TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 171/2022/HS-ST NGÀY 27/06/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 27/6/2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 139/2022/TLST-HS, ngày 12 tháng 5 năm 2022 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 159/2022/QĐXXST-HS, ngày 01 tháng 6 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 41/2022/HSST-QĐH ngày 13/6/2022, đối với bị cáo:
1. Họ và tên: Cao Thế D (D mèo), sinh ngày 08 tháng 6 năm 2005, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: T4, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Nơi cư trú: số 04/24 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk;
Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 06/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Cao Văn M, sinh năm: 1975; Con bà Đào Thị Thu T, sinh năm: 1976; Hiện cư trú tại: số 02 đường P, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Bị cáo chưa có vợ, con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không.
Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29 tháng 9 năm 2021 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Bà Đào Thị Thu T, sinh năm 1976 (là mẹ đẻ của bị cáo); (có mặt); Địa chỉ liên lạc: 02 đường P, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk và ông Cao Văn M, sinh năm: 1975; Địa chỉ: 13/7/2 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (là bố đẻ của bị cáo) vắng mặt.
Người bào chữa: Bà Hoàng Thị T - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk bào chữa cho bị cáo Cao Thế D (có mặt).
2. Họ và tên: Phạm Ngọc V - Sinh ngày 10 tháng 02 năm 2006, tại tỉnh Đắk Lắk.
Nơi cư trú: 97D/04 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk;
Nghề nghiệp: Không; Trình độ học vấn: 10/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính:
Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Phạm Ngọc K, sinh năm: 1969; Con bà Võ Thị C, sinh năm: 1972; Hiện cư trú tại: 97D/04 đường Nguyễn Văn L, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; Bị cáo chưa có vợ, con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không.
Bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/9/2021 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Ông Phạm Ngọc K, sinh năm: 1969 và bà Võ Thị C, sinh năm 1972 (là bố và mẹ đẻ của bị cáo) có mặt.
Địa chỉ: 97D/04 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Người bào chữa: Bà Hoàng Thị T - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk bào chữa cho bị cáo Phạm Ngọc V ( có mặt).
- Bị hại: Anh Phan Văn N, sinh năm: 2005 (vắng mặt); Địa chỉ: 527 T8, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Phan Văn D, sinh năm: 1972 (có mặt); Địa chỉ: 527 T8, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (là bố đẻ của anh Phan Văn N).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Phan Văn D, sinh năm: 1972 (có mặt); Địa chỉ: 527 T8, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
2. Anh Phạm Ngọc T, sinh năm: 1995 (vắng mặt); Địa chỉ: 97D/4 đường N, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
3. Chị Phan Thị Tuyết N, sinh năm: 1997 (có mặt); Địa chỉ: 42 đường Y, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk
- Người làm chứng:
1. Anh Lê Anh N, sinh năm: 2005 (vắng mặt); Địa chỉ: T5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
2. Anh Văn Đức T, sinh năm: 2005 (vắng mặt); Địa chỉ: T5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
3. Chị Trần Phượng T, sinh năm: 2005 (vắng mặt); Địa chỉ: T5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 19 giờ 00 phút ngày 19 tháng 5 năm 2021, Cao Thế D và anh Lê Anh Nt (sinh ngày 31 tháng 7 năm 2005 - trú tại: T5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk) đến uống cà phê tại quán “M” địa chỉ: T3, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk cùng một số người bạn thì gặp anh Phan Văn N (sinh ngày 23 tháng 02 năm 2005; Trú tại: T8, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk) và Văn Đức T (sinh ngày 20 tháng 3 năm 2005; Trú tại: T5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, là bạn của Lê Anh N) cũng đang uống cà phê tại đây. Thấy vậy, Văn N và T đi đến gặp Lê Anh N để lấy chiếc điện thoại di động mà T cho Lê Anh N mượn trước đó. Lúc này, Lê Anh N nói điện thoại đang đi sửa nên Phan Văn N chở Lê Anh N đi lấy điện thoại, còn Văn Đức T ở lại uống cà phê cùng D và một số người bạn của D. Sau đó, Phạm Ngọc V đi đến uống cà phê cùng những người trên, do bực tức thái độ nói chuyện của Phan Văn N nên D rủ V đánh Phan Văn N cho bõ tức, thì V đồng ý. Sau đó, V điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 47B1- 770.58, nhãn hiệu: Yamaha, loại: Exciter, màu sơn: xanh - trắng chở D đi ra khỏi quán thì thấy anh Phan Văn N chở Lê Anh N đang đứng trước số nhà 69 đường 14A, T3, xã H, thành phố B. Lúc này, V đi đến chặn đầu xe và dùng chân đạp anh Phan Văn N ngã xuống đất rồi dùng tay trái rút chìa khóa xe mô tô dài 08cm (có phần mũi chìa khóa làm bằng kim loại dài 05cm, phần chuôi chìa khóa bằng nhựa màu đen dài 03 cm) kẹp phần chuôi nhựa đen trong lòng bàn tay còn phần mũi kim loại sắt nhọn của chìa khóa hướng ra ngoài rồi đâm trúng vào mắt trái của anh Phan Văn N gây thương tích, còn D dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu của Phan Văn N đang đội mũ bảo hiểm nhiều cái làm mũ bảo hiểm rơi xuống đường. Thấy vậy, Lê Anh N vào can ngăn nên D và V bỏ đi khỏi hiện trường. Phan Văn N được mọi người đưa đến Bệnh viện đa khoa vùng T điều trị thương tích.
Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 756 ngày 05 tháng 8 năm 2021 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận Phan Văn N bị tổn thương thực thể cơ quan thị giác (vỡ nhãn cầu) mắt trái gây mất thị lực: Thị lực mắt trái: ánh sáng (); Thị lực mắt phải: 10/10. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 41%. Vật tác động: Vật tày cứng có tiết diện nhỏ tác động. Chấn thương vỡ nhãn cầu mắt trái là do tác động trực tiếp của vật tày cứng có tiết diện nhỏ từ trước ra sau, từ dưới lên trên, từ trái sang phải.
Phần dân sự: Chấp nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại đã thỏa thuận người đại diện hợp pháp của các bị cáo bồi thường tổng số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng). Trong đó: ông Phạm Ngọc K (bố bị cáo V) đã bồi thường 100.000.000 đồng, bà Đào Thị Thu T và ông Cao Văn M (bố và mẹ bị cáo D) bồi thường được 40.000.000 đồng. Tổng số là 140.000.000 đồng.
Tại bản cáo trạng số: 157/CT-VKS.BMT ngày 11/5/2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã truy tố bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, đã phân tích, chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo và giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị Cao Thế D và Phạm Ngọc V về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, i khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự, như nội dung bản Cáo trạng số: 157/CT-VKS.BMT ngày 11/5/2022 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và đề nghị Hội đồng xét xử:
Áp dụng khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố: Bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V phạm tôi “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a, i khoản1; điểm c, khoản 3 Điều 134, Các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điểm o khoản 1 Điều 52, Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự.
1. Xử phạt: Bị cáo Cao Thế D mức án từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.
Áp dụng điểm a, i khoản 1; điểm c, khoản 3 Điều 134, Các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65, Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự.
2. Xử phạt : Bị cáo Phạm Ngọc V mức án từ 02 năm 6 tháng đến 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 năm kể từ ngày tuyên án.
*/ Các biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, 590, 591 Bộ luật dân sự.
- Về phần trách nhiệm dân sự:
Chấp nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại đã thỏa thuận người đại diện hợp pháp của các bị cáo bồi thường tổng số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) cho bị hại anh N.
Chấp nhận việc các bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường cho anh Phan Văn N số tiền 140.000.000 đồng. Trong đó:
ông Phạm Ngọc K (bố bị cáo V) bồi thường 100.000.000 đồng, bà Đào Thị Thu T và ông Cao Văn M (bố và mẹ bị cáo D) bồi thường được 40.000.000 đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của bị cáo D và người đại diện hợp pháp của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo D tiếp tục bồi thường cho bị hại anh Phan Văn N 60.000.000 đồng.
- Về phần xử lý vật chứng:
Đối với 01 chìa khóa xe mô tô dài 08cm (có phần mũi chìa khóa làm bằng kim loại dài 05cm, phần chuôi chìa khóa bằng nhựa màu đen dài 03 cm). Quá trình điều tra xác định là tài sản của anh Phạm Ngọc T. Việc bị cáo V sử dụng chìa khóa xe trên để làm hung khí phạm tội anh T không biết nên trả lại chiếc chìa khóa xe trên cho anh T nhưng tiếp tục tạm giữ để đảm bảo công tác xét xử.
Người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V cơ bản nhất trí với bản luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát về tội danh, điều luật áp dụng và quan điểm giải quyết vụ án, người bào chữa chỉ đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh, nhân thân, tính chất mức độ và nguyên nhân dẫn đến xảy ra sự việc bị cáo D và bị cáo V đánh anh Phan Văn N là do anh N đã có những lời nói, hành động và khiêu khích bị cáo trước thái độ, cách cư xử chưa đúng mực của anh N đã làm cho 2 bị cáo bực tức dẫn đến việc đánh và gây thương tích cho anh N cũng là do một phần lỗi của người bị hại. Tuy nhiên cũng đề nghị HĐXX xem xét sau khi sự việc xảy ra thì các bị cáo đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường cho người bị hại và người bị hại cũng có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Ngoài ra các bị cáo cũng có nhân thân tốt, khi phạm tội các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đối với bị cáo V có bố là người có công với cách mạng được thưởng Huy chương chiến sỹ vẻ vang.
Người bào chữa không đồng ý với quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Cao Thế D là không đúng. Bởi lẽ tại khoản 3 Điều 416 Bộ luật tố tụng hình sự quy định những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi “Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”. Vì vậy trong vụ án này bị cáo D thực hiện hành vi phạm tội vào thời điểm bị cáo mới 15 tuổi 11 tháng 11 ngày. Có nghĩa bị cáo chưa đủ 18 tuổi. Vì vậy vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX áp dụng điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS là không phù hợp, trái với nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, không phù hợp với khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi phạm tội nên đề nghị HĐ XX xem xét: Áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, khoản 2 Điều 101, Điều 54 Bộ luật hình sự để xem xét áp dụng xử phạt đối với bị cáo D dưới mức đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát và áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, khoản 1 Điều 101, khoản 1 Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Phạm Ngọc V cho bị cáo được hưởng án treo với mức thấp nhất của vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị.
Về phần trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận của người đại diện hợp pháp của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại nên người bào chữa không bổ sung gì phần này.
Về án phí: Theo quy định của pháp luật người bị buộc tội phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên bị cáo D và bị cáo V khi phạm tội là trẻ em thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo D và bị cáo V theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát tranh luận: Tôi giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo D và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo D. Tại phiên tòa người bào chữa không đồng ý việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị cáo D. Theo Điều 52 Bộ luật hình sự không có tình tiết nào loại trừ người dưới 18 tuổi không phải chịu tình tiết tăng nặng này nên tôi vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Cao Thế D theo điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS.
Các bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo đồng ý với lời bào chữa, không bổ sung gì thêm, người bào chữa không đồng ý quan điểm của Viện kiểm sát về việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS đối với bị cáo D và không tham gia tranh luận gì khác chỉ đề nghị HĐXX xem xét.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa cho các bị cáo thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không xuất trình thêm chứng cứ tài liệu gì, các bị cáo cũng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do vậy, các hành vi của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người bào chữa thực hiện trong quá trình điều tra đã thực hiện đều đúng theo quy định của pháp luật.
[2] Xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hôm nay phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng và phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên toà.
Như vậy đã có đủ cơ sở pháp lý để kết luận hành vi của bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V đã phạm tội: “Cố ý gây thương tích”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, i khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật hình sự.
Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm ….;
i) Có tính chất côn đồ;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.
Xét hành vi của các bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, bởi lẽ hành vi của các bị cáo đã xâm phạm sức khỏe của người khác, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm mất trật tự trị an tại địa phương. Các bị cáo nhận thức được sức khỏe của mọi công dân là vốn quý được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác là vi phạm pháp luật, hành vi đó sẽ bị pháp luật trừng trị. Do có mâu thuẫn nhỏ trước đó nên vào ngày 19 tháng 5 năm 2021, tại t3, xã H, thành phố B, Cao Thế D và Phạm Ngọc V đã có hành vi dùng mũi sắt nhọn của chìa khóa xe mô tô đâm trúng vào mắt trái anh Phan Văn N gây thương tích với tỷ lệ 41%. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người bị hại. Do vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.
Trong vụ án này có 02 bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm giản đơn, tính chất mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo khác nhau nên hình phạt áp dụng đối với các bị cáo cũng khác nhau, cụ thể:
Bị cáo Cao Thế D là người khởi xướng sự việc, rủ rê bị cáo V đi đánh anh N. D không trực tiếp gây thương tích cho anh N nhưng D dùng mũ bảo hiểm đánh anh Phan Văn N.
Còn bị cáo V khi được bị cáo D rủ đi đánh anh N thì bị cáo không ngăn cản mà còn thực hiện hành vi là dùng chiếc chìa khóa xe mô tô bằng kim loại đâm gây thương tích cho anh Phan Văn N nên bị cáo phải chịu tình tiết định khung tăng nặng là “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ” được quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Vì vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do mình gây ra.
Đối với bị cáo D không trực tiếp gây thương tích cho anh N. Tuy nhiên bị cáo D là người rủ rê, khởi xướng sự việc và quá trình giải quyết vụ án bị cáo mới bồi thường cho bị hại được 40.000.000 đồng ít hơn bị cáo V, bị cáo V đã bồi thường đủ 100.000.000 đồng cho bị hại nên mức hình phạt của bị cáo D sẽ cao hơn mức hình phạt của bị cáo V là phù hợp.
[3] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Xét về nhân thân của các bị cáo: Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo đều có nhân thân tốt. Khi phạm tội các bị cáo đều ở độ tuổi vị thành niên. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội các bị cáo đã tác động với gia đình tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường cho người bị hại, người bị hại có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đối với bị cáo Phạm Ngọc V có bố được Nhà nước thưởng huy chương chiến sỹ vẻ vang. Vì vậy, cần xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử sẽ xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khi quyết định hình phạt.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Cao Thế D không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự về “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”.
Khi phạm tội các bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, do vậy các bị cáo chỉ phải chịu mức hình phạt bằng ½ người đủ 18 tuổi phạm tội được áp dụng tại khoản 6 Điều 91, khoản 1 Điều 101 BLHS đối với các bị cáo. Vì vậy cần xem xét áp dụng cho các bị cáo các tình tiết nêu trên trong khi lượng hình để giảm nhẹ một phần hình phạt, đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật nhà nước.
Xét tính chất mức độ hành vi của bị cáo D và bị cáo V đã gây ra cùng nhân thân của các bị cáo xét thấy cần thiết phải cách ly bị cáo D ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để giáo dục, cải tạo bị cáo thành công dân có ích cho gia đình và xã hội về sau. Đối với bị cáo V có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khởi đời sống xã hội mà chỉ cần giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục là phù hợp.
Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Xét mức hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị xử phạt đối với các bị cáo là phù hợp nên cần chấp nhận.
- Đối với chiếc mũ bảo hiểm bị cáo Cao Thế D dùng đánh anh Phan Văn N, bị cáo D đã vứt bỏ tại hiện trường. Quá trình khám nghiệm hiện trường Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Buôn Ma Thuột không tạm giữ được nên không đề cập xử lý là phù hợp.
[4] Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, 590, 591 Bộ luật dân sự.
- Về phần trách nhiệm dân sự:
Cần chấp nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại đã thỏa thuận người đại diện hợp pháp của các bị cáo bồi thường tổng số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) cho bị hại anh N.
Cần chấp nhận việc các bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường cho anh Phan Văn N số tiền 140.000.000 đồng. Trong đó: ông Phạm Ngọc K (bố bị cáo V) bồi thường 100.000.000 đồng, bà Đào Thị Thu T và ông Cao Văn M (bố và mẹ bị cáo D) bồi thường được 40.000.000 đồng.
Cần ghi nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của bị cáo D và người đại diện hợp pháp của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo D tiếp tục bồi thường cho bị hại anh Phan Văn N 60.000.000 đồng.
- Về phần xử lý vật chứng:
Đối với 01 chìa khóa xe mô tô dài 08cm (có phần mũi chìa khóa làm bằng kim loại dài 05cm, phần chuôi chìa khóa bằng nhựa màu đen dài 03 cm). Quá trình điều tra xác định là tài sản của anh Phạm Ngọc T. Việc bị cáo V sử dụng chìa khóa xe trên để làm hung khí phạm tội anh T không biết nên trả lại chiếc chìa khóa xe trên cho anh T quản lý, sử dụng là phù hợp.
[5] Về án phí: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng, án phí hình sự sơ thẩm và bị cáo Cao Thế D phải chịu 3.000.000 đồng án phí có giá ngạch đối với số tiền bồi thường.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng điểm a, i khoản 1; điểm c, khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tuyên bố: Các bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V phạm tôi “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a, i khoản 1; điểm c, khoản 3 Điều 134, Các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự.
1. Xử phạt: Bị cáo Cao Thế D 03 (ba) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Áp dụng điểm a, i khoản 1; điểm c, khoản 3 Điều 134, Các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65, Điều 91, Điều 101 Bộ luật Hình sự.
2. Xử phạt : Bị cáo Phạm Ngọc V 03 (ba) năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo V cho Uỷ ban nhân dân phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục bị cáo. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường T để giám sát, giáo dục bị cáo trong suốt thời gian thử thách. Nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì áp dụng khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự để giải quyết.
*/ Các biện pháp tư pháp: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, 590, 591 Bộ luật dân sự.
- Về phần trách nhiệm dân sự:
Chấp nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại đã thỏa thuận người đại diện hợp pháp của các bị cáo bồi thường tổng số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) cho bị hại anh N.
Chấp nhận việc các bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V đã tác động gia đình tự nguyện bồi thường cho anh Phan Văn N số tiền 140.000.000 đồng. Trong đó: ông Phạm Ngọc K (bố bị cáo V) bồi thường 100.000.000 đồng, bà Đào Thị Thu T và ông Cao Văn M (bố và mẹ bị cáo D) bồi thường được 40.000.000 đồng.
Chấp nhận sự tự nguyện của người đại diện hợp pháp của bị cáo D và người đại diện hợp pháp của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo D tiếp tục bồi thường cho bị hại anh Phan Văn N 60.000.000 đồng (sáu mươi triệu đồng).
- Về phần xử lý vật chứng:
Đối với 01 chìa khóa xe mô tô dài 08cm (có phần mũi chìa khóa làm bằng kim loại dài 05cm, phần chuôi chìa khóa bằng nhựa màu đen dài 03 cm). Quá trình điều tra xác định là tài sản của anh Phạm Ngọc T. Việc bị cáo V sử dụng chìa khóa xe trên để làm hung khí phạm tội anh T không biết nên trả lại chiếc chìa khóa xe trên cho anh T quản lý sử dụng.
* Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Bị cáo Cao Thế D và Phạm Ngọc V mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Buộc bị cáo Cao Thế D phải chịu 3.000.000 đồng án phí không có giá ngạch.
Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 171/2022/HS-ST
Số hiệu: | 171/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/06/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về