TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 03/2022/KDTM-ST NGÀY 08/12/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 08 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 02/2022/TLST-KDTM ngày 19/7/2022 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2022/QĐXXST-KDTM ngày 13/10/2022, Quyết định hoãn phiên toà số 04/2022/QĐST-KDTM ngày 08/11/2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty TNHH F Địa chỉ: Cụm CN Phía T, đường N, phường C, thành phố H, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông L – Tổng Giám đốc;
Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1984;
HKTT: CC T, H, Hà Nội.
(Theo hợp đồng ủy quyền ngày 20/5/2022). Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH sản xuất B Địa chỉ: KDC H, phường V, thành phố C, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Ông L – Giám đốc Người phiên dịch của bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1990;
Đều có mặt.
Nguyên đơn trình bày:
NỘI DUNG VỤ ÁN
Giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 20200818/HĐNT/FJ-MD ngày 18/8/2020 về mua bán hàng hoá là màng nhựa theo từng đơn đặt hàng cụ thể theo các hoá đơn mà nguyên đơn đã giao nộp cho Toà án và các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên nguyên đơn đã giao hàng đúng theo thoả thuận trong hợp đồng. Lần đầu tiên nguyên đơn giao hàng cho bị đơn là vào tháng 8/2020, đến ngày 29/8/2020 thì xuất hoá đơn. Nhưng bị đơn đã không thanh toán theo đúng thoả thuận trong hợp đồng, vi phạm thời hạn thanh toán tại Điều 3 trong hợp đồng. Theo thoả thuận trong hợp đồng thì ngày đến hạn thanh toán là ngày 30/10/2020 nhưng đến ngày 25/11/2020 thì bị đơn mới thanh toán, chậm mất 25 ngày, nên phải chịu lãi 25 ngày đối với số tiền gốc chậm thanh toán. Tương tự các lần giao hàng và thanh toán tiếp theo thì bị đơn vẫn tiếp tục vi phạm hợp đồng, nguyên đơn đã có bảng kê chi tiết về từng lần xuất hoá đơn cho Toà án, đề nghị Toà án công bố nội dung cho bị đơn. Đến tháng 6/2021, nguyên đơn bán hàng lần cuối cùng cho bị đơn và xuất hoá đơn vào ngày 25/6/2021, sau đó hai bên dừng việc mua bán hàng hoá. Nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bị đơn thanh toán tiền còn nợ, nhưng bị đơn trả dần mà không thanh toán toàn bộ tiền nợ cho nguyên đơn.
Theo nội dung trong hợp đồng, hai bên không thoả thuận về mức lãi suất chậm thanh toán. Nhưng căn cứ vào khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 306 Luật Thương mại thì bị đơn phải thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán. Căn cứ tính mức lãi suất, nguyên đơn căn cứ vào công ty M mở tài khoản tại Ngân hàng BIDV nên lấy lãi suất cho vay ngắn hạn của BIDV làm căn cứ tính lãi. Theo Quyết định số 212/QĐ-BIDV.ThĐ ngày 21/02/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh T, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn vay 12 tháng là 8.5%. Tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 01 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì “trường hợp các bên không có thoả thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn, nên nguyên đơn áp dụng mức lãi suất quá hạn là 12,8%.
Trong bảng kê mà nguyên đơn giao nộp cho Toà án đều tính mức lãi suất quá hạn là 12.8% đối với từng lần mà bị đơn chậm thanh toán theo các hoá đơn.
Khi bị đơn không thực hiện thanh toán đúng theo thoả thuận của hợp đồng thì nguyên đơn có gọi điện cho bị đơn yêu cầu thanh toán theo đúng thoả thuận của hợp đồng, thì bị đơn sau đó đã trả nợ cho nguyên đơn. Giữa hai bên chỉ nói chuyện với nhau bằng điện thoại, không bằng văn bản, không nói về việc chậm thanh toán thì phải chịu lãi.
Giữa hai công ty có biên bản đối chiếu công nợ vào ngày 29/11/2021 và ngày 31/12/2021 và đã giao nộp cho Toà án.
Sau nhiều lần nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền gốc còn nợ thì bị đơn không thanh toán, do đó đến ngày 25/4/2022, bị đơn đã gửi văn bản cho bị đơn yêu cầu trả gốc còn nợ tính đến ngày 30/4/2022 là 788.360.435đ tiền gốc và 375.362.498đ tiền lãi, tổng là 1.163.722.933đ. Kế toán của công ty là chị H đã xác nhận nội dung nhận được văn bản của nguyên đơn và đã hẹn đến tháng 5/2022 bị đơn sẽ thanh toán cho nguyên đơn tiền gốc, còn lãi thì không đồng ý thanh toán. Nguyên đơn chỉ liên lạc với kế toán của bị đơn và kế toán của bị đơn nói là sẽ trao đổi lại nội dung của nguyên đơn cho lãnh đạo của bị đơn.
Rất nhiều lần bị đơn hẹn thanh toán cho nguyên đơn nhưng đều không thanh toán hết cho nguyên đơn, nên nguyên đơn đã làm đơn khởi kiện ra Toà án yêu cầu bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn nợ và tiền lãi chậm thanh toán tính đến ngày 23/5/2022 là 969.960.735đ, trong đó: Tiền hàng là 588.360.435đ và tiền lãi chậm trả là 381.600.300đ.
Quá trình giải quyết tại Tòa án, bị đơn đã thanh toán toàn bộ số tiền hàng còn nợ là 588.360.000 đồng, bị đơn không đồng ý trả lãi chậm trả tiền hàng mà nguyên đơn yêu cầu. Tính đến ngày 26/9/2022, số tiền lãi chậm thanh toán mà bị đơn chưa thanh toán là 394.094.893 đồng, nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán là 300.000.000đồng. Do số tiền hàng bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn xong nên không yêu cầu Toà án giải quyết đối với số tiền hàng, Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán số cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán là 300.000.000đồng.
Bị đơn trình bày: Đối với nội dung nguyên đơn trình bày về hợp đồng, quá trình thực hiện hợp đồng, phương thức thanh toán đều đúng. Do kinh doanh khó khăn nên bị đơn có vi phạm về thời hạn thanh toán 60 ngày kể từ khi xuất hoá đơn, nhưng sau đó bị đơn vẫn thanh toán đầy đủ cho nguyên đơn. Đến nay, bị đơn đã thanh toán xong tiền hàng cho nguyên đơn, không còn nợ tiền nguyên đơn. Đối với yêu cầu của nguyên đơn tính lãi, lãi suất, mức lãi suất thì bị đơn không đồng ý vì trong hợp đồng không thoả thuận về việc nếu chậm thanh toán thì phải chịu lãi.
Đối với ngày quá hạn thanh toán như bảng kê do nguyên đơn giao nộp là đúng.
Đối với văn bản ngày 25/4/2022 của nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả nợ đến 30/4/2022 là 788.360.435đ tiền gốc và 375.362.498đ tiền lãi, tổng là 1.163.722.933đ thì kế toán bên bị đơn đã nhận được văn bản. Kế toán của bị đơn đã trả lời bên nguyên đơn là chỉ chấp nhận nợ gốc và hứa sẽ trả, còn nợ lãi không đồng ý. Sau đó, bị đơn đã trả nợ gốc cho nguyên đơn, đến nay đã trả nợ xong gốc. Đối với yêu cầu tính lãi trên số tiền hàng chậm thanh toán thì bị đơn không đồng ý.
Tại phiên toà:
Nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn vẫn giữ nguyên quan điểm đã trình bày trong quá trình giải quyết tại Toà án. Bị đơn đã trả toàn bộ số tiền hàng đã nợ nên nguyên đơn không yêu cầu Toà án giải quyết đối với số tiền gốc, chỉ yêu cầu bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán là 300.000.000 đồng.
Bị đơn trình bày: Bị đơn giữ nguyên quan điểm đã trình bày tại Toà án. Bị đơn đã thanh toán xong tiền hàng, không đồng ý với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Chí Linh trình bày: Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký kể từ thời điểm thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án đã tuân theo đúng quy định pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên đơn, bị đơn chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng.
Về đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ Điều 357, 440 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 306 Luật thương mại năm 2005; Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Điều 30, 35, 39, 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Xử Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi chậm thanh toán là 300.000.000đ. Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí theo quy định của pháp luật. Trả lại cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ý kiến của các đương sự được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn là Công ty TNHH F (tổ chức có đăng ký kinh doanh) khởi kiện Công ty TNHH sản xuất B (tổ chức có đăng ký kinh doanh) yêu cầu thanh toán nợ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, nên đây là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, thuộc án kinh danh thương mại. Thời điểm thụ lý vụ án, công ty TNHH sản xuất B có địa chỉ: KDC H, phường V, thành phố C, tỉnh Hải Dương nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương theo quy định tại khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, nguyên đơn và bị đơn đều xác định thanh toán xong hết tiền hàng, nguyên đơn không yêu cầu Toà án giải quyết nên HĐXX không xem xét giải quyết.
[3] Về nội dung và hình thức của hợp đồng:
Công ty TNHH F và Công ty TNHH sản xuất B đã ký kết hợp đồng nguyên tắc số 20200818/HĐNT/FJ-MD ngày 18/8/2020 về mua bán hàng hoá là màng nhựa theo từng đơn đặt hàng cụ thể theo các hoá đơn mà nguyên đơn đã giao nộp cho Toà án và các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng, nên xác định hợp đồng nguyên tắc là hợp pháp.
Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất về số hoá đơn, số tiền thanh toán từng lần, số ngày chậm thanh toán của từng hóa đơn. Khi hai bên chấm dứt hợp đồng, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán tiền hàng hoá còn nợ nguyên đơn.
[3] Xét yêu cầu tính lãi chậm thanh toán:
[3.1] Nguyên đơn yêu cầu tính lãi trên số tiền chậm thanh toán vì vi phạm Điều 3 của Hợp đồng. Theo nội dung trong hợp đồng, hai bên không thoả thuận về mức lãi suất chậm thanh toán. Nhưng căn cứ vào khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 306 Luật Thương mại thì bị đơn phải thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán. Căn cứ tính mức lãi suất, nguyên đơn căn cứ vào công ty TNHH sản xuất B mở tài khoản tại Ngân hàng BIDV nên lấy lãi suất cho vay ngắn hạn của BIDV làm căn cứ tính lãi. Theo Quyết định số 212/QĐ-BIDV.ThĐ ngày 21/02/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh T, quy định lãi suất cho vay ngắn hạn khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn vay 12 tháng là 8.5%. Tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 01 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì “trường hợp các bên không có thoả thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn, nên nguyên đơn áp dụng mức lãi suất quá hạn là 12,8%. Trong bảng kê mà nguyên đơn giao nộp cho Toà án đều tính mức lãi suất quá hạn là 12.8% đối với từng lần mà bị đơn chậm thanh toán theo các hoá đơn. Tổng số tiền lãi chậm thanh toán là: 394.094.893 đồng, nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền là 300.000.000đ Bị đơn không đồng ý với việc tính lãi chậm thanh toán mà nguyên đơn đưa ra vì khi giao kết hợp đồng không thỏa thuận với nhau về việc tính lãi trên số tiền chậm thanh toán.
[3.2] Xét thấy, tại điều 3 của hợp đồng về thời hạn thanh toán các bên có thoả thuận: Bên B thanh toán cho bên A tiền hàng trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận được hoá đơn VAT của bên A. Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã xuất 11 hoá đơn giá trị gia tăng. Nguyên đơn và bị đơn đều đã thống nhất với nhau về hoá đơn giá trị gia tăng, ngày xuất hoá đơn, số tiền mỗi hoá đơn, thời hạn trả nợ, ngày trả nợ của bị đơn đều chậm so với thoả thuận tại Điều 3 của hợp đồng, đúng như bảng kê của nguyên đơn (BL171-172). Như vậy, bị đơn đã thừa nhận việc chậm thanh toán cho nguyên đơn.
Ngày 29/11/2021, hai công ty đã có biên bản đối chiếu và xác nhận trả nợ, cụ thể, tổng số nợ đến ngày 29/11/2021 là 2.488.360.435 đồng, và hai bên có ký biên bản xác nhận công nợ, trong đó bên B xác nhận kế hoạch trả nợ cho bên A như sau:
Từ ngày 29/11 – 31/12/2021, chuyển khoản số tiền 1.244.000.000 đồng Từ ngày 01/01/22-30/01/2022, chuyển khoản số tiền 1.244.360.435 đồng Với việc chốt công nợ và hai bên đưa ra phương án trả nợ, được coi là thoả thuận mới của các bên. Do đó, xác định lại thời điểm thanh toán nợ của bị đơn sẽ được tính theo phương án trả nợ do nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất.
Ngày 23/12/2021, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn số tiền 1.200.000.000đ, như vậy, theo thoả thuận, bị đơn vẫn chưa thanh toán cho nguyên đơn số tiền 44.000.000đ trong thời hạn từ ngày 29/11 – 31/12/2021, nên bị đơn đã vi phạm thời hạn thanh toán. Tính đến ngày 01/01/2022, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 1.288.360.435đồng.
[3.3] Khi giao kết hợp đồng, hai bên không thỏa thuận về tính lãi chậm thanh toán. Căn cứ vào khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”. Do bị đơn đã vi phạm về thời hạn thanh toán, nên bị đơn phải trả lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Do đó, nguyên đơn yêu cầu buộc bị đơn phải trả tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán là có căn cứ.
[3.4] Về mức lãi suất: Căn cứ vào Điều 306 Luật Thương mại quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" và căn cứ vào Điều 11 Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định: Tòa án sẽ căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,...) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả. Căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam và Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đều có các chi nhánh, phòng giao dịch tại thành phố Chí Linh xác định mức lãi suất cơ bản trung bình là 8.57%/năm, lãi suất nợ quá hạn trung bình là 150% lãi suất trong hạn (tức là bằng 12.85%/năm).
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn phải chịu mức lãi suất ngắn hạn BIDV 8,5% (Quá hạn 150% lãi suất ngắn hạn = 12.8%). Xét thấy, với mức lãi suất mà nguyên đơn đưa ra là có lợi cho bị đơn, nên cần chấp nhận mức lãi suất của nguyên đơn là 12.8%.
Cụ thể:
Ngày trả nợ |
Số tiền trả |
Nợ gốc còn lại |
Số ngày tính lãi |
Tiền lãi |
|
01/01/2022 |
|
1.288.360.435 |
107 |
48.343.519 |
|
18/4/2022 |
500.000.000 |
788.360.435 |
29 |
8.017.518 |
|
17/5/2022 |
200.000.000 |
588.360.435 |
72 |
14.855.697 |
|
28/7/2022 |
500.000.000 |
88.360.435 |
60 |
1.859.200 |
|
26/9/2022 |
88.360.435 |
0 |
0 |
0 |
|
Tổng: |
|
|
|
73.075.934 |
|
Tổng số tiền lãi do bị đơn chậm thanh toán là: 73.075.934đồng Như vậy, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với khoản tiền lãi do bị đơn chậm thanh toán tiền hàng hoá.
Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi do bị đơn chậm thanh toán tiền hàng hoá là: 73.075.934đồng Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải chịu số tiền lãi do bị đơn chậm thanh toán tiền hàng hoá là: 226.924.066đồng.
[9] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH F được chấp nhận một phần nên bị đơn phải chịu án phí đối với phần được chấp nhận theo quy quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội.
Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần không được chấp nhận;
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, 35, 39, 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 306 Luật Kinh doanh thương mại; khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự; Luật phí và lệ phí; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội.
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH F Buộc công ty TNHH sản xuất B phải trả cho Công ty TNHH F Nam số tiền lãi chậm thanh toán là 73.075.934 (Bẩy mươi ba triệu, bẩy mươi lăm nghìn, chín trăm ba mươi tư) đồng.
Không chấp nhận yêu cầu công ty TNHH sản xuất B phải trả cho Công ty TNHH F số tiền lãi chậm thanh toán là 226.924.066 (Hai trăm hai mươi sáu triệu, chín trăm hai mươi tư nghìn, sáu mươi sáu) đồng.
- Về án phí: Công ty TNHH sản xuất B phải chịu án phí là 3.653.000 (Ba triệu sáu trăm năm mươi ba nghìn) đồng.
Công ty TNHH F phải chịu án phí là 11.346.000 (Mười một triệu ba trăm bốn mươi sáu nghìn) đồng, nhưng được đối trừ số tiền 20.500.000 (Hai mươi triệu năm trăm nghìn)đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số: AA/2020/0003065, ngày 18/7/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trả lại Công ty TNHH F 9.154.000 (Chín triệu một trăm năm mươi tư nghìn) đồng.
- Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án về tranh chấp hợp mua bán hàng hóa số 03/2022/KDTM-ST
Số hiệu: | 03/2022/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Chí Linh - Hải Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 08/12/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về