Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 973/2018/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 973/2018/KDTM-ST NGÀY 20/07/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong các ngày 13 tháng 7 năm 2018 và ngày 20 tháng 7 năm 2018 tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 161/2016/TLST-KDTM ngày 14/12/2016 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2280/2018/QĐXXST-KDTM ngày 18 tháng 5 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 4475/2018/QĐ-HPT ngày 15/6/2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần máy công cụ và thiết bị T Địa chỉ: 79-81 XL HN, Phường TĐ, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Quốc T – có mặt Địa chỉ: Phòng 1108, Tòa nhà S, 115 NH, Phường BN, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh

Bị đơn: Công ty Bảo hiểm HF Địa chỉ trụ sở: 163 S, Jongnogu, Seoul, Hàn Quốc Địa chỉ văn phòng đại diện: Phòng 710 Cao ốc S, NH, Phường BN, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Sĩ Hải Q – có mặt Địa chỉ: Tòa nhà M, Phòng 4.4 - 4.6, 39 LD, Phường BN, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty HWC– vắng mặt.

Địa chỉ: 10F L Tower, #837-36 Y, KNK, Seoul, Hàn Quốc

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và tại Tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Vào ngày 10/02/2015, Công ty Cổ phần máy công cụ và thiết bị T ( sau đây gọi là Công ty T) có ký hợp đồng mua bán số 02/2015N/IM/HĐ với Công ty HWCđể mua lô hàng gồm 02 máy công cụ là CNC Turing Center Huyndai Wia, Model: L2100SY và Vertical Machining Center Huyndai Wia, Model F500VM với số tiền là 211.211 USD. Trước đó, nguyên đơn đã ký hợp đồng mua bán số 05-2015/HĐMB-TAT ngày 05/02/2015 để bán lô hàng trên cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp AL.

- Theo thỏa thuận tại hợp đồng mua bán số 02/2015N/IM/HĐ ngày 10/02/2015 thì lô hàng trên được Công ty HWC là bên bán hàng mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm HF cho việc vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam theo hợp đồng bảo hiểm số S1511BL09623 ngày 10/6/2015 mà Công ty HWC đã ký kết với Công ty Bảo hiểm HF. Theo hợp đồng bảo hiểm thì giá trị bảo hiểm là 110/100 tương đương 232.332,10 USD.

- Khi Lô hàng về đến Cảng Đà Nẵng – Việt Nam và sau đó trên đường từ Cảng Đà Nẵng về kho của Công ty TNHH MTV Công nghiệp AL thì xảy ra sự cố làm rơi hàng. Hiện lô hàng chưa giao cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp AL mà vẫn đang được lưu giữ tại kho hàng của Công ty T. Do Công ty HWC đã mua bảo hiểm hàng hóa cho lô hàng trên nên Công ty T đã có văn bản thông báo với Công ty bảo hiểm HF để yêu cầu bồi thường nhưng đã bị từ chối với lý do lô hàng trên chỉ được bảo hiểm từ cảng Busan – Hàn Quốc đến cảng Đà Nẵng – Việt Nam.

Nay Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn là Công ty Bảo hiểm HF phải thanh toán số tiền bảo hiểm là 232.332,10 USD tương đương 5.226.892.000 đồng Việt Nam.

Phần trình bày của đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

Bị đơn xác nhận Công ty HWC có mua bảo hiểm thông qua Công ty HG Co. Ltd cho lô hàng gồm 02 máy công cụ là CNC Turing Center Huyndai Wia, Model: L2100SY và Vertical Machining Center Huyndai Wia, Model F500VM theo đúng như phần trình bày của nguyên đơn. Bị đơn cũng xác nhận Công ty T là người mua lô hàng trên và thụ hưởng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải số S1511BL09623 ngày 10/6/2015 với giá trị bảo hiểm. Bị đơn cho rằng tổn thất đối với lô hàng của nguyên đơn không thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm hàng hải số S1511BL09623 ngày 10/6/2015 vì bị đơn chỉ bảo hiểm cho lô hàng trong quá trình vận chuyển bằng đường biển từ cảng Busan - Hàn Quốc về đến cảng Đà Nẵng -Việt Nam. Do đó, bị đơn chỉ bảo hiểm lô hàng cho đến khi lô hàng được giao đến cảng Đà Nẵng và trách nhiệm bảo hiểm của bị đơn đã chấm dứt vào ngày 18/6/2015 là ngày mà lô hàng được bốc dỡ từ cảng Đà Nẵng lên bờ. Giữa nguyên đơn và bị đơn cũng không có thỏa thuận về việc bị đơn sẽ bảo hiểm cho lô hàng trong quá trình lô hàng được vận chuyển bằng đường bộ từ cảng Đà Nẵng về kho của Công ty AL (khách hàng mua hàng của nguyên đơn). Trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn và Công ty HWC cũng thể hiện rõ việc giao hàng cho Nguyên đơn kết thúc tại Cảng Đà Nẵng.

Việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bảo hiểm hàng hóa ngoài phạm vi bảo hiểm đã ký kết tại hợp đồng nên Công ty Bảo hiểm HFCo.LTD đã từ chối bảo hiểm. Do vậy bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Tại điểm b khoản 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam chỉ giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi bị đơn có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam và tranh chấp đó phát sinh có liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên do Công ty Bảo hiểm HFCo.LTD trực tiếp ký hợp đồng bảo hiểm là pháp nhân được thành lập tại Hàn Quốc và tranh chấp phát sinh không liên quan đến hoạt động của văn phòng đại diện của bị đơn tại Việt Nam nên vụ việc tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn không có thẩm quyền của Tòa án Việt nam.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày ý kiến tại phiên tòa:

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đảm bảo trình tự thủ tục pháp luật quy định.

-Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền giải quyết và quan hệ pháp luật: căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm số S1511BL09623 ngày 10/6/2015 và phần trình bày của các bên đương sự có mặt tại phiên tòa thì có cơ sở xác định hợp đồng bảo hiểm được thực hiện từ cảng Busan- Hàn Quốc đến cảng Đà Nẵng- Việt Nam cho thấy hợp đồng được thực hiện một phần tại lãnh thổ Việt Nam. Nguyên đơn là người thụ hưởng bảo hiểm là thuộc trường hợp đương sự có liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng dân sự. Nguyên đơn có trụ sở tại 79-81 XL H , Phường TĐ, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nên căn cứ khoản 3 Điều 35; điểm c khoản 1 điều 37; điểm c, g khoản 1 Điều 40 ; điểm d,e khoản 1, khoản 2 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về sự vắng mặt của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan-Công ty HWC: Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp thông báo việc thụ lý vụ án và ngày giờ mở phiên họp hòa giải, phiên tòa xét xử vụ án cho Công ty HWCtại địa chỉ: 10F L Tower, #837-36 Y, KNK, Seoul, Hàn Quốc đúng quy định pháp luật nhưng Công ty HWC vẫn không đến Tòa án nên căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 227, Khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt Công ty HWC.

[3] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Hội đồng xét xử nhận định như sau: [3.1] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được các bên đương sự giao nộp, tiếp cận, công khai tại tòa cũng như sự xác nhận của các đương sự tại phiên tòa thì có cơ sở xác định: Công ty HWC có mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm HFCo.LTD thông qua Công ty HG Co. Ltd cho lô hàng gồm 02 máy công cụ là CNC Turing Center Huyndai Wia, Model: L2100SY và Vertical Machining Center Huyndai Wia, Model F500VM và Công ty T là người mua lô hàng trên nên được xác định là người thụ hưởng bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hàng hải số S1511BL09623 ngày 10/6/2015. Giá trị bảo hiểm là 110/100 tương đương 232.332,10 USD.

[3.2] Về phạm vi bảo hiểm: Theo lời trình bày của phía Nguyên đơn tại phiên tòa cho rằng Công ty HWC mua bảo hiểm lô hàng từ cảng Busan Hàn Quốc đến tận kho hàng chứ không phải chỉ tới cảng Đà nẵng. Xét thấy: ngoài lời khai thì nguyên đơn không có tài liệu nào để chứng minh cho trình bày của mình nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận phần trình bày của phía nguyên đơn. Như vậy, Căn cứ hợp đồng bảo hiểm hàng hải số S1511BL09623 ngày 10/6/2015 do chính nguyên đơn cung cấp thì thể hiện lô hàng trên được bảo hiểm theo “hợp đồng bảo hiểm hàng hóa trên tàu”. Nội dung bảo hiểm cũng ghi nhận từ cảng Busan- Hàn Quốc đền cảng Đà nẵng –Việt Nam. Điều này cho thấy phạm vi bảo hiểm đối với lô hàng trên là bảo hiểm hàng hóa trên tàu. bị đơn chỉ bảo hiểm lô hàng cho đến khi lô hàng được giao đến cảng Đà Nẵng và trách nhiệm bảo hiểm của bị đơn đã chấm dứt vào ngày 18/6/2015 là ngày mà lô hàng được bốc dỡ từ cảng Đà Nẵng lên bờ. Sự việc lô hàng trên đã được bốc dỡ khỏi Cảng Đà Nẵng và bị tai nạn trên đường vận chuyển về kho hàng trên đất liền nếu có xảy ra hư hỏng mất mát như phần trình bày của nguyên đơn cũng không còn thuộc phạm vi bảo hiểm. Việc Công ty Bảo hiểm HFCo.LTD từ chối bảo hiểm do không thuộc phạm vi bảo hiểm như đã nêu trên là có cơ sở.

[3.3] Về giá trị thiệt hại: Nguyên đơn cho rằng hàng hóa hư hỏng do bị tai nạn và giá trị yêu cầu bồi thường là 110/100 tương đương 232.332,10 USD. Để chứng minh, nguyên đơn có xuất trình các biên bản giám định hiện trường lập ngày 07/7/2015 và ngày 14/10/2015; Biên bản giám định tình trạng hàng hóa lập ngày 26/9/2015; Báo cáo giám định cuối cùng ngày 30/6/2015 đều do Công ty TNHH giám định Bảo Định lập. Tại phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đều trình bày không có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định tổn thất. Xét thấy: toàn bộ các nội dung của các tài liệu nêu trên chỉ ghi nhận tình trạng hàng hóa mà không ghi nhận cụ thể giá trị thiệt hại. Báo cáo giám định cũng không được phải Cục giám định quốc gia có trụ sở tại Đà Nẵng phê duyệt như thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nên không có cơ sở để xác định giá trị thiệt hại của lô hàng để yêu cầu bồi thường như phần trình bày của nguyên đơn. Nói cách khác thì nghĩa vụ chứng minh giá trị tổn thất để yêu cầu bảo hiểm là thuộc về nguyên đơn nhưng nguyên đơn không chứng minh được có tổn thất xảy ra và xác định giá trị tổn thất nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận trình bày của nguyên đơn.

[3.4] Từ những phân tích trên, xét thấy việc Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo hiểm HF phải thanh toán số tiền bảo hiểm 232.332,10 USD tương đương 5.226.892.000 đồng Việt Nam nhưng nguyên đơn không chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

[4] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty T không được chấp nhận nên căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ quốc hội ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án thì Công ty T phải chịu toàn bộ số tiền án phí sơ thẩm là 113.226.892 đồng tính trên yêu cầu tranh chấp về số tiền 5.226.892.000 đồng nhưng không được chấp nhận. Bị đơn không phải chịu án phí sơ thẩm.

[5] Về chi phí ủy thác: Nguyên đơn phải chịu chi phí ủy thác. Nguyên đơn đã nộp đủ chi phí ủy thác.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 3 Điều 35; điểm c khoản 1 điều 37; điểm c,g khoản 1 Điều 40 ;

điểm d,e khoản 1, 2 Điều 469 khoản Điều 203, Điều 220, Điều 227, Điều 228, Điều 229 và khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH 12 của Ủy ban thường vụ quốc hội ngày 27 tháng 02 năm 2009 quy định về án phí, lệ phí Tòa án Xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc: Buộc Công ty Bảo hiểm HF phải thanh toán cho Công ty Cổ phần máy thiết bị và công cụ T số tiền là 232.332,10 USD tương đương 5.226.892.000 đồng Việt Nam là giá trị bảo hiểm đối với lô hàng gồm 02 máy công cụ là CNC Turing Center Huyndai Wia, Model: L2100SY và Vertical Machining Center Huyndai Wia, Model F500VM .

2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty Cổ phần máy công cụ và thiết bị T phải chịu án phí là 113.226.892 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 56.613.446.000 đồng theo biên lai thu tiền số AA/2014/0003664 ngày 30/3/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Cổ phần máy công cụ và thiết bị T phải nộp thêm số tiền là 56.613.446.000 đồng.

3. Thi hành tại cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

4. Về quyền kháng cáo của các đương sự: Các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Công ty HWC có quyền kháng cáo là một tháng kể từ ngày bản án được tống đạt hoặc niêm yết hợp lệ.

Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

230
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 973/2018/KDTM-ST

Số hiệu:973/2018/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về