Lương Văn N tự nguyện giao nộp hiện đang được bảo quản tại Kho vật chứng – Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa;

+ 01 tấm tôn màu xám, hình chữ nhật, kích thước 197x 67cm. Mặt trước có dòng chữ “ĐD 220Kv đấu nối NMTĐ Trung Sơn vào HTĐ Quốc gia” (là tài sản trộm cắp do Lương Văn N bán lại cho chị M và được chị M tự nguyện giao nộp) đã được Cơ quan điều tra trả lại cho Truyền tải điện Hòa Bình;

+ Các tài sản khác bao gồm: 01 thanh giằng ngang hình chữ L, 02 cọc thép mạ kẽm hình chữ V. Chị Mại khai báo để trong sân nhà nhưng không tìm thấy. Cơ quan Điều tra đã ra Thông báo truy tìm vật chứng đối với số tài sản nêu trên.

Tại bản Cáo trạng số 23/CT-VKSQH- HS ngày 29 tháng 07 năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quan Hóa truy tố bị cáo Lương Văn N về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 Tại phiên tòa, Đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố: Bị cáo Lương Văn N phạm tội “Trộm cắp tài sản” Áp dụng: điểm g khoản 2 điều 173; điểm s khoản 1 điều 51; điều 38 BLHS 2015 Xử phạt bị cáo từ 30 đến tháng 36 tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 07/05/2019.

Trong vụ án này, ngoài số tài sản mà N đã trộm cắp; Truyền tải điện Hòa Bình còn bị mất một số thiết bị khác trên các cột dây điện cao thế. Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra xác minh, nếu có căn cứ sẽ giải quyết bằng một vụ án khác;

Đi với Phạm Thị M là người mua số thiêt bị cột điện mà Lương Văn N trộm cắp; quá trình điều tra xác định M không liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản của N; M không biết số tài sản N đem bán là tài sản trộm cắp; nên không đủ căn cứ xử lý Phạm Thị M về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” Ngoài ra, Đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị HĐXX giải quyết những vấn đề khác trong vụ án như xử lý vật chứng, bồi thường dân sự, án phí.

Quan điểm của người bào chữa: Ngưi bào chữa cho bị cáo đồng ý với quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 điều 51 để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo như: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Ý kiến của đại diện bị hại (Truyền tải điện Hòa Bình): Bị hại đề nghị HĐXX xử lý nghiêm hành vi trộm cắp của Lương Văn N theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu N phải bồi thường thiệt hại cho Công ty số tiền là 2.097.500đ (Hai triệu không trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng).

Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị M: Chị M khai không liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản của N; không biết số tài sản N đem bán là tài sản trộm cắp và không yêu cầu bị cáo bồi hoàn số tiền 205.000đ (Hai trăm lẻ năm nghìn đồng) chị đã đưa cho N để mua số tài sản trộm cắp.

Bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã truy tố; trong phần tranh luận bị cáo không có ý kiến gì. Trong lời nói sau cùng, bị cáo đã thể hiện thái độ ăn năn hối cải, mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng một mức án nhẹ để bị cáo có cơ hội cải tạo, tu dưỡng thành người công dân có ích cho xã hội 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến gì. Tuy nhiên, về thủ tục xử lý vật chứng, Cơ quan Điều tra vẫn còn có sai sót, cụ thể: 01 tấm tôn màu xám, hình chữ nhật, kích thước 197x 67cm. Mặt trước có dòng chữ “ĐD 220Kv đấu nối NMTĐ Trung Sơn vào HTĐ Quốc gia” do Phạm Thị M tự nguyện giao nộp là tài sản hợp pháp của bị hại. Tại Bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra khẳng định đã bàn giao lại tài sản trên cho bị hại. Tuy nhiên, Cơ quan Điều tra lại không ban hành Quyết định xử lý vật chứng, không lập Biên bản giao nhận vật chứng mà chỉ lập Biên bản tạm bàn giao lại tài sản (Bút lục 73) là xử lý vật chứng không triệt để, không phù hợp với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 106 BLTTHS.

Tuy nhiên, sai sót trên không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra rút kinh nghiệm, khắc phục các vi phạm nêu trên.

[2] Xét hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản Cáo trạng đã truy tố; lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng, báo cáo của bị hại, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Kết luận định giá và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Bị cáo đã có lén lút tháo gỡ, chiếm đoạt các thiết bị trên cột điện cao thế 220Kv do Truyền tải điện Hòa Bình quản lý, khai thác; với giá trị tài sản là 2.097.500đ (Hai triệu không trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2016/HSST ngày 30/11/2016, Tòa án nhân dân huyện Quan Hóa đã xử phạt bị cáo 10 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và áp dụng tình tiết “tái phạm” theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999. Nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học cho bản thân; không chịu tích cực cải tạo trở thành người công dân có ích cho xã hội. Mà đến ngày 01/02/2019, trong thời gian đang chịu án tích, bị cáo lại tiếp tục phạm tội với lỗi cố ý. Hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ căn cứ để xử lý về tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS 2015. Quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát là chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Xét tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội; xâm phạm đến quyền sở hữu của tổ chức, pháp nhân được pháp luật bảo vệ; làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự tại địa phương; gây hoang mang, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Hơn thế nữa, hành vi của bị cáo còn trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn hệ thống truyền tải điện; đe dọa an ninh năng lượng trên địa bàn. Do đó, hành vi của bị cáo phải bị xử lý nghiêm để đảm bảo răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

[4] Xét nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, bị cáo luôn có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tuy bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhưng HĐXX xét thấy bị cáo đã từng bị kết án nhiều lần về hành vi “Trộm cắp tài sản”; do đó bị cáo ý thức rõ được hành vi của mình bị pháp luật ngăn cấm, nhưng vì để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài cá nhân; bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội; nên không thể cho rằng bị cáo có nhận thức pháp luật còn hạn chế.

Từ đó, cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, khoản 1 Điều 51 BLHS để bị cáo thấy rõ sự khoan hồng của pháp luật. Xét quan điểm của người bào chữa là có cơ sở nên được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.

[5] Về hình phạt chính: Từ những căn cứ nêu trên, cần áp dụng quy định tại điểm g khoản 2, Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 BLHS 2015; xử phạt bị cáo một mức án tương xứng với tính chất và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức răn đe, để bị cáo tích cực cải tạo, rèn luyện trở thành công dân có ích cho xã hội.

[6] Về hình phạt bổ sung: Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn do đó không áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[7] Về bồi thường dân sự:

+ Xét thấy yêu cầu của bị hại là có cơ sở nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Từ đó cần áp dụng Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự 2015; buộc bị cáo bồi thường cho Truyền tải điện Hòa Bình số tiền 2.097.500đ (Hai triệu không trăm chín bảy nghìn đồng);

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị M không có yêu cầu bị cáo bồi hoàn số tiền 205.000đ (hai trăm lẻ năm nghìn đồng) nên Hội đồng xét xử miễn xét.

[8] Về các tình tiết khác trong vụ án:

+ Trong vụ án này, ngoài số tài sản mà N đã trộm cắp; Truyền tải điện Hòa Bình còn bị mất một số thiết bị khác trên các cột dây điện cao thế. Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra xác minh, nếu có căn cứ sẽ giải quyết bằng một vụ án khác;

+ Đối với Phạm Thị M là người mua số thiết bị cột điện mà Lương Văn N trộm cắp; quá trình điều tra xác định M không liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản của N; M không biết số tài sản Nội đem bán là tài sản trộm cắp; nên không đủ căn cứ xử lý Phạm Thị M về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” [9] Về xử lý vật chứng:

+ 01 chiếc kìm sắt dài 20cm, cán bên tay cầm có bọc cao su màu đỏ đen do Lương Văn N tự nguyện giao nộp là công cụ, phương tiện phạm tội. Do đó, cần áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 47 BLHS 2015; điểm a, khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy;

+ Số tiền 205.000đ (hai trăm lẻ năm nghìn đồng) là tiền bị cáo do hành vi phạm tội mà có; nên cần áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự tuyên truy thu nộp Ngân sách Nhà nước.

[10] Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 173; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38 BLHS 2015;

Căn cứ Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 584, 585, khoản 1 Điều 589 Bộ luật dân sự 2015;

Căn cứ vào điểm a, b khoản 1 Điều 47 BLHS 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, Điều 331, 333 BLTTHS; điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 19/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

1. Tuyên: Bị cáo Lương Văn N phạm tội “Trộm cắp tài sản”;

2. Xử phạt : Bị cáo Lương Văn N 36 ( ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam 07/05/2019 3. Về bồi thường dân sự: Buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho Công ty Truyền tải Điện Hòa Bình số tiền 2.097.500đ (Hai triệu không trăm chín mươi bảy nghìn năm trăm đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người được thi hành án yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án chưa thi hành án thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất giới hạn quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán theo khoản 2 Điều 468 BLDS 2015.

Người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7,9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Về xử lý vật chứng:

+ Tuyên tịch thu tiêu hủy 01 chiếc kìm sắt dài 20cm, cán bên tay cầm có bọc cao su màu đỏ đen do Lương Văn N tự nguyện giao nộp là công cụ, phương tiện phạm tội.Đặc điểm vật chứng thể hiện tại Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản lập ngày 01/8/2019 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Quan Hóa và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quan Hóa;

+ Tuyên truy thu của bị cáo Lương Văn N nộp số tiền 205.000đ (Hai trăm lẻ năm nghìn đồng) nộp Ngân sách Nhà nước.

4. Về án phí: Bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự trong vụ án hình sự.

5. Về quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm công khai, có mặt bị cáo, đại diện của bị hại. Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ nội dung bản án trong thời hạn 15 (mười lăm ngày) kể từ tuyên án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo phần nội dung bản án liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản sao bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

244
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án XY/2019/HS-ST ngày 28/08/2019 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:XY/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quan Hóa - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về