09/03/2021 11:48

Vướng mắc vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là vàng

Vướng mắc vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là vàng

Vàng theo quy định của pháp luật được coi là một loại tài sản. Cá nhân được quyền sở hữu loại tài sản này. Thế nên giao dịch cho vay vàng giữa các cá nhân với nhau trong xã hội hiện nay cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản là vàng đường lối giải quyết vẫn còn khác nhau. Vấn đề chính là vay vàng thì khi giải quyết Tòa án yêu cầu trả lại vàng hay quy đổi vàng thành tiền.

Năm 2004, bà A cho bà B vay 20 chỉ vàng 24K. Theo thỏa thuận hàng tháng bà B phải đóng lãi cho bà A 01 chỉ vàng 24K. Thời gian trả là không xác định thời hạn. Năm 2019, bà B cần tiền nên có yêu cầu bà A phải trả lại 20 chỉ vàng đã mượn. Hạn chót là cuối năm 2019. Tuy nhiên do bà B không trả được vàng theo yêu cầu của bà A nên bà A khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện X yêu cầu bà B trả số 20 chỉ vàng, không yêu cầu tính lãi. Quá trình giải quyết, bà B thừa nhận còn nợ bà A 20 chỉ vàng nhưng cho rằng đã đóng lãi cho bà A quá nhiều nên không đồng ý trả vàng theo yêu cầu của bà A. Qua vụ án này có các quan điểm giải quyết vụ án như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằngTheo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24/2012/NĐ-CP) thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng và cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Cho nên nguyên đơn cho bị đơn vay vàng khi chưa được cấp giấy phép là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Tòa án không được tuyên buộc bị đơn trả vàng cho nguyên đơn mà phải quy đổi vàng thành tiền tại thời điểm xét xử. Sau đó, Tòa án buộc bị đơn trả tiền cho nguyên đơn tương ứng với số vàng mà bị đơn có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn. Đồng thời tuyên buộc bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong giai đoạn thi hành án.

Quan điểm thứ hai cho rằngTại Điều 4 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có quy định “Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Về phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP có quy định tại Điều 1 như sau: “Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng”. Như vậy, có thể khẳng định rằng hoạt động cho vay vàng giữa cá nhân với cá nhân không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Tại Điều 19 của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cũng có quy định rõ hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm: “Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấpHoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấpMang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấpSử dụng vàng làm phương tiện thanh toánHoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định nàyHoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phépVi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan”. Như vậy, cho đến nay không có văn bản hay quy định nào cấm việc cá nhân cho vay vàng.

Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 thì đến hạn trả, bên vay có nghĩa vụ phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải chỉ trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Do đó, Tòa án phải giải quyết buộc bà B phải có nghĩa vụ trả cho bà A số vàng còn nợ là 20 chỉ vàng 24K (do bà B thừa nhận có nợ). Tuy nhiên, Tòa án cần quy đổi mỗi chỉ vàng 24K tại thời điểm xét xử là bao nhiêu để làm căn cứ tính tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bị đơn trong giai đoạn thi hành án.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Tòa án chỉ được quyền buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số vàng còn nợ. Nhưng Tòa án không được quyền buộc bị đơn phải chịu lãi chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho nguyên đơn. Do pháp luật không có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả vàng mà chỉ có quy định về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi thêm. Qua bài viết này, tác giả cũng kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn hoặc giải đáp nghiệp vụ về đường lối giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản là vàng để Tòa án địa phương vận dụng áp dụng pháp luật cho thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH (Thẩm phán TAND tx Duyên Hải, Trà Vinh)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

1702

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]