Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 241/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 241/2023/DS-PT NGÀY 30/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 30 tháng 5 năm 2023, tại Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 464/TLPT-DS ngày 30 tháng 12 năm 2022 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 141/2022/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân quận Ninh Kiều bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa ra xét xử số 206/2023/QĐ-PT ngày 28 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn Bà Võ Kim L, sinh năm 1976.

Địa chỉ: 107/60/80 H, phường A, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Đại diện theo ủy quyền: Ông Huỳnh N sinh năm 1997. (có mặt) Địa chỉ: 116A T, phường H, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ 

2. Bị đơn Tổng Công ty BHBV Địa chỉ: 07 L, phường P, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V – Chức vụ: Tổng giám đốc.

Đại diện theo ủy quyền:

2.1 Ông Huỳnh Trường A1, sinh năm 1985 – chuyên viên Phòng Bảo hiểm số 11 tại Cần Thơ. (vắng mặt)

2.2 Bà Đỗ Minh A2, sinh năm 1998 chuyên viên Ban Pháp chế. (vắng mặt)

2.3 Ông Nguyễn Trần Phi L – Trưởng phòng giám định Bồi thường xe cơ giới Công ty BVCT. (Có mặt)

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn Bà Võ Kim L

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 19/02/2019 nguyên đơn có ký hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa với công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua bảo hiểm cho xà lan tự hành số đăng ký CT-07660 do nguyên đơn là chủ sở hữu, thời hạn từ 19/02/2019 đến 19/02/2020. Đến 06 giờ 30 phút ngày 06/01/2020 trong lúc xà lan đang neo đậu tại xã An Phú, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang thì xà lan xảy ra sự cố vô nước nhiều ở khu vực hầm mũi, thuyển trưởng cho lấy neo khởi động máy chạy vào bờ đi được khoảng 20m thì xà lan bị chìm gây tổn hại thân tàu máy móc và nhiều tài sản trên xà lan. Nguyên đơn đã thông báo cho công ty bảo hiểm nhưng công ty đã có văn bản trả lời không đồng ý bồi thường do đó nguyên đơn đã tự bỏ tiền ra sửa chữa, hiện nay chiếc xà lan này đang được nguyên đơn tiếp tục sử dụng. Nay, nguyên đơn đề nghị công ty Bảo hiểm phải bồi thường số tiền 527.205.420đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện;

bổ sung yêu cầu tính lãi đối với lãi suất 10% tính từ ngày 07/6/2020 đến 17/8/2022 là 115.668.000đồng. Tổng số tiền mà bị đơn phải thanh toán là 642.874.000đồng.

* Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Phía bị đơn thừa nhận có ký hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số CTH.D01.TS.19HD05 ngày 19/02/2019 với nguyên đơn. Khi xà lan của nguyên đơn xảy ra sự cố thì phía Công ty BVCT đã mời bên thứ ba giám định xác định nguyên nhân dẫn đế sự cố chìm xà lan. Theo kết quả báo cáo giám định của Công ty Cổ phần TĐ-GĐ CL (CVIC) thì nguyên nhân dẫn đến chìm xà lan là do hao mòn tự nhiên nên theo Quy tắc bảo hiểm của công ty thì không thuộc trường hợp được bảo hiểm, do đó Công ty Bảo Việt không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.

Phía bị đơn bảo lưu quan điểm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đồng thời bình luận thêm về số tiền khiếu nại hợp lý trong trường hợp này cần căn cứ vào Báo cáo giám định của phía Cửu Long là 341.690.159đồng.

Vụ việc được hòa giải nhưng không thành nên đưa ra xét xử, tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 141/2022/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân quận Ninh Kiều đã tuyên như sau:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Võ Kim L về việc buộc Tổng Công ty BHBV thanh toán tổng số tiền bảo hiểm là 642.874.000đồng.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm: nguyên đơn bà Võ Kim L phải chịu 29.714.960đồng (Hai mươi chín triệu, bảy trăm mười bốn ngàn, chín trăm sáu mươi đồng) chuyển tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp theo biên lai thu số 0001295 ngày 29/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều thành án phí. Bà Võ Kim L còn phải nộp thêm 17.166.760đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm: Ngày 29/8/2022: Nguyên đơn kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/5/2023:

Đại diện nguyên đơn: Vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu. Bản án sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, chưa đúng với các tình tiết sự thật khách quan của vụ án ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nguyên đơn.

Đại diện nguyên đơn xác định Bộ chứng thư Báo cáo giám định chưa được cung cấp tại giai đoạn sơ thẩm nên đề nghị Tòa án dừng phiên tòa để nguyên đơn được tiếp cận chứng cứ này và đề nghị triệu tập thêm Giám định viên của Công ty Cổ phần TĐ- GĐ CL và ông Nguyễn Văn T là Chủ Sà lan biết rõ các sự kiện khi phát sinh sự cố chìm tàu. Vì vậy, đề nghị triệu tập Giám định viên đến phiên tòa để giải thích cho kết luận để theo đó xác định lý do từ chối bảo hiểm và có thể mời thêm ông Nguyễn Thanh T để làm rõ sự kiện bảo hiểm. Trong hợp đồng ký kết lại xác định người thụ hưởng Bảo hiểm là Ngân hàng Công hương mà chưa lần nào đưa họ vào tham gia tố tụng.

Đại diện bị đơn bà Đỗ Minh A2 xác định: khi xảy ra sự cố chìm tàu phía Công ty Bảo hiểm từ chối bảo hiểm dựa theo Chứng thư của Công ty Cửu Long. Bà thừa nhận chứng thư này chưa cung cấp tại giai đoạn sơ thẩm, bà xin thời gian và đồng ý giao các tài liệu này cho Tòa án. Riêng đối với giám định viên thì việc triệu tập do Tòa án quyết định. Bà vẫn bảo lưu việc từ chối chi trả bảo hiểm cho nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

* Đại diện nguyên đơn: Vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu. Các cơ sở cụ thể như sau:

1. Khi bán bảo hiểm, người mua bảo hiểm, bà L không được giải thích về quy tắc bảo hiểm cũng không được cung cấp Bộ Quy tắc bảo hiểm nhưng khi từ chối bảo hiểm Công ty lại dựa theo quy định này để từ chối bảo hiểm. Công ty Bảo hiểm Bảo Việt không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào để xác định qui trình, địa điểm nội dung để xác định Công ty bảo hiểm đã thực hiện việc giải thích các quy tác về loại trừ bảo hiểm.

2. Ngay trong Giấy chứng nhận Bảo hiểm tàu Thủy nội địa: Quy tắc bảo hiểm cũng được ghi nhận bằng ký hiệu: “QTBH Bắt buộc – BTC”; và chính người đại diện tham gia bảo hiểm tại phiên tòa cũng không xác định vấn đề này có giải thích cho người mua bảo hiểm, kể cả Bộ chứng từ liên quan đến Kết luận bảo hiểm của Công ty Giám định nguyên đơn cũng chưa được nhận. Vì vậy, ngay cả quyền nhận kết luận, bà L không được biết nên cũng không thể thực hiện việc yêu cầu giám định lại nguyên nhân tổn thất. Đây thuộc lỗi của Công ty Bảo hiểm nên vì vậy Bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường 3. Thời gian xác định theo quy định tại Điều 3.8 là phải bồi thường tổn thất trong hạn 30 ngày nhưng Công ty Bảo hiểm đến 180 ngày tức 06 tháng mới ra Văn bản trả lời từ chối bảo hiểm.

Vì vậy, đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn theo như những phân tích nêu trên.

* Đại diện bị đơn cho rằng: Công ty khi bán Bảo hiểm có thực hiện việc giải thích cho khách hàng về quy tác Bảo hiểm và người mua Bảo hiểm có ký vào Hợp đồng bảo hiểm và đương nhiên phải biết Quy tắc bảo hiểm.

Trước khi phát hành Công văn Thông báo từ chối bồi thường, Công ty BVCT đã cung cấp cho bà Võ Kim L đọc và biết về nội dung Báo cáo giám định. Bà L được tiếp cần đọc và không có ý kiến với Báo cáo giám định của Công ty Cửu Long. Do đó, Kết luận mà người đại diện nguyên đơn đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng chủ tàu chưa từng được biết Báo cáo này là hoàn toàn không có căn cứ.

Trên cơ sở các quy định pháp luật, các tài liệu chứng có trong hồ sơ Bảo hiểm xác định tổn thất của Sà lan ngày 06/01/2020 tại Khu vực neo đậu không thuộc trách nhiệm bảo hiểm nên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là không có căn cứ đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

* Công ty Cổ phần TĐ-GĐ CL: Có văn bản số 220/23/CV đề ngày 29/5/2023: Nộp bổ sung 02 Chứng thư giám định vụ tổn thất Sà lan CT -07660 nhưng xin xét xử vắng mặt.

* Quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ:

Về thực hiện pháp luật: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý đến khi xét xử theo trình tự phúc thẩm. Các đương sự trong vụ án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự đối với người tham gia tố tụng. Đơn và thời hạn nộp tạm ứng kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định, có nộp tạm ứng án phí nên được xem là hợp lệ về mặt hình thức.

Về nội dung kháng cáo: Thấy rằng ngày 19/02/2019 hai bên có ký hợp đồng bảo hiểm, đến khi Sà lan của nguyên đơn xảy ra sự cố thì phía Công ty BVCT đã mời bên thứ ba giám định xác định nguyên nhân dẫn đế sự cố chìm xà lan. Theo kết quả báo cáo giám định của Công ty Cổ phần TĐ-GĐ CL và nguyên nhân dẫn đến chìm Sà lan là do hao mòn tự nhiên nên theo Quy tắc bảo hiểm của công ty thì không thuộc trường hợp được bảo hiểm, do đó Công ty Bảo Việt không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn như án sơ thẩm nhận được là có căn cứ.

Phía nguyên đơn cho rằng khi mua bảo hiểm không được nhận và cũng không được nhân viên bảo hiểm giải thích, hướng dẫn gì về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm. Án sơ thẩm cho rằng nguyên đơn đồng ý giao kết và ký tên vào hợp đồng bảo hiểm xem như mặc nhiên chấp nhận các điều khoản của Hợp đồng bảo hiểm Tại phiên tòa phúc thẩm, tuy Công ty Bảo hiểm xác định chưa cung cấp toàn bộ hồ sơ hình ảnh liên quan đến Chứng thư thẩm định cho Tòa án và kể cả nguyên đơn xác định cũng chưa được nhận nhưng nội dung này cũng không liên quan vì đã có kết luận nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Từ những phân tích trên, đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự: không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn: Giữ Y bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ đã được thẩm tra tại tòa phúc thẩm; Căn cứ vào kết quả tranh luận trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng khác.

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết Hợp đồng Bảo hiểm tàu thủy nội địa để mua bảo hiểm cho xà lan tự hành do nguyên đơn là chủ sở hữu. Do xà lan của nguyên đơn gặp sự cố chìm tàu nhưng không được phía bị đơn thanh toán tiền bảo hiểm nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền bảo hiểm theo như hợp đồng đã ký kết. Tranh chấp này được xác định là “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”. Do bị đơn có địa chỉ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nên Toà án sơ thẩm xác định thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 26, điểm b Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự là phù hợp.

[2] Về thủ tục hình thức kháng cáo: Nguyên đơn có đơn kháng cáo trong hạn luật định, có đóng tạm ứng án phí nên hợp lệ về mặt hình thức.

[3] Xét nội dung kháng cáo: Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn cũng là nội dung khởi kiện. Thấy rằng:

Các đương sự đều thừa nhận sà lan tự hành số đăng ký CT-07660 do nguyên đơn là chủ sở hữu được bảo hiểm bằng Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu thuỷ nội địa số: CTH.D01.TS.19HD05 vào ngày 19/02/2019 do Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cấp ngày 19/2/2019. Đến khi xảy Sà lan neo đậu tại đậu tại xã An Phú, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang xảy ra sự cố vô nước nhiều ở khu vực hầm mũi làm sà lan bị chìm gây tổn hại thân tàu máy móc và nhiều tài sản trên sà lan vào lúc 6g 30 phút ngày 06/01/2020. Như vậy, theo hồ sơ thì Sà lan vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm và việc xác định việc Sà lan chìm có phải là sự cố chủ quan hay khách quan, có hay không có lỗi của nguyên đơn cần thiết phải được đối chiếu và phân tích trong phần tiếp theo sau.

[4] Công ty Bảo hiểm thì cho rằng: Tại phần ghi chú của Giấy chứng nhận bảo hiểm có ghi: “Doanh nghiệp bảo hiểm đã cung cấp đầy đủ thông tin, qui tắc bảo hiểm cho chủ tàu, người được bảo hiểm; giải thích, hướng dẫn đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan”. Tuy nhiên, nguyên đơn lại cho rằng khi mua bảo hiểm bà chỉ được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm, còn Quy tắc bảo hiểm tàu thuỷ nội địa bà không được nhận và cũng không được nhân viên bảo hiểm giải thích, hướng dẫn gì về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm.

Hồ sơ chưa làm rõ người bán bảo hiểm có giải thích cụ thể khi bà L tham gia bảo hiểm hay không và cấp phúc thẩm đã đề nghị người đại diện của Công ty Bảo Việt xác định lại vấn đề này. Theo đó, đại diện Công ty bảo hiểm cũng không lý giải được vấn đề này và chỉ xác định khi xảy ra sự cố tranh chấp Công ty Bảo Việt mới đưa ra các Quy tắc này để làm căn cứ từ chối trách nhiệm bảo hiểm. Chính vì vậy, vấn đề này cần được đánh giá một cách thận trọng.

[5] Phía nguyên đơn cho rằng các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm mà bị đơn viện dẫn nguyên đơn chưa từng biết do chưa được giải thích rõ ràng và cũng không quy định rõ trong Hợp đồng bảo hiểm. Chính trong Giấy chứng nhận bảo hiểm, phần Quy tắc bảo hiểm được ghi bằng 1 dòng viết tắt rất đơn giản « QTBH bắt buộc – BTC » nên trong phần lập luận của đại diện nguyên đơn xác định lỗi chính của Công ty bảo hiểm là có.

Như vậy, tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm” và khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua...”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Trong khi đó, các bên đương sự đều thừa nhận ngoài cung cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm ngày 19/02/2019, theo Hợp đồng bảo hiểm phía Công ty Bảo hiểm cấp cho bà L cũng không được giải thích cụ thể về điều khoản loại trừ bảo hiểm.

[6] Đến khi xảy ra sự cố, bị đơn đã yêu cầu Công ty Cổ phần TĐ-GĐ CL xác định nguyên nhân dẫn đế sự cố chìm sà lan và căn cứ theo kết quả báo cáo giám định thì nguyên nhân dẫn đến chìm Sà lan là do “bộ phận lấy, xả nước vào hầm phao mũi của xà lan số CT-07660 bị xâm thực và ăn mòn làm phần tole ống sắt ngay vị trí nối với lường sà lan bị mòn (độ dày ngay vị trí bị gãy đo được là 0,5mm, độ dày ban đầu 10mm) dẫn đến bị gãy làm nước từ bên ngoài tràn vào hầm phao mũi…”. Từ cơ sở này của Kết luận giám định, Công ty Bảo Việt xác định đây là nguyên nhân hao mòn do tự nhiên và không chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm theo Điều 16, Điều 45 Luật kinh doanh bảo hiểm vì cho rằng điều này phù hợp với bộ Quy tắc Bảo hiểm tàu thủy nội địa và mục 5.1 và 5.2 Điều 5 của Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa là chưa có thuyết phục và gấy ảnh hưởng hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

[7] Thấy rằng, do Công ty Bảo hiểm không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với bà L dẫn đến việc bà L không nắm bắt được quy định về “loại trừ bảo hiểm”. Rõ ràng, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm bên bán bảo hiểm đã không giải thích cụ thể nên dẫn đến việc bà L không nắm bắt được quy định về “loại trừ bảo hiểm, do đó, không có cơ sở để áp dụng quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với bà L nên Tổng Công ty Bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường cho bà L.

[8] Án sơ thẩm cho rằng nguyên đơn chưa hiểu rõ các Điều khoản của hợp đồng nhưng vẫn đồng ý giao kết và ký tên vào hợp đồng bảo hiểm xem như mặc nhiên chấp nhận các điều khoản của Hợp đồng bảo hiểm theo khoản 1 Điều 405 Bộ luật dân sự là chưa hoàn toàn thuyết phục. Cần phải phân tích thêm về tổn thất do hao mòn tự nhiên để làm căn cứ xác định quan điểm cho nhưng lập luận này, theo quy tắc chung được hướng dẫn giải thích : « Bị tổn thất do hao mòn tự nhiên là do yếu tố tự nhiên khách quan dẫn đến hiện tượng suy giảm về chức năng và giá trị tài sản ».

Các Công ty bảo hiểm đối với sự kiện bảo hiểm xảy ra nhưng thông qua hoạt động giám định để làm căn cứ loại trừ bảo hiểm và cho rằng nguyên nhân hao mòn do tự nhiên là chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi nếu biết trước máy móc đã bị hao mòn tự nhiên, không ai đưa Sà Lan ra hoạt động rồi xảy ra sự cố để lấy tiền bảo hiểm đánh đổi tài sản và có khi là mạng sống của chính họ. Công ty Bảo hiểm cũng không thực hiện việc kiểm tra theo quy định trong hợp đồng trong suốt quá trình phương tiện lưu thông và khi xảy ra sự kiện pháp lý cần được bảo hiểm thì lại cho rằng lỗi này hoàn toàn của chủ phương tiện.

[9] Ngoài ra, theo Quy tắc Bảo hiểm tàu thuỷ nội địa tại khoản 1 Điều 8 có quy định những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm với quy định rất cụ thể « Tàu không đủ khả năng hoạt động, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực và các giấy chứng nhận khả năng hoạt động khác còn hiệu lực theo yêu cầu của cơ quan đăng kiểm ». Đối chiếu với các giấy tờ nguyên đơn cung cấp đủ đảm bảo : Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủ nội địa ngày cấp 11/4/2019 và ngày hết hiệu lực là 26/2/2020 nên khi Sà Lan xảy ra sự cố vào ngày 06/1/2020 là Sà lan trong thời hạn đăng kiểm và có đầy kèm theo các Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng ; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa… tất cả đều còn hiệu lực.

[10] Đối với việc nguyên đơn cho rằng bị đơn tự ý chỉ định Công ty thẩm định và không đồng ý với kết quả giám định của Công ty Cổ phần TĐ-GĐ CL. Thấy rằng:

Việc thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc theo các biên bản giám định, thẩm định hiện trạng ngày 17/01/2020 và ngày 12/02/2020 giữa Công ty Cổ Cửu Long tuy có làm việc với ông Nguyễn Văn Lá (thuyền trưởng), ông Nguyễn Thanh T (đại diện chủ phương tiện, chồng bà Võ Kim L) khi đó chỉ là thủ tục để Công ty Cửu Long tiến hành thẩm định, án sơ thẩm cho rằng nguyên đơn đồng ý với kết quả giám định là chưa đúng với bản chất sự việc bởi nguyên đơn sau khi có kết luận giám định đã thực hiện việc khởi kiện tại Toà án. Và chính tại các phiên toà Công Ty Bảo hiểm cũng xác định chưa cung cấp bổ sung hồ sơ kết luận của Công ty Cửu Long cho Toà án cũng như phía bà L. Chính vì vậy, bà L cũng mất đi cơ hội thực hiện việc khiếu nại hay yêu cầu một đơn vị nào khác thực hiện giám định lại. Và việc này cho đến nay không thể khắc phục được nên vì vậy lỗi hoàn toàn thuộc về Công ty Bảo hiểm.

Hơn nữa, việc xử lý khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, Công ty Bảo Việt đã để quá chậm; Thời gian xác định theo quy định tại Điều 3.8 là phải bồi thường tổn thất trong hạn 30 ngày nhưng Công ty Bảo hiểm đến 180 ngày tức 06 tháng mới ra Văn bản trả lời từ chối bảo hiểm.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của nguyên đơn là không là có cơ sở và vì vậy cần xem xét đánh giá để buộc Công ty Bảo hiểm phải trả khoản bồi thường thiệt hại những tổn thất của nguyên đơn sau sự cố chìm sà lan.

[11] Theo báo cáo giám định hiện trường và tham khảo giá vật tư tại thị trường thành phố Cần Thơ và khu vực lạn cận, Công ty thẩm định Cửu Long đã đưa ra chi phí khắc phục tổn thất sà lan hợp lý bao gồm các khoản như sau: 1. Sửa chữa thân tàu :

75.087.039đ;2. Chi phí sửa chứa máy chính + hộp số + máy phụ: 70.808.020đ; Hệ thống thuỷ lực: 19.200.000đ ; 4. Chi phí khác: 180.000.000đ ; 5. Thanh lý thu hồi: 3.404.900đ. Tổng cộng: 341.690.159đồng. Đối chiếu các chứng cứ theo hồ sơ cho thấy: số tiền nguyên đơn yêu cầu nhưng chưa đầy đủ hoá đơn và hợp lý nên cấp phúc thẩm căn cứ vào chính kết quả của Công ty Kiểm định đưa ra để làm cơ sở để để cấp phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, làm căn cứ để buộc bị đơn bồi thường cho nguyên đơn toàn bộ số tiền theo Báo cáo giám định của Công ty Cửu Long. Đây là số tiền hợp lý có căn cứ để buộc bồi thường. Phần này được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Phần yêu cầu vượt quá của nguyên đơn không được chấp nhận nên phải chịu án phí trên phần bị bác.

[12] Đối với yêu cầu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền của nguyên đơn: Do trong Giấy chứng nhận bảo hiểm các bên không có thỏa thuận về thời hạn phải trả tiền bảo hiểm nên Công ty Bảo hiểm không có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, không chấp nhận phần yêu cầu tính thêm lãi.

[13] Từ những phân tích nêu trên, chấp nhận sửa một phần bản án sơ thẩm về việc buộc trách nhiệm bồi thường như đã phân tích nêu trên.

[14] Về án phí sơ thẩm: Do sửa án sơ thẩm nên có điều chỉnh lại phần án phí, theo đó bị đơn phải chịu án phí trên trên cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 341.690.159đồng; Nguyên đơn yêu cầu số tiền 642.874.000đồng nhưng chỉ được chấp nhận với mức bồi thường khắc phục sự cố là 341.690.159đồng nên phải chịu án phí trên phần bị bác.

[15] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của kháng cáo được chấp nhận một phần nên nguyên đơn không phải chịu án phí.

[16] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát như đã nêu trên là chưa thống nhất với quan điểm với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận và như đã phân tích nêu trên. Đại diện Viện kiểm sát không đánh giá gì về việc thừa nhận của Bị đơn về việc không cung cấp Chứng thư kiểm định; Không làm rõ lỗi của bên Công ty Bảo hiềm mà chỉ dựa theo hồ sơ mà bị đơn cung cấp mà không xét đến những thiệt hại xảy ra mà chính những người mua bảo hiểm phải chịu. Vì vậy, hội đồng xét xử xem xét toàn diện các yếu tố có liên quan cũng như vận dụng các quy định của pháp luật về Luật kinh doanh bảo hiểm để tuyên trách nhiệm theo hồ sơ thu thập được.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

Khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo và một phần khởi kiện của nguyên đơn: sửa bản án sơ thẩm:

1.Buộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt có trách nhiệm bồi thương cho bà Võ Kim L số tiền là: 341.690.159đồng. (Ba trăm bốn mươi mốt triệu, sáu trăm chín mươi nghìn, một trăm năm mươi chín đồng).

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị đơn chậm thanh toán thì phải chịu tiền lãi chậm trả theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Không chấp nhận yêu cầu đối với yêu cầu tính tiền lãi đối với lãi suất 10% tính từ ngày 07/6/2020 đến 17/8/2022 là 115.668.000đồng.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bị đơn phải chịu là: 17.134.508đồng (Mười bảy triệu, một trăm ba mươi bốn nghìn, năm trăm lẻ tám đồng).

Nguyên đơn phải chịu án phí là 15.059.192đồng (Mười lăm triệu, không trăm năm mươi chín nghìn, một trăm chín mươi hai đồng).

Khấu trừ tiền tạm ứng án phí Nguyên đơn đã nộp 12.548.200đồng tiền tạm ứng án phí nguyên đơn đã nộp theo biên lai thu số 0001295 ngày 29/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận Ninh Kiều bị đơn còn phải nộp thêm 2.510.992 đồng.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Bị đơn phải chịu là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Nguyên đơn được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0020 ngày 29/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Ngày 30/5/2023) Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

47
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 241/2023/DS-PT

Số hiệu:241/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về