Bản án về tranh chấp hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng số 52/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 52/2022/DS-PT NGÀY 20/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KHOÁN TRỒNG, CHĂM SÓC, BẢO VỆ, PHÒNG CHỐNG CHÁY RỪNG TRỒNG

Trong các ngày 14 và ngày 20 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 30/2022TLPT- DS ngày 15 tháng 2 năm 2022.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2021/DS-ST ngày 28/12/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh, bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 23/2022/QĐ-PT ngày 21 tháng 3 năm 2022, về việc “Tranh chấp hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phan Thành M, sinh năm 1971, vắng mặt;

Bà Ngô Kim Th, sinh năm 1976, có mặt; Cùng cư trú tại: Tổ 7 ấp T, xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện hợp pháp của ông M: Chị Nguyễn Thanh N, sinh năm 1994; nơi cư trú: Ấp Ph, xã Ph, huyện C, tỉnh Long An.

Tạm trú: 105E Ng, phường 11, Quận 5, Thành Phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 12/4/2022); có mặt.

Người đại diện hợp pháp của bà Th: Chị Võ Thị Kim O, sinh năm 1988; nơi cư trú: 105 E Ng, phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh; Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngô Kim Th, ông Phan Thành M: Ông Lê Thành T, sinh năm 1979 – Luật sư Công ty Luật TNHH PGL Nam Luật, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà Ngô Kim Th, ông Phan Thành M: Bà Phan Thị C1, sinh năm 1988 - Luật sư Công ty Luật TNHH PGL Nam Luật, thuộc đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

2. Bị đơn: Bà Lê Thị S, sinh năm 1952; vắng mặt; Ông Lê Ngọc T2, sinh năm 1948; vắng mặt;

Cùng cư trú tại: Tổ 4, ấp Th, xã Th, huyện B, tỉnh Tây Ninh;

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1960; cư trú tại: Khu phố 4, phường 2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh (Văn bản ủy quyền ngày 28/12/2020); có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban quản lý Vườn quốc gia X; địa chỉ trụ sở: Quốc lộ 22B, ấp H, xã L, huyện B, tỉnh Tây Ninh;

Người đại diện theo pháp luật: Ông Châu Văn V – Chức vụ: Giám đốc; vắng mặt;

Người đại diện hợp pháp của ông Châu Văn V: Ông Nguyễn Hoàng S, sinh năm 1966; cư trú tại: Khu phố N, phường N, thành phố T, tỉnh Tây Ninh (Văn bản ủy quyền ngày 17/6/2021); có đơn xin xét xử vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn và bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn bà Ngô Kim Th, ông Phan Thành M; người đại diện hợp pháp của ông Phan Thành M là bà Ngô Kim Th trình bày:

Vào ngày 02/10/2014 vợ chồng bà có sang nhượng lại của vợ chồng ông T2, bà S phần diện tích đất rừng 11,1ha và 0,5ha đất trống của Ban quản lý rừng R (nay là Ban quản lý vườn Quốc gia X) với giá chuyển nhượng là 1.335.000.000 đồng. Khi chuyển nhượng có làm giấy do ông T2 viết, hai bên thỏa thuận trả tiền lãi hàng năm 1,5%/tháng, ông T2 sang nhượng hợp đồng sau khi vợ chồng ông, bà trả đủ số tiền còn lại cho ông T2. Sau khi làm giấy sang nhượng vợ chồng ông bà đã nhận đất sử dụng và trả cho ông T2 số tiền gốc và lãi là 1.289.580.000 đồng, còn nợ lại vợ chồng ông T2 số tiền gốc 730.000.000 đồng. Đến ngày 19/6/2020 vợ chồng bà trả số tiền 730.000.000 đồng và yêu cầu vợ chồng ông T2 hoàn thành thủ tục sang nhượng hợp đồng nhưng ông T2 không thực hiện. Do đó nay vợ chồng bà yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất rừng 11,1ha và 0,5ha đất trống ngày 02/10/2014 giữa vợ chồng bà và vợ chồng ông T2 vô hiệu. Buộc ông T2, bà S có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 1.289.580.000 đồng và 100.000.000 đồng giá trị cây tràm vợ chồng bà đã trồng chăm sóc, tổng cộng là 1.389.580.000 đồng.

Đối với toàn bộ yêu cầu phản tố của ông T2, bà S nguyên đơn không đồng ý.

Bị đơn ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S và người đại diện theo ủy quyền của ông T2, bà S trình bày:

Vào tháng 9/2014 vợ chồng bà có sang nhượng hợp đồng khoán trồng chăm sóc bảo vệ rừng cho vợ chồng bà Th, ông M tại đất của khu dự án thuộc Ban quản lý rừng R (nay là Ban quản lý vườn Quốc gia X) với diện tích 11,1ha đất rừng và 0,5 ha đất trống với giá chuyển nhượng 1.335.000.000 đồng, thời gian trả là trong vòng 3 năm. Hiện nay vợ chồng ông, bà đã nhận số tiền 880.000.000 đồng trong đó tiền gốc 605.000.000 đồng, tiền lãi 275.000.000 đồng. Nay vợ chồng ông M, bà Th còn nợ 730.000.000 đồng. Hợp đồng sang nhượng giữa hai bên không hoàn thành thủ tục sang nhượng vì trong thời gian sử dụng ông M đã có hành vi “Hủy hoại rừng” nên đã bị Ban quản lý dự án đã thu hồi 5,8ha. Nay ông T2, bà S không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của bà Th, ông M.

Tại đơn phản tố ngày 31/12/2020 ông T2, bà S yêu cầu ông M, bà Th trả số tiền 1.958.215.829 đồng cụ thể: Diện tích đất 5,8ha bị thu hồi giá trị chuyển nhượng là 120.000.000 đồng/ha x 5,8ha = 696.000.000 đồng; chi phí chăm sóc bảo vệ phòng cháy rừng 5,8ha bị thu hồi số tiền 137.255.829; chi phí trồng chăm sóc 5,8ha bị thu hồi số tiền 16.960.000 đồng; tiền thuê trồng mì: năm 2014 – 2015, năm 2015 -2016 diện tích 11,6ha x 25.000.000 đồng/ha = 290.000.000 đồng; năm 2016–2017, năm 2017-2018 diện tích 9,6ha x 20.000.000 đồng/ha = 192.000.000 đồng; năm 2018–2019 diện tích 9,6ha x 15.000.000 đồng = 144.000.000 đồng, tổng cộng tiền thuê đất 1.108.000.000 đồng. Nay ông T2, bà S tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất rừng 11,1ha và 0,5ha đất trống ngày 02/10/2014 vô hiệu, đồng ý hoàn trả lại cho ông M, bà Th số tiền 880.000.000 đồng và tiếp tục quản lý sử dụng phần diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi và yêu cầu ông M, bà Th hoàn trả số tiền 1.958.215.829 đồng.

Ông Nguyễn Hoàng S trình bày:

Vào năm 2011 ông Lê Ngọc T2 có ký hợp đồng khoán trồng rừng với Ban quản lý rừng R (viết tắt Ban quản lý dự án) nay là Ban quản lý vườn Quốc gia X với tổng diện tích 11,1ha đất trồng rừng tại lô 29 khoảnh 02 và lô 36 khoảnh 04 thuộc tiểu khu 15 tại xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh, là phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh theo mô hình DK5. Đến năm 2014 ông T2 không thông qua Ban quản lý dự án tự ý sang nhượng lại hợp đồng diện tích đất rừng nêu trên cho ông Phan Thành M. Qúa trình sử dụng ông M có hành vi hủy hoại rừng nên Ban quản lý dự án đã thu hồi diện tích 5,8ha đất trồng rừng tại lô 29 khoảnh 02 và lô 36 khoảnh 04 thuộc tiểu khu 15, diện tích đất rừng 5,3ha còn lại ông T2 đang đứng tên hợp đồng và ông T2, ông M, bà Th không có ý kiến, do đó ông T2 có quyền sang hợp đồng cho bất kỳ ai nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 44/2021/DS-ST ngày 28-12-2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh tuyên xử:

Căn cứ vào các Điều 122, 123 Bộ luật Dân sự; Điều 158, Điều 166, khoản 2 Điều 244, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, các khoản 1, 4, 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1.1 Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th về việc “Tranh chấp hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” với bị đơn ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S. Tuyên bố hợp đồng “Khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” giữa ông Lê Ngọc T2 và ông Phan Thành Manh, bà Ngô Kim Th lập ngày 02/10/2014 vô hiệu.

Buộc ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th số tiền 880.000.000 đồng và 59.640.000 đồng. Tổng cộng 939.640.000 (chín trăm ba mươi chín triệu sáu trăm bốn mươi nghìn) đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th yêu cầu ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S hoàn trả số tiền 409.580.000 (bốn trăm linh chín triệu năm trăm tám mươi nghìn) đồng.

Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của của ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th yêu cầu ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S hoàn trả số tiền 40.360.000 (bốn mươi triệu ba trăm sáu mươi nghìn) đồng.

1.2 Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S đối với nguyên đơn ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th.

Buộc ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th có nghĩa vụ bồi thường số tiền 667.000.000 đồng diện tích đất rừng 5,8ha bị thu hồi; chí phí trồng chăm sóc phục hồi diện tích 5,8ha số tiền 16.960.000 đồng. Tổng cộng 683.960.000 (sáu trăm tám mươi ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn) đồng.

Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S yêu cầu ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th bồi thường số tiền hỗ trợ chăm sóc diện tích đất rừng 5,8ha bị thu hồi số tiền 137.255.829 đồng; chi phí thuê đất trồng mì số tiền 1.108.000.000 đồng. Tổng cộng 1.245.255.829 (một tỷ hai trăm bốn mươi lăm triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn tám trăm hai mươi chín) đồng.

Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S yêu cầu ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th hoàn trả số tiền 29.000.000 (hai mươi chín triệu) đồng.

Ngoài ra,Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí thẩm định, nghĩa vụ chậm thi hành án, quyền kháng cáo của cá đương sự.

Ngày 06/01/2022 bà Ngô Kim Th và ông Phan Thành M có đơn kháng cáo , việc bị thu hồi đất diện tích 5,8 ha là do lỗi của bị đơn. Tòa sơ thẩm đã vi phạm trong việc thu thập chứng cứ. Vì vậy đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

Ngày 11/01/2022, ông Lê Ngọc T2 có đơn kháng cáo yêu cầu trả tiền tương đương với giá tiền thuê đất trồng mì hàng năm tổng số tiền 1.108.000.000 đồng và bồi thường chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng ( chi phí từ năm 2012 đến năm 2014) trên 5,8 ha bị ban quản lý dự án thu hồi năm 2019 với lý do ông M chặt phá cây rừng trồng số tiền 108.765.620 đồng; không chấp nhận yêu cầu trả tiền chăm sóc cây tràm trên 02 ha đất số tiền 59.640.000 đồng. Vì số cây rừng trồng trên diện tích 11,6 ha là do ông T2, bà S trồng và chăm sóc từ năm 2012, đến năm 2015 ông M bà Th chặt phá, bị phát hiện, có làm giấy cam kết chịu trách nhiệm bảo vệ cây trồng 100% không hư hại.

Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Ngô Kim Th, ông Phan Thành M trình bày: Căn cứ khoản 14 Điều 70, khoản 3 Điều 52 và khoản 1 Điều 53, Điều 56, khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Không ý kiến về tố tụng; về số tiền đã trả ông M bà Th là 880 triệu đồng, bị đơn mới nhận được 880 triệu đồng.

Ông M khai tại biên bản lấy lời khai ngày 22-10-2019 tại Phòng cảnh sát điều tra phù hợp với số tiền đã trả là 880 triệu đồng gồm cả gốc và lãi; tại Biên bản nghiệm thu phục hồi rừng trồng đã thể hiện trong hồ sơ. Diện tích 5,8 mẫu đất các bên nhận chuyển nhượng đã có cây trên đất rồi, các bên thỏa thuận nguyên đơn tiếp tục chăm sóc cây. Cam kết ngày 5-9-2015; sau đó lại tiếp tục chặt cây rừng. Về cây mì: đề nghị xem xét chấp nhận hay không do Hội đồng xét xử quyết đinh; đối với chi phí bảo vệ cháy rừng do Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông T2 trả lại tiền chăm sóc 2 mẫu cây trồng sau này nên mới yêu cầu khoản này.

- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh:

+ Về tố tụng: Hội đồng xét xử, thẩm phán và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng những quy định pháp luật tố tụng dân sự.

+ Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Phan Văn Mạnh, bà Ngô Kim Phượng, ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2021/DS-ST ngày 28-12-2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng.Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Ông Nguyễn Hoàng S; Luật sư Lê Thành T vắng mặt có đơn đề nghị Tòa án giải quyết xét xử vắng mặt do đó căn cứ vào khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông Nguyễn Hoàng S, ông Lê Thành T.

[1] Xét kháng cáo của ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th thấy rằng:

[1.1] Đối với kháng cáo về việc bà Th, ông M có đơn xin thay đổi thẩm phán An nhưng thẩm phán An ký quyết định không chấp nhận yêu cầu thay đổi thẩm phán là không đúng quy định của pháp luật thấy rằng, ngày 12/11/2021 bà Th có nộp đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán ông Đặng Ngọc A; ngày 24-11-2021 Hội đồng xét xử có Quyết định giải quyết yêu cầu thay đổi thẩm phán; ngày 26/11/2021, bà Ngô Kim Th có đơn khiếu nại; ngày 03/12/2021 bà Th có đơn xin rút đơn khiếu nại; ngày 03- 12-2021 Tòa án nhân dân huyện B có thông báo số 01/TB-TA-DS cho bà Th biết Tòa án không tiếp tục giải quyết khiếu nại của bà Th. Bà Th không khiếu nại lên Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

[1.2] Đối với kháng cáo hợp đồng yêu cầu ông T2, bà S bồi thường số tiền mà ông M, bà Th trả cho ông T2 thì thấy rằng: Vào năm 2011 ông Lê Ngọc T2 có ký hợp đồng khoán trồng rừng với Ban quản lý rừng R (viết tắt Ban quản lý dự án) nay là Ban quản lý vườn Quốc gia X với tổng diện tích 11,1 ha đất trồng rừng tại lô 29 khoảnh 02 và lô 36 khoảnh 04 thuộc tiểu khu 15 tại xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh, là phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh theo mô hình DK5. Thời gian thực hiện hợp đồng là 50 năm (BL 200 đến BL 208).

Ngày 09/9/2014 (âm lịch) nhằm ngày 02/10/2014, dương lịch giữa ông T2 và ông M, bà Th có làm giấy tay sang nhượng diện tích đất trồng rừng 11,1ha thuộc tiểu khu 15 và 0,5ha đất trống tọa lạc tại xã T, huyện B, tỉnh Tây Ninh với giá chuyển nhượng là 1.335.000.000 đồng. Sau khi sang nhượng ông M đã nhận đất trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy rừng từ năm 2014 cho đến năm 2019. Việc sang nhượng vợ chồng ông M, bà Th và vợ chồng ông T2 không thông báo cho Ban quản lý rừng R (nay là Ban quản lý vườn Quốc gia X) biết để làm các thủ tục sang nhượng hợp đồng, nên ông T2 vẫn là chủ hợp đồng thực hiện các quyền, nghĩa vụ với Ban quản lý dự án rừng Chàng Riệc.

[1.2] Quá trình ông M sử dụng đất ông T2 không kiểm tra thường xuyên dẫn đến ông M đã có hành vi “Hủy hoại rừng”(các bút lục 148 đến 159) đối với diện tích 4,5ha thuộc lô 29, khoảnh 2, diện tích 1,3 ha thuộc lô 36, khoảnh 4, tiểu khu 15. Do đó ông T2 đã vi phạm tại điểm 2.2 Điều 4 Hợp đồng số 47/HĐK ngày 24/9/2012 và vi phạm khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2016/NĐ-CP, ngày 27/12/2016 của Chính phủ cụ thể “..Trường hợp bên nhận khoán thực hiện không đúng hợp đồng khoán, sử dụng diện tích được nhận khoán sai mục đích, diện tích khoán bị chuyển nhượng trái pháp Luật, thì bên khoán thanh lý hợp đồng khoán và tổ chức thu hồi diện tích khoán”. Do đó ông T2, ông M tự ý sang nhượng diện tích đất trồng rừng 11,1ha tại các lô 29 khoảnh 02, lô 36 khoảnh 04, lô 02 khoảnh 23, lô 02, khoảnh 24, lô 02 khoảnh 40 thuộc tiểu khu 15 và 0,5ha đất trống đã vi phạm hợp đồng “Khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” vi phạm điều cấm của pháp luật. Hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất rừng ngày 02/10/2014 giữa ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S và ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th vi phạm điều cấm pháp luật nên vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm xác định giao dịch dân sự giữa ông M với ông T2 vô hiệu là có căn cứ.

[1.3] Bà Th cho rằng: Sau khi ký kết hợp đồng vợ chồng bà Th đã trả trước cho ông T2 bà S số tiền gốc và lãi là 1.289.580.000 đồng, còn nợ lại số tiền 730.000.000 đồng sẽ trả đủ vào tháng 8 năm 2020. Ông T2, bà S không thừa nhận.

Bà Th, ông M không cung cấp được chứng cứ chứng minh là trả cho ông T2, bà S số tiền gốc và lãi là 1.289.580.000 đồng.Tuy nhiên ông T2 bà S thừa nhận có nhận của vợ chồng ông M số tiền 880.000.000 đồng nên cấp sơ thẩm buộc ông T2 bà S trả lại cho ông M, bà Th số tiền 880.000.000 đồng là có căn cứ.

[1.4] Đối với phản tố của bị đơn yêu cầu nguyên đơn bồi thường số tiền 16.960.000 đồng; thấy rằng diện tích 5,8 ha bị thu hồi ông T2 đã trồng, chăm sóc phục hồi lại cây sao, cây dầu 02 năm tuổi có biên bản nghiệm thu của ban quản lý dự án (BL 198) do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí trồng chăm sóc phục hồi lại diện tích 5,8 ha là có căn cứ.

[1.5] Đối với kháng cáo của bà Th về yêu cầu bồi thường thiệt hại của 5,8 ha đất của bị đơn đã bị ban quản lý thu hồi:

Sau khi ký giấy sang nhượng đất rừng ông T2, bà S đã giao toàn bộ diện tích đất 11,1 ha cho ông M, bà Th quản lý sử dụng, quá trình quản lý sử dụng đất ông M có hành vi chặt phá cây chính, nên hành vi của ông M đã bị khởi tố, điều tra về tội “Hủy hoại rừng”. Ngày 04/9/2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có Công văn số 3314/SNN-CCKL gửi Ban quản lý Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc thanh lý hợp đồng số 47/HĐK ngày 24/9/2012 và thu hồi diện tích đất 5,8ha của ông Lê Ngọc T2 và việc thu hồi diện tích đất này ông T2, ông M đồng ý. Nên việc thu hồi diện tích đất rừng 5,8ha lỗi hoàn toàn thuộc về ông Phan Thành M.

Ông T2, bà S yêu cầu ông M, bà Th bồi thường 5,8 ha diện tích đất bị thu hồi cho ông T2, bà S mỗi ha số tiền 115.000.000 đồng x 5,8ha = 667.000.000 đồng; Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông M bà Th bồi thường cho ông T2, bà S số tiền 667.000.000 đồng là có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo của ông T2, bà S.

[2.1] Kháng cáo yêu cầu ông M bà Th phải trả tiền thuê diện tích 11,6 ha đất tương đương với giá tiền thuê đất trồng mì hàng năm từ tháng 9/2014 đến cuối năm 2019 tổng số tiền: 1.108.000.000 đồng thấy rằng: Ngày 02/10/2014,ông T2, bà S làm giấy sang nhượng diện tích trồng rừng 11,1 ha và 0,5 ha đất trống cho ông M, bà Th. Ông M bà Th cũng giao cho ông T2, bà S số tiền 880.000.000 đồng. Trong giấy sang nhượng không thể hiện ông M bà Th thuê đất của ông T2 nên cấp sơ thẩm bác yêu cầu này của ông T2, bà S là có căn cứ.

[2.2] Đối với kháng cáo của bị đơn về bồi thường chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy rừng (chi phí từ năm 2012 đến năm 2014) trên 5,8 ha Ban quản lý dự án thu hồi năm 2019 số tiền 108.765.620 đồng.Thì thấy ông T2 bà S là người trồng chăm sóc từ năm 2012 đến ngày 02/10/2014 sang nhượng lại cho ông M bà Th. Từ năm 2014 đến năm 2019, ông M, bà Th là người trực tiếp trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng 5,8ha. Do đó việc ông T2, bà S yêu cầu bồi thường số tiền 108.765.620 đồng. Cấp sơ thẩm bác yêu cầu này của ông T2 là có căn cứ.

[2.3] Đối với kháng cáo không chấp nhận yêu cầu trả tiền chăm sóc cây tràm trên hai ha đất với số tiền là 59.640.000 đồng. Xét thấy sau khi sang nhượng đất từ năm 2014 đến năm 2019 ông M, bà Th là người chăm sóc cây chính và cây tràm trên diện tích đất 11,6ha. Do đó cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của bà Th, ông M. Buộc ông T2, bà S trả tiền chăm sóc cây tràm cho ông M bà Th số tiền 59.640.000 đồng là có căn cứ.

[3] Từ những phân tích nêu trên: Không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo của ông M, bà Th, ông T2, bà S. Chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 44/2021/DS-ST ngày 28-12-2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh.

[4] Án phí phúc thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ông M, bà Th kháng cáo không được chấp nhận phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.

Ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm do thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội [5] Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị, có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Các Điều 122, 123 Bộ luật Dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phan Thành M và bà Ngô Kim Th. Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Lê Ngọc T2 và bà Lê Thị S.

2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 44/2021/DS-ST ngày 28-12-2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Tây Ninh.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th về việc “Tranh chấp hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” với bị đơn ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S. Tuyên bố hợp đồng “ Khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng” giữa ông Lê Ngọc T2 và ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th lập ngày 02/10/2014 vô hiệu.

Buộc ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th số tiền 880.000.000 đồng và 59.640.000 đồng. Tổng cộng 939.640.000 đồng (chín trăm ba mươi chín triệu sáu trăm bốn mươi nghìn đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th yêu cầu ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S hoàn trả số tiền 409.580.000 đồng (bốn trăm lẻ chín triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).

Đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của của ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th yêu cầu ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S hoàn trả số tiền 40.360.000 đồng (bốn mươi triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng).

4. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S đối với nguyên đơn ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th.

Buộc ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th có nghĩa vụ bồi thường số tiền 667.000.000 đồng diện tích đất rừng 5,8ha bị thu hồi; chí phí trồng chăm sóc phục hồi diện tích 5,8ha số tiền 16.960.000 đồng. Tổng cộng 683.960.000 đồng (sáu trăm tám mươi ba triệu chín trăm sáu mươi nghìn đồng).

Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S yêu cầu ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th bồi thường số tiền hỗ trợ chăm sóc diện tích đất rừng 5,8ha bị thu hồi số tiền 137.255.829 đồng; chi phí thuê đất trồng mì số tiền 1.108.000.000 đồng. Tổng cộng 1.245.255.829 đồng (một tỷ hai trăm bốn mươi lăm triệu hai trăm năm mươi lăm nghìn tám trăm hai mươi chín đồng).

Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S yêu cầu ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th hoàn trả số tiền 29.000.000 đồng (hai mươi chín triệu đồng).

5. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản: Buộc ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S có nghĩa vụ hoàn trả cho ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th số tiền xem xét thẩm định và chi phí định giá tài sản là 900.000 đồng (chín trăm nghìn đồng).

6. Về án phí:

6.1 Án phí sơ thẩm: Ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th phải chịu 51.730.000 đồng (năm mươi mốt triệu bảy trăm ba mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 27.143.000 đồng (hai mươi bảy một trăm bốn mươi ba nghìn đồng) đã nộp theo biên lai số 0004244 ngày 02 tháng 7 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Tây Ninh, ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th còn phải nộp tiếp 24.587.000 đồng (hai mươi bốn triệu năm trăm tám mươi bảy nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Lê Ngọc T2, bà Lê Thị S không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

6.2 Án phí phúc thẩm: Ông Phan Thành M, bà Ngô Kim Th phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí phúc thẩm dân sự nhưng được khấu trừ từ tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0003696 ngày 11/01/2022 của Chi Cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Tây Ninh.

7. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, người bị thi hành án còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

8.Các quyết định khác của bản sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị, có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

9. Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

10. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

175
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng trồng số 52/2022/DS-PT

Số hiệu:52/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về