Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 05/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KON PLÔNG, TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 05/2021/HS-ST NGÀY 25/02/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 25 tháng 02 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 04/2021/TLST-HS ngày 08 tháng 01 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2021/QĐXXST-HS ngày 22 tháng 01 năm 2021 và quyết định hoãn phiên tòa số 02/2021/HSST-QĐ ngày 04/02/2021 đối với các bị cáo:

1. A NH (tên gọi khác: A Nt), sinh năm 1999 tại Kon Tum;

Nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Ka Dong; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A N, sinh năm 1978 và bà Y Hi (Y Ch), sinh năm 1982; gia đình bị cáo có 03 anh em, bị cáo la người con thư nhất; có vợ là Y K, sinh năm 1999 và 01 con, sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 11/6/2020 đến nay (có mặt tại phiên toà).

2. A T (tên gọi khác: Không), sinh năm 1998 tại Kon Tum;

Nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Ka Dong; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A X, sinh năm 1972 và bà Y Hu, sinh năm 1976; gia đình bị cáo có 04 anh chị em, bị cáo la người con thư hai; có vợ là Y X, sinh năm 1998 và 01 con, sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giam từ ngày 11/6/2020 đến nay (có mặt tại phiên toà).

3. A XU (tên gọi khác: Không), sinh năm 1986 tại Kon Tum;

Nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Ka Dong; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A B, sinh năm 1959 và bà Y Xú (Y Sú), sinh năm 1956; gia đình bị cáo có 02 anh em, bị cáo la người con thư nhất; có vợ là Y Tr, sinh năm 1981 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2006, con nhỏ nhất sinh năm 2012; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo A XU bị tạm giam từ ngày 11/6/2020 đến ngày 05/8/2020. Được thay thế biện pháp Tạm giam bằng biện pháp Bảo lĩnh từ ngày 05/8/2020 đến nay (có mặt tại phiên toà).

4. A T (tên gọi khác: Không), sinh năm 1995 tại Kon Tum;

Nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 06/12; dân tộc: Ka Dong; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A Ve, sinh năm 1954 và bà Y To, sinh năm 1961; gia đình bị cáo có 07 anh chị em, bị cáo la người con thư năm; có vợ là Y Â, sinh năm 1999 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2015, con nhỏ nhất sinh năm 2018; Tiền án, tiền sự: Không; bị cáo A T bị tạm giam từ ngày 12/8/2020 đến ngày 09/11/2020. Được thay thế biện pháp Tạm giam bằng biện pháp Bảo lĩnh từ ngày 09/11/2020 đến nay (có mặt tại phiên toà).

5. Y Â (tên gọi khác: Không), sinh năm 1999 tại Kon Tum;

Nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 09/12; dân tộc: Ka Dong; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông A Gi (A D) (Đã chết) và bà Y P (Đã chết); gia đình bị cáo có 04 anh chị em, bị cáo la người con thư ba; có chồng là A T, sinh năm 1995 và 02 con, con lớn nhất sinh năm 2015, con nhỏ nhất sinh năm 2018; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo Y Â bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 18/5/2020 đến nay (có mặt tại phiên toà).

- Người bào chữa các bị cáo: Bà Nguyễn Thị Thúy H (Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kon Tum). Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Địa chỉ: 492 Tr, phường Q, thành phố K.

Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Ngọc T- Chủ tịch.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Tấn L, chức vụ: Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, (có đơn xin xét xử vắng mặt). (Theo văn bản ủy quyền số 4685/UBND-NNTN ngày 21/12/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1/ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K;

Địa chỉ: Thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum.

Đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Văn B - Chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Thanh B; chức vụ: Phó Giám đốc - Theo văn bản ủy quyền số 257/CV-CT ngày 15/12/2020 của Giám đốc công ty, (có mặt).

2/ Anh Đinh Công Nh, sinh năm 1990; nơi công tác: Lâm trường M - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K (có mặt).

3/ Anh A V, sinh năm 1992; nơi công tác: Lâm trường M - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K (có mặt).

4/ Ông Phan Ngọc M, sinh năm 1952; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có đơn xin xét xử vắng mặt).

5/ Anh A Đ, sinh năm 1987; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

6/ Bà Y B, sinh năm 1975; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có đơn xin xét xử vắng mặt).

7. Anh A Te, sinh năm 1990; nơi cư trú: Thôn Đắk An, xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

8. Chị Y Xu, sinh năm 1998; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

9. Chị Y Tr, sinh năm 1981; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

10. Anh A Kh, sinh năm 2001; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

- Người làm chứng: Anh A B, sinh năm 1991; nơi cư trú: Thôn Ng (nay là thôn Đắk Ch), xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum (có mặt).

- Người phiên dịch: Ông A Th - Hội Nông dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 2 năm 2019, do cần gỗ để làm nhà nên A Nh nảy sinh ý định vào rừng để xẻ gỗ. A Nh một mình mang theo 01 máy cưa lên rừng thuộc khoảnh 4, khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R, huyện K. Tại rừng, A Nh tìm được 04 cây gỗ chính là các cây có ký hiệu G12, G32, G34 và G35 được ghi nhận trong Biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 17/12/2019, trong đó có 03 cây G12, G32, G35 chủng loại Giổi, cây G34 chủng loại Gội nếp, A Nh dùng cưa máy cắt hạ 04 cây này rồi đi về nhà. Một thời gian sau, A Nh tiếp tục cầm theo máy cưa đi đến khu vực rừng thuộc khoảnh 4 Tiểu khu 388, A Nh tìm thấy 01 cây gỗ, chính là cây gỗ có ký hiệu G1 được ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 17/12/2019, chủng loại Chò chỉ. A Nh dùng cưa cắt hạ cây gỗ này rồi đi về nhà. Sau đó, A Nh đến Trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M đóng tại thôn Đắk Ch, xã Đắk R. Tại đây, A Nh gặp Đinh Công Nh là cán bộ Lâm trường và đặt vấn đề xin xẻ gỗ làm nhà, được Nh cho phép miệng. Sau đó, A Nh đến gặp A T và nhờ A T phụ xẻ gỗ và A T đồng ý. A Nh trực tiếp cầm cưa cắt xẻ, A T phụ cưa, cả hai xẻ phần thân các cây gỗ có ký hiệu G1, G12 và G35 được nhiều ván, đà, cột. Sau khi xẻ xong 03 cây gỗ nêu trên, A T không tham gia xẻ gỗ nữa, một mình A Nh tiếp tục cắt xẻ phần thân các cây G32 và G34 ra thành các hộp gỗ. Ngoại trừ một số lóng, hộp gỗ còn lại tại hiện trường, số gỗ đã khai thác được A Nh vận chuyển về nhà và dựng thành nhà ở.

Quá trình điều tra còn xác định được A Nh và A T còn tham gia khai thác, xẻ gỗ cho A XU, A T và Y Â, Phan Ngọc M, A Đ vào năm 2019 tại Tiểu khu 387 và 388, cụ thể như sau:

Khoảng trong tháng 02/2019, do có nhu cầu làm nhà ở nên Phan Ngọc M đến trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M đóng tại thôn Đắk Ch, xã Đắk R để xin xẻ gỗ làm nhà. Tại đây, theo M khai nhận: M có gặp A V là cán bộ lâm trường và được V in cho 01 tờ đơn xin xẻ gỗ làm nhà và hướng dẫn M điền thông tin vào đơn. M điền thông tin vào đơn (lấy tên vợ là Y B) rồi mang đến cho thôn trưởng A B ký xác nhận. Minh mang đơn đến nộp cho V và được V đồng ý cho M đi xẻ gỗ làm nhà. Sau đó, M đến gặp A Nh và A T để nhờ hai người này đi vào rừng xẻ gỗ giúp. Đồng thời M có thỏa thuận cung cấp xăng, nhớt, thức ăn và trả công cho A Nh và A T. A Nh và A T đều đồng ý. Sau đó, M chuẩn bị thức ăn, Nh chuẩn bị 01 máy cưa cùng T đi đến khu vực rừng thuộc khoảnh 4, khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R, huyện K. Tại đây, M là người đi chọn cây và tìm được 05 cây gỗ chủng loại Giổi, được ký hiệu G8, G15, G16 trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 17/12/2019 và G01B, G02B được ghi nhận trong Biên bản làm việc ngày 24/12/2019, trong đó cây có ký hiệu G02B là cây tự đổ, bật gốc. M yêu cầu Nh và T cắt hạ, xẻ các cây gỗ này ra thành ván, cột, đà để làm nhà. Sau đó, A Nh là người trực tiếp cầm cưa hạ, cắt, xẻ cây, A T phụ cưa trong khoảng 10 ngày thì xẻ xong. Thỉnh thoảng M có mang thức ăn, xăng, nhớt cho Nh và T. Sau khi xẻ xong, M đưa cho Nh và T 2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng và tiêu xài cá nhân hết. M nhờ một số người dân trong thôn (không nhớ rõ là ai) vận chuyển số gỗ đã xẻ được về nhà và dựng thành nhà ở.

Cũng trong tháng 6/2019, A T nảy sinh ý định vào rừng xẻ gỗ để dựng nhà mới. A T bàn bạc với vợ là Y  và được sự đồng tình của Â. Sau đó, Y  đến Trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M để xin xẻ gỗ làm nhà,  gặp Đinh Công Nh và đề cập vấn đề muốn xẻ gỗ làm nhà. Đinh Công Nh in cho  một tờ đơn xin xẻ gỗ làm nhà và hướng dẫn điền thông tin. Y  mang đơn đến cho thôn trưởng A B ký xác nhận và nộp lại cho Nh. Nh đồng ý cho  đi xẻ gỗ làm nhà. Sau đó, A T đến gặp A Nh đặt vấn đề muốn A Nh đi xẻ gỗ cho T để làm nhà, Nh gọi cho A T để rủ đi cùng và T đồng ý, A T thỏa thuận trả tiền công cho Nh và T. A T, Y  chuẩn bị xăng, nhớt, thức ăn, A Nh chuẩn bị 01 máy cưa cùng A T đi lên khu vực rừng thuộc khoảnh 4, khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R, huyện K. Tại đây, A T tìm thấy 06 cây gỗ đều thuộc chủng loại Giổi, có ký hiệu G20, G25, G45 trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 17/12/2019 và các cây có ký hiệu G03B, G04B, G05B trong Biên bản làm việc lập ngày 24/12/2019. T và  yêu cầu Nh và T cắt hạ, xẻ các cây gỗ nêu trên thành ván, đà, cột để làm nhà rồi T,  đi về. A Nh và A T thay nhau cầm cưa cắt hạ cây, bổ lóng, xẻ hộp 06 cây gỗ trên được nhiều ván, đà, cột. Trong quá trình Nh và T xẻ gỗ, Y  thỉnh thoảng có đem xăng và thức ăn lên cho Nh và T. Sau khi xẻ xong, A T trả cho A Nh và A T 11.000.000 đồng, sau khi trừ tiền chi phí, A Nh và A T chia nhau mỗi người 5.000.000 đồng rồi tiêu xài cá nhân hết. Đối với số gỗ đã khai thác được, A T và Y  nhờ một số người dân trong thôn (không nhớ rõ là ai) vận chuyển về nhà và dựng thành nhà ở.

Khoảng 02 tuần sau đó, do có nhu cầu sửa lại nhà nên A XU nảy sinh ý định vào rừng để xẻ gỗ về làm nhà. A XU đến Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M tại thôn Đắk Ch. Tại đây, XU có gặp Đinh Công Nh là trạm trưởng và đặt vấn đề xin xẻ gỗ về làm nhà. Nh in cho X 01 tờ đơn xin xẻ gỗ làm nhà rồi hướng dẫn XU điền thông tin vào đơn. XU mang đơn đến nhờ A B là thôn trưởng xác nhận rồi mang nộp lại cho Nh. Nh đồng ý cho XU đi cắt xẻ gỗ làm nhà. A XU đến gặp A Nh đặt vấn đề muốn nhờ A Nh đi xẻ gỗ cho XU để làm nhà. A Nh rủ A T đi cùng và A T đồng ý. Sau đó, XU chuẩn bị thức ăn, xăng, nhớt, Nh chuẩn bị 01 máy cưa rồi cùng A T đi lên khu vực rừng thuộc khoảnh 4, khoảnh 6 Tiểu khu 387 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R, huyện K. Tại đây, XU tìm thấy 06 cây gỗ đều thuộc chủng loại Giổi, chính là cây gỗ có ký hiệu G27 trong Biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 17/12/2019 và các cây gỗ có ký hiệu G01C, G02C, G03C, G04C và G05C được ghi nhận trong Biên bản làm việc lập ngày 06/01/2020. A XU yêu cầu Nh, T cắt hạ, xẻ các cây gỗ này ra thành ván, đà, cột theo kích thước làm nhà rồi XU đi về. A Nh và A T luân phiên nhau cầm cưa cắt hạ, cắt lóng, xẻ phần thân 06 cây gỗ ra được 08 cây cột, 06 cây đà và hơn 130 tấm ván. A XU trả cho Nh và T số tiền 2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng và tiêu xài cá nhân hết. Đối với số gỗ đã khai thác được, A XU nhờ một số người dân trong thôn (không nhớ rõ là ai) vận chuyển 08 cây cột, 06 cây đà về và hiện đang còn ở nhà của A XU, còn lại số ván gỗ vẫn ở tại hiện trường.

Khoảng 01 tuần sau đó, A Đ nảy sinh ý định vào rừng để xẻ gỗ để làm nhà bếp. Do đó, A Đ đến Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M và gặp Đinh Công Nh để hỏi về thủ tục xin xẻ gỗ làm nhà. Đinh Công Nh in cho Đ 01 tờ đơn xin xẻ gỗ làm nhà và hướng dẫn điền thông tin vào đơn. Đ mang đơn này đến nhờ A B là thôn trưởng ký xác nhận rồi đem nộp lại cho Đinh Công Nh. Nh đồng ý cho Đ đi xẻ gỗ làm nhà. A Đ đến gặp A Nh đặt vấn đề nhờ Nh đi xẻ gỗ cho Đ. Nh rủ T đi cùng và T đồng ý. Sau đó, A Đ chuẩn bị thức ăn, xăng, nhớt, A Nh chuẩn bị 01 máy cưa cùng A T đi lên khu vực rừng thuộc khoảnh 4 Tiểu khu 388 thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk R, huyện K. Tại đây, A Đ tìm thấy 01 cây Xoan mộc, 01 cây Gội nếp, 01 cây Giổi và 01 cây Giẻ đỏ, chính là các cây gỗ có ký hiệu G5, G6 và G7 trong Biên bản khám nghiệm hiện trường lập ngày 17/12/2019 và cây gỗ có ký hiệu G01A được ghi nhận trong Biên bản làm việc lập ngày 24/12/2019. A Đ yêu cầu A Nh và A T cắt hạ, xẻ các cây này ra thành ván, đà, cột theo kích thước để làm nhà. A Nh và A T thay nhau cầm cưa cắt hạ, bổ lóng, xẻ hộp 04 cây gỗ trên ra thành nhiều đà, cột và ván. Sau khi thực hiện xong, A Đ trả cho Nh và T số tiền 2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng rồi tiêu xài cá nhân hết. Số gỗ xẻ được, A Đ đã vận chuyển về nhà dựng thành nhà bếp.

Tại Biên bản làm việc ngày 07/01/2020, Giám định viên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định: 05 cây gỗ do A Nh khai thác để làm nhà có 01 cây chủng loại Chò chỉ, 01 cây chủng loại Gội nếp và 03 cây chủng loại Giổi; 06 cây gỗ do A T, Y Â thuê A Nh, A T khai thác đều thuộc chủng loại Giổi; 06 cây gỗ do A XU thuê A Nh, A T khai thác đều thuộc chủng loại Giổi; 05 cây gỗ do Phan Ngọc M thuê A Nh, A T khai thác đều thuộc chủng loại Giổi; 04 cây gỗ do A Đ thuê A Nh, A T khai thác gồm 01 cây chủng loại Xoan mộc, 01 cây chủng loại Giổi, 01 cây chủng loại Gội nếp và 01 cây chủng loại Giẻ đỏ. Các cây gỗ nêu trên đều thuộc nhóm gỗ thông thường.

Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, các biên bản làm việc xác định khối lượng, chủng loại gỗ và Kết luận giám định số 140/CNR-VP ngày 30/3/2020 của Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại như sau:

- Các cây gỗ có ký hiệu G1, G12, G32, G34 và G35 do A Nh khai thác trái phép có tổng khối lượng là 12,575 mét khối gỗ tròn; Trong đó, A T tham gia cùng A Nh khai thác 03 cây có ký hiệu G1, G12, G35 có tổng khối lượng là 8,437 mét khối gỗ tròn.

- Các cây gỗ có ký hiệu G8, G15, G16, G01B và G02B do Phan Ngọc M thuê A Nh, A T khai thác trái phép có tổng khối lượng là 9,487 mét khối gỗ tròn.

- Các cây gỗ có ký hiệu G20, G25, G45, G03B, G04B và G05B do A T và Y Â thuê A Nh, A T khai thác trái phép có tổng khối lượng là 11,766 mét khối gỗ tròn.

- Các cây gỗ có ký hiệu G27, G01C, G02C, G03C, G04C và G05C do A XU thuê A Nh và A T khai thác trái phép, có tổng khối lượng là 11,005 mét khối gỗ tròn.

- Các cây gỗ có ký hiệu G5, G6, G7 và G01A do A Đ thuê A Nh và A T khai thác trái phép có tổng khối lượng là 9,614 mét khối gỗ tròn.

Tại Kết luận định giá tài sản số 29 ngày 03/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông, kết luận: 11,766 mét khối gỗ tròn, chủng loại Giổi, nhóm III, do A T và Y Â thuê A Nh, A T khai thác, có giá trị là 207.058.000 đồng.

Tại Kết luận định giá tài sản số 30 ngày 03/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông kết luận: 11,005 mét khối gỗ tròn, chủng loại Giổi, nhóm III, do A XU thuê A Nh và A T khai thác, có giá trị là 189.445.000 đồng.

Tại Kết luận định giá tài sản số 31 ngày 03/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông kết luận: 9,487 mét khối gỗ tròn, chủng loại Giổi nhóm III, do Phan Ngọc M thuê A Nh và A T khai thác, có giá trị là 166.036.000 đồng.

Tại Kết luận định giá tài sản số 33 ngày 04/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông kết luận: 5,67 mét khối gỗ tròn chủng loại Chò chỉ, 4,304 mét khối gỗ tròn chủng loại Giổi, 2,601 mét khối gỗ tròn chủng loại Gội nếp do A Nh khai thác, có giá trị là 137.137.500 đồng.

Tại Kết luận định giá tài sản số 34 ngày 04/11/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Kon Plông kết luận: 2,254 mét khối gỗ tròn chủng loại Xoan mộc, 1,983 mét khối gỗ tròn chủng loại Gội nếp, 1,07 mét khối gỗ tròn chủng loại Giổi, 4,307 mét khối gỗ tròn chủng loại Giẻ đỏ do A Đ thuê A Nh và A T khai thác, có giá trị là 55.774.500 đồng.

Tại Bản Cáo trạng số 02/CT -VKS ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông truy tố các bị cáo A Nh, A T về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232 của Bộ luật hình sự; truy tố bị cáo A XU, A T và Y Â về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, Kiểm sát viên giữ nguyên Cáo trạng truy tố đối với hành vi phạm tội của các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 232; Điều 38; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 54; Điều 58 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo A Nh từ 4 năm đến 4 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/6/2020).

Xử phạt bị cáo A T từ 3 năm 09 tháng đến 4 năm 03 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/6/2020).

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; Điều 38; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo A XU từ 09 đến 12 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó, từ 11/6/2020 đến ngày 05/8/2020.

Xử phạt bị cáo A T từ 09 đến 12 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó, từ 12/8/2020 đến ngày 09/11/2020.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 232; Điều 36; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Y Â 18 đến 21 tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn chấp hành hình phạt được tính từ ngày UBND xã Đắk R nhận được bản án có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án của Tòa án.

Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 232 của Bộ luật hình sự đối với các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Đối với số gỗ còn tại hiện trường và số gỗ thu giữ tại nhà A XU, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự, tách vấn đề dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đầy đủ căn cứ, yêu cầu của nguyên đơn dân sự.

Về xử lý vật chứng: Đối với số gỗ còn tại hiện trường và số gỗ thu giữ tại nhà A XU, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kon Plông đã bàn giao cho Lâm trường M quản lý theo các Biên bản bàn giao vật chứng lập ngày 03/10/2020. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, là chủ sở hữu để xử lý theo thẩm quyền.

Đối với số gỗ các bị cáo A T, Y Â, A Nh, người liên quan Phan Ngọc M, A Đ đã sử dụng để làm nhà, đề nghị Hội đồng xét xử trừ đi số gỗ tương ứng còn lại để tính số gỗ mà các bị cáo dùng để làm nhà, quy ra giá trị tương ứng để buộc các bị cáo bồi thường cho Nguyên đơn dân sự.

Đối với số tiền mà A T, A XU, Phan Ngọc M, A Đ trả công cho A Nh và A T tất cả là 17.000.000 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử buộc A Nh và A T nộp lại mỗi bị cáo 8.500.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước.

Đối với 01 máy cưa do A Nh và A T sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội đã bị hư hỏng, A Nh đã vứt bỏ, không nhớ rõ vị trí nên cơ quan điều tra không thu giữ được nên đề nghị Hội đồng xét xử không đề cập xử lý.

Đối với số tiền 1.000.000 đồng người nhà đã nộp thay bị cáo A XU, (Theo biên lai số AA/2010/0003824 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông) để bồi thường, khắc phục một phần hậu quả, hiện tại Nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu, nên tiếp tục tạm giữ số tiền trên tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi Nguyên đơn dân sự có yêu cầu.

Đối với Phan Ngọc M và A Đ là người thuê A Nh và A T; A B là người thuê A Bôn và A Ing khai thác gỗ trái phép, tuy nhiên khối lượng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra đã chuyển thủ tục đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xử phạt hành chính đối với M, Đ và B nên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

Về án phí: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, miễn án phí cho các bị cáo.

Người bào chữa cho các bị cáo có ý kiến, nhất trí với tội danh và điều luật như Viện kiểm sát đề nghị nhưng có đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo A T, Y Â, A XU phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo A Nh, A T, A T và A XU đã tích cực tác động gia đình nộp tiền bồi thường, khắc phục một phần hậu quả; bị cáo A T và A XU có cha, mẹ là người có công với cách mạng; các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, phạm tội vì nhu cầu làm nhà ở cho gia đình chứ không phải mục đích buôn bán nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, xử phạt các bị cáo A Nh 3 năm 09 tháng tù; bị cáo A T 3 năm 06 tháng tù; bị cáo A T, A XU 08 tháng tù; bị cáo Y Â 12 tháng cải tạo không giam giữ và đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung và miễn án phí cho các bị cáo.

Tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến tranh luận gì, xin Hội đồng xét xử xem xét đến động cơ, mục đích các bị cáo phạm tội để giảm nhẹ hình phạt.

Người đại diện theo uỷ quyền của Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K không có yêu cầu gì, đề nghị hội đồng xét xử xử lý theo quy định của pháp luật.

Những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến gì, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Tại văn bản số 244/SNN-TTr ngày đề ngày 01/02/2021, ông Nguyễn Tấn L - đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn dân sự trình bày đối với số gỗ các đối tượng đã sử dụng làm nhà ở, yêu cầu Tòa án xác định giá trị thiệt hại để buộc bồi thường khoản tiền tương ứng với giá trị tài sản do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Kon Plông, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Tại phiên tòa ông Nguyễn Tấn L, ông Phan Ngọc M, bà Y B và ông A Th có đơn xin xét xử vắng mặt, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đối với ông L, ông M, bà Y B và ông A Th.

[2] Về hành vi phạm tội của các bị cáo, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa đã xác định được:

Vào khoảng tháng 2/2019, do cần gỗ để làm nhà, A Nh lên rừng dùng máy cưa cắt hạ 04 cây gỗ rồi đi về nhà. Đến tháng 6/2019, A Nh lại lên rừng dùng máy cưa cắt hạ 01 cây gỗ. Sau đó, A Nh đi đến Trạm bảo vệ rừng thuộc Lâm trường M gặp Đinh Công Nh để xin xẻ gỗ làm nhà. Sau khi được sự đồng ý của Đinh Công Nh, A Nh đến nhờ A T phụ giúp việc xẻ gỗ. T tham gia xẻ cùng Nh 03 cây gỗ, ký hiệu G01, G12, G35, có tổng khối lượng 8,437 mét khối gỗ tròn, đối với 02 cây ký hiệu G32, G34 còn lại có tổng khối lượng 4,138 mét khối gỗ tròn do một mình A Nh tự cưa, xẻ. Tổng khối lượng gỗ do A Nh khai thác là 12,575 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. Số gỗ khai thác được, phần lớn Nh đã đóng thành nhà ở.

Cũng trong tháng 2/2019, Phan Ngọc M thuê A Nh và A T khai thác trái phép tổng cộng 05 cây gỗ chủng loại Giổi, có tổng khối lượng là 9,487 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. Số gỗ khai thác được, phần lớn M đã vận chuyển về nhà và dựng thành nhà ở, M trả công cho Nh và T 2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng tiêu xài.

Đến khoảng tháng 6/2019, A T sau khi trao đổi với vợ là Y Â về việc xẻ gỗ làm nhà, được Y Â thống nhất, sau đó Y Â đến gặp Đinh Công Nh xin xẻ gỗ làm nhà và được Nh cho phép, A T đã thuê A Nh và A T khai thác trái phép 06 cây gỗ chủng loại Giổi, có tổng khối lượng là 11,766 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. Số gỗ khai thác được, phần lớn A T và Y Â đã dựng thành nhà ở. A T trả cho A T và A Nh 11.000.000 đồng, sau khi trừ chi phí 1.000.000 đồng, cả hai chia nhau mỗi người 5.000.000 đồng tiêu xài.

Hai tuần sau, A XU làm đơn xin xẻ gỗ làm nhà và được Đinh Công Nh cho phép, A XU thuê A Nh và A T khai thác 06 cây gỗ chủng loại Giổi, có tổng khối lượng là 11,005 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. A XU đã vận chuyển được về nhà 14 hộp gỗ, gồm ( 06 hộp dài 3m, rộng 15cm, dày 15cm; 08 hộp dài 4m, rộng 12cm, dày 06 cm), hiện tại số gỗ trên và số gỗ còn tại hiện trường vụ án đều đã bị thu giữ. A XU trả cho Nh và A T 2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng tiêu xài.

Một tuần sau, A Đ làm đơn xin xẻ gỗ làm nhà và được Đinh Công Nh cho phép, A Đ thuê A Nh và A T khai thác trái phép 04 cây gỗ, có tổng khối lượng 9,614 mét khối gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường. Số gỗ này A Đ đã vận chuyển về nhà và dựng thành nhà bếp. A Đ trả cho Nh và A T2.000.000 đồng, Nh và T chia nhau mỗi người 1.000.000 đồng tiêu xài.

Như vậy, tổng khối lượng gỗ các đối tượng khai thác trái phép là: A Nh 54,447 m3 gỗ tròn, A T là 50,309 m3 gỗ tròn, A XU là 11,005 m3 gỗ tròn, A T và Y Â là 11,766 m3 gỗ tròn, Phan Ngọc M 9,487 m3 gỗ tròn, A Đ 9,614 m3 gỗ tròn. Tất cả thuộc nhóm gỗ thông thường, tại rừng tự nhiên, chức năng sản xuất.

Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của Đinh Công Nh, Phan Ngọc M, A Đ; phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản làm việc ngày 07/01/2020; các biên bản làm việc ngày 06/01/2020, ngày 25/3/2020 đối với A Nh, A T; biên bản làm việc ngày 24/12/2019 đối với Y Â, Phan Ngọc M, A Đ; biên bản làm việc ngày 06/01/2020 đối với A XU và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã đủ cơ sở kết luận, hành vi của các bị cáo A Nh, A T đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 232 Bộ luật hình sự; hành vi của các bị cáo A T, Y Â và A XU đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự. Vì vậy, Cáo trạng số 02/CT- VKS ngày 07/01/2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Plông truy tố các bị cáo về tội danh và điều khoản nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác, bảo vệ rừng. Đảng, Nhà nước ta, các ngành, các cấp tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông đã có nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm nhưng tình hình khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn huyện vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Do vậy, cần xử phạt các bị cáo mức hình phạt nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra để trừng trị, giáo dục, đồng thời để răn đe, phòng ngừa chung.

[3] Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, giữa các bị cáo, người liên quan có sự trao đổi, thỏa thuận về việc khai thác gỗ, nhưng không có sự phân công cụ thể nhiệm vụ từng đồng phạm nên khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử cần phải căn cứ vào tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng bị cáo, cụ thể như sau: Đối với A Nh, là người chuẩn bị máy cưa để thực hiện việc khai thác gỗ; trực tiếp cưa hạ 05 cây gỗ cho mình, sau đó rủ A T phụ cắt, xẻ các cây gỗ do Nh cưa hạ từ trước. Sau khi được A Đ, A T và A XU đến đặt vấn đề nhờ đi xẻ gỗ, Nh đã gọi cho A T để rủ đi cùng. Ngoài ra, A Nh còn trực tiếp cưa hạ cây cho Phan Ngọc M, luân phiên cùng A T cưa hạ cây cho A XU, A T và Y Â, A Đ. Sau khi cưa hạ cây xuống, A Nh là người chủ yếu cắt xẻ các cây gỗ thành quy cách, A T phụ cưa. Do đó, A Nh có vai trò vừa là người chủ mưu, vừa là người thực hành tích cực trong vụ án, phải chịu trách nhiệm về tất cả số gỗ khai thác cho bản thân, cho A XU, A T và Y Â, Phan Ngọc M và A Đ, tổng khối lượng là 54,447 m3 gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường, nên mức hình phạt phải cao nhất trong các bị cáo.

Đối với A T, là người tiếp nhận ý chí của A Nh, phụ giúp cho A Nh cắt, xẻ 03 trong 05 cây gỗ do Nhật cưa hạ. Bên cạnh đó, A T còn tham gia phụ A Nh cưa hạ cây cho Phan Ngọc M, luân phiên cùng A Nh cưa hạ cây cho A XU, A T và Y Â, A Đ. Sau khi cưa hạ cây xuống, A Nh là người chủ yếu cắt xẻ các cây gỗ thành quy cách, A T có cầm cưa nhưng không đáng kể, chủ yếu phụ cưa cho A Nh. Do đó, A T cũng là người thực hành trong vụ án nhưng vai trò thấp hơn A Nh, phải chịu trách nhiệm đối với số gỗ khai thác cho A Nh, A XU, A T và Y Â, Phan Ngọc M, A Đ, trừ 2 cây gỗ không khai thác cùng A Nh, tổng khối lượng là 50,309 m3 gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường, nên chịu mức hình phạt thấp hơn A Nh.

Đối với A XU, bản thân là đảng viên, người có chức vụ tại tại xã, biết việc khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo vẫn thuê A Nh và A T khai thác 11,005 m3 gỗ, cung cấp thức ăn, xăng, nhớt cho A Nh và A Ttrong quá trình khai thác. Do đó, A XU có vai trò là người chủ mưu, A Nh và A T là người thực hành.

Đối với A T, là người thuê A Nh và A T khai thác 11,766 m3 gỗ trái phép, tìm, chỉ cây gỗ, cung cấp thức ăn, xăng, nhớt cho A Nh và A T. Y Â là vợ A T, là người tiếp nhận ý chí của A T, giúp A T trong việc xin đơn xẻ gỗ làm nhà, tham gia tìm cây gỗ với A T để chỉ cho A Nh và A T khai thác, thỉnh thoảng mang xăng, nhớt, thức ăn cho A Nh, A T trong quá trình khai thác gỗ. Do đó, A T có vai trò là người chủ mưu, Y Â có vai trò là người giúp sức, A Nh và A T là người thực hành.

[4] Về đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

- Về đặc điểm nhân thân: Các bị cáo đều có nhân tốt, không có tiền án, tiền sự.

- Về tình tiết tăng nặng: Các bị cáo A XU, A T và Y Â không có tình tiết tăng nặng; các bị cáo A Nh và A T thực hiện nhiều lần việc khai thác gỗ trái phép, trong đó có 02 lần khai thác gỗ cho A XU và A T đủ khối lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự, nên hai bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Đối với bị cáo A XU, A T và Y Â phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Trước khi mở phiên tòa, anh A Te đã nộp thay cho bị cáo A Nh số tiền 9.000.000 đồng (Theo biên lai số AA/2010/0003820 và AA/2010/0003822 ngày 23/02/20121 và ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); chị Y Xu đã nộp thay cho bị cáo A T số tiền 9.000.000 đồng (Theo biên lai số AA/2010/0003821 và AA/2010/0003823 ngày 23/02/20121 và ngày 25/02/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); anh A Kh đã nộp thay cho bị cáo A T số tiền 500.000 đồng (Theo biên lai số AA/2010/0003825 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); chị Y Tr đã nộp thay cho bị cáo A XU số tiền 1.000.000 đồng (Theo biên lai số AA/2010/0003824 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông) để bồi thường, khắc phục một phần hậu quả. Số tiền nộp tuy không nhiều so với mức độ thiệt hại, nhưng vì các bị cáo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo và cận nghèo, sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đa số làm nông, thu nhập không ổn định, xét thấy các bị cáo đều đã nhận thức được hành vi phạm tội, tự nguyện, tích cực tác động gia đình để nộp tiền bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra nên Hội đồng xét xử cho các bị cáo A Nh, A T, A XU và A T được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo A T và A XU có cha, mẹ là người có công với cách mạng nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Bị cáo A XU khai thác khối lượng gỗ là 11,005 m3, toàn bộ số gỗ khai thác được đã bị thu giữ, bản thân lại đang điều trị bệnh hở van tim. Đối với bị cáo A T khai thác 11,766 m3 (nhiều hơn so với A XU), phần lớn số gỗ đã dùng để làm nhà ở.

Vai trò của hai bị cáo trong việc khai thác gỗ cho bản thân đều là người chủ mưu nên Hội đồng xét xử sẽ xem xét khi quyết định hình phạt.

Xét tính chất của vụ án thấy rằng, các bị cáo đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, chưa có nhà ở, nhận thức của các bị cáo khi thực hiện việc khai thác gỗ là đã làm đơn được thôn trưởng xác nhận và được cán bộ lâm trường cho phép nên được lên rừng khai thác gỗ để làm nhà, nên một phần lỗi cũng do công tác quản lý, tuyên truyền của của các cơ quan có thẩm quyền. Các bị cáo khai thác gỗ để làm nhà ở theo nhu cầu của cuộc sống, theo phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc, số gỗ khai thác được thực tế các bị cáo đều dùng vào mục đích làm nhà, sửa nhà ở cho gia đình, chứ không phải để buôn bán, kiếm lợi nhuận, vì vậy Hội đồng xét xử sẽ xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

[5] Về xử lý vật chứng:

Đối với số gỗ thu giữ tại nhà A XU và số gỗ còn lại tại hiện trường, theo các Biên bản bàn giao vật chứng lập ngày 03/10/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kon Plông và Chi nhánh Lâm trường M), hiện Chi nhánh Lâm trường M đang bảo quản, gồm:

- 06 hộp gỗ, chủng loại Giổi, dài 3 m, rộng 15 cm, dày 15 cm.

- 08 hộp gỗ, chủng loại Giổi, có chiều dài 4 m, rộng 12 cm, dày 6 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Chò chỉ, đường kính 80 cm, chiều dài 6,5 m, khối lượng 3,266 m3.

- 06 hộp gỗ xẻ, chủng loại Chò chỉ, chiều dài 4 m, rộng 28 cm, dày 6 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,645 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 30 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,317 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 30 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,317 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 25 cm, dày 25 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,220 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 40 cm, dày 15 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,211 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 28 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,296 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 25 cm, dày 20 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,176 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Gội nếp, đường kính 47 cm, chiều dài 15 m, khối lượng 2,601 m3.

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 15 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,158 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 25 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,264 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,5 m, đường kính 65 cm (bọng dập toàn bộ).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3 m, đường kính 70 cm, đường kính bọng 40 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, đường kính 55 cm (khối lượng 0,522 m3).

- 69 tấm ván kính thước: dài 3,2 m, rộng 23 cm, dày 2 cm.

- 83 tấm ván kích thước: dài 3m, rộng 25 cm, dày 2 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 1,4 m, đường kính 53 cm (khối lượng 0,309 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 45 cm (khối lượng 0,509 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 6,2 m, đường kính 66 cm (khối lượng gỗ đã trừ bọng là 0,903 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 1,7 m, đường kính 60 cm (khối lượng gỗ đã trừ bọng là 0,360 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 40 cm (khối lượng gỗ là 0,402 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 35 cm (khối lượng gỗ là 0,308 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,5 m, đường kính 30 cm (khối lượng gỗ là 0,177 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 27 cm.

- 12 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giẻ đỏ, chiều dài 4 m, rộng 12 cm, dày 6 cm.

Xét thấy, số vật chứng trên là tài sản thuộc sở hữu nhà nước mà UBND tỉnh Kon Tum là đại diện chủ sở hữu hợp pháp. Việc giao lại cho chủ sở hữu không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và thi hành án, nên Hội đồng xét xử giao cho chủ sở hữu là UBND tỉnh Kon Tum (Nguyên đơn dân sự trong vụ án) số vật chứng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với số gỗ A Nh, A T và Y Â, Phan Ngọc M, A Đ đã dùng để dựng thành nhà ở, số gỗ này là tài sản do phạm tội mà có nên phải tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số gỗ trên đã được các đối tượng cắt, xẻ thành ván, cột, đà theo quy cách để làm nhà, không còn giá trị và trạng thái như ban đầu nên việc tịch thu sẽ không đảm bảo được quyền và lợi ích cho nguyên đơn dân sự. Mặt khác, các bị cáo A Nh, A T và Y Â và A Đ đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phan Ngọc M là người cao tuổi, đều sống tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, mục đích khai thác gỗ để sửa nhà và dựng nhà ở cho gia đình, thực tế đã làm nhà và sử dụng lâu dài, ổn định, là chỗ ở duy nhất nên việc tịch thu sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên trong gia đình, vì vậy, buộc các bị cáo A Nh, A T, A T và Y Â, ông M, anh A Đ phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn dân sự, tương ứng đối với giá trị gỗ đã dùng để làm nhà là phù hợp.

Đối với số tiền A XU, A T, Phan Ngọc M, A Đ trả công cho A Nh và A T để khai thác gỗ tổng cộng là 17.000.000 đồng, A Nh và A T đã chia đều nhau tiêu xài hết. Xét thấy, đây là số tiền Nh và T thu lợi bất chính do phạm tội mà có, buộc hai bị cáo phải nộp lại mỗi người 8.500.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước.

Đối với máy cưa A Nh và A T dùng để cưa gỗ, sau đó bị hỏng A Nh đã vứt bỏ không nhớ vị trí ở đâu, cơ quan điều tra không thu giữ được nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét.

[6] Về trách nhiệm dân sự:

Đối với số gỗ thu giữ tại nhà A XU và số gỗ còn lại tại hiện trường (Theo các Biên bản bàn giao vật chứng lập ngày 03/10/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kon Plông và Chi nhánh Lâm trường M), hiện Chi nhánh Lâm trường M đang bảo quản. Hiện tại, nguyên đơn dân sự chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và thi hành án, nên áp dụng Điều 30 của Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đầy đủ căn cứ, yêu cầu của nguyên đơn.

Đối với số gỗ A Nh, A T và Y Â, Phan Ngọc M, A Đ đã dùng để dựng thành nhà ở, buộc các bị cáo A Nh, A T, A T và Y Â, ông M và anh A Đ phải có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn dân sự theo mỗi lần khai thác, cụ thể như sau:

Đối với số gỗ Phan Ngọc M thuê A Nh và A T khai thác, tổng khối lượng 9,487 m3 gỗ Giổi, trị giá 166.036.000 đồng. Trừ đi giá trị khối lượng gỗ còn tại hiện trường là: 1,263 m3 x 18.000.000/m3 = 22.734.000 đồng. Số tiền ông M, A Nh, A T phải liên đới bồi thường là: 166.036.000 - 22.734.000 = 143.302.000 đồng. Căn cứ vào vai trò thực hiện tội phạm, số tiền cụ thể mỗi người phải bồi thường là: Phan Ngọc M 90.000.000 đồng, A Nh 28.302.000 đồng, A T25.000.000 đồng.

Đối với số gỗ A T, Y Â thuê A Nh và A T khai thác, tổng khối lượng 11,766 m3 gỗ Giổi, trị giá 207.058.000 đồng, Trừ đi giá trị khối lượng gỗ còn tại hiện trường là: 1,299 m3 x 18.000.000/m3 = 23.382.000 đồng. Số tiền các bị cáo phải liên đới bồi thường là: 207.058.000 - 23.382.000 = 183.676.000 đồng. Căn cứ vào vai trò thực hiện tội phạm, số tiền cụ thể mỗi bị cáo phải bồi thường là: A T 90.000.000 đồng, A Nh 33.000.000 đồng, A T 32.000.000 đồng, Y Â 28.676.000 đồng.

Đối với số gỗ A Đ thuê A Nh và A T khai thác, tổng khối lượng 9,614 m3, trị giá 55.774.500 đồng, trong đó 2,254 m3 gỗ Xoan mộc, 1,983 m3 gỗ Gội nếp, 1,07 mét khối gỗ Giổi, 4,307 mét khối gỗ Giẻ đỏ. Trừ đi giá trị khối lượng gỗ chủng loại tương ứng còn lại tại hiện trường là: 0,8 m3 gỗ Giổi x 13.000.000 đồng/m3 = 10.400.000 đồng; 0,553 m3 gỗ Giẻ đỏ x 5.000.000 đồng/m3 = 2.765.000 đồng, tổng cộng 13.165.000 đồng. Số tiền A Đ, A T, A Nh phải liên đới bồi thường là: 55.774.500 - 13.165.000 = 42.609.500 đồng. Căn cứ vào vai trò thực hiện tội phạm, số tiền cụ thể mỗi người phải bồi thường là: A Đ 30.000.000 đồng, A Nh 6.609.500 đồng, A T 6.000.000 đồng.

Đối với số gỗ A Nh và A T khai thác cho A Nh, tổng khối lượng 12.575 m3, trong đó 5,670 m3 gỗ Chò chỉ, 4,304 m3 gỗ Giổi, 2,601 m3 gỗ Gội nếp, trị giá 137.137.500 đồng. A T chỉ tham gia cưa, xẻ cùng A Nh 03 cây G1, G12, G35; 02 cây G32 và G34 A Nh khai thác một mình, số lượng gỗ còn nguyên tại hiện trường nên hai bị cáo A Nh, A T chỉ phải liên đới bồi thường số lượng gỗ mất đi của 03 cây G1, G12, G35, trừ đi giá trị khối lượng gỗ chủng loại tương ứng còn tại hiện trường là: 1,959 m3 gỗ Giổi x 18.000.000 đồng/m3 = 35.262.000 đồng; 3,911 m3 gỗ Chò chỉ x 8.000.000 đồng/m3 = 31.288.000 đồng; 2,601 m3 gỗ Gội nếp x 5.500.000/m3 = 14.305.500 đồng, tổng cộng 80.855.500 đồng. Số tiền các bị cáo phải liên đới bồi thường là: 137.137.500 - 80.855.500 = 56.282.000 đồng. Căn cứ vào vai trò thực hiện tội phạm, số tiền cụ thể phải bồi thường là: A Nh 45.000.000 đồng, A T 11.282.000 đồng.

Như vậy, tổng số tiền bị cáo A Nh phải bồi thường là 112.911.500 đồng, được trừ đi số tiền 9.000.000 đồng anh A Te đã nộp thay, bị cáo còn phải bồi thường tiếp 103.911.500 đồng.

Tổng số tiền bị cáo A T phải bồi thường là 74.282.000 đồng, được trừ đi số tiền 9.000.000 đồng chị Y Xu đã nộp thay, bị cáo còn phải bồi thường tiếp 65.282.000 đồng.

Tổng số tiền bị cáo A T phải bồi thường là 90.000.000 đồng, được trừ đi số tiền 500.000 đồng anh A Kh đã nộp thay, bị cáo còn phải bồi thường tiếp 89.500.000 đồng.

Tổng số tiền bị cáo Y Â phải bồi thường là 28.676.000 đồng.

Tổng số tiền ông Phan Ngọc M phải bồi thường là 90.000.000 đồng. Tổng số tiền anh A Đ phải bồi thường là 30.000.000 đồng.

[7] Đối với Phan Ngọc M và A Đ là người thuê A Nh và A T khai thác gỗ trái phép, tuy nhiên khối lượng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phan Ngọc M và A Đ nên cơ quan điều tra đã chuyển thủ tục đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xử phạt hành chính đối với Phan Ngọc M và A Đ nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[8] Đối với Đinh Công Nh, là Trạm trưởng trạm quản lý, bảo vệ rừng thôn Đắk Ch, xã Đắk R, thuộc Chi nhánh Lâm trường M. Nh nhận thức rõ việc cho người dân khai thác gỗ trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vẫn hướng dẫn cho người dân điền thông tin vào đơn, sau đó nhận đơn và cho phép bằng miệng người dân khai thác gỗ, trong đó có A XU, Y Â, A Nh và A Đ. Hành vi trên của Đinh Công Nh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác quản lý rừng, hiện Nh đã bị Cơ quan điều tra khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật.

[9] Đối với A V, là nhân viên trạm quản lý, bảo vệ rừng thôn Đắk Ch, xã Đắk R thuộc Chi nhánh Lâm trường M, không thừa nhận việc có nhận đơn và cho phép Phan Ngọc M khai thác gỗ, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, có căn cứ sẽ xử lý sau nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[10] Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp K là đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, sử dụng đối với diện tích rừng nói trên, đề nghị công ty phối hợp với các chi nhánh lâm trường, các cơ quan, ban ngành có liên quan, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng để hạn chế, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép lâm sản.

[11] Đối với bà Y B, là vợ của ông Phan Ngọc M, không biết việc ông M ghi tên mình vào đơn xin xẻ gỗ làm nhà và thuê người lên rừng cưa gỗ nên hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét.

[12] Đối với A B, là người thuê A B và A In khai thác là 9,374 m3 gỗ tròn, nhóm gỗ thông thường, A B đã dùng tất cả số gỗ dựng thành nhà ở, khối lượng gỗ chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra đã chuyển thủ tục đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xử phạt hành chính nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[13] Đối với số tiền 9.000.000 đồng anh A Te đã nộp bồi thường thay cho bị cáo A Nh (Theo biên lai số AA/2010/0003820 và AA/2010/0003822 ngày 23/02/20121 và ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); số tiền 9.000.000 đồng chị Y Xu đã nộp bồi thường thay cho bị cáo A T (Theo biên lai số AA/2010/0003821 và AA/2010/0003823 ngày 23/02/20121 và ngày 25/02/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); số tiền 500.000 anh A Kh đã nộp bồi thường thay cho bị cáo A T (Theo biên lai số AA/2010/0003825 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông); số tiền 1.000.000 đồng chị Y Tr đã nộp bồi thường thay cho bị cáo A XU (Theo biên lai số AA/2010/0003824 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông). Tại phiên tòa không ai có yêu cầu gì nên hội đồng xét xử không xem xét.

[14] Đối với số tiền 1.000.000 đồng chị Y Tr đã nộp thay cho bị cáo A XU để bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả (Theo biên lai số AA/2010/0003824 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông). Hiện tại nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu bồi thường nên tiếp tục tạm giữ số tiền trên tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi Nguyên đơn dân sự có yêu cầu.

[15] Về hình phạt bổ sung: Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 232 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo.

[16] Về án phí: Các bị cáo A Nh, A T, A T, Y Â, A XU và anh A Đ là người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quyết định số 1010/QĐ-TTG ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; ông Phan Ngọc M là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009 nên thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo A Nh, A T, A XU, A T và Y Â phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 232; Điều 38; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo A Nh 5 (năm) năm 08 (tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/6/2020). Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

Xử phạt bị cáo A T 5 ( năm) năm 03 ( ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (11/6/2020). Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo cho việc thi hành án.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; Điều 38; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo A XU 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó (từ 11/6/2020 đến ngày 05/8/2020).

Xử phạt bị cáo A T 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án và được trừ thời gian bị tạm giam trước đó (từ 12/8/2020 đến ngày 09/11/2020).

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 58; điều 65 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Y Â 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ( ngày 25/02/2021). Giao bị cáo cho UBND xã Đắk R, huyện K, tỉnh Kon Tum giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2. Về trách nhiệm dân sự:

Căn cứ Điều 30 của Bộ luật tố tụng hình sự, tách vấn đề dân sự ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có đầy đủ căn cứ, yêu cầu của nguyên đơn dân sự đối với số gỗ thu giữ được tại nhà A XU và số gỗ còn lại tại hiện trường (Theo các Biên bản bàn giao vật chứng lập ngày 03/10/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kon Plông và Chi nhánh Lâm trường M), hiện Chi nhánh Lâm trường M đang bảo quản.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 1.000.000 đồng chị Y Tr nộp thay bị cáo A XU (Theo biên lai số AA/2010/0003824 ngày 25/02/2021 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông) tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kon Plông để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi Nguyên đơn dân sự có yêu cầu.

Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 357, 468, Điều 584, 585, 587, 589 Bộ luật dân sự, buộc các bị cáo A Nh, A T, A T và Y Â; ông Phan Ngọc M và anh A Đ phải bồi thường cho Nguyên đơn dân sự ( UBND tỉnh Kon Tum) số tiền cụ thể như sau:

Bị cáo A Nh phải bồi thường 103.911.500 đồng (Một trăm lẻ ba triệu chín trăm mười một nghìn năm trăm đồng); bị cáo A T phải bồi thường 65.282.000 đồng (Sáu mươi lăm triệu hai trăm tám mươi hai nghìn đồng); bị cáo A T phải bồi thường 89.500.000 đồng (Tám mươi chín triệu năm trăm nghìn đồng); bị cáo Y Â phải bồi thường 28.676.000 đồng (Hai mươi tám triệu sáu trăm bảy mươi sáu nghìn đồng); Ông Phan Ngọc M phải bồi thường 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng); Anh A Đ phải bồi thường 30.000.000 đồng ( Ba mươi triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về xử lý vật chứng:

Căn cứ khoản 2 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, giao cho chủ sở hữu là UBND tỉnh Kon Tum (Nguyên đơn dân sự trong vụ án) số vật chứng (Theo Biên bản bàn giao vật chứng lập ngày 03/10/2020 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra và Chi nhánh Lâm trường M) để xử lý theo quy định của pháp luật, gồm:

- 06 hộp gỗ, chủng loại Giổi, dài 3 m, rộng 15 cm, dày 15 cm.

- 08 hộp gỗ, chủng loại Giổi, có chiều dài 4 m, rộng 12 cm, dày 6 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Chò chỉ, đường kính 80 cm, chiều dài 6,5 m, khối lượng 3,266 m3.

- 06 hộp gỗ xẻ, chủng loại Chò chỉ, chiều dài 4 m, rộng 28 cm, dày 6 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,645 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 30 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,317 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 30 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,317 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 25 cm, dày 25 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,220 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 40 cm, dày 15 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,211 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 28 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,296 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 25 cm, dày 20 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,176 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Gội nếp, đường kính 47 cm, chiều dài 15 m, khối lượng 2,601 m3.

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 15 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,158 m3).

- 01 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, rộng 30 cm, dày 25 cm (khối lượng gỗ đã quy tròn là 0,264 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,5 m, đường kính 65 cm (bọng dập toàn bộ).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3 m, đường kính 70 cm, đường kính bọng 40 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,2 m, đường kính 55 cm (khối lượng 0,522 m3).

- 69 tấm ván kính thước: dài 3,2 m, rộng 23 cm, dày 2 cm.

- 83 tấm ván kích thước: dài 3m, rộng 25 cm, dày 2 cm.

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 1,4 m, đường kính 53 cm (khối lượng 0,309 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 45 cm (khối lượng 0,509 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 6,2 m, đường kính 66 cm (khối lượng gỗ đã trừ bọng là 0,903 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 1,7 m, đường kính 60 cm (khối lượng gỗ đã trừ bọng là 0,360 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 40 cm (khối lượng gỗ là 0,402 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 35 cm (khối lượng gỗ là 0,308 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 2,5 m, đường kính 30 cm (khối lượng gỗ là 0,177 m3).

- 01 lóng gỗ, chủng loại Giổi, chiều dài 3,2 m, đường kính 27 cm.

- 12 hộp gỗ xẻ, chủng loại Giẻ đỏ, chiều dài 4 m, rộng 12 cm, dày 6 cm.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự, điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, buộc bị cáo A Nh phải nộp lại 8.500.000 đồng, bị cáo A T phải nộp lại 8.500.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước.

4. Về án phí: Miễn án phí hình sự và dân sự sơ thẩm cho các bị cáo A Nh, A T, A T và Y Â.

Miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo A XU.

Miễn án phí dân sự sơ thẩm ông Phan Ngọc M và anh A Đ.

5. Quyền kháng cáo: Các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

97
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 05/2021/HS-ST

Số hiệu:05/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kon Plông - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về