Bản án về tranh chấp hợp đồng giao khoán rừng số 17/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 17/2022/DS-PT NGÀY 29/04/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN RỪNG

Ngày 29 tháng 04 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 71/2021/TLPT- DS ngày 15 tháng 11 năm 2021 về việc: Tranh chấp Hợp đồng giao khoán rừng.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo; kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 77/2021/QĐPT-DS ngày 23 tháng 12 năm 2021; Quyết định hoãn phiên tòa số 06/2022/QĐPT-DS ngày 11 tháng 01 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 14/2022/QĐPT-DS ngày 26 tháng 01 năm 2022; Thông báo chuyển ngày xét xử số 26/TB-TDS ngày 21 tháng 3 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 26/2022/QĐPT-DS ngày 14 tháng 4 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ (viết tắt Công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đ); địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Trung T - Giám đốc Công ty; có mặt.

- Bị đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1946; địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Vy Văn P - Luật sư Văn phòng Luật sư P thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn; địa chỉ: Số 114, đường L, phường Đ, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Lành Văn T, sinh năm 1985; địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của anh Lành Văn T: Bà Trần Thị H, sinh năm 1946; địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn (Theo văn bản ủy quyền ngày 29/7/20201); có mặt.

2. Bà Lành Thị H, sinh năm 1979; vắng mặt 3. Bà Lành Thị H1, sinh năm 1981; vắng mặt.

4. Ông Tạ Đăng L, sinh năm 1976; vắng mặt.

5. Ông Vi Xuân D, sinh năm 1936; vắng mặt.

6. Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1965; vắng mặt.

7. Ông Tô Quốc H, sinh năm 1956; vắng mặt.

8. Anh Mai Văn Q, sinh năm 1999; vắng mặt.

9. Bà Vi Thị N, sinh năm 1961; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.

10. Bà Mã Thị T, sinh năm 1959; địa chỉ: Khu 3, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

11. Bà Vương Thị L, sinh năm 1962; địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

12. Anh Lành Văn V; địa chỉ: Khu 4, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn;

vắng mặt.

13. Anh Lành Văn L; địa chỉ: Thôn Q, xã C, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn;

vắng mặt.

14. Ông Ma Văn L; địa chỉ: Thôn K, xã L, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

15. Ông Vi Văn T, sinh năm 1962; địa chỉ: Khu 3, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

16. Ban Quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T - Phó Trưởng ban; vắng mặt.

Người kháng cáo: Bà Trần Thị H, là bị đơn.

Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án và nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn được tóm tắt như sau:

Theo lời khai của nguyên đơn trình bày: Ngày 21/3/1993 Lâm trường Đ (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ) ký hợp đồng số 46 HĐ/KT về nhận đất trong vùng quy hoạch của Lâm trường Đ để trồng rừng dự án 327 với hộ gia đình bà Trần Thị H tại hai lô b2, d2 thuộc khoảnh 379, tiểu khu 488C (tiểu khu cũ là 491) với tổng diện tích các lô là 3,4 ha, thời gian thực hiện một chu kỳ cây thông là 25 năm tính từ thời điểm trồng cây; ngày 21/8/1993 Lâm trường Đ thực hiện việc giao khoán, quản bảo vệ rừng và ngày 14/12/2006 ký lại hợp đồng số 211 HĐ/KT về việc khoán quản, bảo vệ rừng trồng sản xuất với bà Trần Thị H tại lô d1, khoảnh 79, tiểu khu 488C (tiểu khu cũ là 491), diện tích là 3,7ha.

Sau khi ký kết các hợp đồng trên thì Lâm trường Đ đã thực hiện đúng với các điều khoản đã ghi trong hợp đồng như thực hiện việc giao đất, giao cây, chi trả tiền trồng, chăm sóc, bảo về rừng cho bà Trần Thị H đầy đủ theo phiếu chi các 30/12/1994; 10/10/1995; 30/12/1995; 22/7/1996; 30/12/1996. Bên nhận giao khoán giai đoạn đầu cũng thực hiện đúng với các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng thì giai đoạn đầu Công ty vẫn phối hợp với gia đình nhận khoán để chăm sóc và bảo vệ rừng, nhưng từ năm thứ 04 trở đi thì gia đình nhận khoán tự quản lý, bảo vệ rừng cho đến hết chu kỳ và khi khai thác mỗi bên sẽ nhận lại 50% giá trị gỗ cây đứng theo hợp đồng số 46- HĐ/KT và 02% giá trị gỗ cây đứng theo hợp đồng số 211 HĐ/KT. Tuy nhiên, khoảng năm 2010 trở lại đây bà Trần Thị H đã tự ý khai thác nhựa thông làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, số tiền khai thác nhựa thông do bà Trần Thị H thụ hưởng hết. Việc làm của bà Trần Thị H đã vi phạm các điều khoản đã ghi trong hợp đồng.

Ngày 09/9/2020, đại diện Công ty đã làm việc với bà Trần Thị H về việc đưa rừng giao khoán vào khai thác gỗ. Tại buổi làm việc bà Trần Thị H nhất trí với yêu cầu của Công ty nhưng sau đó bà Trần Thị H thay đổi ý kiến không nhất trí đưa rừng vào khai thác, mặc dù phía Công ty đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho bà Trần Thị H.

Do vậy Công ty đã khởi kiện yêu cầu gia đình bà Trần Thị H phải thanh lý hợp đồng, bàn giao lại rừng để Công ty tổ chức khai thác thu hồi vốn của Nhà nước, đất sau khai thác Công ty tổ chức trồng lại rừng mới theo mô hình quốc doanh. Yêu cầu bà Trần Thị H nhận số tiền sản phẩm được hưởng theo hợp đồng 46-HĐ/KT là 50% và hưởng 02% đối với hợp đồng 211 HĐ/KT theo như kết quả định giá tài sản.

Tại biên bản lấy lời khai ngày 31/8/2021 và tại phiên tòa, nguyên đơn có ý kiến: Đối với tài sản là các ngôi mộ nằm trên đất của Công ty, Công ty nhất trí để khoảng cách tính từ chân các ngôi mộ kéo dài ra 04 phía, mỗi phía có chiều dài 08m và không trồng cây vào đó. Đối với các ngôi mộ đã thỏa thuận được khoảng cách tại buổi xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/8/2021, Công ty đề nghị các đương sự thực hiện theo các thỏa thuận này và đề nghị ghi nhận trong bản án.

Đối với diện tích đất trồng sắn, trồng cây hàng năm của bà Mã Thị T, Công ty nhất trí để cho bà Mã Thị T tiếp tục sử dụng, trong khoảng cách 15m tính từ chân ruộng trở lên, Công ty yêu cầu bà Mã Thị T không được trồng các cây lâu năm và xây dựng các công trình khác vào khu vực đó và Công ty cũng không trồng cây vào diện tích đất này.

Đối với số cây thông do ông Tô Quốc H trồng, Công ty sẽ thanh toán giá trị bằng tiền cho ông Tô Quốc H theo giá trị mà Hội đồng định giá đã quyết định, Công ty sẽ lấy cây và đất để quản lý, sử dụng.

Đối với số cây thông do gia đình bà Trần Thị H trồng, Công ty sẽ thanh toán giá trị bằng tiền cho bà Trần Thị H theo giá trị mà Hội đồng định giá đã quyết định, Công ty sẽ lấy cây và đất để quản lý, sử dụng.

Đối với các loại cây khác như cây Lát, Trám, Nhãn, Tre, Hồng bà Trần Thị H trồng trên đất của Công ty, Công ty sẽ thanh toán giá trị bằng tiền theo giá trị mà Hội đồng định giá đã quyết định, Công ty sẽ lấy cây và đất để quản lý, sử dụng.

Bị đơn bà Trần Thị H trình bày: Ngày 21/3/1993 bà ký hợp đồng số 46 HĐ/GK về việc nhận đất trống trong vùng quy hoạch của Lâm trường Đ để trồng rừng dự án 327, ngày 25/5/2006 bà ký lại hợp đồng với Công ty. Sau khi nhận đất với Lâm trường Đ, các năm 1994, 1995, 1996 bà đã tiến hành trồng cây thông trên diện tích đất đã nhận khoán với Lâm trường, cây giống do Lâm trường Đ cung cấp. Sau khi trồng xong Lâm trường Đ đã nghiệm thu số cây bà trồng đạt tỉ lệ sống 100%. Sau đó bàn giao cho bà vẫn quản lý, bảo vệ rừng theo hợp đồng không để xảy ra cháy rừng hay chặt phá rừng. Đến năm 2007, 2008 bắt đầu có người đến chặt phá rừng và xảy ra cháy rừng, sự việc này bà đã báo cáo với Lâm trường Đ, nhưng Lâm trường không cử người phối hợp cùng gia đình để bảo vệ rừng, gia đình bà tự nhờ anh em, làng xóm đi dập lửa, tự đi mua cây giống về trồng dặm và tự quản lý, bảo vệ rừng từ đó cho đến nay. Nay Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ khởi kiện yêu cầu bà thanh lý hợp đồng bà không nhất trí thanh lý hợp đồng với Công ty và chưa nhất trí nhận tiền sản phẩm với Công ty.

Trường hợp Công ty lấy lại đất bà yêu cầu đối với các cây thông bà trồng năm 2011-2014 tại thửa đất số 299 bà yêu cầu Công ty bồi thường 150.000.000 đồng, các cây thông tại thửa đất số 232 yêu cầu Công ty bồi thường 7.000.000 đồng; ngoài ra trên hai thửa đất còn có các cây khác như cây Lát, Trám, Tre, Hồng, Chuối bà yêu cầu Công ty bồi thường 35.000.000 đồng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với tài sản là các ngôi mộ trên đất: Ông Vi Xuân D khai gia đình ông có 01 ngôi mộ tại thửa đất số 299 đó là mộ của mẹ ông, nếu Công ty khai thác cây và trồng rừng mới thì trồng cây cách xa ngôi mộ của gia đình ông từ 10m - 15m trở lên; ông Ma Văn L và anh Mai Văn Q trình bày gia đình ông có 01 ngôi mộ tại thửa đất số 299 đó là mộ của của bố ông. Tại buổi xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/8/2021 giữa ông và Công ty đã thỏa thuận được diện tích đất tính từ chân mộ kéo dài ra 04 phía, mỗi phía có chiều dài 08m, Công ty không được trồng cây vào. Ông đề nghị Tòa án công nhận sự thỏa thuận này giữa ông và Công ty; bà Vương Thị L trình bày: Gia đình bà có 01 ngôi mộ tại thửa đất số 232, đó là mộ của em trai, nếu Công ty khai thác cây và trồng rừng mới thì trồng cây cách xa ngôi mộ của gia đình bà từ 10m trở lên; bà Hoàng Thị H trình bày gia đình có 03 ngôi mộ tại thửa đất số 232 đó là mộ của bố, mẹ chồng và chồng bà. Tại buổi xem xét thẩm định tại chỗ ngày 27/8/2021 giữa bà và Công ty đã thỏa thuận được diện tích đất tính từ chân mộ kéo dài ra 04 phía, mỗi phía có chiều dài 08m, Công ty không được trồng cây vào; bà Vi Thị N trình bày gia đình bà có 01 ngôi mộ tại thửa đất số 299, đó là mộ của mẹ chồng bà, nếu Công ty khai thác cây và trồng rừng mới thì trồng cây cách xa ngôi mộ của gia đình bà từ 08m trở lên.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tài sản cây trồng trên đất: Ông Tô Quốc H trình bày năm 2010 bà Trần Thị H đã trồng cây vào đất của gia đình ông, ông có yêu cầu bà Trần Thị H không được trồng cây vào đất của ông. Sau đó bà Trần Thị H thỏa thuận cho ông trồng cây thông vào một phần diện tích đất mà bà Trần Thị H đã nhận khoán với Lâm trường Đ. trồng khoảng 500 đến 600 cây thông, nay ông yêu cầu tiếp tục được quản lý, sử dụng toàn bộ diện tích đất và số cây thông đã trồng. Trường hợp Công ty yêu cầu ông phải trả lại đất thì ông cũng nhất trí và yêu cầu Công ty phải thanh toán toàn bộ tiền cây giống, tiền công chăm sóc, bảo vệ cây từ năm 2010 cho đến nay với giá là 300.000 đồng/01 cây; bà Mã Thị T trình bày tại thửa đất số 232 có một phần diện tích đất bà trồng các cây như Sắn, Gừng, Khoai sọ, Mài. Diện tích đất này ở gần bờ ruộng của gia đình bà, khi bà làm vườn và trồng cây ở đây bà cũng không xin phép Công ty và phía Công ty biết bà làm vườn ở đó nhưng cũng không có ý kiến gì, bà yêu cầu được quản lý, sử dụng diện tích đất đó, nếu Công ty trồng rừng mới, bà yêu cầu Công ty trồng cây cách bờ ruộng từ 35m trở lên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ. Buộc bà Trần Thị H phải thanh lý hợp đồng, bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ tại một phần thửa đất số 299, diện tích 53.369,0m2 và một phần thửa đất số 232, diện tích 25.001,0m2, thuộc tờ bản đồ số 05 xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.

(Hiện trạng thửa đất được mô tả theo mảnh trích đo địa chính số 92-2021 ngày 22/6/2021 của Công ty cổ phần trắc địa bản đồ và môi trường Sông Tô – Chi nhánh Lạng Sơn).

2. Về số tiền được thụ hưởng theo hợp đồng: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ có trách nhiệm thanh toán cho bà Trần Thị H số tiền được thụ hưởng theo hai hợp đồng là 36.643.040 đồng (ba mươi sáu triệu sáu trăm bốn mươi ba nghìn không trăm bốn mươi đồng).

3. Về trách nhiệm thanh toán giá trị tài sản trên đất: Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ có trách nhiệm thanh toán cho cho ông Tô Quốc H số tiền 24.932.000 đồng (hai mươi tư triệu chín trăm ba mươi hai nghìn đồng) và thanh toán cho bà Trần Thị H số tiền 66.941.500 đồng (sáu mươi sáu triệu chín trăm bốn mươi mốt nghìn năm trăm đồng).

4. Về tài sản trên đất: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ được quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản trên một phần thửa đất số 299 và một phần thửa đất số 232, thuộc tờ bản đồ số 05 xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.

5. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản: Buộc bà Trần Thị H phải có trách nhiệm trả lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ số tiền là 37.076.000 đồng (ba mươi bảy triệu không trăm bảy mươi sáu nghìn đồng).

6. Công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ và ông Ma Văn L, anh Mai Văn Q; bà Hoàng Thị H, anh Lành Văn L và bà Vi Thị N. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ không được trồng cây vào diện tích đất được tính từ chân các ngôi mộ kéo ra 04 phía, mỗi phía có chiều dài 08m.

7. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ không được trồng cây vào diện tích đất được tính từ chân các ngôi mộ kéo ra 04 phía, mỗi phía có chiều dài 08m đối với các ngôi mộ của gia đình ông Vi Xuân D và bà Vương Thị L.

8. Bà Mã Thị T tiếp tục được quản lý, sử dụng diện tích đất trồng cây ngắn ngày tại thửa đất số 232 được thể hiện trên mảnh trích đo là S11 và S12. Bà Mã Thị T không được trồng các cây lâu năm và xây dựng các công trình trên diện tích đất này. Khoảng cách tính từ chân ruộng kéo dài lên 15m Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ không được trồng cây vào diện tích đất này.

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự.

Trong thời hạn luật định ngày 07/10/2021 bà Trần Thị H nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung không đồng ý việc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đ chặt toàn bộ cây của bà Trần Thị H đã trồng, không đồng ý với phương án bồi thường, không đồng ý bàn giao rừng và đất rừng đã nhận khoán quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đ; đề nghị Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đ không thu hồi đất đã giao cho bà Trần Thị H.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn kháng nghị theo Quyết định số 48/QĐKNPT-DS ngày 25/10/2021 đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm bà Trần Thị H giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:

- Việc tuân theo pháp luật: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Thư ký và các đương sự chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

- Về quan điểm giải quyết vụ án:

1. Xét kháng cáo của bị đơn Căn cứ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, xác định năm 1993 Lâm trường và bà H có ký 02 hợp đồng, trong đó: Hợp đồng số 46 HĐ/KT ngày 21/3/1993 về việc nhận đất trống trong vùng quy hoạch của Lâm trường Đ để trồng rừng dự án 327, bà Trần Thị H nhận: Lô b2 (diện tích 2,4 ha) và Lô d2 (diện tích 1,0 ha) đều thuộc khoảnh 79, tiểu khu 491; Hợp đồng số 211 HĐ/KT ngày 21/8/1993, khoán bảo vệ rừng và đất rừng, diện tích là 3,7ha Lô d1, khoảnh 70, Tiểu khu 491. Theo hợp đồng từ năm thứ 4 trở đi thì gia đình nhận khoán tự quản lý, bảo vệ cho đến hết chu kỳ và công ty khai thác mỗi bên nhận 50% giá trị cây gỗ đứng của Hợp đồng 46 và 2% giá trị gỗ cây đứng của Hợp đồng 211.

Sau khi ký kết hai hợp đồng, Công ty đã thực hiện các điều khoản chi trả tiền trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho gia đình bà H theo các phiếu chi ngày 30/12/1994; 10/10/1995, 30/12/1995, 22/7/1996, 30/12/1996.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng bà H đã không thực hiện đúng điều khoản cam kết của bên nhận giao khoán, như đã tự ý khai thác nhựa thông không theo hướng dẫn của Công ty và tự tiêu thụ và hưởng toàn bộ sản phẩm; để xảy ra việc chặt phá rừng và chiếm làm nương rẫy. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà H cũng thừa nhận năm 2010 gia đình bà H khai thác nhựa cây thông, tự tiêu thụ sản phẩm và hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm nhựa; để xảy ra việc chặt phá rừng và một số người trồng thông trên đất mà bà H nhận khoán với Lâm trường, như ông Tô Quốc H, ông Vi Văn T.

Như vậy, có cơ sở xác định các hợp đồng chưa hết hiệu lực do năm 2006 hai bên ký lại hợp đồng, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng bà H đã vi phạm điều khoản đã ký kết, cụ thể: Bà H đã tự ý khai thác nhựa thông và bán ra ngoài cho tư thương là và vi phạm mục 3, phầm III của Hợp đồng số 46; để lâm tặc chặt phá rừng, không quản lý, bảo vệ tốt và để cho người khác trồng cây trên đất giao khoán bảo vệ rừng vi phạm điều khoản của Hợp đồng số 211. Do đó, việc kháng cáo của bà H kháng cáo không thu hồi đất đã giao là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị bác kháng cáo.

2. Xét kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn có vi phạm về tố tụng, cụ thể như sau:

- Về thu thập, đánh giá chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, vì theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án, xác định ngày 21/3/1993 bà H ký Hợp đồng số 46 HĐ/KT (Hợp đồng số 46 HĐ/KT) với Lâm trường Đ về việc trồng rừng dự án 327, tại lô b2, d2 thuộc khoảnh 379, tiểu khu 488C, tổng diện tích là 3,4 ha, Ngày 21/8/1993 bà H nhận khoán đất rừng với Lâm trường, hợp đồng số 211 HĐ/KT (Hợp đồng số 211 HĐ/KT) khoán quản, bảo vệ rừng tại lô d1, khoảnh 79, tiểu khu 488C, diện tích là 3,7 ha, thời gian thực hiện là 25 năm; Đến năm 2006 ký lại hợp đồng.

Theo nội dung Hợp đồng số 46 HĐ/KT, Hợp đồng số 211 HĐ/KT, Công văn số 81/CV-CTLNĐL ngày 15/8/2008 của Công ty Lâm nghiệp Đ (BL 138) và Báo cáo số 392/BC-UBND ngày 01/6/2019 của UBND huyện Đ (BL 141- 144), chứng từ thanh toán (16-25; BL 285-295) và lời khai của bà H, xác định Công ty, bà H đều chưa thực hiện đúng các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng, như việc chưa thanh toán đầy đủ tiền cho chủ nhận khoán, khi rừng bị cắt trộm cây thông Công ty không lập biên bản xác định thiệt hại, Công ty cho rằng bà H tự ý khai thác nhựa thông nhưng không có ý kiến hoặc có biện pháp gì để ngăn chặn thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm Công ty đã cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc thanh toán cho chủ nhận khoán và các văn bản về việc ngăn chăn chặt phá rừng để khắc phục vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc thu thập chứng cứ.

Đối với diện tích đất bà H được nhận giao khoán theo hợp đồng số 46 HĐ/KT bà H được giao, khoán là lô b2, d2 khoảnh 379 diện tích 3,4 ha và được hưởng 50%; Hợp đồng số 211 HĐ/KT khoán, quản lô d1, khoảnh 79 diện tích 3,7ha, được hưởng 02%. Qua đối chiếu sơ họa khu đất kèm theo hợp đồng giao khoán với mảnh trích đo địa chính (BL 108a), xác định lô b2 tương ứng với thửa 232; lô d1, d2 tương ứng với thửa 299. Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và trích đo địa chính, xác định diện tích đất bà H nhận giao khoán thuộc một phần thửa 299 diện tích 53.369m2 và thuộc một phần thửa 232 diện tích 25.001m2, tờ bản đồ số 05 xã Đ. Khi giải quyết vụ án, Tòa án sơ thẩm chưa xác minh thu thập làm rõ vị trí đất thuộc lô d1, d2 tương ứng với diện tích đất nào của thửa 299 và xác định số cây thông trên đất thuộc hợp đồng nào, được hưởng bao nhiêu %, nhưng bản án sơ thẩm quyết định cho bà H được hưởng 50% giá trị cây trên thửa 232 số tiền 36.019.000 đồng là chưa đảm bảo. Tại cấp phúc thẩm, Công ty có văn bản gửi Tòa án, trong đó xác định hợp đồng chưa hết thời hạn không phải thanh lý hợp đồng, nhưng do bà H vi phạm hợp đồng khi Công ty khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng nên tự nguyện thanh toán cho bà H, không phải do hợp đồng hết hiệu lực, do đó việc chưa xác định số cây thông trên diện tích đất giao khoán không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự Đối với diện tích đất trong hợp đồng với trích đo khu đất tranh chấp, diện tích đất có chênh lệch, cụ thể: Theo hợp đồng 46 HĐ/KT đất tại lô b2, d2 có diện tích 3,4 ha; theo hợp đồng 211 HĐ/KT đất lô d1 có diện tích 3,7ha, tổng cộng diện tích đất hai hợp đồng là 7,1ha; Theo trích đo, gồm thửa 299 diện tích 53.369 m2 và thửa 232 diện tích 25.001m2, tổng là 78.370m2 (tương đương 7,8ha). Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu cơ quan chuyên môn chồng ghép bản đồ để xác định các lô đất d1, d2, b2 trong hợp đồng trùng với vị trí nào trên tờ bản đồ địa chính số 05 lập năm 2014; không thu thập tài liệu quản lý nhà nước qua các thời kỳ để xác định Công ty có được xác lập quyền đối với diện tích đất tranh chấp hay không đã giải quyết buộc bà H bàn giao lại quyền sử dụng diện tích 53.369m2 thửa 299 và diện tích 25.001m2 thửa 232 là chưa đảm bảo. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã trưng cầu giám định Giám định viên tư pháp chồng ghép các lô đất giao khoán với các thửa đất trên bản đồ địa chính, như vậy đã khắc phục thiếu sót của Tòa án sơ thẩm.

Đối với với diện tích các lô đất giao khoán và diện tích đất trên bản đồ địa chính có sự chênh lệch, đây là tranh chấp hợp đồng giao khoán, không tranh chấp QSDĐ đất nên, tại mục 7, 8, 9 phần quyết định bản án sơ thẩm đã công nhận thỏa thuận giữa Công ty và các gia đình có mộ trên đất mỗi gia đình được sử dụng diện tích 64m2/mộ; bà T người trồng cây trên đất được quản lý sử dụng diện tích 804m2 đất trồng cây ngắn ngày, diện tích 435m2 đất trồng cây hằng năm trên thửa 232, nhưng tại mục 1 phần quyết định bản án sơ thẩm vẫn tuyên buộc bà H trả lại toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho Công ty là mâu thuẫn, khó khăn cho việc thi hành án, tuy nhiên tại cấp phúc thẩm Công ty và các gia đình có mộ, có cây trồng trên đất đều không yêu cầu giải quyết, do đó đề nghị đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này.

- Về giải quyết yêu cầu của đương sự: Theo đơn khởi kiện, Công ty yêu cầu gia đình bà H phải thực hiện đúng trách nhiệm và cam kết theo những điều khoản ghi trong hợp đồng, thanh lý hợp đồng, bàn giao lại rừng để Công ty tổ chức khai thác thu hồi vốn của Nhà nước; yêu cầu nhận số tiền sản phẩm được hưởng theo hợp đồng ký kết, Tòa án sơ thẩm đã thụ lý yêu cầu khởi kiện của Công ty và xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng giao khoán”. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, xác định trên đất giao khoán cho bà H có mộ của gia đình ông D, bà L, ông L, anh Q, bà H, anh L, bà N, đồng thời có cây trồng của ông H, bà T trên đất. Các gia đình có mộ đều yêu cầu được quản lý đất và yêu cầu Công ty không được trồng cây trong phạm vi khuôn viên các ngôi mộ; ông H, bà T yêu cầu được quản lý đất, yêu cầu trả giá trị 300.000 đồng/cây thông nếu Công ty lấy đất. Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn các gia đình có mộ trên đất, ông H, bà T nộp đơn yêu cầu độc lập, Tòa án chưa thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng bản án sơ thẩm đã giải quyết công nhận sự thỏa thuận của Công ty với các gia đình có mộ và quyết định buộc Công ty phải thanh toán cho ông H 24.932.000 đồng tiền cây thông ông H trồng trên đất; bà T được quản lý, sử dụng diện tích đất trồng cây ngắn ngày và diện tích đất trồng cây lâu năm tổng là 1.239m2 là vi phạm quy định Điều 201, Điều 195, Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự và giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vi phạm Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại cấp phúc thẩm, Công ty và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không yêu cầu giải quyết đất mộ và cây trồng trên đất giao khoán, do đó đề nghị hủy và đình chỉ giải quyết đối với nội dung này.

- Về chi phí tố tụng: Tổng số tiền chi phí xem xét thẩm định, định giá và trích đo khu đất tranh chấp là 37.076.000 đồng, trong đó: Chi đo đạc là 33.246.000 đồng, chi xem xét thẩm định, định giá 3.830.000 đồng. Việc đo đạc, xem xét thẩm định, định giá có liên quan đến những người có quyền lợi liên quan có mộ và cây trồng trên đất, bản án sơ thẩm đã công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty với các gia đình có mộ và giải quyết cho ông H được hưởng giá trị cây, bà T được quản lý sử dụng, nhưng không xem xét nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng của Công ty đối với phần yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được chấp nhận mà buộc bà H phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ những vi phạm nêu trên, do tại cấp phúc thẩm Tòa án đã thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, đồng thời Công ty đã rút yêu cầu giải quyết đất mộ và công trồng trên đất giao khoán đối với những người liên quan, do đó đề nghị sửa bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

Đối với diện tích đất của Lâm trường giao khoán cho bà H có một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đặt mộ, trồng cây hoa màu.. bản án sơ thẩm giải quyết, tuy nhiên tại cấp phúc thẩm nguyên đơn đã rút yêu cầu, không đề nghị giải quyết trong vụ án này, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, xử bác kháng cáo của bà H, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.

Về án phí phúc thẩm: Do sửa bản án sơ thẩm nên người bà H không phải chịu án phí, đồng thời bà H là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí và có đơn đề nghị miễn án phí, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định. điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa: Trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt không có lý do, tuy nhiên những người này đều đã có lời khai, bản tự khai hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Tại phiên tòa các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt đều đề nghị xét xử vụ án. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vụ án.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bà Trần Thị H, Hội đồng xét xử nhận thấy: Ngày 21/8/1993 Lâm trường Đ ký 02 hợp đồng là Hợp đồng số 137/HĐ- KT liên doanh trồng rừng, chăm sóc, tỉa thưa và bảo vệ rừng đến cuối chu kỳ và Hợp đồng không số khoán, quản và bảo vệ rừng đối với hộ gia đình bà Trần Thị H. Ngày 25/5/2006 Lâm trường Đ (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ) ký lại hợp đồng số 46 HĐ/KT về nhận đất trong vùng quy hoạch của Lâm trường Đ để trồng rừng dự án 327 với hộ gia đình bà Trần Thị H tại hai lô b2, d2 thuộc khoảnh 379, tiểu khu 488C (tiểu khu cũ là 491), tổng diện tích các lô là 3,4 ha, thời gian thực hiện một chu kỳ cây thông là 25 năm tính từ thời điểm trồng cây; ngày 14/12/2006 ký lại hợp đồng số 211 HĐ/KT về việc khoán, quản, bảo vệ rừng trồng sản xuất với bà Trần Thị H tại lô d1, khoảnh 79, tiểu khu 488C (tiểu khu cũ là 491), diện tích là 3,7ha.

[3] Sau khi ký hợp đồng, các bên đã thực hiện đúng các cam kết được ghi trong hợp đồng, phía Công ty đã bàn giao đất và cây cho bà Trần Thị H trồng và thực hiện giao khoán diện tích đất rừng cho bà Trần Thị H chăm sóc, bảo vệ. Hàng năm Công ty vẫn thực hiện việc thanh toán các chi phí cho bà Trần Thị H thể hiện ở các phiếu chi ngày 30/12/1994, ngày 10/10/1995, ngày 30/12/1995 ngày 22/7/1996, ngày 30/12/1996. Từ năm 2007 trở đi do tình hình dich bệnh sâu róm thông phát triển mạnh, cùng với việc khai thác gỗ thông trái phép, Lâm trường đã ban hành nhiều văn bản như Thông báo số 61/TB-CTLNĐL ngày 24/8/2007 thông bào về tình hình sinh trưởng và phát triển sâu róm thông; Báo cáo kết quả tình hình sâu róm hại rừng số 84/BC-CTLNĐL ngày 28/4/2009;

Quy chế phối hợp của Lâm trường Đ với Công an huyện Đ về việc nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạnh khai thác, vận chuyển gỗ và nhựa thông trái phép ngày 15/4/2008; Công văn số 45/CV-CTLNĐL ngày 26/4/2008 về việc khai thác gỗ trái phép rừng trồng của Nhà nước; Công văn số 40/CN-CTLNĐL ngày 15/6/2009 và Công văn số 62/CN-CTLNĐL ngày 17/8/2009 về việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; Công văn số 65/CN-CTLNĐL ngày 24/8/2009 gửi các cơ quan chuyên môn để phối hợp về việc đề nghị giải quyết việc khai thác trái phép rừng trồng. Về phía gia đình bà Trần Thị H cho rằng khi bị các đối tượng chặt trộm gỗ gia đình đã báo Lâm trường nhưng không cho người xuống lập biên bản là không có cơ sở. Mặt khác theo Hợp đồng nhận khoán hai bên ký kết thể hiện bên nhận khoán phải thường xuyên kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn không để rừng bị cháy, bị chặt phá và lấn chiếm làm nương rẫy, trong quá trình quản lý bảo vệ rừng nếu để rừng bị cháy, bị chặt phá thì phải đền bù 100% và trồng trả lại cho lâm trường.

[4] Tuy nhiên từ khoảng năm 2010 trở đi bà Trần Thị H và một số hộ khác khi nhận khoán rừng đã tự ý khai thác nhựa thông làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, số tiền từ việc khai thác nhựa thông bà Trần Thị H tự thụ hưởng không nộp về cho Công ty về phía Công ty đã ban hành Công văn số 60/CV-BVR ngày 15/11/2010 không thanh toán tiền bảo vệ cho những lô rừng chủ nhận khoán vi phạm hợp đồng; để tạo điều kiện cho chủ nhận rừng, ngày 06/6/2016 Công ty đã ban hành Thông báo số 160/TB-CT về việc ký hợp đồng khai thác nhựa thông đối với bà Trần Thị H nhưng bà Trần Thị H không đồng ý vẫn tự ý khai thác nhựa thông, số tiền khai thác nhựa thông bà Trần Thị H không nộp cho Công ty. Ngoài ra trong thời gian nhận khoán bà Trần Thị H còn tự ý đổi đất với ông Tô Quốc H cho ông Tô Quốc H, ông Vi Văn T trồng cây trên đất của lâm trường do bà nhận khoán và trồng mới một số loại cây khác vi phạm nghiêm trọng mục 3, phần III khi rừng được khai thác nhựa thông chủ hộ không được tự ý khai thác nhựa thông; phần IV trách nhiệm của chủ hộ nhận khoán và phần V cam kết chung khi thực hiện Hợp đồng số 46- HĐ/KT. Đối với Hợp đồng số 211 HĐ/KT theo thỏa thuận trong hợp đồng thì người nhận khoán có trách nhiệm bảo vệ rừng khi đã nhận, thường xuyên kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn không để rừng bị cháy, bị chặt phá và lấn chiếm làm nương rẫy. Quá trình thực hiện hợp đồng bà Trần Thị H đã thực hiện không đúng thỏa thuận dẫn đến rừng bị cắt trộm, để xảy ra cháy rừng, làm suy giảm mật độ cây rừng, hiện nay các cây thông đã bị khai thác nhựa cạn kiệt không còn khả năng phát triển. Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên nhận khoán quy định tại tiểu mục 1, 2, 3 mục A, phần III trách nhiệm của hai bên ghi trong hợp đồng. Công ty đã nhiều lần mời bà Trần Thị H đến Công ty để giải quyết nhưng bà Trần Thị H không hợp tác. Do vậy, có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Trần Thị H thanh lý hợp đồng, bàn giao lại rừng và đất trồng rừng đã nhận khoán cho nguyên đơn theo hợp đồng hai bên đã ký kết.

[5] Quá trình thụ lý giải quyết tại cấp phúc thẩm ngày 08/4/2022 Tòa án có xem xét thẩm định bố sung và xác định diện tích đất ông Tô Quốc H trồng cây lấn chiếm đất của công ty là 5.322m2, thể hiện trên mảnh trích đo có các đỉnh thửa M7, M8, M9, M10, A5; diện tích đất của ông Vi Văn T trồng lấn chiếm là 922m2, thể hiện có các đỉnh thửa N5, N6, N8, N9; diện tích đất bà Mã Thị T lấn chiếm trồng hoa mầu là S11 = 435m2 có các đỉnh thửa B7, B8, N5, N4 và S12 = 804m2, có các đỉnh thửa B5, B6, B7, N4, N3, N7; diện tích đất mộ thể hiện trên sơ họa là S6 = 64m2; S8 = 64m2; S9 = 64m2; S13 = 64m2 thuộc thửa 299 và S10 = 64m2 thuộc thửa 232. Tổng diện tích đất mộ là 320m2. Quá trình thụ lý giải quyết tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa Công ty lâm nghiệp Đ đã rút yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích đất 5.322m2 của ông Tô Quốc H; rút yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích đất 922m2 của ông Vi Văn T; rút yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích đất S11 = 435m2 và S12 = 804m2 của bà Mã Thị T; rút yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích đất có mộ 320m2 của các hộ gia đình ông Ma Văn L, anh Mai Văn Q, bà Vương Thị L, ông Vi Trung D, bà Hoàng Thị H, anh Lành Văn L và bà Vi Thị N. Tổng diện tích rút yêu cầu là 7.803m2.

[6] Tòa án đã tiến hành lấy lời khai hỏi ý kiến của ông Tô Quốc H, bà Mã Thị T, ông Vi Văn T, ông Ma Văn L, anh Mai Văn Q, bà Vương Thị L, ông Vi Trung D, bà Hoàng Thị H, anh Lành Văn L và bà Vi Thị N về việc Công ty Lâm nghiệp Đ rút yêu cầu khởi kiện được mọi người người đồng ý và không ai có ý kiến thắc mắc gì, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và do bận công việc không thể tham gia phiên tòa đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt cho đến khi kết thúc vụ án. Hội đồng xét xử, xét thấy việc rút yêu cầu là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội và được những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chấp nhận nên được chấp nhận và đình chỉ đối với yêu cầu này.

[7] Tại Kết luận giám định tư pháp theo vụ việc do Giám định viên Hoàng Văn T giám định kết luận tại mục 6.1: Sau khi tham chiếu, lồng ghép bản đổ, hồ sơ xin giao đất lâm nghiệp Lâm trường Đ với tờ bản đồ số 05, bản đồ địa chính tỉ lệ 1: 10.000 xã Đ và sơ đồ khu đất tranh chấp do Công ty cổ phàn trắc địa bản đồ và môi trường Sông Tô - Chi nhánh Lạng Sơn đo đạc ngày 22/6/2021 cho thấy: do bản đồ khoàn bảo vệ rừng là bản đồ khoanh vẽ nên độ chính xác chưa cao; theo sơ đồ chồng ghép trên file số phần mềm chuyên dùng trong trích đo địa chính; thể hiện trong kết luận tại mục:

"6.1.1. Khu đất thuộc lô d1, d2 trong bản đồ giao khoán bảo vệ rừng sản xuất, khoảnh 79, tiểu khu 491; TTLN IV C, lâm trường Đ (kèm theo Hợp đồng khoán, quản bảo vệ rừng số 211/HĐ-KT ngày 21/8/1993 giưa Lâm trường Đ với bà Trần Thị H) cho thấy khu đất thuộc lô d1, d2 tương ứng (trùng vị trí) với thửa 299, diện tích 53.369,0m2.

6.1.2. Khu đất thuộc lô b2 trong bản đồ trồng rừng dự án 327, Lâm trường Đ, tiểu khu 491, khoảnh 79-TTLN IV C (kèm theo Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993 về việc nhận đất trồng rừng trong vùng quy hoạch của Lâm trường Đ để trồng dự án 327, giữa Lâm trường Đ với bà Trần Thị H cho thấy khu đất thuộc lô b2, tương ứng (trùng vị trí) với thửa đất 232, diện tích 25.001,0m2".

[8] Theo kết quả xem xét thẩm định bổ sung ngày 08/4/2022 xác định diện tích đất Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ rút yêu cầu khởi kiện: Đối với ông Tô Quốc H có diện tích 5.322m2, thuộc một phần thửa 299, được ký kết theo Hợp đồng số 211/HĐ-KT ngày 21/8/1993, thể hiện trên sơ họa có các đỉnh thửa M7, M8, M9, M10, A5; ông Vi Văn T có diện tích là 922m2, thuộc một phần thửa 232, được ký kết theo Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993, thể hiện trên sơ họa có các đỉnh thửa N5, N6, N8, N9; bà Mã Thị T diện tích đất trồng mầu thể hiện trên sơ họa là S11 = 435m2, có các đỉnh thửa B8, B7, N4, N5 và S12 = 804m2, có các đỉnh thửa B7, B6, B5, N7, N3, N4, thuộc một phần thửa 232, theo Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993. Ngoài ra trên đất tranh chấp còn có 05 ngôi mộ của các hộ gia định ông Vi Xuân D; ông Ma Văn L và Ma Văn Q; bà Vi Thị N; bà Hoàng Thị H và ông Lành Văn L; bà Vương Thị L theo thỏa thuận đối với phần diện tích mỗi ngôi mộ được xác định thể hiện trên sơ họa là S6 = 64m2; S8 = 64m2; S9 = 64m2; S13 = 64m2 thuộc thửa 299 và ngôi mộ 10 = 64m2 thuộc thửa 232. Tổng diện tích đất mộ là 560m2. Tổng diện tích đất Công ty rút yêu cầu khởi kiện là 7.803m2.

[9] Phần diện tích đất và tài sản trên đất còn lại nguyên đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt theo Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993 là 25.001m2 - (922m2 đất ông Vi Văn T + 1.239m2 đất bà Mã Thị T + 64m2 đất 01 ngôi mộ) = 22.776m2, được thể hiện trên mảnh trích đo bổ xung ngày 08/4/2022 có các đỉnh thửa B1, B2, B3, B4, B5, N7, N3, N4, N5, N9, N8, N6, N5, B8, B9, B10, B1, thuộc thửa 232.2 của thửa 232; theo Hợp đồng số 211/HĐ/KT ngày 21/08/1993 là 53.369m2 - (5.322m2 đất của ông Tô Quốc H + 256m2 đất 04 ngôi mộ) = 47.791m2, thể hiện trên mảnh trích đo bổ xung ngày 08/4/2022 có các đỉnh thửa A1, A2, A3, A4, M7, M8, M9, M10, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12, A1, thuộc thửa 299.1 của thửa 299. Tổng diện tích của 02 hợp đồng là:

70.567m2 [10] Về tài sản trên đất: Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 01/7/2021, gồm có:

[11] Theo hợp đồng số 46-HĐ/KT ngày 21/3/1993 (rừng trồng dự án 327) thuộc thửa đất số 232, như sau:

Cây thông có đường kính gốc từ 11cm đến 20cm là 410 cây x 70.000đồng = 28.700.000 đồng.

Cây thông có đường kính gốc từ 21cm đến 30cm là 244 cây x 117.000đồng = 28.548.000 đồng.

Cây thông có đường kính gốc trên 30cm là 58 cây x 255.000đồng = 14.790.000 đồng.

Tổng cộng là: 72.038.000 đồng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng số 46- HĐ/KT ngày 21/3/1993 khi kết thúc hợp đồng thì các bên được thụ hưởng là 50%. Cụ thể: 72.038.000 đồng: 02 = 36.019.000 đồng.

[12] Theo kết quả định giá tài sản trên đất theo hợp đồng số 211-HĐ/KT ngày 21/8/1993 (hợp đồng khoán quản, bảo vệ rừng) thuộc thửa 299, như sau:

Cây thông có đường kính gốc từ 11cm đến 20cm là 230 cây x 70.000đồng = 16.100.000 đồng.

Cây thông có đường kính gốc từ 21cm đến 30cm là 116 cây x 117.000đồng = 13.572.000 đồng.

Cây thông có đường kính gốc trên 30cm là 06 cây x 255.000đồng = 1.530.000 đồng.

Tổng cộng là: 31.202.000 đồng. Theo thỏa thuận trong Hợp đồng số 211- HĐ/KT ngày 21/8/1993 khi kết thúc hợp đồng thì bên nhận khoán được thụ hưởng là 02%. Cụ thể: 31.202.000 đồng x 02% = 624.040 đồng bà Trần Thị H thụ hưởng, phần còn lại 30.577.960 đồng Công ty thụ hưởng. tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn bổ sung yêu cầu ngoài việc Công ty trả cho bà Trần Thị H 20%, Công ty hỗ trợ thêm cho bà Trần Thị H 50% số tiền thụ hưởng, cụ thể: 31.202.000 đồng : 2 = 15.601.000 đồng [13] Tổng số tiền bà Trần Thị H được thụ hưởng theo hai hợp đồng là 36.019.000 đồng + 15.601.000 đồng = 51.620.000 đồng.

[14] Về tài sản của bà Trần Thị H trồng trên thửa đất số 299 gồm: Cây thông do bà Trần Thị H trồng năm 2011, gồm: 133 cây thông đường kính gốc dưới 5cm; 210 cây thông đường kính gốc từ 5-10cm; 82 cây thông đường kính gốc từ 11-20cm; 02 cây thông đường kính gốc từ 21-30cm và năm 2014: 03 cây thông đường kính gốc dưới 5cm; 98 cây thông đường kính gốc từ 5-10cm; 381 cây thông đường kính gốc từ 11-20cm; 01 cây thông đường kính gốc từ 21- 30cm. Tổng trị giá là 42.329.000 đồng. Ngoài ra trên thửa đất số 299 còn có một số tài sản khác như khoai lang, 05 bụi tre, 06 cây Lát, 05 cây Nhãn, 05 cây Trám có giá trị là 6.735.000 đồng. Tổng cộng là: 49.064.000 đồng (bốn mươi chín triệu không trăm sáu mươi tư đồng).

[15] Tài sản của bà Trần Thị H trồng trên thửa đất số 232 gồm: Cây thông do bà Trần Thị H trồng năm 2011, gồm: 13 cây, đường kính từ 5 - 10cm;

35 cây đường kính 11-20cm; trồng năm 2014: 263 cây thông đường kính gốc dưới 5cm; 82 cây thông đường kính gốc từ 5-10cm; 06 cây thông đường kính gốc dưới từ 11-20cm. Tổng trị giá 9.358.000 đồng. Ngoài ra trên thửa đất số 232 còn có một số tài sản khác như 03 bụi tre, 02 cây Nhãn, 02 cây Hồng, 11 cây Trám, 04 cây chuối có giá trị là 8.519.500 đồng. Tổng cộng là: 17.877.500 đồng (mười bẩy triệu tám trăm bẩy mươi bẩy nghìn năm trăm đồng).

[16] Ngày 08/4/2021 Tòa án tiến hành xem xét thẩm định bổ sung có mặt bà Trần Thị H cùng tham gia, bà Trần Thị H xác định trong tổng số cây thông cấp sơ thẩm xác định tại thửa đất 232 có một phần diện tích đất của Công ty bị gia đình ông Vi Văn T trồng thông, gồm: Thông có đường kính dưới 5cm là 35 cây x 16.000 đồng/cây = 560.000 đồng; thông có đường kính 5-10cm là 37 cây x 24.000 đồng = 888.000 đồng; thông có đường kính trên 10cm-20cm là 6 cây x 70.000 = 420.000 đồng. Tổng cộng là 1.868.000đồng [17] Tổng giá trị tài sản trên 02 thửa đất của bà Trần Thị H đã trồng là 49.064.000đồng + 17.877.500đồng = 66.941.500 đồng. (bao gồm cả giá trị cây thông ông Vi Văn T trồng trị giá 1.868.000 đồng).

[18] Tại phiên tòa phúc thẩm Công ty lâm nghiệp Đ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, giao toàn bộ số tài sản cây trồng của bà Trần Thị H cho Công ty được quyền sở hữu, phía Công ty có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà Trần Thị H số tiền tương ứng với giá trị tài sản cây trồng có trên đất nhận khoán theo 02 hợp đồng. Hội đồng xét xử, xét thấy yêu cầu của Công ty là có căn cứ nên được chấp nhận. Đối với số tiền 1.868.000 đồng tương ứng với giá trị cây trồng của ông Vi Văn T, nguyên đơn cho rằng tại cấp sơ thẩm do bà Trần Thị H không tham gia xem xét thẩm định nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đó là cây của bà Trần Thị H trồng nên Công ty chấp nhận và tự nguyện trả cho bà Trần Thị H Số tiền này. Đối với diện tích đất và cây của ông Vi Văn T trồng Công ty tự thỏa thuận giải quyết với ông Vi Văn T không yêu cầu giải quyết trong vụ án này. Do vậy buộc Công ty có trách nhiệm thanh toán cho bà Trần Thị H 66.941.500 đồng.

[19] Về chi phí tố tụng: Tại cấp sơ thẩm Tòa án đã chi cho việc đo đạc thửa đất số tiền 33.246.000 đồng; chi phí cho việc xem xét thẩm định và định giá tài sản 3.830.000 đồng, tổng cộng là 37.076.000 đồng. Tại cấp phúc thẩm, chi phí cho việc trưng cầu, giám định là 5.000.000 đồng; chi phí xem xét, thẩm định bổ sung ngày 08/4/2022 là 1.200.000 đồng; chi phí đo đạc bổ sung là 2.000.000 đồng, tổng cộng là 8.200.000 đồng, nguyên đơn đã nộp tạm ứng đủ số tiền 8.200.000 đồng.

[20] Tổng cộng chi phí tố tụng là 45.276.000 (bốn mươi lăm triệu hai trăm bảy mươi sáu nghìn đồng). Do nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện 7.803m2 nên tự phải chịu số tiền 4.510.134 đồng. Số tiền còn lại do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bà Trần Thị H phải chịu là 40.787.726 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn tự nguyện chịu 20.787.726 đồng số còn lại bà Trần Thị H phải chịu là 20.000.000 đồng, xét thấy việc tự nguyện chịu của nguyên đơn là phù hợp nên được chấp nhận. Do nguyên đơn đã nộp tạm ứng trước số tiền 45.276.000 đồng để chi nên buộc bà Trần Thị H có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn công ty TNHH-MTV Lâm nghiệp Đ số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

[21] Xét nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát: Tại phiên tòa Kiểm sát viên căn cứ các tài liệu trong hồ sơ thấy những thiếu sót của cấp sơ thẩm nêu trong quyết định kháng nghị đã được cấp phúc thẩm khắc phục, về phía nguyên đơn đã rút yêu cầu đề nghị giải quyết đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và được bị đơn bà Trần Thị H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Tô Quốc H, bà Mã Thị T, ông Vi Văn T, ông Ma Văn L, anh Mai Văn Q; bà Hoàng Thị H, anh Lành Văn L và bà Vi Thị N đồng ý. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn thay đổi nội dung kháng nghị hủy Bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án dân sự sơ thẩm, xét thấy: Việc thay đổi nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[22] Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí sơ thẩm. Về nghĩa vụ thanh toán ngoài số tiền nguyên đơn phải trả cho bà Trần Thị H được thụ hưởng theo 02 hợp đồng đã ký kết, nguyên đơn còn phải trả cho bà Trần Thị H số tiền 66.941.500 đồng, nên phải chịu 5% án phí dân sự sơ thẩm có giá nghạch là 3.347.000 đồng. Bà Trần Thị H là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định của pháp luật.

[23] Bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu đưa ra yêu cầu giải quyết không phù hợp nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; khoản 2 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Trần Thị H; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2021/DS-ST ngày 24/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn; cụ thể như sau:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a, khoản 1 Điều 35; điểm a, khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158, khoản 1 Điều 165; khoản 1 Điều 166; điểm b, khoản 2 Điều 227; Điều 271, khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ vào Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự; Căn cứ khoản 2 Điều 26; khoản 2 Điều 27; 29; điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ. Buộc bà Trần Thị H phải thanh lý 02 hợp đồng nhận khoán là Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993 và Hợp đồng số 211/HĐ/KT ngày 21/08/1993 để bàn giao lại quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản cây trồng gắn liền với đất (trong đó có các cây thông trồng theo dự án của 02 hợp đồng và các tài sản, cây trồng khác do bà Trần Thị H trồng ngoài dự án) cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn quản lý, sử dụng theo thẩm quyền, cụ thể:

1.1. Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993 diện tích đất là 25.001m2 - (922m2 đất ông Vi Văn T + 1.239m2 đất bà Mã Thị T + 64m2 đất 01 ngôi mộ) = 22.776m2, được thể hiện trên mảnh trích đo bổ sung ngày 08/4/2022 do Công ty cổ phần Trắc địa Bản đồ và Môi trường Sông Tô - Chi nhánh Lạng Sơn đo vẽ có các đỉnh thửa B1, B2, B3, B4, B5, N7, N3, N4, N5, N9, N8, N6, N5, B8, B9, B10, B1, thuộc thửa 232.2 của thửa 232; địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn;

1.2. Hợp đồng số 211/HĐ/KT ngày 21/08/1993 là 53.369m2 - (5.322m2 đất của ông Tô Quốc H + 256m2 đất 04 ngôi mộ) = 47.791m2, thể hiện trên mảnh trích đo bổ xung ngày 08/4/2022 do Công ty cổ phần Trắc địa Bản đồ và Môi trường Sông Tô - Chi nhánh Lạng Sơn đo vẽ có các đỉnh thửa A1, A2, A3, A4, M7, M8, M9, M10, A6, A7, A8, A9, A10, A11, A12, A1, thuộc thửa 299.1 của thửa 299.

(Hiện trạng thửa đất được mô tả theo mảnh trích đo địa chính bổ sung số TĐ 92-2021 ngày 08/4/2022 của Công ty cổ phần Trắc địa Bản đồ và Môi trường Sông Tô – Chi nhánh Lạng Sơn kèm theo bản án).

2. Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ có nghĩa vụ phải trả cho bà Trần Thị H số tiền 118.561.500 đồng (một trăm mười tám triệu năm trăm sáu mươi mốt nghìn năm trăm đồng), là khoản tiền được thụ hưởng theo Hợp đồng số 46/HĐ/KT ngày 31/03/1993; Hợp đồng số 211/HĐ/KT ngày 21/08/1993 và tiền giá trị tài sản cây trồng của bà Trần Thị H ngoài 02 hợp đồng.

3. Buộc bà Trần Thị H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phía gia đình bà Trần Thị H phải chấm dứt việc tranh chấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản là cây trồng trên đất của 02 hợp đồng nhận khoán đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ.

4. Hủy và đình chỉ yêu cầu giải quyết của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ do Công ty rút yêu cầu giải quyết, cụ thể:

- Phần diện tích đất 5.322m2 và tài sản cây trồng trên đất của ông Tô Quốc H, thể hiện trên mảnh trích đo có các đỉnh thửa M7, M8, M9, M10, A5 thuộc một phần thửa 299.1 của thửa 299, tờ bản đồ số 5 bản đồ địa chính xã Đ;

địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn;

- Phần diện tích đất trồng mầu của bà Mã Thị T bao gồm diện tích S11 = 434m2 và S12 = 804m2, thể hiện trên mảnh trích đo có các đỉnh thửa N1, N2, N3, N7, B5, B6, B7, N4, N5, B6, thuộc một phần thửa 232.1 của thửa 232, tờ bản đồ số 5, bản đồ địa chính xã Đ; địa chỉ: Thôn P, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn.

- Phần diện tích đất mộ: Trong đó thửa 299.1 thuộc thửa 299 có 04 ngôi mộ, thể hiên trên sơ họa thửa 299.1 là S6; S8; S9; S13 và thửa 232.1 của thửa 232 có một ngôi mộ là S10.

5. Về chi phí tố tụng: Tổng chi phí 45.276.000 đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ phải chịu 25.276.000 đồng; bà Trần Thị H phải chịu là 20.000.000đồng. Do Công ty đã nộp tạm ứng trước số tiền để chi. Buộc bà Trần Thị H có nghĩa vụ phải trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đ số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả được xác định theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định tại Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự.

6. Về án phí:

6.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị H được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đ phải chịu 3.347.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung ngân sách Nhà nước. Sau khi khấu trừ số tiền 300.000 đồng đã nộp theo biên lai số AA/2012/04340 ngày 12/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Lạng Sơn, số tiền còn phải nộp tiếp 3.047.000 đồng (ba triệu không trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng).

6.2. Án phí phúc thẩm: Bà Trần Thị H không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án quy định tại điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

395
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng giao khoán rừng số 17/2022/DS-PT

Số hiệu:17/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về