TÒA ÁN QUÂN SỰ KHU VỰC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
BẢN ÁN 14/2019/HS-ST NGÀY 26/12/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26 tháng 12 năm 2019 tại Phòng xử án Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 10/2019/TLST-HS ngày 15 tháng 10 năm 2019 theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2019/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 12 năm 2019, đối với bị cáo:
Đào Ngọc M; tên gọi khác: không; giới tính: Nam; sinh ngày 20 tháng 02 năm 1998 tại Hà Nam; Cấp bậc, chức vụ, đơn vị: Binh nhất, chiến sỹ, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Lữ đoàn F - BTTM, văn hoá: lớp 12/12; dân tộc:
Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Ngọc V và bà Nguyễn Thị Thu H; gia đình có ba anh em, Đào Ngọc M là con thứ nhất; chưa có vợ, con; tiền sự: không; tiền án: không; về nhân thân: Chưa bị kết án, xử lý hành chính hay xử lý kỷ luật; bị tạm giữ từ ngày 28/6/2019 đến ngày 05/7/2019, bị tạm giam từ ngày 05/7/2019 đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T75- Cục Điều tra hình sự - BQP: Có mặt.
- Bị hại: Trần Tuấn A; Sinh ngày 06/5/2000 tại Nam Định.
Cấp bậc, chức vụ, đơn vị: Binh nhì, chiến sỹ, Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Lữ đoàn F - BTTM (đã chết ngày 27/6/2019).
Đại diện hợp pháp của bị hại Trần Tuấn A: Ông Trần Văn V (là bố đẻ Trần Tuấn A) sinh năm 1973; nơi cư trú: khu phố X, thị trấn R, huyện N, tỉnh Nam Định: Có mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Lữ đoàn F - BTTM; địa chỉ: số 1B, đường N, quận B, Hà Nội; Đinh Trung K, Phó Chính ủy Lữ đoàn, được Lữ đoàn trưởng uỷ quyền tham gia phiên toà: Có mặt.
2. Bệnh viện T; địa chỉ: số 1, đường T, quận H, Hà Nội: Vắng mặt có lý do.
- Những người làm chứng:
1. Bùi Văn N: Có mặt;
2. Trần Văn C: Có mặt;
3. Ma Tử H: Có mặt;
4. Bùi Mạnh D: Có mặt;
5. Đào Ngọc V: Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 26/6/2019, Đào Ngọc M, chiến sỹ thuộc Trung đội B, Đại đội C, Tiểu đoàn D, Lữ đoàn F - BTTM và quân nhân Trần Tuấn A cùng đơn vị được phân công ca gác từ 23h00’ ngày 26/6/2019 đến 01h00’ ngày 27/6/2019 tại cổng chính Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng số 28A, đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Khoảng 23h00’ cùng ngày, M và A cùng các chiến sỹ khác lên xe ô tô của đơn vị để ra mục tiêu gác. Trên xe M gặp A, nhớ chuyện sáng ngày 25/6/2019, A sang phòng M hỏi trống không: “Có ai lấy cây sào treo quần áo bên phòng to không” nên M hỏi A “Có nhớ chuyện cây sào hôm trước không”, nhưng không thấy A trả lời nên M bực tức. Đến khoảng 23h15’, xe đi tới cổng chính Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, M và A xuống đổi gác. Quá trình gác M hỏi lại A “Có nhớ chuyện cây sào hôm trước không”, A trả lời “Em biết lỗi rồi”, M hỏi tiếp “Anh đánh mày nhé”, A trả lời “vâng”, nhưng M không đánh A lúc đó. Khoảng 0h05’ ngày 27/6/2019, đồng chí Trần Văn C, Trung đội trưởng, Trung đội B1, Đại đội C đến kiểm tra gác thấy M và A đứng gác bình thường, sau đó đồng chí C đi kiểm tra các vị trí gác khác.
Khoảng 01h10’ ngày 27/6/2019, gần thời điểm đổi gác, Đào Ngọc M gọi Trần Tuấn A từ vị trí đứng gác đi ra phía sau cánh cổng chính bên trái từ ngoài vào, cách trụ cổng chính bên trái 2,3 mét, lưng quay ra phía cổng. M đi lại đứng đối diện, cách A khoảng 01 mét hỏi “Thế bây giờ anh đánh mày được chưa”, A trả lời “vâng”. M đưa chân trái bước lên phía trước, chân phải lùi về phía sau nắm chặt bàn tay phải thành nắm đấm, thu nắm đấm và đấm thẳng vào giữa ngực Trần Tuấn A một đấm, bị đấm trúng A hơi khom xoay người sang phải, quay lưng về phía M thì M dùng tay phải đấm hai cú liên tiếp rất mạnh vào vùng lưng trái phía dưới cách thắt lưng quần khoảng 20cm, M tiếp tục dùng tay trái đẩy vai trái A quay lại đối diện với mình và dùng tay phải đấm tiếp một đấm vào giữa ngực A, sau đó quay đi về phía vọng gác. Khi M vừa bước đi được khoảng 3 - 4 bước thì nghe tiếng “huỵch”, M quay lại thấy A ngã sấp mặt xuống nền phía trong cổng ra vào, M đi lại lay người A, không thấy A cử động nên lật A nằm ngửa, thấy A bất tỉnh, M dùng tay vỗ nhẹ vào má nhưng không thấy tỉnh M dùng tay xốc nách A kéo vào trong vọng gác để ngồi trên nền gạch, lưng dựa vào tường gần cửa ra vào và dùng tay xoa ngực, vỗ nhẹ hai bên má nhưng A vẫn bất tỉnh, mặt tím tái dần nên M đỡ A nằm ngửa xuống nền gạch vọng gác để hà hơi thổi ngạt, ấn lồng ngực, hô hấp nhân tạo. Cùng lúc này, quân nhân Bùi Văn N (cùng đơn vị với M và A) đang đứng gác trước cửa Ngân hàng MB, Chi nhánh 28B, Điện Biên Phủ cách vọng gác Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng khoảng 25 mét nhìn sang không thấy có ai đứng gác, chỉ thấy có lưng người nhấp nhô trong vọng gác nên chạy đến thấy M đang hô hấp nhân tạo cho A. Khi N đến, M bảo N điện về đơn vị báo cáo. Sau đó xe ô tô chở chiến sỹ đổi gác đến, M cùng một số chiến sỹ trong đơn vị đưa A lên xe chở về đơn vị; trên xe M tiếp tục hô hấp nhân tạo nhưng A vẫn bất tỉnh. Về đơn vị, mọi người đưa A vào Phòng quân y Tiểu đoàn D sơ cứu, sau đó đơn vị đưa A đến Bệnh viện T cấp cứu. Đến 13h50’ ngày 27/6/2019, Trần Tuấn A tử vong.
Tại phiên tòa bị cáo Đào Ngọc M khai nhận: Khoảng 23h00’ ngày 26/6/2019, khi ở trên xe đi đổi gác cùng Trần Tuấn A tôi nhớ lại chyện sáng ngày 25/6/2019, A sang phòng tôi hỏi trống không: “Có ai lấy cây sào treo quần áo bên phòng to không”, nên tôi hỏi A có nhớ chuyện cây sào hôm trước không nhưng không thấy A trả lời nên tôi bực tức. Sau đó tôi và A xuống gác cùng nhau ở mục tiêu cổng chính Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng số 28A đường Điện Biên Phủ, Hà Nội; trong quá trình gác tôi lại hỏi A có nhớ chuyện cây sào hôm trước không, A trả lời em biết lỗi rồi, tôi hỏi tiếp “bây giờ anh đấm mày nhé”, A trả lời “vâng” nhưng tôi không đánh A lúc đó. Đến khoảng hơn 01h00’ ngày 27/6/2019, gần thời điểm đổi gác, tôi gọi A từ vị trí đứng gác đi ra phía sau cánh cổng chính bên trái từ ngoài vào, cách trụ cổng chính bên trái khoảng hơn 2m, lưng quay ra phía cổng, tôi đi lại đứng đối diện cách A khoảng 01m hỏi: “Thế bây giờ anh đánh mày được chưa”, A trả lời “vâng”; đồng thời tôi đưa chân trái bước lên phía trước, chân phải lùi về phía sau, nắm chặt bàn tay phải, thu nắm đấm đấm thẳng vào giữa ngực A một đấm; bị đấm trúng A hơi khom người và xoay sang phải, quay lưng về phía tôi thì tôi đấm hai phát liên tiếp rất mạnh vào vùng lưng trái phía dưới cách thắt lưng quần khoảng 20cm, tôi tiếp tục dùng tay trái đẩy vai trái A quay lại đối diện với mình và dùng tay phải đấm tiếp một đấm vào giữa ngực A, sau đó đi về hướng vọng gác. Khi tôi vừa bước đi được khoảng 3 - 4 bước thì nghe tiếng “huỵch”, tôi quay lại thì thấy A ngã sấp mặt xuống nền cổng ra vào, tôi đi lại lay người A, không thấy A cử động nên tôi lật A nằm ngửa, thấy A bất tỉnh tôi đã hô hấp nhân tạo nhưng A vẫn không tỉnh. Một lúc sau thì Bùi Văn N đến và tôi nhờ N gọi điện về báo cáo đơn vị sự việc; sau đó đơn vị đến đưa Trần Tuấn A đi cấp cứu.
Lời khai của người làm chứng Bùi Văn N: Tôi gác một mình ca từ 23h00’ ngày 26/6/2019 đến 01h00’ ngày 27/6/2019 tại mục tiêu Ngân hàng MB số 28B Điện Biên Phủ cách mục tiêu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng khoảng hơn 20m. Trụ sở Ngân hàng MB đặt trong khuôn viên Tổng cục Công nghiệp QP; từ chỗ tôi gác có thể đi thông sang cổng chính TCCNQP, tôi thấy M và A đứng gác. Từ khi bắt đầu gác đến khi anh C là chỉ huy đi kiểm tra gác tôi không thấy gì bất thường. Đến khoảng 01h10’ tôi đi về khu để xe của Ngân hàng gần chỗ M và A gác, tôi không thấy A đâu sau đó thấy M đang nhấp nhô trong bốt gác. Thấy bất thường nên tôi xuống xem thì thấy A đang ngồi trong bốt gác, chân duỗi, người dựa vào cánh cửa của bốt gác trong trạng thái bất tỉnh. Lúc đó M cởi hai cúc áo của A và xoa ngực; M còn tát nhẹ vào má A rồi nói: “tỉnh dậy đi em”. Tôi dùng tay bắt mạch tay A thì không thấy mạch. M bảo tôi lấy bộ đàm gọi về báo chỉ huy, tôi gọi được cho đ/c N1, Đại đội trưởng và đưa cho M báo cáo sự việc. Sau đó tôi thấy xe chở quân đổi gác gần đến cổng, tôi liền ra cổng báo cáo chỉ huy xe rồi cùng các chiến sỹ đưa A về phòng quân y của đơn vị tiếp tục cấp cứu.
Người làm chứng Trần Văn C khai: Tôi dẫn gác đồng thời kiểm tra gác của ca gác từ 23h00’ ngày 26/6/2019 đến 01h00’ ngày 27/6/2019. Khoảng 22h55’ tôi dẫn lực lượng đảm nhiệm ca gác từ 23h00’ đến 01h00’ ngày hôm sau đi đổi gác. Khoảng 23h10’ ngày 26/6/2019, xe ô tô đến mục tiêu Tổng cục Công nghiệp quốc phòng số 28A Điện Biên Phủ, tôi xuống xe chỉ huy bộ đội tiến hành đổi gác, quân nhân Đào Ngọc M và Trần Tuấn A thuộc trung đội vệ binh B đảm nhiệm ca gác tại mục tiêu này. Khoảng 00h05’ ngày 27/6/2019 tôi đến kiểm tra gác tại mục tiêu số 28A Điện Biên Phủ. Khi đến tôi thấy quân nhân M và A đang đứng gác đúng vị trí, lễ tiết, tác phong. Sau khi chào theo điều lệnh, tôi kiểm tra mật khẩu của quân nhân Trần Tuấn A (do A đang học gác), tôi kiểm tra mục tiêu một vòng thấy không có vấn đề gì bất thường tôi quay lại vọng gác, quân nhân Trần Tuấn A đi đến vọng gác lấy sổ nhận xét của cán bộ kiểm tra gác đưa cho tôi. Sau khi nhận xét, ký xong tôi đưa sổ cho A cất vào vọng gác và tiếp tục đi kiểm tra các mục tiêu khác.
Người làm chứng Ma Tử H và Bùi Mạnh D đều có lời khai: Sáng ngày 25/6/2019, H, D và M đang ngồi ở phòng (phòng nhỏ) thì Trần Tuấn A sang và hỏi: “Có ai lấy cây sào phơi quần áo ở phòng to không”; chúng tôi không ai nói gì nên A quay về phòng luôn. Sau đó nghe M nói: “em út sang không chào hỏi ai mà nói trống không”.
Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 493/GĐTT-TTPY ngày 16/7/2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế Hà Nội, kết luận: nạn nhân Trần Tuấn A tử vong do: Vùng lưng trái cạnh cột sống ngang cung sườn VI, VII, VIII trái bị tác động bởi vật tày với lực tác động rất mạnh gây dập mặt sau thuỳ dưới phổi trái, chảy máu nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp và dẫn đến suy đa tạng, đã điều trị tích cực nhưng không đáp ứng, trên nạn nhân theo dõi hội chứng Brugada và có Ethanol nồng độ 73,45mg/100ml máu.
Công văn số 250/TTPY ngày 26/7/2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế Hà Nội giải thích kết luận giám định pháp y tử thi, thể hiện: Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong của nạn nhân Trần Tuấn A là do: Vùng lưng trái cạnh cột sống ngang cung sườn VI, VII, VIII trái bị tác động bởi vật tày với lực tác động rất mạnh gây dập mặt sau thuỳ dưới phổi trái, chảy máu nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp và dẫn đến suy đa tạng. Còn nạn nhân Trần Tuấn A theo dõi hội chứng Brugada và có Ethanol nồng độ 73,45mg/100ml máu không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho nạn nhân.
Tại bản Cáo trạng số 266/CT-VKSQSKVTĐHN ngày 14 tháng 10 năm 2019, Viện kiểm sát quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội đã truy tố bị cáo Đào Ngọc M về tội: "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ nguyên nội dung quyết định truy tố đối với bị cáo Đào Ngọc M về tội: "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả vụ án, điều kiện, nguyên nhân phạm tội, nhân thân của bị cáo, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 4 Điều 134; các điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, xử phạt Đào Ngọc M từ 07 năm đến 08 năm tù; tính từ ngày tạm giữ ngày 28/6/2019.
- Về dân sự: Ghi nhận sự thỏa thuận giữa gia đình bị cáo và đại diện bị hại.
- Về án phí: Theo quy định tại khoản 2 các điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án, buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng.
- Bị cáo Đào Ngọc M không có tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát và nhất trí với việc gia đình thoả thuận bồi thường xong cho gia đình bị hại Trần Tuấn A với tổng số tiền là 150.000.000 đồng.
- Đại diện hợp pháp của bị hại là ông Trần Văn V không có ý kiến gì thêm về vấn đề bồi thường thiệt hại và có ý kiến: bị cáo tuổi đời còn trẻ, bồng bột, sau khi phạm tội đã biết ăn năn, hối hận nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội.
- Đại diện Lữ đoàn F - BTTM tại phiên tòa không yêu cầu bị cáo M phải bồi hoàn khoản tiền mà đơn vị đã bỏ ra chi phí cấp cứu, cứu chữa và chi phí mai táng cho Trần Tuấn A.
- Ông Đào Ngọc V có ý kiến: Gia đình ông đã tự nguyện bỏ tiền ra để bồi thường xong cho gia đình bị hại Trần Tuấn A theo đề nghị của con trai là Đào Ngọc M. Ông V không yêu cầu M hoàn trả khoản tiền này.
- Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo đã biết sai và rất ân hận, bị cáo xin lỗi gia đình bị hại Trần Tuấn A, xin lỗi đơn vị. Mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để cải tạo tốt sớm trở về với gia đình và xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực, Bộ Tổng Tham mưu, Điều tra viên; Viện kiểm sát quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, đại diện hợp pháp bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Như vậy, có cơ sở để khẳng định các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Đào Ngọc M khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của những người làm chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, như: Bản kết luận giám định pháp y tử thi, công văn của Trung tâm pháp y Sở y tế Hà Nội giải thích kết luận giám định pháp y và Biên bản thực nghiệm điều tra.
Căn cứ vào diễn biến của các tình tiết vụ án, các chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử thấy rằng có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 01h10’ ngày 27/6/2019 tại khu vực cổng chính Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội, bị cáo Đào Ngọc M do bực tức cá nhân với Trần Tuấn A nên đã có hành vi dùng tay đấm 04 cú đấm vào người bị hại Trần Tuấn A làm bị hại Trần Tuấn A bị dập mặt sau thùy dưới phổi trái, chảy máu nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp và dẫn đến suy đa tạng, tử vong. Do đó, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa đề nghị xét xử bị cáo Đào Ngọc M về tội: "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS là có căn cứ.
[3] Xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng tính chất của vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo đã xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ đó là quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người. Hành vi phạm tội của bị cáo ngoài gây thương tích dẫn đến Trần Tuấn A bị tử vong còn làm ảnh hưởng xấu đến trật tự kỷ luật Quân đội và tình đoàn kết đồng chí, đồng đội trong đơn vị.
[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, ân hận về hành vi phạm tội của mình; bị cáo đang bị tạm giam nên đã nhờ gia đình thoả thuận bồi thường xong cho gia đình bị hại, với tổng số tiền là 150.000.000 đồng; nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:“Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” và “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS; sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã đầu thú khai rõ về hành vi của mình gây thương tích đối với bị hại nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Ngoài ra Hội đồng xét xử cũng cân nhắc đến tuổi đời bị cáo còn trẻ, phạm tội do bộc phát, điều kiện hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn và đại diện hợp pháp bị hại nhiều lần xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo tại phiên toà khi quyết định hình phạt.
Do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và chưa có tiền án, tiền sự; tại phiên tòa đại diện hợp pháp của bị hại có ý kiến, bị cáo tuổi đời còn trẻ, bồng bột, sau khi phạm tội đã biết ăn năn, hối hận nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình và xã hội và nhất là sau khi VKS trình bày lời luận tội, đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo; một lần nữa đại diện hợp pháp của bị hại tiếp tục đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; nên HĐXX xét thấy cần áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt cho bị cáo, là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đồng thời cũng đủ tác dụng cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung.
[5] Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự; khoản 1 các điều 584, 585, 586 và Điều 591 Bộ luật Dân sự và tinh thần Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, buộc bị cáo Đào Ngọc M phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra cho gia đình bị hại và bồi hoàn khoản tiền chi phí, thuốc men phục vụ cứu chữa người bị hại Trần Tuấn A tại Bệnh viện T và bồi hoàn khoản tiền Lữ đoàn F - BTTM đã chi phí thuốc men cứu chữa cùng các khoản chi phí cho việc mai táng bị hại Trần Tuấn A.
- Quá trình giải quyết vụ án bị cáo đã nhờ gia đình thoả thuận bồi thường xong cho gia đình bị hại Trần Tuấn A vào ngày 11/12/2019, với tổng số tiền là 150.000.000 đồng bao gồm các khoản: chi phí mai táng và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Tại phiên toà Đại diện gia đình bị hại không yêu cầu bồi thường thêm. Như vậy việc bồi thường cho gia đình bị hại; bị cáo cùng gia đình thực hiện xong, nên xét thấy cần ghi nhận.
- Về khoản tiền 17.946.800 đồng mà Lữ đoàn F - BTTM đã bỏ ra chi phí phục vụ cứu chữa, chi phí mai táng bị hại Trần Tuấn A. Trong giai đoạn điều tra, Lữ đoàn F - BTTM đã không yêu cầu bị cáo bồi hoàn khoản tiền này vì đơn vị trích từ quỹ vốn của đơn vị để sử dụng, không phải từ ngân sách Nhà nước; tại phiên tòa hôm nay Đại diện Lữ đoàn F - BTTM vẫn giữ nguyên quan điểm đó; nên HĐXX không xem xét giải quyết.
- Đối với khoản tiền của Bệnh viện T đã bỏ ra chi phí cấp cứu, cứu chữa Trần Tuấn A bao gồm các khoản: Giường hồi sức tích cực hạng đặc biệt:
753.000đ; Xét nghiệm: 3.453.900đ; Chuẩn đoán hình ảnh: 583.200đ; Thăm dò chức năng: 576.100đ; Thủ thuật, phẫu thuật: 4.150.100đ; Thuốc, dịch truyền trong danh mục BHYT: 11.813.860đ; Vật tư trong danh mục BHYT: 111.111đ. HĐXX thấy những khoản chi phí đó là hợp lý. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, khoản 1 các điều 584, 585, 586 và điểm a khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo Đào Ngọc M phải bồi hoàn cho Bệnh viện T với tổng số tiền là: 21.441.271 đồng.
[6] Về án phí: Căn cứ quy định tại khoản 2 các điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 của Quốc hội; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án, bị cáo Đào Ngọc M phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng và án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền còn phải bồi hoàn là: 21.441.271 x 5% = 1.072.063 đồng làm tròn là 1.072.000 đồng.
Vì các lẽ trên, căn cứ vào điểm g khoản 2 Điều 260 Bộ luật Tố tụng hình sự,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về hình sự:
Tuyên bố bị cáo Đào Ngọc M phạm tội:“Cố ý gây thương tích”;
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Đào Ngọc M 05 (năm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giữ ngày 28/6/2019.
2. Về bồi thường thiệt hại:
- Ghi nhận bị cáo Đào Ngọc M và gia đình đã thỏa thuận bồi thường xong toàn bộ thiệt hại cho gia đình bị hại Trần Tuấn A với tổng số tiền là:
150.000.000 (một trăm năm mươi triệu) đồng.
- Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự, khoản 1 các điều 584, 585, 586 và điểm a khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự buộc bị cáo Đào Ngọc M phải bồi hoàn cho Bệnh viện T số tiền là: 21.441.271 (hai mươi mốt triệu, bốn trăm bốn mươi mốt nghìn, hai trăm bảy mươi mốt) đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi suất của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại các điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
3. Về án phí:
Áp dụng khoản 2 các điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, buộc bị cáo Đào Ngọc M phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 (hai trăm nghìn) đồng và án phí dân sự sơ thẩm là 1.072.000 (một triệu, không trăm bảy mươi hai nghìn) đồng.
4. Quyền kháng cáo đối với bản án:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (26/12/2019) đối với bị cáo, đại diện hợp pháp bị hại, đương sự và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo Bản án này lên Toà án quân sự Thủ đô Hà Nội./.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 14/2019/HS-ST
Số hiệu: | 14/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án quân sự |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/12/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về