Bản án về tội giết người số 86/2024/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 86/2024/HS-PT NGÀY 26/03/2024 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 26 tháng 3 năm 2024, tại Điểm cầu trung tâm Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kết nối với Điểm cầu thành phần tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Trị, xét xử phúc thẩm trực tuyến công khai vụ án hình sự thụ lý số 94/2024/TLPT-HS ngày 05 tháng 02 năm 2024 đối với các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1 bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử về tội “Giết người”.

Do có kháng cáo của các bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 83/2023/HS-ST ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị.

- Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

1. Trần Trung H, sinh ngày 03/5/1980, tại tỉnh Quảng Trị; nơi cư trú: thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch Việt Nam; con ông Trần Trung L, sinh năm 1942 và bà Phạm Thị L1, sinh năm 1944; có vợ Trần Thị T và 01 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 19/11/2022 cho đến nay, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

2. Trần Trung H1, sinh ngày 03/5/1980 (anh em sinh đôi với bị cáo H), tại tỉnh Quảng Trị; nơi cư trú: thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Quảng Trị; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch Việt Nam; con ông Trần Trung L, sinh năm 1942 và bà Phạm Thị L1, sinh năm 1944; có vợ Nguyễn Thị L2 và 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

- Người tham gia tố tụng khác có kháng cáo: người đại diện hợp pháp của bị hại Phạm Văn Đ1 là ông Phạm Văn T1, sinh năm 1961 và bà Lê Thị T2, sinh năm 1965 (là bố, mẹ đẻ của bị hại); địa chỉ cư trú: Đ, thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Quảng Trị, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

- Người đại diện theo ủy quyền của ông Phạm Văn T1, bà Lê Thị T2: Anh Phạm Ngọc T3, sinh năm 1987; địa chỉ cư trú: Đ, thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Quảng Trị, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: bà Trần Thị Ly L3 và ông Lê Văn H2 là các Luật sư của Công ty L6 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ: 1 đường T, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Trung H: ông Nguyễn Đức T4, Luật sư của Văn phòng L7 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q; địa chỉ: B đường H, phường Đ, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị, có đơn xin xét xử vắng mặt (gửi bản luận cứ bào chữa cho bị cáo).

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Trung H1: ông Bùi Quốc H3, Luật sư của Công ty L8 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh T; địa chỉ: 1 đường P, phường P, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế, có mặt tại Điểm cầu thành phần.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ ngày 18/11/2022, Trần Trung H điều khiển xe mô tô Biển kiểm soát 43K1-049.xx đến nhà bà Nguyễn Thị L4 để dự tiệc rượu trước ngày đám cưới con gái bà L4, thì gặp anh Phạm Văn Đ1 và một số người khác đang ngồi nghe nhạc, uống rượu. Một lúc sau, Trần Trung H1 đến chơi và cùng ngồi chung trong một bàn tiệc với Đ1 và H. Tại đây, H1 và anh Đ1 nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến lời qua tiếng lại rồi ẩu đả nhau. H đứng dậy khuyên can thì bị anh Đ1 thách thức và đòi đánh nên H hẹn anh Đ1 ra khỏi nhà bà L4 để đánh nhau. Được mọi người can ngăn nên anh Đ1 quay lại đám cưới còn H thì được khuyên đi về nhà. Tức giận vì anh Đ1 đã gây gổ mình nên H điều khiển xe mô tô đến nhà bố mẹ ruột là ông Trần Trung L và bà Phạm Thị Lê t hung khí để đi đánh anh Đ1. Ông L và chị Nguyễn Thị L2 (vợ H1) can ngăn, không cho mang hung khí đi nên H bực tức đứng chửi bới bố mẹ mình rồi đi ra cổng. Tại đây, H gặp H1 đang cầm 01 cây rựa trên tay nên nói với H1 “Hôm ni phải đập cho thằng ni một trận” (ý muốn nói đánh anh Đ1). H1 không nói gì mà cầm theo cây rựa rồi cùng H đi đến nhà anh Đ1 (cách nhà H1 khoảng 100m). Khi đến phía trước cổng nhà anh Đ1 thì H1 và H đứng chửi bới anh Đ1. Thấy anh Đ1 không có nhà, nên H nói “Thằng Đ1 về tau đập chết”. Khi được chị L2 can ngăn thì cả hai quay về nhà.

Do vẫn còn bực tức nên H đi vào bếp lấy 02 con dao dắt vào lưng quần rồi điều khiển xe mô tô quay trở lại nhà bà L4 tìm anh Đ1 nhưng không thấy thì H tìm đến nhà anh Đ1. Khi đi qua nhà ông L, H dừng xe tại đoạn đường nhựa ngay trước cổng, rồi ngồi trên xe gọi to “H1 ơi, H1 ơi, hắn về rồi”. Nghe vậy, H1 cầm theo 01 cây rựa đi ra mở cổng thì H nói “thằng Đ1 về dưới nhà rồi, xuống coi hắn có xin lỗi không, nếu không thì đập”. H1 không nói gì mà cầm rựa đi theo sau H đến nhà anh Đ1. Khi đến vị trí cách cổng nhà anh Đ1 khoảng 07m, H gọi“Đức ơi, Đ1 ơi”. Lúc này, trong nhà anh Đ1 đang có các anh Phạm Khả V, Trần Trung N, ông Trần Trung N1 và bà Lê Thị T2 (mẹ anh Đ1). Do không thấy H cầm hung khí mà thấy H1 cầm 01 cây rựa nên anh N tiến đến vị trí của H1 để can ngăn, dành lấy cây rựa rồi đẩy H1 đi lùi về phía nhà H1. Khi nghe H gọi tên mình, anh Đ1 đi ra đứng phía ngoài cổng thì H tiến lại ví trí anh Đ1 đang đứng. Khi cách khoảng 05m, H dùng tay phải rút 01 cây dao cán gỗ từ trong lưng quần ra và nói to “Bác mần chi mi mà khi mô mi cũng đòi đập bác rứa” thì anh Đ1 có nói lại ”Bác ưng đập không”, H áp sát anh Đ1 trong tư thế đối diện rồi dùng dao đâm 01 nhát theo hướng từ trước ra sau, trúng vào vùng bụng trái của anh Đ1 rồi rút dao ra. Lúc này, anh Đ1 kêu lên “Bị dao đâm rồi” và đi lùi khoảng 04 đến 05 bước rồi ngã xuống và tử vong.

Sau khi rút dao, H lau máu ở đầu lưỡi dao vào quần của mình rồi dắt vào sau lưng quần và đi đến vị trí H1 đang đứng rồi nói “Tau đâm hắn rồi”. Nghe vậy, H1 nói “Bác mần chi lạ rứa”. Biết những người có mặt đang cấp cứu cho Đ1, nên H và H1 đều đi về nhà. Khi đi ngang qua nhà bà L4, H gặp anh Tạ Quang L5 (trú cùng thôn) nên dừng lại. Thấy H mang theo 02 cây dao nên anh L5 lấy dao rồi đem vứt lên mái nhà bà L4 để tránh trường hợp H sử dụng dao ẩu đả với người khác.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 1206/KL-KTHS ngày 21/11/2022, của Phòng K (KTHS) Công an tỉnh Q kết luận: nguyên nhân chết của anh Phạm Văn Đ1 là mất máu cấp không phục hồi do đứt rời động mạch chủ bụng.

Tại n án h nh sự sơ th m s H - T ngày 7 1 , Tòa án nhân dân t nh Qu ng Trị quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Trần Trung H và bị cáo Trần Trung H1 phạm tội “Giết người”.

- Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; các điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Trung H 13 (mười ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 19/11/2022).

- Áp dụng khoản 2 Điều 123; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Trung H1 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Về trách nhiệm dân sự: buộc các bị cáo Trần Trung H và bị cáo Trần Trung H1 phải liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại số tiền 259.151.000 đồng, cụ thể các khoản sau:

- Tiền chi phí mai táng 79.151.000 đồng;

- Tiền bồi thường về tổn thất tinh thần là 180.000.000 đồng.

Trong đó, bị cáo H phải bồi thường số tiền 181.405.700 đồng (70%), bị cáo H đã bồi thường được 40.000.000 đồng nên còn phải bồi thường tiếp số tiền 141.405.700 đồng (một trăm bốn mươi mốt triệu, bốn trăm linh năm nghìn, bảy trăm đồng). Bị cáo H1 phải bồi thường số tiền 77.745.000 đồng (30%), bị cáo H1 đã bồi thường được 15.000.000 đồng, nên còn phải bồi thường tiếp số tiền 62.745.000 đồng (sáu mươi hai triệu, bảy trăm bốn mươi lăm nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

- Ngày 02/01/2024, đại diện hợp pháp của bị hại ông Phạm Văn T1 và bà Lê Thị T2 kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường, cụ thể:quá trình giải quyết vụ án các bị cáo H, H1 không thành khẩn khai báo nhưng Tòa án cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, bị cáo H không phải là người khuyết tật nặng nhưng lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự là không đúng. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị xét xử bị cáo H theo khoản 1, bị cáo H1 theo khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự là không đúng mà phải xét xử bị cáo H1 theo điểm n (có tính chất côn đồ), bị cáo H theo điểm n, điểm q (vì động cơ đê hèn) khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, đề nghị tăng hình phạt Trần Trung H từ 13 năm lên Tù chung thân, xử phạt Trần Trung H1 20 năm tù; buộc các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1 liên đới chịu trách nhiệm dân sự mức ngang nhau để bồi thường chi phí mai táng và bù đắp tổn thất tinh thần cho bị hại; buộc cả hai bị cáo phải liên đới bồi thường chi phí cấp dưỡng cho vợ chồng ông bà kể từ thời điểm xét xử sơ thẩm đến khi qua đời.

- Ngày 08/01/2024, bị cáo Trần Trung H1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo; giảm mức bồi thường xuống mức thấp nhất có thể.

- Ngày 08/01/2024, bị cáo Trần Trung H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1; không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về thủ tục tố tụng:

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/01/2024, đại diện hợp pháp của bị hại ông Phạm Văn T1 và bà Lê Thị T2 kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị tăng hình phạt và tăng mức bồi thường; ngày 08/01/2024, bị cáo Trần Trung H1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo, giảm mức bồi thường xuống mức thấp nhất; bị cáo Trần Trung H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đơn kháng cáo của các bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Trung H là Luật sư Nguyễn Đức T4 có đơn xin xét xử vắng mặt và gửi Luận cứ bào chữa, bị cáo H đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa nên Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm a khoản 1 Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự tiếp tục xét xử vụ án.

- Các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1 rút toàn bộ kháng cáo, xét thấy việc rút kháng cáo của các bị cáo là hoàn toàn tự nguyện; sau khi nghe ý kiến của Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Hội đồng xét xử căn cứ quy định tại các Điều 342, Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo.

- Đại diện hợp pháp của bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn T1 và bà Lê Thị T2.

[2]. Xét nội dung kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại:

[2.1]. Về tội danh và điều khoản luật áp dụng:

Do có mâu thuẫn với anh Phạm Văn Đ1 tại tiệc rượu trước ngày đám cưới con bà Nguyễn Thị L4, sau khi trở về nhà Trần Trung H chuẩn bị 02 con dao dắt vào lưng rồi đi tìm anh Đ1 để giải quyết mâu thuẫn. H rủ Trần Trung H1 đi cùng thì Hòa đồng ý, cầm theo cây rựa cùng đi. Khi gặp anh Đ1, H dùng dao đâm 01 nhát theo hướng từ trước ra sau, trúng vào vùng bụng trái của anh Đ1 rồi rút dao ra. Hậu quả, anh Đ1 chết do mất máu cấp không phục hồi do đứt rời động mạch chủ bụng. Đối với H1 do được anh N can ngăn, dành lấy cây rựa rồi đẩy H1 đi lùi về phía nhà H1. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Trung H về tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “có tính chất côn đồ” theo điểm n khoản 1 Điều 123 của Bộ luật Hình sự; kết án Trần Trung H1 tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2.2]. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt:

Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ nhặt trước đó nhưng Trần Trung H sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ trực tiếp tước đi tính mạng của bị hại còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài mới đảm bảo được tính răn đe, có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung. Trong vụ án này, mặc dù bị cáo H1 là người có mâu thuẫn với bị hại nhưng bị cáo H lại là người chủ động đi tìm và là người trực tiếp gây ra cái chết của bị hại. Đối với bị cáo H1, được bị cáo H rủ rê đi giải quyết mâu thuẫn thì đồng ý, mặc dù không trực tiếp tấn công bị hại nhưng bị cáo H1 cũng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả của hành vi do bị cáo H đã thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự cần áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn đáng kể so với H. Xét thấy, quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; sau khi sự việc xảy ra bị cáo H đã bồi thường cho gia đình bị hại được 40.000.000 đồng, bị cáo H1 đã bồi thường số tiền 15.000.000 đồng; bố mẹ các bị cáo là người có công với N2, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo; riêng bị cáo H là người bị khuyết tật nặng, gia đình thuộc hộ cận nghèo nên bị cáo H được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là phù hợp.

Sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò, nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, thấy:

Đối với Trần Trung H, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo H mức án 13 năm tù về tội “Giết người” là nhẹ, bởi lẽ, mặc dù giữa bị hại và các bị cáo vốn có quan hệ họ hàng thân thiết, chỉ vì mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp, đã được mọi người can ngăn nhưng bị cáo vẫn tìm bị hại, sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Khi gặp bị hại, bị cáo đã dùng dao đâm một nhát vào vị trí hiểm yếu làm bị hại tử vong. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện tính côn đồ hung hãn, ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác nên cần phải xử phạt bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc hơn nữa mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Trung H. Đối với bị cáo Trần Trung H1, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 03 năm tù cũng có phần nhẹ. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cung cấp các tài liệu thể hiện hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân bị cáo là lao động chính trong gia đình, đang mắc các bệnh nang thận phải, thoái hóa cột sống nhưng đã cố gắng khắc phục thêm cho gia đình bị hại số tiền 30.000.000 đồng. Điều này thể hiện bị cáo đã thực sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình, có ý thức chấp hành pháp luật, thi hành nghiêm túc bản án của Tòa án nên Hội đồng xét xử không tăng hình phạt đối với bị cáo cũng nhằm thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội đã nhận thức được lỗi lầm, tạo động lực cho bị cáo yên tâm cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Trung H, giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo Trần Trung H1.

[2.3]. Về trách nhiệm dân sự:

Đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường tổng số tiền 1.159.151.000 đồng, gồm các khoản: chi phí mai táng 79.151.000 đồng; cấp dưỡng cho bố mẹ của bị hại số tiền 720.000.000 đồng và bồi thường về tổn thất tinh thần là 360.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại số tiền 259.151.000 đồng, trong đó bị cáo H chịu trách nhiệm bồi thường 7 phần, bị cáo H1 3 phần là đã phân hóa được vai trò của từng bị cáo trong vụ án, tương ứng với mức độ lỗi theo đúng nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 và Điều 587 của Bộ luật Dân sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cũng thống nhất với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm, không có ý kiến gì khác.

Xét nội dung kháng cáo về tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự quy định về việc bồi thường đối với trường hợp tính mạng bị xâm phạm được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tiền cấp dưỡng được xác định như sau:“3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau: c) Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình”. Theo quy định tại Điều 111 của Luật Hôn nhân và gia đình thì con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Xét thấy, ông Phạm Văn T1, bà Lê Thị T2 có 03 người con, tại cấp sơ thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại không cung cấp được tài liệu thể hiện là người không có khả năng lao động, trước khi chết anh Đ1 là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các ông, bà nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu trên là đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự không cung cấp thêm được tài liệu gì mới chứng minh cho kháng cáo của mình nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[3]. Án phí hình sự phúc thẩm:

- Các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1 không phải chịu;

- Kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại được chấp nhận một phần nên không phải chịu.

[4]. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 342, Điều 348 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1. 2. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại ông Phạm Văn T1 và bà Lê Thị T2, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 83/2023/HS-ST ngày 27/12/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị về phần hình phạt đối với bị cáo Trần Trung H. 1.1. Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; các điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Trung H 15 (mười lăm) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 19/11/2022).

1.2. Áp dụng khoản 2 Điều 123; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Trung H1 03 (ba) năm tù về tội “Giết người”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 584, 585, 587, 591 của Bộ luật Dân sự.

Buộc các bị cáo Trần Trung H và bị cáo Trần Trung H1 phải liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại số tiền 259.151.000 đồng, cụ thể các khoản sau:

- Tiền chi phí mai táng 79.151.000 đồng;

- Tiền bồi thường về tổn thất tinh thần là 180.000.000 đồng.

Trong đó, bị cáo H phải bồi thường số tiền 181.405.700 đồng (70%), bị cáo H đã bồi thường được 40.000.000 đồng nên còn phải bồi thường tiếp số tiền 141.405.700 đồng (một trăm bốn mươi mốt triệu, bốn trăm linh năm nghìn, bảy trăm đồng). Bị cáo H1 phải bồi thường số tiền 77.745.000 đồng (30%), bị cáo H1 đã bồi thường được 15.000.000 đồng, nên còn phải bồi thường tiếp số tiền 62.745.000 đồng (sáu mươi hai triệu, bảy trăm bốn mươi lăm nghìn đồng). Đối với số tiền 30.000.000 đồng bị cáo H1 đã bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được xem xét khấu trừ trong giai đoạn thi hành án.

3. Về án phí: căn cứ Điều 135, Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; áp dụng điểm g, h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Trần Trung H, Trần Trung H1, đại diện hợp pháp của bị hại ông Phạm Văn T1 và bà Lê Thị T2 không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

36
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội giết người số 86/2024/HS-PT

Số hiệu:86/2024/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/03/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về