Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 06/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 06/2023/DS-PT NGÀY 09/01/2023 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

Ngày 09 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 74/2022/TLPT-DS, ngày 08 tháng 11 năm 2022, về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/DS-ST ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 85/2022/QĐ-PT ngày 05-12-2022, Quyết định hoãn phiên tòa số: 108/2022/QĐ-PT ngày 19-12-2022, giữa các đương sự:

- Các nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Văn P. Cư trú tại: Đường C, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

2. Bà Nguyễn Thị V. Cư trú tại: Cụm T, thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn P. Cư trú tại: Đường C, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 12-12-2022); có mặt.

- Các bị đơn:

1. Bà Nguyễn Thị T. Cư trú tại: Đường B, khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

2. Bà Nguyễn Thị X. Cư trú tại: Đường B, khu N, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X: Ông Phan Văn T, bà Nguyễn Thị Ngọc A: Luật sư Văn phòng luật sư P thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang; đều có mặt.

3. Bà Nguyễn Thị H. Cư trú tại: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Ông Nguyễn Văn T. Cư trú tại: Cụm T, thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị T. Cư trú tại: Đường B, khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 02-7-2022); có mặt.

2. Bà Nguyễn Thị L; vắng mặt.

3. Anh Nguyễn Văn M; có mặt.

Cùng cư trú tại: Đường C, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

4. Chị Nguyễn Thị Thu H. Cư trú tại: Ngõ 49, tổ 18, phường Đ, quận L, Thành phố Hà Nội; vắng mặt.

5. Chị Nguyễn Thị Khánh H. Cư trú tại: Ngõ 157/6, tổ 18, phường T, quận L, Thành phố Hà Nội; vắng mặt.

6. Chị Nguyễn Thị V1; vắng mặt.

7. Anh Nguyễn Văn T1; vắng mặt.

Cùng cư trú tại: Cụm T, thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

8. Chị Nguyễn Thị Loan T. Cư trú tại: Khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn Thị V1, anh Nguyễn Văn T1, chị Nguyễn Thị Loan T: Bà Nguyễn Thị V. Cư trú tại: Cụm T, thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 25-4-2022); vắng mặt.

9. Chị Nguyễn Thị T1. Cư trú tại: Cụm T, thôn T, xã N, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

10. Ông Đinh Văn R. Cư trú tại: Đường X, khu T, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

11. Bà Lê Thị Đ. Cư trú tại: Đường B, khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

12. Bà Nguyễn Thị O (tên gọi khác Nguyễn Thị Minh O). Cư trú tại: Khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

13. Chị Giang Lan A; vắng mặt.

14. Anh Giang Thế A; vắng mặt.

Cùng cư trú tại: Khu tập thể K, phường T, quận Đ, Thành phố Hà Nội.

15. Chị Giang Vân A. Cư trú tại: Đường C, phường Q, quận C, Thành phố Hà Nội; vắng mặt.

16. Chị Giang Tú A. Hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức, không có địa chỉ cụ thể.

17. Bà Nguyễn Thị L1. Hiện đang sinh sống tại Thái Lan, không có địa chỉ cụ thể.

18. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Trang V: Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện H, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 21- 7-2022); vắng mặt.

19. Ủy ban nhân dân thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn Đ: Công chức địa chính thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn (văn bản ủy quyền ngày 07-7-2022); vắng mặt.

20. Công ty trách nhiệm hữu một thành viên Lâm nghiệp Đ.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc K: Phó Trưởng phòng Lâm nghiệp tổng hợp Công ty trách nhiệm hữu một thành viên Lâm nghiệp Đ (văn bản ủy quyền ngày 22-7-2022); vắng mặt.

21. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện H, tỉnh Lạng Sơn Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Công T: Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện H, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

- Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ông Nguyễn Văn C (đã chết 1990) là chồng bà Đỗ Thị T (đã chết 2001). Họ sinh được 09 người con là bà Nguyễn Thị L1, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị P, ông Nguyễn Văn H (đã chết năm 1976), ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T.

Bà Nguyễn Thị H là vợ ông Đinh Văn R.

Bà Nguyễn Thị P (đã chết năm 2017) là vợ ông Giang Văn K (đã chết năm 2014). Họ sinh được 04 người con là Giang Tú A, Giang Lan A, Giang Vân A và Giang Thế A.

Ông Nguyễn Văn P là chồng bà Nguyễn Thị L. Họ sinh được 03 người con là Nguyễn Văn M, Nguyễn Thị Thu H và Nguyễn Thị Khánh H.

Ông Nguyễn Văn L (đã chết năm 2011) là chồng bà Nguyễn Thị V. Họ sinh được 04 người con Nguyễn Thị V1, Nguyễn Văn T1, Nguyễn Thị Loan T và Nguyễn Thị T1.

Ngày 24-02-1996, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là UBND tỉnh) đã ban hành Quyết định số: 214/QĐ-KT về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) cho Lâm trường H thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp gỗ trụ Mỏ. Ngày 28-02-1996, UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ số E 0027976 cho Lâm trường H (viết tắt là Lâm trường), diện tích 415.000m2 (gồm 22 lô) đất lâm nghiệp tại thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, thời hạn sử dụng đến tháng 02-2046.

Ngày 27-12-2006, Hạt kiểm lâm huyện H, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là Hạt kiểm lâm huyện) lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nội dung biên bản thể hiện ông Nguyễn Văn P đã chặt 2.000 cây bạch đàn đường kính gốc 06-08cm của bà Nguyễn Thị O trên diện tích 12.528m2 tại dốc Đ.

Ngày 25-9-2005, bà Nguyễn Thị H lập Giấy cho đất trồng rừng thể hiện bà cho bà Nguyễn Thị T 01ha đất trước đây bà đã khai phá năm 1972 và năm 2005 lấy lại từ gia đình bà Lê Thị Đ.

Ngày 02-8-2018, UBND tỉnh có Quyết định số: 1460/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ (viết tắt là Công ty Đ) giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện H, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là Trung tâm) quản lý; diện tích đất thuộc thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn là 330.400m2. Diện tích đất Công ty Đ bàn giao lại cho Trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất tại Quyết định số: 2227/QĐ- UBND, ngày 06-11-2020.

Theo kết quả đo đạc xem xét, thẩm định tại chỗ xác định: Đất tranh chấp có tổng diện tích 20.557,6m2 tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, gồm:

- Tổng diện tích 1.168,1m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 04, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) viết tắt là thửa đất số 04; trong đó tại thửa tạm 4.1 có diện tích 245,4m2; thửa tạm 4.2 có diện tích 922,7m2.

- Tổng diện tích 200,7m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 05, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 05; trong đó tại thửa tạm 5.1 có diện tích 31,9m2; thửa tạm 5.2 có diện tích 150,5m2; thửa tạm 5.3 có diện tích 18,3m2.

- Diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) viết tắt là thửa đất số 06, có số thửa tạm 6.1.

- Diện tích 1.063,0m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 09, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 09, có số thửa tạm 9.1.

- Tổng diện tích 9.731,3m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 10, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 10; trong đó tại thửa tạm 10.1 có diện tích 2.598,0m2; thửa tạm 10.2 có diện tích 6.196,4m2; thửa tạm 10.3 có diện tích 768,1m2; thửa tạm 10.7 có diện tích 168,8m2.

- Diện tích: 1.104,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 11, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 11, có số thửa tạm 11.1.

- Diện tích 175,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 13, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 13, có số thửa tạm 13.1.

- Diện tích 174,3m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 14, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 14, có số thửa tạm 14.1.

- Diện tích 6.840,0m2 đất rừng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 19, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương), viết tắt là thửa đất số 19, có số thửa tạm 19.1.

Trên đất có 17 cây sưa đường kính từ 05-10cm; 90 cây lát, trong đó 05 cây đường kính gốc trên 10cm, 15 cây đường kính gốc từ 5-10cm, 70 cây đường kính gốc dưới 5cm; 40 cây keo đường kính gốc từ 5-10cm; 1.300 cây keo có đường kính gốc dưới 5cm; cây bạch đàn xác định theo mật độ trồng là 1.660cây/ha tương ứng 1.660 cây/10.000m2; 03 cột điện. Đất tranh chấp hiện chưa được Nhà nước cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân nào.

Sau đó, cấp sơ thẩm đã tiến hành giám định 03 cây trồng trên đất, cụ thể:

01 cây sưa; 01 cây bạch đàn và 01 cây lát có đường kính gốc từ 5-10cm. Tại Kết luận giám định tuổi cây ngày 29-8-2022 của Giám định viên tư pháp theo vụ việc đã kết luận: Mẫu cây bạch đàn có tuổi là 11 ± 1 năm tuổi, tương ứng với năm trồng là năm 2011; trong đó sai số được tính có thể là năm 2010 hoặc năm 2012. Mẫu cây sưa có tuổi là 9 ± 1 năm tuổi, tương ứng với năm trồng là năm 2013; trong đó sai số được tính có thể là năm 2012 hoặc năm 2014. Mẫu cây lát có tuổi là 9 ± 1 năm tuổi, tương ứng với năm trồng là năm 2013; trong đó sai số được tính có thể là năm 2012 hoặc năm 2014.

Tại cấp sơ thẩm:

Theo đơn khởi kiện các nguyên đơn ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V xác định đất tranh chấp có diện tích khoảng 22.000m2 tại dốc Đ, khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Ông Nguyễn Văn P yêu cầu được quản lý, sử dụng 13.628m2, bà Nguyễn Thị V yêu cầu được quản lý, sử dụng 8.372m2. Sau khi có kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, các nguyên đơn xác định đất tranh chấp có tổng diện tích là 20.557,6m2 gồm một phần các thửa đất số 4, 5, 6, 9, 10, 11, 13, 14, 19 trong đó phần đất ông Nguyễn Văn P yêu cầu quản lý sử dụng là 12.775,2m2, phần đất bà Nguyễn Thị V yêu cầu quản lý sử dụng là 7.782,4m2. Nguồn gốc đất tranh chấp do ông Nguyễn Văn P và ông Nguyễn Văn L (chồng bà Nguyễn Thị V) khai phá từ năm 1978 để trồng lúa lốc, trồng sắn. Khi đó, họ còn phát hộ bà Nguyễn Thị H khoảng 600m2 đất ở phía bên phải khe cây thị. Bà Nguyễn Thị H có trồng sắn được 02 năm thì không canh tác, nên năm 1982 hai ông đã phát lại và chạo cỏ tiếp tục trồng sắn. Năm 1984, Lâm sinh sau này là Lâm trường đã thu hồi toàn bộ diện tích đất trên để trồng cây thí nghiệm. Năm 2001, Lâm trường đã lấy toàn bộ diện tích đất hai ông đã sử dụng chia cho hộ bà Nguyễn Thị O, bà Lê Thị Đ. Năm 2005, trước khi đi lấy lại đất từ các gia đình, hai ông có nhờ bà Nguyễn Thị X đi cùng và hứa nếu lấy lại được đất sẽ chia cho một suất để làm nhà. Khi đó, họ có rủ cùng tham gia nhưng bà Nguyễn Thị H từ chối vì phần đất của bà khai phá không đáng kể. Tháng 8-2005, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T có giúp hai ông cuốc hố, trồng cây 02 buổi chiều và giúp nấu cơm phục vụ việc trồng cây. Ông Nguyễn Văn P còn nhờ bà Nguyễn Thị T mua hộ 1.000 cây keo giống với số tiền 250.000đồng. Sau đó, ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn L trồng cây trên đất; trồng xong được khoảng 01 tuần thì bị bà Nguyễn Thị O tranh chấp và đã nhổ đi khoảng 700 cây. Lên cuối tháng 8- 2005, ông Nguyễn Văn P trực tiếp mua tiếp 2.000 cây bạch đàn hạt, giá mỗi cây là 200đồng và 1.000 cây keo hom, giá mỗi cây là 250đồng của bà Nguyễn Thị H1 để trồng. Sau đó, hai ông chăm sóc cây trên đất mà không có tranh chấp với ai. Năm 2007 hai ông thỏa thuận chia đất, ông Nguyễn Văn L quản lý sử dụng khoảng 8.000m2, ông Nguyễn Văn P quản lý sử dụng khoảng 13.000m2.

Đối với phần cây và đất đang quản lý sử dụng, vào tháng 6-2011 ông Nguyễn Văn P khai thác cây trên đất bán cho ông Lưu Văn K được 21.000.000đồng. Số tiền đó ông có cho bà Nguyễn Thị T 500.000đồng, cho ông Nguyễn Văn T 4.000.000đồng. Sau đó, ông Nguyễn Văn P tiếp tục mua 3.000 cây bạch đàn hom của bà Nguyễn Thị H1 với giá 3.000.000đồng để trồng trên đất. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn P còn trồng thêm cây lát, cây sưa trên đất. Năm 2021, ông Nguyễn Văn P khai thác cây đợt 2 bán cho ông Hà Văn L được 211.000.000đồng và sử dụng số tiền đó để chi tiêu trong gia đình.

Năm 2011 ông Nguyễn Văn L chết, nên phần cây và đất ông Nguyễn Văn L đang quản lý, sử dụng được vợ ông Nguyễn Văn L tiếp tục quản lý, sử dụng.

Bà Nguyễn Thị V đã khai thác cây trên đất đợt 1 bán được 28.000.000đồng và có cho bà Nguyễn Thị T 2.000.000đồng, bà Nguyễn Thị X 2.000.000đồng (cả bằng hiện vật). Bà Nguyễn Thị V tiếp tục trồng, chăm sóc cây trên đất, đến năm 2020 thì khai thác cây đợt 2 bán được 50.000.000đồng và sử dụng số tiền đó để chi tiêu trong gia đình. Sau đó, bà Nguyễn Thị V trồng lứa cây keo mới trên đất.

Việc bà Nguyễn Thị T cho rằng năm 2005 bà Nguyễn Thị H đã viết giấy cho bà Nguyễn Thị T phần đất trồng rừng và giấy này được công bố tại nhà bà Nguyễn Thị V là không đúng sự thật. Trong suốt thời gian từ năm 2005 đến cuối năm 2014, các anh em trong gia đình không hề có tranh chấp đất đai. Năm 2015 mới xảy ra tranh chấp, các anh em không thể hòa giải được nhưng các bị đơn không khởi kiện tranh chấp đất đai ra Tòa án.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn P có kê khai toàn bộ khu đất ở dốc Đ và dự tính chia cho bà Nguyễn Thị T 200m2, bà Nguyễn Thị X 199,9m2, ông Nguyễn Văn T 200,7m2, bà Nguyễn Thị V 7.372,5m2, ông Nguyễn Văn P 9.937,8m2, anh Nguyễn Văn M 1.201,4m2, chị Nguyễn Thị Thu H 1.202,7m2, chị Nguyễn Thị Khánh H 1.204m2. Khi ông Nguyễn Văn P chuẩn bị làm GCNQSDĐ thì lại xảy ra tranh chấp với các bị đơn nên chưa làm được GCNQSDĐ.

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V yêu cầu giải quyết tổng diện tích 20.457,4m2 đất bao gồm: Thửa đất số 04 có tổng diện tích 1.168,1m2; thửa đất số 05 có tổng diện tích: 200,7m2; thửa đất số 09 có diện tích 1.063,0m2; thửa đất số 10 có tổng diện tích 9.731,3m2; thửa đất số 11 có diện tích 1.104,5m2; thửa đất số 13 có diện tích 175,5m2; thửa đất số 14 có diện tích 174,3m2 và thửa đất số 19 có diện tích 6.840,0m2. Ông Nguyễn Văn P yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 12.298,8m2 đất và sở hữu cây trồng hiện có trên đất; bà Nguyễn Thị V yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích 7.608,1m2 đất và sở hữu cây trồng hiện có trên đất. Các nguyên đơn tự nguyện để bà Nguyễn Thị X được quản lý, sử dụng thửa tạm 14.1 có diện tích 174,3m2 và sở hữu tài sản trên đất; bà Nguyễn Thị T được quản lý, sử dụng thửa tạm 13.1 có diện tích 175,5m2 và sở hữu tài sản trên đất; ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng thửa tạm 5.1 có diện tích 31,9m2 và thửa tạm số 10.7 có diện tích 168,8m2 và sở hữu tài sản trên đất. Ông Nguyễn Văn P đã nộp chi phí tố tụng về việc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản với tổng số tiền 24.728.000đồng và ông tự nguyện chịu toàn bộ chi phí này. Do là người cao tuổi nên ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V xin miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Anh Nguyễn Văn M trình bày: Anh nhất trí với ý kiến của bố anh là ông Nguyễn Văn P. Về quá trình khai phá, quản lý, sử dụng đất và trồng cây trên đất đều là công sức của bố anh, anh không có đóng góp gì.

Bà Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị Thu H, chị Nguyễn Thị Khánh H là vợ và các con ông Nguyễn Văn P, do ở xa bận đi làm nên họ nhất trí ủy quyền cho ông Nguyễn Văn P giải quyết vụ án.

Chị Nguyễn Thị T1 nhất trí với ý kiến mẹ chị là bà Nguyễn Thị V. Với tư cách là người được ủy quyền bà Nguyễn Thị V vẫn giữ nguyên những ý kiến đã trình bày.

Các bị đơn bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H trình bày: Năm 1972, gia đình các bà gồm bố mẹ và các anh chị em trong nhà cùng khai phá, phát cây, làm nương rẫy tại dốc Đ được khoảng 2,2 ha để trồng sắn, trồng lúa lốc. Bà Nguyễn Thị H tự khai phá được khoảng 01 ha giáp liền kề. Năm 1984, Lâm sinh mượn đất của người dân để trồng cây thí nghiệm, trong đó có diện tích đất của cả gia đình và diện tích đất của bà Nguyễn Thị H khai phá. Năm 2005, các bà mới biết từ năm 2001 Lâm trường đã chia diện tích đất gia đình các bà khai phá cho bà Nguyễn Thị O; chia diện tích đất bà Nguyễn Thị H khai phá cho bà Lê Thị Đ. Sau khi được chia đất, hai gia đình này đã trồng cây trên đất. Vì vậy, khi đó các bà đã trực tiếp lên gặp Giám đốc Lâm trường đòi lại đất. Bà Nguyễn Thị O cũng vừa khai thác bán cây xong nên bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X có đến gặp bà Nguyễn Thị O đòi lại đất. Tháng 8-2005, sau khi bà Lê Thị Đ khai thác hết cây, bà Nguyễn Thị H có đến gặp đòi lại khoảng 01 ha đất. Sau khi được bà Lê Thị Đ trả lại đất và lấy đất từ bà Nguyễn Thị O, thì ngày 16-9-2005 ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T cùng nhau trồng bạch đàn, trồng keo trên đất. Do bà Nguyễn Thị H tuổi cao, sức khỏe yếu, không canh tác được nên ngày 25-9-2005 đã viết Giấy cho đất trồng rừng cho bà Nguyễn Thị T toàn bộ diện tích đất bà Nguyễn Thị H đã khai phá. Vào ngày 26-9-2005, tại nhà ông Nguyễn Văn L, có đầy đủ 05 anh em trong nhà, bà Nguyễn Thị T đã mang Giấy cho đất trồng rừng mà bà Nguyễn Thị H đã viết cho bà ra đọc. Khi đó, ông Nguyễn Văn P có nói là đất của bố mẹ và của bà Nguyễn Thị H đã được bà Nguyễn Thị O, bà Lê Thị Đ trả lại, 05 anh em cùng nhau trồng cây trên đó; khi nào khai thác cây thì sẽ chia cho mỗi người một phần đất; các anh em trong nhà đều nhất trí. Khi trồng cây, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T đã mua của ông Nguyễn Văn T2 khoảng 5.000 cây cây keo hom và bạch đàn với giá 250đồng/cây bạch đàn, 200đồng/cây keo hom. Mấy anh em cùng nhau trồng trong khoảng 01 tháng mới xong thì bị bà Nguyễn Thị O vào nhổ cây. Bà Nguyễn Thị T đã lên gặp Giám đốc Lâm trường trình bày sự việc. Sau đó, bà Nguyễn Thị O không tiếp tục nhổ cây trên đất và trả lại đất cho 05 anh em bà. Năm 2006, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T lên đất tranh chấp để phát cỏ dại thì thấy chồi cây trên gốc cây cũ của bà Nguyễn Thị O mọc che hết cây mới trồng, họ đã chặt hết toàn bộ cây chồi mới mọc. Ông Nguyễn Văn P tận dụng chở về làm củi đun. Trên đường vận chuyển, thì bà Nguyễn Thị O báo Kiểm lâm bắt giữ nên mới có sự việc lập biên bản năm 2006.

Đến năm 2010, ông Nguyễn Văn P đã tự ý khai thác cây trên đất bán được 50.000.000đồng nhưng không báo và không chia tiền cho ai trong gia đình. Cuối năm 2010, bà Nguyễn Thị V cũng tự ý khai thác cây bán trên đất và cũng không báo, không chia tiền cho ai trong gia đình. Khi đó, bà Nguyễn Thị T mới biết là ông Nguyễn Văn P đã tự chia đất cho nhà bà Nguyễn Thị V. Trước sự việc này, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X có gọi ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn T đến nhà bà Nguyễn Thị V họp để yêu cầu ông Nguyễn Văn P chia đất cho các anh chị em mỗi người 01 cột điện giáp đường giao thông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn P cho rằng khi nào đất được Nhà nước cấp GCNQSDĐ và bán lứa cây tiếp theo thì ông mới chia đất cho các anh em trong gia đình. Năm 2013, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X tiếp tục yêu cầu ông Nguyễn Văn P chặt cây và trả lại đất cho các bà. Khi đó, bà Nguyễn Thị T có đưa Giấy cho đất trồng rừng (bản phô tô) ra thì bị ông Nguyễn Văn P xé bỏ và đuổi các bà ra khỏi nhà, không chia đất cho mấy anh chị em bà. Nên các bà viết đơn gửi cấp có thẩm quyền để giải quyết, nhưng Trưởng khu cho rằng khi nào đất được Nhà nước trả lại cho dân thì họ mới tiếp nhận đơn và hòa giải. Ngày 26-9-2015, chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải giữa các anh em trong gia đình nhưng không thành. Năm 2018, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T tiếp tục có đơn gửi một số cơ quan có thẩm quyền để nhờ giải quyết nhưng không có kết quả. Từ năm 2010 đến năm 2020, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T vẫn lên đất tranh chấp phát cây cỏ dại.

Tháng 7-2021, ông Nguyễn Văn P lại khai thác cây trên đất bán cho một người ở khu C được 230.000.000đồng và không chia tiền cho ai. Ngày 20-8- 2021, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T qua trưởng khu được biết ông Nguyễn Văn P đã không thông báo mà tự ý đăng ký chia đất cho các ông bà và các con của mình để đơn vị đo đạc đo tách khu đất. Ngày 28-8-2021, ông Nguyễn Văn P gọi bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T đến nhà bà Nguyễn Thị V họp chia đất cho 03 người mỗi người được 10m mặt đường. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó khi bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T sang nhà ông Nguyễn Văn P viết biên bản thỏa thuận như đã thống nhất, thì ông Nguyễn Văn P lại thay đổi và không chấp nhận chia đất cho các ông bà. Trước yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, các bị đơn không chấp nhận vì các nguyên đơn không có quyền khởi kiện. Bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T đã nộp chi phí tố tụng về giám định tuổi cây với tổng số tiền 19.500.000đồng và hai bà tự nguyện chịu toàn bộ chi phí này.

Ông Nguyễn Văn T nhất trí được quản lý sử dụng 200m2 đất ở khu vực Đ mà ông Nguyễn Văn P đã chia cho ông. Sau đó, ông đã ủy quyền để bà Nguyễn Thị T thay ông toàn quyền quyết định mọi việc cho đến khi kết thúc việc xét xử và thi hành xong vụ án.

Ông Đinh Văn R nhất trí với ý kiến của vợ ông là bà Nguyễn Thị H đã trình bày.

Chị Giang Vân A, chị Giang Lan A, anh Giang Thế A là con của bà Nguyễn Thị P (đã chết), ông Giang Văn K (đã chết) cho biết: Mẹ của các anh, chị không tham gia khai phá và canh tác trên diện tích đất hiện đang tranh chấp cùng ông bà ngoại. Ông bà ngoại và bố mẹ của các anh chị chết không để lại di chúc. Các anh chị từ chối quyền lợi nếu được hưởng tài sản đất đai đó và đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.

Đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ trình bày: Lâm trường nay là Công ty Đ được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ tại Quyết định số: 214/QĐ/UB-KT ngày 24-01-1996. Vị trí đất tranh chấp thuộc lô 27, theo Bản đồ giao đất năm 1996, thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Trước năm 1996, phần đất được giao do ai quản lý, sử dụng Công ty Đ không nắm được. Thực hiện Nghị định số: 01-CP ngày 04-01-1995 của Chính phủ nên năm 2001 Lâm trường đã giao khoán đất cho một số hộ dân tại khu C. Tại vị trí đất tranh chấp, Lâm trường đã giao khoán cho các hộ trong đó có hộ bà Nguyễn Thị O (giao khoán 01 chu kỳ kinh doanh). Sau đó, Nghị định số: 135/2005/NĐ-CP ngày 08-11-2005 đã thay thế cho Nghị định số: 01-CP ngày 04-01-1995. Các hộ nhận giao khoán đã khai thác thu hồi sản phẩm, hợp đồng giao khoán với các hộ đã hết hiệu lực. Công ty Đ không còn tài sản trên đất nên sau đó một số hộ dân đã lấn chiếm đất để trồng cây. Đối với diện tích đất tranh chấp, UBND tỉnh đã thu hồi và giao cho Trung tâm quản lý theo Quyết định số:

1460/QĐ-UBND ngày 02-8-2018. Đến nay, Công ty đã hoàn tất việc bàn giao đất nên không còn liên quan gì đến vụ án.

Đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn H và Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn trình bày: Lâm trường được giao quản lý sử dụng đất tranh chấp từ năm 1996 theo Quyết định số: 214/QĐ-KT, ngày 24-02-1996. Năm 2018, UBND tỉnh đã thu hồi đất của Công ty Đ giao cho Trung tâm, diện tích đất thuộc thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn là 330.400m2. Diện tích đất Công ty Đ bàn giao lại cho Trung tâm quản lý đã được UBND tỉnh phê duyệt Phương án sử dụng đất tại Quyết định số: 2227/QĐ-UBND, ngày 06-11-2020. Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Lạng Sơn (viết tắt là UBND huyện) khẳng định: Phần diện tích đất hiện đang tranh chấp theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 được thể hiện là đất rừng sản xuất, được trồng các loại cây theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, tại diện tích đất hiện đang tranh chấp nếu giải quyết xong sẽ được xem xét giao đất, cho thuê đất theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Biên bản xác minh ngày 22-7-2022 tại Công an thị trấn Hữu Lũng, huyện H, tỉnh Lạng Sơn thể hiện: Gia đình ông Phạm Hồng P, có vợ là Nguyễn Thị O, vẫn đăng ký thường trú tại khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, gia đình bà Nguyễn Thị O đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sinh sống, hiện đang sinh sống ở đâu thì Công an thị trấn không nắm được.

Bà Lê Thị Đ trình bày: Năm 2001 bà và chồng là ông Lê Hồng T (chết năm 2019) được Lâm trường giao khoán đất tại dốc Đ để canh tác trồng cây bạch đàn. Khi đó chồng bà là Đội trưởng Tiểu khu 3 của Lâm trường và hộ bà Nguyễn Thị O cũng được Lâm trường giao khoán một số diện tích đất bên cạnh để canh tác. Vợ chồng bà có ký hợp đồng giao khoán nhưng do thời gian đã lâu, hợp đồng giao khoán đã bị thất lạc nên không có tài liệu xuất trình. Sau khi được giao khoán, gia đình bà đã trồng khoảng 2.000 cây bạch đàn hom trên đất; năm 2005 thì khai thác hết cây trồng trên đất. Sau khi khai thác xong, khoảng tháng 8-2005 thì bà Nguyễn Thị H có đến đòi đất, để tránh xảy ra mâu thuẫn, bà đã trả lại đất cho bà Nguyễn Thị H. Bà xác định không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì đến việc tranh chấp trong vụ án.

Bà Nguyễn Thị H1, bà Lương Thị T trình bày: Bà Nguyễn Thị H1 được bán cây giống cho ông Nguyễn Văn P 02 lần. Lần 1 là năm 2005 bán 2.000 cây bạch đàn hạt với giá 400.000đồng và 1.000 cây keo hom với giá 250.000đồng; lần 2 vào năm 2011 bán 3.000 cây bạch đàn hom với giá 3.000.000đồng. Sau khi mua cây giống năm 2005, ông Nguyễn Văn P đã thuê bà Nguyễn Thị H1, bà Lương Thị T trồng cây trên mảnh đất đồi ở dốc Đ. Năm 2011, sau khi bán cây giống, ông Nguyễn Văn P lại thuê bà Nguyễn Thị H1 trồng cây trên mảnh đồi ở dốc Đ; thuê bà Lương Thị T đi vun gốc cây bạch đàn, cây keo trên đất. Khi bán cây và trồng, vun gốc cây, các bà không nhìn thấy bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T có mặt trồng cây hay vun gốc cây bao giờ.

Ông Lưu Văn K trình bày: Khoảng tháng 4-2011 (âm lịch), ông có mua đồi cây bạch đàn và cây keo của ông Nguyễn Văn P ở dốc Đ với giá 21.000.000đồng. Ông chặt đồi cây trong khoảng thời gian 4-5 ngày, ông chỉ dùng dao và cưa đơn, không dùng cưa máy. Quá trình chặt đồi cây không xảy ra tranh chấp gì với ai, không thấy ai có ý kiến gì.

Ông Hà Văn L xác nhận: Khoảng năm 2021, ông có được mua đồi cây bạch đàn ở dốc Đ của ông Nguyễn Văn P với giá 211.000.000đồng. Quá trình chặt đồi cây không xảy ra tranh chấp gì với ai, không thấy ai có ý kiến gì.

Ông Nguyễn Văn T3 (tên gọi khác Nguyễn Văn T2) trình bày: Khoảng tháng 9-2005, ông có được bán khoảng 5.000 cây keo, cây bạch đàn hom giống cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X với đơn giá là 250đồng/cây bạch đàn, 200đồng/cây keo hom. Ông đã vận chuyển số cây trên 4 lần, mỗi lần khoảng hơn 1.000 cây, từ lần vận chuyển đầu tiên đến lần vận chuyển cuối cùng kéo dài khoảng 01 tháng. Khi trồng cây xong được khoảng vài ngày, bà Nguyễn Thị T và bà Nguyễn Thị X đến nhà và trả đầy đủ tiền mua cây giống cho ông.

Ông Đỗ Viết K (hiện là trưởng khu), ông Nguyễn Đức V đều trình bày: Diện tích đất tranh chấp từ trước năm 1984 là đất của Lâm sinh sử dụng để trồng cây thí nghiệm. Cho đến năm 1987, khu đất này vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của Lâm sinh. Trong khoảng thời gian này, không có hộ gia đình nào tự ý khai phá khu đất này.

Những người làm chứng khác trình bày: Năm 1972, khu vực đồi Đ vẫn là rừng nguyên sinh, thời điểm đó đang có chiến tranh chống Mỹ nên không ai được phép khai phá rừng. Năm 1978, ông Nguyễn Văn P và ông Nguyễn Văn L đi khai phá mảnh đồi ở Đ khoảng 02 ha để trồng lúa lốc và trồng sắn. Lúc đó, các ông này có phát hộ cho bà Nguyễn Thị H một diện tích đất khoảng 2 sào ở dốc Đ. Bà Nguyễn Thị H có trồng sắn được khoảng 1-2 năm thì không canh tác nữa. Năm 1984, Lâm sinh nay là Công ty Đ đã thu hồi toàn bộ diện tích đất ở Đ để trồng cây thí nghiệm. Sau này, Lâm trường trả lại đất cho dân thì họ thấy nhà ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn L tiếp tục canh tác trên diện tích đất các ông khai phá và cả diện tích đất bà Nguyễn Thị H đã bỏ không làm.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/DS-ST ngày 28-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V.

1. Ông Nguyễn Văn P có quyền quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp 12.298,8m2 và sở hữu toàn bộ tài sản trên đất khoảng 17 cây sưa, 89 cây lát, 40 cây keo, 2.041 cây bạch đàn, đất có địa chỉ tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, thuộc: Thửa tạm số 10.1, tờ bản đồ số 01, có diện tích 2598m2. Thửa tạm số 5.2, tờ bản đồ số 01, có diện tích 150,5m2. Thửa tạm số 5.3, tờ bản đồ số 01, có diện tích 18,3m2. Thửa tạm số 4.1, tờ bản đồ số 01, có diện tích 245,4m2. Thửa tạm số 4.2, tờ bản đồ số 01, có diện tích 922,7m2. Thửa tạm số 9.1, tờ bản đồ số 01, có diện tích 1063m2. Thửa tạm số 11.1, tờ bản đồ số 01, có diện tích 1104,5m2. Thửa tạm số 10.2, tờ bản đồ số 01, có diện tích 6196,4m2.

2. Bà Nguyễn Thị V có quyền quản lý, sử dụng diện tích đất tranh chấp 7.608,1m2 và sở hữu toàn bộ tài sản trên đất khoảng 1.269 cây keo, đất có địa chỉ tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, thuộc: Thửa tạm số 10.3, tờ bản đồ số 01, có diện tích 768,1m2. Thửa tạm số 19.1, tờ bản đồ số 01, có diện tích 6.840m2.

3. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V về việc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T có quyền quản lý, sử dụng các thửa đất và sở hữu tài sản trên đất như sau:

3.1. Bà Nguyễn Thị T có quyền quản lý, sử dụng thửa tạm số 13.1 có diện tích 175,5m2 và sở hữu tài sản trên đất khoảng 25 cây bạch đàn; đất và tài sản trên đất có địa chỉ tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

3.2. Bà Nguyễn Thị X có quyền quản lý, sử dụng thửa tạm số 14.1, có diện tích 174,3m2 và sở hữu tài sản trên đất khoảng 31 cây keo; đất và tài sản trên đất có địa chỉ tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn, 3.3. Ông Nguyễn Văn T có quyền quản lý, sử dụng thửa tạm số 5.1, có diện tích 31,9m2 và thửa tạm số 10.7, có diện tích 168,8m2 và sở hữu tài sản trên đất khoảng 01 cây lát, 38 cây bạch đàn; đất và tài sản trên đất có địa chỉ tại dốc Đ thuộc khu C, thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

4. Buộc các bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Văn T chấm dứt hành vi tranh chấp đối với diện tích đất và tài sản trên đất ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V có quyền quản lý, sử dụng.

5. Chi phí tố tụng: Ghi nhận ông Nguyễn Văn P tự nguyện chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, tổng số tiền 24.728.000đồng; xác nhận đã thi hành đủ. Ghi nhận việc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X tự nguyện chịu chi phí trưng cầu giám định tuổi cây, tổng số tiền 19.500.000đồng; xác nhận đã thi hành đủ.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, về nghĩa vụ chậm trả tiền, về quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn luật định, các bị đơn bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H kháng cáo Bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Tại cấp phúc thẩm:

Đã yêu cầu đơn vị đo đạc kiểm tra, xác minh làm rõ trên phần đất tranh chấp mà các nguyên đơn yêu cầu giải quyết và phần đất các nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện có các cột điện hay cột đèn điện. Đơn vị đo đạc đã có Văn bản số:

48/CV-CNST ngày 16-12-2022 xác định: Do sơ xuất nên khi biên tập nội dung Trích đo khu đất tranh chấp đã thể hiện ký hiệu chung là cột điện. Sau khi xác minh tại thực địa xác định: Trên Trích đo thể hiện ký hiệu 03 cột điện tại vị trí giáp đỉnh thửa A1, gần vị trí đỉnh thửa A2 và đoạn gần giữa đỉnh A4 và đỉnh A5: Tất cả các cột trên đều là cột đèn điện chiếu sáng đường B và hoàn toàn nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông; các cột đèn chiếu sáng còn lại liền kề không nằm trong khu đất hiện nay đang tranh chấp.

Đã đưa Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện H, tỉnh Lạng Sơn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trung tâm cho biết: Từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số: 1460/QĐ-UBND ngày 02-8- 2018 về việc thu hồi đất của Công ty Đ giao cho Trung tâm quản lý, Trung tâm chưa có tác động gì đến khu vực đất trên. Việc tách thửa đất thực hiện theo quy định tại Quyết định số: 28/2021/QĐ-UBND ngày 14-10-2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định hạn mức giao đất ở; điều kiện tách thửa đất; điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. Quyết định số: 39/2022/QĐ-UBND ngày 15-12-2022 của UBND tỉnh sửa đồi, bổ sung một số điều của Quy định hạn mức giao đất ở; điều kiện tách thửa đất; điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2021/QĐ-UBND ngày 14-10-2021 của UBND tỉnh. Ngoài các điều kiện thì đất rừng sản xuất:

Diện tích của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu là 1.000m2. Trung tâm không có ý kiến gì về quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm và nhất trí tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm. Trung tâm đề nghị Tòa án xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H giữ nguyên nội dung đã kháng cáo. Các bà không có ý kiến gì về diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06 mà các nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện từ cấp sơ thẩm. Các bà có đơn và đề nghị được miễn tiền án phí vì là người cao tuổi. Nếu kháng cáo không được chấp nhận, bà Nguyễn Thị T (cả với tư cách là người được ông Nguyễn Văn T ủy quyền), bà Nguyễn Thị X không nhất trí nhận phần đất mà các nguyên đơn tự nguyện chia cho các ông bà được quản lý, sử dụng như cấp sơ thẩm đã quyết định.

Ông Nguyễn Văn P (cả với tư cách được ủy quyền) vẫn giữ nguyên ý kiến về việc rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06 (có số thửa tạm 6.1) đã đưa ra từ cấp sơ thẩm. Đối với cây trồng trên đất tranh chấp đã thực hiện giám định, các nguyên đơn không yêu cầu các bị đơn phải bồi thường. Do bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X không nhất trí nhận phần đất mà các nguyên đơn tự nguyện chia cho họ, nên phần đất bà Nguyễn Thị X được quản lý, sử dụng thì bà Nguyễn Thị V tiếp tục quản lý, sử dụng; phần đất bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng thì ông Nguyễn Văn P tiếp tục quản lý, sử dụng. Các nguyên đơn có đơn và đề nghị được miễn tiền án phí vì là người cao tuổi.

Anh Nguyễn Văn M nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Văn P.

Những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X trình bày: Nguyên đơn không có quyền khởi kiện để đòi được quyền quản lý sử dụng 20.457,4m2 đất, vì cả hai người này không phải là chủ sử dụng hợp pháp. Diện tích đất tranh chấp hiện vẫn thuộc UBND huyện, đơn vị trực tiếp quản lý là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Do vậy, đối tượng bị xâm phạm đến quyền sở hữu 20.457,4m2 đất là UBND huyện mà Trung tâm đang được giao quản lý, chứ không phải các nguyên đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 4 Điều 308, Điều 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/DS-ST ngày 28-9-2022 và đình chỉ giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:

1. Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa đã được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình; có đương sự vắng mặt nhưng đã được triệu tập hợp lệ, người được ủy quyền có mặt hoặc có đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Về việc giải quyết kháng cáo: Căn cứ lời khai của các đương sự, của người làm chứng; căn cứ vào nguồn gốc đất tranh chấp; căn cứ vào quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp và tài sản gắn liền với đất; căn cứ vào các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án xác định: Từ năm 1996 đến trước năm 2018, Lâm trường được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ trong đó có diện tích đất đang tranh chấp. Năm 2018, Công ty Đ đã bàn giao lại một số diện tích đất (trong đó có diện tích đất tranh chấp) cho UBND tỉnh và UBND tỉnh đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện quản lý. Từ năm 2005 đến nay, các nguyên đơn là người có công sức chính và chủ yếu trong việc quản lý, canh tác và trồng cây trên đất, khai thác hoa lợi trên đất. Việc thực hiện quản lý, canh tác, trồng cây, khai thác cây trên đất diễn ra thường xuyên, liên tục, ổn định trong suốt thời gian dài từ những năm 2005; phù hợp với kết quả xem xét thẩm định và Kết luận giám định tuổi cây, hiện trạng số cây còn lại trên đất được các nguyên đơn trồng từ những năm 2011, 2013 trở về đây. Đối với diện tích đất tranh chấp 20.457,4m2 từ năm 2020 UBND tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận về chủ trương và UBND huyện sẽ thực hiện phương án cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng từ trước năm 2006 được quyền thực hiện đăng ký đất đai, xin giao đất, cho thuê đất và được cấp GCNQSDĐ. Thực tế ông Nguyễn Văn P đã đi kê khai để cấp GCNQSDĐ, các hộ không có tranh chấp đều đã được cấp GCNQSDĐ. Như vậy, các nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cũng không có ý kiến, yêu cầu gì. Bản án sơ thẩm không có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, về nội dung. Các bị đơn kháng cáo yêu cầu Hủy Bản án dân sự sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là không có căn cứ, không có cơ sở để chấp nhận.

Tuy nhiên, cấp sơ thẩm có các vi phạm, thiếu sót sau: Cấp sơ thẩm không đưa Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cấp phúc thẩm đã khắc phục vấn đề này và Trung tâm nhất trí tham gia tố tụng từ cấp phúc thẩm. Đất tranh chấp có số thửa tạm 6.1 là đất giao thông, tại cấp sơ thẩm các nguyên đơn rút yêu cầu về diện tích đất trên nhưng cấp sơ thẩm không nhận định, không đánh giá và đình chỉ giải quyết đối với diện tích này. Diện tích đất các nguyên đơn tự nguyện chia cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T quản lý sử dụng không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định của UBND tỉnh. Tại cấp phúc thẩm, bà Nguyễn Thị T (cả với tư cách là người đại diện của ông Nguyễn Văn T), bà Nguyễn Thị X không đồng ý nhận các phần đất đó; ông Nguyễn Văn P (cả với tư cách người đại diện của bà Nguyễn Thị V) cũng không nhất trí tự nguyện chia đất như ý kiến đã đưa ra tại cấp sơ thẩm. Trong vụ án các đương sự còn tranh chấp về cây trên đất, Bản án sơ thẩm xác định thiếu quan hệ tranh chấp tài sản gắn liền với đất; phần quyết định của Bản án sơ thẩm tuyên các đương sự được sở hữu các cây trồng trên đất nhưng sử dụng từ: Khoảng, để xác định số lượng cây trên đất là không đảm bảo.

Các bị đơn là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/ST- DS ngày 28-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn như phân tích, đánh giá ở trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Phiên tòa mở lần thứ hai đã được triệu tập hợp lệ, có đương sự vắng mặt không có lý do; có đương sự vắng mặt nhưng người đại diện theo uỷ quyền có mặt hoặc có đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người này.

[2] Xét kháng cáo của các bị đơn bà Nguyễn Thị T, Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị H yêu cầu Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; thấy rằng:

[3] Về quan hệ pháp luật: Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình giải quyết vụ án xác định rõ: Các đương sự không chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất mà tranh chấp cả về cây trồng trên đất. Tại quyết định của Bản án sơ thẩm cũng đã quyết định về những vấn đề này. Như vậy, cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật: Tranh chấp về quyền sử dụng đất, là không đầy đủ; cần xác định đầy đủ quan hệ pháp luật là: Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, mới đầy đủ, mới chính xác. Cấp phúc thẩm khắc phục vấn đề này.

[4] Theo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và các tài liệu khác thu thập được xác định: Tổng diện tích đất tranh chấp là 20.557,6m2, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) cụ thể: Tổng diện tích 1.168,1m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 04; tổng diện tích 200,7m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 05; diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06; diện tích 1.063,0m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 09; tổng diện tích 9.731,3m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 10; diện tích: 1.104,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 11; diện tích 175,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 13; diện tích 174,3m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 14;

diện tích 6.840,0m2 đất rừng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 19. Trên đất rừng trồng sản xuất có các cây sưa, cây lát, cây bạch đàn, cây keo; trên đất giao thông có các cột đèn điện. Tại cấp sơ thẩm, các nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06 và tài sản trên đất (cột đèn điện chiếu sáng); các nguyên đơn chỉ yêu cầu giải quyết diện tích 20.457m2 đất và tài sản trên đất. Thực tế, Bản án sơ thẩm cũng chỉ giải quyết về phần diện tích 20.457m2 và tài sản trên đất. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không nhận định, không đánh giá, không đình chỉ giải quyết đối với diện tích 100,2m2 đất giao thông và tài sản trên đất là thiếu sót. Tại cấp phúc thẩm, các nguyên đơn vẫn giữ nguyên ý kiến này, các đương sự khác không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị. Cấp phúc thẩm sẽ xem xét và quyết định vấn đề này theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

[5] Các anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận: Từ năm 1984 đến trước năm 1995 họ không quản lý, sử dụng 20.457m2 đất tranh chấp mà Lâm trường quản lý, sử dụng; họ cũng không có tài sản là công trình, cây trồng tạo lập trên đất trong thời gian này. Năm 1996, đất tranh chấp đã được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ cho Lâm trường và Lâm trường là người quản lý, sử dụng đất. Từ năm 1996 đến tháng 5-2005, các anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn không hề khiếu kiện, khiếu nại gì với Lâm trường và cũng không có tranh chấp với nhau về 20.457m2 đất. Từ tháng 8-2005, có việc trồng cây trên đất và khi đó cũng không có tranh chấp giữa các anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn. Việc tranh chấp đất đai giữa các anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn được chính quyền địa phương giải quyết chính thức vào năm 2015.

[6] Về nguồn gốc đất tranh chấp: Gia đình bố mẹ nguyên đơn, bị đơn là Việt kiều (Thái Lan) về nước sinh sống từ năm 1964. Các nguyên đơn xác định nguồn gốc đất là do ông Nguyễn Văn P, Nguyễn Văn L khai phá gần như toàn bộ từ năm 1978. Các bị đơn cho rằng đất đó có nguồn gốc một phần do chính vợ chồng bà Nguyễn Thị H khai phá năm 1972; phần còn lại do bố mẹ và những người con của ông Nguyễn Văn C, bà Đỗ Thị T khai phá năm 1972. Ngoài lời khai của mình ra, các nguyên đơn, các bị đơn có đưa một số người làm chứng đến Tòa án, nhưng lời khai có mâu thuẫn nhau, họ cũng không có chứng cứ nào khác để xuất trình. Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thực tế khách quan, có đủ căn cứ khẳng định việc các nguyên đơn, các bị đơn cho rằng năm 1984 Lâm trường mượn đất của họ để trồng cây thí nghiệm là không có căn cứ để chấp nhận. Từ thời điểm ngày 28-02-1996, đất tranh chấp đã được UBND tỉnh giao đất và cấp GCNQSDĐ cho Lâm trường; việc giao đất đó đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm giao đất.

[7] Về việc đòi lại đất tranh chấp năm 2005: Trong quá trình quản lý sử dụng đất được giao (trong đó có đất tranh chấp), năm 2001 Lâm trường đã giao khoán đất cho một số hộ gia đình theo Nghị định số: 01-CP ngày 04-01-1995 của Chính phủ (giao khoán 01 chu kỳ kinh doanh). Tại vị trí đất tranh chấp, Lâm trường đã giao khoán cho hộ bà Nguyễn Thị O, hộ bà Lê Thị Đ. Ngày 08-11- 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh (thay thế cho Nghị định số: 01-CP ngày 04-01-1995). Khi đó, các hộ nhận khoán cũng đã khai thác và thu hồi hết sản phẩm cây trồng trên đất. Do vậy, hợp đồng giao khoán của các hộ đã hết hiệu lực. Công ty Đ cũng như gia đình bà Nguyễn Thị O, bà Lê Thị Đ không còn tài sản trên đất và không tìm thấy hồ sơ giao khoán để cung cấp cho Tòa án. Hộ bà Nguyễn Thị O, bà Lê Thị Đ cũng không ký kết hợp đồng giao khoán mới, không bàn giao lại đất cho Công ty Đ và không tiếp tục canh tác, mà để người dân xâm canh, sử dụng phần đất đó. Do đó, việc các nguyên đơn, các bị đơn cho rằng có quyền đi đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho Lâm trường vào thời điểm tháng 8-2005 là không được pháp luật thừa nhận, không đúng quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm đó.

[8] Xét quá trình quản lý, sử dụng đất và tạo lập tài sản trên đất tranh chấp:

[9] Thứ nhất: Từ tháng 8-2005 đến năm 2017, đất tranh chấp vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty Đ bởi Công ty Đ đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 1996. Tuy nhiên, trên thực tế từ khoảng tháng 8-2005, có đương sự trong vụ án đã thực hiện việc canh tác, trồng cây trên đất mà Công ty Đ không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện đã có biện pháp, phương án xử lý để yêu cầu các đương sự sử dụng đất trả lại diện tích đất đó.

[10] Thứ 2: Về việc trồng cây năm 2005 và chăm sóc, khai thác cây trên đất: Các nguyên đơn cho rằng ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn L là người trực tiếp trồng cây trên đất, khi đó bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T chỉ đến hộ giúp 02 buổi chiều trồng cây và cuốc hố, sau đó có giúp nấu cơm; tuy có nhờ bà Nguyễn Thị T mua cây giống nhưng tiền mua cây giống là do ông Nguyễn Văn P bỏ ra. Còn bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T cho rằng cả 05 anh em trong nhà đã cùng nhau trồng cây bạch đàn, cây keo trên đất; tiền mua 5.000 cây giống là do bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X bỏ ra. Xét thấy, người làm chứng bán cây cho hai bên các đều khai có bán cây cho các bên; lời khai của người làm chứng bà Nguyễn Thị H1 về việc bán cho ông Nguyễn Văn P 2.000 cây bạch đàn hạt, 1.000 cây keo hom, phù hợp với sự việc cây trên đất phải trồng lại do bị bà Nguyễn Thị O đã nhổ đi 700 cây, mà chính anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận sự việc này. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn P xuất trình được Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản ngày 27-12-2006 do Hạt kiểm lâm huyện lập. Khi đó, do không đủ căn cứ pháp lý, nên cơ quan chức năng đã không xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn P. Hiện Hạt kiểm lâm huyện cũng không cung cấp được hồ sơ liên quan đến sự việc này. Mặt khác, việc quản lý, chăm sóc cây trên đất từ năm 2005 đến trước khi các nguyên đơn khai thác cây vào năm 2011, thì anh chị em trong gia đình nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận: Không có tranh chấp với nhau về việc trồng cây, về việc chăm sóc cây trên đất. Tháng 6-2011, ông Nguyễn Văn P đã khai thác cây trên đất đang quản lý, sử dụng bán cho ông Lưu Văn K được 21.000.000đồng; việc này được người làm chứng ông Lưu Văn K (không có họ hàng hay mâu thuẫn gì với hai bên đương sự) xác nhận, mà không có tranh chấp gì giữa các anh chị em trong gia đình. Bà Nguyễn Thị V đã khai thác cây trên phần đất chồng bà quản lý, sử dụng bán được 28.000.000đồng, mà không có tranh chấp gì giữa các anh chị em trong gia đình. Số tiền bán cây các nguyên đơn cho rằng có cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X một phần, cụ thể: Ông Nguyễn Văn P cho bà Nguyễn Thị T 500.000đồng; bà Nguyễn Thị V cho bà Nguyễn Thị T 2.000.000đồng, cho bà Nguyễn Thị X cả tiền mặt và bằng mấy con gà tổng trị giá 2.000.000đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn P còn cho ông Nguyễn Văn T 4.000.000đồng vì điều kiện kinh tế của ông Nguyễn Văn T đang khó khăn. Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X không thừa nhận việc được các nguyên đơn cho tiền, họ cho rằng ông Nguyễn Văn P khai thác cây trên đất bán được 50.000.000đồng nhưng họ không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho ý kiến mình đã đưa ra.

[11] Thứ 3: Về việc trồng cây sau năm 2011 và chăm sóc, khai thác cây trên đất: Năm 2011 ông Nguyễn Văn P tiếp tục mua cây giống của bà Nguyễn Thị H1 về trồng trên phần đất đang quản lý sử dụng và có thuê người trồng cây, vui xới cây; sau đó một thời gian ông Nguyễn Văn P trồng thêm các cây lát, cây sưa trên đất. Vấn đề này được người làm chứng bà Nguyễn Thị H1, bà Lương Thị T (không có họ hàng hay mâu thuẫn gì với hai bên đương sự) xác nhận và phù hợp với số lượng cây, với các loại cây hiện có trên đất. Năm 2021, ông Nguyễn Văn P tiếp tục khai thác cây trên đất, bán cho ông Hà Văn L được 211.000.000đồng, việc này cũng được người làm chứng ông Hà Văn L (không có họ hàng hay mâu thuẫn gì với hai bên đương sự) xác nhận. Sau khi khai khác cây đợt 1, bà Nguyễn Thị V trồng và chăm sóc cây trên phần đất đang quản lý sử dụng. Năm 2020, bà Nguyễn Thị V tiếp tục khai thác cây trên đất và bán được 50.000.000 đồng rồi trồng lứa cây keo tiếp theo. Về những lần khai thác cây trên đất các bị đơn đều thừa nhận: Lúc đầu các nguyên đơn khai thác cây trên đất họ không biết, nhưng do việc khai thác diễn ra trong một thời gian dài, nên khi các nguyên đơn đang khai thác cây trên đất, thì họ đã biết sự việc này. Nếu các bị đơn xác định đó là tài sản của họ, thuộc quyền sở hữu của họ thì đương nhiên họ phải yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp, xem xét và giải quyết. Nhưng khi đó, các bị đơn đã bỏ mặc và không có ý kiến gì về những lần khai thác cây trồng của các nguyên đơn. Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X cho rằng: Ông Nguyễn Văn P khai thác cây trên đất đợt 2 bán được 230.000.000đồng nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho ý kiến mình đã đưa ra. Bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T cho rằng: Từ năm 2005 đến nay, hàng năm các bà và ông Nguyễn Văn T vẫn lên khu vực đất tranh chấp để phát cỏ dại, chăm sóc cây keo, cây bạch đàn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cây trên đất tranh chấp không chỉ có cây bạch đàn, cây keo mà còn các loại cây khác như cây lát, cây sưa do ông Nguyễn Văn P trồng xen kẽ. Ngoài lời khai của mình và xác nhận của một vài người làm chứng (những người không phải là người gốc địa phương) thì bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn T không còn tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh cho ý kiến này.

[12] Về giám định cây trồng trên đất tranh chấp: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X cho rằng cây bạch đàn trên đất có nguồn gốc từ cây bạch đàn trồng năm 2005, ông Nguyễn Văn P xác định về cơ bản các cây bạch đàn đều trồng năm 2011, số ít trồng vào năm 2005 (gốc cây có chồi bạch đàn). Đối với cây sưa, cây lát ông Nguyễn Văn P xác định trồng vào khoảng năm 2011, còn bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X cho rằng ông Nguyễn Văn P trồng vào khoảng năm 2016-2017. Kết luận giám định tư pháp thể hiện: Cây bạch đàn có năm trồng là năm 2011 (đúng với lời khai của ông Nguyễn Văn P); cây sưa có năm trồng là năm 2013, sai số được tính có thể là năm 2012 hoặc năm 2014; cây lát có năm trồng là năm 2013, sai số được tính có thể là năm 2012 hoặc năm 2014 (gần thời điểm với lời khai của ông Nguyễn Văn P). Mặt khác, chính bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn T cũng khẳng định họ không phải là người trồng các cây sưa, cây lát trên đất.

[13] Về phương án xử lý đối với diện tích đất Công ty Đ trả về cho địa phương quản lý:

[14] Thứ nhất: Ngày 02-8-2018, UBND tỉnh có Quyết định số: 1460/QĐ- UBND về việc thu hồi đất của Công ty Đ giao cho Trung tâm quản lý (trong đó có 20.457m2 đất tranh chấp). Diện tích đất Công ty Đ bàn giao lại cho Trung tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất tại Quyết định số:

2227/QĐ-UBND, ngày 06-11-2020 về việc phê duyệt Phương án sử dụng đất Công ty Đ bàn giao về cho địa phương quản lý, sử dụng tại thị trấn H, huyện H. Tại Phương án sử dụng đất kèm theo thể hiện có 47 hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng từ trước năm 2006. Đối với đất rừng sản xuất có tài sản chủ yếu là cây bạch đàn, keo do các hộ gia đình tự trồng; không có tài sản còn lại của Công ty Đ trên diện tích đất bàn giao về địa phương. Đối với diện tích đất các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng từ trước năm 2006 sẽ thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Như vậy, UBND tỉnh đã có chủ trương giao đất Công ty Đ trả về cho người dân có nhu cầu và đang thực tế quản lý, sử dụng.

[15] Thứ 2: UBND huyện khẳng định: Phần diện tích đất hiện đang tranh chấp theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 được thể hiện là đất rừng sản xuất, được trồng các loại cây theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, tại diện tích đất hiện đang tranh chấp nếu giải quyết xong sẽ được xem xét giao đất, cho thuê đất theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

[16] Thứ 3: Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho biết: Trung tâm là đơn vị quản lý diện tích đất Công ty Đ bàn giao về cho địa phương (trong đó có diện tích đất tranh chấp) chủ yếu căn cứ trên hồ sơ, bản đồ, Trung tâm chưa có tác động gì đến khu vực đất trên. Việc tách thửa đất phải thực hiện theo quy định tại Quyết định số: 28/2021/QĐ-UBND ngày 14-10-2021 và Quyết định số:

39/2022/QĐ-UBND ngày 15-12-2022 của UBND tỉnh; ngoài các điều kiện thì đất rừng sản xuất: Diện tích của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu là 1.000m2.

[17] Như vậy, đối với diện tích đất tranh chấp, UBND tỉnh đã chấp thuận về chủ trương và cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện phương án cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đất từ trước năm 2006 được quyền thực hiện đăng ký đất đai, xin giao đất, cho thuê đất và được cấp GCNQSDĐ nếu đủ điều kiện. Thực tế, ông Nguyễn Văn P đã đi kê khai, diện tích đất đã được đo đạc lập Bản đồ địa chính ký duyệt năm 2019, các hộ khác sử dụng đất không có tranh chấp đều đã được cấp GCNQSDĐ.

[18] Xét Giấy cho đất trồng rừng lập ngày 25-9-2005, thấy rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Nguyễn Thị T thừa nhận: Do trước đây tưởng mất giấy này nên năm 2008 bà đã nhờ bà Nguyễn Thị H viết lại nhưng vẫn đề ngày 25-9- 2005, nên bà đã giao giấy này cho Tòa án vào ngày 16-6-2022. Đến ngày 07-8- 2022, bà mới tìm thấy bản gốc viết trước đó, nên bà lại tiếp tục giao nộp cho Tòa án (bút lục số 547). Dù Giấy cho đất trồng rừng lập vào thời gian nào thì cũng thể hiện bà Nguyễn Thị H không biết chữ và đều nhờ con gái là chị Đinh Thị H viết hộ. Các giấy này đều không có xác nhận, không có chứng thực của chính quyền địa phương. Bà Nguyễn Thị H không phải là người có quyền quản lý, sử dụng đất tại thời điểm lập giấy. Như vậy, văn bản này không có giá trị pháp lý và không là căn cứ để bảo vệ cho ý kiến mà các bị đơn đã đưa ra. Mặt khác, các bị đơn cho rằng đất bố mẹ họ khai phá khoảng 2,2 ha là phần đất bà Nguyễn Thị O được giao khoán; đất bà Nguyễn Thị H khai phá khoảng 1,0 ha là phần đất bà Lê Thị Đ được giao khoán; ranh giới 02 phần đất này là khe cây thị; tứ cận giáp ranh xung quanh về cơ bản không có gì thay đổi. Tuy nhiên, qua kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ, tổng tất cả diện tích đất tranh chấp mới có 20.557,6m2 (kể cả phần đất giao thông); ranh giới phân chia khe cây thị một bên chỉ có 3.294,8m2 (chưa bằng 1/3 diện tích đất bà Nguyễn Thị H cho rằng đã khai phá năm 1972); một bên phần đất bố mẹ nguyên đơn, bị đơn khai phá cũng chỉ có 17.262,8m2.

[19] Như vậy, từ năm 2005 đến nay, ông Nguyễn Văn P, ông Nguyễn Văn L (đã chết) và sau này là bà Nguyễn Thị V là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất; là người trồng cây, chăm sóc cây và khai thác cây trên đất. Việc này diễn ra thường xuyên, liên tục, ổn định trong suốt thời gian dài. Cây trồng trên đất qua kết quả giám định tuổi cây thể hiện là của các nguyên đơn tạo lập. Do đó, các nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nên yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là có căn cứ pháp lý, được chấp nhận.

[20] Tuy nhiên, tại cấp sơ thẩm các nguyên đơn tự nguyện chia cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng một phần đất tranh chấp tại thửa tạm 5.1, 10.7, 13.1, 14.1 và tài sản gắn liền với đất, nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ ý kiến của những người được chia đất mà đã ghi nhận là chưa phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị T (cả với tư cách là người được ông Nguyễn Văn T ủy quyền), bà Nguyễn Thị X đều không nhất trí với sự tự nguyện của các nguyên đơn mà đề nghị Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án vì các nguyên đơn không có quyền khởi kiện. Ông Nguyễn Văn P đề nghị cấp phúc thẩm không ghi nhận sự tự nguyện đó, mà để các nguyên đơn được trực tiếp quản lý, sử dụng toàn bộ phần đất và tài sản trên đất tranh chấp. Cấp phúc thẩm sẽ xem xét và quyết định nội dung này đảm bảo các quy định của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tách thửa đất và phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[21] Về chi phí tố tụng: Tại cấp sơ thẩm, ông Nguyễn Văn P đã nộp tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản với tổng số tiền 24.728.000đồng. Bị đơn bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T đã nộp tạm ứng chi phí giám định tuổi cây với tổng số tiền 19.500.000đồng. Ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị T tự nguyện chịu số tiền chi phí tố tụng đã tạm ứng. Cấp sơ thẩm xác nhận việc tự nguyện và việc nộp đủ số tiền này là đúng quy định của pháp luật.

[22] Về án phí dân sự sơ thẩm: Các nguyên đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Nếu theo quyết định của Bản án sơ thẩm thì ông Nguyễn Văn P được quản lý sử dụng 12.298,8m2 và sở hữu tài sản trên đất; bà Nguyễn Thị V được quản lý, sử dụng 7.608,1m2 và sở hữu tài sản trên đất; ông Nguyễn Văn T được quản lý, sử dụng 200,7m2 và sở hữu tài sản trên đất; bà Nguyễn Thị T được quản lý, sử dụng 175,5m2 và sở hữu tài sản trên đất; bà Nguyễn Thị X được quản lý sử dụng 174,3m2 và sở hữu tài sản trên đất, thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án (viết tắt là Nghị quyết 326). Bản án sơ thẩm chỉ buộc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu 300.000đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là không đúng quy định của pháp luật về án phí. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H đều đề nghị không ghi nhận sự tự nguyện chia đất và tài sản trên đất. Mặt khác, bà Nguyễn Thị X, Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H mới có đơn xin miễn tiền án phí sơ thẩm, phúc thẩm do là người cao tuổi nên cấp phúc thẩm sẽ khắc phục vấn đề này.

[23] Từ những phân tích, đánh giá trên thấy rằng: Việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm tuy chưa được đầy đủ nhưng cấp phúc thẩm đã thực hiện bổ sung đầy đủ. Tại cấp phúc thẩm, các nguyên đơn không rút đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; không có các căn cứ pháp lý theo quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để Hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của các bị đơn vì không cơ căn cứ pháp luật.

[24] Tuy nhiên, cấp sơ thẩm có một số vi phạm, thiếu sót sau: [25] Thứ nhất: Đã chỉ rõ tại mục [3], mục [4] và mục [22].

[26] Thứ 2: Phần quyết định của Bản án đã chỉ rõ địa danh, địa điểm đất tranh chấp, nhưng không thể hiện tên Bản đồ khu đất tranh chấp; tại Trích đo khu đất tranh chấp có tên Bản đồ nhưng cũng không chính xác. Điều đó là không đầy đủ, khó khăn cho công tác thi hành án.

[27] Thứ 3: Tại Trích đo khu đất tranh chấp kèm theo Bản án sơ thẩm không thể hiện cây sưa trên đất tranh chấp. Các đương sự được quyền sở hữu cây trồng trên đất nhưng quyết định của Bản án sơ thẩm xác định số lượng cây trên đất không chính xác (do đã thực hiện giám định cây) và sử dụng từ khoảng là không phù hợp, không đảm bảo cho việc thi hành án.

[28] Thứ 4: Phần quyết định của Bản án sơ thẩm không có nghĩa vụ trả tiền nhưng lại tuyên nghĩa vụ chậm trả tiền là không phù hợp.

[29] Thứ 5: Phần quyết định của Bản án sơ thẩm không viện dẫn các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và viện diễn không chính xác các quy định của Nghị quyết 326 trong việc giải quyết các vấn đề của vụ án.

[30] Vì vậy, cấp phúc thẩm phải sửa Bản án dân sự sơ thẩm đối với các vi phạm trên. Do sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả người kháng cáo số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[31] Xét đề nghị của những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X là không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật nên không được chấp nhận.

[32] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn là có căn cứ pháp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; không chấp nhận kháng cáo của các bị đơn bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H về việc yêu cầu Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/DS-ST ngày 28-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và đình chỉ giải quyết vụ án; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 26/2022/DS-ST ngày 28-9-2022 của Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cụ thể như sau:

Căn cứ các Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 26, Điều 95, Điều 99, khoản 3 Điều 100, Điều 166, Điều 170, Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ vào các Điều 158, Điều 160, Điều 163, Điều 164, Điều 169, Điều 221, Điều 235 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148, Điều 157, Điều 161, Điều 165, khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, khoản 6 Điều 15, Điều 24, khoản 4 Điều 26, điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V.

1. Về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

1.1. Ông Nguyễn Văn P được quản lý, sử dụng tổng diện tích 12.675,0m2 đất rừng trồng sản xuất, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) và được quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm: 16 cây sưa có đường kính gốc từ 05- 10cm; 89 cây lát trong đó có 05 cây lát đường kính trên 10cm, 14 cây lát có đường kính gốc từ 5-10cm, 70 cây lát gốc có đường kính gốc dưới 5cm; 40 cây keo có đường kính gốc từ 5-10cm; 2.103 cây bạch đàn, trên diện tích đất nêu trên.

Diện tích 12.675,0m2 đất trồng rừng sản xuất được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, B17, A20, A21, A22, A23, A24, A25, A26 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án, bao gồm:

- Diện tích 1.168,1m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 04 (có số thửa tạm 4.1 và 4.2), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A3, A4, A5, B14, B13, B12, A27 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 200,7m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 05 (có số thửa tạm 5.1, 5.2 và 5.3), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A2, A3, A27, B12, A28, B22 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 1.063,0m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 09 (có số thửa tạm 9.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A5, A6, B15, B14 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 8.963,2m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 10 (có số thửa tạm 10.1, 10.2 và 10.7), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A26, A2, B22, A28, B12, B13, B14, B15, B16, A7, A8, B19, B17, A20, A21, A22, A23, A24, A25 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 1.104,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 11 (có số thửa tạm 11.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A6, A7, B16, B15 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 175,5m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 13 (có số thửa tạm 13.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A8, A9, B17, B19 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

1.2. Bà Nguyễn Thị V được quản lý, sử dụng tổng diện tích 7.782,4m2 đất rừng trồng sản xuất, tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) và được quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (1.300 cây keo có đường kính gốc dưới 5cm) trên diện tích đất nêu trên.

Diện tích 7.782,4m2 đất rừng trồng sản xuất được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A9, A10, A12, A13, A14, A15, A16, A17, A18, A19, A20, B17 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án, bao gồm:

- Diện tích 768,1m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 10 (có số thửa tạm 10.3), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) B17, B18, A19, A20 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 174,3m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 14 (có số thửa tạm 14.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A9, A10, B18, B17 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

- Diện tích 6.840.0m2 đất rừng trồng sản xuất thuộc một phần thửa đất số 19 (có số thửa tạm 19.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A10, A12, A13, A14, A15, A16, A17, A18, A19, B18 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

1.3. Về đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất - Ông Nguyễn Văn P có nghĩa vụ thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu tại mục 1.1 và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật đất đai.

- Bà Nguyễn Thị V có nghĩa vụ thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu tại mục 1.2 và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật đất đai.

1.4. Buộc bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H, ông Nguyễn Văn T chấm dứt hành vi tranh chấp quyền sử dụng diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nêu tại mục 1.1, mục 1.2 với ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V.

2. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V về việc tranh chấp quyền sử dụng đất đối với diện tích 100,2m2 đất giao thông thuộc một phần thửa đất số 06 (có số thửa tạm 6.1), tờ bản đồ địa chính số 01 thị trấn H, huyện H, tỉnh Lạng Sơn tỉ lệ 1/5000, lập năm 2019 (đất Lâm trường trả về địa phương) và tài sản gắn liền với đất (01 cột đèn điện) do các nguyên đơn ông Nguyễn Văn P, bà Nguyễn Thị V rút yêu cầu khởi kiện. Diện tích 100,2m2 đất giao thông được xác định bởi các đỉnh thửa nối các điểm (đỉnh thửa) A1, A2, A26 thể hiện tại Phụ lục kèm theo Bản án.

3. Về nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng 3.1. Ông Nguyễn Văn P tự nguyện chịu tổng số tiền 24.728.000đồng về việc chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Xác nhận ông Nguyễn Văn P đã nộp đủ số tiền 24.728.000đồng (hai mươi tư triệu bẩy trăm hai mươi tám nghìn đồng).

3.2. Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X tự nguyện chịu tổng số tiền 19.500.000đồng về việc chi phí giám định tuổi cây. Xác nhận bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X đã nộp đủ số tiền 19.500.000đồng (mười chín triệu năm trăm nghìn đồng).

4. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H được miễn tiền án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị X, bà Nguyễn Thị H không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.

5.1. Hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị X số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2021/0004384 ngày 18-10-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

5.2. Hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2021/0004385 ngày 18-10-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

5.3. Hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị H số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đồng (ba trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2021/0004386 ngày 18-10-2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H, tỉnh Lạng Sơn.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

72
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 06/2023/DS-PT

Số hiệu:06/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về