Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm số 64/2019/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 12, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 64/2019/HS-ST NGÀY 03/05/2019 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 03 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 71/2019/HSST ngày 28/3/2019, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 71/2019/HSST-QĐ ngày 04/4/2019, đối với bị cáo Nguyễn Thị K , Sinh năm: 1964; Nơi sinh: Nam Định. Thường trú: A, đường Trương Thị N, khu phố 4, phường Tr, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không. Trình độ học vấn: 7/12; Nghề nghiệp: Buôn bán. Cha: Nguyễn Văn H- Đã chết. Mẹ: Vũ Thị B - Đã chết. Chồng: Ngô Văn T; hoàn cảnh gia đình: có 02 con, sinh năm: 1988 và sinh năm: 1990. Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. (Có mặt) Người bị hại:

1. Công ty TNHH Quốc tế U Việt Nam.

Địa chỉ: Lô A, Khu công nghiệp T, xã Tân An H, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh - (Vắng mặt).

2. Công ty A Việt Nam.

Địa chỉ: Tầng 5, số A Nguyễn Thị Minh K, phường Đa K, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - (có đơn xin vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 08 giờ 00 phút, ngày 27 tháng 4 năm 2018, tại bãi đất trống trên đường TMT13, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Công an Quận 12 phát hiện xe mô tô biển số 53S7 – xxxx do Nguyễn Thị K điều khiển có biểu hiện nghi vấn, nên đã tiến hành kiểm tra, phát hiện trên xe mô tô biển số 53S7 – xxxx có: 09 gói hạt nêm hiệu Knorr loại 175g, 30 gói bột ngọt hiệu A loại 140g và 10 gói bột ngọt hiệu A loại 400g không có hóa đơn chứng từ, nên Công an Quận 12 mời về trụ sở để điều tra, làm rõ. Kim khai nhận số hàng hóa trên là hàng giả do Kim tự sản xuất tại nhà số 91, đường Trương Thị N, khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, đang trên đường chở đi tiêu thụ thì bị Công an phát hiện bắt giữ.

Mở rộng điều tra, tiến hành khám xét nơi sản xuất hàng giả của Kim, Công an Quận 12 thu giữ thêm: 33 gói bột ngọt hiệu A loại 400 gram; 134 gói bột ngọt hiệu A loại 140 gram; 03 gói bột ngọt hiệu A loại 100 gram; 05 gói bột ngọt hiệu A loại 454 gram; 21 gói hạt nêm hiệu Knorr loại 175 gram; 03 gói hạt nêm hiệu Knorr loại 400 gram; 40 gói bột giặt OMO Comfort loại 360 gram;

09 gói bột giặt OMO Comfort loại 720 gram; 45 gói bột giặt OMO loại 400 gram; 12 gói bột giặt OMO loại 800 gram; 02 chai nước rửa chén hiệu Sunlight loại 725 ml; 05 chai nước rửa chén hiệu Sunlight Extra trà xanh loại 725 ml; 14 chai nước chấm hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900 ml; 36 chai nước chấm hiệu Hồng Út loại 900 ml, cùng bao bì, nguyên phụ liệu, dụng cụ sử dụng cho việc sản xuất các loại hàng giả trên.

Tại Cơ quan điều tra: Kim khai nước chấm hiệu Nam Ngư Đệ Nhị và nước chấm hiệu Hồng Út là hàng thật, Kim mua về bán lại. Còn các hàng hóa nhãn hiệu A , Knorr, Omo và Sunlight nêu trên được Kim làm giả như sau:

Đối với hạt nêm Knorr: Kim mua vỏ bao bì hiệu Knorr của người phụ nữ tên Hoa (chưa rõ lai lịch) mang đến nhà bán cho Kim với giá 4.000 đồng/vỏ loại 175 gram và 8.000đồng/vỏ loại 400 gram. Sau đó Kim mua hạt Nêm Việt với giá 240.000 đồng/bao loại 10kg tại chợ Tân Bình, rồi dùng muỗng nhựa xúc hạt Nêm Việt cho vào các bao bì hiệu Knorr loại 175gram và 400 gram rồi cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao tạo thành phẩm, đem bán với giá 13.000 đồng/gói với loại 175 gram, giá 24.000 đồng/gói với loại 400 gram.

Đối với bột ngọt hiệu A : Kim mua vỏ bao bì hiệu A của người phụ nữ tên Hoa nêu trên với giá 2.000 đồng/vỏ loại 100 gram và loại 140 gram, giá 4.000 đồng/vỏ loại 400 gram và loại 454 gram, giá 8.000 đồng/vỏ loại 1kg. Sau đó, Kim mua bao bột ngọt xá, hiệu Monosodium có in hình 02 con tôm loại 25 kg/bao với giá 900.000 đồng/bao, rồi dùng muỗng nhựa xúc bột ngọt ở các bao vào các vỏ bao loại A loại 100 gram, 140 gram, 454 gram, 400 gram và 1kg, cân đúng trọng lượng ghi trên bao bì rồi dùng máy ép dính miệng bao tạo thành phẩm, đem bán với giá 6.000 đồng/gói loại 100gram, giá 8.000 đồng/gói loại 140 gram, giá 21.000 đồng/gói loại 400gram, giá 25.000 đồng/gói loại 454 gram.

Đối với bột giặt hiệu Omo và Omo Comfor: Kim mua vỏ bao bì bột giặt hiệu Omo và Omo Comfor cũng của người phụ nữ tên Hoa nêu trên với giá 3.000 đồng/vỏ bao bì bột giặt Omo loại 360 gram, 400 gram và giá 4.000 đồng/vỏ bao bì bột giặt hiệu Omo loại 720 gram và 800 gram. Sau đó, Kim mua bột giặt Net với giá 100.000 đồng/gói loại 06 kg rồi sang trực tiếp bột giặt hiệu Net loại 06 kg qua bao bì hiệu Omo các loại, cân đúng trọng lượng ghi trên bao bì rồi dùng máy ép dính miệng bao tạo thành phẩm đem bán với giá 13.000 đồng/gói loại 360 gram và 13.500 đồng/gói loại 13.500 gram.

Đối với nước rửa chén hiệu Sunlight: Kim mua tem nhãn, vỏ chai, nắp chai nước rửa chén Sunlight bột giặt hiệu Omo và Omo Comfor của người phụ nữ tên Hoa nêu trên với giá 5.000 đồng/bộ gồm tem nhãn, vỏ chai, nắp chai. Sau đó, Kim mua nước rửa chén không nhãn hiệu với giá 240.000 đồng/can loại 12 lít rồi sang trực tiếp rửa chén không nhãn hiệu loại 12 lít qua vỏ chai nước rửa chén Sunlight tạo thành phẩm. Sau đó, Kim đem bán với giá 21.000 đồng/chai loại 725 ml.

Ngoài ra, Kim còn mua một số tem nhãn, vỏ chai để sản xuất dầu ăn giả mạo nhãn hiệu Tường An nhưng chưa kịp sản xuất thì bị phát hiện.

Kim khai nhận: Toàn bộ việc sản xuất hàng giả như trên là do Kim trực tiếp thực hiện tại nhà. Sau đó, Kim điều khiển xe mô tô biển số 53S7 – xxxx đến bán dạo cho người dân và các tiệm tạp hóa tại các khu vực huyện Hóc Môn và quận Tân Bình. Kim bắt đầu sản xuất từ đầu tháng 01 năm 2018. Đến ngày bị bắt thu lợi bất 1.440.000 đồng.

Ông Ngô Văn Toán là chồng Kim và Ngô Văn Toàn là con ruột của Kim cùng sống cùng nhà với Kim khai không biết việc Kim sản xuất, buôn bán các loại hàng giả trên. Anh Toàn khai cho Kim mượn xe mô tô biển số 53S7 – xxxx nhưng không biết Kim sử dụng xe mô tô trên để vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ. Qua xác minh xác định anh Toàn là chủ sở hữu xe mô tô trên nhưng chưa làm thủ tục sang tên sở hữu. (172-173, 180-183).

Các hàng hóa mà Nguyễn Thị K làm giả bị thu giữ đều đã được chủ sở hữu các thương hiệu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và vẫn đang còn hiệu lực. Các chủ sở hữu này đều xác nhận toàn bộ sản phẩm thu giữ của Kim đều là hàng giả mạo sản phẩm của các công ty đã được bảo hộ. Các công ty này không có bất kỳ hợp đồng gia công hay ủy quyền nào cho Kim.

Riêng 14 chai nước chấm hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900 ml và 36 chai nước chấm hiệu Hồng Út loại 900 ml được chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận là hàng thật. (Bl: 37, 126) Riêng đối với bột giặt và nước rửa chén không phải là thực phẩm, phụ gia thực phẩm và có giá trị dưới 30.000.000 đồng, nên Công an Quận 12 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Vật chứng thu giữ và xử lý vật chứng:

- 01 xe mô tô biển số 53S7 – xxxx, 36 chai nước chấm hiệu Hồng Út loại 900 ml, 14 chai nước chấm hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900 ml, 25 lít dầu ăn thực vật nhãn hiệu Minh Huê và 20 lít dầu ăn thực vật nhãn hiệu Minh Huê, chứa trong can nhựa. Công an Quận 12 đã trả lại tài sản cho chủ sở hữu. (Bl: 102-105).

- 33 gói hạt nêm Knorr các loại; 215 gói bột ngọt A các loại; 57 gói bột giặt Omo các loại; 49 gói bột giặt Omo Comfor các loại; 02 chai nước rửa chén hiệu Sunlight các loại; 05 chai nước rửa chén hiệu Sunlight Extra các loại; 30 lít dung dịch nước rửa chén chứa trong 01 can nhựa hiệu dầu ăn Tường An; 0,5 lít dung dịch có mùi nước mắm đựng trong 01 chai nhựa nhãn hiệu Coravi; 01 cân loại 02 kg nhãn hiệu Nhơn Hòa; 02 máy ép nhiệt và bao bì, tem nhãn các loại.

Cáo trạng số 59/CTr-VKS, ngày 20/3/2019, của Viện kiểm sát nhân dân Quận 12, đã truy tố bị cáo Nguyễn Thị K về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự Tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị K khai nhận: Do kinh tế khó khăn đã làm giả các sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng để bán kiếm lời. Để thực hiện công việc này, bị cáo đi mua bao bì có in sẵn nhãn hiệu nổi tiếng của một số mặt hàng như bột ngọt A , bột giặt OMO, hạt nêm Knoor. Đối với bột nêm, Kim mua hạt nêm hiệu Nêm Việt loại 10kg cho vào bao bì hiệu Knorr cân đúng trọng. Đối với bột ngọt, Kim mua bột ngọt xá loại 25kg có in hình hai con tôm cho vào bao bì hiệu A cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao bì lại tạo thành phẩm. Đối với bột giặt, Kim mua bột giặt hiệu Net cho vào bao bì hiệu OMO cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao bì lại tạo thành phẩm đem tiêu thụ trên thị trường thì bị Công an phát hiện bắt giữ Các bị hại trong vụ án mặc dù đã được triệu tập hợp lệ quyết định và thông báo ngày giờ xét xử theo quy định nhưng vắng vặt. Trong quá trình điều tra, người bị hại có yêu cầu xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả theo đúng quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 12, tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, sau khi phân tích tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Thị K phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo quy định tại Khoản 1 Điều 193 của Bộ luật hình sự và đề nghị xử phạt:

Bị cáo Nguyễn Thị K mức án từ 01 năm 06 tháng tù đến 02 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 03 đến 4 năm.

Vật chứng vụ án: Đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị cáo không tranh luận, chỉ nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng mức án khoan hồng nhất.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Nguyễn Thị K đã có hành vi sản xuất các sản phẩm mang các nhãn hiệu bột ngọt A , bột giặt OMO, hạt nêm Knoor, mà không được chủ sở hữu của các nhãn hiệu này cho phép, sau đó mang đi tiêu thụ trên thị trường để kiếm lời. Kim mua bao bì có in sẵn nhãn hiệu nổi tiếng của một số mặt hàng như bột ngọt A , bột giặt OMO, hạt nêm Knoor. Đối với bột nêm, Kim mua hạt nêm hiệu Nêm Việt loại 10kg cho vào bao bì hiệu Knorr cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao bì lại tạo thành phẩm. Đối với bột ngọt, Kim mua bột ngọt xá loại 25kg có in hình hai con tôm cho vào bao bì hiệu A cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao bì lại tạo thành phẩm. Đối với bột giặt, Kim mua bột giặt hiệu Net cho vào bao bì hiệu OMO cân đúng trọng lượng, dùng máy ép nhựa dính miệng bao bì lại tạo thành phẩm đem tiêu thụ trên thị trường.

Với số lượng hàng hóa do bị cáo làm ra bị bắt quả tang gồm 33 gói hạt nêm Knorr các loại; 215 gói bột ngọt A các loại; 57 gói bột giặt Omo các loại;

49 gói bột giặt Omo Comfor các loại; 02 chai nước rửa chén hiệu Sunlight các loại; 05 chai nước rửa chén hiệu Sunlight Extra các loại; 30 lít dung dịch nước rửa chén chứa trong 01 can nhựa hiệu dầu ăn Tường An; 0,5 lít dung dịch có mùi nước mắm đựng trong 01 chai nhựa nhãn hiệu Coravi; 01 cân loại 02 kg nhãn hiệu Nhơn Hòa; 02 máy ép nhiệt và bao bì, tem nhãn các loại..

Tại Thông báo kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Các sản phẩm hạt nêm Knoor, bột ngọt A thành phẩm thu giữ của bị cáo có bao bì và thành phần không đồng nhất với hàng thật do Công ty sản xuất;

Với các sản phẩm do bị cáo làm ra như nêu trên là các sản phẩm mà con người sử dụng để ăn, uống thì đây là hàng thực phẩm giả theo quy định tại điểm 20 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 của Quốc Hội và khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, ngày 15/11/2013 của Chính phủ thì đã có đủ cơ sở khẳng định hành vi này của bị cáo Nguyễn Thị K là hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự.

Bị cáo nhận thức rõ việc làm giả hàng hóa là thực phẩm đem tiêu thụ trên thị trường là vi phạm pháp luật nhưng vì muốn có lợi nhuận bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến khách thể là trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, xâm phạm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán các mặt hàng kể trên, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng và có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người;

Kết quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự số:446/KLĐG ngày 12 tháng 10 năm 2018 Của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xác định: Tổng số hàng hóa, nguyên phụ liệu, công cụ, máy móc thu giữ có giá trị: 7.446.545 đồng. (Bl: 43-48). Trong đó trị giá bột giặt và nước rửa chén giả có giá trị là 3.729.670 đồng.

Từ những phân tích trên đã có đủ cơ sở khẳng định hành vi sản xuất, buôn bán các mặt hàng bột ngọt, hạt nêm giả như nêu trên với giá trị hàng hóa bị bắt là 3.716.875 đồng. Hành vi của bị cáo Nguyễn Thị K đã phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017;

Tuy nhiên khi lượng hình Hội đồng xét xử cũng xem xét tình tiết bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, số lượng hàng giả không lớn, bị cáo sức khỏe yếu, gia đình bị cáo hiện nay rất khó khăn, chồng bị U gan; Được chính quyền địa phương xác nhận gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo có chồng là ông Nguyễn Văn Toán hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, được tặng thưởng bằng khen, giấy khen; có bố chồng Ngô Văn Giản được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ; Có bố đẻ Nguyễn Văn Hảo được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ; có anh chồng Ngô Xuân Hoạt được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ; có anh chồng Ngô Đăng Khoa được tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Camphuchia; anh chồng Ngô Văn Ban tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc…là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự; Mặt khác xét thấy bị cáo hiện có nơi cư trú rõ ràng, từ thời điểm tại ngoại đến nay bị cáo không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác. Xét thấy cho bị cáo được hưởng án treo với thời gian thử thách nhất định cũng đủ giáo dục, cải tạo bị cáo thành người có ích cho xã hội. Giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú để quản lý giáo dục cũng phù hợp theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên miễn hình phạt tiền.

Đối với số tiền thu lợi bắt chính, buộc bị cáo nộp lại.

Đối với hành vi làm giả bột giặt OMO, nước rửa chén không phải là thực phẩm, hành vi này vi phạm theo quy định theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ nên Cơ quan điều tra đã lập hồ sơ xử phạt hành chính Nguyễn Thị K là hợp lý.

Về trách nhiệm dân sự: Công ty TNHH Quốc tế U Việt Nam, Công ty A Việt Nam không yêu cầu bồi thường nên không xem xét giải quyết.

Về xử lý vật chứng:

- Đối với 01 xe mô tô, Cơ quan Công an đã trả lại cho chủ sở hữu là phù hợp.

- Đối với vật chứng là bột ngọt, hạt nêm, bao bì ….và công cụ bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị sử dụng cần tuyên tịch thu, tiêu hủy - Đối với vật chứng là bột giặt, nước rửa chén.. không phải là thực phẩm, cần trả lại cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

Đối với đối tượng tên Hòa, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sẽ xử lý sau.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị K phạm tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

1. Áp dụng khoản 1 Điều 193; các điểm h, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị K : 02 (hai) năm tù, nhưng cho bị cáo được hưởng án treo với thời gian thử thách là 04 (bốn) năm, tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Nguyễn Thị K cho Ủy ban nhân dân phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách, trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Buộc Nguyễn Thị K nộp lại số tiền 1.440.000 đồng để sung quỹ nhà nước.

Tịch thu, tiêu hủy: 33 gói hạt nêm Knorr các loại; 215 gói bột ngọt A các loại; 0,5 lít dung dịch có mùi nước mắm đựng trong 01 chai nhựa nhãn hiệu Coravi; 01 cân loại 02 kg nhãn hiệu Nhơn Hòa; 02 máy ép nhiệt và bao bì, tem nhãn các loại.

Giao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 12 giải quyết theo thẩm quyền: 57 gói bột giặt Omo các loại; 49 gói bột giặt Omo Comfor các loại; 02 chai nước rửa chén hiệu Sunlight các loại; 05 chai nước rửa chén hiệu Sunlight Extra các loại; 30 lít dung dịch nước rửa chén chứa trong 01 can nhựa hiệu dầu ăn Tường An;

(Theo quyết định chuyển vật chứng số 56/QĐ-VKS, ngày 20/3/2019 của Viện kiểm sát nhân dân Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh).

Bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm 200.000 (hai trăm nghìn).

Bị cáo có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

27
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm số 64/2019/HS-ST

Số hiệu:64/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 12 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về