Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác dịch vụ quảng cáo số 758/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 758/2020/KDTM-PT NGÀY 10/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC DỊCH VỤ QUẢNG CÁO

Vào ngày 22 tháng 7 và ngày 10 tháng 8 năm 2020 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 104/2020/TLPT-KDTM ngày 18 tháng 5 năm 2020 về tranh chấp hợp đồng hợp tác về dịch vụ quảng cáo.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 214/2020/KDTM-ST ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận 3 bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 3093/2020/QĐ-PT ngày 22 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

- Công ty Cổ phần S Trụ sở: Số 4, Đường số 3, Khu phố N, phường A, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Công ty TNHH T Trụ sở: Số 4, đường K, Khu phố M, phường T, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của Nguyên đơn là: Ông Nguyễn Minh T, là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền. (Theo Giấy ủy quyền ngày 16/7/2020). (Có mặt)

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần C Trụ sở: Số 23, Đường K, Phường N, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của Bị đơn là: Bà Bạch Ngọc C, là người đại diện hợp pháp theo pháp luật.

Địa chỉ: Bình Đường 5, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.

Người kháng cáo: Công ty Cổ phần C (Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong Đơn khởi kiện đề ngày 30/7/2018, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn Công ty Cổ phần S (gọi tắt là S) và Công ty TNHH T (gọi tắt là T) có ông Nguyễn Minh T là Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền trình bày:

Ngày 22/10/2018, S và T cùng Công ty Cổ phần C (gọi tắt là C), đã ký kết một Hợp đồng dịch vụ Quảng cáo Thương mại số 22/HĐTVT-S (gọi tắt là Hợp đồng). Theo đó, các bên cùng thỏa thuận hợp tác như sau:

+ C cho phép S và T được khai thác mặt kính tại địa điểm 41 đường T, góc B, Phường B, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh để cung cấp dịch vụ quảng cáo trên màn hình chiếu ngược;

+ S và T chịu mọi chi phí cho việc cung cấp, lắp đặt và vận hành các thiết bị quảng cáo trên màn hình chiếu ngược tại địa điểm trên.

Thời hạn Hợp đồng là 01 năm 03 tháng tính từ 15/11/2018 đến 15/02/2020. Tổng thời lượng phát quảng cáo trên thiết bị của S và T là 10 tiếng/ngày. Các bên thống nhất phân chia quyền lợi như sau:

+ C được luân phiên phát nội dung quảng cáo sản phẩm của mình trên thiết bị của S và T từ 40 - 50% tổng thời lượng chiếu quảng cáo;

+ S và T được thụ hưởng toàn bộ phí quảng cáo thu được từ các khách hàng khác cho thời gian phát quảng cáo còn lại theo tỷ lệ S 60% : T 40%.

Thực hiện Hợp đồng, S và T đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị quảng cáo và tìm kiếm khách hàng để đưa vào khai thác. Từ tháng 01/2019, C đã cho chạy các nội dung quảng cáo sản phẩm của mình trên thiết bị của S và T với thời lượng đã thỏa thuận. Đặc biệt, theo yêu cầu của C, từ ngày 19/01/2019 đến ngày 17/02/2019, S và T đã chấp nhận cho chạy nội dung quảng cáo của C 100% tổng thời lượng quảng cáo.

Tuy nhiên, ngày 27/3/2019, C đã bất ngờ phát hành và gửi đến S và T một công văn yêu cầu thanh lý và chấm dứt Hợp đồng vì các lý do:

+ Thời gian phát quảng cáo không đúng với thỏa thuận của Hợp đồng. Cụ thể: Theo quy định của Hợp đồng: Buổi sáng: 07:00h – 12:00h; Buổi tối: 17:00h – 22:00h. Thực tế thực hiện: Từ 19:00h đến 07:00h ngày hôm sau.

+ Hiệu quả vận hành quảng cáo thấp.

+ Việc chạy quảng cáo ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi của C.

Rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, các quy định của Hợp đồng và các nội dung trao đổi giữa các bên trong quá trình thực hiện, Nguyên đơn có đủ cơ sở khẳng định việc C thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng với các lý do đề cập tại Công văn ngày 27/3/2019 là vi phạm Hợp đồng và vi phạm pháp luật. Cụ thể:

+ Việc C thông báo chấm dứt Hợp đồng bằng Công văn ngày 27/3/2019 là hành vi đình chỉ thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 310 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

+ Các hành vi C cho rằng S và T vi phạm liệt kê tại Công văn ngày 27/3/2019 không thuộc các trường hợp chấm dứt được các bên thỏa thuận tại Điều 4.1 của Hợp đồng.

+ Các hành vi C liệt kê tại Công văn ngày 27/3/2019 cũng không phải là các hành vi vi phạm nghĩa vụ cơ bản của Hợp đồng. Sự thay đổi về khung giờ phát quảng cáo và thay đổi từ phim trong suốt sang phim chiếu xám là các nội dung thay đổi đã được nhân sự của C và nhân sự của S, T thảo luận và thống nhất trong quá trình thực hiện. Cụ thể: Thứ nhất, về việc thay đổi khung giờ chiếu quảng cáo, việc này đã được thảo luận và nhân sự của C (ông Phạm Đăng Huy) đã đồng ý việc thay đổi này tại email ngày 10/01/2019; Thứ hai, việc thay đổi chất liệu phim chiếu đã được nhân sự của C đồng ý trực tiếp, C cũng đã sử dụng phim chiếu này để chiếu quảng cáo của mình trong một thời gian dài mà không có bất kỳ phản đối nào.

Vì vậy, việc C thông báo chấm dứt Hợp đồng bằng Công văn đề ngày 27/3/2019 được xem là hành vi đơn phương chấm dứt/đình chỉ hợp đồng trước hạn trái pháp luật và gây thiệt hại cho S, T theo Điều 302 Luật Thương mại năm 2005, Điều 4.2.e của Hợp đồng.

Sau khi C thông báo chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn, ngày 16/4/2019, S đã gửi đến C công văn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Ngày 15/7/2019, Công ty Luật TNHH ATIM, đơn vị nhận ủy quyền của S và T, tiếp tục gửi đến C Công văn số ATIM19CV048 yêu cầu C bồi thường. Tuy nhiên, C đã không chấp nhận các yêu cầu bồi thường của S và T. Vì vậy, không còn lựa chọn nào khác, S và T buộc phải khởi kiện và đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu gồm:

- Buộc C bồi thường cho S và T 01 (một) năm phí quảng cáo theo thỏa thuận tại Điều 4.2.e của Hợp đồng là: 1.656.000.000 VNĐ (Một tỷ, sáu trăm năm mươi sáu triệu đồng).

Cách tính: Theo quy định tại Điều 2 của Hợp đồng, phí dịch vụ có thể thu là 23.000.000 VNĐ/01 giờ/01 tháng chiếu quảng cáo. Thời gian chiếu quảng cáo S và T có thể được thụ hưởng là 06 giờ/ngày. Do đó, phí quảng cáo thu được trong 01 năm tính là: 06giờ x 12 tháng x 23.000.000 VNĐ = 1.656.000.000 VNĐ.

- Bồi thường cho S và T khoản tiền phí quảng cáo S và T có thể được hưởng cho đến khi kết thúc thời hạn của Hợp đồng (15/02/2020) nếu không có hành vi vi phạm của C là: 1.329.400.000 VNĐ (Một tỷ, ba trăm hai mươi chín triệu, bốn trăm nghìn đồng).

Cách tính: C thông báo chấm dứt Hợp đồng vào ngày 27/3/2019, thời gian chấm dứt chính thức được đề cập trong thông báo là 27/4/2019. Thời gian còn lại của Hợp đồng tính đến ngày 15/02/2020 là 09 tháng 19 ngày. Phí quảng cáo có thể được hưởng là: 06 giờ x (09 tháng + (19 ngày : 30 ngày)) x 23.000.000 VNĐ = 1.329.400.000 VNĐ.

Tổng cộng: 2.985.400.000 VNĐ (Hai tỷ, chín trăm tám mươi lăm triệu, bốn trăm nghìn đồng). Trong đó:

+ Thanh toán cho S 60%, tương đương 1.791.240.000 VNĐ (Một tỷ, bảy trăm chín mươi mốt triệu, hai trăm bốn mươi nghìn đồng).

+ Thanh toán cho T 40%, tương đương 1.194.160.000 VNĐ (Một tỷ, một trăm chín mươi bốn triệu, một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T có ông Nguyễn Minh T là Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền trình bày:

+ Do phía Nguyên đơn có nhầm lẫn về cách tính toán nên tại phiên tòa hôm nay phía Nguyên đơn xin xác nhận chính xác số tiền yêu cầu Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn 01 (một) năm phí quảng cáo theo thỏa thuận tại Điều 4.2.e của Hợp đồng là: 1.541.000.000 (Một tỷ, năm trăm bốn mươi mốt triệu) đồng.

Cách tính: Theo quy định tại Điều 2 của Hợp đồng, trong một năm, các mẫu quảng cáo của Bị đơn sẽ được phát 50% tổng thời lượng vào các tháng 10, 11, 12, 01, 02 và 40% trên tổng thời lượng từ tháng 3 đến tháng 9. Như vậy, trong một năm, Nguyên đơn có 5 tháng được khai thác 50% tổng thời lượng quảng cáo và 7 tháng được khai thác 60% thời lượng quảng cáo. Phí dịch vụ có thể thu theo là 23.000.000 VNĐ/01 giờ/01 tháng chiếu quảng cáo. Do đó, phí quảng cáo thu được trong một năm được tính là:(05 giờ x 5 tháng x 23.000.000 VNĐ) + (6 giờ x 7 tháng x 23.000.000 VNĐ) = 1.541.000.000 VNĐ.

+ Bồi thường cho Nguyên đơn khoản tiền phí quảng cáo mà Nguyên đơn có thể được hưởng cho đến khi kết thúc thời hạn của Hợp đồng (ngày 15/02/2020) nếu không có hành vi vi phạm của Bị đơn là: 1.329.400.000 (Một tỷ, ba trăm hai mươi chín triệu, bốn trăm nghìn) đồng.

Cách tính: Bị đơn thông báo chấm dứt Hợp đồng vào ngày 27/3/2019, thời gian chấm dứt được đề cập trong thông báo là 27/4/2019. Thời gian còn lại của Hợp đồng tính đến ngày 15/02/2020 là 9 tháng 19 ngày. Trong thời gian này, có 05 tháng 04 ngày (ngày 27 – 30 tháng 4 và tháng 5, 6, 7, 8, 9 của năm 2019) Nguyên đơn được khai thác 60% tổng thời lượng quảng cáo, tương đương 06 giờ/ngày và 04 tháng 15 ngày (tháng 10, 11, 12 của năm 2019; tháng 1/2020 và 15 ngày của tháng 02/2020) được khai thác 50% tổng thời lượng quảng cáo, tương đương 05 giờ/ngày. Phí quảng cáo có thể được hưởng là:

[06 giờ x (05 tháng + (4 ngày : 30 ngày)) x 23.000.000 VNĐ] + [5 giờ x (4 tháng + (15 ngày : 30 ngày)) x 23.000.000 VNĐ] = 1.329.400.000 VNĐ.

Tổng cộng: 2.870.400.000 VNĐ (Hai tỷ, tám trăm bảy mươi triệu, bốn trăm nghìn đồng). Trong đó:

+ Thanh toán cho S 60%, tương đương 1.722.240.000 VNĐ (Một tỷ, bảy trăm hai mươi hai triệu, hai trăm bốn mươi nghìn đồng).

+ Thanh toán cho T 40%, tương đương 1.148.160.000 VNĐ (Một tỷ, một trăm bốn mươi tám triệu, một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Bị đơn Công ty Cổ phần C đã được tống đạt hợp lệ Thông báo về việc thụ lý vụ án, Giấy triệu tập để trình bày ý kiến, các Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa và các Giấy triệu tập để tham gia phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Vào ngày 18/3/2020, Tòa án nhân dân Quận 3 có nhận được Đơn xin vắng mặt đề ngày 17/3/2020 của bà Bạch Ngọc C qua EMS (không có dấu mộc Công ty). Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân Quận 3 tiến hành xét xử vắng mặt Bị đơn.

Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 214/2020/KDTM-ST ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

- Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 504, Điều 505 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 302 Luật Thương mại năm 2005;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án (ban hành kèm theo);

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T:

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần C phải bồi thường làm một lần cho Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T 01 (một) năm phí quảng cáo với số tiền là 1.541.000.000 (Một tỷ, năm trăm bốn mươi mốt triệu) đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, trong đó:

+ Công ty Cổ phần S được hưởng 60% tương đương với số tiền 924.600.000 (Chín trăm hai mươi bốn triệu, sáu trăm nghìn) đồng.

+ Công ty TNHH T được hưởng 40% tương đương với số tiền 616.400.000 (Sáu trăm mười sáu triệu, bốn trăm nghìn) đồng.

Việc thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Cổ phần C chậm thi hành án số tiền nêu trên thì hàng tháng Công ty Cổ phần C còn phải chịu tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Không chấp nhận đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T về việc buộc bị đơn Công ty Cổ phần C phải bồi thường khoản tiền phí quảng cáo với số tiền là 1.329.400.000 (Một tỷ, ba trăm hai mươi chín triệu, bốn trăm nghìn) đồng.

3. Về án phí phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Bị đơn Công ty Cổ phần C phải chịu án phí với số tiền là 58.230.000 (Năm mươi tám triệu, hai trăm ba mươi nghìn) đồng.

- Nguyên đơn Công ty Cổ phần S, Công ty TNHH T phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận với số tiền là 51.882.000 (Năm mươi mốt triệu, tám trăm tám mươi hai nghìn) đồng, trong đó:

+ Công ty Cổ phần S phải chịu 60% tiền án phí tương đương với số tiền 31.129.200 (Ba mươi mốt triệu, một trăm hai mươi chín nghìn, hai trăm) đồng. Cấn trừ với số tiền tạm ứng án phí mà Công ty Cổ phần S đã nộp là 32.868.600 (Ba mươi hai triệu, tám trăm sáu mươi tám nghìn, sáu trăm) đồng theo Biên lai thu tiền số 0014577 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên hoàn lại cho Công ty Cổ phần S số tiền là 1.739.400 (Một triệu, bảy trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm) đồng. Công ty Cổ phần S đã nộp đủ án phí.

+ Công ty TNHH T phải chịu 40% tiền án phí tương đương với số tiền 20.752.800 (Hai mươi triệu, bảy trăm năm mươi hai nghìn, tám trăm) đồng. Cấn trừ với số tiền tạm ứng án phí mà Công ty TNHH T đã nộp là 23.912.400 (Hai mươi ba triệu, chín trăm mười hai nghìn, bốn trăm) đồng theo Biên lai thu tiền số 0014578 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên hoàn lại cho Công ty TNHH T số tiền là 3.159.600 (Ba triệu, một trăm năm mươi chín nghìn, sáu trăm) đồng. Công ty TNHH T đã nộp đủ án phí.

4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Bị đơn Công ty Cổ phần C phải chịu. Do Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T đã nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nên Công ty Cổ phần C phải trả lại cho nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T số tiền 5.000.000 (Năm triệu) đồng.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 21 tháng 4 năm 2020, bị đơn - Công ty Cổ phần C có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án số 214/2020/KDTM-ST ngày 24/3/2020 của Tòa án nhân dân Quận 3, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần C trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá đúng sự thật khách quan cụ thể nguyên đơn thay đổi phương tiện chiếu từ phim trong suốt sang phim chiếu xám là do chất lượng hình ảnh của việc sử dụng phim chiếu trong suốt không đảm bảo chất lượng nên vi phạm Điều 3.3 của Hợp đồng ký giữa các bên nên Công ty C có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở vì bị đơn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho lý do đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Về việc thay đổi màn chiếu, đây là sự thay đổi được cả hai bên thống nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng như đã trình bày ở trên chứ không phải là hành vi đơn phương của nguyên đơn. Thực tế, việc chấm dứt hợp đồng của bị đơn xuất phát từ việc giữa bị đơn muốn mua lại toàn bộ thiết bị của nguyên đơn để trình chiếu 100% sản phẩm quảng cáo của mình. Tuy nhiên, các bên không thống nhất được về giá mua lại thiết bị nên Bị đơn đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Nguyên đơn không vi phạm Hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt này là trái pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở, nên đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng dịch vụ, bị đơn có trụ sở tại Quận 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân Quận 3 xét xử sơ thẩm là đúng quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Kháng cáo của bị đơn – Công ty Cổ phần C là hợp lệ, nên Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn - Công ty Cổ phần C nhận thấy:

Ngày 22/10/2018 các bên gồm: Bên A (Bên thuê) - Công ty Cổ phần S; Bên B (Bên cung cấp thiết bị) – Công ty TNHH T và Bên C (Bên cho thuê) - Công ty Cổ phần C có ký kết Hợp đồng Dịch vụ Quảng cáo Thương mại số 22/HĐTVT-S về việc hợp tác quảng cáo thương mại tại địa chỉ số 30 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 17, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hợp đồng các bên thỏa thuận: Bên C cho bên A thuê mặt kính để lắp đặt màn chiếu ngược trong suốt để quảng cáo sản phẩm cho khách hàng bên A. Bên C có nghĩa vụ góp vốn cho Bên A dưới hình thức lắp đặt thiết bị quảng cáo màn chiếu ngược trong suốt. Theo đó các mẫu quảng cáo của bên C được phát sóng luân phiên với các quảng cáo khác và bên C được hưởng 50% thời gian trên tổng thời lượng quảng cáo vào những tháng 10, 11, 12, 01, 02 và 40% thời gian trên tổng thời lượng quảng cáo từ tháng 3 đến tháng 9. Phương thức xác định kết quả kinh doanh giữa bên A và bên B dựa vào doanh thu từ việc bán dịch vụ quảng cáo (05-6 tiếng mỗi ngày). Phương thức phân chia lợi nhuận thu được bên A hưởng 40%, bên B là 60%. Tại Điều 4.2e của Hợp đồng, các bên thỏa thuận như sau:“.. e. Trường hợp chấm dứt hợp đồng nêu tại điểm g khoản 1 Điều này, Bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không do lỗi của bên kia thì phải bồi thường cho Bên kia bằng một năm chi phí thuê quảng cáo”.

Bị đơn thừa nhận ngày 27/3/2019, Công ty Cổ phần C đã có Văn bản số 10/CV- KD gửi đến Nguyên đơn về việc thanh lý hợp đồng. Bị đơn cho rằng sau quá trình triển khai và hợp tác khai thác Bị đơn nhận thấy thực tế hoạt động khác hoàn toàn với nội dung hợp đồng đã thống nhất giữa các bên. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn trình bày do Nguyên Đơn đã vi phạm nghĩa vụ về đảm bảo chất lượng hình ảnh trên màn chiếu, cụ thể đã thay đổi từ phim chiếu trong suốt sang phim chiếu xám là do chất lượng hình ảnh của việc sử dụng phim chiếu trong suốt không đảm bảo chất lượng nên vi phạm Điều 3.3 của Hợp đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn cho rằng nguyên đơn vi phạm Điều 3.3 của Hợp đồng nhưng bị đơn không chứng minh được Nguyên Đơn đã vi phạm nghĩa vụ về đảm bảo chất lượng hình ảnh trên màn chiếu cụ thể “ hiệu ứng chiếu không đạt (hình ảnh bị bể, nhòa, không cân đối, màu sắc không hài hòa, kích thước không đủ nhận diện từ xa)” như đã thỏa thuận tại Điều 3.3 của hợp đồng và cũng thừa nhận tại tòa việc thay đổi từ màn chiếu trong suốt sang màn chiếu xám đã có sự bàn bạc thỏa thuận giữa hai bên và người đại diện theo pháp luật của Công ty C cũng xác nhận đã đồng ý cho nguyên đơn được thay đổi .

Căn cứ Điều 4.1 Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại số 22/HĐTVT-S ngày 22/10/2018 các bên có thỏa thuận về trường hợp chấm dứt hợp đồng, khoản 1 Điều 505 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác và Điều 310 Luật Thương mại năm 2005 quy định về việc đình chỉ thực hiện hợp đồng thì việc Bị đơn đưa ra các lý do được thể hiện tại Văn bản số 10/CV-KD ngày 27/3/2019 không thuộc một trong những điều kiện để hợp đồng chấm dứt hiệu lực. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn - Công ty Cổ phần S, Công ty TNHH T về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại 01 (một) năm phí quảng cáo với số tiền 1.541.000.000 đồng là phù hợp với thỏa thuận của các bên theo Điều 4.2e của Hợp đồng số 22/HĐTVT-S ngày 22/10/2018 và phù hợp với qui định tại khoản 1 Điều 302 của Luật Thương mại năm 2005.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo cũng không xuất trình thêm được chứng cứ nào để chứng minh có thỏa thuận khác về việc bồi thường do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[3] Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên.

Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH

 I. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn - Công ty Cổ phần C. Giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm số 214/2020/KDTM-ST ngày 24/3/2020 của Tòa án nhân dân quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 504, Điều 505 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 302 và Điều 306 Luật Thương mại năm 2005;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T:

Buộc bị đơn Công ty Cổ phần C phải bồi thường làm một lần cho Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T 01 (một) năm phí quảng cáo với số tiền là 1.541.000.000 (Một tỷ, năm trăm bốn mươi mốt triệu) đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, trong đó:

+ Công ty Cổ phần S được hưởng 60% tương đương với số tiền 924.600.000 (Chín trăm hai mươi bốn triệu, sáu trăm nghìn) đồng.

+ Công ty TNHH T được hưởng 40% tương đương với số tiền 616.400.000 (Sáu trăm mười sáu triệu, bốn trăm nghìn) đồng.

Việc thi hành tại Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Kể từ ngày Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Cổ phần C chậm thi hành án số tiền nêu trên thì hàng tháng Công ty Cổ phần C còn phải chịu tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

2. Không chấp nhận đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T về việc buộc bị đơn Công ty Cổ phần C phải bồi thường khoản tiền phí quảng cáo với số tiền là 1.329.400.000 (Một tỷ, ba trăm hai mươi chín triệu, bốn trăm nghìn) đồng.

2. Về án phí:

- Bị đơn Công ty Cổ phần C phải chịu án phí KDTM sơ thẩm với số tiền là 58.230.000 (Năm mươi tám triệu, hai trăm ba mươi nghìn) đồng.

- Nguyên đơn Công ty Cổ phần S, Công ty TNHH T phải chịu án phí KDTM sơ thẩm đối với phần yêu cầu không được chấp nhận với số tiền là 51.882.000 (Năm mươi mốt triệu, tám trăm tám mươi hai nghìn) đồng, trong đó:

+ Công ty Cổ phần S phải chịu án phí KDTM sơ thẩm là 31.129.200 (Ba mươi mốt triệu, một trăm hai mươi chín nghìn, hai trăm) đồng. Cấn trừ với số tiền tạm ứng án phí mà Công ty Cổ phần S đã nộp là 32.868.600 (Ba mươi hai triệu, tám trăm sáu mươi tám nghìn, sáu trăm) đồng theo Biên lai thu tiền số 0014577 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên hoàn lại cho Công ty Cổ phần S số tiền là 1.739.400 (Một triệu, bảy trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm) đồng.

+ Công ty TNHH T phải chịu án phí KDTM sơ thẩm là 20.752.800 (Hai mươi triệu, bảy trăm năm mươi hai nghìn, tám trăm) đồng. Cấn trừ với số tiền tạm ứng án phí mà Công ty TNHH T đã nộp là 23.912.400 (Hai mươi ba triệu, chín trăm mười hai nghìn, bốn trăm) đồng theo Biên lai thu tiền số 0014578 ngày 16/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên hoàn lại cho Công ty TNHH T số tiền là 3.159.600 (Ba triệu, một trăm năm mươi chín nghìn, sáu trăm) đồng.

- Công ty Cổ phần C phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng). Được cấn trừ vào số tiền 2.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0007332 ngày 28/4/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh).

3. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Bị đơn Công ty Cổ phần C phải chịu. Do Nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T đã nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ nên Công ty Cổ phần C phải trả lại cho nguyên đơn Công ty Cổ phần S và Công ty TNHH T số tiền 5.000.000 (Năm triệu) đồng.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

91
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác dịch vụ quảng cáo số 758/2020/KDTM-PT

Số hiệu:758/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 10/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về