Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 69/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 69/2023/DS-PT NGÀY 19/01/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 18 và ngày 19 tháng 01 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 324/2022/TLPT-DS ngày 21/11/2022 về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DS-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 332/2022/QĐPT-DS ngày 14/12/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2023/QĐ-PT ngày 04/01/2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị T; sinh năm 1971; địa chỉ: Thôn Y, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; có mặt;

Bị đơn: Anh Lý Văn Đ; sinh năm 1986; địa chỉ: Thôn Y, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Lý Thị N; anh Lục Văn H; Địa chỉ: Thôn Y, xã Đ, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: ông Phạm Công M, Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ: 39 L, TP B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 15/12/2021 bà Trần Thị T trình bày:

Vào ngày 19/01/2019, anh Đ vay bà T số tiền 150.000.000 đồng, lãi 2% tháng, thời hạn trả nợ cả gốc và lãi là sau 01 năm. Chứng cứ chứng minh yêu cầu trên là “Giấy vay tiền” lập ngày 19/01/2019, có chữ ký người vay tiền là Lý Văn Đ, người làm chứng Lý Thị N nhưng phần lãi chỉ ghi lãi theo thỏa thuận.

Trong quá trình giải quyết vụ án thể hiện qua lời khai, biên bản đối chất, biên bản hòa giải, anh Lý Văn Đ, chị Lý Thị N đều thừa nhận anh Đ viết phần nội dung, ký tên người vay chị N ký tên người làm chứng trong “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019. Tuy nhiên, anh Đ, chị N đều cho rằng không phải anh Đ vay tiền mặt như nội dung “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019. Thực chất sự việc dẫn đến ba bên viết giấy nợ như trên là vì trước đó, chị N có vay nợ bà T gồm hai khoản vay, năm 2016 vay 70.000.000 đồng, lãi suất 3% tháng, năm 2017 vay 80.000.000 đồng, lãi suất 2,5% tháng; đến thời điểm viết “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019, tiền nợ gốc là 150.000.000 đồng, lãi đã trả xong theo hằng tháng. Do gia đình chị N đầu tư, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán nợ vay, nhiều người đến “siết nợ”, đòi nợ làm chị N suy sụp tinh thần. Bà T đến nhà chị N đòi nợ nhiều lần và nói rằng số tiền cho chị N vay là bà T đi vay của người khác, nay chị N không còn khả năng trả nợ thì phải có “bố, mẹ, anh, chị em xác nhận thì người ta mới chịu” nên bà T đã bàn với chị N yêu cầu em trai chị N là anh Lý Văn Đ viết “Giấy vay tiền” lập ngày 19/01/2019 để bà T nói với những người bà T vay tiền cho họ tin tưởng chứ giấy vay tiền đó không có giá trị gì... nếu trả nợ thì chị N phải trả khoản nợ này chứ anh Đ không phải trả. Do tin tưởng bà T và vì thương chị N đang rơi vào hoàn cảnh cùng quẫn nên anh Đ đã viết “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019 theo nội dung bà T đọc.

Theo anh Đ, chị N đều cho rằng chị N mới là người có nghĩa vụ trả khoản nợ 150.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh cho bà T; còn anh Đ chỉ phải trả nợ khi chị N chết hoặc bỏ đi khỏi địa phương mà không trả được nợ như lúc viết ‘Giấy vay tiền” ba bên đã thỏa thuận.

Tại phiên hòa giải ngày 22/3/2022 và tại phiên tòa nguyên đơn đã thừa nhận không có sự việc anh Đ vay tiền như “Giấy vay tiền” lập ngày 19/01/2019. Nhưng anh Đ viết giấy vay nợ là để nhận trách nhiệm trả nợ thay cho chị N. Vì anh Đ nhất trí nhận trả nợ thay cho chị N bằng giấy vay tiền nên ban đầu bà T phải viết đơn khởi kiện và yêu cầu anh Đ trả nợ vay như “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019. Việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ chị N sang cho anh Đ bằng “Giấy vay tiền’ ngày 19/01/2019 là vì: tại thời điểm này, chị N, anh H nợ tiền bà T đã lâu, nhưng giữa gia đình bà T, gia đình chị N, anh H, gia đình anh Đ và cha mẹ của anh Đ, chị N là chỗ thân, quen từ lâu nên trong hoàn cảnh bị vỡ nợ có nhiều người đòi nợ, thậm chí siết nợ nhưng bà T vẫn tạo điều kiện để chị N trả nợ dần nhưng chị N vẫn không trả được nợ; cho đến khi chị N, anh H bán mảnh rẫy cà phê là tài sản cuối cùng cho anh Đ vừa để anh Đ đứng ra trả nợ chị N, anh H vay ngân hàng vừa để sau này chị N có điều kiện trả nợ thì anh Đ chuyển quyền sử dụng lại đất rẫy này cho chị N, anh H vì phần đất rẫy này là của bố mẹ chồng chị N tặng cho (bố, mẹ anh H), trên đất có phần mộ người thân gia đình anh H. Từ việc tài sản duy nhất của chị N, anh H đã được chuyển quyền cho anh Đ mà bà T đã yêu cầu chị N bàn bạc, thương lượng với anh Đ để chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho anh Đ, bởi vì bà T chỉ còn trông chờ vào mỗi tài sản cuối cùng là mảnh đất rẫy này; chị N, H, anh Đ cũng đã đồng ý chuyển nợ nên tự nguyện viết “Giấy vay tiền” ngày 19/01/2019.

Về phần anh Đ, để chứng minh không có sự việc vay tiền như “Giấy vay tiền” lập ngày 19/01/2019 và nghĩa vụ trả nợ số tiền vay 150.000.000 đồng là của chị N nên anh Đ đã ghi âm cuộc nói chuyện giữa anh Đ và bà T tại nhà bà T khi bà T yêu cầu anh Đ đến nhà bà T để nói chuyện về việc trả nợ. Thời điểm ghi âm anh Đ không nhớ cụ thể nhưng là vào vụ thu hoạch bắp năm 2019 và trước khi bà T khởi kiện anh Đ. Việc ghi âm của anh Đ được thực hiện bằng điện thoại di động của anh Đ nhưng tại phiên tòa, điện thoại của anh Đ bị hư hỏng, chưa sửa chữa được; tuy nhiên, trước đó, anh Đ đã chuyển file ghi âm này sang cho chị N, chị N chuyển sang thiết bị USB và giao nộp cho tòa án. Tại phiên tòa, ông Phạm Công M – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trích xuất nội dung cuộc ghi âm trên thành văn bản nộp cho Hội đồng xét xử xem xét tại phiên tòa.

Theo bà Thêu thì bà không cần thiết phải nghe lại đoạn ghi âm vì bà T hoàn toàn biết cuộc nói chuyện giữa bà T với anh Đ bị anh Đ ghi âm. Theo nội dung cuộc ghi âm và nội dung trích xuất thành văn bản thì đoạn nói chuyện trong ghi âm gồm 02 người, 01 giọng nam và 01 giọng nữ; nội dung xoay quanh chuyện vay nợ, trả nợ của chị Lý Thị N với bà T; việc bà T yêu cầu anh Đ trả nợ cũng bắt nguồn từ việc chị N không trả được nợ cho bà T, bà T yêu cầu anh Đôn phải trả nợ thay cho chị N. Trong đoạn nói chuyện không thể hiện rõ thỏa thuận nếu chị N không trả được nợ hoặc chết hoặc bỏ trốn thì anh Đ phải trả nợ thay như anh Đ, chị N trình bày.

Tại bản án số 09/2022/DS-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 274, 370, 463, 466, 468 của Bộ Luật dân sự; điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14;

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; buộc anh Lý Văn Đ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay đã nhận chuyển giao từ chị Lý Thị N, anh Lục Văn H cho bà Trần Thị T; nghĩa vụ trả nợ như sau: Tiền gốc 150.000.000 đồng; tiền lãi là 66.181.000 đồng.

Kể từ ngày 24 tháng 9 năm 2022 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 15%năm.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 30/9/2022 ông Lý Văn Đ có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá, lập luận, đại diện Viện kiểm sát cho rằng kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ, nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Lý Văn Đ - Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DS-ST ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Lý Văn Đ trong hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm nên được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung: Bà Trần Thị T khởi kiện yêu cầu ông Lý Văn Đ trả khoản nợ vay là 150 triệu, kèm theo đơn kiện là giấy vay tiền đề ngày 19/01/2019. Sau khi thụ lý Tòa án cấp sơ thẩm mời các đương sự lên làm việc, thì bị đơn không thừa nhận khoản vay mà cho rằng khoản tiền này là do chị gái nguyên đơn bà Lý Thị N trực tiếp vay của bà T trước thời điểm năm 2019. Lý do ông Đ viết giấy vay tiền bà T là do bà N là ăn bị thua lỗ, vỡ nợ, bà T đòi nhiều lần nhưng bà N chưa có trả, nên bà T yêu cầu gia đình bà N phải cam kết và ông Đ đồng ý viết và ký giấy vay tiền để bà T yên tâm, chứ thực tế ông Đ không vay bất cứ khoản tiền nào từ bà T. Do vậy ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T.

[2.1] Xét kháng cáo của ông Lý Văn Đ thì thấy rằng:

Tại các bản tự khai, lời khai đối chất ông Đ và bà N đều khẳng định chính bà N mới là người vay tiền bà T. Cụ thể bà Vay 02 lần, lần thứ nhất vay 70 triệu vào năm 2017 và lần tiếp theo vay 80 triệu, lãi suất 3% tháng và bà N đã trả lãi nhiều lần cho bà T rồi. Tuy nhiên, năm 2019 do làm ăn thua lỗ nên bà N chưa có tiền trả cho bà T, nên ông Đn đứng ra viết giấy vay tiền để bà T yên tâm.

Như vậy, cần xác định việc bà N vay tiền bà T là xảy ra trước thời điểm ông Đ viết giấy vay tiền bà T, đồng thời bà N và bà T cũng đã thừa nhận trong quá trình vay thì bà N có đã trả cho bà T được một khoản tiền lãi rồi. Tuy nhiên, đến năm 2019 do làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ nên ông Đ là em ruột bà N mới đứng ra viết giấy vay với bà T số tiền gốc là 150.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù ông Đ không thừa nhận việc chuyển giao nợ từ bà N, nhưng chứng cứ là “Giấy vay tiền” do ông Đ ký được bên có quyền là bà T đồng ý và theo quy định tại khoản 1 Điều 370 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý,...”.

Ông Đ, bà N cho rằng khi viết lại “Giấy vay tiền” có thỏa thuận miệng với bà T, nếu sau này bà N bỏ trốn, hoặc chết thì ông Đ sẽ chịu trách nhiệm về khoản nợ của bà N, nhưng ông Đ, bà N không đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung mà ông bà đưa ra là có căn cứ. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị T là có cơ sở.

Từ phân tích nhận định trên, xét thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Lý Văn Đ mà cần giữ nguyêm Bản án sơ thẩm là phù hợp.

Về án phí phúc thẩm: Ông Lý Văn Đ thuộc trường hợp được miễn án phí, nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Lý Văn Đ – Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DSST ngày 23/9/2022 của Toà án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 274, 370, 463, 466, 468 của Bộ Luật dân sự; điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14;

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; Buộc ông Lý Văn Đ phải trả cho bà Trần Thị T tổng số tiền là: 216.181.000đồng (Hai trăm mười sáu triệu, một trăm tám mươi mốt nghìn đồng). Trong đó tiền gốc 150.000.000đồng; tiền lãi là 66.181.000đồng.

Kể từ ngày 24 tháng 9 năm 2022 cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 15%năm.

2. Về án phí: ông Đ được miễn án phí DSST và DSPT.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

166
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 69/2023/DS-PT

Số hiệu:69/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về