Bản án về tranh chấp thừa kế của con riêng đối với mẹ kế số 07/2018/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG ANH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 07/2018/DS-ST NGÀY 26-29/03/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ

Trong các ngày 26-29/ 03/2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Đông Anh xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số 38/2018/TLST - DS ngày 24 tháng 03 năm 2016 về việc “Tranh chấp thừa kếtheo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2018/QĐXXST - DS ngày 28/02/2018, giữa:

* Nguyên đơn: Ông Đàm Văn V, sinh năm 1963; trú tại: Thôn T, xã D, huyện Đ, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông V: Luật sư Nguyễn Văn H – Văn phòng Luật sư L, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

* Bị đơn: Bà Đàm Thị T, sinh năm 1959; trú tại: Thôn T, xã D, huyện Đ, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T: Luật sư Trần Đức T1 – Công ty luật trách nhiệm hữu hạn H, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Đàm Văn C, sinh năm 1963.

Trú tại: Thôn T, xã D, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

2. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1956.

Trú tại:Thôn N, xã D, huyện Đ, thành phố Hà Nội.

3.Chị Đỗ Thị L, sinh năm 1982 (con bà T).

Trú tại: Xã T, huyện O, thành phố Hà Nội.

4. Chị Đỗ Thị H, sinh năm1984 (con bà T).

Trú tại: Thôn T1, xã D, huyện Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt: Ông V, bà T, ông C và chị H.

Vắng mặt: Ông N, chị L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 05/12/2015 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn ông Đàm Văn V trình bày: Bố đẻ ông là cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996; mẹ đẻ ông là cụ Nguyễn Thị B, sinh năm 1928, chết năm 2016; mẹ nuôi ông là cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1921 chết, năm 2008. Cụ Nguyễn Thị B1 và cụ Đàm Văn C1 không có con chung; cụ C1 và cụ Nguyễn Thị B sinh được 3 người con là: Bà Đàm Thị T, ông Đàm Văn V và ông Đàm Văn C. Ngoài ra, cụ B còn có một người con riêng là ông Nguyễn Văn N sinh năm 1959. Cụ C1 và cụ B1 khi chết đều không để lại di chúc.

Từ nhỏ cụ B1 là người nuôi dưỡng và chăm sóc ông và bà T; năm 1981 bà T lập gia đình ở riêng còn ông ở cùng với cụ C1 và cụ B1 cho đến khi các cụ lần lượt qua đời; từ nhỏ ông và bà T sống với cụ B1 và cụ C1 còn ông C sống với cụ B ở nhà khác trên cùng một thửa đất.

Về đất nông nghiệp đang có tranh chấp  theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số K 177951 diện tích 1982m2 mang tên bà Đàm Thị T có nguồn gốc nhà nước giao năm 1995 theo Nghị định 64/CP. Tại thời điểm cấp đất hộ gia đình bà T có có cả hai con gái là chị H và chị L. Năm 1996 cụ C1 chết, cụ B1 tiếp tục canh tác vụ chiêm, đến vụ mùa năm 1996 thì giao lại thửa ruộng của các cụ ở xứ đồng C2 cho ông canh tác, năm 1997 cụ B1 giao lại cho ông 120m2 đất ở xứ đồng C5 (hiện đã thu hồi). Năm 2013, Nhà nước thu hồi 204m2 đất, giá đền bù là 167.280.000đ, bà T là người nhận và sử dụng tiền. Diện tích đất còn lại của cụ C1 và cụ B1 là 672,8m2, năm 2014 bà T đã giao cho ông C 336,4m2. Toàn bộ diện tích còn lại hiện nay đã được dồn điền đổi thửa ở xứ đồng C2 và X2 Thôn T, xã D.

Nay ông yêu cầu chia thừa kế đối tài sản của cụ C1 và cụ B1 để lại là 672,8m2 và 97.000.000đ tiền đền bù đất, ông xin hưởng bằng hiện vật. Đối với các tài sản khác của cụ C1 và cụ B1 để lại ông không yêu cầu xem xét giải quyết.

* Bị đơn, bà Đàm Thị T trình bày: Bà nhất trí với lời khai của ông V về quan hệ huyết thống. Nguồn gốc 1982m2 đất nông nghiệp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số số K177951 ngày 10/6/1997 là do Nhà nước giao cho bà cùng các con là chị L và chị H theo Nghị Định 64 năm 1995. Tổng diện tích đất được giao là 1982m2, trong đó có cả tiêu chuẩn đất của cụ C1 và cụ B1, khi còn sống hai cụ đã tuyên bố cho bà phần đất nông nghiệp này. Năm 2014 khi Nhà nước dồn điền đổi thửa bà muốn chuyển cho ông V và Chuyên mỗi người 336,4m2 là phần diện tích đất của cụ B1 và cụ C1 nhưng chỉ có ông C nhận. Nay ông V khởi kiện yêu cầu chia thừa kế 672,8m2 đất nông nghiệp và 97.000.000đ tiền nhà nước đền bù đất ruộng của cụ C1 và cụ B1 bà không nhất trí vì: Cụ C1 và cụ B1 đã cho bà toàn bộ phần diện tích đất nông nghiệp, bà đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1997, ông V biết nhưng cũng không có ý kiến gì còn số tiền 97.000.000đ bà đã đưa cho cụ B nay không còn quản lý. Đối với các tài sản khác của cụ C1 và cụ B1 để lại bà không yêu cầu xem xét giải quyết.

*Chị Đỗ Thị H và chị Đỗ Thị L nhất trí với lời khai của bà Đàm Thị T.

* Ông Đàm Văn C trình bày: Ông nhất trí với ý kiến trình bày của ông V về quan  hệ huyết  thống. Về đất nông  nghiệp đang  có tranh chấp diện tích 1982m2 tại Thôn T, xã D do nhà nước cấp cho 5 người là bà T, cụ C1, cụ B1 và hai con bà T là chị H và chị L. Lúc còn sống, cụ C1 đã gặp cán bộ thôn để cho bà T toàn bộ phần diện tích của cụ C1 và cụ B1. Năm 2013, nhà nước thu hồi 204m2 đất, giá đền bù là 167.280.000đ bà T đã gửi tín dụng cho cụ B. Năm 2016 cụ B mất, bà T rút ra để lo tang ma cho cụ B. Mặc dù đã được cụ C1 và cụ B1 cho toàn bộ đất nông nghiệp nhưng năm 2014 khi thực hiện dồn điền đổi thửa bà T vẫn đồng ý giao lại cho ông và ông V mỗi người 336,4m2; phần diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với đất của gia đình ông. Phần của ông V không nhận hiện nay nằm trong tổng số 1442m2 đất bà T được cấp giấy chứng nhận số CE 173954.

Nay ông V yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với số tiền đền bù là 97.000.000đ và 672,8m2 đất ông không đồng ý vì khi cụ C1 và cụ B1 còn sống đã cho bà T, bà T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1997 và ông V không có ý kiến thắc mắc gì. Đối với các tài sản khác của cụ C1 và cụ B1 để lại ông không yêu cầu xem xét giải quyết.

* Ông Nguyễn Văn N trình bày: Diện tích đất nông nghiệp hiện nay đang có tranh chấp cụ C1 và cụ B1 mỗi người có 336,4m2 còn lại là của ba mẹ con bà T, chị L và chị H. Phần đất nông nghiệp của cụ Nguyễn Thị B, ông C đang là người sử dụng. Bản thân ông không yêu cầu và đòi hỏi gì đối với phần đất nông nghiệp của cụ C1 và cụ B1 để lại.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân theo pháp luật, không vi phạm tố tụng. Nguyên đơn chấp hành pháp luật; bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa chấp hành tốt các văn bản tố tụng của tòa án.

Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử: chấp nhận đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của ông Đàm Văn V.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật: Cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996 có vợ cả là cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1921 chết, năm 2008; cụ C1 có vợ hai là cụ Nguyễn Thị B, sinh năm 1928, chết năm 2016. Cụ C1 và cụ B1 khi chết đều không để lại di chúc, nay ông V là con cụ C1 có đơn yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ C1 và cụ B1. Theo Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế” do đó Tòa án thụ lý vụ án “Tranh chấp về thừa kế ” để giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự là có căn cứ.

[2] Về nội dung vụ án: Cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996 có vợ cả là cụ Nguyễn Thị B1, sinh năm 1921 chết, năm 2008; cụ C1 có vợ hai là cụ Nguyễn Thị B, sinh năm 1928, chết năm 2016. Cụ C1 và cụ B1 khi chết đều không để lại di chúc. Cụ C1 và cụ B sinh được 3 người con lần lượt là: Đàm Thị T, sinh năm 1959; Đàm Văn V, sinh năm 1963 và Đàm Văn C, sinh năm 1963. Ngoài ra, cụ B còn có một người con riêng là Nguyễn Văn N sinh năm 1959.

Theo lời khai của các đương sự và tài liệu xác minh của Tòa án thì cụ B1 không có con chung với cụ C1, bà T và ông V tuy là con của cụ B và cụ C1 nhưng từ lúc còn nhỏ đã sống chung cùng một nhà và được cụ C1 và cụ B1 chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp. Ông C ở với cụ B tại nhà khác nhưng vẫn cùng một thửa đất, khi cụ B1 chết bà T, ông V đều cùng có trách nhiệm chung lo tang ma do đó có căn cứ để xác định giữa cụ B1 bà T, ông V có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “con riêng và bố dượng , mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau...”. Như vậy trong trường hợp này cụ B1 và ông V, bà T đều có quyền được hưởng thừa kế di sản của nhau.

Tài sản các bên tranh chấp là đất nông nghiệp được giao theo nghị định 64 của Chính phủ và tiền đền bù đất nông nghiệp giải phóng mặt bằng để làm đường Quốc lộ 3 mới.

Theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Văn phòng đang ký đất đai Hà Nội  – Chi nhánh huyện Đông  Anh cung cấp thể hiện: Ngày 10/06/1997 hộ gia đình bà Đàm Thị T được Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cấp  Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 1982  m2 đất sản xuất nông nghiệp, số sổ K 177951; thời hạn sử dụng đất là 20 năm.

Năm 2013 Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng Quốc lộ 3 mới, đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh, theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ngày 15/05/2013 của Ủy ban nhân huyện Đông Anh thì diện tích của hộ gia đình bà Đàm Thị T (có cả một phần đất của cụ C1 và cụ B1) bị thu hồi là 204m2 tại Xứ đồng C5+D6, tờ bản đồ 260 -2+236-14, thửa 91+97. Theo danh sách chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng  lập ngày 14/11/2013 của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh thì gia đình bà T được nhận số tiền là 167.280.000đ. Như vậy cụ C1 và cụ B1 có 2/5 trong số tiền trên = 66.912.000đ

Năm 2016 nhà nước có chủ trương dồn điền đổi thửa, bà Đàm Thị T đứng ra đại diện cho hộ gia đình kê khai xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho 5 nhân khẩu gồm bà T, chị Đỗ Thị L, chị Đỗ Thị H (đều là con gái bà T) cụ Đàm Văn C1 và cụ Nguyễn Thị B. Sau khi đền bù hộ gia đình bà T còn lại 1778m2 đất nhưng do bà T đề nghị địa phương chuyển 336,4 m2 đất cho ông Đàm Văn C nên diện tích bà T đề nghị cấp lại chỉ còn 1442m2; ngày 7/10/2016 Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất trên cho hộ gia đình bà T (số sổ mới CE173954); ngày 7/10/2016 Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích 336,4m2 đất bà T chuyển quyền sử dụng cho ông Đàm Văn C (diện tích đất này nằm trong số 1.052m2 của hộ gia đình ông Đàm Văn C số sổ CE173552). Như vậy cụ C1 và cụ B1 có 711,2m2 (trong tổng số 1778m2 đất của hộ gia đình bà T và ông C) trị giá 96.012.000đ.

Tổng cộng tài sản của cụ C1 và cụ B1 = 162.924.000đ.

Đối với yêu cầu hưởng di sản bằng hiện vật của ông Đàm Văn V, xét thấy: Năm 2016 bà T và ông C sử dụng đều đã kê khai cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do có chính sách dồn điền, đổi thửa của Nhà nước tại địa bàn xã D để giao đất cho các hộ sử dụng ổn định, lâu dài; phần đất sản xuất nông nghiệp của Cao và cụ B1 đã được giao gộp vào với gia đình bà T và ông C vì vậy kỷ phần thừa kế của ông V được giao bằng tiền.

[3] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí DSST có giá ngạch tương ứng với phần di sản của mình được hưởng.

[4] Về quyền kháng cáo: Các đương sự đều có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 468, 623, 650, 651,654 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 100 Luật đất đai năm 2013; Điều 30, 147, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ngày 27/2/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đàm Văn V đối với bà Đàm Thị T.

2. Xác định thời điểm cụ Đàm Văn C1 chết là ngày 12 tháng 02 năm 1996; thời điểm cụ Nguyễn Thị B1 chết là ngày 18 tháng 07năm 2008 - Còn thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ C1 và cụ B1.

3. Xác định tài sản chung của cụ C1 và cụ B1 có tài sản chung là 711,2m2 đất nông nghiệp (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE173954 do UBND huyện Đông Anh cấp cho hộ bà Đàm Thị T ngày 7/10/2016) trị giá 96.012.000đ và 66.912.000đ (tiền tiêu chuẩn đền bù giải phóng mặt bằng). Tổng cộng = 162.924.000đ; thanh toán tài sản chung cụ C1 và cụ B1 có ½ = 81.462.000đ.

4. Xác định hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản của cụ C1 gồm có: Cụ B1, cụ B, bà T, ông V và ông C. Mở thừa kế lần thứ nhất ngày 12/02/1996; chia di sản thừa kế theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ C1 mỗi người hưởng 1/5= 16.292.400đ.

5. Xác định di sản của cụ B1 có 97.754.400đ (81.462.000đ là khoản thanh toán tài sản chung với cụ C1 + 16.292.400đ là phần cụ B1 được hưởng thừa kế của cụ C1); xác định cụ B1 và bà T, ông V có quan hệ nuôi dưỡng phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế. Mở thừa kế lần thứ hai ngày 18 tháng 07năm 2008; chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của cụ B1 cho ông V và bà T mỗi người hưởng ½ = 48.877.200đ.

Cụ thể giao cho các bên như sau:

- Giao cho ông V hưởng bằng tiền, tổng cộng là 65.169.600đ (kỷ phần ông V được hưởng thừa kế theo quan hệ nuôi dưỡng cụ B1 Cao 48.877.200đ + kỷ phần ông V được hưởng thừa kế của cụ C1 16.292.400đ).

- Giao cho bà T sử dụng 374,8m2 đất nông nghiệp nằm trong diện tích 1442m2 tại xứ đồng X2 và C2, Thôn T, xã D, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE173954 do UBND huyện Đông Anh cấp cho hộ bà Đàm Thị T ngày 7/10/2016) trị giá 50.598.000đ + 66.912.000đ (tiền đền bù bà T đã nhận) = 117.510.000đ. So với phần bà được hưởng thừa kế di sản của cụ C1 là 16.292.400đ và cụ B1 là 48.887.200đ thì thừa 52.340.400đ, bà có trách nhiệm trả cho ông V số tiền này.

- Giao cho ông C sử dụng 336,4m2 đất nông nghiệp nằm trong diện tích 1052 m2 tại xứ đồng X2 và C2, Thôn T, xã D, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CE173952 do UBND huyện Đông Anh cấp cho hộ ông Đàm Văn C ngày 07/10/2016) trị giá 45.414.000đ. So với phần ông được hưởng thừa kế di sản của cụ C1 thì thừa 29.121.600đ; ông có trách nhiệm trả cho ông V 12.829.200đ. Số tiền còn lại là 16.292.400đ (phần di sản của cụ B hưởng thừa kế của cụ C1) – giao cho ông C quản lý; nếu các đương sự có yều cầu chia di sản của cụ B thì được giải quyết bằng một vụ án khác.

6. Về án phí DSST: Ông Đàm Văn V phải nộp 3.258.000đ để sung ngân sách Nhà nước nhưng được trừ vào số tiền 9.589.500đ tiền ông đã nộp tạm ứng án phí tại biên lai thu số AB/2010/0003244 ngày 24/03/2016 của Chi cục Thi hành ándân sự huyện Đông Anh; hoàn trả lại cho ông V 6.331.500đ. Bà Đàm Thị T phải nộp  .258.000đ; ông Đàm Văn C phải nộp 814.000đ để sung ngân sách Nhà nước.

7. Kể từ ngày bản án có hiệu lực thi hành, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án không thi hành thì phải chịu lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức lãi suất được quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.  Trườn hợp được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm, các đương sự đều có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chỉ có quyền kháng cáo về phần có liên quan.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4569
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế của con riêng đối với mẹ kế số 07/2018/DS-ST

Số hiệu:07/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đông Anh - Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Cụ Đàm Văn C1 sinh năm 1922, chết năm 1996 có vợ cả là cụ Nguyễn Thị B1 chết năm 2008; có vợ hai là cụ Nguyễn Thị B chết năm 2016. Cụ B1 không có con chung với cụ C1, khi chết hai cụ đều không để lại di chúc. Cụ B và cụ C1 sinh được 3 người con lần lượt là: Đàm Thị T, sinh năm 1959; Đàm Văn V, sinh năm 1963 và Đàm Văn C, sinh năm 1963. Ngoài ra, cụ B còn có một người con riêng là Nguyễn Văn N sinh năm 1959.

Bà T và ông V tuy là con của cụ B và cụ C1 nhưng từ lúc còn nhỏ đã sống chung cùng một nhà và được cụ C1 và cụ B1 chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp. Khi cụ B1 chết bà T, ông V đều cùng có trách nhiệm chung lo tang ma do đó có căn cứ để xác định giữa cụ B1 bà T, ông V có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Từ đó Hội đồng xét xử xác định: di sản của cụ B1 có 97.754.400đ (81.462.000đ là khoản thanh toán tài sản chung với cụ C1 + 16.292.400đ là phần cụ B1 được hưởng thừa kế của cụ C1); xác định cụ B1 và bà T, ông V có quan hệ nuôi dưỡng phù hợp với các quy định của pháp luật về thừa kế. Quyết định chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của cụ B1 cho ông V và bà T mỗi người hưởng ½ = 48.877.200đ.