TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 37/2023/KDTM-PT NGÀY 09/01/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN THU PHÍ
Ngày 09 tháng 01 năm 2023 tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 130/KDTMPT ngày 23 tháng 11 năm 2022 về tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 212/2022/KDTM-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận 1 bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 6349/2022/QĐ-PT ngày 15 tháng 12 năm 2022 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP (A 5).
Địa chỉ trụ sở: Số 77 đường A, phường B, quận C, thành phố Đà Nẵng.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:
1. Ông Lê Quang V, sinh năm 1972 (Có mặt); Địa chỉ: Số 77 đường A, phường B, quận C, Thành phố Đà Nẵng, là người đại diện theo pháp luật.
2.Ông Phan Bá Q, sinh năm 1966 (Có mặt) và bà Phan Thị L, sinh năm 1990 (Có mặt); Cùng địa chỉ: Số 77 đường A, phường B, quận C, Thành phố Đà Nẵng, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền số 045/GUQ-TCT5 ngày 06 tháng 01 năm 2023).
Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B Địa chỉ trụ sở: Lầu 2, Tòa nhà văn phòng Số 68 đường A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Đỗ Thị K, sinh năm 1985 và ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1971 (Có mặt); Địa chỉ: Lầu 2, Tòa nhà văn phòng 68 A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Giấy uỷ quyền ngày 15 tháng 12 năm 2022).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: ông Phạm Văn M và ông Lương Nguyễn Khánh V - Luật sư thuộc đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Địa chỉ trụ sở: Số 62 đường A, Thành phố T, tỉnh Quảng Nam.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam: Ông Trần Quốc T- Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam (Có đơn đề nghị vắng mặt), Địa chỉ: Số 62 đường A, Thành phố, tỉnh Quảng Nam, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản uỷ quyền số 3996/UBND-NCKS ngày 21 tháng 6 năm 2022).
Người kháng cáo: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 25 tháng 10 năm 2016 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Nguyên đơn Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP (gọi tắt là A 5- nguyên đơn) được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam giao làm chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã B và tuyến nối Quốc lộ 1A đến cảng C (Đường D) bằng phương thức vay vốn đầu tư – thu phí hoàn vốn tại Công văn số 25/UB-KTN ngày 09 tháng 01 năm 2001 và các Hợp đồng số 02/UB-HĐ ngày 12 tháng 7 năm 2001, Hợp đồng số 03/UB-HĐ ngày 11 tháng 9 năm 2001 với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Theo phương án tài chính được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 4006/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 thì A5 được quyền thu phí hoàn vốn trong thời gian 14 năm 4 tháng.
Ngày 17 tháng 11 năm 2003, A5 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B (Gọi tắt là B - Bị đơn) ký Hợp đồng kinh tế chuyển nhượng quyền thu phí trạm thu phí T, tỉnh A số 3939/HĐKT. Ngày 20 tháng 7 năm 2004, nguyên đơn và bị đơn ký Phụ lục hợp đồng kinh tế số 3086/PL-HĐKT.
Theo Phụ lục 3086, thời gian bị đơn được thu phí theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng phần đầu tư – giai đoạn 1 tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã B và đường C kể từ ngày A5 bàn giao công trình. Theo Điều 4 Hợp đồng số 3939 (đã được sửa đổi tại Điều 3 của Phụ lục 3086) thì bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn phần đầu tư tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã B và đường C với giá trị luỹ kế là 404.022.596.458 đồng. Giá trị này được tính trên cơ sở giá trị đầu tư được xác định tại thời điểm ký hợp đồng của giai đoạn này là 234.521.740.957 đồng với hệ số chiết khấu 10,2 %/năm tăng đều 9% cho 12 tháng tiếp theo trong thời hạn 12 năm theo Phụ biểu số 1 của Phụ lục 3086.
Thực hiện Hợp đồng số 3939 và Phụ lục 3086, bị đơn đã tiến hành thu phí từ tháng 01 năm 2004 đến 00 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2015 với tổng doanh thu là 498.583.394.000 đồng; tính đến ngày 02 tháng 6 năm 2016, bị đơn đã thanh toán được cho nguyên đơn tổng số tiền 375.504.018.625 đồng.
Theo Quyết định số 2877/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2015 và Văn bản số 6424/UBND-KTTH ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thì tổng giá trị đầu tư của nguyên đơn được quyết toán là 249.348.477.412 đồng. Ngày 19 tháng 5 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và A5 đã lập biên bản quyết toán hợp đồng, theo đó đã xác định: Tổng doanh thu phí đường bộ qua trạm thu phí T từ ngày bắt đầu thu đến 00 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2015 là 498.583.394.000 đồng; tổng chi phí toàn bộ dự án đến 00 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2015 là 485.065.243.446 đồng; số thu phí thừa là 13.518.150.553 đồng; A5 có trách nhiệm nộp số thu phí thừa là 13.518.150.553 đồng vào Ngân sách tỉnh Quảng Nam. Ngày 13 tháng 7 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2458/QĐ-UBND quyết định tạm dừng thu phí tại trạm thu phí này. Ngày 30 tháng 5 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 1861/QĐ-UBND chấm dứt thu phí sử dụng đường bộ qua Trạm thu phí T và xử lý các vấn đề liên quan sau khi chấm dứt thu phí, theo đó việc thu phí được chấm dứt kể từ 00 giờ ngày 20 tháng 7 năm 2015. A5 có trách nhiệm nộp số thu phí thừa là 13.518.150.553 đồng vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam trước ngày 31 tháng 7 năm 2015.
Tại phiên tòa sơ thẩm Nguyên đơn xác định giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, cụ thể: buộc bị đơn thanh toán tổng số tiền tạm tính đến ngày 24 tháng 10 năm 2016 là 81.295.358.754 đồng, gồm:
1. Số tiền đầu tư còn lại theo hợp đồng là 28.518.577.833 đồng.
2. Số tiền chênh lệch nghĩa vụ là 25.542.777.121 đồng.
3. Tiền phí thu thừa là 13.518.150.553 đồng. (Đây là số tiền nguyên đơn phải nộp vào ngân sách nhà nước số thu phí thừa tại Trạm thu phí T là 13.518.150.553 đồng theo Quyết định số 1861/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2016 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam) do đó yêu cầu bị đơn có nghĩa vụ trả lại nguyên đơn số tiền này để nguyên đơn nộp vào ngân sách Nhà nước tỉnh Quảng Nam.
4. Tiền lãi chậm thanh toán (tính trên số tiền đầu tư là 28.515.577.833 đồng kể từ ngày 20 tháng 8 năm 2015 và tính trên tiền phí thu thừa là 13.518.150.553 đồng, tính từ ngày có quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu bị đơn nộp vào ngân sách nhà nước là ngày 02 tháng 6 năm 2016), căn cứ Điều 306 Luật Thương mại 2005, lãi tạm tính đến ngày 24 tháng 10 năm 2016 là 3.715.853.247 đồng;
5. Tiền phạt vi phạm hợp đồng là 10.000.000.000 đồng.
Đối với các yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại do rút ngắn thời gian thu phí và thanh toán khoản tiền phạt vi phạm với số tiền tổng cộng là 149.469.442.167 đồng vì cho rằng nguyên đơn có lỗi cố ý làm cho việc thu phí của công ty B bị chấm dứt trước thời hạn thì nguyên đơn không đồng ý vì việc nguyên đơn có Văn bản số 992/TCT5 ngày 30 tháng 6 năm 2015 gửi UBND tỉnh Quảng Nam với nội dung đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ chỉ đạo bị đơn tạm dừng thu phí tại trạm Thu phí T để thực hiện thanh quyết toán dự án. Văn bản này được gửi sau khi nguyên đơn thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại Văn bản số 2505/UBND ngày 11 tháng 06 năm 2015. Công văn đề nghị tạm dừng thu phí của nguyên đơn là đảm bảo quyền lợi cho người dân, thực hiện đúng Hợp đồng số 02, số 03 mà nguyên đơn đã ký với UBND tỉnh Quảng Nam. Thời gian thu phí tại dự án ngắn hơn so với dự kiến là do lưu lượng xe lưu thông qua trạm và doanh thu thu phí cao hơn dự kiến. Việc chấm dứt thu phí tại dự án căn cứ trên số liệu hoàn vốn tại dự án được bị đơn cung cấp cho nguyên đơn và được sự kiểm tra xác nhận của Cơ quan Thuế tỉnh Quảng Nam. Tại Quyết định số 1861/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 30 tháng 5 năm 2016 về việc chấm dứt thu phí tại trạm thu phí T hoàn toàn không căn cứ vào bất kỳ văn bản nào của nguyên đơn. Trên thực tế, bị đơn không có thiệt hại khi chấm dứt thu phí tại thời điểm ngày 20 tháng 7 năm 2015. Bởi vì bị đơn không tham gia đầu tư cùng nguyên đơn, mà chỉ tổ chức thực hiện việc thu phí, thực hiện duy tu sửa chữa thường xuyên, trùng tu, đại tu (khoản 1 Điều 1 Phụ Lục 3086), và bị đơn thực tế đã nhận được toàn bộ kinh phí cho các công việc nêu trên theo đúng định mức quy định tại phương án tài chính được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 4006/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 (số liệu cụ thể trong Biên bản về quyết toán hợp đồng lập ngày 19 tháng 5 năm 2016).
Tại Khoản 3.1.2 Điều 3 Hợp đồng 3939 quy định: “Thời hạn sở hữu quyền tổ chức thu phí có thể được điều chỉnh... Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định rút ngắn thời gian tổ chức thu phí thì hai bên có trách nhiệm phối hợp để giải quyết các phát sinh do việc rút ngắn thời gian thu phí này trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của hai bên... Bên A không thanh toán bất kỳ một khoản tiền bồi thường thiệt hại nào do rút ngắn khoảng thời gian thu phí (nếu có)”; Tại mục 2.2, Điều 2 của Phụ lục 3086 quy định: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ra quyết định rút ngắn thời gian tổ chức thu phí, bên B (B) phải tuân theo quyết định trên... Bên A (A 5) không có trách nhiệm thanh toán bất kỳ một khoản tiền bồi thường thiệt hại nào do rút ngắn khoảng thời gian thu phí”. Như vậy, các bên đã có thoả thuận tự nguyện liên quan đến việc thời gian thu phí rút ngắn theo dự kiến, được các bên ghi nhận cụ thể trong hợp đồng. Mặc dù trên thực tế, bị đơn không phát sinh bất cứ thiệt hại nào liên quan đến việc thời gian thu phí chấm dứt trước thời gian dự kiến, đồng thời đã thoả thuận rõ về việc nguyên đơn không có bất cứ trách nhiệm bồi thường nào liên quan đến nội dung này, nhưng bị đơn yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại là không có căn cứ.
Việc nguyên đơn thực hiện dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 (Dự án Thành phần 2) không liên quan, không ảnh hưởng đến việc thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí hoàn vốn đã ký giữa các bên.
Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn thanh toán tổng số tiền (tạm tính đến ngày 24 tháng 10 năm 2016) là 81.295.358.754 đồng và đề nghị Toà án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.
Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Ngày 20 tháng 7 năm 2004, giữa nguyên đơn Tổng Công ty Xây dựng A và bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B ký kết Hợp đồng kinh tế số 3939/HĐKT ngày 17 tháng 11 năm 2003 và Phụ lục hợp đồng kinh tế số 3086/PL-HĐKT ngày 20 tháng 7 năm 2004. Theo đó, nguyên đơn giao cho bị đơn được sở hữu quyền thu phí trong thời hạn là 14 năm 04 tháng kể từ ngày nguyên đơn chuyển giao công trình cho bị đơn. Bị đơn có trách nhiệm thanh toán (lũy kế trong quá trình thu phí) cho nguyên đơn số tiền nhận chuyển nhượng quyền thu phí nêu trên là 404.022.596.458 đồng.
Căn cứ vào hợp đồng kinh tế và phụ lục hợp đồng kinh tế nêu trên, ngày 10 tháng 8 năm 2004, nguyên đơn đã chính thức chuyển giao Trạm thu phí T cho bị đơn. Bị đơn cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đối với nguyên đơn. Thế nhưng, trong lúc hợp đồng kinh tế đang có hiệu lực và thực hiện được 12 năm, còn 2 năm 4 tháng mới kết thúc thì năm 2014, nguyên đơn đã tự ý có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất dừng thu phí tại Trạm thu phí T. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến tại Văn bản số 10049/BGTVT-TC ngày 14 tháng 8 năm 2014; Văn bản số 6253/BGTVT-TC ngày 30 tháng 5 năm 2014 và Văn bản số 6294/BGTVT-TC ngày 20 tháng 5 năm 2015 đề nghị tiếp tục triển khai thu phí tại trạm T theo quy định, nhưng nguyên đơn đã tự quyết toán và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam dừng thu phí theo hợp đồng đã ký giữa nguyên đơn và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, mà không hề quan tâm đến quyền lợi của bị đơn. Thực chất, nguyên đơn yêu cầu cơ quan nhà nước cho dừng trạm thu phí T là để nâng cấp, sửa chữa và nâng mức phí sử dụng đường bộ lên gấp hơn 03 lần so với trước đây. Hiện nay, nguyên đơn vẫn tiếp tục thu phí tại trạm thu phí T với mức phí gấp 03 lần trước.
Như vậy, trong thời hạn hợp đồng 3939 và phụ lục 3086 đang có hiệu lực thi hành, bị đơn đang thực hiện quyền thu phí và không hề vi phạm hợp đồng, thì nguyên đơn đã cố ý tiến hành các hành vi đơn phương để làm cho đối tượng hợp đồng (Quyền thu phí tại trạm thu phí T) không còn, dẫn đến chấm dứt hợp đồng, làm cho bị đơn bị thiệt hại do bị mất thu phí trong thời hạn 2 năm 4 tháng (28 tháng). Bị đơn thực tế dừng thu phí đến ngày 20 tháng 7 năm 2015.
Tại điểm 5.2 khoản 5 điều 1 Phụ lục Hợp đồng số 3086 quy định: Nếu Hợp đồng bị chấm dứt do vi phạm cơ bản về Hợp đồng về phía Bên A (A 5), Bên A có trách nhiệm thanh toán lại toàn bộ những chi phí phát sinh liên quan đến những thiệt hại của Bên B (B) và những khoản phạt do Bên A (A 5) vi phạm Hợp đồng. Nguyên đơn là bên vi phạm hợp đồng giữa hai bên, bị đơn đã thực hiện đúng và đủ theo hợp đồng. Do đó, bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng trước hạn, gây thiệt hại cho bị đơn do bị mất quyền thu phí trong 02 năm 04 tháng.
Tại đơn yêu cầu phản tố ngày 01 tháng 3 năm 2017, bị đơn yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán các khoản tiền sau: Số tiền bị đơn bị thiệt hại là 184.465.430.167 đồng và khoản phạt vi phạm hợp đồng theo Điều 6.4 phụ lục hợp đồng kinh tế là 10.000.000.000 đồng. Tổng cộng là 194.465.430.167 đồng Tại đơn thay đổi yêu cầu phản tố ngày 20 tháng 7 năm 2017, bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố, cụ thể: Bị đơn yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán các khoản tiền sau:
1. Khoản bồi thường thiệt hại do bị mất thu phí trong khoản thời gian 02 năm 04 tháng (28 tháng), gồm: Doanh thu bị mất trong 28 tháng sau khi trừ chi phí cho hoạt động thu phí hàng tháng tính theo doanh thu trung bình của 06 tháng đầu năm 2015 là 5.999.465.000 đồng/tháng: 28 tháng x 5.999.465.000 đồng = 167.985.020.000 đồng; Chi phí tiếp tục phải trả cho nguyên đơn nếu tiếp tục thu phí trong 28 tháng: Số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn theo Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng (theo hợp đồng thì bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 404.022.596.458 đồng), tính đến ngày bị chấm dứt thu phí bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn số tiền 375.504.018.625 đồng. Do đó, khi tiếp tục thu phí cho khoảng thời gian 28 tháng còn lại, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền: 404.022.596.458 đồng – 375.504.018.625 đồng = 28.515.577.833 đồng. Tổng số tiền bị đơn bị thiệt hại sau khi trừ tất cả chi phí liên quan là 167.985.020.000 đồng - 28.515.577.833 đồng = 139.469.442.167 đồng;
2. Khoản phạt vi phạm hợp đồng theo Điều 6.4 phụ lục hợp đồng kinh tế là 10.000.000.000 đồng.
Tổng cộng nguyên đơn phải trả cho bị đơn số tiền 149.469.442.167 đồng.
Bị đơn đã nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố nêu trên vào ngày 07 tháng 3 năm 2017 theo biên lai thu số: AA/2016/0019192 tại Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh và đã được Toà án thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố nêu trên.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trình bày:
Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam biết việc nguyên đơn chuyển nhượng quyền thu phí tại trạm thu phí T cho bị đơn. Ngày 30 tháng 5 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số: 1861/QĐ-UBND chấm dứt thu phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí T và xử lý các vấn đề liên quan sau khi chấm dứt thu phí vì căn cứ vào thoả thuận của các bên, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và đề xuất của nguyên đơn. Đối với số tiền thu phí thừa là 13.518.150.553 đồng thì nguyên đơn phải nộp ngân sách Nhà nước không phụ thuộc vào tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giữa nguyên đơn và bị đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18 tháng 8 năm 2022:
- Bị đơn vắng mặt tại phiên toà không có lời trình bày.
- Nguyên đơn không có ý kiến gì về việc bị đơn vắng mặt cũng như việc Toà án xem xét đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.
Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 212/2022/KDTM-ST ngày 15/9/2022 của Toà án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147, điểm c khoản 2 Điều 227, khoản 1 và khoản 3 Điều 228, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 400, 401 và 407 của Bộ luật Dân sự năm 1995; khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 222, các Điều 226, 227, 228 của Luật Thương mại năm 1997; khoản 2 Điều 292, Điều 300, Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005; Điều 11 và Điều 13 của Nghị quyết số: 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án năm 2009; khoản 2 Điều 18, khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 48 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP.
Buộc bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B có nghĩa vụ thanh toán cho Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP tổng số tiền là 122.546.777.019 (Một trăm hai mươi hai tỷ, năm trăm bốn mươi sáu triệu, bảy trăm bảy mươi bảy ngàn, không trăm mười chín) đồng, gồm: Tiền đầu tư còn lại theo hợp đồng là 28.518.577.833 (Hai mươi tám tỷ, năm trăm mười tám triệu, năm trăm bảy mươi bảy ngàn, tám trăm ba mươi ba) đồng; Tiền chênh lệch nghĩa vụ là 25.542.777.121 (Hai mươi lăm tỷ, năm trăm bốn mươi hai triệu, bảy trăm bảy mươi bảy ngàn, một trăm hai mươi mốt) đồng; Tiền phí thu thừa là 13.518.150.553 (Mười ba tỷ, năm trăm mười tám triệu, một trăm năm mươi ngàn, năm trăm năm mươi ba) đồng; Tiền lãi chậm thanh toán tạm tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2022 là 44.967.271.512 (Bốn mươi bốn tỷ, chín trăm sáu mươi bảy triệu, hai trăm bảy mươi mốt ngàn, năm trăm mười hai) đồng; Phạt vi phạm hợp đồng là 10.000.000.000 (Mười tỷ) đồng, theo Hợp đồng kinh tế số:
3939/HĐKT ngày 17 tháng 11 năm 2003; Phụ lục hợp đồng kinh tế số 3086/PL- HĐKT ngày 20 tháng 7 năm 2004.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005.
2. Đình chỉ giải quyết toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B về việc yêu cầu Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP bồi thường thiệt hại do bị mất thu phí trong khoản thời gian 02 năm 04 tháng (28 tháng) sau khi trừ tất cả chi phí liên quan là 139.469.442.167 đồng; phạt vi phạm hợp đồng là 10.000.000.000 đồng, tổng cộng là 149.469.442.167 đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
3. Về án phí:
Sung công quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng án phí đối với yêu cầu phản tố mà Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B đã nộp là 151.232.715 (Một trăm năm mươi mốt triệu, hai trăm ba mươi hai ngàn, bảy trăm mười lăm) đồng theo biên lai thu số: AA/2016/0019192 ngày 07 tháng 3 năm 2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Số tiền tạm ứng án phí này Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành theo Quyết định thi hành án số: 2408/QĐ-CCTHADS ngày 24 tháng 7 năm 2018.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 230.546.777 (Hai trăm ba mươi triệu, năm trăm bốn mươi sáu ngàn, bảy trăm bảy mươi bảy) đồng, được trừ vào số tiền án phí đã nộp là 12.312.528 (Mười hai triệu, ba trăm mười hai ngàn, năm trăm hai mươi tám) đồng theo Quyết định thi hành án số: 2408/QĐ-CCTHADS ngày 24 tháng 7 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B còn phải nộp 218.234.249 (Hai trăm mười tám triệu, hai trăm ba mươi bốn ngàn, hai trăm bốn mươi chín) đồng.
Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Trả lại cho Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP số tiền án phí đã nộp là 199.147.680 (Một trăm chín mươi chín triệu, một trăm bốn mươi bảy ngàn, sáu trăm tám mươi) đồng theo Quyết định thi hành án số: 2407/QĐ- CCTHADS ngày 24 tháng 7 năm 2018, Quyết định thi hành án số: 2409/QĐ- CCTHADS ngày 24 tháng 7 năm 2018, Quyết định uỷ thác số: 178/QĐ- CCTHADS và số: 179/QĐ-CCTHADS ngày 20 tháng 8 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; Văn bản số: 579/CV- CCTHADS ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận H, thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19 tháng 9 năm 2022 bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vắng mặt do ốm nặng nằm bệnh viện đã điện thoại báo cho thư ký phiên tòa là không thể tham gia phiên tòa do tình thế bất khả kháng nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn nên đề nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B có Bà Đỗ Thị K trình bày: Trên đường đi đến phiên tòa, khoảng 13 giờ 40 phút ngày 15/9/2022, bà K bị chóng mặt, đau tức ở ngực, khó thở, không thể tiếp tục di chuyển được nên buộc phải đi cấp cứu và khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Quận H. Qua khám bệnh, bác sỹ có cho bà K chụp phim, đo điện tim và chẩn đoán bị hậu nhiễm Sars-Cov2, cơn đau thắt ngực, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn và được Bệnh viện chỉ định nghỉ bệnh từ ngày 15/9/2022 đến ngày 17/9/2022. Do sự việc xảy ra đột xuất và sát giờ xét xử sơ thẩm, bà K thông báo qua điện thoại với Thư ký phiên toà (ông Bùi Ngọc Khánh H - theo số điện thoại 093xxxxxxx) để thông báo về tình trạng bệnh và đề nghị thông báo cho Thẩm phán chủ tọa để được hoãn phiên toà.Tuy nhiên, Toà án sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, đình chỉ toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty B, sung số tiền tạm ứng án phí của bị đơn đã đóng vào công quỹ nhà nước. Trong khi vụ án tranh chấp kéo dài từ năm 2016 đến nay, có rất nhiều nội dung và vấn đề cần được làm sáng tỏ; các bên đương sự cần được trình bày, chứng minh.Việc tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử vắng mặt Bị đơn là không khách quan; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty B. Đề nghị hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày: Yêu cầu phản tố của bị đơn không có cơ sở, việc tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt người đại diện theo ủy quyền của bị đơn không liên quan đến nguyên đơn, đề nghị hội đồng xét xử cấp phúc thẩm bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của bị đơn cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã nhận được thông báo của bị đơn về việc bệnh đột xuất đang nằm trong bệnh viện nhưng không hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử và đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn, tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự là có căn cứ do đó đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho tòa án Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Tại phiên tòa hôm nay bị đơn không rút đơn kháng cáo, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện. Các đương sự không hòa giải thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định pháp luật.
[1] Xét hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí giữa các bên là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa hai tổ chức có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B có địa chỉ trụ sở làm việc tại Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, do đó Tòa án nhân dân Quận 1 xét xử sơ thẩm là phù hợp quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015; Đơn kháng cáo của Bị đơn được nộp trong thời hạn quy định là hợp lệ, nên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp qui định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
[2] Xét kháng cáo của Bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Căn cứ Quyết định hoãn phiên tòa số 5408/2022/QĐST-KDTM ngày 18/8/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh xác định phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tiến hành vào lúc 14 giờ ngày 15/9/2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1. Bà Đỗ Thị K là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B xác nhận đã được Tòa án cấp sơ thẩm tống đạt hợp lệ giấy triệu tập và Quyết định hoãn phiên tòa số 5408/2022/QĐST-KDTM ngày 18/8/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1, đã chuẩn bị tham gia phiên tòa xét xử vụ án nhưng ngay trong thời điểm bị đơn đang trên đường di chuyển đến trụ sở Tòa án Quận 1 để tham gia phiên tòa thì bị ốm phải vào bệnh viện Quận H khám bệnh. bà K đã gọi điện thoại cho ông Bùi Ngọc Khánh H (là thư ký phiên tòa sơ thẩm) vào lúc 14 giờ 02 phút để thông báo bị bệnh nặng đang ở bệnh viện Quận H khám bệnh và làm các xét nghiệm đo điện tim, chụp chiếu tim phổi theo chỉ định của bác sỹ bệnh viện Quận H, không thể có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án nên đề nghị được hoãn phiên tòa. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn trình bày: do thời điểm tòa cấp sơ thẩm mở phiên tòa bà K đang bị chóng mặt, đau tức ở ngực, khó thở và đang làm các chỉ định đo điện tim, chụp chiếu tim phổi theo chỉ định của bệnh viện nên bà K không thể đến tòa án cấp sơ thẩm nộp hồ sơ bệnh án cho Hội đồng xét xử tòa án cấp sơ thẩm. Kèm theo đơn kháng cáo bị đơn xuất trình chứng cứ tại tòa án cấp phúc thẩm bản chính hồ sơ bệnh án gồm: Sổ khám bệnh (số hồ sơ 2282269), Đơn thuốc đề ngày 15/9/2022, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đề ngày 15/9/2022, Phim chụp và Đo điện tim ngày 15/9/2022 của Bà Đỗ Thị K thể hiện chụp vào lúc 14:19:45 ngày 15/9/2022 và giấy xác nhận của bác sỹ Phòng khám Đa khoa bệnh viện Quận H – Cơ sở 2 xác nhận tình trạng bà K vào bệnh viện Quận 1 lúc 13g45 phút ngày 15/9/2022 trong trạng thái: chóng mặt, tức ngực, khó thở. Qua khám bệnh, chụp phim, điện tim, bệnh viện chẩn đoán bà K bị “hậu nhiễm Sar-Cov2, Viêm phế quản cấp, cơn đau thắt ngực, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn..” Bác sĩ kê đơn thuốc và cho nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm 03 ngày từ ngày 15/9/2022 đến ngày 17/9/2022.
[2.2] Xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B kháng cáo, khiếu nại và xuất trình được các tài liệu chứng cứ chứng minh ngay trong thời điểm người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đang trên đường đến Tòa án cấp sơ thẩm để tham gia phiên tòa thì bị ốm nặng phải vào bệnh viện nên họ không thể có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo Biên bản xác minh ngày 20/12/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện: Các tài liệu hồ sơ bệnh án do bà K cung cấp cho Tòa án cấp phúc thẩm là đúng do bệnh viện Quận H phát hành và hồ sơ bệnh án của bà K hiện tại vẫn đang được ghi nhận lưu trữ trên hệ thống của bệnh viện Quận H. Xét thấy trường hợp vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 15/9/2022 của bà K với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của Bị đơn là vắng mặt do bị bệnh nặng đột xuất phải vào bệnh viện (bác sỹ tại bệnh viện Quận H xác nhận tình trạng khi bà K vào bệnh viện bị đau tức ngực, khó thở do bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn và viêm hô hấp cấp) do đó căn cứ Hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì sự vắng mặt của đại diện hợp pháp của Bị đơn trong trường hợp này là vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng nên không thể có mặt tại phiên tòa, do đó căn cứ Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Hội đồng xét xử sơ thẩm phải hoãn phiên toà.
Việc Tòa án nhân dân Quận 1 cho rằng đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai vẫn tiến hành xét xử, đình chỉ toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn - Công ty B về việc yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại với số tiền 149.469.442.167 đồng, đồng thời quyết định sung vào công quỹ Nhà nước số tiền tạm ứng án phí phản tố là 151.232.715 đồng mà bị đơn đã nộp là không đúng với quy định tại Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Với phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tại phiên tòa về việc Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là có căn cứ, cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Do hủy bản án sơ thẩm về thủ tục tố tụng nên yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B về nội dung giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử không đề cập đến. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ Khoản 3 Điều 308 và Khoản 2 Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
QUYẾT ĐỊNH
1. Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 212/2022/KDTM-ST ngày 15/9/2022 của Tòa án nhân dân Quận 1 xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí" giữa nguyên đơn Tổng Công ty Xây dựng A – CTCP và bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.
2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại B số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) theo biên lai số AA/2022/0000379 ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí số 37/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 37/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 09/01/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về