Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản số 590/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 590/2022/DS-PT NGÀY 22/09/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 22 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 227/2022/TLPT-DS ngày 22 tháng 7 năm 2022 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 1868/2022/DS-ST ngày 27/05/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4154/2022/QĐ-PT ngày 01 tháng 8 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 11604/2022/QĐ-PT ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố H, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C.

Địa chỉ: 46-48-50 Đường P, phường B, Quận I, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Ngô Văn T, sinh năm 1968 và bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1986.

Cùng địa chỉ: 46-48-50 Đường P, phường B, Quận I, Thành phố H; Là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (Giấy ủy quyền ngày 01 tháng 8 năm 2022).

- Bị đơn: Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V.

Địa chỉ : 107/19 đường số 38, khu phố 8, phường N, thành phố T, Thành phố H.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Bùi Thị Quỳnh Y, sinh năm 1990.

Địa chỉ: 02 E, khu phố 6, phường N, thành phố T, Thành phố H.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Công ty TNHH X.

Địa chỉ: 35 Đường Đ, phường U, thành phố L, tỉnh Bình Dương.

- Người kháng cáo: Bị đơn – Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn - Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C có người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ngày 30/11/2017, Công ty TNHH X và Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V ký kết với nhau hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass – TV/2017 để giữ gìn an ninh trật tự và trông coi tài sản của Công ty TNHH X bao gồm các hạng mục nhà xưởng, máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị văn phòng, thiết bị khuôn mẫu, thiết bị điện nước, tài sản, thiết bị khác và hàng hóa; thời hạn hợp đồng là từ ngày 30/11/2017 đến ngày 30/11/2018.

Ngày 29/12/2017, Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C và Công ty TNHH X đã ký kết với nhau hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số CI17F4002764, thời hạn bảo hiểm từ 12 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 đến 11 giờ 59 phút ngày 01/01/2019.

Vào khoảng 20 giờ ngày 07/01/2018, tài sản gồm các thiết bị khuôn mẫu của Công ty TNHH X bị mất trộm; các tài sản mà Công ty TNHH X khai báo bị mất có tính chất chuyên dùng, không phổ biến trên thị trường nên Sở Tài chính tỉnh Bình Dương không định giá được; tuy nhiên theo kết quả giám định của Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật, xác định được giá trị thiệt hại của Công ty TNHH X bị mất là 279.000.000 đồng. Theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, ngày 12/10/2018, Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C đã bồi thường cho Công ty TNHH X số tiền là 279.000.000 đồng.

Ngày 03/10/2018, Công ty TNHH X đã chuyển yêu cầu bồi hoàn cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C để yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V bồi hoàn theo quy định. Vì vậy, Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét giải quyết: Buộc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V phải có trách nhiệm hoàn trả cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C số tiền 279.000.000 đồng.

Bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V có người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Bị đơn thừa nhận Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V và Công ty TNHH X có ký kết với nhau hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass – TV/2017 và ngày xảy ra vụ mất trộm người của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên phía Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C vì Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V không được giao để bảo vệ những tài sản bị mất, nên không có trách nhiệm đối với tài sản bị mất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH X vắng mặt không có lời khai.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 1868/2022/DS-ST ngày 27/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H đã căn cứ Điều 166 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C tại phiên tòa sơ thẩm cụ thể:

Buộc bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C số tiền 279.000.000 (hai trăm bảy mươi chín triệu) đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm 13.950.000 (mười ba triệu chín trăm năm mươi nghìn) đồng Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V phải chịu.

Hoàn trả lại cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C số tiền 6.975.000 (sáu triệu chín trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0058752 ngày 02/3/2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, Thành phố H.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quy định về thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 06 tháng 6 năm 2022, bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nhất trí với bản án sơ thẩm.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý với bản án sơ thẩm và đề nghị cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với các lý do sau: cấp sơ thẩm đã không xem xét toàn diện các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án như nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 451/compass-TV/2016 ngày 30/11/2016 và hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/compass-TV/2016 ngày 30/11/2017, các biên bản thanh lý hợp đồng ngày 31/3/2018 và ngày 21/4/2018, nội dung trong báo cáo cuối cùng của công ty TNHH Giám định và tư vấn kỹ thuật (RACO) dẫn đến việc chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V.

Phần tranh luận: Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522 ngày 30/11/2017 đã được thanh lý nên nguyên đơn cho rằng vụ trộm xảy ra trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng số 522 là không có cơ sở. Theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ, không phải bị đơn chịu trách nhiệm toàn bộ đối với tài sản của công ty X, những tài sản bị mất mát không có văn bản bàn giao nên bị đơn không phải chịu trách nhiệm. Căn cứ Điều 6 của hợp đồng bảo vệ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện từ điểm 1.1 đến 1.5 của hợp đồng.

Nguyên đơn: tại cấp sơ thẩm, bị đơn đã thừa nhận hiệu lực của hợp đồng bảo vệ số 522 ngày 30/11/2017 nay cho rằng hợp đồng này đã được thanh lý theo hợp đồng số 451 năm 2016 là suy diễn của bị đơn. Căn cứ Điều 6 của hợp đồng số 522 ngày 30/11/2017 đã đáp ứng đủ yêu cầu bồi thường thiệt hại; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị đơn đã có; nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi hoàn lại số tiền là có căn cứ. Về giá trị bồi thường đã có thẩm định báo giá cuối cùng là có cơ sở pháp lý. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án và xem xét đơn kháng cáo của bị đơn, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu:

Tại thời điểm xảy ra vụ trộm tại Công ty X, Hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass-TV/2017 vẫn còn hiệu lực và nhân viên của Công ty V vẫn đang làm việc nhưng không phát hiện vụ việc. Phía Công ty V cho rằng khu vực mất trộm (kho linh kiện số 4) là khu vực nhân viên bảo vệ không được vào nhưng Công ty V không cung cấp được chứng cứ chứng minh giữa Công ty V và Công ty X có thỏa thuận khu vực trên nhân viên bảo vệ không được vào. Như vậy việc mất trộm tại Công ty X do lỗi của nhân viên bảo vệ Công ty V đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Do đó theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass-TV/2017 thì Công ty V phải bồi thường cho Công ty X.

Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 49 Luật bảo kinh doanh bảo hiểm năm 2010 thì việc Công ty bảo hiểm Cathay khởi kiện yêu cầu công ty V thanh toán lại số tiền là có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên là có cơ sở. Do đó không chấp nhận kháng cáo của bị đơn về việc đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xét: Trong vụ án này nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại về tài sản, các bên không có thỏa thuận về lãi suất. Nhưng tại phần quyết định bản án sơ thẩm tuyên: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015” là không đúng. Trong trường hợp này Tòa án phải áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 01/11/2019 để quyết định về lãi suất trong phần quyết định của bản án, cụ thể như sau: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Từ những nhận định trên cần điều chỉnh lại phần quyết định về lãi suất cho phù hợp và đảm bảo việc thi hành án. Do đó chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng phân tích trên. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn. Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 1868/2022/DS-ST ngày 27/5/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố T, Thành phố H với nội dung sau: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Bị đơn có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên xác định là hợp lệ.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của bị đơn.

[2.1] Theo các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, thể hiện: Ngày 30/11/2017, Công ty TNHH X (gọi tắt là Công ty X ) và Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ V (gọi tắt là Công ty V) ký với nhau hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass- TV/2017, thời hạn từ ngày 30/11/2017 đến ngày 30/11/2018, để Công ty V tiến hành nhiệm vụ bảo vệ “an toàn các trang thiết bị tài sản” cho Công ty X tại địa chỉ 35 Đường Đ, phường U, thành phố L, tỉnh Bình Dương; Thời gian làm việc nhân viên bảo vệ có mặt 24/24h/ngày không phân biệt ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo quy định.

[2.2] Ngày 29/12/2017, Công ty X và Công ty TNHH bảo hiểm phi nhân thọ C (gọi tắt là Công ty C) ký với nhau hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc số /Policyno:CI17F4002764. Theo hợp đồng, người được bảo hiểm là Công ty X, địa điểm bảo hiểm tại tại địa chỉ 35 Đường Đ, phường U, thành phố L, tỉnh Bình Dương. Thời gian bảo hiểm 01 năm, từ 12 giờ 00 ngày 01/01/2018 đến 11:59 ngày 01/01/2019.

[2.3] Theo thông báo số 300/TB-PC45 ngày 15/8/2018 của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương thông báo kết quả điều tra vụ trộm cắp tài sản phát hiện vào ngày 08/01/2018 tại Công ty TNHH X có nội dung “...qua đó xác định có cơ sở xác định nguồn gốc tài sản bị chiếm đoạt như Công ty X trình báo...”.

[2.4] Theo báo cáo của Công ty TNHH giám định và tư vấn kỹ thuật ngày 12/9/2018 có báo cáo cuối cùng thiệt hại tổn thất xảy ra tại Công ty X ngày 07/01/2018 là 279.000.000 đồng.

Công ty X đã có biên nhận và thế nhiệm yêu cầu Công ty C bồi hoàn số tiền 279.000.000 đồng và chuyển giao cho Công ty C toàn bộ quyền khiếu nại bên thứ ba gây ra tổn thất. Và Công ty C đã chuyển bồi thường cho Công ty X số tiền là 279.000.000 đồng.

[3] Nhận thấy, quá trình giải quyết vụ án, bị đơn thừa nhận Công ty V và Công ty X có ký kết với nhau hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass- TV/2017. Theo hợp đồng này, bị đơn có trách nhiệm bảo vệ an toàn các trang thiết bị tài sản của Công ty X tại địa điểm 35 Đại lộ Độc Lập, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Tại thời điểm xảy ra vụ trộm tại Công ty X, hợp đồng dịch cụ bảo vệ số 522/Compass-TV/2017 vẫn còn hiệu lực và nhân viên của Công ty V vẫn đang làm việc nhưng không phát hiện vụ việc. Như vậy, việc mất trộm tại Công ty X do lỗi của nhân viên bảo vệ Công ty V đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Do đó theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/Compass-TV/2017 thì Công ty V phải bồi thường cho Công ty X. Những nội dung trong đơn kháng cáo của bị đơn cho rằng căn cứ các biên bản thanh lý hợp đồng ngày 31/3/2018 và ngày 21/4/2018 để cho rằng hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 522/compass-TV/2017 ngày 30/11/2017 đã được thanh lý theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ số 451/compass-TV/2016 ngày 30/11/2016 là không có cơ sở.

[4] Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 Luật bảo kinh doanh bảo hiểm năm 2010 thì doanh nghiệm bảo hiểm có quyền “Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự”; Và quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật bảo kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định về trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”.

[5] Như đã nhận định, Công ty V có lỗi không làm tròn trách nhiệm bảo vệ trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo vệ mà hai bên đã ký kết dẫn đến thiệt hại cho Công ty X (bị mất trộm các thiết bị khuôn mẫu tại kho số 4). Bảo hiểm Cathay đã bồi thường cho Công ty X số tiền 279.000.000 đồng. Ngày 03/10/2018, Công ty X đã chuyển quyền yêu cầu người thứ ba (Công ty V) bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho Công ty bảo hiểm Cathay. Do đó, Công ty bảo hiểm Cathay khởi kiện yêu cầu Công ty V hoàn lại số tiền trên và được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C là có căn cứ. Các nội dung kháng cáo của bị đơn không có cơ sở nên Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận.

[6] Tuy nhiên: tại phần quyết định bản án sơ thẩm tuyên: “Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015là không đúng.

Trong trường hợp này cần áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 01/11/2019 để quyết định về lãi suất trong phần quyết định của bản án, cụ thể như sau: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Do vậy, cần điều chỉnh lại phần quyết định về lãi suất cho phù hợp và đảm bảo việc thi hành án.

[7] Từ những nhận định trên, quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H là có căn cứ nên được chấp nhận.

Về án phí dân sự phúc thẩm: do Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại án phí tạm nộp cho bị đơn.

Vì các l trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, 309; khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Luật Thi hành án dân sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ V.

Sửa một phần bản án sơ thẩm số 1868/2022/DS-ST ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C.

Buộc bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C số tiền 279.000.000 (hai trăm bảy mươi chín triệu) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm 13.950.000 (mười ba triệu chín trăm năm mươi nghìn) đồng Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V phải chịu.

Hoàn trả lại cho Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ C số tiền 6.975.000 (sáu triệu chín trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0058752 ngày 02/3/2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, Thành phố H.

3. Về án phí dân sự phúc thẩm: bị đơn Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ V không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại cho bị đơn 300.000 đồng án phí tạm nộp theo biên lai thu số AA/2021/0027678 ngày 13/6/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T.

Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cư ng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

81
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản số 590/2022/DS-PT

Số hiệu:590/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về