TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
BẢN ÁN 67/2021/HS-PT NGÀY 15/09/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 15 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đăk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 67/2021/TLPT-HS, ngày 01-7- 2021 đối với bị cáo Dương D do có kháng cáo của bị cáo và bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 21/2021/HS-ST ngày 27-5-2021 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức.
Bị cáo có kháng cáo: Dương D, sinh năm 1992 tại tỉnh Lâm Đồng; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn Đ, xã H, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng; chỗ ở khi phạm tội: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông; trình độ học vấn: 09/12; nghề nghiệp: làm nông; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông Dương A (bị hại trong vụ án) và bà Phạm Thị L; có vợ là Phan Đoàn Thị Kim H và 02 người con; bị bắt tạm giam từ ngày 29-10-2020– có mặt.
Bị hại có kháng cáo: Ông Dương A, sinh năm 1957; địa chỉ: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông – có mặt.
Người có quyền lợi liên quan: Chị Đoàn Thị Thảo L, sinh năm 1985; địa chỉ: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông – Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
Người làm chứng:
- Anh Dương H, sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
- Bà Phạm Thị L, sinh năm 1957; địa chỉ: Tổ A, Thôn Đ, xã H, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng - Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
- Anh Nguyễn Văn N, sinh năm 1976; địa chỉ: Thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông - Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ông Dương A cùng vợ là bà Phạm Thị L, sinh năm 1957, sống chung với vợ chồng anh Dương H và chị Đoàn Thị Thảo L tại thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, quá trình sống chung với nhau giữa ông A và vợ chồng anh H, chị L xảy ra nhiều mâu thuẫn nên ông A đã khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự với anh H tại Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức.
Tháng 7/2020, Dương D, là em trai của anh H và là con trai ruột của ông A và bà L cùng vợ là chị Phan Đoàn Thị Kim H đến sống chung nhà tại thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông để làm rẫy.
Quá trình sống chung với ông A và anh H, D mua một chiếc Camera, lắp vào phòng khách của căn nhà, để quản lý tài sản của mình. Thấy có Camera gắn ở phòng khách nên ông A đã tháo chiếc Camera của D ra, cất trong phòng ngủ, dẫn đến D và ông A lời qua tiếng lại, mâu thuẫn với nhau. Do cùng lúc, có mâu thuẫn với anh Dương H và Dương D nên ông Dương A và bà L chuyển đến thôn B, xã Đ, huyện T thuê nhà ở riêng.
Đến khoảng 7 giờ 30 phút ngày 23/09/2020, ông A điều khiển xe máy chở bà L từ nhà trọ đến căn nhà tại thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông. Đến nơi, ông A dựng xe bên hông nhà, rồi đi bộ ra phía sau hướng nhà bếp, còn bà L đứng ở sân trước nhà. Khi ông A đi ra thì gặp H đang đứng ở ngoài cửa nhà kho, liền kề phía sau nhà. Ông A đi tiếp vào bên trong phòng bếp thì gặp Dương D đang ở bên trong. Thấy ông A, D hỏi về việc ông A lấy trộm Camera, đồng thời yêu cầu trả lại Camera cho D. Nghe vậy, ông A có lời qua tiếng lại với D, đồng thời ông A tiến đến đứng đối diện D, cách khoảng 1,5 m thì D nhặt 01 gậy gỗ dùng chống cửa bếp, dài khoảng 80 cm, vuông kích thước cạnh khoảng 05cm, hai tay cầm gậy dơ lên, đánh liên tiếp theo hướng xiên chéo, từ trên xuống dưới hướng vào vùng đầu ông A. Thấy vậy, ông A giơ tay trái lên đỡ thì bị D đánh trúng 3 cái vào cánh tay. Sau khi bị đánh, ông A cúi người lao về phía trước, D vứt gậy tại phòng bếp, tiếp tục lao vào, dùng tay phải vòng ra sau gáy, ghì cổ ông A xuống nền nhà, tay trái của D với lấy một chiếc micro dài 25cm, đường kính 4cm, đầu màu đen, thân màu đồng, đuôi màu vàng để gần đó, dơ lên đánh liên tiếp theo hướng ngang từ trái sang phải, chếch từ trên xuống dưới, vào đỉnh đầu ông A. Bị đánh, ông A nói “H ơi sao mày lại để em đánh ba”. Lúc này, H đang đứng ở ngoài hiên nhà nói lại: “Đánh cho ông chừa thói ăn cắp”, tuy nhiên khi thấy Dương D cầm micro đánh vào đầu ông Dương A, H nói “Đừng đánh vào đầu ông ấy”. Thấy ông A bị đánh, bà L chạy ra ngoài đường, nhờ ông Nguyễn Văn N (sinh năm 1977 trú tại thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông) đến can ngăn. Được bà L nhờ, ông N đi đến can ngăn thì Dương H nói “chuyện của gia đình thì để tự gia đình giải quyết với nhau” thì ông N bỏ về. Sau đó, ông A được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện T. Còn anh H và D ở lại nhà, D nói với anh H đốt cây gậy trước đó D dùng để đánh ông A, đồng thời nhặt cây gậy trên đưa cho anh H, anh H dùng dao chặt gậy làm hai khúc và đưa đến bếp củi gần đó đốt cháy.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 246/TgT ngày 02/10/2020 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đắk Nông kết luận: ông Dương A bị gãy xương trụ tay trái đã kết hợp xương, tỷ lệ 10%; sẹo cẳng tay trái kích thước trung bình, tỷ lệ 02%; sẹo vùng đầu kích thước nhỏ, tỷ lệ 01%. Tổng tỷ lệ thương tích 13% (thương tích vùng đầu do vật tày tác động theo hướng từ trên xuống, thương tích cẳng tay trái do bị vật tày tác động hướng từ trên xuống, bị hại đưa tay trái lên đỡ dẫn đến gãy xương trụ).
Bản án hình sự sơ thẩm số: 21/2021/HS-ST ngày 27-5-2021 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức quyết định: Tuyên bố bị cáo Dương D phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Dương D 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 29/10/2020.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo.
Ngày 31-5-2021, bị hại ông Dương A kháng cáo không đồng ý với tội danh “Cố ý gây thương tích” đề nghị xem xét xử lý về tội “Giết người chưa đạt”, đồng thời đề nghị xem xét lại vụ án do bỏ lọt tội phạm là Dương H, Đoàn Thị Thảo L và bà Phạm Thị L.
Ngày 09-6-2021, bị cáo Dương D kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm tiền bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận bị Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xử phạt về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự là đúng, không oan. Đồng thời, bị cáo giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin rút kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Bị hại giữ nguyên kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông phát biểu quan điểm: Đối với kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại, tại phiên tòa, bị cáo tự nguyện rút đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 342 và 348 Bộ luật Hình sự đình chỉ xét xử đối với phần kháng cáo này. Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, tại phiên tòa, bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ mới, đồng thời xét thấy mức hình phạt 03 năm 06 tháng tù là phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội bị cáo gây ra, do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Đối với kháng cáo của bị hại về nội dung đề nghị xem xét xử lý bị cáo về tội giết người chưa đạt là không có căn cứ, mặc dù bị cáo hành vi sử dụng gậy gỗ và micro đánh vào đầu ông A nhưng thương tích phần đầu không đáng kể, bị cáo không mong muốn tước đoạt mạng sống của bị hại. Đối với kháng cáo của bị hại về nội dung cho rằng bản án sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm: Qua các tài liệu thu thập trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, cho thấy chỉ có bị cáo là người duy nhất tác động và gây thương tích cho bị hại, không có dấu hiệu đồng phạm. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì, chỉ xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Bị hại trình bày: Không đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử đã bỏ lột tội phạm, bởi lẽ khi ông bước vào nhà Dương H đứng chặn ở cửa và nói “ông không được vào nhà, ông vào nhà tôi đánh”, đồng thời không can ngăn khi Dương H đánh ông và còn nói “đánh cho ông chừa thói ăn cắp”, Dương H cũng là người đã thuê Dương D về nhà với mục đích đánh, giết ông. Mặt khác, hành vi của bị cáo Dương D đã sử dụng micro đánh vào vùng đầu là vùng trọng yếu của cơ thể, đây là hành vi giết người, không phải là cố ý gây thương tích. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm đề điều tra, xét xử lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Tại phiên tòa, bị cáo tự nguyện rút một phần kháng cáo đối với nội dung bồi thường thiệt hại, do đó căn cứ khoản 3 Điều 342 và Điều 348 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này, phần bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự) trong bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử là ngày tuyên án phúc thẩm.
[2]. Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, của những người làm chứng, cũng như những chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra công khai tại phiên toà, cụ thể: bị cáo dùng các hung khí là gậy gỗ và micro để đánh ông A, gây thương tích 13%. Như vậy, hành vi của bị cáo có 02 tình tiết định tội quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là “Dùng hung khi nguy hiểm” và “phạm tội với cha đẻ”, thuộc tình tiết định khung tăng nặng tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tại giai đoạn phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ gì mới, đồng thời xét thấy mức án mà Hội đồng xét xử sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm 06 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội bị cáo gây ra, do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
[3]. Xét kháng cáo của bị hại, xét thấy:
Đối với kháng cáo về phần tội danh: Mặc dù bị cáo có hành vi dùng gậy gỗ và micro đánh vào vùng đầu là vùng trọng yếu của bị hại, tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay, cũng như tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo không cố ý tước đoạt tính mạng của ông A, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là do bộc phát tức thời xuất phát từ việc bị cáo yêu cầu ông A phải trả lại chiếc Camera của bị cáo bị ông A tháo lấy nhưng không trả, đồng thời hậu quả thực tế thương tích của ông A tại vùng đầu chỉ 01%. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm căn cứ vào hậu quả thực tế để kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
Đối với kháng cáo cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng còn bỏ lọt tội phạm: Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành thực nghiệm điều tra và lấy lời khai của tất cả những người có liên quan, chứng kiến sự việc xảy ra, thể hiện trong hồ sơ vụ án cho thấy giữa bị cáo và những người ông Dương A cho rằng bị bỏ lọt không có sự bàn bạc gì với nhau. Hơn nữa, theo lời khai của ông Dương A, ngày 23-9-2021, ông Dương A chở bà L về nhà tại thôn A, xã Đ, huyện T, tỉnh Đắk Nông bị cáo và Dương H không biết trước sự việc này, ông A cho rằng khi ông về nhà Dương H đứng chặn ở cửa và nói “Ông không được vào nhà, ông vào nhà tôi đánh”, đồng thời khi ông bước vào nhà, Huy nói “Đánh nó cho tao”, tuy nhiên, tại biên bản đối chất Dương H không thừa nhận, đồng thời bị cáo Dương D và bà Phạm Thị L cũng cho rằng không nghe thấy Dương H nói. Bên cạnh đó, khi Dương D cầm micro đánh ông Dương A thì Dương H có nói “Đừng đánh vào đầu ông ấy”, do đó không có căn cứ cho rằng Dương H có hành vi hoặc lời nói kích động, cổ vũ về mặt tinh thần cho Dương D thực hiện hành vi phạm tội. Đối với chị Đoàn Thị Thảo L, ngày 23-9-2020, chị Đoàn Thị Thảo L không có mặt ở nhà là nơi xảy ra tội phạm, thời điểm đó chị đang có mặt tại tỉnh Lâm Đồng. Về phía bà Phạm Thị L khi nhìn thấy Dương D đang dùng gậy đánh ông Dương A đã chạy ra ngoài gọi anh Nguyễn Văn N vào can ngăn. Do đó việc ông A cho rằng chị L và bà L có sự bàn bạc, giúp sức với Dương H và Dương D về việc gây thương tích cho ông A là không có căn cứ. Tại phiên tòa hôm nay, ông Dương A không cung cấp thêm chứng cứ chứng minh cho nội dung kháng cáo của mình.
[4]. Từ những phân tích trên, xét thấy, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với mức hình phạt 03 năm 06 tháng tù là phù hợp, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt người phạm tội. Quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ, do đó không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo và bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6]. Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Ông Dương A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Không chấp nhận kháng cáo bị cáo Dương D và bị hại Dương A, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 21/2021/HS-ST ngày 27-5-2021 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức.
1.1 Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Dương D 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam từ ngày 29-10-2020.
1.2. Căn cứ khoản 3 Điều 342; Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự: Đình chỉ xét xử đối với nội dung kháng cáo của bị cáo về phần trách nhiệm dân sự. Bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Về án phí phúc thẩm: Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; áp dụng điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Dương D phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 67/2021/HS-PT
Số hiệu: | 67/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 15/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về