Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con số 31/2022/HNGĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THOẠI SƠN, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 31/2022/HNGĐ-ST NGÀY 22/04/2022 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON

Ngày 22 tháng 4 năm 2022 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hôn nhân và gia đình thụ lý số: 316/2021/TLST-HNGĐ ngày 29 tháng 11 năm 2021 về việc tranh chấp “ly hôn, tranh chấp về nuôi con” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 32/2022/QĐXXST-HNGĐ ngày 02 tháng 3 năm 2022 và quyết định hoãn phiên tòa số: 35A/2022/QĐST-HNGĐ ngày 25 tháng 3 năm 2022 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Chị TTKC, sinh năm 1999;

Địa chỉ: ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

* Bị đơn: Anh LNL, sinh năm 1997;

Địa chỉ: ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 01/6/2021 và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn chị TTKC trình bày như sau:

Chị và anh LNL do mai mối, sau đó tìm hiểu một thời gian thì tiến tới kết hôn vào năm 2016, có tổ chức đám cưới, hôn nhân tự nguyện, lần thứ nhất, có đăng ký kết hôn trễ hạn tại Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày 20/12/2017. Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống hạnh phúc mấy tháng đầu thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn là do anh L không lo làm ăn, kinh tế trong gia đình không phụ tiếp, không quan tâm đến vợ con, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Trong quá trình chung sống, chị cũng nhiều lần khuyên anh chí thú làm ăn và lo cho vợ con, lo cho gia đình nhưng không có kết quả. Hai vợ chồng chính thức sống ly thân từ tháng 4/2021 đến nay. Thời gian ly thân, anh L không còn tới lui thăm nom, chăm sóc mẹ con chị cũng như không có biện pháp hàn gắn hạnh phúc. Nhận thấy mục đích hôn nhân không đạt được, tình cảm vợ chồng không còn nên chị yêu cầu được ly hôn với anh L.

Về con chung: Vợ chồng chị có 01 con chung tên LNĐ, sinh ngày 13/9/2017, hiện nay đang sống với chị. Sau khi ly hôn, chị yêu cầu được tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu anh L cấp dưỡng nuôi con chung.

Về tài sản chung và nợ chung: Không có.

Do chị bệnh nên không tham gia phiên toà được nên có đơn xin vắng mặt tại phiên toà.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã hai lần triệu tập hợp lệ anh L đến để tiến hành hòa giải và triệu tập tham gia phiên toà nhưng anh L vắng mặt không có lý do và không cung cấp lời khai.

* Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã tuân theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng: Bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn là phù hợp với quy định tại Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại các Điều 8, 9, 56, 81, 82, 83, 84, 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 xem xét, quyết định. Về hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị C được ly hôn với anh L. Về con chung: Giao cháu LNĐ, sinh ngày 13/9/2017 cho chị C được chăm sóc, nuôi dưỡng; anh L không cấp dưỡng nuôi con. Tài sản chung và nợ chung: Không có. Chị C yêu cầu ly hôn nên phải nộp 300.000 đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào lời trình bày của nguyên đơn, ý kiến phát biểu của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

Chị TTKC (là nguyên đơn trong vụ án) có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt chị C theo quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự Anh LNL (là bị đơn trong vụ án) đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên toà xét xử lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt anh L.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về hôn nhân: Chị C và anh L kết hôn với nhau vào năm 2016, có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày 20/12/2017 nên được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình. Nay vợ chồng chị C và anh L phát sinh mâu thuẫn, chị C yêu cầu ly hôn nên Toà án thụ lý, giải quyết là phù hợp với các quy định của pháp luật.

Trong quá trình hôn nhân, chị C cho rằng do anh L không lo làm ăn, kinh tế trong gia đình không phụ tiếp chị, không quan tâm đến vợ con, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Trong quá trình chung sống, chị cũng nhiều lần khuyên anh chí thú làm ăn và lo cho vợ, con, gia đình nhưng không có kết quả. Thời gian ly thân, anh L không còn tới lui, thăm nom, chăm sóc chị cũng như không có biện pháp để hàn gắn hạnh phúc. Tòa án đã triệu tập anh L để tham gia phiên hòa giải nhưng anh L cố tình vắng mặt và không trình bày ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của chị C thể hiện anh L không muốn hàn gắn. Xét thấy, hôn nhân giữa chị C và anh L thực tế đã không còn tồn tại, mục đích hôn nhân không đạt được, nếu duy trì cuộc hôn nhân này cũng không đem lại hạnh phúc cho cả hai. Do đó, nghĩ nên chấp nhận yêu cầu của chị C được ly hôn với anh L.

[2.2] Về con chung:

Chị C xác định trong thời gian chung sống, vợ chồng anh chị có 01 con chung tên LNĐ, sinh ngày 13/9/2017, hiện nay đang sống với chị C. Sau ly hôn, chị C yêu cầu được chăm sóc, nuôi dưỡng con chung và không yêu cầu anh L phải cấp dưỡng nuôi con. Xét thấy, cháu Đ hiện nay đang sống với chị C, xuất phát từ lợi ích mọi mặt của cháu Đ, để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cháu, giúp cháu phát triển tốt về thể chất, tinh thần, Hội đồng xét xử giao cháu Đ cho chị C được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Về cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con, tuy nhiên chị C không yêu cầu anh L phải cấp dưỡng nuôi con chung nên HĐXX không xem xét.

Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được quyền cản trở. Chị C phải tạo điều kiện cho anh L được thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung.

[2.3] Về quan hệ tài sản chung và nợ chung: Chị C không tranh chấp tài sản chung và nợ chung nên HĐXX không xem xét. Nếu sau này giữa chị C và anh L có phát sinh tranh chấp về tài sản chung và nợ chung sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết bằng vụ án khác.

[3] Lời phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa về nội dung giải quyết vụ án là phù hợp với quy định pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Chị C phải chịu án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm theo quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng được khấu trừ Chi tạm ứng án phí chị C đã nộp.

Các đương sự có quyền kháng cáo bản án theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 227, 228, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Các Điều 8, 9, 56, 58, 81, 82, 83, 84 và Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị TTKC.

* Về hôn nhân: Chị TTKC được ly hôn với anh LNL.

(Giấy chứng nhận kết hôn số 137/2017, ngày 20/12/2017 do Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cấp cho chị TTKC và anh LNL không còn giá trị pháp lý).

* Về con chung: Giao 01 con chung tên LNĐ, sinh ngày 13/9/2017 cho chị C được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng.

Anh L không phải cấp dưỡng nuôi con chung do chị C không có yêu cầu.

Anh L có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung mà không ai được cản trở.

Trên cơ sở lợi ích của con, theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Toà án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

* Về tài sản chung và nợ chung: Chị C không yêu cầu Tòa án giải quyết nên HĐXX không xem xét. Nếu sau này giữa chị C và anh L có phát sinh tranh chấp về tài sản chung và nợ chung sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết bằng vụ án khác.

* Về án phí dân sự sơ thẩm: Chị TTKC phải chịu án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008741 ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Anh LNL không phải chịu án phí hôn nhân sơ thẩm.

Chị C được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Anh L được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hoặc niêm yết bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

161
  • Tên bản án:
    Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con số 31/2022/HNGĐ-ST
  • Số hiệu:
    31/2022/HNGĐ-ST
  • Cấp xét xử:
    Sơ thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hôn Nhân Gia Đình
  • Ngày ban hành:
    22/04/2022
  • Từ khóa:
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp ly hôn, nuôi con số 31/2022/HNGĐ-ST

Số hiệu:31/2022/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thoại Sơn - An Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 22/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về