Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả số 407/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 407/2022/HS-PT NGÀY 19/09/2022 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ

Ngày 19/9/2022, tại Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 331/2022/TLPT-HS, ngày 19/8/2022 đối với bị cáo Nguyễn Thị H do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 125/2022/HSST, ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo kháng cáo:

Nguyễn Thị H, sinh năm 1980 tại Nam Định; Thường trú: đường I, Khu phố A, phường TL, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn T và bà Nguyễn Thị K; hoàn cảnh gia đình: Có chồng là Trịnh Minh S và 04 con (lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2020); Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo tại ngoại (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 7 giờ 20 phút ngày 19/01/2021, tại trước bãi đất trống đường TL27, Khu phố A, phường TL, Quận X. Công an Quận X tiến hành kiểm tra đối với hàng hóa trên xe ô tô tải mang biển số 51C-851.54 do Trịnh Minh S và Đinh Ngọc T điều khiển. Qua kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển 25 gói bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto, loại 400gam; bột giặt nhãn hiệu OMO, loại 4,5 ký: 15 gói, loại 400gam:

245 gói, loại 800gam: 147 gói, loại 3 ký: 23 gói; bột giặt nhãn hiệu OMO, loại Comfort; 360gam: 109 gói, 720gam: 18 gói; bột giặt nhãn hiệu ABA, loại 3ký: 10 gói, loại 800gam: 219 gói, 400gam: 331 gói; bột giặt nhãn hiệu INO loại 6ký: 06 gói;

nước giặt nhãn hiệu OMO Matic, loại 2.7ký (2.6l): 4 chai; dầu ăn nhãn hiệu Hoa Bếp Cooking Oil, loại 880ml: 84 chai; nước mắm nhãn hiệu Như Hải Nhất Nhị, loại 880ml: 30 chai; dầu ăn nhãn hiệu Tường An, loại Olita; 1 lít: 11 chai; dầu ăn nhãn hiệu Hoa bếp, loại 370ml: 120 chai; nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight, loại 386ml:

72 chai; nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight, loại hương hoa LyLy; 997ml: 22 chai; nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight, loại hương hoa Diên Vỹ; 997ml: 13 chai; Giấy tem nhãn mang nhãn hiệu Chinsufoods – Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml (gồm mặt trước và mặt sau, để dán vào chai nước chấm): 14 tờ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, Công an Quận 12 đã lập hồ sơ ghi nhận sự việc và tạm giữ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ.

Trịnh Minh S, Đinh Ngọc T khai nhận trong số hàng hóa nói trên, có một số hàng hóa là hàng giả (bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto, bột giặt nhãn hiệu OMO, ABA các loại, nước rửa chén và nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight các loại), do bị cáo Nguyễn Thị H (là vợ của S) tự sản xuất tại chỗ ở của vợ chồng S và kho chứa hàng gần chỗ ở của vợ chồng S. Tại 02 địa điểm trên còn chứa một số thành phẩm hàng giả cùng loại với hàng hóa tạm giữ nói trên, cùng một số công cụ, phương tiện, nguyên liệu phục vụ việc sản xuất hàng giả.

Tiến hành khám xét khẩn cấp tại chỗ ở của vợ chồng Trịnh Minh S, Nguyễn Thị H tại địa chỉ: 26/24/15 đường TL26, Khu phố A, phường TL, Quận X và kho chứa hàng của vợ chồng S, địa chỉ: nhà không số đường TL26, Khu phố A, phường TL, Quận X. Vật chứng thu giữ gồm:

Tại nhà số 26/24/15 đường TL26, KP3B, Phường Thạnh Lộc, Quận 12: Trong phòng ngủ tại tầng 1:

- Bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto, thành phẩm loại 140gam: 06 gói;

- Bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto, loại 400gam (bán thành phẩm, 01 đầu chưa ép dính): 01 gói;

- Hạt nêm nhãn hiệu Knorr, loại 170gam thành phẩm: 01 gói;

- Hạt nêm nhãn hiệu Knorr, loại 170g (bán thành phẩm, 1 đầu chưa ép dính):

01 gói;

- Vỏ bao bì bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto các loại: 700 cái, Vỏ bao bì hạt nêm nhãn hiệu Knorr các loại: 283 cái;

- Vỏ bao bì bột giặt nhãn hiệu OMO các loại: 375 cái, Vỏ bao bì bột giặt nhãn hiệu ABA các loại: 375 cái.

Trên gác tầng 1 của căn nhà:

- 01 Máy biến thế Coral, Model 180Cr (đã qua sử dụng);

- 01 Máy ép nhiệt hiệu Tân Thanh (đã qua sử dụng). Tại tầng trệt căn nhà, cạnh cầu thang phát hiện:

- Nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight loại 386ml (400g) thành phẩm: 12 chai;

- Vỏ chai nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight loại 725ml: 30 cái;

- 01 đầu ghi camera trong nhà.

Tại nhà không số đường TL26, Khu phố A, phường TL, Quận X là kho chứa hàng của vợ chồng S, phát hiện và thu giữ:

Thành phẩm:

- Bột giặt nhãn hiệu ABA loại 800g: 50 bao;

- Bột giặt nhãn hiệu OMO loại 400g: 30 bao;

- Bột giặt nhãn hiệu OMO Comfort loại 720g: 21 bao;

- Bột giặt nhãn hiệu OMO loại 800g: 50 bao;

- Bột giặt nhãn hiệu OMO loại 4,5 Kg: 03 bao;

- Bột giặt nhãn hiệu OMO Matic loại 2,6 lít: 04 bình (chai);

- Dầu ăn nhãn hiệu Hoa bếp loại 880ml: 12 chai;

- Nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight chanh loại 725 ml: 02 chai;

- Nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight chanh loại 386 ml: 02 chai;

- Nước lau nhà nhãn hiệu Sunlight lau sàn màu xanh, (hương hoa Diên Vĩ), loại 997ml: 66 chai;

- Nước lau nhà nhãn hiệu Sunlight lau sàn màu hồng, (Hương hoa Lily), loại 997ml: 18 chai;

- Nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight lau sàn, màu xanh ngọc bích, (Hương hoa thiên nhiên), loại 997ml: 15 chai;

- Khăn ướt không mùi nhãn hiệu Babby (màu đỏ): 500 hộp;

- Khăn ướt không mùi nhãn hiệu Baby (màu xanh): 600 hộp;

Công cụ, nguyên phụ liệu như: Bột giặt nhãn hiệu INO loại 06kg, Bột giặt nhãn hiệu Net loại 06kg, Bao bì bột giặt nhãn hiệu ABA, Bao bì bột giặt nhãn hiệu OMO, Thau còn một ít bột giặt bên trong, Cân hiệu Nhơn Hòa, loại 5kg, ca nhựa để xúc bột giặt, Máy ép nhiệt hiệu, Bao tay, Bộ tem Nam Ngư Đệ Nhị (Mặt trước và mặt sau), Phểu cao su, Kéo kim loại, Vỏ bình bột giặt Net Matic, Vỏ thùng carton bột giặt Net, Nước lau nhà hiệu Gift các loại, Vỏ bình lau sản nhà hiệu Sunlight, Thùng carton hiệu Nêm Việt, Vỏ chai nước rửa chén hiệu Sunlight loại 725ml, Nắp bình (chai) nước rửa chén hiệu Sunlight, Tem nhãn nước rửa chén hiệu Sunlight loại 386 ml, Vỏ chai nước rửa chén không hiệu loại 725ml, Thùng carton nước rửa chén hiệu Sunlight, Nước rửa chén hiệu “Sạch” loại 20 lít.

Nguyn Thị H khai nhận, toàn bộ số hàng hóa thành phẩm như bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto, hạt nêm nhãn hiệu Knorr, bột giặt nhãn hiệu OMO, ABA, nước rửa chén và nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight, nước lau sàn nhãn hiệu OMO MATIC Công an Quận 12 phát hiện, thu giữ tại nhà và kho là của H, do H tự sản xuất rồi cất giữ tại kho và nhà, sau đó giao cho S và T vận chuyển đi tiêu thụ. Việc sản xuất các sản phẩm hàng giả chủ yếu do H trực tiếp thực hiện, S chỉ hỗ trợ H mua nguyên liệu, bao bì, tem nhãn, vỏ chai phục vụ sản xuất hàng giả, cụ thể như sau:

Đối với vỏ bao bì bột ngọt nhãn hiệu Aji-no-moto, hạt nêm nhãn hiệu Knorr, bột giặt nhãn hiệu OMO, ABA; bột ngọt công nghiệp (loại in hình 02 con tôm, xuất xứ Trung Quốc là nguyên liệu sản xuất bột ngọt giả) và hạt nêm nhãn hiệu Nêm Việt (nguyên liệu sản xuất hạt nêm giả) mua từ ông Bùi Văn C, địa chỉ: 23 TL31, KP3, P.Thạnh Lộc, Quận 12.

Đối với các nguyên liệu sản xuất hàng giả là bột giặt nhãn hiệu Net, loại 06kg/bao, nước rửa chén hiệu “Sạch”, nước lau sàn hiệu Gift mua từ ông Nguyễn Văn G, địa chỉ: số 02 đường TL28, KP3C, phường Thạnh Lộc, Quận 12 Đối với nhãn và vỏ chai nước rửa chén Sunlight, tem nhãn nước mắm Nam Ngư Chi su Đệ Nhị mua của ông Nguyễn Xuân M, địa chỉ: 43/32/15 Vườn Lài, phường An Phú Đông, Quận 12.

Đối với Vỏ chai nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight: H mua của người bán phế liệu, không rõ nhân thân, lai lịch, vận chuyển giao tận nhà.

Quy trình sản xuất các loại hàng giả trên được H thực hiện như sau:

- Đối với sản phẩm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto: Đầu tiên, H dùng kéo hoặc dao cắt miệng bao bột ngọt nguyên liệu (bột ngọt công nghiệp, có in hình 02 con tôm) rồi đổ bột ngọt ra thau nhựa. Sau đó, H dùng ca nhựa để xúc bột ngọt nguyên liệu đổ vào các vỏ bao bì bột ngọt hiệu Ajinomoto (loại 400g, 140g đã ép sẵn 3 cạnh), cân đủ khối lượng tương ứng ghi trên bao bì. Cuối cùng, H dùng máy ép nhiệt để ép dính miệng còn lại của bao bì (có lót 01 tấm vải và 01 tờ giấy ở giữa 02 mép ép nhiệt để tạo đường vân giống hàng thật) là hoàn thiện sản phẩm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto.

- Đối với sản phẩm hạt nêm nhãn hiệu Knorr: Tương tự cách sản xuất bột ngọt giả, H sử dụng nguyên liệu là hạt nêm hiệu Nêm Việt để sang chiết, đóng gói tạo ra sản phẩm hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr.

- Đối với sản phẩm bột giặt giả nhãn hiệu OMO, ABA các loại: Đầu tiên, H dùng dao hoặc kéo để cắt miệng bao bì bột giặt hiệu Net. Sau đó, H đổ bột giặt nguyên liệu vào thau nhựa, rồi dùng ca nhựa xúc bột giặt đổ vào bao bì bột giặt hiệu OMO, ABA các loại rồi đặt lên cân cho đủ khối lượng tương ứng ghi trên bao bì. Cuối cùng, H dùng máy ép nhiệt để ép miệng bao bì lại là hoàn thành sản phẩm bột giặt giả nhãn hiệu OMO, ABA các loại.

- Đối với sản phẩm nước giặt giả nhãn hiệu OMO Matic, loại 2.6L: H sử dụng nguyên liệu là nước giặt hiệu Net Matic, loại 3.45L. Để sản xuất nước giặt giả, H đổ trực tiếp nước giặt hiệu Net sang chai rỗng nước giặt hiệu OMO Matic, loại 2.6L rồi đóng nắp lại là hoàn thành việc sản xuất hàng giả nhãn hiệu này.

- Đối với sản phẩm nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight: Đầu tiên, H tiến hành dán cặp nhãn hiệu Sunlight (loại 725ml và 386ml) lên các vỏ chai chưa gắn nhãn (có kiểu dáng như chai hàng thật) với thể tích tương ứng. Sau đó, H sử dụng ca để chiết nước rửa chén từ chai nước rửa chén hiệu Sạch sang chai nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight (đã chuẩn bị nêu trên), rồi đóng, vặn chặt nắp lại là hoàn thành sản phẩm nước rửa chén giả nhãn hiệu Sunlight tương ứng.

- Đối với sản phẩm nước lau sàn giả nhãn hiệu Sunlight T: H đổ trực tiếp nước lau sàn hiệu Gift vào các vỏ chai nước lau sàn Sunlight tương ứng với màu sắc của từng loại (nước Gift màu hồng hương Lily chiết vào chai Sunlight màu hồng loại hương hoa LyLy; nước Gift màu xanh loại Baby Smile chiết vào chai Sunlight màu xanh loại hương hoa Thiên Nhiên; nước Gift màu xanh ngọc bích hương Ylang chiết vào chai Sunlight màu xanh ngọc bích loại hương hoa Diên Vỹ). Sau khi chiết đủ thể tích như ghi trên nhãn, H đóng, vặn chặt nắp lại là hoàn thành sản phẩm nước lau sàn giả nhãn hiệu Sunlight.

Sau khi sản xuất các loại hàng giả nêu trên xong, H sẽ đóng gói và cất giấu hàng tại kho hoặc xếp hàng lên xe ô tô tải mang biển số: 51C-851.54 để S và T chở đến các Khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước, bán hàng cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ. Đồng thời, chào bán hàng hóa, tìm kiếm khách hàng mới.

Ngoài ra, trong thời gian H đi bán hàng cùng S (trước tháng 10/2020), H còn trực tiếp sản xuất nước chấm giả nhãn hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml để bán cho khách theo nhu cầu của khách. Việc sản xuất được H thực hiện trên xe ô tô tải mang biển số: 51C-851.54, bằng cách bóc nhãn trên sản phẩm nước chấm Như Hải Nhất Nhị, loại 880ml (02 mặt trước và sau) rồi dán thay thế nhãn nước chấm nhãn hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml (02 mặt trước và sau). Đến tháng 10/2020, H không trực tiếp đi bán hàng nữa, nên việc sản xuất sản phẩm này được H thực hiện tại kho hàng (khi khách gọi điện đặt hàng hoặc S nói H sản xuất theo đặt hàng của khách) để S đem đi bán cho khách hàng. Trên đường đi bán hàng nếu không còn nước chấm giả nhãn hiệu Chin su Nam Ngư Đệ Nhi, loại 900ml nhưng khách hàng có nhu cầu mua thì S mua sản phẩm nước chấm hiệu Như Hải Nhất Nhị, loại 880ml (nguyên liệu sản xuất nước chấm hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml do có kiểu dáng chai gần giống nhau) từ Đinh Văn D, địa chỉ: 83/20 đường TL31, KP3C, P.Thạnh Lộc, Quận 12 rồi trực tiếp sản xuất nước chấm giả nhãn hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml (theo cách thức H thực hiện nêu trên, cụ thể: bóc, dán, thay đổi nhãn từng chai) rồi giao ngay cho khách hàng. Việc sản xuất sản phẩm này cũng được S thực hiện trên xe ô tô tải mang biển số: 51C-851.54 (trong cabin hoặc trong thùng xe).

Sau khi sản xuất các loại hàng giả nêu trên xong, H sẽ đóng gói và cất giấu hàng tại kho hoặc xếp hàng lên xe ô tô tải mang biển số: 51C-851.54 để S và T chở đến các Khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, Bình Phước, bán hàng cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ. Đồng thời, chào bán hàng hóa, tìm kiếm khách hàng mới.

Về giá bán sản phẩm làm ra và lợi nhuận thu được:

- Sản phẩm bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto: Loại 140gam giá 7.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 2.000 đồng/bao), loại 400gam giá 17.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 3.500 đồng/bao).

- Sản phẩm hạt nêm nhãn hiệu Knorr: Loại 175gam giá 10.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 4.000 đồng/bao).

- Sản phẩm nước chấm nhãn hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml:

190.000 đồng/thùng 15 chai (thu lợi khoảng 70.000 đồng/thùng).

- Sản phẩm bột giặt nhãn hiệu OMO: Loại Comfort 360gam, loại 400gam giá 10.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 4.000 đồng/bao); loại Comfort 720gam, loại 800gam giá 18.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 6.500 đồng/bao); loại 3ký giá 80.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 25.000 đồng/bao); loại 4.5 ký giá 100.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 20.000 đồng/bao).

- Sản phẩm bột giặt nhãn hiệu ABA: Loại 400gam giá 10.000 đồng/bao (thu lợi khoảng 4.000 đồng/bao), loại 800gam giá 18.000 đồng/bao (thu lợi khoảng: 6.500 đồng/bao) .

- Sản phẩm nước giặt OMO Matic, loại 2.6 lít: Giá 120.000 đồng /chai (thu lợi 40.000 đồng/chai).

- Sản phẩm nước rửa chén nhãn hiệu Sunlight: Loại 386ml giá 9.000 đồng/chai (thu lợi khoảng 4.500 đồng/chai), loại 725ml giá 17.000 đồng/chai (thu lợi khoảng 12.500 đồng/chai).

- Sản phẩm nước lau sàn nhãn hiệu Sunlight các loại (997ml): Bán với giá từ 21.000đ-22.000 đồng/chai (thu lợi khoảng 4.500 đồng/chai).

Về số tiền thu lợi bất chính:

Quá trình sản xuất, buôn bán hàng giả của S, H có ghi chép vào sổ sách nhưng không đầy đủ và không đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, không xuất hóa đơn, việc thanh toán tiền hàng với khách hàng đều bằng tiền mặt. Căn cứ lời khai của S, H về chi phí sản xuất, số lượng hàng giả đã sản xuất, giá bán các sản phẩm và khoảng thời gian thực hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an xác định số tiền thu lợi bất chính của S và H như sau:

Mi tháng, H sử dụng khoảng 10 thùng bột giặt hiệu Net để sản xuất bột giặt giả nhãn hiệu OMO, ABA các loại, thu lợi khoảng: 1.500.000 đồng; 05 bao bột ngọt nguyên liệu để sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto các loại, thu lợi khoảng:

1.555.000 đồng; 01 bao hạt nêm hiệu Việt để sản xuất hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr các loại, thu lợi khoảng: 353.000 đồng; 01 can nước rửa chén hiệu Sạch để sản xuất nước rửa chén hiệu Sunlight các loại, thu lợi khoảng: 318.000 đồng; 20 can nước lau sàn hiệu Gift để sản xuất nước lau sàn hiệu Sunlight các loại, thu lợi khoảng: 723.000 đồng; 04 can nước giặt Net để sản xuất nước giặt hiệu OMO (Matic), thu lợi khoảng:

200.000 đồng và S sản xuất, buôn bán khoảng 02 thùng (30 chai) nước chấm giả nhãn hiệu Chinsu-Foods Nam Ngư Đệ Nhị, loại 900ml từ chai nước chấm hiệu Như Hải Nhất Nhị (loại 880ml), thu lợi khoảng: 140.000 đồng. Quá trình sản xuất, buôn bán hàng giả đã thực hiện khoảng 06 tháng trước khi bị phát hiện (riêng sản phẩm hạt nêm hiệu Knorr và nước giặt OMO Matic mới sản xuất, buôn bán được khoảng 01 tháng trước khi bị phát hiện), H, S thu lợi bất chính được khoảng: 10.500.000 đồng đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm và khoảng 15.200.000 đồng đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả là bột giặt, nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn.

T làm thuê cho vợ chồng S và H từ tháng 10/2020 đến khi bị phát hiện (19/01/2021). Mỗi tháng, T được trả tiền công là 6.000.000 đồng. Tổng số tiền T đã thu lợi là: 18.000.000 đồng.

Kết luận giám định số 856/C09B ngày 31/03/2021, số 857/1/C09B ngày 01/02/2021 và 857/2/C09B ngày 09/03/2021 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định:

- Đối với bao bì, tem nhãn của các sản phẩm mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 thu giữ có bản in khác với bao bì, tem nhãn của sản phẩm hàng thật do các Công ty là đại diện Sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu cung cấp;

- Đối với thành phần hóa học các sản phẩm: Bột ngọt hiệu Ajinomoto; hạt nêm hiệu Knorr, nước chấm hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị, bột giặt hiệu OMO, ABA các loại; nước giặt hiệu OMO Matic, nước rửa chén, nước lau sàn hiệu Sunlight các loại mà Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Quận 12 thu giữ khác với thành phần hóa học của sản phẩm hàng thật do các Công ty là đại diện Sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu cung cấp. (bút lục 366-376) Kết luận định giá số 44/KL-HĐĐGTS ngày 02/02/2021 và bản Kết luận định giá (bổ sung) số 164/KL-HĐĐGTS ngày 01/06/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: Các sản phẩm hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm gồm: Bột ngọt hiệu Ajinomoto, hạt nêm hiệu Knorr, nước chấm hiệu Chin-su Foods Nam Ngư Đệ Nhị (tương đương số lượng hàng thật) có tổng giá trị là: 871.000 đồng.

- Các sản phẩm hàng giả là bột giặt hiệu OMO, ABA các loại; nước giặt hiệu OMO Matic; nước rửa chén, nước lau sàn hiệu Sunlight các loại (tương đương số lượng hàng thật) có tổng giá trị là: 41.992.000 đồng (trong đó, trên xe ô tô tải là:

34.222.300 đồng, trong nhà là: 276.000 đồng, trong kho hàng là: 7.080.500 đồng, khách hàng của S giao nộp: 413.200 đồng ).

- Đối với số bao bì, tem nhãn, công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất hàng giả: Hội đồng định giá không đủ cơ sở để định giá.

Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty Ainomoto Việt Nam là chủ nhãn hiệu hạt nêm Knorr, bột ngọt Ajinomoto, Công ty cổ phần tiêu dùng Masan không có yêu cầu Trịnh Minh S, Nguyễn Thị H, Đinh Ngọc T, bồi thường về dân sự.

Đối với Nguyễn Xuân M, Bùi Văn C là người đã bán tem nhãn, bao bì, vỏ chai gắn nhãn giả nhãn hiệu cho Trịnh Minh S và Nguyễn Thị H. Tuy nhiên, M, C không biết và không tham gia vào việc sản xuất, buôn bán hàng giả các loại của S, H và T. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 lập hồ sơ, tang vật liên quan giao cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đương sự M, C về hành vi “Buôn bán nhãn, bao bì hàng hóa giả” theo quy định.

Đối với Dương Thị H và Tạ Thị N là khách hàng (chủ các tiệm tạp hóa) đã mua hàng giả của S, T. Tuy nhiên, H và N không biết các sản phẩm trên là hàng giả. Do đó, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 không đề nghị xử lý .

Đối với Đinh Văn D, Nguyễn Văn G là người đã bán nguyên liệu sản xuất hàng giả cho S, H nhưng không biết hành vi phạm tội của S, H và T. Do đó, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 12 không đề nghị xử lý .

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 125/2022/HSST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị H phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả" và "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 55 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H 01 năm 03 tháng tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" và 02 năm 03 tháng tù về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm". Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai tội là 03 năm 06 tháng tù. về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả" và "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án hình sự sơ thẩm còn tuyên về phần hình phạt đối với bị cáo Đinh Ngọc T, Trịnh Minh S, phần xử lý vật chứng, án phí, quyền và thời hạn kháng cáo của các bị cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/7/2022, bị cáo Nguyễn Thị H kháng cáo xin được hưởng án treo. Ngày 15/7/2022, bị cáo Trịnh Minh S, Đinh Ngọc S kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 22/7/2022, các bị cáo Trịnh Minh S, Đinh Ngọc T rút toàn bộ đơn kháng cáo. Do vậy, ngày 15/9/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định đình việc xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trịnh Minh S, Đinh Ngọc T.

Đối với bị cáo Nguyễn Thị H không có đơn rút kháng cáo, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm xét đơn kháng cáo của bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi tóm tắt nội dung, phân tích tính chất vụ án, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Đánh giá về hành vi của bị cáo:

Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo điểm a khoản 1 Điều 192 và khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có cơ sở, đúng người, đúng tội, không oan sai.

[2] Về kháng cáo của bị cáo và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy đơn kháng cáo của bị cáo nằm trong thời hạn luật định là hợp lệ.

Bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo, cho rằng bị cáo đang phải nuôi 04 người con đang còn nhỏ, con nhỏ nhất mới 29 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của mẹ và chồng bị cáo đang là bị cáo trong vụ án trên. Tuy nhiên, xét Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, giá trị hàng giả không lớn và cũng xem xét hoàn cảnh bị cáo đang phải nuôi con nhỏ. Từ đó, xử phạt bị cáo mức hình phạt bị cáo Nguyễn Thị H 01 năm 03 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và 02 năm 03 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai tội là 03 năm 06 tháng tù là có căn cứ, phù hợp, tương xứng với hành vi mà bị cáo đã thực hiện. Đối với 02 tội danh nêu trên đều thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng nên không có căn cứ cho bị cáo được hưởng án treo. Mặt khác, trước và tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo cũng không xuất trình được tình tiết nào mới để Hội đồng xét xử xem xét.

Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm:

Bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm. [4] Về các vấn đề khác:

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 192; khoản 1 Điều 193; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 55 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” và 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai tội là 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

2. Về án phí:

Bị cáo phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Về các vấn đề khác:

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không có kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

601
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả số 407/2022/HS-PT

Số hiệu:407/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về