Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 04/2023/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KIẾN XƯƠNG, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 04/2023/DS-ST NGÀY 22/05/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 5 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh T xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 20/2022/TLST- DS ngày 06 tháng 10 năm 2022 về việc "Tranh chấp thừa kế tài sản" theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2023/QĐXXST - DS ngày 20/3/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số: 05/2023/QĐST - DS ngày 20/4/2023 giữa các đương sự:

+ Nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân C, sinh năm 1944;

Địa chỉ: Số nhà 05 ngách 129/5/25, phố G, tổ 1, phường T, quận L, thành phố H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C là ông Lê Chí D - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh T.

+ Bị đơn: Bà Ngô Thị R, sinh năm 1959; địa chỉ: thôn C, xã N, huyện K, tỉnh T.

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Xuân Q, sinh năm 1953; địa chỉ: Số nhà 04 đường Nguyễn Thị K, phường H, quận 12, thành phố H.

2. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1962; địa chỉ: Số nhà 70 khu A, đường Nguyễn Văn L, phường 10, quận G, thành phố H.

3. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1963; địa chỉ: thôn P, xã T, huyện K, tỉnh T.

Đại diện theo ủy quyền của ông C, ông Q và bà N: Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1963; địa chỉ: thôn P, xã T, huyện K, tỉnh T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà M: Ông Phạm Hữu L và ông Phạm Hữu G - Văn phòng luật sư Phạm Hữu Lâm và cộng sự - Đoàn luật sư tỉnh T.

4. Anh Nguyễn Xuân P, sinh năm 1984

5. Anh Nguyễn Xuân Đ, sinh năm 1987

6. Chị Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1997 Địa chỉ: thôn C, xã N, huyện K, tỉnh T.

(Ông D và ông G là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và bà M có mặt. Ông C, ông Q, bà N, bà R, anh P, anh Đ và chị Đ vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 13/6/2022 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Xuân C trình bày: Bố mẹ ông là cụ Nguyễn Xuân K (chết năm 2005), cụ Đinh Thị G (chết năm 1994) sinh được 05 người con chung gồm: ông Nguyễn Xuân C, ông Nguyễn Xuân Q, ông Nguyễn Xuân T (chết năm 2004), bà Nguyễn Thị N, và bà Nguyễn Thị M. Cụ K, cụ G chết đều không để lại di chúc. Di sản của cụ K, cụ G để lại là diện tích đất thổ cư khoảng 236m2, thửa số 1973, bản đồ số 04 và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà mái bằng 01 tầng giáp đường 457 tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T. Thửa đất vẫn đang đứng tên quyền sử dụng đất là cụ Nguyễn Xuân K và bà Ngô Thị R đang quản lý, sử dụng di sản. Sau khi bố mẹ qua đời, nhiều lần các anh em đã họp gia đình để phân chia di sản bố mẹ để lại nhưng không thành. Nay ông C khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là toàn bộ diện tích đất thổ cư khoảng 236m2, thửa số 1973, bản đồ số 04 tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T của cụ K, cụ G để lại cho 05 người con. Ngôi nhà mái bằng 01 tầng giáp đường 457 đã xuống cấp không yêu cầu chia. Ông C đề nghị được chia bằng hiện vật và chia cho bà R công sức quản lý di sản bằng ½ suất thừa kế. Trên diện tích đất này còn có các tài sản do vợ chồng ông T, bà R xây dựng, sẽ thanh toán giá trị tài sản cho bà R. Về tiền M táng phí nguyên đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết. Cụ K, cụ G không có con riêng, không có con nuôi và không để lại khoản nợ nào.

* Bị đơn là bà Ngô Thị R trình bày: cụ K chết năm 2005, cụ G chết năm 1994 sinh được 05 người con chung gồm: ông Nguyễn Xuân C, ông Nguyễn Xuân Q, ông Nguyễn Xuân T là chồng bà R (chết năm 2004), bà Nguyễn Thị N và bà Nguyễn Thị M. Cụ K, cụ G chết đều không để lại di chúc. Ngày 02/7/2004 âm lịch, cụ K cho đất ở của cụ cho 03 người con trai (chia bằng miệng và không có số đo), cụ thể: cho ông T (chồng bà R) phần đất gia đình bà R đã xây nhà năm 1995 là 180m2 (biên bản ghi lời khai ngày 17/4/2023 bà R trình bày diện tích đất là 198m2 ) và đất cụ K cho ông T đã được cấp sổ đỏ năm 2000, phần đất còn lại chia cho ông C và ông Q, phần đất chia cho ông C giáp đất ông T, phần đất ông Q được cụ K chia là đất từ đường (nhà thờ) thẳng ra đường, phần đất này được ông Q tuyên bố tiến cúng cho từ đường. Phần đất của ông C được chia ông C và ông Q viết giấy giao cho ông T, bà R toàn quyền sử dụng do bà bà R đã giao cho ông C tổng số tiền 25.000.000đồng nhưng không có giấy tờ (lần 1 giao 5.000.0000đồng, lần 2 giao 10.000.000đồng năm 1994 và lần 3 giao 10.000.000đồng ngày 02/7/2004 âm lịch) để lấy phần đất ông C được cụ K chia. Bà R cho rằng đất ở của cụ K đã được định đoạt ngày 02/7/2004 âm lịch, phần đất ông C được chia đã chuyển nhượng cho bà R thể hiện ở giấy viết tay ông Công, ông Q viết và ký do đó cụ K không còn đất để chia thừa kế. Giấy ông C, ông Q viết và ký được giao cho cụ K giữ đến lúc cụ K mất thì không tìm thấy giấy đâu. Việc cụ K chia đất cho 03 con trai chưa làm thủ tục với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về diện tích đất đổi 131m2 theo bà R là đổi đất phần trăm hai lúa ngoài đồng của cụ K, cụ G, ông T, bà R. Năm 2016, các con cháu cụ K đã đổi 72,5m2 đất của cụ K lấy 184,4m2 đất của bà Vui. Việc đổi đất của hai gia đình đã xong, bà R không có ý kiến gì. Phần đất giáp từ đường đến giáp đất đổi cho bà Vui, bà R đề nghị được hưởng ½, ½ đất còn lại chia cho các bác, các cô. Nhà kho cạnh nhà thờ do gia đình bà R xây dựng năm 2000, nhà thờ do ông T (chồng bà R) cùng cả họ góp tiền xây dựng năm 2000. Nhà giáp đường do ông T xây dựng năm 2000 cho cụ K ở do nhà của cụ K ở xuống cấp, sau khi cụ K và ông T mất thì bà R quản lý trông nom. Mái tôn do bà R xây dựng năm 2016 và 2021. Bà R và ông T có 03 người con là Nguyễn Xuân P, Nguyễn Xuân Đ và Nguyễn Thị Đ.

* Người được ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Xuân Q, bà Nguyễn Thị N và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập - bà Nguyễn Thị M trình bày: Bố mẹ bà là cụ K (chết năm 2005), cụ G (chết năm 1994) sinh được 05 người con chung gồm: ông C, ông Q, ông T (chết năm 2004), bà N và bà M. Cụ K, cụ G chết đều không để lại di chúc. Tài sản các cụ để lại gồm đất thổ cư diện tích khoảng 236m2, thửa số 1973 và tài sản gắn liền với đất là nhà mái bằng giáp đường 457 + đất trồng cây lâu năm diện tích 88m2, thửa số 1974 (được UBND xã Nam Cao giao năm 1999), bản đồ số 04, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T và căn nhà khoảng 18,5m2 giáp đường 457. Năm 2016, các con cháu cụ K đã đổi 72,5m2 đất trồng cây hàng năm (đo đạc thực tế là 73,7m2) để gia đình bà Vui sử dụng, các con cháu cụ K sử dụng, 184,4m2 đất ở của gia đình bà Vui (đo đạc thựa tế là 183,4m2). Đến nay căn nhà đã xuống cấp không còn giá trị sử dụng, nên không yêu cầu chia và phần đất đổi cho gia đình bà Vui có diện tích 183,4 m2 sẽ tách ra để sau này giải quyết bằng một vụ án dân sự. Do đó bà M, bà N, ông Q đề nghị Tòa án phân chia di sản của cụ K, cụ G để lại là diện tích đất ở khoảng 236 m2, thửa số 1973 + diện tích đất trồng cây lâu năm 37,7m2, thửa số 1974, bản đồ số 04, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T, tổng diện tích là: 273,7m2 (trong đó có 236 m2 đt thổ cư và 37,7 m2 đt vườn tạp) đo đạc thực tế chưa trừ hàng lang giao thông là 289,1m2. Bà M, bà N, ông Q đều thống nhất là phần đất đã xây dựng nhà thờ và sân của nhà thờ từ đường (đo đạc thực tế có diện tích khoảng 110,5 m2) thì để lại làm nơi thờ cúng của dòng họ Nguyễn Xuân tại xã Nam Cao, phần đất các ông, bà được hưởng thừa kế đề nghị Tòa án giao sử dụng chung và thống nhất thanh toán công sức quản lý, tôn tạo di sản cho bà R bằng 1/2 kỷ phần thừa kế. Bà R và các con R được sử dụng toàn bộ phần đất ở, mà một bên giáp với mảnh đất bà R đang sử dụng hiện nay và một bên giáp với đất nhà thờ là 62,9m2 (phần diện tích đất này nhiều hơn so với phần của mẹ con bà R được hưởng nhưng bà M, bà N, ông Q không yêu cầu mẹ con bà R phải trả tiền chênh lệch về tài sản). Phần diện tích đất mà ông C, ông Q, bà N, bà M được hưởng là phần đất, mà một bên giáp với đất nhà nhà thờ và một bên giáp với đất còn lại của gia đình cụ K đổi cho bà Vui, có diện tích là 100,3m2 (Trong đó có 62,6 m2 đt thổ cư và 37,7 m2 đt vườn tạp). Hiện nay, trên phần đất mà ông C, Q, bà N, bà M được chia có một nhà lợp tôn và một mái tôn do ông T, bà R xây dựng sẽ thanh toán giá trị tài sản cho bà R. Cụ K, cụ G không có con riêng, không có con nuôi và không để lại khoản nợ nào. Khi cụ K còn sống, thì tất cả anh em đều có nghĩa vụ trông nom bố mẹ khi già yếu và khi bố mẹ mất thì tất cả anh em đều có nghĩa vụ lo cho bố mẹ theo phong tục tập Q tại địa P nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Quá trình giải quyết vụ án, ông C nhất trí với yêu cầu độc lập của bà M.

- Kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Nam Cao thể hiện: Theo bản đồ năm 1993 thì đất mang tên ông Nguyễn Xuân K có số thửa 1973 diện tích 236m2. Theo bản đồ năm 2010 thì đất vẫn mang tên ông Nguyễn Xuân K có số thửa 569 tờ bản đồ số 11 có diện tích 300,4m2, trên đất có nhà thờ. Theo sổ của UBND xã theo dõi thì gia đình bà R, ông T chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo sơ đồ đo năm 2010. Đến ngày 04/11/2016, giữa các con ông K và gia đình bà Vui tự thỏa thuận đổi đất cho nhau. Nhà ông K đổi 72,5m2 cho gia đình bà Vui, còn gia đình bà Vui đổi 184,4m2 cho nhà ông K. Việc hai gia đình đổi đất cho nhau chỉ làm bản cam kết có xác nhận của UBND xã Nam Cao. Tuy nhiên sau khi đổi đất hai gia đình chưa làm sổ đỏ về việc chuyển đổi đất cho nhau. Theo bản đồ năm 2010 đo Vlap, đất ông Nguyễn Xuân T có số thửa 565, tờ bản đồ số 11 có diện tích 266,5m2 trong đó có xây nhà trên đất nhưng không hết diện tích 266,5m2. Diện tích đất ở của ông T, bà R tăng từ 180m2 lên 266,5m2 là vì nằm trong phần thửa đất số 1973 của cụ K để lại. Từ trước thời điểm cụ K chết năm 2005, cụ K không làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất của cụ cho các con của cụ với UBND xã Nam Cao.

- Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ ngày 18/11/2022 tại thửa đất số 569 tờ bản đồ số 11, thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao ghi nhận: Đo đạc thực tế thì thửa đất số 569 tờ bản đồ số 11 có diện tích đất ở là 236m2 + 183,4m2 = 419,4m2 và đất trồng cây lâu năm là 131m2, tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà mái ngói xây dựng năm 1998 có diện tích 29,7m2; nhà mái bằng 01 tầng cạnh đường xây dựng năm 1998 có diện tích 18,5m2; sân bê tông xây dựng năm 1998 có diện tích 157,1m2; tường bao giáp đường dài 5m, cao 01m, then hoa cao 1,6m, xây dựng năm 1998; tường bao giáp từ đường dài 5,61m, cao 02m, rộng 220, xây dựng năm 1998; nhà mái tôn có diện tích 19,6m2 xây dựng năm 2016; mái tôn có diện tích 41,2m2 xây dựng năm 2022; hàng rào B40 dài 22,41m, cao 1,5m, xây dựng năm 2022; mái Broximăng có diện tích 12,1m2; cổng Inox xây dựng năm 2016, cao 2,7m, rộng 3,7m; 04 cây vú sữa gốc 4-8cm; 04 cây sấu gốc 4-8cm; 04 cây nhãn gốc 4-8cm, 04 cây mít gốc 4-8cm, 02 cây mít gốc 2-4cm; 04 cây khế gốc 4-8cm; 01 cây hoa giấy gốc trên 5cm; 03 chậu cây đường kính 50cm.

- Tòa án quyết định định giá tài sản: Hội đồng định giá đã tiến hành định giá tài sản vào ngày 15/02/2023 như sau:

+ 01 ngôi nhà mái ngói xây dựng năm 1998 có diện tích 29,7m2 đã hết khấu hao;

+ Nhà mái bằng 01 tầng cạnh đường xây dựng năm 1998 có diện tích 18,5m2 đã hết khấu hao;

+ Sân bê tông xây dựng năm 1998 có diện tích 157,1m2; đã hết khấu hao;

+ Tường bao giáp đường dài 5m, cao 01m, then hoa cao 1,6m, xây dựng năm 1998; đã hết khấu hao;

+ Tường bao phía trước giáp từ đường dài 5,61m, cao 02m, rộng 220, xây dựng năm 1998; đã hết khấu hao;

+ Nhà mái tôn có diện tích 19,6m2 xây dựng năm 2016, đã khấu hao 30% giá trị còn lại là: 2.219.480đ;

+ Mái tôn có diện tích 41,2m2 xây dựng năm 2022; có giá trị là 23.576.000đ;

+ Hàng rào B40 dài 22,41m, cao 1,5m, xây dựng năm 2022; có giá trị là 21.491.000đ;

+ Mái Broximăng có diện tích 12,1m2; xây dựng năm 2000; đã hết khấu hao;

+ Cổng Inox xây dựng năm 2016, cao 2,7m, rộng 3,7m; có giá trị 8.924.000đ;

+ 04 cây vú sữa gốc 4- 8cm có giá 350.000đ;

+ 04 cây sấu gốc 4- 8cm; 04 cây nhãn gốc 4- 8cm có giá 107.000đ;

+ 04 cây mít gốc 4- 8cm có giá 700.000đ;

+ 04 cây nhãn gốc 4- 8cm có giá 350.000đ;

+ 02 cây mít gốc 2- 4cm có giá 180.000đ;

+ 04 cây khế gốc 4- 8cm có giá 250.000đ;

+ 01 cây hoa giấy gốc trên 5cm có giá 250.000đ;

+ 03 chậu cây đường kính 50cm có giá 90.000đ;

+ Đất ở: 4.000.000đ/m2 x 419,4m2 = 2.774.640.000đồng;

+ Đất trồng cây lâu năm: 131m2 x 45.000đồng/m2 = 5.895.000đồng.

* Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K, tỉnh T phát biểu ý kiến:

- Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và Thư ký đã thực hiện cơ bản đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án.

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng: Nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông C, ông Q, bà N, bà M chấp hành đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà R, anh P, anh Đ và chị Đ chưa chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Ý kiến về việc giải quyết vụ án: Bị đơn cho rằng đã được cụ K đã tặng cho quyền sử dụng đất ở đối với thửa đất 1973 thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao huyện K cho ông C, ông Q, ông T, và bà R đã giao tiền cho ông C để lấy phần đất ông C được cụ K chia và diện tích đất trồng cây lâu năm được UBND xã Nam Cao giao năm 1999 là do đổi đất hai lúa ngoài đồng của cả ông T + bà R nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ chấp nhận. Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên phiên tòa, ý kiến của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Tòa án đã tống đạt hợp lệ Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các Quyết định hoãn phiên tòa cho bà R, anh P, anh Đ, chị Đ nhưng bà R và các con của bà R vẫn vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa không có lý do chính đáng, vì vậy Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà R, anh P, anh Đ, chị Đ theo quy định tại Điều 227 và Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Về thời hiệu khởi kiện vụ án: Cụ Đinh Thị G chết năm 1994, cụ Nguyễn Xuân K chết năm 2005. Thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản của cụ G, để lại tính đến ngày nguyên đơn khởi kiện (ngày 03/10/2022) là 28 năm, như vậy còn nằm trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 điều 623 của Bộ luật dân sự.

[3] Về hàng thừa kế: cụ K và cụ G sinh được 05 người con gồm: ông C, ông Q, bà N, bà M và ông T đã chết năm 2004 có 03 con là anh Đ, anh P, chị Đ. Như vậy toàn bộ di sản của cụ K, cụ G được chia đều cho ông C, ông Q, bà N, bà M và ông T, mỗi người được hưởng một suất thừa kế theo quy định của pháp luật. Do ông T chết năm 2004(chết trước cụ K) thì các con ông T là anh P, anh Đ, chị Đ được hưởng phần di sản là một suất thừa kế của ông T theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự.

[3]. Xác định di sản thừa kế:

[3.1] Theo bản đồ 04 và sổ mục kê bản đồ 04 đo đạc năm 1993 thì cụ K được sử dụng 236m2 đất thổ cư, thửa số 1973; ông T được sử dụng 180m2 đất thổ cư, thửa số 1972 tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T. Theo biên bản chuyển đổi quyền sử dụng đất ngày 02/02/1999, thì cụ K được giao sử dụng 88m2 đất vườn tạp, thửa đất số 1974 với các chiều đo: phía Đ Nam giáp đất ông Sá = 17,5m, phía Đ Bắc giáp ông K = 5,15m, phía Tây Bắc giáp đường 222 = 17,2m, phía Tây Nam giáp đường vào xóm = 5,05m tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T, UBND xã thu đất phần trăm ngoài đồng của ông K (hai lúa) = 88m2. Xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Nam Cao thể hiện: bản đồ năm 1993 thì đất mang tên cụ K có số thửa 1973 diện tích 236m2, bản đồ năm 2010 thì đất cụ K có số thửa 569 tờ bản đồ số 11 với diện tích 300,4m2, đất ông Nguyễn Xuân T có số thửa 565 tờ bản đồ số 11 với diện tích 266,5m2. Diện tích đất ở của ông T, bà R tăng từ 180m2 lên 266,5m2 là vì nằm trong phần thửa đất số 1973 của cụ K để lại. Từ trước thời điểm cụ K chết năm 2005, cụ K không làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất của cụ cho các con của cụ với UBND xã Nam Cao. Lời khai của bà R ngày 08/3/2019 + ngày 17/4/2023 thể hiện: ngày 02/7/2004 (âm lịch), cụ K chia đất cho các con (cho bằng miệng) cũng không làm thủ tục với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Văn bản ngày 4/7/2004 thể hiện ông C, ông Q đã nhất trí sau này phần đất của cụ K cho ông C, ông Q sẽ nhượng lại cho vợ chồng ông T sử dụng không thắc mắc mắc gì. Như vậy việc bà R cho rằng đất ở của cụ K đã được cụ định đoạt cho ông C, ông Q, ông T; ông C đã chuyển nhượng phần diện tích đất ông C được cụ K chia cho ông T, bà R ông Q đã viết giấy giao đất phần đất mà ông C, ông Q được cụ K chia cho ông T, bà R toàn quyền sử dụng và diện tích đất đổi 131m2 năm 1999 là đổi đất phần trăm hai lúa ngoài đồng là đổi cả đất phần trăm hai lúa ngoài đồng của ông T, bà R là không có căn cứ chấp nhận.

[3.2] Ông C, bà M và bà R đều trình bày là khi cụ K và cụ G còn sống có xây dựng nhà ngang mái ngói. Năm 1998 - 2000, ông T, bà R đã phá nhà mái ngói của cụ K và xây dựng ngôi nhà mái bằng 01 tầng giáp đường 457 cho cụ K ở đến năm 2005 thì cụ K chết. Năm 2016, các con cháu cụ K đã đổi 72,5m2 đất trồng cây hàng năm, đo đạc thực tế là 73,7m2 (chưa trừ đất hành lang giao thông với các chiều đo: phía Bắc giáp đường 457 dài 10m, phía Tây giáp ngõ vào nhà bà Hóa dài 7,1m, phía Nam giáp đất bà Vui dài 10m, phái Đ giáp đất ông K dài 7,4m) để gia đình bà Vui sử dụng, các con cháu cụ K sử dụng 184,4m2 đất ở của gia đình bà Vui. Sau khi trừ diện tích đất giao thông, diện tích đất trồng cây lâu năm các con cháu cụ K đổi cho gia đình bà Vui là 51m2 do đó diện tích đất trồng cây lâu năm của cụ K còn lại là 37,7m2. Phần diện tích 51m2 đất trồng cây lâu năm của cụ K đổi cho gia đình bà Vui lấy diện tích 184,4m2 đất ở của gia đình bà Vui sẽ tách ra để sau này giải quyết bằng một vụ án dân sự khác.

[3.3] Như vậy xác định di sản thừa kế của cụ K, cụ G để chia gồm quyền sử dụng thửa đất 569, tờ bản đồ số 11 có diện tích đất 236m2 đất ở và 37,7m2 đất trồng cây lâu năm và tài sản gắn liền với đất là nhà mái bằng 01 tầng giáp đường 457 tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T.

[4] Các tài sản khác trên diện tích 273,7m2 đất cụ K, cụ G để lại gồm: Nhà mái tôn diện tích 19,6m2; mái tôn 41,2m2; sân bê tông 157,2m2; mái hiên nhà bà R 9,8m2; tường bao giáp đường dài 5m, cao 01m, then hoa cao 1,6m; tường bao giáp từ đường dài 5,61m, cao 02m, rộng 220; hàng rào B40 dài 22,41m, cao 1,5m; mái Broximăng có diện tích 12,1m2; cổng Inox cao 2,7m, rộng 3,7m; 04 cây vú sữa gốc 4-8cn; 04 cây sấu gốc 4-8cm; 04 cây nhãn gốc 4-8cm, 04 cây mít gốc 4-8cm, 02 cây mít gốc 2-4cm; 04 cây khế gốc 4-8cm; 01 cây hoa giấy gốc trên 5cm; 03 chậu cây đường kính 50cm là tài sản do vợ chồng ông T, bà R tạo dựng, không phải di sản thừa kế.

[5] Về P thức phân chia di sản thừa kế và giải quyết tài sản trên đất: Toàn bộ di sản và tài sản trên đất hiện do bà R đang quản lý. Ông C, ông Q, bà M, bà N đều thống nhất là phần đất ở đã xây dựng nhà thờ + sân nhà thờ thì để lại làm nơi thờ cúng của dòng họ Nguyễn Xuân. Ông C, ông Q, bà N, bà M đề nghị thanh toán bằng hiện vật công sức quản lý, tôn tạo di sản cho bà R bằng ½ suất thừa kế và chia cho bà R và các con bà R được sử dụng toàn bộ phần đất ở, mà một bên giáp với mảnh đất bà R đang sử dụng hiện nay và một bên giáp với đất nhà thờ (phần diện tích đất này nếu nhiều hơn so với phần của bà R các con bà R được hưởng thì bà M, bà N, ông Q, ông C không yêu cầu mẹ con bà R phải trả tiền chênh lệch về tài sản). Ông C, Q, bà N, bà M đề nghị được chia chung bằng hiện vật là phần đất, mà một bên giáp với đất nhà nhà thờ và một bên giáp với đất còn lại của gia đình cụ K đổi cho bà Vui. Bà R là người trực tiếp quản lý, tôn tạo, duy trì di sản nên cần chia cho bà R được hưởng công sức quản lý, tôn tạo di sản bằng 01 suất thừa kế. Như vậy diện tích 236m2 đất ở trừ đi diện tích nhà thờ + sân nhà thờ = 110,5m2 còn lại 125,5m2 đất ở và 37,7m2 đất trồng cây lâu năm được chia làm 6 suất, mỗi suất là 20,9m2 đất ở và 6,28m2 đất trồng cây lâu năm. Căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất và tài sản trên đất, nhu cầu sử dụng đất của từng người thừa kế cần phân chia cho bà R và các con bà R là anh P, anh Đ, chị Đ được sử dụng phần diện tích có mái hiên 9.8m2,, sân bê tông 53,1m2, tổng là 62,9m2, phần diện tích còn lại 100,3m2 (trong đó có 62,6 m2 đt thổ cư và 37,7m2 đt vườn tạp) chia chung cho ông C, ông Q, bà N và bà M, đo đạc thực tế là 115,7m2 là do chưa trừ diện tích giao thông.

[5.1] Phần đất chia cho bà R, anh Đ, anh P và chị Đ có diện tích là 62,9m2 với các cạnh là: Phía Bắc giáp đường 457 dài 4,15m; Phía Nam dài 4,63m; Phía Đ giáp đất ông T, bà R dài 11,8m; Phía Tây giáp đất nhà thờ từ đường dài 13,77m; (có sơ đồ kèm theo bản án ).

Bà R, anh P, anh Đ, chị Đ không phải thanh toán chênh lệch tài sản cho các đồng thừa kế khác.

[5.2] Phần diện tích đất đã xây dựng nhà thờ 29,7m2 + diện tích sân nhà thờ, tổng là 110,5 m2, thì để lại làm nơi thờ cúng của ngành 5 dòng họ Nguyễn Xuân có các cạnh là: phía Bắc giáp đường 457 dài 5,34m; Phía Nam giáp đất bà Vũ Thị N dài 5,62m; Phía Đ giáp đất chia cho bà R và các con bà R dài 20,06m; Phía Tây giáp đất chia cho ông C, ông Q, bà N, bà M dài 19,88m; (có sơ đồ kèm theo bản án ).

[5.3] Chia cho ông C, ông Q, bà N và bà M được sử dụng diện tích đất là 62,6m2 đất thổ cư và 37,7m2 đất trồng cây lâu năm. Đất trồng cây lâu năm có các cạnh là: Phía Tây giáp đất đổi cho bà Vui dài 4,74m, phía Đ giáp đất thổ ở dài 5,15m, phía Bắc giáp đường 457 dài 7,2m, phía Nam dài 7,5m (có sơ đồ kèm theo bản án ).

[5.4] Trên diện tích đất ông C, ông Q, bà N và bà M được chia có 14,8m2 nhà mái bằng một tầng giáp đường 457 là di sản thừa kế đã hết khấu hao; 19,6m2 nhà mái tôn = 2.219.480đồng + 37,5m2 mái tôn = 21.438.000đồng + 30,6m2 sân bê tông đã hết khấu hao + tường bao phía trước giáp đường đã hết khấu hao + 01 cây mít gốc 2-4cm = 90.000đồng do ông T, bà R xây dựng, Ông C, ông Q, bà N, bà M đề nghị giao cho ông C, ông Q, bà N và bà M sở hữu các tài sản trên và thanh toán cho bà R giá trị tài sản theo quy định của pháp luật. Xét các thấy yêu cầu của đương sự về việc giải quyết tài sản trên đất phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

[6] Về án phí: Ông C là người cao tuổi, có đơn xin được miễn án phí nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Bà R, bà M, bà N, ông Q anh P, anh Đ, chị Đ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với kỷ phần được chia.

[7] Về chi phí tố tụng khác: Bà M tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 11.478.300 đồng. Việc tự nguyện này không trái pháp luật vì vậy cần chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào các Điều 649, 650, 651, khoản 2 Điều 660 của Bộ luật dân sự.

- Căn cứ khoản 2 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân C và chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Thị M về chia di sản thừa kế do cụ Nguyễn Xuân K, cụ Đinh Thị G chết để lại là quyền sử dụng thửa đất số 569, tờ bản đồ số 11, diện tích 162,2m2 (gồm đất ở 125,5m2 cùng tài sản gắn với đất là ngôi nhà mái bằng giáp đường 457 và đất trồng cây lâu năm là 37,7m2 có giá trị là 503.665.000đồng tại thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện K, tỉnh T.

2. Chia chia cho bà Ngô Thị R, anh Nguyễn Xuân Đ, anh Nguyễn Xuân P và chị Nguyễn Thị Đ diện tích 62,9m2 có các cạnh là: Phía Bắc giáp đường 457 dài 4,15m; Phía Nam dài 4,63m; Phía Đ giáp đất ông T, bà R dài 11,8m; Phía Tây giáp đất nhà thờ từ đường dài 13,77m (có sơ đồ kèm theo bản án).

Bà R, anh P, anh Đ, chị Đ không phải thanh toán chênh lẹch tài sản cho các đồng thừa kế khác.

3. Chia cho nhà thờ (từ đường) ngành 5 dòng họ Nguyễn Xuân phần diện tích đất đã xây dựng nhà thờ + sân nhà thờ là 110,5 m2 có các cạnh: Phía Bắc giáp đường 457 dài 5,34m; Phía Nam giáp đất bà Vũ Thị N dài 5,62m; Phía Đ giáp đất chia cho bà R và các con bà R dài 20,06m; Phía Tây giáp đất chia cho ông C, ông Q, bà N, bà M dài 19,88m (có sơ đồ kèm theo bản án).

4. Chia cho ông C, ông Q, bà N và bà M được sử dụng diện tích đất là 62,6 m2 đất thổ cư và 37,7 m2 đất trồng cây lâu năm. Đất trồng cây lâu năm có các cạnh là: Phía Tây giáp đất đổi cho bà Vui dài 4,74m, phía Đ giáp đất thổ ở dài 5,15m, phía Bắc giáp đường 457 dài 7,2m, phía Nam dài 7,5m; (có sơ đồ kèm theo bản án).

Trên diện tích đất ông C, ông Q, bà N và bà M được chia có 14,8m2 nhà mái bằng một tầng giáp đường 457 đã hết khấu hao, nhà mái tôn 19,6m2, mái tôn 37,5m2, sân bê tông 30,6m2 đã hết khấu hao, tường bao phía trước giáp đường đã hết khấu hao, do ông T, bà R xây dựng giao cho ông C, ông Q, bà N và bà M sở hữu và các ông, bà trên có trách nhiệm thanh toán cho bà R giá trị 19,6m2 nhà mái tôn là 2.219.480đồng; 37,5m2 mái tôn = 21.438.000đồng,giá trị cây mít 2-4cm là 90.000đồng.

5. Án phí:

- Ông Nguyễn Xuân C được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Xuân Q, bà Nguyễn Thị N và bà Nguyễn Thị M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo kỷ phần được hưởng là: 12.583.250 đồng. Đối trừ số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu) bà M đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai số 0001756 ngày 18/11/2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh T, ông Q, bà N, bà M còn phải nộp 7.538.250đồng.

- Bà Ngô Thị R, anh Nguyễn Xuân P, anh Nguyễn Xuân Đ, chị Nguyễn Thị Đ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo kỷ phần được hưởng là: 12.580.000 đồng 7. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

47
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản số 04/2023/DS-ST

Số hiệu:04/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kiến Xương - Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về