Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 13/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KHOÁI CHÂU, TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 13/2022/DS-ST NGÀY 23/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Hôm nay, ngày 23 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện K xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự sơ thẩm thụ lý số: 29/2022/TLST-DSST ngày 26/7/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 18/2022/QĐXX-ST ngày 05 tháng 9 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Lưu Chí C, sinh năm 1967; Trú tại: thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Yên (Có mặt tại phiên tòa).

2. Đại diện theo ủy quyền của nguY đơn: Ông Dương Đức Tr, sinh năm 1992; Trú tại: Số A, T2, C1, TP. H1(Có mặt tại phiên tòa).

3. Bị đơn: Anh Lương Công Y, sinh năm 1979; Trú tại: thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Yên (Vắng mặt có lý do).

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chị Đàm Thị T3; sinh năm 1981; Trú tại: thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Yên (Vắng mặt có lý do).

5. Người được chị T3 ủy quyền đồng thời là bị đơn: Anh Lương Công Y, sinh năm 1979; Trú tại: thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Yên (Vắng mặt có lý do) 

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 21/7/2022, bản trình bày ý kiến ngày 26/7/2022, các tài liệu chứng cứ và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn ông Lưu Chí C trình bày: Ông C là chủ doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cầm đồ T4, Giấy phép đăng ký kinh doanh số 0501000257, hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ theo quy định pháp luật. Ông C có mối quan hệ quen biết chú cháu với anh Y, sống gần gặn với nhau, chỉ cách khoảng 500m. Do đó, đầu năm 2013, anh Y có hỏi vay ông C 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng), thời gian vay 20 ngày tính từ ngày 14/01/2013 đến ngày 03/02/2013. Vì biết anh Y là người làm ăn, có công việc ổn định, không phải người ăn chơi, cờ bạc, nên ông C đồng ý cho anh Y vay số tiền trên. Khi vay, có lập Hợp đồng vay tiền ngắn hạn, không cầm cố, thế chấp tài sản gì, cũng không ghi tiền lãi trong Hợp đồng vay tiền, tuy nhiên anh Y cam kết sẽ tự nguyện trả lãi suất với mức 1% cho 20 ngày vay. Số tiền vay trên được vợ chồng anh Y dùng để làm ăn, đồng nghĩa với việc khoản vay trên là công nợ chung của anh Y, chị T3.

Việc ông C cho anh Y vay tiền là quan hệ cá nhân giữa ông C với anh Y, việc ông C sử dụng con dấu của Doanh nghiệp tư nhân của mình theo biểu mẫu sẵn có, và đóng dấu của Doanh nghiệp với mục đích làm tăng sự Tr trọng và pháp lý ràng buộc mà thôi. Ông C xác định Doanh nghiệp tư nhân T4 chỉ có chức năng cầm đồ, không có ngành nghề cho vay, không cho anh Y vay tiền, khoản tiền ông C cho anh Y vay là tiền riêng của cá nhân ông C, không liên quan đến vợ ông C là bà Đào Thị D (tức M).

Kể từ khi đến hạn trả tiền được ghi trong Hợp đồng vay tiền ngắn hạn, anh Y và chị T3 đã không tự giác trả tiền gốc đã vay với lý do đang kẹt tiền, chưa thu hồi được vốn và có xin giãn trả nợ, ông C đã tin tưởng và đồng ý, nhưng một thời gian sau ông C nhiều lần cố gắng liên lạc nhưng không được. Sau đó một thời gian khoảng 02 tháng, ông C được nhiều người nói chuyện, truyền tai nhau và biết việc vợ chồng anh Y nợ nần nhiều nơi, mất khả năng thanh toán công nợ với nhiều người, bỏ đi khỏi địa phương một thời gian không liên lạc được. Khoảng 06 tháng sau, anh Y trở về địa phương và có thu xếp công nợ một số nơi, xin giãn nợ, trong đó có cả công nợ của ông C, để có cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, từ năm 2014 cho đến nay anh Y không trả được cho ông C bất kỳ khoản tiền nào. Ông C đã nhiều lần gọi điện thoại, đến làm việc trực tiếp, nhắn tin đề nghị anh Y thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán của mình, thậm chí còn đề nghị mỗi tháng chỉ cần anh Y trả dần cho ông C từ 500.000đ đến 700.000đ, song anh Y vẫn viện lý do vỡ nợ, không có điều kiện để kéo dài, không thanh toán trong khi hiện tại anh Y vẫn mở cửa hàng làm bia mộ, quảng cáo, có thu nhập ổn định. Đỉnh điểm, ngày 12/01/2022, ông C nhắn tin thúc giục anh Y trả tiền, nhưng anh Y không những không trả tiền, không khất nợ mà còn có giọng điệu thách thức ông C đưa ra pháp luật, không sợ pháp luật thể hiện việc thiếu thiện chí trả nợ của anh Y.

Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông C khởi kiện đề nghị Tòa án Nhân dân huyện K xem xét giải quyết: “Buộc anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 phải liên đới chịu trách nhiệm phải thanh toán cho ông C toàn bộ số tiền nợ gốc là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng) một lần và liên đới chịu trách nhiệm phải thanh toán cho ông C số tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất 10%/năm (Tương đương 0.833%/tháng) trên số tiền nợ gốc tạm tính từ ngày 04/02/2013 đến hết ngày 04/02/2014 là: 120.000.000đ x 10% x 01 năm = 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng), Tiền lãi tiếp tục phát sinh đến thời điểm Tòa án sơ thẩm giải quyết xong.

Tại bản tự khai, các biên bản ghi lời khai ngày 09/8/2022 của bị đơn anh Lương Công Y trình bày: Từ khoảng năm 2009, do cần vốn làm ăn vợ chồng anh đã nhiều lần vay tiền của ông C. Anh Y là người trực tiếp đứng ra vay và trả lãi cho ông C. Thời gian đầu, vợ chồng anh thực hiện việc trả gốc, lãi đầy đủ cho ông C nhưng đến giai đoạn năm 2012 – 2013, do làm ăn không gặp, dẫn đến việc vợ chồng anh không có khả năng trả gốc và lãi đầy đủ cho ông C như trước đó. Đến ngày, 14/01/2013, anh Y và ông C có lập Hợp đồng vay tiền ngắn hạn, thực chất là chốt số nợ giữa hai bên. Theo đó anh Y xác định, vợ chồng anh còn nợ ông C số tiền 120.000.000đ bao gồm cả gốc và lãi của các khoản vay trước đó vợ chồng anh chưa trả được cộng dồn lại chứ không phải toàn bộ số tiền 120.000.000đ là tiền gốc. Còn cụ thể gốc bao nhiêu, lãi bao nhiêu thì anh Y không nhớ. Trong Hợp đồng vay tiền ngắn hạn có ghi thời hạn vay là 20 ngày tính từ ngày 14/01/2013 đến ngày 03/02/2013. Khi chốt số nợ này, anh Y không phải thế chấp tài sản, giấy tờ gì cho ông C mà đây là khoản vay tín chấp, không thỏa thuận về lãi suất nên việc ông C trình bày với Tòa án về lãi suất hai bên thỏa thuận miệng 1% là không đúng, còn việc hợp đồng ghi nội dung anh Y phải có trách nhiệm trả cả gốc và lãi cho doanh nghiệp theo đúng thời gian đã quy định trong hợp đồng thì đây là mẫu Hợp đồng vay tiền của Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cầm đồ T4, bản thân ông C cũng xác nhận cho vợ chồng anh Y vay tiền với tư cách cá nhân ông C chứ không phải với tư cách Doanh nghiệp cầm đồ, việc dùng mẫu sẵn có và đóng dấu của doanh nghiệp với mục đích để tăng sự trang trọng và ràng buộc pháp lý mà thôi. Do vậy, ông C cho rằng anh Y cam kết trả gốc và lãi trong Hợp đồng vay tài sản ngắn hạn là mâu thuẫn với chính trình bày của ông C.

Nay ông C khởi kiện buộc vợ chồng anh Y phải trả cho ông C 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng) tiền gốc làm 01 lần và tiền lãi chậm trả theo mức lãi suất là 10%/năm tính từ ngày 04/02/2013 đến ngày 04/02/2014 là 12.000.000đ (Mười hai triệu đồng). Tổng số tiền gốc, lãi ông C yêu cầu vợ chồng anh Y phải trả tính đến ngày 04/02/2014 là 132.000.000đ (Một trăm ba mươi hai triệu đồng) và lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 04/02/2014 đến thời điểm Tòa án sơ thẩm giải quyết xong vụ án, với mức lãi suất 10%/năm thì anh Y chỉ chấp nhận trả cho ông C số tiền gốc là 120.000.000đ theo phương án mỗi tháng trả ít nhất 1.000.000đ cho đến khi trả hết số tiền gốc. Đối với số tiền lãi mà ông C yêu cầu thì anh Y không chấp nhận vì đây là khoản vay không có lãi. Giữa hai bên cũng không lập bất kỳ văn bản nào để chốt tiền gốc và lãi. Hơn nữa, từ trước đến nay anh chỉ khất nợ chứ chưa bao giờ khất lãi, việc trong lời khai anh có xin lãi là nhắc tới khoản lãi trước kia chứ không phải đối với khoản vay ngày 14/01/2013.

Ngày 09/8/2022, anh Y nộp đơn đề nghị Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện để bác toàn bộ yêu cầu đòi tiền lãi của ông C, đồng thời viết đơn đề nghị xin được giải quyết xét xử vắng mặt với lý do bận công việc.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 09/8/2022 của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn – chị Đàm Thị T3 trình bày: Thừa nhận toàn bộ lời khai của anh Lương Công Y là hoàn toàn đúng sự thật và có quan điểm đồng nhất với quan điểm của anh Y. Do bận công việc và sức khỏe không cho phép nên chị T3 đã ủy quyền cho anh Y có toàn quyền thay chị quyết định mọi vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa vợ chồng chị với ông C và xin được vắng mặt khi Tòa án giải quyết, xét xử vụ án.

Tại phiên tòa hôm nay:

- Đại diện theo ủy quyền của ông C – ông Dương Đức Tr trình bày: Nguyên đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện K buộc Vợ chồng anh Y, chị T3 phải liên đới trả nợ cho ông C toàn bộ số tiền gốc đã vay là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng) làm một lần.

+ Đối với yêu cầu về số tiền lãi chậm trả phát sinh trên số nợ gốc nêu trên thì ông C xin rút toàn bộ, không yêu cầu Tòa đặt ra giải quyết trong vụ án này.

- Nguyên đơn - ông C nhất trí với trình bày của ông Tr, không bổ sung gì thêm.

- Bị đơn - anh Y, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - chị T3 đã được triệu tập tham gia phiên tòa nhưng đều có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K phát biểu:

Về việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, nguyên đơn, bị đơn người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.

Về đường lối giải quyết vụ án:

Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, Điều 147, Điểm e khoản 1 Điều 217, khoản 3 Điều 218, khoản 2 Điều 244 của BLTTDS 2015; Điều 149, Điều 357, Điều 429, Điều 463, Điều 466, Điều 468, Điều 470, điểm b khoản 1 Điều 688 của BLDS năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguY đơn; Buộc anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 phải liên đới trả cho ông Lưu Chí C số tiền gốc đã vay là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng); Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về tiền lãi phát sinh từ số nợ gốc nêu trên của ông Lưu Chí C đối với anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3; Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và ông C có đơn đề nghị thi hành án hợp pháp, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án nếu anh Y, chị T3 chậm thanh toán khoản tiền 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng) nói trên thì anh Y, chị T3 còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định của pháp luật; Hoàn trả cho ông C số tiền tạm ứng án phí DSST là 3.300.000đ (Ba triệu ba trăm nghìn đồng); Buộc vợ chồng anh Y và chị T3 phải liên đới chịu án phí DSST theo giá ngạch.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên toà, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng: Ông Lưu Chí C có đơn đề nghị TAND huyện K giải quyết “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với vợ chồng anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 có hộ khẩu thường trú tại thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Yên. Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 của BLTTDS năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện K.

Bị đơn anh Y, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị T3 đã được triệu tập tham gia phiên tòa nhưng đều có đơn đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt. Vì vậy, căn cứ vào Điều 228 của BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thời hiệu khởi kiện: Ông C khởi kiện vụ án Dân sự sơ thẩm “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” với bị đơn anh Y và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị T3 đều đăng ký hộ khẩu thường trú và trú tại thôn Đ, xã Đ1, huyện K, căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của BLTTDS năm 2015 thì Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Hưng Yên thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Anh Y, chị T3 vi phạm nghĩa vụ trả nợ từ ngày 03/02/2013, đến ngày 21/7/2022, ông C khởi kiện anh Y, chị T3 ra TAND huyện K. Nên theo quy định tại Điều 155 của BLDS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với số tiền gốc, đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi thì đã hết thời hiệu theo Điều 429 của BLDS năm 2015.

[3] Nội dung:

[3.1] Xét Hợp đồng vay tiền ngắn hạn ngày 14/01/2013 gia ông C và anh Y thì thấy rằng: Vợ chồng anh Y, chị T3 và ông C đều xác nhận ông C cho vợ chồng anh Y vay tiền với tư cách cá nhân ông C chứ không phải với tư cách Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ cầm đồ T4, cũng không liên quan đến vợ ông C là bà Đào Thị D (tức M). Xác định vợ chồng anh Y, chị T3 có vay của ông C số tiền 120.000.000đ. Thời hạn vay là 20 ngày tính từ ngày 14/01/2013 đến ngày 03/02/2013, không thỏa thuận về lãi suất. Mặc dù khoản vay này chỉ có anh Y, ông C trực tiếp ký vào hợp đồng vay tiền ngắn hạn, nhưng anh Y và chị T3 đều thừa nhận đã cùng nhau bàn bạc, nhất trí vay tiền của ông C. Như vậy, hợp đồng vay tiền ngắn hạn nói trên được giao kết trên cơ sở tự nguyện của các bên, không bên nào bị lừa dối, đe dọa, hay ép buộc, bên cho vay cũng đã thực hiện xong nghĩa vụ giao tài sản của mình. Hợp đồng vay tài sản này phù hợp với quy định tại Điều 463, Điều 465, Điều 470 của BLDS năm 2015 nên có hiệu lực pháp luật.

[3.2] Xét đề nghị của ông C yêu cầu anh Y, chị T3 phải trả cho ông Chiều số tiền nợ gốc là 120.000.000đ thì thấy rằng: Ông C đã thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng, cho anh Y, chị T3 vay số tiền 120.000.000đ theo Hợp đồng vay tiền ngắn hạn ngày 14/01/2013, không thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, kể từ khi vay tiền cho đến nay thì anh Y, chị T3 chưa trả được đồng nào cho ông C nên đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Từ tháng 02/2013 cho đến nay, ông C đã nhiều lần đôn đốc trả nợ nhưng anh Y, chị T3, không thực hiện đúng cam kết là vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 466 của BLDS năm 2015. Nay, ông C yêu cầu anh Y, chị T3 phải trả toàn bộ số tiền nợ gốc 120.000.000đ là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên được HĐXX chấp nhận.

[3.3] Xét đề nghị của anh Y, chị T3 về đề nghị Tòa án chấp nhận cho anh, chị trả dần toàn bộ số tiền gốc là 120.000.000đ, theo phương án mỗi tháng anh Y, chị T3 trả cho anh C ít nhất 1.000.000đ cho đến khi trả hết số tiền gốc thì thấy rằng: Đề nghị nêu trên của anh Y, chị T3 làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và không được ông C đồng ý nên không có căn cứ chấp nhận.

[3.3] Xét đề nghị của ông C về việc tại phiên tòa hôm nay, ông C rút toàn bộ yêu cầu về tiền lãi, theo đó ông C không yêu cầu anh Y, chị T3 phải trả cho ông Chiều toàn bộ số tiền lãi phát sinh trên số nợ gốc 120.000.000đ; Anh Y đề nghị Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu đối với tiền lãi thì thấy rằng: Khoản tiền ông C cho ông Y, chị T3 vay là khoản vay tín chấp, ngắn hạn, không thỏa thuận về lãi suất, ông C trình bày với Tòa án lãi suất hai bên thỏa thuận ngoài là 1% nhưng không đưa ra được căn cứ chứng minh, trong khi anh Y không thừa nhận có thỏa thuận này. Thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của ông C bị xâm phạm là ngày 03/02/2013, đến ngày 21/7/2022, ông C mới nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là đã quá thời hiệu khởi kiện về tiền lãi, trong khi từ thời gian đó cho đến nay, ông C chỉ gọi điện cho anh Y để yêu cầu anh Y trả nợ, giữa hai bên không có văn bản nào thể hiện việc chốt nợ gốc và lãi cũng như thỏa thuận lại về thời hạn trả nợ. Ông C có nộp các tin nhắn Zalo trao đổi giữa ông C và anh Y nhưng không có tài liệu nào thể hiện giữa ông C và anh Y có thỏa thuận với nhau về tiền lãi hay chốt lãi với nhau. Trong khi anh Y có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Tại phiên tòa hôm nay, ông C cũng xin rút toàn bộ yêu cầu về tiền lãi. Căn cứ quy định tại Điều 429 của BLDS năm 2015; Điểm b, khoản 3 Điều 23 Nghị quyết 03/2012 ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; điểm e khoản khoản 1 Điều 217, khoản 3 Điều 218 và khoản 2 Điều 244 của BLTTDS năm 2015. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu thanh toán tiền lãi của ông C. Ông C không phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi này.

Từ những nhận định, phân tích nêu trên, HĐXX xét thấy yêu cầu của ông C đề nghị Tòa án nhân dân huyện K buộc anh Y, chị T3 phải trả cho ông C số tiền gốc đã vay là 120.000.000đ là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên được HĐXX chấp nhận. Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án hợp pháp nếu người phải thi hành án chậm trả tiền cho người được thi hành án thì người phải thi hành án còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định của BLDS.

[4]. Về án phí: Cần áp dụng khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và khoản 3 Điều 144, Điều 147, khoản 3 Điều 218 của BLTTDS 2015 để xử lý về tạm ứng án phí, án phí như sau:

- Yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Chí C về số tiền gốc 120.000.000đ được chấp nhận. Đối với yêu cầu về tiền lãi bị đình chỉ giải quyết vì nguyên đơn xin rút không yêu cầu giải quyết và cũng vì hết thời hiệu khởi kiện. Nên hoàn trả cho ông C toàn bộ số tiền tạm ứng án phí DSST ông C đã nộp là 3.300.000đ (Ba triệu ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007871 ngày 26/7/2022 tại chi cục thi hành án dân sự huyện K.

- Buộc vợ chồng anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 phải chịu án phí DSST có giá ngạch là 120.000.000đ x 5% = 6.000.000đ (Sáu triệu đồng).

[5]. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ: Khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, Điều 147, điểm e khoản 1 Điều 217, Khoản 3 Điều 218 và khoản 2 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 149, Điều 357, Điều 429, Điều 463, Điều 466, Điều 468, Điều 470, Điểm b khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

2. Xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Chí C.

- Buộc anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 phải liên đới trả cho ông Lưu Chí C, sinh năm 1967; Trú tại: thôn Đ, xã Đ1, huyện K, tỉnh Hưng Y số tiền gốc đã vay là 120.000.000đ (Một trăm hai mươi triệu đồng).

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án hợp pháp nếu anh Y, chị T3 chậm trả tiền cho ông C thì anh Y, chị T3 còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của BLDS năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả.

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện về tiền lãi phát sinh từ số nợ gốc nêu trên của ông Lưu Chí C đối với anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3.

3. Về án phí:

- Hoàn trả cho cho ông Lưu Chí C toàn bộ số tiền tạm ứng án phí DSST là 3.300.000đ (Ba triệu ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0007871 ngày 26/7/2022.

- Buộc anh Lương Công Y và chị Đàm Thị T3 phải liên đới chịu án phí DSST có giá ngạch là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng).

4. Về quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm báo cho ông C, anh Tr có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuY án (ngày 23/9/2022). Anh Y, chị T3 vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày niêm yết bản án tại địa phương nơi thường trú./.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án đân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án Dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

153
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản số 13/2022/DS-ST

Số hiệu:13/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Khoái Châu - Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về