Bản án về tội cố ý gây thương tích số 501/2020/HS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 501/2020/HS-PT NGÀY 28/09/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 380/2020/HSPT ngày 18/8/2020 đối với bị cáo Đào Thị Hằng N do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 84/2020/HS-ST ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú.

Bị cáo có kháng cáo:

Đào Thị Hằng N, sinh năm 1976, tại Vĩnh Phúc; Thường trú: 62A đường A, phường T, quận T1, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Nội trợ; trình độ học vấn: 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Đình K (đã chết) và bà không rõ; hoàn cảnh gia đình: Có chồng tên Giang Sông, có 02 con, con lớn sinh năm 2006, con nhỏ sinh năm 2010; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 08/11/2019 (có mặt).

Người bào chữa: Luật sư Nguyễn Minh Luận thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Đào Thị Hằng N (có mặt).

Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:

Bị hại: Bà Phạm Thị Bích D, sinh năm: 1978; trú tại: 61 đường A, phường T, quận T1, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Phú Đ, sinh năm: 1970; trú tại: 1055 L, phường T, quận T1, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 19 giờ ngày 25/7/2018, Phạm Nguyễn Duy Long là con trai bà Phạm Thị Bích D điều khiển xe gắn máy chở bà D chạy ngang qua nhà Đào Thị Hằng N, tại địa chỉ: 62A Đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú. Lúc này, N đang ngồi trước cửa thách thức và chửi nhau với bà D. Nghe vậy, bà D kêu Long quay xe lại, dừng trước nhà N, hai bên tiếp tục cãi nhau thì Long chạy bộ vào nhà số 67 Đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú là nhà của ông Phạm Phú Đ, anh ruột bà D phía bên kia đường. Còn bà D, do thấy bà N có cầm hung khí bên tay trái nên D cầm chiếc dép đang mang ném về phía N, N liền chạy từ sân nhà ra, tay trái cầm hung khí có phần lưỡi bằng kim loại dài khoảng 7cm, sắc nhọn, sáng màu, truy đuổi và đâm trúng bà D, bà D bỏ chạy lòng vòng xung quanh xe gắn máy rồi chạy về phía nhà ông Đ, N vẫn tiếp tục đuổi theo ở phía sau thì bị bà Nguyễn Thị Hiền Đức (tên thường gọi là Duyên) vợ ông Đ nắm tay kéo lại nhưng không được. Khi bà D chạy đến sân nhà ông Đ thì bị té ngã, N tay trái cầm hung khí đuổi theo kịp và đâm trúng bà D liên tục từ trên xuống vào phần lưng phải bà D. Lúc này, ông Đ nghe tiếng kêu cứu của bà D nên chạy ra xem thì thấy N tay trái cầm hung khí tiếp tục xông vào đâm bà D nên ông Đ chạy vào trong nhà lấy 01 con dao dài khoảng 10 cm, cầm bên tay phải chạy từ trong nhà ra vung dao lên rượt đuổi theo dọa chém N, N bỏ chạy. Thấy vậy, bà Đức liền chạy theo ôm ngang hông ông Đ giữ lại và kéo ông Đ về nhà. Lúc này, ông Đ không còn chém N nữa nên N quay lại lao vào cầm hung khí tấn công ông Đ. Bà D thấy vậy nên chạy từ nhà ông Đ ra đứng phía sau lưng N hô hoán, ngay lập tức N quay qua tiếp tục cầm hung khí có phần lưỡi bằng kim loại dài khoảng 7 cm, sắc nhọn, sáng màu bên tay trái đâm trúng liên tiếp nhiều lần vào phía sau lưng phải của bà D (tư thế 02 bên đối diện với nhau), bà D bỏ chạy qua nhà ông Đ đứng. Thấy N vẫn tấn công đâm bà D nên ông Đ hất bà Đức té xuống đường và lao tới cầm dao khoảng 30 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài khoảng 20 cm, cán dao bằng nhựa dài khoảng 10 cm, chém N nhưng không trúng. Sau đó, N bỏ chạy về hướng nhà mình thì bị ông Đ chém 01 nhát trúng ngay cánh tay phải. Sau vụ đánh nhau kết thúc thì bà D và bà N đều bị thương tích.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 729/TgT.18 ngày 11/9/2018 của trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của bà Phạm Thị Bích D: Đa vết thương phần mềm gây đứt da đã được điều trị khâu vết thương, hiện còn: một sẹo tại vùng lưng ngay sau hố nách phải kích thước 11,7 x 0,2 cm; hai sẹo tại mạn sườn phải kích thước 1.8 x 0.2 cm; 2 x 6 x (0,2-0,3) cm; một sẹo tại hông phải kích thước 1.8 x (0,2-0,3) cm; một sẹo tại mông, dưới mào chậu phải kích thước 2,7 x 0,2 cm; một sẹo tại bờ trong 1/3 trên cẳng tay trái kích thước 2,8 x 0,1 cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12%. Các thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắc có tác động gây ra. Chìa khóa như cung cấp không gây ra được các thương tích này.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 652/TgT.17 ngày 20/8/2018 của Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của Đào Thị Hằng N: một vết thương phần mềm gây thủng đứt da, đã điều trị, hiện còn sẹo màu nâu lồi nhẹ tại mặt trước 1/3 giữa cánh tay phải, không rối loạn vận động, cảm giác tay phải, ổn định. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 03%. Thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắc có tác động gây ra.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú, Đào Thị Hằng N không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bà Phạm Thị Bích D. N cho rằng quá trình xô xát chỉ cầm chìa khóa đâm bà D. Sau khi sự việc xảy ra N thấy một vết thương trên vai phải của bà D nên nghĩ là do ông Đ trong lúc đuổi chém N đã chém nhầm bà D.

Về phần dân sự bà Phạm Thị Bích D yêu cầu bị cáo N bồi thường số tiền 200.000.000 đồng.

Vật chứng thu giữ: 01 áo vải, dài tay, màu đen có hoa văn hình bông hoa: có nhiều vết rách; 01 quần vải, quần dài, màu vàng, bị rách bên hông phải; 01 quần lót, đã bị rách hông phía bên phải; 01 áo ngực, màu đen bị rách bên phải;

01 chùm chìa khóa gồm: 01 chìa khóa xe Honda, 01 chìa khóa thường và 01 miếng thẻ màu đỏ.

Tại Bản cáo trạng số: 24/CT-VKSQTP ngày 16/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo Đào Thị Hằng N về tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp có tính chất côn đồ theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 84/2020/HS-ST ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Đào Thị Hằng N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm a khoản 1, điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự xử phạt Đào Thị Hằng N 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 08/11/2019.

Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, buộc bị cáo Đào Thị Hằng N phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Phạm Thị Bích D số tiền: 32.292.200 (ba mươi hai triệu hai trăm chín mươi hai nghìn hai trăm) đồng. Nếu sau này, bà D tiếp tục điều trị, có hóa đơn chứng từ hợp lệ có thể khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác để được xem xét giải quyết.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Tịch thu tiêu hủy: 01 áo vải, dài tay, màu đen có hoa văn hình bông hoa:

có nhiều vết rách chủ yếu bên vai phải, hông phải. Tổng cộng 05 vết rách; 01 quần vải, quần dài, màu vàng, bị rách bên hông phải; 01 quần lót, đã bị rách hông phía bên phải; 01 áo ngực, màu đen bị rách bên phải Trả lại cho bị cáo Đào Thị Hằng N: 01 chùm chìa khóa gồm: 01 chìa khóa xe Honda, 01 chìa khóa thường và 01 miếng thẻ màu đỏ (Theo Phiếu nhập kho vật chứng số: 320/PNK ngày 12/10/2018 của Công an quận Tân Phú).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ thi hành án, lãi suất chậm thi hành án, buộc bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 1.614.610 đồng án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 19/7/2020, bị cáo Đào Thị Hằng N có đơn kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Tân Phú, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, có nhiều tình tiết sai sự thật, không được khách quan, bị cáo bị oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo không thừa nhận các hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu và mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, bị cáo bị oan vì bị cáo không dùng hung khí nguy hiểm, bị cáo chỉ cầm chìa khóa để đâm bị hại thì không thể gây được thương tích như cấp sơ thẩm quy kết.

Bà Phạm Thị Bích D khai nhận: chính bị cáo Đào Thị Hằng N là người đã cầm vật sắc nhọn đâm và gây thương tích cho bà. Việc bà N kêu oan là không có căn cứ.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định bản án sơ thẩm đã áp dụng đúng các căn cứ pháp luật để xử phạt bị cáo Đào Thị Hằng N về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo kháng cáo trong thời gian hợp lệ. Tại đơn kháng cáo bị cáo kêu oan và tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bà Phạm Thị Bích D, quá trình xô xát bị cáo chỉ cầm chìa khóa đâm bà D thì không thể gây được thương tích; các vết thương của bà D có thể là do ông Đ trong lúc đuổi chém N đã chém nhầm bà D. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, biên bản thu giữ vật chứng, kết luận giám định pháp y và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận: các thương tích của bà Phạm Thị Bích D là do chính bị cáo Đào Thị Hằng N gây ra vì quá trình xô xát chỉ có một mình bị cáo truy đuổi và tác động trực tiếp lên cơ thể bị hại; ông Đ không có bất cứ tác động nào về phía bà D để có thể gây thương tích. Vì vậy, việc bị cáo kêu oan là không có căn cứ. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá nguyên nhân, tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra và xử phạt bị cáo với mức án 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù là phù hợp. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã đuổi theo và đâm bà D liên tục nhiều lần nên phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ theo điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết này đối với bị cáo là thiếu sót. Tuy nhiên, do bị cáo kháng cáo kêu oan, để không làm bất lợi cho bị cáo, Viện kiểm sát không đề nghị áp dụng thêm tình tiết này để tăng hình phạt đối với bị cáo.

Về phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại tiền tổn thất tinh thần 06 tháng lương cơ sở là 1.600.000 đồng x 06 = 9.600.000 đồng là chưa đúng, do mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng. Đề nghị Hội đồng xét xử sửa lại buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền tổn thất tinh thần là 1.490.000 đồng x 06 tháng = 8.940.000 đồng, cộng với các chi phí khác có hóa đơn, chứng từ 22.692.200 đồng, buộc bị cáo phải bồi thường tổng số tiền là 31.632.200 đồng.

Từ những căn cứ trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về phần tội danh và phần hình phạt, sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

Luật sư Nguyễn Minh Luận trình bày bài bào chữa cho bị cáo Đào Thị Hằng N cho rằng: trong hồ sơ vụ án thể hiện có xô xát giữa bị cáo, bị hại và có sự xuất hiện của ông Điệp là người có cầm dao. Không thể suy luận theo hướng có xô xát và có thương tích là hoàn toàn do bị cáo gây ra. Cơ quan cảnh sát điều tra và đại diện Viện kiểm sát không có chứng cứ vật chất xác định hung khí gây ra thương tích cho bị hại. Lời khai nhân chứng và bị hại khai bị cáo lúc đâm, lúc chém nhưng có nhiều lời khai không nhất quán nhau. Luật sư cho rằng cơ chế hình thành vết thương theo các lời khai trên là không phù hợp với cơ chế hình thành vết thương của bị hại.

Bị cáo khai cầm chìa khóa khi xô xát với bị hại và không có vật sắc nhọn nào, không có tài liệu nào chứng minh bị cáo gây thương tích cho bị hại.

Trong việc xô xát này có 03 người, người thứ ba (ông Điệp) có cầm hung khí là con dao. Tại Tòa án cấp sơ thẩm, luật sư có yêu cầu triệu tập người làm chứng và trình chiếu video ghi lại hiện trường vụ án nhưng không được chấp nhận. Con dao do bị hại cung cấp trong hồ sơ vụ án không được đưa ra xem xét tại phiên tòa sơ thẩm. Việc thực nghiệm điều tra bị cáo không được tham gia là không hợp lý, dù theo luật thì không cần có bị cáo tham gia.

Từ những cơ sở trên, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.

Bị cáo Đào Thị Hằng N đồng ý với bài bào chữa của các vị luật sư và có ý kiến: Ông Điệp cầm 02 con dao, một con dài khoảng 25cm, một con dài từ 25- 30cm, nhưng trong kết luận điều tra, cáo trạng xác định ông Điệp chỉ cầm 01 con dao dài 10cm là không đúng.

Bị hại Phạm Thị Bích D không tranh luận.

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Lời khai của các nhân chứng là rõ ràng và thống nhất, kết luận giám định về cơ chế hình thành vết thương là rõ ràng và phù hợp.

Về yêu cầu xử lý hình sự với ông Điệp: ông Đ có hành vi dùng dao gây thương tích cho bị cáo với tỷ lệ 3% nhưng trong trạng thái tinh thần kích động mạnh do hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo gây ra cho bà D. Do đó, hành vi của ông Đ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, Cơ quan điều tra không khởi tố là phù hợp.

Trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Đào Thị Hằng N cho rằng bị cáo bị oan, đề nghị Hội đồng xét xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án, nhằm đảo bảo khách quan và đúng pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân quận Tân Phú, Kiểm sát viên, Tòa án nhân dân quận Tân Phú, Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Luật sư bào chữa cho bị cáo không có ý kiến về quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Tại các bản tự khai, biên bản lấy lời khai, bị cáo đều trình bày lời khai hoàn toàn tự nguyện, không bị ép cung, nhục hình. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, bị cáo Đào Thị Hằng N không thừa nhận hành vi đã gây ra thương tích cho bị hại Phạm Thị Bích D với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12% như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu. Bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo cho rằng mình bị oan. Hội đồng xét xử xét thấy:

Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo khai nhận: khi sự việc xảy ra, bị cáo có cầm trên tay trái chùm chìa khóa gồm có 01 chìa khóa xe gắn máy có đầu nhọn bằng kim loại, dài khoảng 08cm, hai cạnh có răng cưa, không sắc bén, tư thế cầm là tay trái ngón giữa đeo khoen hình tròn của chùm chìa khóa, để lộ ra ngoài phần đầu nhọn của chiếc chìa khóa xe đâm bà D liên tiếp nhiều cái. Chỉ có bị cáo là người trực tiếp tấn công và tác động lên cơ thể của bị hại Phạm Thị Bích D. Khi ông Đ cầm dao xông vào hù dọa và can ngăn thì bị cáo không nhìn thấy rõ là ông Đ có chém nhầm vào bà D hay không.

Bị cáo nghi ngờ thương tích của bà D có thể là do ông Đ chém nhầm chứ không phải do bị cáo đâm.

Bị hại Phạm Thị Bích D tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa đều khai nhận: khoảng 19 giờ ngày 25/7/2018, tại địa chỉ: 62A Đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú giữa bị hại và bị cáo Đào Thị Hằng N có xảy ra mâu thuẫn cãi nhau qua lại, thấy bị cáo tay cầm hung khí nên bị hại đã chạy vào trong nhà ông Đ tại nhà số 67 Đường 30/4, nhưng bị cáo N vẫn đuổi theo cầm hung khí có phần lưỡi bằng kim loại dài khoảng 7cm, sắc nhọn, sáng màu đâm, khi được can ngăn thì bị cáo vẫn tiếp tục truy đuổi và đâm nhiều nhát. Thương tích của bị hại là do chính bị cáo là người gây nên.

Lời khai của ông Phạm Phú Đ và bà Ngô Thị Hiền Đức có trong hồ sơ vụ án cũng xác nhận chỉ có duy nhất bị cáo N là người cầm hung khí có phần lưỡi bằng kim loại dài khoảng 7cm, sắc nhọn, sáng màu đâm vào người bà D. Riêng ông Điệp khai: việc ông cầm dao chỉ nhằm hù dọa để giải vây cho bà D khỏi sự truy đuổi và tấn công của bị cáo, ông chỉ chém một nhát vào cánh tay phải của bị cáo.

Trong hồ sơ vụ án, người làm chứng là ông Mai Văn Hận khai: “vật mà bị cáo giấu trong lòng bàn tay để đâm bị hại không phải là chìa khóa. Ngoài ra, ông Hận còn khai: lần thứ nhất ông Điệp truy đuổi phía sau bà N vung dao chém bà N, khi bà N bỏ chạy về hướng nhà bà N thì ông Điệp đã bị vợ ôm giữ lại nên không chém bà N nữa thì lúc này tôi có thấy bà D chạy ra đứng phía bên tay phải bà N và bị bà N tiếp tục tấn công (đâm) bà D. Lần thứ hai, ông Điệp vùng ra chạy đến chém bà N ngay hàng rào thì lúc này bà D đã bỏ chạy ra giữa đường (không có mặt bà D lúc ông Điệp chém bà N)”.

Theo dữ liệu hình ảnh trích xuất từ Camera, bản ảnh hiện trường và biên bản thực nghiệm điều tra đã xác định các diễn biến hành vi của bị cáo phù hợp lời khai của người người làm chứng, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 729/TgT.18 ngày 11/9/2018 của Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tích của bà Phạm Thị Bích D: Đa vết thương phần mềm gây đứt da đã được điều trị khâu vết thương, hiện còn: một sẹo tại vùng lưng ngay sau hố nách phải kích thước 11,7 x 0,2 cm; hai sẹo tại mạn sườn phải kích thước 1.8 x 0.2 cm; 2 x 6 x (0,2-0,3) cm; một sẹo tại hông phải kích thước 1.8 x (0,2-0,3) cm; một sẹo tại mông, dưới mào chậu phải kích thước 2,7 x 0,2 cm; một sẹo tại bờ trong 1/3 trên cẳng tay trái kích thước 2,8 x 0,1 cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12%. Các thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn hoặc vật có cạnh sắc có tác động gây ra. Chìa khóa như cung cấp không gây ra được các thương tích này.

Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo, bị hại đều không có ý kiến khiếu nại về kết quả giám định thương tích của bị hại Phạm Thị Bích D. Quá trình giám định, Trung tâm giám định pháp y đã tiến hành đúng trình tự, thủ tục giám định, việc giám định thương tích là độc lập, khách quan và dựa trên các căn cứ theo các quy định của pháp luật.

Căn cứ vào lời khai của người bị hại, của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bản kết luận giám định pháp y và lời khai của người làm chứng, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản đối chất, dữ liệu và hình ảnh trích xuất camera tại hiện trường vụ án, cùng các tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập. Hội đồng xét xử xét thấy có đủ cơ sở kết luận: bị cáo Đào Thị Hằng N và bà Phạm Thị Bích D là hàng xóm, do có mâu thuẫn về việc con của bị cáo và bị hại chơi đá banh trong xóm làm bể kính nên vào khoảng 19 giờ ngày 25/7/2018, khi Phạm Nguyễn Duy Long là con trai bà D điều khiển xe gắn máy chở bà D chạy ngang qua nhà bị cáo tại địa chỉ: 62A đường 30/4, phường Tân Thành, quận Tân Phú thì bị cáo thách thức và chửi bà D. Nghe vậy, bà D kêu Long quay xe lại dừng trước nhà bị cáo, hai bên tiếp tục cãi nhau. Bà D cầm chiếc dép đang mang ném về phía bị cáo thì bị bị cáo đuổi theo, tay trái cầm hung khí có phần lưỡi bằng kim loại dài khoảng 7cm, sắc nhọn, sáng màu, đâm trúng. Bà D bỏ chạy lòng vòng xung quanh xe gắn máy rồi chạy về phía nhà anh trai là ông Phạm Phú Đ, đến sân nhà ông Đ thì té ngã, lúc này bị cáo đuổi kịp, tay trái cầm hung khí đâm trúng liên tục từ trên xuống vào phần lưng phải bà D. Ông Đ nghe tiếng kêu cứu chạy ra thì thấy bị cáo tay trái cầm hung khí xông vào đâm bà D nên chạy vào trong nhà lấy 01 con dao dài khoảng 10 cm, cầm bên tay phải chạy ra vung lên rượt đuổi theo dọa chém bị cáo. Khi thấy ông Đ không còn đuổi nữa thì bị cáo cầm hung khí quay lại lao vào tiếp tục tấn công ông Đ. Thấy vậy, bà D chạy từ nhà ông Đ ra đứng phía sau lưng bị cáo hô hoán thì bị cáo quay qua cầm hung khí đâm trúng liên tiếp nhiều lần vào phía sau lưng phải của bà D. Lúc này, ông Đ lao tới cầm dao khoảng 30 cm, lưỡi dao bằng kim loại dài khoảng 20 cm, cán dao bằng nhựa dài khoảng 10 cm, chém bị cáo N nhưng không trúng. Khi bị cáo bỏ chạy về hướng nhà mình thì bị ông Đ chém 01 nhát trúng ngay cánh tay phải.

Như vậy, diễn biến vụ án, chỉ có một mình bị cáo cầm hung khí trực tiếp đâm và tác động lên thân thể của bị hại Phạm Thị Bích D. Vị trí tác động vào các vùng trên cơ thể bà D trùng với các thương tích tại vùng bị gây thương tích như: lưng ngay sau hố nách phải, mạn sườn phải, hông phải, mông dưới mào chậu phải, bờ trong 1/3 trên cẳng tay trái. Các thương tích này có các dấu vết hình thành từ lực đâm của vật sắc, nhọn hoặc vật có cạnh sắc chứ không phải vết chém. Điều này, xác định chính bị cáo là người gây ra các thương tích cho bị hại nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Bị cáo đã có hành vi gây thương tích và tổn hại cho sức khỏe của bị hại Phạm Thị Bích D với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 12%. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và đánh giá bị cáo phạm tội thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm. Từ đó, xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ.

Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong việc chơi đá banh trong xóm giữa con của bị hại và bị cáo. Lẽ ra, bị cáo và bị hại là người lớn phải có cách hành xử đúng mực, nhưng bị cáo lại là người thách thức trước làm cho mâu thuẫn thêm trầm trọng và giải quyết vụ việc bằng bạo lực, bị cáo đã cầm hung khí đuổi theo đâm bị hại, dù được can ngăn nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo và tiếp tục đâm bị hại, cho thấy bị cáo là người coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, thể hiện sự bất chấp pháp luật. Do đó, đã phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và bác bỏ tình tiết này đối với bị cáo là không đúng quy định. Tuy nhiên, việc xác định này không ảnh hưởng đến khung hình phạt truy tố bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và để đảm bảo nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo nên Hội đồng xét xử không áp dụng thêm tình tiết này để tăng hình phạt đối với bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc bị cáo kháng cáo kêu oan và quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội là không có cơ sở nên không chấp nhận.

[3] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phù hợp.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: xuyên suốt quá trình điều tra và tại các phiên tòa bị cáo đã không thành khẩn khai báo, cố tình quanh co, chối tội, chưa thể hiện sự thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Tòa sơ thẩm áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự là chưa đúng. Bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự; hoàn cảnh gia đình khó khăn, có 02 con nhỏ đang trong độ tuổi ăn học nên áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Mặc dù, Hội đồng xét xử có xem xét cho bị cáo các tình tiết như kể trên, tuy nhiên, mức án 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị cáo gây ra, nên không có cơ sở để giảm nhẹ thêm cho bị cáo.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại các khoản chi phí thuốc men, điều trị có hóa đơn chứng từ tổng cộng là 22.692.200 đồng là phù hợp. Riêng về tiền tổn thất tinh thần, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại tuyên buộc bị cáo phải bồi thường 06 tháng lương cơ sở là 1.600.000 đồng x 06 = 9.600.000 đồng là chưa đúng. Bởi theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính Phủ thì mức lương cơ sở đang được áp dụng hiện nay chỉ là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, cần xác định lại, bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền tổn thất tinh thần là 1.490.000 đồng x 06 tháng = 8.940.000 đồng. Tổng cộng, bị cáo phải bồi thường cho bị hại các khoản chi phí điều trị, thuốc men và tổn thất tinh thần là 31.632.200 đồng.

Do sửa lại phần nghĩa vụ bồi thường về dân sự, nên án phí dân sự bị cáo phải chịu cũng thay đổi theo.

Từ những lập luận trên, Hội đồng xét xử quyết định sửa bản án sơ thẩm về tình tiết giảm nhẹ hình phạt với bị cáo, phần trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các vấn đề khác của bản án sơ thẩm không sửa được giữ nguyên.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đào Thị Hằng N về phần tội danh và hình phạt; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đào Thị Hằng N về phần trách nhiệm dân sự.

Sửa bản án sơ thẩm số 84/2020/HS-ST ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Phú.

Tuyên bố bị cáo Đào Thị Hằng N phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; khoản 2 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xử phạt Đào Thị Hằng N 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 08/11/2019.

Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 590 Bộ luật hình sự năm 2015 buộc bị cáo Đào Thị Hằng N phải bồi thường cho bà Phạm Thị Bích D số tiền: 31.632.200 (ba mươi mốt triệu sáu trăm ba mươi hai nghìn hai trăm) đồng.

Nếu sau này, bà D tiếp tục điều trị, có hóa đơn chứng từ hợp lệ có thể khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác để được xem xét giải quyết.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật thi hành án dân sự) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Thi hành án tại Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy: 01 áo vải, dài tay, màu đen có hoa văn hình bông hoa: có nhiều vết rách chủ yếu bên vai phải, hông phải. Tổng cộng 05 vết rách; 01 quần vải, quần dài, màu vàng, bị rách bên hông phải; 01 quần lót, đã bị rách hông phía bên phải; 01 áo ngực, màu đen bị rách bên phải - Trả lại cho bị cáo Đào Thị Hằng N: 01 chùm chìa khóa gồm: 01 chìa khóa xe Honda, 01 chìa khóa thường và 01 miếng thẻ màu đỏ (Theo Phiếu nhập kho vật chứng số: 320/PNK ngày 12/10/2018 của Công an quận Tân Phú).

Căn cứ Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội buộc bị cáo Đào Thị Hằng N phải chịu:

- 1.581.610 (một triệu năm trăm tám mươi mốt nghìn sáu trăm mười) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

- Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

176
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 501/2020/HS-PT

Số hiệu:501/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về