TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 21/2021/HSST NGÀY 22/03/2021 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Ngày 22 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 186/2020/TLST-HS ngày 18 tháng 11 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 24/2021/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 2 năm 2021 đối với bị cáo:
NGUYỄN DUY V (tên gọi khác: M) - Sinh năm 1986 tại Phú Yên Nơi cư trú: Tổ dân phố T, xã C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa.
Nghề nghiệp: thợ hồ; Trình độ học vấn: không biết chữ; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam Con ông: Nguyễn T (đã mất) và bà: Võ Thị H – Sinh năm: 1955 Tiền sự: Không Tiền án:
Bản án số 73/2009/HSST ngày 26/8/2009 của Tòa án nhân dân thị xã Cam Ranh xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 31/8/2011, đã chấp hành xong về án phí và trách nhiệm bồi thường dân sự năm 2010.
Bản án số 27/2016/HSST ngày 29/7/2016 của Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm xử phạt 03 năm 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 30/01/2019.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 26/02/2020 cho đến nay, có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của Tòa án:
Luật sư Trần Văn S (Văn phòng luật sư Văn S), là luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa.
Luật sư có mặt tại phiên tòa.
* Bị hại:
1. Ông Nguyễn Xuân A - Sinh năm:1975 Trú tại: Tổ dân phố H, phường C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
2. Ông Nguyễn Xuân V - Sinh năm: 1983 Địa chỉ: Tổ dân phố H, phường C, thành phố C, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Võ Thị Hoàng D - Sinh năm: 1990 Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
2. Bà Võ Thị H - Sinh năm: 1955 Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt tại phiên tòa.
* Người làm chứng:
1. Ông Đỗ Phi H - Sinh năm: 1986 Địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
2. Ông Nguyễn Quang T - Sinh năm: 1974 Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
3. Ông Phạm T1 - Sinh năm: 1962 Địa chỉ: thôn T, xã C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
4. Ông Nguyễn Văn T2- Sinh năm: 1984 Địa chỉ: thôn T, xã C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
5. Ông Trần Ngọc Á - Sinh năm: 1978 Địa chỉ: Tổ dân phố B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
6. Ông Phạm Đình T - Sinh năm: 1973 Địa chỉ: Tổ dân phố T, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Vắng mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyễn Duy V và Nguyễn Xuân A (là người khuyết tật phải đi lại bằng xe 03 bánh) cùng nuôi trồng thủy sản tại thôn T, xã C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình nuôi trồng thủy sản thì phát sinh mâu thuẫn, A không cho V đi vào các bờ đìa nuôi tôm trong trại của A.
Khoảng 12h00 ngày 21/10/2019, V và Đỗ Phi H ngồi nhậu tại quán cà phê M do chị Võ Thị Hoàng D làm chủ thuộc tổ dân phố B, thị trấn C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Trong quán, lúc này A cũng đang ngồi nhậu cùng với Nguyễn Xuân V (em ruột A), Phạm T1, Trần Ngọc Á, Phạm Đình T và Nguyễn Quang T. Khi thấy A thì V nói: “Ông kia qua đây nói chuyện”, thì A nói: “Tao bị tật không qua được, có gì qua đây”. V cầm ly bia đi sang bàn của A nói: “Có cái bờ đìa mà mày không cho tao đi, giờ mày tin tao tháo bánh xe mày không”, thì A nói: “Mày tháo thì tao đi bộ”, V nói tiếp: “Tao tháo luôn cái chân mày thì mày đi bằng gì”. Nghe vậy, A tạt nước bia trong ly vào người V, V nhào đến ôm vật A ngã xuống đất rồi đánh A. Thấy vậy, V1 cầm 01 ly thủy tinh đến đánh vào đầu V nên V chạy vào trong quán lấy 01 con dao chém V1 thì V1 bỏ chạy. V đuổi theo không kịp nên quay lại cầm dao chém nhiều nhát vào người A đang nằm dưới đất. V1 tiếp tục quay lại cầm 01 cái ghế nhựa ném vào người V, V quay sang đuổi chém nhiều nhát vào người V1, V1 bỏ chạy, V cầm dao đuổi theo V1 nhưng không kịp, sau đó V ném dao tại quán rồi bỏ trốn. Sau khi bị V chém, A được đưa đến Bệnh viện huyện Cam Lâm cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị, đến ngày 24/10/2019 thì xuất viện. Ngày 31/12/2017, V đến Công an huyện Cam Lâm đầu thú.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 339/TgT ngày 13/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa đối với Nguyễn Xuân A kết luận: Vùng thái dương trái có 01 vết sẹo (06x0,2)cm; vùng thái dương phải có 01 vết sẹo (06x0,2)cm; vùng vai phải có 01 vết sẹo (05x03)cm; vùng cánh tay trái có 02 vết sẹo (01x0,2)cm và (04x0,2)cm; vùng bàn tay trái ngón 1 có vết sẹo (01x0,2)cm; vùng cẳng chân phải có vết sẹo (08x0,3) cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 27%.
Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 338/TgT ngày 13/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa đối với Nguyễn Xuân V1 kết luận: Vùng đỉnh trái có 01 vết sẹo (07x0,3)cm; vùng chẩm có 01 vết sẹo (5x1)cm;
vùng vai trái có 01 vết sẹo (5x0,3)cm; vùng cánh tay trái có 01 vết sẹo (5x0,3)cm;
vùng cẳng tay trái có 01 vết sẹo (2x0,2)cm; vùng mu bàn tay trái có 01 vết sẹo (2x0,2)cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12%.
Vật chứng: 01 con dao bằng kim loại màu trắng, dài 30 cm; 01 mảnh vỡ sứ màu trắng, không rõ hình dạng; 02 mảnh vỡ ly thủy tinh, không rõ hình dạng;
Bản cáo trạng số 151/CT-VKSKH-P1 ngày 17/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã truy tố bị cáo Nguyễn Duy V về tội “Giết người” theo các điểm a, n, p khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên nội dung cáo trạng đã truy tố đối với bị cáo Nguyễn Duy V. Sau khi phân tích các tình tiết về tội danh, khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết về nhân thân của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, n, p khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm k khoản 1 Điều 52; Điều 15; Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo Nguyễn Duy V để xử phạt bị cáo mức hình phạt từ 14 năm đến 15 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, các bị hại Nguyễn Xuân V1 và Nguyễn Xuân A không yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại nên không xét, tách yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa để giải quyết thành vụ án khác nếu có yêu cầu. Về vật chứng, xét thấy các vật chứng bị thu giữ không có giá trị sử dụng nên đề nghị tịch thu tiêu hủy theo quy định.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy V, luật sư Trần Văn S đồng ý với tội danh và khung hình phạt mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với bị cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Luật sư cho rằng đối với bị hại Nguyễn Xuân V1, trong quá trình xô xát đánh nhau với bị cáo đã bị các mảnh vỡ chai bia gây thương tích ở tay chân, còn vết thương trên đầu của bị hại V1 là do bị cáo dùng ly bia đánh chứ không phải dùng dao chém. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội đã ra đầu thú và được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Tại lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Duy V xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ mức hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng hình sự: Các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cam Lâm, Công an tỉnh Khánh Hòa, điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tòa án đã nhiều lần tiến hành triệu tập hợp lệ những người bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; những người làm chứng là ông Đỗ Phi H, ông Nguyễn Quang T, ông Phạm T1, ông Nguyễn Văn T2, ông Trần Ngọc Á, ông Phạm Đình T nhưng người bị hại Nguyễn Xuân A, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Võ Thị Hoàng D và tất cả những người làm chứng đều vắng mặt tại phiên tòa, đồng thời bị hại Nguyễn Xuân A có đơn xin được xét xử vắng mặt. Xét thấy sự vắng mặt của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng không gây trở ngại cho việc xét xử, căn cứ Điều 292, Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng nói trên.
[2] Về trách nhiệm hình sự của bị cáo:
Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Duy V khai nhận: vì không được anh Nguyễn Xuân A cho đi vào các bờ đìa nuôi tôm của anh A nên vào ngày 21/10/2019, sau khi xảy ra cãi vã với anh Nguyễn Xuân A tại quán cà phê M, bị cáo đã sử dụng dao chém nhiều nhát vào người anh Nguyễn Xuân A gây thương tích cho anh A với tỷ lệ thương tật là 27% và sử dụng ly bia đánh vào người anh Nguyễn Xuân V1, gây thương tích cho anh V1 với tỷ lệ thương tật là 12%. Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù bị cáo chỉ thừa nhận việc sử dụng dao chém vào vùng đầu, tay, chân của bị hại Nguyễn Xuân A mà không thừa nhận việc sử dụng dao chém vào cơ thể, bao gồm cả vùng trọng yếu trên cơ thể của người bị hại Nguyễn Xuân V1, nhưng các biên bản ghi lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra có sự chứng kiến của người làm chứng và luật sư bào chữa cho bị cáo đều thể hiện nội dung bị cáo thừa nhận việc có sử dụng dao chém vào cơ thể anh V1. Lời khai của những người làm chứng có mặt tại hiện trường vụ án là bà Võ Thị Hoàng D, ông Phạm T1, ông Trần Ngọc Á, ông Phạm Đình T đều xác định có chứng kiến sự việc bị cáo sử dụng dao chém vào người bị hại Nguyễn Xuân V1. Lời khai của những người bị hại phù hợp với lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Mặc khác, tại phiên tòa sơ thẩm, dù bị cáo không thừa nhận việc sử dụng dao tấn công anh Nguyễn Xuân V1 nhưng bị cáo cho rằng thương tích trên vùng đầu của anh V1 là do bị cáo sử dụng ly bia đập vào vùng đỉnh đầu của bị hại gây ra. Bị cáo, người bị hại và tất cả người làm chứng đều xác định ngoài bị cáo thì không còn ai khác có hành vi tác động vào cơ thể của hai người bị hại gây ra thương tích cho họ.
Xem xét hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy: xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống mà bị cáo Nguyễn Duy V đã có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm chém nhiều nhát và tấn công vào cơ thể của người bị hại Nguyễn Xuân A, Nguyễn Xuân V1, trong đó có nhiều nhát tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể có khả năng gây ra cái chết cho những người bị hại. Bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ khả năng nhận thức về hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người bị hại, tuy nhiên chưa đạt được mục đích. Hành vi của bị cáo thể hiện cao độ tính chất coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng rất xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành thu giữ vật chứng là một cây dao bằng kim loại dài 30 cm, là hung khí do bị cáo khai nhận được sử dụng để chém anh A, anh V1 và hai mảnh vỡ ly thủy tinh, một mảnh vỡ sứ màu trắng. Vật chứng được thu giữ, đối chiếu qua lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với bản kết luận giám định pháp y về thương tích của người bị hại. Tại bản án số 27/2016/HSST ngày 29/7/2016 của Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm, bị cáo Nguyễn Duy V đã bị xác định “tái phạm”, chưa được xóa án tích của bản án này, nay lại tiếp tục phạm tội do lỗi cố ý nên thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, có cơ sở để kết luận rằng, bản cáo trạng số: 151/CT-VKSKH-P1 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa truy tố bị cáo Nguyễn Duy V về tội “Giết người” theo điểm a, n, p khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung “giết hai người trở lên”, “có tính chất côn đồ”, “tái phạm nguy hiểm” là có căn cứ và đúng pháp luật.
[3] Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo:
Xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của người khác là khách thể đặc biệt được pháp luật ưu tiên bảo vệ, vì vậy cần phải xét xử mức án thật nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mới đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung cho xã hội. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đối với bị hại Nguyễn Xuân A là người khuyết tật nặng, do đó cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm k khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự (phạm tội đối với người khuyết tật nặng) đối với bị cáo.
Hành vi của bị cáo Nguyễn Duy V thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt”, hậu quả chết người chưa xảy ra, nên Hội đồng xét xử nhận thấy cần áp dụng quy định tại Điều 15, Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Duy V đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cam Lâm để đầu thú sau khi thực hiện hành vi phạm tội; đồng thời theo hồ sơ vụ án, đơn xin xét xử vắng mặt của bị hại Nguyễn Xuân A và tại phiên tòa, người bị hại Nguyễn Xuân A và Nguyễn Xuân V1 đều có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã nhận thức được lỗi lầm và đến gia đình bị hại xin lỗi, đồng thời có tác động đến gia đình để bồi thường thiệt hại cho người bị hại nhưng người bị hại thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của bị cáo nên không nhận bồi thường. Tại phiên tòa, mẹ bị cáo là bà Võ Thị H xác nhận gia đình bị cáo đã cất giữ và chuẩn bị số tiền 10 triệu đồng để sẵn sàng bồi thường cho bị hại nhưng bị hại Nguyễn Xuân V1 từ chối. Do đó, Hội đồng xét xử nhận thấy có cơ sở áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà yên tâm cải tạo trở thành người công dân có ích cho xã hội.
[4] Về trách nhiệm dân sự:
Theo hồ sơ vụ án, người bị hại Nguyễn Xuân A và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Võ Thị Hồng D không yêu cầu bị cáo Nguyễn Duy V phải bồi thường thiệt hại. Ông Nguyễn Xuân A có đơn xin xét xử vắng mặt, trong đơn, ông không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho ông. Tại phiên tòa, người bị hại Nguyễn Xuân V1 xác định không yêu cầu bị cáo Nguyễn Duy V phải bồi thường thiệt hại cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Võ Thị H không có yêu cầu bồi thường gì thêm nên Hội đồng xét xử không xét.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà Võ Thị Hồng D vắng mặt không rõ yêu cầu nên cần tách ra để giải quyết thành vụ án dân sự khác khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nói trên có đơn yêu cầu.
[5] Về xử lý vật chứng: Xét thấy 01 con dao bằng kim loại màu trắng dài 30 cm là công cụ, phương tiện phạm tội và 02 mảnh vỡ ly thủy tinh, không rõ hình dạng và 01 mảnh vỡ sứ màu trắng, không rõ hình dạng không có giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.
[6] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Duy V phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Duy V phạm tội: “Giết người” (chưa đạt).
Căn cứ vào các điểm a, n, p khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm k khoản 1 Điều 52; Điều 15, Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo NGUYỄN DUY V 12 (mười hai) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 26/02/2020.
Về trách nhi m dân sự: Người bị hại – ông Nguyễn Xuân A và ông Nguyễn Xuân V1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Võ Thị H không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xét.
Tách ra để giải quyết thành vụ án dân sự khác khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Võ Thị Hồng D có đơn yêu cầu.
Về vật chứng của vụ án: Áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự;
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) con dao bằng kim loại màu trắng, dài khoảng 30 cm; 01 mảnh vỡ sứ màu trắng, không rõ hình dạng và 02 mảnh vỡ ly thủy tinh, không rõ hình dạng.
(Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 30/12/2020 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa)
Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;
Bị cáo Nguyễn Duy V phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Duy V, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.
Bản án về tội giết người số 21/2021/HSST
Số hiệu: | 21/2021/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về