Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 04/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 04/2024/DS-PT NGÀY 17/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 17 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 127/2023/TLPT-DS ngày 08 tháng 11 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 88/2023/DS-ST ngày 19 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 137/2023/QĐ-PT ngày 19 tháng 12 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần Đ, sinh năm: 196x Nơi cư trú: Tổ dân phố T, phường C, thành phố C.R, tỉnh Khánh Hòa

 Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Bà Đỗ Thị Ngọc M, sinh năm: 197x; nơi cư trú: Số X đường N, phường L, thành phố N.T, tỉnh Khánh Hòa (theo Giấy ủy quyền ngày 09/02/2022); có mặt.

- Bị đơn: Tổng Công ty Bảo hiểm B Địa chỉ trụ sở: Số Y đường L, phường P, quận H.K, Thành phố Hà Nội

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Bà Đỗ Phương A – chức vụ: Phó Giám đốc Ban Pháp chế và kiểm tra nội bộ; ông Đinh Duy H – chức vụ: Phó Giám đốc Ban Giám định bồi thường hàng hải; bà Đỗ Minh A1 – chức vụ: Chuyên viên Ban Pháp chế và kiểm tra nội bộ; ông Nguyễn Xuân K – chức vụ: Phó Trưởng phòng Giám định bồi thường (theo Giấy ủy quyền ngày 11/01/2023); bà A, ông H vắng mặt; bà A1, ông K có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phan Thị C, sinh năm: 196x Nơi cư trú: Tổ dân phố T, phường C, thành phố C.R, tỉnh Khánh Hòa; vắng mặt (có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt).

2. Ngân hàng N Địa chỉ trụ sở: Thôn L, phường T, quận B.Đ, Thành phố Hà Nội

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Ông Dương Thanh H – chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N Chi nhánh thành phố C.R (theo Thông báo người đại diện tham gia tố tụng số: 54 ngày 16/01/2024); có mặt.

- Người kháng cáo: Bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn ông Trần Đ và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ông Trần Đ là chủ tàu cá KH-92359-TS. Ngày 03/3/2020, ông Đ ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số: KHH.D10.TC.HD3 với Công ty B thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B. Thông tin về tàu được bảo hiểm theo hợp đồng như sau: Giá trị thực tế thân tàu: 9.088.515.334 đồng, số tiền bảo hiểm thân tàu: 7.270.812.267 đồng; Giá trị thực tế ngư lưới cụ: 2.678.500.000 đồng, số tiền bảo hiểm ngư lưới cụ: 2.142.800.000 đồng. Thời gian bảo hiểm từ ngày 04/3/2020 đến 24 giờ 00 phút, ngày 03/3/2021.

Khoảng 4 giờ ngày 03/8/2020, tàu cá bị cháy và chìm khi đang hoạt động hành nghề lưới rút tại ngư trường Hoàng Sa.

Ông Đ đã thông báo sự cố cho Công ty B và đã được Công ty TNHH TM tư vấn và giám định Nam Bình giám định. Theo báo cáo giám định số: 20057/GĐKT ngày 17/01/2021 của Công ty TNHH TM tư vấn và giám định Nam Bình đã xác định mức độ tổn thất như sau: Tổn thất thân tàu: 7.270.812.268 đồng, tổn thất hệ thống khai thác, ngư lưới cụ: 1.874.950.000 đồng; tổng cộng tổn thất đối với tàu là 9.145.762.269 đồng.

Ngày 18/6/2021, Công ty B có thông báo số: 385/2021/BVKH-GĐBT số tiền bồi thường cho ông Đ như sau: Bồi thường thân tàu: 3.635.406.134 đồng (50% mức độ tổn thất thân tàu), bồi thường ngư lưới cụ: 1.874.950.000 đồng; tổng cộng số tiền bồi thường: 5.510.356.133 đồng.

Vì tàu cá của ông Đ đang được thế chấp tại Ngân hàng N nên ông Đ đã đồng ý nhận trước số tiền 5.510.356.133 đồng để trả nợ cho Ngân hàng. Đồng thời, ông Đ cũng đã yêu cầu bảo hiểm thanh toán bổ sung cho ông số tiền còn lại là 3.635.406.134 đồng. Công ty B đã chuyển số tiền 5.510.356.133 đồng cho Ngân hàng N, còn số tiền 3.635.406.134 đồng thì vẫn chưa chuyển.

Vì vậy, ông Đ yêu cầu Tổng Công ty B tiếp tục bồi thường cho ông số tiền 3.635.406.134 đồng theo Hợp đồng đã ký.

- Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bị đơn Tổng Công ty bảo hiểm B do người đại diện hợp pháp trình bày:

Giữa Tổng Công ty bảo hiểm B và ông Đ có ký Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D10.TC.HD3 ngày 03/3/2020 đối với tàu cá KH-92359-TS, thời hạn bảo hiểm từ ngày 04/3/2020 đến ngày 03/3/2021.

Ngày 03/8/2020, tàu cá bị cháy chìm tàu tại khu vực quần đảo Hoàng Sa Việt Nam. Tổng Công ty bảo hiểm B sau khi nhận được thông báo đã mời Công ty TNHH TM tư vấn và Giám định Nam Bình để tiến hành xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại.

Sau khi tổng hợp các báo cáo đã xác định nguyên nhân tổn thất như sau: Đám cháy xuất hiện từ vị trí các bình ắc quy bố trị gần với két dầu nguyên liệu trong khoang máy. Lớp vỏ composit của két dầu nhiên liệu bị cháy, thủng, gây chảy dầu xuống sàn khoang máy và lửa cháy lan xuống dưới sàn hầm máy cháy tàu KH-92359- TS.

Tổng Công ty bảo hiểm B đã có công văn số 385/2021/BVKH-GĐBT thông báo bồi thường cho ông Đ số tiền 5.510.356.133 đồng. Ngày 01/7/2021, ông Đ có thư chấp nhận bồi thường với nội dung đồng ý và chấp thuận với số tiền bồi thường. Ngày 14/7/2021, Tổng Công ty Bảo hiểm B đã tiến hành các thủ tục bồi thường theo quy định.

Biên bản làm việc ngày 03/3/2021 ký giữa ông Đ và Công ty B ghi nhận: “Ông Trần Đ đề nghị Bảo hiểm B dựa trên nội dung của Giấy CNBH số 3730294 mà Công ty B đã cấp cho tàu KH-92357-TS và thẩm định giá trị tài sản tại thời điểm trước tổn thất của tàu Kh-92359-TS (thân tàu 7.270.812.268 đồng và hệ thống khai thác ngư lưới cụ 1.874.950.000 đồng) của Công ty TNHH TM tư vấn và giám định Nam Bình sớm giải quyết bồi thường bảo hiểm vụ cháy và chìm tàu KH-92359-TS để trả nợ cho Ngân hàng”.

Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294 tại mục khấu trừ, phần bảo hiểm thân tàu có quy định mức khấu trừ như sau: “2% số tiền bồi thường, tối thiểu 5.000.000 đồng/vụ. Trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ do cháy nổ ngay trên tàu hoặc đắm chìm do phá nước hoặc do tàu khác không xác định được tung tích đâm va và những tổn thất không xác định chính xác nguyên nhân thì khấu trừ 50% số tiền bồi thường”. Phần lưu ý trong Giấy chứng nhận bảo hiểm ghi rõ: “Các điều kiện, điều khoản quy tắc, cam kết, sửa đổi bổ sung, các giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy yêu cầu sửa đổi bổ sung đính kèm là bộ phận cấu thành và không thể tách rời với giấy chứng nhận bảo hiểm này”.

Nay, ông Đ buộc Tổng Công ty bảo hiểm B tiếp tục bồi thường số tiền 3.635.406.134 đồng thì Tổng Công ty bảo hiểm B không đồng ý. Đề nghị Tòa án căn cứ vào Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294 tại mục khấu trừ để xác định giá trị bồi thường. Đối với số tiền bồi thường thân tàu thì Tổng Công ty Bảo hiểm B chỉ đồng ý bồi thường 50% mức độ tổn thất và đã bồi thường xong nên Tổng Công ty Bảo hiểm B không đồng ý tiếp tục bồi thường thêm nữa. Giấy chứng nhận bảo hiểm này ông Đ đã được nhận cùng với Hợp đồng bảo hiểm. Ngân hàng N cũng có tất cả các tài liệu này.

Việc ông Đ phủ nhận việc biết Giấy chứng nhận bảo hiểm là không đúng. Tất cả các văn bản làm việc của Tổng Công ty Bảo hiểm B đều nhắc đến Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294. Ngân hàng N – Chi nhánh thành phố C.R can thiệp quá sâu vào vụ án này là không đúng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng N do người đại diện hợp pháp trình bày:

Năm 2017, Ngân hàng N – Chi nhánh thành phố C.R đã cho ông Trần Đ vay vốn để đóng mới tàu cá vỏ composite theo Nghị định 67 với số tiền là 10.711.015.667 đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay chính là con tàu và toàn bộ trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu. Để đảm bảo cho việc thu vốn của Nhà nước thì tài sản bảo đảm phải được mua bảo hiểm đầy đủ với mức bồi thường là 100% giá trị tài sản bảo đảm trong suốt thời gian vay vốn. Ông Đ đã mua bảo hiểm cho con tàu và ngư lưới cụ tại Công ty B và hợp đồng bảo hiểm được tái tục hàng năm. Ngày 03/8/2020, tàu cá KH- 92359-TS của ông Đ bị cháy và chìm xuống biển. Ngân hàng N đã phối hợp và hỗ trợ ông Đ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ đề nghị Công ty B bồi thường thiệt hại. Sau khi có kết quả giám định với toàn bộ tổn thất là 9.145.762.269 đồng, ngày 18/6/2021, Công ty B gửi thông báo bồi thường cho ông Đ với số tiền bồi thường là 5.510.356.133 đồng. Ông Đ đồng ý nhận trước số tiền này và tiếp tục yêu cầu Công ty B bồi thường tiếp số tiền còn lại 3.635.406.134 đồng. Hiện nay ông Đ vẫn chưa thanh toán hết nợ cho Ngân hàng. Nguồn thu nhập chính để ông Đ trả nợ là tàu đánh bắt cá và tài sản để đảm bảo cho việc thu hồi nợ cũng chính là con tàu và ngư lưới cụ. Tuy nhiên, hiện nay tàu đã bị cháy và chìm nên ông Đ không còn khả năng trả nợ cho Ngân hàng. Ngân hàng đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Đ. Trong vụ án này, Ngân hàng không có yêu cầu gì.

Tại bản án sơ thẩm số: 88/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã căn cứ khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 35, Điều 96, Điều 147, khoản 1 Điều 227, Điều 264, Điều 266, Điều 267 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 24 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông Trần Đ số tiền bảo hiểm 3.635.406.134 đồng.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quy định chung, quyền kháng cáo của đương sự.

Ngày 29/9/2023, bị đơn Tổng công ty Bảo hiểm B có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, cụ thể là đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B vẫn giữ yêu cầu kháng cáo là không đồng ý với quyết định của Bản án số: 88/2023/DS- ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang về việc buộc Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông Trần Đ số tiền bảo hiểm 3.635.406.134 đồng vì cho rằng: Tại Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294 do Công ty B cấp ngày 09/3/2020 cho ông Trần Đ ghi mức khấu trừ cụ thể là trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ do cháy nổ ngay trên tàu hoặc đắm chìm do phá nước hoặc do tàu khác không xác định được tung tích đâm va và những tổn thất không xác định chính xác nguyên nhân thì khấu trừ 50% số tiền bồi thường; đồng thời, tại biên bản làm việc ngày 03/3/2021, ông Trần Đ đề nghị căn cứ vào Giấy chứng nhận bảo hiểm và thiệt hại xảy ra để tính việc bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện nguyên đơn trình bày là nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không đồng ý với nội dung kháng cáo của bị đơn; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng N đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị C vắng mặt. Tại đơn xin giải quyết vắng mặt bà Phan Thị C trình bày là thống nhất với ý kiến của nguyên đơn ông Trần Đ.

Phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa: Kể từ khi thụ lý vụ án phúc thẩm đến trước thời điểm Hội đồng xét xử vào phòng nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; đương sự đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đương sự phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Về tố tụng: Ngày 29/9/2023, bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B có đơn kháng cáo đối với Bản án số: 88/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang. Như vậy, đơn kháng cáo của bị đơn là hợp lệ theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên Tòa án tiến hành xem xét, giải quyết đơn kháng cáo của bị đơn theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phan Thị C vắng mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bà C theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3]. Xét nội dung kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B

[3.1]. Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số: KHH.D10.TC.20.HD3 giữa Công ty B (thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B) và ông Trần Đ ký ngày 03/3/2020 là hợp pháp. Sự kiện tàu cá KH-92359-TS của ông Trần Đ bị cháy dẫn đến bị chìm tàu xảy ra ngày 03/8/2020 tại ngư trường Hoàng Sa là trong thời hạn được bảo hiểm nên phát sinh trách nhiệm bảo hiểm.

[3.2]. Theo Chứng thư giám định số: 20057/GD-KT ngày 25/02/2021 của Công ty TNHH Thương mại Tư vấn và Giám định Nam Bình thì tàu KH-92359 TS bị cháy và chìm, đánh giá mức độ tổn thất toàn bộ thực tế. Trong đó, tổn thất thân tàu: 7.270.812.268 đồng; tổn thất hệ thống khai thác ngư lưới cụ: 1.874.950.000 đồng.

[3.3]. Xét thấy, tại khoản 1 Điều 6 của Hợp đồng bảo hiểm tàu cá số: KHH.D10.TC.20.HD3 ngày 03/3/2020 giữa Công ty B và ông Trần Đ có thỏa thuận về mức khấu trừ về thân tàu, cụ thể: “Trường hợp tàu bị đắm chìm do phá nước hoặc do tàu khác không xác định được tung tích đâm va và những tổn thất không xác định chính xác nguyên nhân thì áp dụng mức khấu trừ 50% số tiền bồi thường/vụ tổn thất. Không áp dụng khấu trừ trong trường hợp xảy ra tổn thất toàn bộ”. Do đó, việc Công ty B cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294 ngày 09/3/2020 với nội dung: Trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ do cháy nổ ngay trên tàu…thì khấu trừ 50% số tiền bồi thường mà không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bị đơn đã giải thích rõ ràng nội dung này cho ông Trần Đ hiểu và ông Trần Đ đồng ý với nội dung này là không đúng với thỏa thuận mà hai bên đã tự nguyện giao kết tại Hợp đồng bảo hiểm tàu cá ngày 03/3/2020 nêu trên, gây bất lợi cho ông Trần Đ.

[3.4]. Tại Thư chấp nhận bồi thường ngày 01/7/2021 của ông Trần Đ gửi Công ty B thể hiện: Ông Trần Đ chấp thuận và đồng ý nhận trước số tiền bồi thường 5.510.356.133 đồng theo Thông báo bồi thường số: 385/2021/BVKH-GĐBT ngày 18/6/2021 của Công ty B (bồi thường bảo hiểm 50% thiệt hại thân tàu là 3.635.406.134 đồng và bồi thường bảo hiểm ngư lưới cụ là 1.874.950.000 đồng, tổng cộng là 5.510.356.133 đồng) để thanh toán nợ vay Ngân hàng đã quá hạn (bên nhận tài sản thế chấp là Ngân hàng N). Đồng thời, ông Trần Đ đề nghị Công ty B xem xét và tiếp tục bồi thường cho ông số tiền còn lại theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tàu cá số KHH.D10.TC.20.HD3 ngày 03/3/2020 đã ký giữa Công ty B và ông Trần Đ (Ngày 14/7/2021, Công ty đã tiến hành bồi thường bảo hiểm 5.510.356.133 đồng cho ông Trần Đ). Do đó, việc bị đơn cho rằng tại Biên bản làm việc ngày 03/3/2021, ông Trần Đ đề nghị Công ty Bảo hiểm B căn cứ vào Giấy chứng nhận bảo hiểm số 3730294 để giải quyết việc bồi thường bảo hiểm, từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ; không đúng với ý chí của ông Trần Đ nêu trên.

[3.5]. Từ những phân tích nêu trên, cho thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Đ về yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B tiếp tục bồi thường bảo hiểm thiệt hại thân tàu 50% còn lại với số tiền 3.635.406.134 đồng là có căn cứ. Kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.

[4]. Về án phí phúc thẩm: Do Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn nên bị đơn phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 12, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 88/2023/DS-ST ngày 19/9/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang.

1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông Trần Đ số tiền bảo hiểm 3.635.406.134 đồng (Ba tỷ sáu trăm ba mươi lăm triệu bốn trăm linh sáu nghìn một trăm ba mươi bốn đồng).

2. Về án phí dân sự:

2.1. Hoàn lại cho nguyên đơn ông Trần Đ 52.300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí Tòa án số: AA/2021/0002013 ngày 20/6/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

2.2. Bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B phải nộp 104.708.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được khấu trừ 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số: AA/2023/0000132 ngày 13/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Như vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm B còn phải nộp 104.708.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

3. Quy định: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

59
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 04/2024/DS-PT

Số hiệu:04/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Khánh Hoà
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về