Bản án 113/2020/DS-PT ngày 08/06/2020 về thừa kế tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán rừng, bảo vệ rừng; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 113/2020/DS-PT NGÀY 08/06/2020 VỀ THỪA KẾ TÀI SẢN; YÊU CẦU HỦY HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN RỪNG, BẢO VỆ RỪNG; YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT; YÊU CẦU XÁC ĐỊNH QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN

Trong các ngày 14/5/2020, 01/6/2020 và 08/6/2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 328/2019/TLPT-DS ngày 09/12/2019 về việc “thừa kế tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán rừng, bảo vệ rừng; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2019/DS-ST ngày 03/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 62/2020/QĐ-PT ngày 20/02/2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1935; thường trú: Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đỗ Tấn Đ, sinh năm 1971; thường trú: C, đường 6, ấp P1, xã P2, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 26/7/2018).

- Bị đơn: Ông Trần Xuân S, sinh năm 1973; thường trú: Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Bảo K, sinh năm 1978; thường trú: 80 ĐX 105, khu phố 9, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương và ông Hoàng Đình H1, sinh năm 1982; thường trú: Khu phố T1, phường T2, thành phố H, tỉnh Hà Tĩnh; cùng địa chỉ liên hệ: số 1107 (số cũ 200), đường Phan Văn T, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 20/7/2018).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Trần Xuân T3, sinh năm 1953; thường trú: số 56, đường 30/4, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

2. Ông Trần Xuân D, sinh năm 1971; thường trú: số 68/1, đường T, khu phố 1, phường P1, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

3. Bà Trần Thị Xuân T4, sinh năm 1977; thường trú: Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của ông T3, ông D, bà T4: Ông Hứa Quốc H, sinh năm 1962; thường trú: Tổ 5, ấp G, xã T5, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh (theo văn bản ủy quyền ngày 26/7/2018).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T3: Ông Vũ Ngọc T5 - Luật sư Văn phòng Luật sư T5 và Cộng sự; địa chỉ: số 25/21, đường Nguyễn Văn L, phường P2, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

4. Ông Trần Xuân K, sinh năm 1956;

5. Ông Trần Xuân H2, sinh năm 1960;

6. Ông Trần Xuân T5, sinh năm 1966;

7. Ông Trần Xuân C, sinh năm 1967;

8. Bà Trần Xuân H3, sinh năm 1969;

9. Bà Ngô Thị Đ, sinh năm 1978;

10. Anh Trần Xuân P, sinh năm 1997;

11. Anh Trần Xuân L, sinh năm 1999;

Cùng thường trú: Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương.

12. Ban Q; địa chỉ: Ấp T, xã Đi, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của Ban Q: Ông Nguyễn Văn T - Chức vụ: Giám đốc.

13. Công ty T Cao su D; địa chỉ: Khu phố 2, thị trấn D, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của Công ty: Ông Lê Xuân H và ông Ngô Văn Đ (theo văn bản ủy quyền ngày 03/7/2019).

14. Cơ quan U huyện D, tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Khu phố 4B, thị trấn D, huyện D, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của Cơ quan U: Ông Nguyễn Mạnh Hồng; chức vụ: Chủ tịch.

15. Cơ quan U tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Trung tâm H tỉnh Bình Dương - đường L, phường H, thành phố T, tỉnh Bình Dương.

Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Trần Xuân D, Trần Thị Xuân T4, Trần Xuân T5, Trần Xuân H3, Trần Xuân T5, Trần Xuân H2, Trần Xuân C.

Người kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 17/6/2016, đơn khởi kiện bổ sung ngày 15/02/2017 và ngày 01/8/2018, qua quá trình tố tụng cũng như tại phiên tòa nguyên đơn bà H và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Đ trình bày:

Bà H cùng chồng là ông Trần Văn Ê (sinh năm 1932, chết năm 2015) là cha mẹ ruột của ông S. Bà H hiện đang sống cùng con gái tên Trần Xuân H3. Quá trình chung sống, bà H và ông Ê có tất cả là 09 người con, bao gồm: Ông Trần Xuân T3, sinh năm 1953; Ông Trần Xuân K, sinh năm 1956; Ông Trần Xuân H2, sinh năm 1960; Ông Trần Xuân T5, sinh năm 1966; Ông Trần Xuân C, sinh năm 1967; Bà Trần Xuân H3, sinh năm 1969; ông Trần Xuân D, sinh năm 1971; Ông Trần Xuân S, sinh năm 1973; Bà Trần Thị Xuân T4, sinh năm 1977.

Ông Ê là người tham gia cách mạng và đóng quân ở Campuchia. Năm 1975, ông Ê đưa vợ con về Việt Nam và tiến hành khai phá trồng trọt và sinh sống tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương. Sau đó các con lớn lên cùng đóng góp công sức khai phá chung và đến tuổi lập gia đình thì tách ra sống riêng, người tách ra muộn nhất là khoảng năm 1989 - 1990. Khi ra sống riêng, các con của ông Ê và bà H chưa được cha mẹ tặng cho phần đất nào mà để lại toàn bộ cho cha mẹ quản lý. Riêng ông S là người sinh sống chung với cha mẹ nên tiếp tục cùng với cha mẹ quản lý đất và trồng cao su trên đất. Diện tích đất do gia đình ông Ê, bà H theo Mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 259-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng Đ huyện D như sau:

1. Thửa đất số 309, diện tích 9.266,2m2 và một phần thửa đất số 310, diện tích 182,7m2 (tổng diện tích 9.449,2m2); đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tài sản trên đất là nhà cũ, nhà thờ xây năm 2015 và các tài sản khác gắn liền với đất. Hiện nay, bà H và con gái là Bà Trần Xuân H3 ở và quản lý, sử dụng đất.

2. Diện tích đất 131.820,3m2; gồm các thửa đất số: 255, 268, 269, 277; có cao su trên đất; hiện nay ông S đang quản lý và khai thác mủ cao su (riêng diện tích 8.911m2, thuộc một phần thửa đất 277 do ông H2 quản lý và khai thác mủ cao su). Diện tích đất này do gia đình ông Ê, bà H cùng các con khai phá, trồng cao su. Năm 2002, Ông Trần Xuân S tự đi đăng ký và làm thủ tục nhận khoán đất với Ban Q huyện D đối với toàn bộ các thửa đất trên (diện tích 131.820,3m2, vì Nhà nước xác định các thửa đất này thuộc rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý). Nguồn gốc đất do gia đình khai phá, trồng cao su nhưng cá nhân ông S tự làm thủ tục nhận khoán đất của Nhà nước (Hợp đồng giao khoán số 89/HĐK ngày 03/6/2002) nên bà H không đồng ý; mặt khác, 01 phần thửa đất 277 (diện tích 8.911m2, đang có cao su trên đất) gia đình ai cũng biết và đồng ý là ông Ê đã cho ông H2 sử dụng, khai thác cao su từ khi ông H2 đi nghĩa vụ quân sự về (năm 1989) cho đến nay nhưng vẫn nằm trong đất giao khoán cho ông S

3. Diện tích đất 59.107,6m2; gồm các thửa đất số: 278, 306, 307, 308 và một phần thửa đất số 310; đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên đất có cao su đang khai thác. Diện tích đất này do gia đình khai phá trước năm 1990, trồng cây điều và cây ngán ngày trên đất; khoảng sau năm 1990 thì ông Ê và ông S thanh lý cây điều, trồng cao su trên đất cho đến nay.

Khi còn sống, ông Ê tự mình lập di chúc vào ngày 14/6/2013, được Cơ quan U xã M, huyện D ký chứng thực ngày 18/6/2013; bà H không đồng ý với di chúc do ông Ê lập vì tài sản của gia đình nên ông Ê không có quyền lập di chúc để lại tài sản cho ông S.

Nay, bà H yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất như sau (không yêu cầu giải quyết tài sản trên đất);

1. Diện tích đất 140.731,3m2 thuộc các thửa đất số: 255, 268, 269 và một phần thửa 277, tờ bản đồ số 31 và các thửa đất số: 270, 271, 272, 273, 274,275, 276, 309 và một phần các thửa đất số: 168, 252, 253, 254, 310, 312, 313, 314 của tờ bản đồ số 31 của Hợp đồng giao khoán số 89/HĐK ngày 03/6/2002, phần đất tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương; bà H yêu cầu được hưởng diện tích 37.474m2 trong phần đất này.

Bà H rút lại yêu cầu tranh chấp đối với phần đất có diện tích 8.911,0m2 thuộc 01 phần thửa đất số 277, tờ bản đồ số 31 trong Hợp đồng giao khoán số 89/HĐK ngày 03/6/2002; vì phần đất này gia đình đã cho riêng ông H2 (ông H2 đang quản lý và khai thác cao su trên đất).

2. Diện tích đất còn lại 67.523m2; bao gồm đất có nhà 9449,2m2 thuộc thửa 309 và đất cao su diện tích 59.107,6m2 thuộc thửa đất số: 278, 306, 307, 308, 01 phần các thửa đất số: 310, 340; tờ bản đồ số 31 tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương; bà H yêu cầu được hưởng toàn bộ diện tích đất 67.523m2.

Bà H rút lại yêu cầu tranh chấp đối với phần đất có diện tích 1.033,8m2 (vị trí được xác định theo Mảnh trích lục địa chính...số 259 ngày 20/12/2016) của Công ty cao su D.

3. Hủy Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ D số 89/HĐK ngày 03/6/2002 giữa Ban Q huyện D và ống Trần Xuân S.

4. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BO, số vào sổ CT; số B01, số vào sổ CT1; số B02, số vào sổ: CT2 do Cơ quan U tỉnh Bình Dương cấp cùng ngày 03/3/2014 cho Ban Q huyện D.

Theo bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa bị đơn, và người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông H và ông K trình bày.

Ông S thống nhất với lời trình bày của phía bà H về quan hệ gia đình, huyết thống, về quyền sử dụng đất tranh chấp, ông S có ý kiến như sau:

Tổng diện tích đất tranh chấp (gồm nhiều thửa, chia làm 03 phần như bà H trình bày ở trên) là 192.784,3m2:

Diện tích đất theo Hợp đồng giao khoán (số 89/HĐK ngày 03/6/2002) là 131.820,3m2, có một phần do ông S khai phá năm 1997, phần diện tích còn lại do vợ chồng ông S, bà Đ khai phá năm 2001-2002. Riêng phần diện tích 8.911,0m2 thuộc 01 phần thửa đất số 277, hiện do ông H2 sử dụng và khai thác cao su trên đất là do ông S cho ông H2 mượn đất.

Diện tích đất có nhà (thửa 309 và một phần thửa 310 diện tích 9.449,2m2) do cha mẹ khai phá từ năm 1993.

Diện tích đất 59.107,6m2 thuộc các thửa đất số: 278, 306, 307, 308, 01 phần thửa 310, 340 (có cao su, xà cừ) do vợ chồng ông S, bà Đ khai phá khoảng từ năm 1997 đến năm 2001-2002. Vào năm 2015, sau khi ông S cùng vợ con chuyển sang nhà mới để sinh sống thì bà H sống một mình ở nhà cũ, ông S không còn trực tiếp nuôi dưỡng bà H nên giao lại cho bà H quản lý và khai thác mủ cao su trên đất để sống. Nay, có tranh chấp, ông S vẫn tiếp tục để cho bà H được quản lý, khai thác cao su đến khi bà H chết thì trả lại quyền sử dụng đất và vườn cây cho ông S.

Đối với di chúc do ông Ê lập ngày 14/6/2013, ông S xác định di chúc này lập không đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định nên di chúc bị vô hiệu.

Ông S không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H và và yêu cầu độc lập của ông H2 về việc để ông H2 đứng tên diện tích đất giao khoán 8.911,0m2 thuộc 01 phần thửa đất số 277.

Theo bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông T3, ông D, bà T4) là ông Huy trình bày.

Ông T3, ông D, bà T4 thống nhất với lời trình bày của bà H về mối quan hệ gia đình, nguồn gốc đất tranh chấp.

Đối với yêu cầu khởi kiện của bà H về yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần đất có diện tích đo đạc thực tế là 106.031,365m2 nằm trong phần đất đo đạc thực tế có tổng diện tích 192.784,3m2 tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương thì ông T3, ông D, bà T4 thống nhất và đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H, yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp ông T3, ông D, bà T4 được chia di sản thừa kế theo quy định thì các ông bà sẽ nhận đối với phần di sản được chia.

Ông T3, ông D, bà T4 thống nhất với kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp theo các mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 258- 2016, 259-2016, 260-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng D huyện D và kết quả định giá theo biên bản định giá ngày 23/3/2017 của Hội đồng định giá đối với tài sản tranh chấp trong vụ án, không yêu cầu xem xét, thẩm định và định giá lại tài sản tranh chấp.

Theo đơn yêu cầu độc lập, quá trình tố tụng và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H2 trình bày:

Ông H2 thống nhất với lời trình bày của bà H về mối quan hệ gia đình, nguồn gốc đất tranh chấp.

Đối với yêu cầu khởi kiện của bà H về yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần đất có diện tích đo đạc thực tế là 106.031,365m2 nằm trong phần đất đo đạc thực tế có tổng diện tích 192.784,3m2 tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương thì ông H2 thống nhất và đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H, yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo Mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 260-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng Đ huyện D có thể hiện một phần của thửa đất số 277 (phần ký hiệu là A) có diện tích là 8.911m2, phần đất này được ông Ê tặng cho ông H2 từ năm 1989 (lúc này đất trồng điều). Đến năm 2002, ông H2 đã trồng cây cao su, đang khai thác cao su cho đến nay. Việc ông S tự ý đi kê khai hợp đồng giao khoán cả phần đất của ông H2 là sai trái nên không thể chấp nhận.

Ông H2 thống nhất với kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp theo các mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 258-2016, 259-2016, 260-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng D huyện D và kết quả định giá theo biên bản định giá ngày 23/3/2017 của Hội đồng định giá đối với tài sản tranh chấp trong vụ án; không yêu cầu xem xét, thẩm định và định giá lại tài sản tranh chấp.

Nay ông H2 yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Hủy Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ D số 89/HĐK ngày 03/6/2002 giữa Ban Q huyện D và Ông Trần Xuân S.

2. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số B0, số vào sổ CT do Cơ quan U tỉnh Bình Dương cấp cùng ngày 03/3/2014 cho Ban Q huyện D.

3. Công nhận cho Ông Trần Xuân H2 được quyền quản lý, sử dụng diện tích 8.911m2 thuộc 01 phần thửa đất số 277, tờ bản đồ số 13 của Hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng phòng hộ huyện D số 89/HĐK ngày 03/6/2002 giữa Ban Q huyện D và Ông Trần Xuân S

Ông H2 thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế thì ông H2 yêu cầu nhận phần di sản được chia.

Theo bản tự khai, quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông T5, ông C, bà H3 thống nhất trình bày:

Ông T5, ông C, bà H3 thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn bà H về mối quan hệ gia đình, nguồn gốc đất tranh chấp.

Đối với yêu cầu khởi kiện của bà H về yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với phần đất có diện tích đo đạc thực tế là 106.031,365m2 nằm trong phần đất đo đạc thực tế có tổng diện tích 192.784,3m2 tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương thì Ông T5, ông C, bà H3 thống nhất và đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H, yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Ông T5, ông C, bà H3 xác định nếu di sản thừa kế được chia theo quy định thì các ông, bà sẽ nhận đối với phần di sản được chia.

Ông T5, ông C, bà H3 thống nhất với kết quả đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp theo các Mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 258- 2016, 259-2016, 260-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng Đ huyện D và kết quả định giá theo biên bản định giá ngày 23/3/2017 của Hội đồng định giá đối với tài sản tranh chấp trong vụ án; không yêu cầu xem xét, thẩm định và định giá lại tài sản tranh chấp.

Quá trình tố tụng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông K trình bày: Về nguồn gốc đất trước đó là đất hoang, sau đó khoảng năm 1975 thì gia đình đến khai phá, canh tác sinh sống. Khi mới về khai phá đất thì có cha mẹ và các em, còn ông T3 và ông K không có mặt vì lúc đó đã thoát ly tham gia cách mạng và sinh sống riêng. Thời gian đầu về khai phá thì gia đình có cha mẹ và các em cùng nhau khai phá được một phần đất có diện tích khoảng hơn 01 ha (hiện nay là thuộc thửa đất số 309) để làm nhà ở chung cho cả gia đình. Ngoài ra, gia đình còn khai phá được một phần đất có diện tích khoảng 02 đến 03 ha; sau này, ông S tiến hành khai phá mở rộng thêm, hiện nay là thửa đất số 308. Sau đó, các anh em lần lượt lớn lên, người thì lập gia đình ra làm ăn riêng, người thì chuyển đi nơi khác sinh sống chỉ còn lại một mình ông S ở lại sống cùng cha mẹ. Phần đất thuộc thửa đất số 308 ban đầu gia đình sử dụng để trồng mía, sau đó trồng điều rồi chuyển sang trồng cây cao su như hiện nay. Toàn bộ các phần đất còn lại là do một mình ông S khai phá thêm và tiến hành trồng cây cao su như hiện nay, các anh em trong gia đình không ai có công sức đóng góp gì. Đối với căn nhà thờ lớn mới xây dựng là do các anh em trong gia đình góp xây dựng nên, ông K không có công sức đóng góp kinh phí xây dựng. Trường hợp Tòa án chia thừa kế có phần ông K thì ông K nhận.

Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đ, ông P và ông L (vợ và con ông S) cùng thống nhất với ý kiến và yêu cầu của Ông Trần Xuân S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ban Q huyện D trình bày ý kiến tại Công văn số 78/BQLR-KT ngày 04/5/2019 và Công văn số 79/BQLR- HCKHTC ngày 04/5/2019 như sau:

Căn cứ Quyết định số 185/QD-CƠ QUAN U ngày 22/01/2013 của Cơ quan U tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2020; theo Bản đồ quy hoạch đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ban Q huyện D đã được Sở T xác nhận ngày 28/12/2012, Ban Q là chủ rừng được Cơ quan U tỉnh Bình Dương giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý, bảo vệ, xây dựng rừng và đất rừng phòng hộ theo đúng các quy định của pháp luật. Do đó 02 phần đất có diện tích 102.552,1m2 và 47.628,4m2 thuộc đất rừng phòng hộ thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện tại, phần đất có diện tích 102.552,1m2 theo bản đồ địa phương quản lý cụ thể là Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý đang hanh chấp chỉ thuộc 01 phần các thửa đất số: 269, 277, tờ bản đồ số 31; Ban Q huyện D đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 3389/QĐ-CƠ QUAN U ngày 30/12/2013 của Cơ quan U tỉnh Bình Dương. Phần đất diện tích 47.628,4m2 nằm trong thửa 309 và thửa 538, tờ bản đồ số 31 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì hiện đất đang tranh chấp nên chưa thực hiện lập hồ sơ giao khoán.

Trong Hợp đồng giao khoán số 89/HĐK ngày 03/6/2002 do Ban Q huyện D lập với Ông Trần Xuân S có tổng diện tích là 162.793m2 tại 02 vị trí riêng biệt không tiếp giáp nhau: Vị trí thứ nhất là thửa đất số 259 có diện tích 40.299m2, thửa đất này không thuộc phần đất tranh chấp. Vị trí thứ hai có diện tích 122.494m2 gồm các thửa đất số: 255, 268, 269, 277 tiếp giáp nhau, diện tích các thửa này hiện đang tranh chấp.

Về nguồn gốc đất thì Ban Q chỉ tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm D bàn giao năm 2011. Do đó về lịch sử, nguồn gốc khai phá, sử dụng đất, Ban quản lý không nắm được, về thông tin từ gia đình thì quá trình sử dụng đất của gia đình ông bà Trần Văn Ê đã tự khai phá sau năm 1975 và đã tự trồng các loại cây rừng, điều, cao su, cây ăn trái và xây dựng nhà ở sinh sống tại chỗ có trước quy hoạch 3 loại rừng vào năm 1998 và trước khi lập hợp đồng giao khoán.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (viết tắt là Công ty TNHH MTV) cao su D trình bày ý kiến tại Công văn số 57A/CSDT-KTNN ngày 04/01/2019, và biên bản ngày 03/7/2019 như sau:

Theo Mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 259-2016 ngày 20/12/2016 của Chi nhánh Văn phòng Đ huyện D thể hiện phần đất ký hiệu là A có diện tích là 890 m2 và phần đất ký hiệu là B có diện tích là 143,8 m2 là thuộc một phần đất của Công ty TNHH MTV cao su D; đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cơ quan U huyện D trình bày ý kiến tại Công văn số 350/CƠ QUAN U-NC ngày 28/3/2019 như sau:

Các thửa đất số: 278, 306, 307, 308 và một phần thửa đất số 340, thuộc tờ bản đồ số 31 tọa lạc tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương khi giải quyết vụ án có thể xem xét cấp quyền sử dụng đất cho các đương sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cơ quan U tỉnh Bình Dương trình bày ý kiến tại Công văn số 420/CCQLĐĐ-QHTKĐĐ ngày 03/7/2019 như sau:

Về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q D: Diện tích 5.060,4m2 tại thửa đất số 277, tờ bản đồ số 31 thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B0 617882 ngày 03/3/2014 nằm trong tổng diện tích 30.037.781,5m2 đất rừng phòng hộ được Cơ quan U tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Q huyện D tại Quyết định số 1415/QĐ- CƠ QUAN U ngày 12/6/2013 và điều chỉnh tại Quyết định số 3389/QĐ-CƠ QUAN U ngày 30/12/2013. Toàn bộ diện tích đất nêu trên được Chi cục K và Ban Q huyện D quản lý sử dụng ổn định, một phần thực hiện giao khoán từ trước năm 1997. Việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO 617882 ngày 03/3/2014 cho Ban Q huyện D căn cứ theo đúng quy định pháp luật đất đai.

Người làm chứng ông Lê Văn Í trình bày: Năm 1987, ông Í về ở tại ấp Hòa Hiệp, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương; ông Í biết lúc đó ông Trần Văn Ê là hội viên hội nông dân xã M. Hàng năm có liên hệ với hội để tổ chức sản xuất như trồng hoa màu hàng năm với diện tích lớn. Ông chứng kiến về việc tranh chấp đất đai giữa Nông trường cao su M với ông Ê. Khi công trình điện cao thế tiến hành xây dựng vào đất ông Ê thì ông Ê là người tiếp xúc để giải quyết quyền lợi đền bù tài sản.

Người làm chứng ông Nguyên Hoàng T trình bày: Năm 1987, ông T về ở tại ấp Hòa Hiệp, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương, về khoản đất đai thì ông T có biết là của ông Ê, bà H khai phá. Còn riêng đất của ông S thì ông chỉ biết miếng đất nhỏ cao su khoảng 4 hoặc 5 sào đang cạo gối đầu với đất của ông T, còn các khoản đất khác thì ông T không biết.

Người làm chứng ông Giang Tuấn A trình bày: Năm 1995, ông A có sang nhượng cho ông Ê một phần đất 02 ha có trồng điều với giá là 01 chỉ vàng, ông Ê là người trực tiếp giao vàng cho ông A và ông A bàn giao rẫy cho ông Ê. Sự việc chỉ có ông A và ông Ê biết, ngoài ra ông A không biết ai.

Người làm chứng ông Phan Hiền L trình bày: Ông L về ở làng B vào năm 1980, ông L có thấy vợ chồng ông E khai phá rừng để trồng cây công nghiệp như mía, điều, tiêu và lúa nước. Tóm lại toàn bộ 19 ha đất trồng hiện tại là do vợ chồng ông Ê khai phá mà có. Các con ông Ê như Ông Trần Xuân H2, Trần Xuân T5, Trần Xuân C khi lớn lên thì phụ với cha mẹ khai phá. Khi có vợ thì ông Ê cho ra riêng. Còn phần Ông Trần Xuân S còn nhỏ khi lớn lên tất cả đất đai đã khai phá xong. Khi ông S có vợ thì ở chung với vợ chồng ông Ê. Ông L chỉ thấy vợ chồng ông Ê cùng các con lớn khai phá, không thấy ông S khai phá, khi ông Ê, bà H già yếu thì ông S coi công thu hoa lợi trên đất.

Người làm chứng bà Huỳnh Thị G trình bày: Bà G về Làng B vào năm 1982, nhà bà G và nhà ông Ê ở liền kề nhau, bà G thấy vợ chồng ông Ê khai phá, phía trước trồng mía, phía sau trồng lúa nước và trên gò thì trồng điều và tiêu, các con lớn thì phụ ông Ê trồng tỉa, ông S thì còn nhỏ mới 7 tuổi.

Người làm chứng bà Nguyên Thị B trình bày: Năm 1991, bà B có khai phá đất để làm rẫy ở Nông trường cao su M. Khi lên làm thì bà B có thấy đất của ông Ê có trồng điều đang thu hoạch ở hai bên đường. Còn khoảng 7, 8 sào giáp ranh của bà B thì do ông S khai phá.

Người làm chứng bà Nguyên Thanh X trình bày: Khi bà X về khu Nông trường cao su M sinh sống thì thấy trước cửa nhà ông Ê trồng mía, phía sau trồng lúa nước, trên gò trồng điều và tiêu, còn lại xung quanh là trồng sắn.

Người làm chứng ông Phạm Văn Hoàng S trình bày: Khoảng năm 2002, ông S và ông A cùng được ông S thuê máy ủi để tiến hành ủi đất, khai phá đất rừng và đất hầm phún; phần đất thứ nhất có diện tích khoảng 02 ha có vị trí nằm phía sau nhà ông S cách khoảng 150 m đến 200 m, phần đất thứ hai khoảng 03 ha có vị trí nằm phía trước nhà ông S cách khoảng 150 m đến 200 m và đều giáp đường đất. Ông S trả tiền công là 7.000.000 đồng; việc quản lý, sử dụng phần đất trên như thế nào thì ông S không rõ.

Người làm chứng bà Nguyễn Thị S1 trình bày: Năm 1998, bà S1 cùng chồng là ông L1, con là ông L2 được ông S thuê làm công cho gia đình ông S; khi đó thấy ông S bắt đầu tiến hành khai phá các phần đất xung quanh nhà của ông S, ông S thuê máy ủi san lấp hàm phún, móc gốc cây để trồng cây cao su. Sau khi khai phá xong, ông S đã thuê vợ chồng bà S1 trồng cây cao su, trồng mì xen lẫn cây cao su trên đất. Ngoài phần đất tự khai phá, bà S1 thấy ông S còn nhận chuyển nhượng đất của nhiều người khác ở khu vực xung quanh giáp phần đất khai phá để trồng cây cao su, cụ thể là của ai thì không rõ.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn M trình bày: Khoảng năm 1999, ông S thuê ông M san ủi đất rừng chồi đối với phần đất có diện tích khoảng 10 ha, vị trí tại Làng B thuộc Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D; ông S trả số tiền công cho ông M là 15.000.000 đồng.

Người làm chứng ông Phạm Văn T trình bày: Ông T6 là con nuôi của ông Ê, bà H. Khoảng năm 1998, ông T6 có bán giống cây cao su cho ông S, số lượng 3000 cây để ông S trồng trên phần đất có diện tích khoảng 06 ha do ông S khai phá. Vị trí thửa đất nằm trước nhà ông S tại Làng B cũ thuộc Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D. Ngoài ra, ông T6 không biết gì thêm.

Người làm chứng ông Đặng Thanh D và bà Lê Thị Tuyết N thống nhất trình bày: Vào tháng 02/2006, ông S đến nhà bà N và ông P để hỏi mua giống cây cao su với số lượng 10.000 cây, giá thành là 10.000 đồng/cây. Ông S mua cây cao su về để trồng tại phần đất ngay sát nhà ông S tại Làng B cũ thuộc Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D.

Người làm chứng ông Phùng Huy C trình bày: Năm 2001, ông C cùng với ông Lê Hữu Hợp tiến hành việc móc mương, “sẽ líp”, móc gốc cây cho ông S. Phần đất ông C và ông H tiến hành làm là gồm 03 thửa đất, diện tích đất bao nhiêu ông C không rõ, chỉ ước chừng khoảng 03 ha. Vị trí thửa đất nằm ngay sát nhà ông S, phía sau nhà thờ họ hiện nay và thuộc đất rừng phòng hộ. Sau khi khai phá xong, ông S tiến hành trồng cây cao su trên đất và khai thác cho đến nay.

Người làm chứng bà Nguyễn Thị N trình bày: Ngày 05/7/2003, bà N và ông S thỏa thuận với nhau về việc chuyển nhượng phần đất rừng có diện tích khoảng 03 ha với giá trị 13.000.000 đồng. Vị trí thửa đất giáp ranh với đất của ông D “kamat”, ông Mai Văn K, ông Mai Văn C. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông S tiếp tục ban ủi, cải tạo đất và trồng cây cao su. Hiện tại, phần đất này thuộc đất rừng phòng hộ lòng hồ D, hiện nay ông S đang quản lý, sử dụng.

Người làm chứng ông Phạm Chỉ M trình bày: Ngày 21/12/2003, ông M và ông S thỏa thuận chuyển nhượng với nhau về một phần đất có diện tích khoảng 03 ha (không qua đo đạc thực tế). Phần đất có vị trí giáp đường đất, một mặt giáp suối, mặt còn lại giáp đất của ông K (anh trai ông S) và ông út M thuộc khu vực Làng B cũ thuộc Tổ A, ấp H1, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương. Phần đất này hiện nay thuộc đất rùng phòng hộ lòng hồ D và ông S đang quản lý, sử dụng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2019/DS-ST ngày 03/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương đã quyết định:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà Nguyễn Thị H đối với Ông Trần Xuân S về việc “tranh chấp về thừa kế tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán rừng, bảo vệ rừng; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

2. Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị H đối với bị đơn Ông Trần Xuân S về việc “tranh chấp về thừa kế tài sản” đối với phần đất có diện tích là 1.033.8m2 (ký hiệu là A và B theo mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 259-2016 ngày 20/12/2016) và phần đất có diện tích là 8.911,0m2 (ký hiệu là A theo Mảnh trích đo thửa đất tranh chấp số 260-2016 ngày 20/12/2016).

3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông Trần Xuân H2 đối với Ông Trần Xuân S về việc “yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán rừng, bảo vệ rừng; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, trách nhiệm chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 11/10/2019, nguyên đơn Bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Trần Xuân D, Trần Thị Xuân T4, Trần Xuân T5, Trần Xuân H3, Trận Xuân T5, Trần Xuân H2, Trần Xuân C kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.

Ngày 17/10/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương có Quyết định kháng nghị số 06/2019/QĐKNPT-VKS-DS, vì những lý do sau:

Thứ nhất, đối với phần đất tranh chấp tổng diện tích 124.227m2 thuộc thửa đất số 255, 268, 269 và một phần thửa 277, tờ bản đồ số 31 do Ban Q phòng hộ giao cho Ông Trần Xuân S đứng tên trên Hợp đồng giao khoán số 89/HDK ngày 03/6/2002: Ban Q phòng hộ đã xác định phần đất tranh chấp này có nguồn gốc của gia đình bà H và ông Ê cùng khai phá từ sau năm 1975; sau khi khai phá thì gia đình bà H đã trồng các loại cây rừng, điều và cao su, cây ăn trái và xây dựng nhà ở sinh sống tại chỗ có từ trước khi quy hoạch 03 loại rừng vào năm 1998 và trước khi lập hợp đồng khoán. Do đó, diện tích đất này là công sức khai phá, đóng góp chung của hộ gia đình nhưng chỉ mình bị đơn ông S tự ý làm thủ tục nhận khoán đất là kê khai không đầy đủ; nên hợp đồng giao khoán số 89/HĐK ngày 03/6/2012 bị vô hiệu theo quy định tại Điều 137 của Bộ luật Dân sự năm 1995.

Thứ hai: Phần tranh chấp diện tích 67.523m2 thuộc thửa đất số 278, 306, 307, 308, 309 và một phần thửa 310, 340 tờ bản đồ số 31: phần đất tranh chấp này có trong thời gian hộ gia đình ông Ê, bà H và ông S ở chung với nhau, đến năm 2015, ông S ra ở riêng giao cho bà H quản lý sử dụng; do đó đây là tài sản chung của hộ gia đình theo quy định tại các Điều: 117, 118 của Bộ luật Dân sự năm 1995.

Các phần đất mà đương sự tranh chấp có nguồn gốc từ công sức khai phá, tạo lập chung của hộ gia đình ông Ê, bà H, ông S; đây là tranh chấp về tài sản chung của hộ gia đình và tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 1993 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn nguyên đơn bà H sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện cho phù hợp với quan hệ pháp luật tranh chấp, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà H đối với bị đơn ông S là xâm phạm đến quyền lợi của bà H.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng phân tích trên.

Ngày 03/4/2020, Bà Nguyễn Thị H và 08 người con (Ông Trần Xuân T3, Ông Trần Xuân K, Ông Trần Xuân H2, Ông Trần Xuân T5, Ông Trần Xuân C, Bà Trần Xuân H3, ông Trần Xuân D và Bà Trần Thị Xuân T4) có đơn yêu cầu Tòa án chia chung cho quyền sử dụng đất tranh chấp từ 50% đến 70% diện tích (đã trừ diện tích đất không tranh chấp do ông H2 quản lý 8.911,0m2) tùy vị trí; diện tích đất còn lại chia cho ông Trần Xuân S; đơn yêu cầu được cơ quan U xã M, huyện D xác nhận chữ ký của các đương sự có yêu cầu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Các đương sự thống nhất về diện tích đất 8.911 m2 thuộc một phần thửa đất số 277 ông H2 đang sử dụng (có cao su trên đất của ông H2) là do ông Trần Văn Ê cho ông H2 từ năm 1989 và được gia đình thống nhất, nay không tranh chấp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T3-Luật sư T trình bày: Chứng cứ trong hồ sơ vụ án và lời khai của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện rõ sau năm 1975, gia đình ông Trần Văn Ê từ Campuchia về định cư tại xã M, huyện D; toàn bộ đất đai đang tranh chấp là do hộ gia đình ông Trần Văn Ê khai phá, công lao của vợ chồng ông Ê, bà H là chủ yếu, các con có đóng góp. Ông S cho rằng do ông S khai phá là không có căn cứ. Tại Tòa án cấp phúc thẩm, bà H và 08 người con (trừ ông S) thống nhất chia chung quyền sử dụng đất từ 50% đến 70% là hợp tình, hợp lý; đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm và chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (là các con bà H).

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Diễn biến tại phiên tòa, cũng như các chứng cứ có tại hồ sơ đã đủ căn cứ chứng minh toàn bộ diện tích đất tranh chấp là do vợ chồng ông Ê, bà H khai phá, sử dụng; các con ông Ê, bà H (trong đó có ông S) có công gìn giữ đất. Ông S trình bày toàn bộ đất tranh chấp do ông S khai phá là không đúng; do đó, kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà H, sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H, chia tài sản chung và chia thừa kế đối với đất tranh chấp theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Bà H nộp đơn khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất với ông S từ ngày 17/6/2016; không tranh chấp về tài sản có trên đất. Ông S không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H, không có đơn yêu cầu phản tố về việc tranh chấp tài sản trên đất. Những người con của bà H tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không có yêu cầu độc lập về việc tranh chấp tài sản trên đất; riêng ông H2 có yêu cầu độc lập cũng chỉ với diện tích đất do ông H2 quản lý, sử dụng (8.911m2 thuộc một phần thửa đất số 277), không tranh chấp tài sản trên đất. Xét trên đất tranh chấp có rất nhiều tài sản là: Nhà, công trình xây dựng, cây cao su...nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho đương sự về bổ sung yêu cầu tranh chấp tài sản sản trên đất, hậu quả về việc giải quyết tranh chấp đất nhưng không giải quyết về tài sản trên đất...là giải quyết vụ án chưa toàn diện, gây khó khăn cho việc thi hành án (hoặc không thể thi hành án được - điểm b khoản 2 Điều 117 của Luật Thi hành án dân sự).

Các đương sự đều thừa nhận một phần diện tích đất tranh chấp là do gia đình ông E, bà H và các con khai phá sử dụng; ông Ê chết năm 2015; do đó, tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về tài sản chung của hộ gia đình, tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng ông Ê, bà H và tranh chấp về thừa kế tài sản của ông E. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là “tranh chấp về thừa kế....” là chưa đầy đủ; từ đó dẫn đến việc xác minh, thu thập chứng cứ không đầy đủ về công sức, tài sản của từng thành viên hộ gia đình và của cá nhân bà H, ông E trong khối tài sản chung.

Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định quyền yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đương sự; do đó, khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không cần phải xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là “yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

[2] Quá trình tố tụng, các đương sự thống nhất diện tích đất 8.911m2 (thuộc 01 phần thửa số 277, có cao su đang khai thác trên đất) do ông H2 quản lý sử dụng từ năm 1989 (do ông Ê, bà H cho) và không tranh chấp; Tòa án cấp sơ thẩm không ghi nhận sự thỏa thuận tự nguyện của các đương sự về quyền của ông H2 đối với 8.911m2 và không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông H2 là không đúng pháp luật và trái với ý chí của các đương sự.

[3] Kết quả định giá về tài sản tranh chấp được thực hiện từ năm 2016 (lần xét xử sơ thẩm đầu tiên) đến nay đã lâu, giá cả có biến động; đại diện cho nguyên đơn yêu cầu định giá lại tài sản tranh chấp là có căn cứ. Tuy nhiên, tại Văn bản số 1415/STC-GCS ngày 27/4/2020, Sở T tỉnh Bình Dương trả lời Tòa án là không định giá như yêu cầu của Tòa án; tại Văn bản số 01/TB-TA ngày 28/4/2020, Tòa án yêu cầu các đương sự tự thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá nhưng các bên đương sự không thỏa thuận lựa chọn; đại diện nguyên đơn yêu cầu Tòa án chọn một tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản, Tòa án có Văn bản số 03/TB-TA ngày 11/5/2020 về việc chọn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Tư vấn đầu tư Thẩm định giá L để thẩm định giá tài sản; văn bản này đã tống đạt cho các bên đương sự nhưng không có đương sự nào có ý kiến phản đối. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn không đồng ý với kết quả thẩm định giá nhưng không yêu cầu định giá lại, không yêu cầu bất kỳ tổ chức thẩm định giá nào để thẩm định lại giá tài sản tranh chấp, yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập định giá viên là không có căn cứ chấp nhận.

Kết quả thẩm định giá, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Tư vấn đầu tư Thẩm định giá L phân tích, đánh giá và xác định giá từng loại đất, đối với đất rừng phòng hộ tính công sức gìn giữ, khai phá, cải tạo đất là phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 76 của Luật Đất đai năm 2013 (và Án lệ số 02/2016/AL).

[4] Về thẩm quyền giải quyết: Các đương sự tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất và tranh chấp về quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình; quyền sử dụng đất tranh chấp hiện tại gồm: Đất rừng phòng hộ, một phần đã được cấp giấy chứng nhận và Nhà nước đã ký hợp đồng giao khoán (các thửa đất số 255, 268, 269, 277 - diện tích 102.552,1m2), một phần chưa được cấp giấy chứng nhận và chưa được Nhà nước ký hợp đồng giao khoán (các thửa đất số: 254, 270, 271, 272, 273, 274, 275, 276, 313, 314, 309 và một phần các thửa đất số: 312, 310, 252, 253, 168); một phần đất chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cho cá nhân hoặc gia đình sử dụng đất (các thửa đất số: 278, 306, 307, 308 và một phần thửa 340). Điều 203 của Luật Đất đai có quy định đất tranh chấp không có giấy tờ về nguồn gốc đất, không có đăng ký, không có tên trong sổ địa chính và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đương sự có quyền lựa chọn Tòa án hoặc Cơ quan U giải quyết. Đương sự không tranh chấp tài sản trên đất nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho đương sự quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là có thiếu sót. Tuy nhiên, tại Văn bản số 1094 ngày 17/8/2017 (và văn bản ngày 28/3/2019), cơ quan U huyện D xác định đất tranh chấp không thuộc rừng phòng hộ (các thửa số 278, 306, 307, 308 và một phần thửa 340) được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi Tòa án giải quyết xong việc tranh chấp; Văn bản số 86 ngày 03/5/2017, Ban Q huyện D xác định là sẽ căn cứ vào bản án có hiệu lực của Tòa án và họ có đủ điều kiện thì được Ban Q ký hợp đồng giao khoán. Với quy định trên, Tòa án giải quyết tranh chấp giữa các đương sự là đúng thẩm quyền, đảm bảo về quyền của đương sự như quy định tại Điều 14 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn “...trường hợp giải quyết tranh chấp đất và tài sản trên đất nhưng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án công nhận người nào sở hữu tài sản trên đất thì Tòa án tạm giao quyền sử dụng đất gắn liền tài sản...”; áp dụng tương tự nội dung trên, Tòa án giải quyết tranh chấp và tạm giao quyền quản lý đất cho các đương sự, các đương sự có nghĩa vụ đăng ký xin cấp quyền sử dụng đất đối với đất không thuộc rừng phòng hộ, đối với đất rừng phòng hộ và đương sự có đủ điều kiện thì được tạm giao quản lý đất và phải liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được xem xét ký hợp đồng thuê khoán đất theo quy định của pháp luật.

[5] Về nội dung:

Chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự có đủ căn cứ để xác định: Sau năm 1975, vợ chồng ông Trần Văn Ê và Bà Nguyễn Thị H cùng các con về sinh sống tại ấp H, xã M, huyện D, tỉnh Bình Dương khai phá, cất nhà, trồng cao su trên đất và sử dụng đất cho đến nay. Tại Văn bản số 10/GXN- CAH ngày 09/01/2020, Công A huyện D xác định ông Ê đăng ký hộ khẩu thường trú từ năm 1997; hộ gia đình ông Ê bao gồm: Ông Trần Văn Ê, sinh năm 1932 (chết năm 2015); Bà Nguyễn Thị H, sinh năm: 1935 và 09 người con của ông bà, gồm: Ông Trần Xuân T3, sinh năm 1953; Ông Trần Xuân K, sinh năm 1956; Ông Trần Xuân H2, sinh năm 1960; Ông Trần Xuân T5, sinh năm 1966; Ông Trần Xuân C, sinh năm 1967; Bà Trần Xuân H3, sinh năm 1969; ông Trần Xuân D, sinh năm 1971; Ông Trần Xuân S, sinh năm 1973; Bà Trần Thị Xuân T4, sinh năm 1977. Thời điểm năm 1975: Ông Ê 43 tuổi, bà H 40 tuổi, ông T3 và ông H2 đã trên 18 tuổi, ông H2 16 tuổi; Ông T5, ông C, bà H3, ông D, ông S, bà T4 đều còn nhỏ, chưa trưởng thành.

Có chứng cứ thể hiện toàn bộ tài sản tranh chấp phần lớn là công sức của vợ chồng ông Trần Văn Ê, Bà Nguyễn Thị H và một phần công sức đóng góp của 09 người con ông Ê, bà H tùy thuộc vào thời gian khai phá đất, thời gian ở chung với ông Ê, bà H; thời điểm trồng cây cao su trên đất thì thành viên của hộ gia đình ông Ê còn bao nhiêu người cũng chưa được làm rõ để tính toán công sức của các thành viên cho phù hợp.

[6] Tòa án cấp sơ thẩm đã không xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ công sức của ông Ê, bà H và công sức của từng thành viên hộ gia đình ông Ê mà xử không chấp nhận yêu cầu của bà H là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà H và những người con khác của ông Ê, bà H (trừ ông S). Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như đã nêu tại phần [1] [2] ở trên; do đó, cần hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án cho đúng quy định của pháp luật.

Kháng cáo của nguyên đơn bà H và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ. Ý kiến tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông Trần Xuân T3 là phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ về phần nội dung vụ án.

Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D là phù hợp.

[7] Án phí dân sự phúc thẩm: Do hủy bản án dân sự sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 148; khoản 3 Điều 308; Điều 310, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Cơ quan U Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miên, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương.

2. Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Bà Nguyễn Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các ông, bà: Trần Xuân D, Trần Thị Xuân T4, Trần Xuân T5, Trần Xuân H3, Trần Xuân T5, Trần Xuân H2, Trần Xuân C.

3. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2019/DS-ST ngày 03/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Bình Dương;

Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện D giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Chi cục T8 huyện D, tỉnh Bình Dương trả lại cho các ông, bà: Nguyễn Thị Hai, Trần Xuân D, Trần Thị Xuân T4, Trần Xuân T5, Trần Xuân H3, Trần Xuân T5, Trần Xuân H2, Trần Xuân C, mỗi người 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các Biên lai thu số: 0032057, 0032058, 0032060, 0032059, 0032061, 0032062, 0032063, 0032064 cùng ngày 11/10/2019 của Chi cục T8 huyện D, tỉnh Bình Dương.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

786
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 113/2020/DS-PT ngày 08/06/2020 về thừa kế tài sản; yêu cầu hủy hợp đồng giao khoán rừng, bảo vệ rừng; yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản

Số hiệu:113/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:08/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về