Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 15/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 15/2022/DS-PT NGÀY 21/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Trong các ngày 14, 21 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 16/2022/TLPT-KDTM ngày 26 tháng 7 năm 2022 về việc “tranh chấp hợp đồng hợp tác phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 14/2022/KDTM-ST ngày 30/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 15/2022/QĐ-PT ngày 09/8/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông PL, sinh năm 1974; địa chỉ: Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông NT, sinh năm 1985; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản ủy quyền ngày 04/01/2021), có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Công ty TNHH AH; địa chỉ: thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH AH: Bà TTP, địa chỉ: Số 3/41, khu phố Bình Thuận 2, phường T, thành phố T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 10/6/2018), có mặt.

2.2. Ông Phạm Văn H, sinh năm 1968; địa chỉ: Thành phố Hà Nội; địa chỉ liên hệ: thành phố T, tỉnh Bình Dương, có mặt.

Người đại diện hợp pháp của ông Phạm Văn H: Bà TTP, địa chỉ: thành phố T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 29/4/2020), có mặt.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Trọng C - Luật sư của Văn phòng Luật sư C, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương; địa chỉ: tỉnh Bình Dương, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Dương Thị M, sinh năm 1976; địa chỉ: Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của bà Dương Thị M: Ông NT, sinh năm 1985; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 04/01/2021), có mặt.

3.2. Ông DVT, sinh năm 1981; địa chỉ: Thành phố Hà Nội, có yêu cầu xét xử vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Phạm Văn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ông PL và ông Phạm Văn H có quan hệ là anh em con chú, con bác ruột và có chung nhau hùn đầu tư, sản xuất Pallet gỗ để bán kiếm lời. Trước đây ông H đang là chủ Cơ sở Pallet HP, nhưng do ông H đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất nên muốn rủ ông PL góp vốn làm ăn chung. Ông H hứa và cam kết lợi nhuận thu về sẽ từ 15%/tháng trở lên và sẽ trả tiền lợi nhuận cho ông PL mỗi tháng tối thiểu từ 15%/tháng tính trên số tiền vốn góp ông PL đã bỏ ra, thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến hết ngày 15 hàng tháng. Trong trường hợp không đúng cam kết này, thì ông PL được quyền rút toàn bộ số vốn đã góp với thỏa thuận thống nhất sẽ hoàn trả thêm một khoản thiệt hại theo tỷ lệ 15% của số tiền vốn góp. Vì tin tưởng, nên ông PL đã đưa cho ông H như sau:

- Ngày 01/5/2018, ông PL đưa tiền mặt cho ông H số tiền: 120.000.000 đồng;

đồng;

- Ngày 30/7/2018, ông PL đưa tiền mặt cho ông H số tiền: 120.000.000 - Ngày 17/8/2018, ông PL thông qua vợ là bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 180.000.000 đồng;

- Ngày 09/01/2019, ông PL thông qua vợ của ông PL là bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 30.000.000 đồng;

- Ngày 10/01/2019, ông PL thông qua em vợ của ông PL tên DVT, chuyển khoản cho ông H số tiền 220.000.000 đồng;

- Ngày 21/01/2019, ông PL thông qua vợ là bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 50.000.000 đồng;

- Ngày 29/01/2019, ông PL thông qua vợ là bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 220.000.000 đồng.

Tổng số tiền ông PL đã chuyển cho ông H bằng cả 02 hình thức tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của ông H (tài khoản số: xxx020624454xx, mở tại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần) là: 940.000.000 đồng .

Trong quá trình tiếp nhận tiền góp của ông PL, ông H nói với ông PL cần phải có tư cách pháp nhân là Công ty thì mới dễ làm ăn và mở rộng sản xuất nên ông H tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp và đó là lý do Công ty TNHH AH (gọi tắt là Công ty AH) ra đời và ông H nói rằng toàn bộ vốn góp của ông PL được chuyển sang cho Công ty AH. Do không hiểu biết về thủ tục giấy tờ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nên ông H là người làm hết mọi thứ. Ông H là người quản lý, điều hành mọi hoạt động của Công ty, ông PL không hề hay biết gì ngoài việc đưa tiền cho ông H.

Sau khi Công ty AH ra đời và hoạt động đến nay, ông PL hoàn toàn không biết nó hoạt động ra sao, hiệu quả như thế nào. Ông H có thanh toán tiền mà ông H nói là tiền lợi nhuận từ việc góp vốn của ông PL bằng cách chuyển vào tài khoản của bà M với số tiền là: 220.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

Lần 1: Ngày 21/9/2018, ông H chuyển số tiền: 30.000.000 đồng; Lần 2: Ngày 03/12/2018, ông H chuyển số tiền: 30.000.000 đồng; Lần 3: Ngày 02/01/2019, ông H chuyển số tiền: 30.000.000 đồng; Lần 4: Ngày 09/01/2019, ông H chuyển số tiền: 30.000.000 đồng; Lần 5: Ngày 01/02/2019, ông H chuyển số tiền: 100.000.000 đồng.

Nhưng kể từ tháng 02/2019, ông H không thanh toán thêm cho ông PL bất cứ khoản lợi nhuận hay lời lãi nào mà không rõ lý do.

Do quyền lợi bị xâm phạm nên ông PL khởi kiện yêu cầu ông Phạm Văn H và Công ty TNHH AH phải liên đới trả lại cho ông PL số tiền ông PL đã đưa là 940.000.000 đồng.

Buộc Công ty TNHH AH và ông Phạm Văn H có nghĩa vụ liên đới trả lại cho ông PL số tiền được thỏa thuận thống nhất là khoản thiệt hại tối thiểu theo tỷ lệ 15% của số vốn góp 940.000.000 đồng là: 141.000.000 đồng.

Tổng cộng là 1.081.000.000 đồng.

Đối với trình bày của bị đơn cho rằng ông H có trả cho ông PL hơn hai tỷ bảy trăm triệu đồng, lời trình bày này là không đúng sự thật nên nguyên đơn không chấp nhận. Ngoài việc hùn vốn hợp tác đầu tư, trước đây vào năm 2017 ông H có mua của vợ chồng ông PL, bà M một số hàng hóa nên số tiền theo sao kê mà bà TTP cung cấp cho Tòa án là trả tiền hàng mà ông H trả cho bà M chứ không phải trả tiền lời hay trả tiền hùn vốn.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi và rút một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Nguyên đơn rút yêu cầu đối với khoản thiệt hại tối thiểu theo tỷ lệ 15% của số vốn góp 940.000.000 đồng là 141.000.000 đồng và chỉ yêu cầu ông Phạm Văn H phải hoàn trả cho ông PL số tiền ông PL đã giao cho ông H là 940.000.000 đồng mà không yêu cầu Công ty TNHH AH phải liên đới hoàn trả nợ.

* Bị đơn và người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do như sau: Giữa ông PL và ông H có mối quan hệ bà con với nhau nên khi ông H thành lập Công ty TNHH AH thì ông H cho ông PL đứng tên trong doanh nghiệp với tư cách là Phó Giám đốc để ông PL phụ giúp công việc cho Công ty, thực chất ông PL chỉ là người làm công chứ không góp vốn hay hùn hạp gì. Trong quá trình làm việc ông PL có vay tiền ông H nhiều lần, có khi thì nhận tiền mặt, có khi chuyển khoản vào tài khoản của vợ ông PL là bà Dương Thị M. Từ năm 2017 đến năm 2019, ông H đã chuyển tiền qua đường bưu điện và chuyển khoản vào tài khoản của bà Dương Thị M với số tiền là 2.707.692.000 đồng, thể hiện qua 127 hóa đơn giao dịch. Sau đó ông PL và bà M đã trả cho ông H được 700.000.000 đồng. Đối với các chứng cứ mà ông PL cung cấp, ông H có ý kiến như sau:

- Giấy biên nhận ghi ngày 01/5/2018, nội dung ghi ông H nhận của ông PL số tiền: 120.000.000 đồng, giấy này là do ông PL tự dựng lên.

- Chứng từ giao dịch ngày 17/8/2018, bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 180.000.000 đồng và Chứng từ giao dịch ngày 30/7/2018, bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 120.000.000 đồng là số tiền bà M chuyển cho ông H để mua hàng hóa.

- Chứng từ giao dịch ngày 09/01/2019, bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền: 30.000.000 đồng là tiền bà M chuyển trả cho ông H.

- Ủy nhiệm chi ngày 10/01/2019, ông DVT, chuyển khoản cho ông H số tiền 220.000.000 đồng là số tiền bà M, ông PL nhờ ông T chuyển trả cho ông H.

- Chứng từ giao dịch ngày 21/01/2019, bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền 50.000.000 đồng là tiền bà M trả cho ông H.

- Chứng từ giao dịch ngày 29/01/2019, bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền 220.000.000 đồng là tiền bà M trả cho ông H.

Trong giai đoạn Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đang thụ lý vụ án, ông Phạm Văn H có yêu cầu phản tố nhưng chưa đóng tạm ứng án phí. Khi vụ án chuyển về Tòa án nhân dân thành phố T, bị đơn đã được Tòa án mời làm việc, giải thích về quyền yêu cầu phản tố, tham gia đối chất, phiên họp giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nhưng vì lý do công việc nên bị đơn không đóng tạm ứng án phí và không có mặt tham gia phiên đối chất. Hiện nay, ông H đã nộp đơn khởi kiện bà M, ông PL tại Tòa án nhân dân huyện A, Thành phố Hà Nội yêu cầu trả số tiền 2.707.692.000 đồng. Bà TTP xác định, bà TTP là kế toán của Công ty TNHH AH, việc bà M chuyển tiền vào tài khoản của ông H là việc riêng của cá nhân ông H, bà M và ông T chứ không liên quan gì đến Công ty AH nên Công ty không phải chịu trách nhiệm. Giấy biên nhận tiền đầu tư ghi PL chuyển số tiền đầu tư 520.000.00 đồng cho Công ty TNHH AH và Giấy biên nhận tiền ngày 01/5/2018 với số tiền 120.000.000 đồng giữa bên giao là ông PL và bên nhận là ông Phạm Văn H mà nguyên đơn cung cấp là do chính bà TTP ghi để báo cho ông PL về số tiền góp nhưng thực chất ông H nói với bà TTP là ông PL không đưa số tiền này. Đối với số tiền 220.000.000 đồng mà ông DVT chuyển khoản vào tài khoản của ông Phạm Văn H ngày 10/01/2019 là tiền mua bán hàng hóa với nhau nhưng bà TTP không biết hàng gì. Bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Dương Thị M do ông NT đại diện trình bày:

Bà M là vợ ông PL, bà M thống nhất với toàn bộ ý kiến trình bày và yêu cầu của nguyên đơn. Do bà M có mua bán gỗ với ông H nên các khoản tiền mà ông H chuyển vào tài khoản bà M là trả tiền hàng mua bán sản phẩm gỗ với nhau, việc mua bán này là vào năm 2017, số tiền này không liên quan đến số tiền hùn vốn hợp tác giữa ông H và ông PL thực hiện vào năm 2018, 2019. Do ông PL không có số tài khoản nên trước đây ông PL thông qua tài khoản bà M chuyển trả tiền cho ông H; đây là tài sản hùn hạp của ông PL và ông H nên bà M không có yêu cầu gì về số tiền này.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông DVT trình bày: Ông T là em vợ của ông PL, ngày 10/01/2019, ông PL có nhờ ông T chuyển cho ông Phạm Văn H 220.000.000 đồng. Ông T không có yêu cầu gì số tiền này, không có yêu cầu gì trong vụ án.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 14/2022/KDTM-ST ngày 30/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu mà nguyên đơn rút đối với khoản thiệt hại tối thiểu theo tỷ lệ 15% của số vốn góp 940.000.000 đồng là: 141.000.000 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông PL đối với bị đơn ông Phạm Văn H về việc tranh chấp hợp đồng hợp tác phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Buộc ông Phạm Văn H phải trả ông PL số tiền 940.000.000 đồng (chín trăm bốn mươi triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm trả, quyền kháng cáo, kháng nghị, quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

thẩm.

Ngày 01/6/2022, bị đơn ông Phạm Văn H kháng cáo toàn bộ bản án sơ

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với Công ty AH nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ đối với yêu cầu này là thiếu sót. Chứng cứ do nguyên đơn cung cấp thể hiện ông PL chuyển tiền cho Công ty AH nhưng việc góp vốn vào Công ty AH không có thật nên không có việc ông PL chuyển tiền cho ông H. Bị đơn cung cấp nhiều chứng từ chuyển khoản của ông H để chứng minh hai bên có mối quan hệ mua bán gỗ với nhau, ông H nhiều lần chuyển tiền cho bà M, bản án sơ thẩm không trừ số tiền 220.000.000 đồng ông PL đã nhận của ông H, văn bản không ghi ngày tháng năm là do nguyên đơn hợp thức hóa tài liệu. Do vậy, đề nghị sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ý kiến của nguyên đơn: Ông H xác định Công ty AH chỉ mang tính hình thức, xác định có việc mua bán gỗ giữa hai bên, cụ thể là ông PL bán và ông H mua, như vậy ông H phải chuyển tiền cho ông PL mà không phải ông PL chuyển tiền cho ông H. Chứng cứ do nguyên đơn cung cấp đã được bị đơn xác nhận tại phiên tòa, bị đơn không chứng minh được số tiền nhận của nguyên đơn là tiền mua bán hay tiền vay. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng Công ty không hoạt động trên thực tế không có nghĩa việc nguyên đơn đưa tiền cho bị đơn là không có thật. Bản án sơ thẩm xét xử đúng pháp luật, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:

- Về tố tụng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Về nội dung: Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể như sau:

Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật không đúng, khi Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là hợp đồng hợp tác đầu tư giữa cá nhân với cá nhân, lẽ ra cần căn cứ khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp là “Tranh chấp về hợp đồng hợp tác” theo Điều 504 và Điều 510 Bộ luật Dân sự, đồng thời xác định lại cách tính án phí theo án phí dân sự sơ thẩm mới đúng, nhưng bản án sơ thẩm vẫn tuyên án phí kinh doanh thương mại là không chính xác và áp dụng các Điều 292, 297 và 317 Luật Thương mại để giải quyết là không phù hợp.

Công ty AH là pháp phân được thành lập theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Thương mại năm 2005. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ nhất ngày 24/4/2019 thì ông H là người đại diện theo pháp luật, chức danh là Giám đốc. Như vậy, ông H có tư cách pháp nhân khi tham gia các giao dịch với tư cách Giám đốc và các giao dịch được đóng dấu Công ty, còn ông H tham gia các giao dịch khác mà ký tên cá nhân thì với tư cách cá nhân. Theo đó, văn bản thỏa thuận không ghi ngày tháng năm được ông H ký với tư cách Giám đốc Công ty, ông PL ký với tư cách Phó Giám đốc Công ty là ký với tư cách pháp nhân. Giấy biên nhận tiền đầu tư ngày 28/01/2019 được ký giữa pháp nhân với cá nhân và giấy biên nhận tiền ngày 01/5/2018 được ký giữa cá nhân với cá nhân. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông PL rút yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu Công ty AH liên đới trả tiền, chỉ yêu cầu cá nhân ông H trả tiền. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với phần rút yêu cầu của nguyên đơn và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, buộc ông H trả cho ông PL 940.000.000 đồng là không có căn cứ mà lẽ ra phải buộc Công ty phải có nghĩa vụ trả lại vốn góp hoặc các khoản nợ phát sinh giữa Công ty với cá nhân ông PL theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 46 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Đối với khoản nợ phát sinh từ giao dịch mà cá nhân ông H xác lập với ông PL thì buộc cá nhân ông H có nghĩa vụ trả lại vốn góp cho ông PL mới phù hợp với quy định tại các Điều từ 504 đến 510 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Việc thu thập chứng cứ đối với các tài liệu gồm văn bản không ghi ngày tháng năm; Giấy biên nhận tiền đầu tư ngày 28/01/2019; Giấy biên nhận tiền ngày 01/5/2018 chưa đảm bảo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự. Thẩm phán không ban hành quyết định thu thập chứng cứ là bản gốc do các đương sự đang lưu giữ, ngoại lệ, Thẩm phán còn xác nhận “đã đối chiếu bản chính” là không đảm bảo quy định của pháp luật, đồng thời không ban hành quyết định thu thập các tài liệu khác như sổ biên bản hoạt động, báo cáo tài chính hàng năm của Công ty, chưa xác minh tài sản của Công ty hiện nay như thế nào.

Xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến áp dụng pháp luật không đúng, ảnh hưởng đến lợi ích của đương sự nên đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các bên đương sự trình bày, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận, Về tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ngày 30 tháng 5 năm 2022, Tòa án nhân dân thành phố T xét xử sơ thẩm vụ án và ban hành Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 14/2022/KDTM-ST. Ngày 01/6/2022, bị đơn ông Phạm Văn H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Người kháng cáo nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, đóng tạm ứng án phí đúng quy định tại các Điều 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, kháng cáo của bị đơn đủ điều kiện được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông DVT vắng mặt tại phiên tòa, có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt ông T .

[3] Về việc đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện: Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với khoản thiệt hại tối thiểu theo tỷ lệ 15% của số vốn góp 940.000.000 đồng là: 141.000.000 đồng và chỉ yêu cầu ông Phạm Văn H phải hoàn trả cho ông PL số tiền ông PL đã giao cho ông H là 940.000.000 đồng, không yêu cầu Công ty AH phải liên đới hoàn trả. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và đình chỉ đối với số tiền 141.000.000 đồng là đúng quy định. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định việc nguyên đơn không yêu cầu Công ty AH liên đới trả tiền là thay đổi yêu cầu nên không đình chỉ đối với yêu cầu này là không chính xác mà phải xác định đây là trường hợp rút yêu cầu khởi kiện và đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với Công ty AH.

[4] Về quan hệ pháp luật: Ông PL khởi kiện yêu cầu Công ty AH và ông H có nghĩa vụ liên đới trả cho ông PL 940.000.000 đồng tiền góp vốn. Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp thể hiện: Công ty AH được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 09/7/2018, vốn điều lệ là 9.000.000.000 đồng, thành viên góp vốn gồm có ông Phạm Văn H với giá trị vốn góp 8.000.000.000 đồng và ông PL với giá trị vốn góp 1.000.000.000 đồng, ông H là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty. Ngày 18/4/2019, ông H chuyển nhượng cho ông PL 7.900.000.000 đồng tiền vốn góp theo Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 01/HĐCN. Cùng ngày 18/4/2018, ông H có thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, ngày 24/4/2019 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ nhất với nội dung thay đổi về giá trị vốn góp, cụ thể là ông Phạm Văn H với giá trị vốn góp 100.000.000 đồng và ông PL với giá trị vốn góp 8.900.000.000 đồng, ông H vẫn là Giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty. Tuy nhiên, tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông H và ông PL đều thừa nhận việc thành lập Công ty AH chỉ mang tính hình thức, cả ông H và ông PL đều không góp vốn điều lệ, không có việc chuyển nhượng vốn góp, không tổ chức hoạt động theo quy định, việc thành lập Công ty là để thuận lợi cho việc kinh doanh gỗ của cá nhân ông H, ông PL không tham gia bất kỳ hoạt động nào, không giữ vai trò gì trong Công ty, đồng thời nguyên đơn cũng đã rút yêu cầu khởi kiện đối với Công ty AH. Theo nội dung “Giấy biên nhận tiền” ngày 01/5/2018 thể hiện ông H là chủ cơ sở Pallet HP có nhận tiền hùn vốn làm ăn của ông PL. Tại phiên tòa, người đại diện bị đơn xác định cơ sở Pallet HP là do ông H tự đặt tên cho cơ sở kinh doanh Pallet gỗ, không có đăng ký kinh doanh theo quy định. Do vậy, đây là tranh chấp giữa các cá nhân không có đăng ký kinh doanh với nhau nên quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định là tranh chấp dân sự về “Hợp đồng hợp tác” theo quy định tại Điều 504 Bộ luật Dân sự và cần phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết tranh chấp này theo ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát là phù hợp với quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng hợp tác phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận” và áp dụng quy định của Luật Thương mại để giải quyết là không chính xác, tuy nhiên, thiếu sót này không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[5] Về thu thập chứng cứ: Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc thu thập chứng cứ đối với các tài liệu gồm: Văn bản không ghi ngày tháng năm; Giấy biên nhận tiền đầu tư ngày 28/01/2019; Giấy biên nhận tiền ngày 01/5/2018 chưa đảm bảo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự. Thẩm phán không ban hành quyết định thu thập chứng cứ là bản gốc do các đương sự đang lưu giữ, mà ghi “đã đối chiếu bản chính” là không đảm bảo quy định của pháp luật, đồng thời không ban hành quyết định thu thập các tài liệu khác như sổ biên bản hoạt động, báo cáo tài chính hàng năm của Công ty, chưa xác minh tài sản của Công ty hiện nay như thế nào. Xét thấy, đối với văn bản không ghi ngày tháng năm do nguyên đơn cung cấp cho Tòa án là bản photo không có chứng thực, tại biên bản làm việc ngày 15/7/2020 (BL 286) thể hiện Thẩm phán đã yêu cầu người đại diện của nguyên đơn cung cấp bản chính để đối chiếu, sau đó xác nhận vào cuối văn bản “đã đối chiếu bản chính”. Đây chỉ là việc kiểm tra tính xác thực của chứng cứ đã được đương sự giao nộp theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự, không phải việc thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối với “Giấy biên nhận tiền đầu tư” ngày 28/01/2019 và “Giấy biên nhận tiền” ngày 01/5/2018, người đại diện bị đơn thừa nhận đã viết giấy này, đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không ban hành quyết định thu thập chứng cứ là đúng quy định. Đồng thời, như đã phân tích ở mục [4], Công ty AH được thành lập chỉ mang tính hình thức, không có thành viên góp vốn, không có vốn điều lệ, không hoạt động trên thực tế nên việc thu thập các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của Công ty là không cần thiết, không có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án. Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ không đúng quy định, không đầy đủ là không chính xác.

Về nội dung:

[6] Nguyên đơn ông PL khởi kiện yêu cầu bị đơn ông Phạm Văn H phải trả tiền vốn góp hợp tác đầu tư kinh doanh Pallet gỗ với số tiền 940.000.000 đồng do ông H không thực hiện đúng thỏa thuận về chia lợi nhuận cho ông PL. Ông PL trình bày đã giao tiền mặt và chuyển khoản vào tài khoản của ông H, cụ thể như sau: Giao tiền mặt trực tiếp cho ông H 120.000.000 đồng vào ngày 01/5/2018 và 120.000.000 đồng vào ngày 30/7/2018; ông PL thông qua tài khoản ông DVT chuyển khoản cho ông H số tiền 220.000.000 đồng vào ngày 10/01/2019; ông PL thông qua tài khoản bà Dương Thị M chuyển khoản cho ông H số tiền 180.000.000 đồng vào ngày 17/8/2018, 30.000.000 đồng vào ngày 09/01/2019, 50.000.000 đồng vào ngày 21/01/2019 và 220.000.000 đồng vào ngày 29/01/2019. Chứng cứ ông PL cung cấp gồm giấy thỏa thuận không ghi ngày tháng giữa ông PL và ông H; giấy biên nhận tiền ngày 01/5/2018; tờ biên nhận tiền đầu tư ngày 28/01/2019; 04 chứng từ giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam – chi nhánh A và ủy nhiệm chi của Ngân hàng Á Châu – chi nhánh A.

[7] Bị đơn ông H cho rằng ông PL chỉ là người làm công cho ông H, ông H không hợp tác với ông PL và không nhận tiền hùn vốn của ông PL nên không chấp nhận yêu cầu của ông PL.

Xét yêu cầu khởi kiện và chứng cứ do các đương sự cung cấp thấy rằng:

[8] Giấy thỏa thuận giữa ông PL và ông H không ghi ngày tháng năm do ông PL cung cấp cho Tòa án là bản sao, đã được đối chiếu bản chính nên được xác định là chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nội dung giấy thỏa thuận thể hiện ông PL là Phó Giám đốc Công ty AH giao cho ông H là Giám đốc Công ty AH số tiền góp vốn điều lệ 300.000.000 đồng vào ngày 30/7/2018 và ngày 17/8/2018, lợi nhuận là 15%/tháng tính trên số tiền góp vốn, lợi nhuận được chia từ ngày 01 đến ngày 05 hàng tháng, nếu thực hiện không đúng thỏa thuận thì ông PL được quyền rút toàn bộ vốn đầu tư. Văn bản này có chữ ký của ông PL với tư cách là Phó Giám đốc Công ty và ông H với tư cách là Giám đốc Công ty AH. Tuy nhiên, cả ông H và ông PL đều thừa nhận việc thành lập Công ty AH là do ông H tự thực hiện để thuận lợi cho việc kinh doanh của ông H, ông PL hoàn toàn không biết về việc này, ông PL không tham gia thành viên, không góp vốn vào Công ty. Tại phiên tòa, đại diện ông PL trình bày nội dung ghi góp vốn vào Công ty là ghi theo đề nghị của ông H, đại diện ông H lại cho rằng ghi theo yêu cầu của ông PL. Tuy nhiên, các bên đều thừa nhận nội dung ghi góp vốn vào Công ty AH là không đúng thực tế. Do vậy có căn cứ xác định không có việc ông PL góp vốn vào Công ty AH. Đồng thời văn bản thỏa thuận này có nội dung phù hợp với quy định tại các Điều 504 và 505 Bộ luật Dân sự nên có cơ sở xác định ông PL không góp vốn vào Công ty AH mà thực chất là góp vốn với cá nhân ông H để kinh doanh Pallet gỗ. Do vậy, văn bản thỏa thuận không ghi ngày tháng năm được xác định là hợp đồng hợp tác giữa ông PL và ông Phạm Văn H về góp vốn kinh doanh Pallet gỗ. Do ông H vi phạm thỏa thuận về chia lợi nhuận nên ông PL có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 510 Bộ luật Dân sự năm 2015. Người đại diện theo ủy quyền của ông H là bà TTP thừa nhận chữ ký của ông H tại văn bản này nhưng cho rằng ông PL lừa ông H ký khống vào giấy trắng sau đó tự ghi nội dung thỏa thuận góp vốn vào giấy đã ký sẵn. Ý kiến của bị đơn không được nguyên đơn thừa nhận, bị đơn không có chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận. Ông PL cho rằng đã đưa cho ông H 120.000.000 đồng bằng tiền mặt và chuyển khoản cho ông H 180.000.000 đồng theo chứng từ giao dịch ngày 17/8/2018 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam – chi nhánh A với nội dung là bà Dương Thị M (vợ ông PL) chuyển tiền góp vốn cho ông H. Lời trình bày của nguyên đơn phù hợp với chứng cứ do nguyên đơn cung cấp nên có cơ sở xác định ông PL đã giao cho ông H 300.000.000 đồng tiền góp vốn kinh doanh Pallet gỗ.

[9] Đối với “Giấy biên nhận tiền” ngày 01/5/2018 và “Giấy biên nhận tiền đầu tư” ngày 28/01/2019 do ông PL cung cấp cho Tòa án: Ông PL khai đây là hình ảnh được in ra từ hình chụp qua điện thoại di động, bản gốc do ông H giữ. Người đại diện theo ủy quyền của ông H là bà TTP xác nhận đây là các văn bản do bà TTP viết, ông H ký và đóng dấu, sau đó dùng diện thoại di động chụp ảnh gửi cho ông PL nhưng ông PL chưa đưa tiền cho ông H. Như đã phân tích ở mục [5], đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo nội dung “Giấy biên nhận tiền” ngày 01/5/2018 thể hiện ông PL ông H là chủ cơ sở Pallet HP có nhận tiền hùn vốn làm ăn của ông PL với số tiền là 120.000.000 đồng vào ngày 01/5/2018. Theo nội dung “Giấy biên nhận tiền đầu tư” ngày 28/01/2019 thể hiện ông PL đã chuyển cho ông H 520.000.000 đồng tiền đầu tư vào Công ty AH và ông H đã nhận đủ. Ông PL cho rằng đã đưa cho ông H 120.000.000 đồng tiền mặt vào ngày 01/5/2018 và chuyển 520.000.000 đồng vào tài khoản của ông H. Lời khai của ông PL phù hợp với các chứng từ giao dịch mà bà Dương Thị M đã chuyển khoản cho ông H với số tiền: 30.000.000 đồng ngày 09/01/2019, 50.000.000 đồng ngày 21/01/2019, 220.000.000 đồng ngày 29/01/2019 và chứng từ ủy nhiệm chi do ông DVT chuyển khoản cho ông H số tiền 220.000.000 đồng. Tại bản tự khai và đơn xin xét xử vắng mặt ngày 11/3/2020 (BL 83) và đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt ngày 10/3/2021 (BL 368), ông T xác định có việc ông PL nhờ chuyển tiền cho ông H nhưng không biết đó là tiền gì, chứng từ ghi lý do chuyển tiền là không chính xác do Ngân hàng yêu cầu phải ghi lý do chuyển tiền nên ông T ghi là “thanh toán tiền hàng”. Ông H cho rằng số tiền bà M, ông T chuyển cho ông H là tiền mua hàng và tiền trả nợ cho ông H. Ý kiến của bị đơn không được nguyên đơn chấp nhận, bị đơn cũng không có chứng cứ chứng minh đây là tiền mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn và bị đơn nên không có cơ sở chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh hiện nay ông H đã nộp đơn khởi kiện bà M, ông PL tại Tòa án nhân dân huyện A, Thành phố Hà Nội yêu cầu trả số tiền 2.707.692.000 đồng tiền mua hàng và tiền nợ. Lời trình bày của nguyên đơn là có căn cứ, phù hợp với chứng cứ nguyên đơn cung cấp nên có cơ sở xác định ông PL đã giao cho ông H 640.000.000 đồng tiền góp vốn kinh doanh Pallet gỗ.

[10] Đối với số tiền 220.000.000 đồng ông PL cho rằng là tiền lợi nhuận từ việc góp vốn của ông PL do ông H chuyển vào tài khoản của bà M, ông H không thừa nhận có việc góp vốn của ông PL và cho rằng đây là tiền mua bán hàng hóa giữa ông H và ông PL. Tuy nhiên như đã phân tích ở mục [9], bị đơn không chứng minh được đây là tiền mua bán hàng hóa với nguyên đơn nên không có cơ sở chấp nhận ý kiến của ông H. Theo giấy thỏa thuận không ghi ngày tháng năm có ghi nhận nội dung thỏa thuận về việc chia lợi nhuận hàng tháng cho ông PL, ý kiến của người đại diện của nguyên đơn phù hợp với chứng cứ do nguyên đơn cung cấp nên được chấp nhận. Do vậy, có cơ sở xác định số tiền 220.000.000 đồng là lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác nên không chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn về việc khấu trừ số tiền này vào số tiền ông PL đã góp vốn hợp tác kinh doanh Pallet gỗ với ông H.

[11] Do vậy, có cơ sở xác định ông H đã nhận 940.000.000 đồng tiền góp vốn của ông PL, ông H không thực hiện đúng cam kết về chia lợi nhuận cho ông PL nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông H phải trả lại cho ông PL số tiền hùn vốn là có căn cứ và đúng pháp luật. Ý kiến của Viện Kiểm sát về việc xác định cụ thể trách nhiệm trả tiền cho ông PL là của Công ty AH hay ông H là không cần thiết bởi lẽ như đã phân tích ở mục [3], Công ty AH chỉ mang tính hình thức, do đó chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc công ty là không có thực, đây không phải là vụ án tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty về vốn góp, số tiền của ông PL được giao trực tiếp cho ông H hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của ông H nên không thể buộc Công ty AH trả tiền cho ông H. Việc buộc Công ty AH trả tiền cho ông H trong khi Công ty AH thực tế không có thành viên góp vốn, không có vốn điều lệ, không có tài sản là không đúng bản chất vụ việc và không thể thi hành án được.

[12] Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đều thống nhất xác định ông H và ông PL không thỏa thuận thành lập Công ty AH, toàn bộ hồ sơ pháp lý của Công ty AH đều do ông H tự làm, nhằm mục đích lấy tư cách pháp nhân để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ông H. Trên thực tế, Công ty AH không có vốn điều lệ, không có thành viên góp vốn, không có việc chuyển nhượng vốn góp như hồ sơ đăng ký thể hiện. Công ty AH là do cá nhân ông H đứng ra thành lập, quản lý và hoạt động, không có sự tham gia của ông PL, không có việc bổ nhiệm ông PL làm Phó Giám đốc Công ty với phần vốn góp 8.900.000.000 đồng. Do hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty AH không chính xác, không phù hợp với tình trạng thực tế nên người đại diện theo pháp luật của Công ty AH có trách nhiệm phải thực hiện lại việc đăng ký kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật.

[13] Về án phí: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định đối với án kinh doanh thương mại để tính án phí sơ thẩm là chưa phù hợp với tính chất tranh chấp của vụ án mà phải áp dụng quy định đối với án dân sự để tính như đề nghị của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên mức án phí dân sự sơ thẩm và kinh doanh thương mại sơ thẩm trong trường hợp này được tính như nhau theo quy định tại danh mục án phí lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án nên chỉ cần điều chỉnh về loại án phí phải thu mà không cần thiết phải điều chỉnh về số tiền án phí các đương sự phải chịu.

[14] Từ những phân tích trên, ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là có căn cứ, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về một số thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ chấp nhận một phần, cụ thể là việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, luật áp dụng và loại án phí phải thu. Tuy nhiên, thiếu sót này không làm thay đổi bản chất vụ án, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp các đương sự và bản án sơ thẩm đã giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên không cần thiết hủy bản án sơ thẩm mà chỉ cần sửa một phần bản án sơ thẩm. Bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

[15] Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

* Sửa một phần Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 14/2022/KDTM-ST ngày 30/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương như sau:

Căn cứ :

- Khoản 3 Điều 26; Điều 35; Điều 147; khoản 2 Điều 227; Điều 244; Điều 266; Điều 271; Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Điều 504; Điều 505; Điều 507 và 510 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu mà nguyên đơn rút đối với khoản thiệt hại tối thiểu theo tỷ lệ 15% của số vốn góp 940.000.000 đồng là: 141.000.000 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông PL đối với bị đơn ông Phạm Văn H về việc tranh chấp hợp đồng hợp tác.

Buộc ông Phạm Văn H phải trả ông PL số tiền 940.000.000 đồng (chín trăm bốn mươi triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì còn phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

3. Án phí:

Ông Phạm Văn H phải chịu 40.200.000 đồng (bốn mươi triệu hai trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ông PL không phải chịu án phí, trả cho ông PL 22.200.000 đồng (hai mươi hai triệu hai trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0027119 ngày 01/10/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

* Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phạm Văn H không phải chịu, trả cho ông Phạm Văn H 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002601 ngày 06/6/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

6
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 15/2022/DS-PT

Số hiệu:15/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về