Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 876/2017/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 876/2017/KDTM-PT NGÀY 21/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 19 và ngày 21 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 61/2017/TLPT-KDTM ngày 30 tháng 6 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng đồng bảo hiểm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 885/2017/KDTM-ST ngày 25 tháng 5 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng đồng bảo hiểm” của Tòa án nhân dân Quận 1 bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 607/2017/QĐ-PT ngày 31 tháng 7 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 529/2017/QĐ-PT ngày 28/8/2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Cổ Phần A.

Địa chỉ: Đường M, phường N, Quận L, TP.HCM Đại diện theo ủy quyền:

1. Bà Phạm H, sinh năm 1973 Địa chỉ: Đường T, phường N, Quận S, TP.HCM.

2. Bà Trần Thị C, sinh năm 1975 Địa chỉ: Đường H, phường T, Quận M, TP.HCM.

3. Bà Trần K, sinh năm 1971 Địa chỉ: Đường S, phường N, Quận E, TP.HCM.

(Văn bản ủy quyền số 0369/2016-BM/VP ngày 21/3/2016).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn H. Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV XYZ- thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.

Bị đơn: Tổng Công ty B.

Địa chỉ: Đường S, phường N, Quận E, thành phố Hà Nội. Đại diện theo ủy quyền:

1. Bà Trương T, sinh năm 1965 Địa chỉ: Đường Q, phường Y, Quận V, thành phố Hà Nội.

2. Ông Huỳnh Thiên L, sinh năm 1981 Địa chỉ: Đường E, phường T, Quận C, TP.HCM.

(Văn bản ủy quyền số 2488/UQ-BHBV ngày 08/7/2016). (Các đương sự và Luật sư có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm có nội dung:

- Đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 04/01/2008, Công ty Cổ Phần A (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty A) cấp Đơn bảo hiểm thân tàu số AD0004/08BA003HH cho Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương V (sau đây gọi tắt là V) Tên tàu: A.V; Số tiền bảo hiểm: 60.000.000 Đô la Mỹ.

Ngày 30/01/2008, Tổng Công ty A Thông báo thu phí bảo hiểm thân tàu cho V; ngày 05/02/2008, V có văn bản số 192H/CV-PC-VTVD đề nghị gia hạn phí bảo hiểm HULL kỳ 01, kỳ 02/2008 của tàu A.V; ngày 06/02/2008, Tổng Công ty A có Giấy sửa đổi bổ sung số AD0004/08BA003HH/0802 chấp thuận đề nghị gia hạn đóng phí bảo hiểm tàu A.V đến ngày 15/8/2008 (kỳ 1) và 30/9/2008 (kỳ 2).

Ngày 06/3/2008, Tổng Công ty A và Công ty B (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty B Sài Gòn) là đơn vị phụ thuộc Tổng Công ty B (sau đây gọi tắt là Tổng Công ty B) ký Hợp đồng đồng bảo hiểm số CD0011/08PA003HH cam kết đồng bảo hiểm dịch vụ bảo hiểm thân tàu cấp cho tàu A.V; Tổng mức trách nhiệm: 60.000.000 USD; Tỷ lệ phí bảo hiểm: 0,5%/giá trị bảo hiểm/năm (Không bao gồm VAT); Tỷ lệ đồng bảo hiểm: Tổng Công ty A 70%, Tổng Công ty B Sài Gòn 30%.

Tháng 4/2008, tàu A.V bị sự cố máy đèn số 1 và 3, ngay sau khi xảy ra tổn thất, Tổng Công ty A đã thuê các Công ty giám định độc lập chuyên nghiệp và Công ty tính toán tổn thất có uy tín nước ngoài đánh giá nguyên nhân và mức độ tổn thất; đồng thời đã chuyển đầy đủ hồ sơ bồi thường cho Tổng Công ty B Sài Gòn xem xét. Theo báo cáo giám định tổn thất được xác định thuộc trách nhiệm bảo hiểm nên Tổng Công ty A đã đứng ra chi trả trước cho người được bảo hiểm số tiền là 792.283,52 USD, phí tính toán tổn thất trả cho MCO là 47.185 USD và phí giám định là 16.833USD.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng thì trách nhiệm đồng bảo hiểm của Tổng Công ty B Sài Gòn là 30% số tiền bồi thường và chi phí liên quan đến việc giải quyết sự cố cụ thể là: 256.890,5 USD [(792.283,52 USD + 47.185 USD + 16.833USD) x 30% ]; mặc dù Tổng Công ty A đã gửi công văn yêu cầu thanh toán nhiều lần nhưng Tổng Công ty B không thanh toán.

Tháng 8/2008 V đã chuyển cho Tổng Công ty A phí kỳ 1 và khi chi trả tiền bồi thường cho V, Tổng Công ty A đã cấn trừ số tiền phí còn lại; số tiền phí Tổng Công ty B Sài Gòn được hưởng 30% là 90.000 USD – 900 USD (trừ 1% phí quản lý) còn lại 89.100 USD Tổng Công ty A đề nghị cấn trừ vào số tiền bồi thường. Do đó Tổng Công ty A yêu cầu Tòa án buộc Tổng Công ty B phải thanh toán lại cho Tổng Công ty A số tiền là 167.790,5 USD quy ra tiền đồng Việt Nam là 3.254.974.320 đồng.

- Đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày:

Tổng Công ty B xác nhận Công ty B có ký kết Hợp đồng bảo hiểm số CD0011/08PA003HH ngày 06/3/2008 với Tổng Công ty A.

Ngày 05 và ngày 17/4/2008 sự cố máy đèn số 1 và 3 xảy ra, Tổng Công ty A chủ động giải quyết và không thông báo sự cố tới Tổng Công ty B Sài Gòn để cùng chỉ định giám định viên, lý toán viên để tính toán chi phí bồi thường. Hồ sơ bồi thường do Tổng Công ty A cung cấp không có kháng cáo hàng hải, nhật ký hàng hải, nhật ký máy, boong, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, hồ sơ sửa chữa chỉ có hóa đơn chi phí sửa chữa, không có giấy xác nhận của đăng kiểm về việc khắc phục triệt để các vụ tổn thất mà chỉ có giấy chứng nhận khắc phục hoàn toàn các sự cố máy đèn ngày 19/9/2009.

Ngày 14/8/2008, Tổng Công ty A đã nhận 01 kỳ phí từ khách hàng, nhưng đến ngày 29/6/2009 (sau gần 01 năm nhận được phí bảo hiểm) khi Tổng Công ty A gửi Công văn số 1525/2009-BM/BT cho Tổng Công ty B Sài Gòn thông báo sự cố và đề nghị phối hợp giải quyết, Tổng Công ty A vẫn chưa thực hiện thanh toán phí như quy định tại Điều 4 của hợp đồng. Do Tổng Công ty A đã vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hợp đồng đã ký giữa hai bên nên Tổng Công ty B Sài Gòn đã có Văn bản số 246/BVSG-QLBHHH ngày 08/3/2011, số 440/BVSG-QLBHHH ngày 06/5/2011 và 101/BVSG – QLBHHH ngày 15/02/2012 gửi Tổng Công ty A từ chối bồi thường.

Vụ việc đã dừng từ thời điểm tháng 3/2012 cho đến ngày 21/8/2015, Tổng Công ty A mới gửi lại văn bản đề nghị Tổng Công ty B xem xét giải quyết. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã hết thời hiệu khởi kiện, đề nghị Tòa án ra quyết định đình chỉ và trả lại đơn khởi kiện cho Tổng Công ty A.

Bản án sơ thẩm đã tuyên:

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Buộc Tổng Công ty B phải thanh toán cho Công ty Cổ Phần A số tiền là 3.254.974.320 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Tổng Công ty B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 97.099.486 đồng Hoàn lại Công ty Cổ Phần A số tiền tạm ứng án phí là 56.876.072 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0003982 ngày 26/5/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 05/6/2017, Bị đơn nộp đơn kháng cáo, với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định của pháp luật không phù hợp để xét xử mà không tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng đồng bảo hiểm dẫn đến việc xét xử không đúng pháp luật gây thiệt hại cho Bị đơn; Bị đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án vì Tòa án cấp sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng và vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện.

- Luật sư Trần Văn Toản đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh- Bà Trần Thị Thúy Ái- phát biểu có nội dung chính như sau: Nhận thấy Thẩm phán và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuân thủ đúng thủ tục tố tụng, các đương sự chấp hành đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

1. [Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm do Hội đồng xét xử tóm tắt là đúng như bản án sơ thẩm và không có đương sự nào cung cấp thêm chứng cứ mới. Xét Tòa án nhân dân Quận 1, TP.HCM thụ lý giải quyết tranh chấp về “hợp đồng đồng bảo hiểm”, giữa Công ty Cổ Phần A với Tổng Công ty B là đúng trình tự, thủ tục thẩm quyền. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định nên đơn kháng cáo hợp lệ].

2. [Xét kháng cáo của bị đơn cho rằng: tính đến thời điểm bồi thường vụ máy đèn Tổng Công ty A không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định: không có kháng cáo hàng hải, nhật ký hàng hải, nhật ký máy, boong, GCN khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, hồ sơ sửa chữa chỉ có hóa đơn chi phí sửa chữa, không có giấy xác nhận của đăng kiểm về việc khắc phục triệt để các vụ tổn thất mà chỉ có giấy chứng nhận khắc phục hoàn toàn các sự cố máy đèn ngày 19/09/2009….Xét tại Hợp đồng đồng bảo hiểm hai bên đã thỏa thuận:

"Điều 2: Khai thác, cấp đơn bảo hiểm và giải quyết khiếu nại 2.3 Trong trường hợp có tổn thất xảy ra:

- Tổng Công ty A sẽ là đầu mối tiếp nhận các thông tin tổn thất từ khách hàng, chỉ định giám định viên xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, phán quyết bồi thường. Tổng Công ty B Sài Gòn sẽ phối hợp với Tổng Công ty A trong việc thu thập các hồ sơ khiếu nại bồi thường (nếu được Tổng Công ty A yêu cầu) và hoàn toàn tuân thủ theo các phán quyết của Tổng Công ty A về nguyên nhân mức độ tổn thất/khiếu nại cũng như số tiền bồi thường cho khách hàng." - Tổng Công ty A có trách nhiệm thông báo cho Tổng Công ty B Sài Gòn mọi thông tin về tổn thất xảy ra nếu ước tính số tiền tổn thất thân tàu lớn hơn hoặc bằng 100.000 USD (cho 100% dịch vụ).

Điều 4: Thanh toán phí bảo hiểm và bồi thường.

+ Tổng Công ty A sẽ nhận 100% phí bảo biểm bao gồm VAT từ khách hàng (theo các kỳ đã thỏa thuận) và có trách nhiệm thông báo cho Tổng Công ty B Sài Gòn để Tổng Công ty B Sài Gòn phát hành hóa đơn tài chính gửi Tổng Công ty A. Sau khi nhận được hóa đơn Tổng Công ty A có trách nhiệm chuyển số phí bảo hiểm mà Tổng Công ty B Sài Gòn được hưởng theo tỉ lệ đồng bảo hiểm trong vòng 15 ngày kể từ ngày Tổng Công ty A nhận được phí bảo hiểm từ khách hàng.

Căn cứ vào thỏa thuận của hai bên được viện dẫn nêu trên thì khi xảy ra sự cố gây tổn thất cho khách hàng, Tổng Công ty A được quyền chủ động chỉ định giám định viên xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất, phán quyết bồi thường; Tổng Công ty B Sài Gòn sẽ phối hợp thu thập hồ sơ nếu được Tổng Công ty A yêu cầu và hoàn toàn tuân thủ theo phán quyết của Tổng Công ty A về nguyên nhân mức độ tổn thất cũng như số tiền bồi thường cho khách hàng. Sau khi có kết luận tính tổn thất của đơn vị giám định chuyên nghiệp là Phòng khiếu nại hàng hải Châu Á vào tháng 8/2009 mới xác định được mức tổn thất; tại mục 2.3 Điều 2 của hợp đồng hai bên không thỏa thuận thời hạn cụ thể Tổng Công ty A phải thông báo cho Tổng Công ty B Sài Gòn khi tổn thất xảy ra lớn hơn hoặc bằng 100.000 USD nên không có căn cứ để xác định ngày 26/9/2009 Tổng Công ty A mới thông báo tổn thất cho Tổng Công ty B Sài Gòn là chậm. Người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty B cho rằng Tổng Công ty A đã nhận phí bảo hiểm kỳ 1 nhưng không chuyển 30% cho Tổng Công ty B Sài Gòn là vi phạm Điều 4 của hợp đồng là không chính xác; vì, tại Điều 4 Hợp đồng hai bên thỏa thuận Tổng Công ty A sẽ nhận 100% phí bảo biểm bao gồm VAT từ khách hàng (theo các kỳ đã thỏa thuận), không phải là 100% phí bảo hiểm của mỗi kỳ; tính đến thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng, V chỉ mới chuyển phí bảo hiểm kỳ 1 cho Tổng Công ty A các kỳ còn lại đều được trừ vào số tiền bồi thường; do đó, việc Tổng Công ty A chưa chuyển phí bảo hiểm kỳ 1 theo tỷ lệ cho Tổng Công ty B Sài gòn là không vi phạm hợp đồng; hai bên không thỏa thuận cụ thể hồ sơ giải quyết bồi thường gồm những tài liệu nào; đồng thời, trong hợp đồng không có điều khoản nào thỏa thuận về điều kiện loại trừ trách nhiệm bồi thường, không xảy ra các trường hợp làm cho hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Do đó, những lý do Bảo hiểm Tổng Công ty B nêu ra để từ chối bồi thường là không có cơ sở chấp nhận].

3. [Xét kháng cáo của bị đơn cho rằng: Tranh chấp giữa Tổng Công ty A và Tổng Công ty B theo Hợp đồng đồng bảo hiểm không áp dụng điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm để tính thời hiệu vì Hợp đồng đồng bảo hiểm không phải là Hợp đồng bảo hiểm. Do vậy việc áp dụng luật tố tụng dân sự để tính thời hiệu khởi kiện mới đúng và cụ thể thời hiệu khởi kiện vụ án này là 2 năm. Xét thấy, theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định các doanh nghiệp bảo hiểm được hợp tác với nhau trong việc đồng bảo hiểm và tại Điều 4 hợp đồng đồng bảo hiểm hai bên đã thỏa thuận khi xảy ra tổn thất được bồi thường theo đơn bảo hiểm, Tổng Công ty A có trách nhiệm thanh toán cho khách hàng theo đúng quy định. Bảo hiểm Sài Gòn có trách nhiệm thanh toán cho Tổng Công ty A số tiền bồi thường theo tỉ lệ tương ứng với phần trách nhiệm của Bảo hiểm Sài Gòn như đã quy định tại Điều 1 của hợp đồng; do đó, thời điểm phát sinh tranh chấp được xác định là từ khi Tổng Công ty A thực hiện bồi thường cho V 30% số tiền bồi thường thuộc trách nhiệm của Bảo hiểm Sài Gòn là ngày 22/11/2013 tính đến ngày Tổng Công ty A nộp đơn khởi kiện 31/3/2016 thì vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện là 03 năm theo quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm].

4. [Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn đưa V vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đồng thời, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có Quyết định mở thủ tục tuyên bố phá sản đối với V;

Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: V không tham gia ký kết Hợp đồng đồng bảo hiểm số CD0011/08PA003HH ngày 06/3/2008, hiện tại V đã được Tổng Công ty A bồi thường và không có tranh chấp; khi giải quyết vụ án này không liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của V, do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa V vào tham gia tố tụng trong vụ án này là đúng pháp luật về tố tụng dân sự].

5. [Hội đồng xét xử nhận thấy: Tòa án cấp sơ thẩm xử buộc bị đơn phải thanh toán hoàn trả 30% số tiền bồi thường theo thỏa thuận trong Hợp đồng đồng bảo hiểm đã ký kết giữa hai bên cho nguyên đơn là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn].

Do Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1, Điều 308; Khoản 1, Điều 148; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 1, Điều 30 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty B.

- Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 885/2017/KDTM-ST ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân Quận 1, TP.HCM, về việc “Tranh chấp hợp đồng đồng bảo hiểm”, giữa: Công ty Cổ Phần A với Tổng Công ty B.

Cụ thể tuyên:

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Buộc Tổng Công ty B phải thanh toán cho Công ty Cổ Phần A số tiền là 3.254.974.320 (Ba tỷ hai trăm năm mươi bốn triệu chín trăm bảy mươi bốn ngàn ba trăm hai mươi) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Tổng Công ty B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 97.099.486 (Chín mươi bảy triệu không trăm chín mươi chín ngàn bốn trăm tám mươi sáu) đồng nộp tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Hoàn lại Công ty Cổ Phần A số tiền tạm ứng án phí là 56.876.072 (Năm mươi sáu triệu tám trăm bảy mươi sáu ngàn không trăm bảy mươi hai) đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2014/0003982 ngày 26/5/2016 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

- Án phí phúc thẩm: Tổng Công ty B phải chịu 2.000.000 (Hai triệu) đồng, được khấu trừ vào tiền tạm ứng kháng cáo đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2016/0019667 ngày 07/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

136
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 876/2017/KDTM-PT

Số hiệu:876/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về