Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 291/2022/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 291/2022/HS-PT NGÀY 09/08/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Vào ngày 09 tháng 8 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nang mở phiên tòa để xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 264/2022/TLPT-HS ngày 27 tháng 6 năm 2022 đối với bị cáo Nguyễn Văn T và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2022/HS-ST ngày 19/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.

B cáo có kháng cáo

1. Nguyễn Văn T, sinh năm: 1986 tại Bình Định; nơi cư trú: phường T, thị xã H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm biển; trình độ học vấn (văn hóa): 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn H, sinh năm 1941 và bà Lý Thị T, sinh năm 1942; vợ: Nguyễn Thị M, sinh năm: 1988, con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 2010, nhỏ nhất sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; vắng mặt

2. Trần P, sinh năm: 1979 tại Bình Định; nơi cư trú: phường T, thị xã H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm biển; trình độ học vấn (văn hóa): 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trần C (chết); Con bà: Nguyễn Thị X (chết); vợ: Võ Thị Thành V, sinh năm: 1983, con: Có 03 con, lớn nhất sinh năm 2005, nhỏ nhất sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt

3. Nguyễn Thanh P, sinh năm: 1982 tại Bình Định; nơi cư trú: Khu phố phường Hoài H, thị xã H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm biển; trình độ học vấn (văn hóa): 09/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Thanh L, sinh năm 1950 và bà Võ Thị T, sinh năm 1952; vợ: Điền Thị T, sinh năm: 1986, con: Có 03 con, lớn nhất sinh năm 2009, nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; vắng mặt

4. Trương Bình V, sinh năm: 1974 tại Bình Định; nơi cư trú: phường Hoài H, thị xã H, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Làm biển; trình độ học vấn (văn hóa): 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Trương Bình M, sinh năm 1935 và bà Tôn Thị G, sinh năm 1940; vợ: Trần Thị Như Y, sinh năm: 1976, con: Có 03 con, lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: Không; Bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 13/7/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa, theo đó các chủ tàu cá đăng ký hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa mỗi năm được nhà nước hỗ trợ tiền chi phí nhiên liệu tối đa 04 chuyến biển, mỗi chuyến biển được hỗ trợ từ 18 triệu -100 triệu đồng tùy theo công suất tàu cá. Điều kiện để được hỗ trợ là: Tàu cá phải đăng ký khai thác hải sản trên vùng biển xa, mỗi chuyến tàu cá có hoạt động trên vùng biển xa ít nhất là 15 ngày và có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân các đảo thuộc quần đảo, Hải quân H, T hoặc nhắn tin máy định vị tầm xa (gọi tắt là máy HF) và phải làm hồ sơ xin hỗ trợ theo quy định. Kinh phí hỗ trợ được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Để được hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá khai thác hải sản vùng biển xa, ngư dân phải nộp hồ sơ xin hỗ trợ cho Chi cục Thủy sản để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và chi tiền hỗ trợ. Hồ sơ xin hỗ trợ chi phí nhiên liệu gồm: Đơn xin hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ; Giấy phép khai thác hải sản; Giấy xác nhận tàu cá có khai thác hải sản trên vùng biển xa của Chỉ huy các đảo xa, hoặc xác nhận vị trí tàu cá hoạt động vùng biển xa (theo mẫu Giấy phụ lục 4a hoặc 4b) do Chi Cục Thủy sản cấp; Xác nhận tàu cá xuất, nhập bến của Đồn, Trạm Biên phòng cảng và Giấy phụ lục 4a hoặc sổ Danh bạ thuyền viên; Nhật ký khai thác hải sản trong chuyến đi biển; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

Lợi dụng chính sách này, từ năm 2019 đến năm 2020, Nguyễn Văn T, Huỳnh T, Nguyễn Thị L, Trần Văn N, Nguyễn Văn S chủ tàu cá đủ điều kiện được Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo Quyết định số 48/2010 của Thủ tướng chính phủ, nhưng các chủ tàu này đã cấu kết với Trần P, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V, Huỳnh Duy T tháo máy HF được Chi cục thủy sản Bình Định niêm phong kẹp chì trên tàu, rồi gửi cho những chủ tàu cá khác đi khai thác hải sản xa bờ, nhắn tin khống làm 09 hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 700.000.000 đồng. Sau đó, đưa máy HF lại cho các chủ tàu cá, tiến hành lắp máy HF vào vị trí cũ, rồi dùng tay luồn sợi dây niêm phong kẹp chì máy HF qua vị trí vết cưa cũ trên khung Inox và thanh gỗ của tủ cabin tàu cá và làm thủ tục nhập bến cho tàu cá tại Trạm Biên phòng B thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong quá trình làm thủ tục nhập bến, cán bộ Trạm biên phòng B có kiểm tra tình trạng niêm phong kẹp chì máy HF, nhưng không phát hiện được, nên xác nhận tình trạng niêm phong kẹp chì máy HF còn nguyên vẹn, Cụ thể như sau:

1. Bị cáo Nguyễn Văn T đứng tên chủ sở hữu và là thuyền trưởng tàu cá có số đăng ký BĐ97890TS. Tàu cá này có Nguyễn Phi T, Nguyễn Văn T và Nguyễn K (đều trú tại địa bàn thị xã H) hùn vốn làm ăn và được Chi cục Thủy sản Bình Định lắp đặt một máy định vị HF có niêm phong kẹp chì nhằm phục vụ nhắn tin xác nhận vùng biển xa để làm hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo quy định. Nhưng Nguyễn Văn T không đi khai thác hải sản ở vùng biển xa, mà tự ý phá niêm phong kẹp chì, tháo lấy máy nhắn tin HF được lắp đặt trên tàu cá lần lượt gửi cho Trần P chủ tàu BĐ98438TS; Nguyễn Thanh P chủ tàu BĐ95380TS; Huỳnh Duy T chủ tàu BĐ96370TS mang đến vùng biển xa nhắn tin khống làm 03 bộ hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 300.000.000 đồng. Sau khi nhận tiền hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Nguyễn Văn T về chia cho Nguyễn Phi T, Nguyễn Văn T và Nguyễn K mỗi người được 50.000.000đ và không nói rõ tiền hỗ trợ chi phí nhiên liệu của Nhà nước từ việc tháo máy HF gửi đi nhắn tin khống. Ngoài ra, Nguyễn Văn T còn nhận máy HF của Nguyễn Văn S - chủ tàu cá BĐ96862TS mang đến vùng biển xa nhắn tin giúp Nguyễn Văn S làm khống 01 hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu chiếm đoạt của Nhà nước 75.000.000 đồng. Nguyễn Văn T được Nguyễn Văn S trả tiền công 10.000.000 đồng. Nguyễn Văn T đã tự khắc phục hậu quả và nộp đủ số tiền 310.000.000 đồng cho Nhà nước.

2. Bị cáo Huỳnh T đứng tên chủ sở hữu và là thuyền trưởng tàu cá BĐ97082TS. Tàu cá được Chi cục Thủy sản Bình Định lắp đặt một máy định vị HF có niêm phong kẹp chì, nhằm phục vụ nhắn tin xác nhận khai thác hải sản ở vùng biển xa để làm hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, nhưng đã tự ý phá niêm phong kẹp chì, tháo lấy máy nhắn tin HF gửi cho Trần P chủ tàu cá BĐ98438TS và Nguyễn Thanh P chủ tàu cá BĐ95380TS (cùng trú tại địa bàn thị xã H) mang ra vùng biển xa nhắn tin khống giúp Huỳnh T làm 02 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 150.000.000 đồng. Sau khi làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu Huỳnh T thấy sai phạm nên đến Công an phường Hoài H, thị xã H đầu thú. Huỳnh T đã trả tiền công cho Trần P 5.000.000 đồng, trả cho Nguyễn Thanh P 9.000.000 đồng. Huỳnh T đã khắc phục hậu quả nộp cho Nhà nước số tiền 150.000.000đ.

3. Bị cáo Nguyễn Thị L, Trần Văn N (chồng Nguyễn Thị L) đứng tên chủ sở hữu tàu cá BĐ97944TS. Tàu cá được Chi cục Thủy sản Bình Định lắp đặt một máy định vị HF có niêm phong kẹp chì nhằm phục vụ nhắn tin xác nhận vùng biển xa để làm hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, nhưng đã tự ý phá niêm phong kẹp chì tháo, lấy máy nhắn tin HF được lắp đặt, niêm phong trên tàu cá rồi bỏ vào thùng cacton dán kín, đưa cho Nguyễn Văn Q máy trưởng gửi cho Trần P - chủ tàu cá BĐ98438TS và Huỳnh Duy T chủ tàu cá BĐ95380TS mang ra vùng biển xa nhắn tin giúp làm khống 02 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 100.000.000 đồng. Trong đó, có 01 bộ hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu do Huỳnh Duy T nhắn tin, nhưng Nguyễn Thị L thấy vi phạm, nên không đến kho bạc Nhà nước để nhận tiền hỗ trợ. Còn Nguyễn Thị L biết rõ Trần Văn N (chồng) có bàn bạc, thống nhất với Trần P, Huỳnh Duy T về việc gửi máy nhắn tin HF cho Trần P nhắn tin khống nhằm mục đích làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu nhưng vẫn liên hệ Chi cục Thủy sản Bình Định, xác nhận tin nhắn và làm hồ sơ nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước là đồng phạm với vai trò giúp sức. Nguyễn Thị L đã tự nguyện khắc phục số tiền 100.000.000 đồng cho Nhà nước. Trần Văn N đã trả tiền công cho Trần P 10.000.000 đồng, còn Huỳnh Duy T chỉ nhắn tin giúp cho Trần Văn N, không hưởng lợi gì.

4. Bị cáo Trần P đứng tên chủ sở hữu và là thuyền trưởng tàu cá BĐ98438TS. Tàu cá được Chi cục Thủy sản Bình Định lắp đặt một máy định vị HF có niêm phong kẹp chì, nhằm phục vụ nhắn tin xác nhận khai thác hải sản ở vùng biển xa, nhưng đã tự ý tháo, lấy máy nhắn tin HF được lắp đặt, niêm phong kẹp chì trên tàu gửi cho Nguyễn Thanh P - chủ tàu BĐ95380TS mang ra vùng biển xa nhắn tin khống giúp Nguyễn Thanh P làm 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu chiếm đoạt của Nhà nước 75.000.000 đồng. Ngoài ra, trong 01 chuyến biển khác Trần P còn nhận 03 máy HF của Nguyễn Văn T, Trần Văn N, Huỳnh T, mang đến vùng biển xa nhắn tin khống giúp cho 03 chủ tàu này làm giả 03 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu chiếm đoạt của Nhà nước 275.000.000 đồng; Trần P được 03 chủ tàu nêu trên trả tiền công 25.000.000 đồng/03 hồ sơ. Trần P đã tự nguyện khắc phục số tiền 100.000.000 đồng cho Nhà nước.

5. Bị cáo Nguyễn Văn S đứng tên chủ sở hữu và là thuyền trưởng tàu cá BĐ96862TS. Tàu cá này được Chi cục Thủy sản Bình Định lắp đặt một máy định vị HF, có niêm phong kẹp chì, nhằm phục vụ nhắn tin xác nhận vùng biển xa để làm hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, nhưng đã tự ý tháo, lấy máy nhắn tin HF được lắp đặt, niêm phong trên tàu gửi cho Nguyễn Văn T - chủ tàu BĐ97890TS mang ra vùng biển xa để nhắn tin giúp Nguyễn Văn S làm khống 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 75.000.000 đồng. Nguyễn Văn S đã trả tiền công cho Nguyễn Văn T 10.000.000 đồng. Đến nay, Nguyễn Văn S đã tự nguyện nộp số tiền 75.000.000 đồng cho Nhà nước.

6. Bị cáo Huỳnh Duy T: Trong năm 2019, Huỳnh Duy T đã nhận máy HF của 02 chủ tàu là Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị L mang ra vùng biển xa nhắn tin khống giúp Nguyễn Văn T, Nguyễn Thị L làm 02 bộ hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 100.000.000 đồng, Huỳnh Duy T được Nguyễn Văn T trả tiền công là 10.000.000 đồng. Riêng 01 hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu của Nguyễn Thị L thấy vi phạm nên không đến kho bạc Nhà nước nhận tiền. Huỳnh Duy T đã tự nguyện nộp số tiền 10.000.000 đồng, tiền thu lợi bất chính.

7. Bị cáo Nguyễn Thanh P là chủ tàu và Trương Bình V là thuyền trưởng. Trong năm 2019, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V đã bàn bạc và thống nhất với Trần P, Nguyễn Văn T, Huỳnh T là các chủ tàu và nhận 03 máy HF mang đến vùng biển xa nhắn tin giúp cho các chủ tàu nêu trên làm khống 03 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chiếm đoạt của Nhà nước 250.000.000 đồng/03 hồ sơ. Nguyễn Thanh P được trả tiền công 29.000.000 đồng. Trương Bình V không hưởng lợi gì từ việc nhắn tin giúp máy HF cho các chủ tàu nêu trên, mà chỉ thực hiện theo yêu cầu của Nguyễn Thanh P. Nguyễn Thanh P đã tự nguyện khắc phục nộp lại 29.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính.

Ngày 22, 28/6/2021, Cơ quan an ninh điều tra đã tiến hành cho Nguyễn Văn T, Huỳnh T, Trần Văn N, Trần P, Nguyễn Văn S thực hiện lại việc phá niêm phong kẹp chì, tháo lấy máy HF nhắn tin đã được Cục Thủy sản tỉnh Bình Định lắp đặt trên tàu cá.

Vật chứng vụ án, gồm có: 01 (một) máy cắt điện cầm tay; 01 (một) máy hàn điện tự chế được bao bọc trong hộp inox màu trắng cung chân máy hàn điện và 01 dây hàn có gắn tay cầm màu đỏ kẹp với que hàn.01 (một) kìm điện mỏ nhọn.01 (một) Cờ lê vòng miệng (một đầu hở và một đầu vòng) Về dân sự: Các bị cáo đã tự nguyện nộp số tiền 774.000.000đ, gồm Nguyễn Văn T nộp số tiền 310.000.000đ, Nguyễn Thị L nộp số tiền 100.000.000đ; Huỳnh T nộp số tiền 150.000.000đ; Trần P nộp số tiền 100.000.000đ; Nguyễn Thanh P nộp số tiền 29.000.000đ, Huỳnh Duy T nộp số tiền 10.000.000đ; Nguyễn Văn S nộp số tiền 75.000.000đ. Trong đó 700.000.000 đồng là tiền khắc phục hậu quả cho Nhà nước và 74.000.000 đồng là tiền các bị cáo thu lợi bất chính.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 22/2022/HS-ST ngày 19/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:

1. Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Căn cứ điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự, điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g, khoản 1, Điều 52, Điều 54, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Trần P 27 (Hai mươi bảy) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh P 27 (Hai mươi bảy) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Trương Bình V 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra bản án còn quyết định về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo khác trong vụ án, phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Cùng ngày 25 tháng 5 năm 2022; các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P và Trương Bình V kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và khai nhận hành vi phạm tội.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Đà Nang phát biểu quan điểm về vụ án:

Về tố tụng, HĐXX tuân thủ đúng các quy định của pháp luật;

Về nội dung: Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo đều có cha, mẹ hoặc ông, bà là những người có công với nhà nước ta; đây là các tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Lợi dụng chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu đối với ngư dân khai thác hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; từ năm 2019 đến năm 2020, các bị cáo trong vụ án đã dùng thủ đoạn: Phá niêm phong, tháo máy máy định vị tầm xa HF trên tàu (đã được Chi cục Thủy sản Bình Định niêm phong kẹp chì), gửi cho những chủ tàu cá khác đi khai thác hải sản xa bờ và nhờ các chủ tàu cá khác này nhắn tin nhằm xác nhận khai thác hải sản ở vùng biển xa để làm hồ sơ hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Kết quả, các bị cáo làm 09 hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ chi phí nhiên liệu và chiếm đoạt số tiền là 700.000.000 đồng. Trong đó:

[1.1] Nguyễn Văn T làm giả 03 bộ hồ sơ, chiếm đoạt 300.000.000 đồng và giúp nhắn tin để Nguyễn Văn S làm giả 01 hồ sơ để S chiếm đoạt 75.000.000 đồng.

[1.2] Trần P làm giả 01 bộ hồ sơ chiếm đoạt 75.000.000 đồng và giúp nhắn tin để Nguyễn Văn T, Trần Văn N, Huỳnh T làm giả 03 bộ hồ sơ để T, N, T chiếm đoạt 275.000.000 đồng.

[1.3] Nguyễn Thanh P là chủ tàu và Trương Bình V là thuyền trưởng giúp nhắn tin để Trần P, Nguyễn Văn T, Huỳnh T làm giả 03 bộ hồ sơ chiếm đoạt 250.000.000 đồng. (Nguyễn Thanh P được trả tiền công 29.000.000 đồng. Trương Bình V không hưởng lợi gì từ việc nhắn tin).

Do đó, các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung là “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” được quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự, Bản án sơ thẩm kết án là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[2] Hành vi của các bị cáo mang tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách hỗ trợ ngu dân vùng biển, chính sách bảo vệ biên giới biển Đông và tác động xấu trật tự trị an xã hội. Đồng thời, các bị cáo phạm tội theo quy định tại khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự; có mức hình phạt từ 07 năm tù đến 15 năm tù. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm sau khi xem xét nhân thân; đánh giá tính chất vụ án; mức độ hành vi, vai trò của từng bị cáo trong vụ án và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã nộp lại số tiền chiếm đoạt (riêng bị cáo Trường Bình V còn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn và không được hưởng lợi); từ đó, quyết định xử phạt Nguyễn Văn T 30 (Ba mươi) tháng tù, Trần P 27 (Hai mươi bảy) tháng tù, Nguyễn Thanh P 27 (Hai mươi bảy) tháng tù và Trương Bình V 24 tháng tù; dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là phù hợp và có căn cứ.

Tuy nhiên, tại cấp phúc thẩm gia đình các bị cáo cung cấp các tình tiết giảm nhẹ mới theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; cụ thể:

- Bị cáo Nguyễn Văn T có cha và mẹ đều tham gia cách mạng, được tặng thưởng huân chương kháng chiến, kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày và được hưởng chính sách thương binh...

- Bị cáo Trần P có mẹ là thương binh và hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương xác nhận.

- Bị cáo Nguyễn Thanh P là gia đình có công, cha và bác tham gia cách mạng, được tặng thưởng huân chương kháng chiến, kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày.

- Bị cáo Trương Bình V có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vai trò thứ yếu và gia đình bên vợ là gia đình hệt sỹ; cha mẹ vợ đều tham gia cách mạng, được tặng thưởng huân chương kháng chiến và là thương binh.

- Các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V là người dân lao động nghề biển.

Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P, Trương Bình V và giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

[3] Về án phí: Do chấp nhận kháng cáo nên các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P và Trương Bình V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] . Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và điểm C khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P và Trương Bình V, sửa bản án sơ thẩm về hình phạt. Xử:

1/ Áp dụng điểm a, khoản 3, Điều 174 Bộ luật Hình sự; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g, khoản 1, Điều 52; Điều 54, Điều 58, và Điều 38 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 21 (Hai mốt) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Trần P 20 (Hai mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh P 20 (Hai mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Xử phạt bị cáo Trương Bình V 16 (Mười sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

2/ Quyết định về phần trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo khác trong vụ án, về phần trách nhiệm dân sự, biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng và án phí sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3/ Các bị cáo Nguyễn Văn T, Trần P, Nguyễn Thanh P và Trương Bình V không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 291/2022/HS-PT

Số hiệu:291/2022/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về