Bản án về tội cố ý gây thương tích số 127/2021/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN L, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 127/2021/HS-ST NGÀY 23/07/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 23 tháng 7 năm 2021 tại Tòa án nhân dân huyện L, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 92/2021/TLST-HS ngày 03 tháng 6 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 113/2021/QĐXXST-HS ngày 01 tháng 7 năm 2021 đối với các bị cáo:

Nguyễn Việt K, sinh năm 1997. HKTT: Thôn M, xã Q, huyện L, TP Hà Nội; Nghề nghiệp: Công nhân Công ty N; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Nguyễn Văn C sinh năm 1967 và bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1967; Tiền án tiền sự theo danh chỉ bản số 284 Công an huyện L lập ngày 16/4/2021 và Lý lịch bị can chính quyền địa phương cung cấp: không; Bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 16/4/2021. “Có mặt”.

Ngô Quốc C, sinh năm 1995. HKTT: Thôn M, xã Q, huyện L, TP Hà Nội; Nghề nghiệp: Công nhân Công ty N; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Ngô Văn T sinh năm 1970 và bà Nguyễn Thị Q sinh năm 1970, có vợ tên Nguyễn Thị B sinh năm 2000, có 1 con sinh năm 2021; Tiền án tiền sự theo danh chỉ bản số 285 Công an huyện L lập ngày 16/4/2021 và Lý lịch bị can chính quyền địa phương cung cấp: không. Bị can tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 16/4/2021. “Có mặt”.

Nguyễn Thanh T, sinh năm 1990. HKTT: Thôn M, xã Q, huyện L, TP Hà Nội; Nghề nghiệp: tự do; Trình độ văn hoá: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T sinh năm 1962 và bà Đinh Thị Kim A sinh năm 1966, có vợ tên Nguyễn Thị Thời sinh năm 1990, có 2 con lớn sinh năm 2015, nhỏ sinh năm 2018; Tiền án tiền sự theo danh chỉ bản số 303 Công an huyện L lập ngày 07/5/2021 và Lý lịch bị can chính quyền địa phương cung cấp: không. Bị can tại ngoại, bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú ngày 07/5/2021. “Có mặt”.

Người bào chữa cho bị cáo T: Ông Hoàng Minh Q – luật sư Công ty Luật S – D Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ liên hệ: Số 537 Nguyễn Văn Cừ, K Biên, Hà Nội. “Ông Q có mặt”.

*Người bị hại: Anh Đào Văn D sinh năm 1995, nghề nghiệp: Công nhân Công ty M; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, thành phố Hà Nội. “Có mặt”.

*Người làm chứng:

+ Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1979, nghề nghiệp: Bán hàng tự do; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Có mặt”.

+ Anh Nguyễn Ngọc M, sinh năm 1998; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Vắng mặt”.

+ Anh Dương Văn B sinh năm 1984, nghề nghiệp: Công nhân; Nơi cư trú: Thôn B, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Có mặt”.

+ Anh Nguyễn Quang T, sinh năm 1997, nghề nghiệp: Lao động tự do; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Có mặt”.

+ Anh Đào Minh B sinh năm 1998; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Vắng mặt”.

+ Anh Phạm Quý D, sinh năm 1995; Nơi cư trú: Thôn M, xã Q, huyện L, Hà Nội. “Vắng mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Vào khoảng 20 giờ 30 phút ngày 30/5/2020, sau khi đi ăn cỗ đám cưới xong, Nguyễn Việt K, Nguyễn Thanh T, Ngô Quốc C, Nguyễn Quang T, Dương Văn B, Phạm Quý D rủ nhau vào quán bia Khải L ở thôn M, xã Q, huyện L để uống bia giải khát. Khi đang ngồi uống bia thì K nhận được tin anh Hòa là người quen của K có va chạm giao thông với Đào Minh B, sinh năm 1998, trú tại: M, Q, L, Hà Nội nên K ra để giải quyết. Sau đó giữa B với Hòa đã tự hòa giải với nhau, K quay lại quán bia và tiếp tục ngồi uống bia cùng nhóm bạn của K. Một lúc sau, anh Đào Văn D cùng em trai là B ra quán bia Khải L và ngồi cùng bàn uống bia với nhóm của C, T, K. Trong quá trình uống bia, giữa K và D có nói chuyện về việc B vừa va chạm giao thông với người quen của K dẫn đến D và K cãi chửi, thách thức nhau, lúc này C đứng dậy ra ngoài đi vệ sinh còn bên trong quán, K và D vẫn cãi chửi nhau, rồi T nói với D “Anh cứ về nhà đi, lát em đến”, D bảo T “Anh đến nhà em làm gì”, đôi bên giữa D và T, K câu ra câu vào cãi nhau. Lúc đó K đang ngồi đối diện với D cách nhau bàn uống bia liền nhoài người qua bàn đấm vào mặt của D, D liền nhoài người đấm lại vào mặt của K thì K cầm chiếc cốc bằng thủy tinh, cao 14 cm, đường kính miệng cốc 08 cm (dùng để uống bia) ở trên bàn đứng dậy ném một cái trúng vào trán D làm D bị chảy máu ở trán, sau đó D lùi ra đầu bàn thì bị K và T xông vào dùng tay, chân đấm đá liên tục vào đầu, mặt, người của D. Thấy vậy anh D cùng mọi người can ngăn hai bên, cùng lúc đó C đi từ ngoài vào trong quán bia thấy K và D đang đánh nhau, lúc này D liền chửi C thì C xông vào dùng chân tay không đánh vào mặt, vào người D thì chị Nguyễn Thị L - sinh 1979 là chủ quán can ngăn các bên và không đánh nhau nữa.

Tại cơ quan điều tra, các bị can Nguyễn Việt K và Ngô Quốc C đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng.

Bị cáo T không nhận có đánh D, chỉ nhận vào can các bên đánh nhau. Có thừa nhận là mình và D có đang cãi nhau, quay mặt về phía D, không rõ ai đánh D chảy máu trán, vì bị cáo bị cận hôm đó không đeo kính nên không nhìn xa được.

Bị cáo K và C đã bồi thường cho anh D 70.000.000 đồng. Anh D đã có đơn xin rút đơn trình báo, xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Nay không còn yêu cầu gì về dân sự đối với 3 bị cáo.

Bản cáo trạng số 93/CT-VKS-GL ngày 28/5/2021 của VKSND huyện L truy tố bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự

Tại phiên tòa:

+ Các bị cáo trình bày:

- K: Thừa nhận mình cầm cốc uống bia ném anh D vào trán, gây thương tích ở trán, mắt cho anh D, thừa nhận thương tích của anh D ở trán ở mắt là do bị cáo gây ra. Sau khi ném cốc xong K cùng T dùng chân tay không đánh anh D tiếp.

- C: Thừa nhận khi mọi người bên trong quán xô xát như thế nào bị cáo không rõ, vì khi đó bị cáo đi vệ sinh, quay vào thì thấy anh D đã bị chảy máu ở trán, thấy K và D vẫn còn đang đánh nhau được mọi người can, vì anh D chửi bị cáo nên bị cáo xông vào đánh anh D bằng chân tay không cho đến khi được mọi người can ngăn, bị cáo đánh anh D nhưng không để lại thương tích gì.

- T khai: không biết ai gây thương tích ở trán, mắt cho anh D, nhưng sau khi anh D bị thương ở trán chảy máu, anh D có đánh bị cáo nên bị cáo phòng vệ và có đánh lại anh D bằng chân tay không. Thừa nhận là tại cơ quan điều tra có nói với K là sẽ hỗ trợ bồi thường 5.000.000 đồng cho anh D nhưng chưa thực hiện, nay tại phiên tòa, bị cáo tự nguyện bồi thường 5.000.000 đồng trong tổng số 70.000.000 đồng mà K và C đã bồi thường. Sau phiên tòa về, bị cáo sẽ trả lại cho K và C 5.000.000 đồng này. Bị cáo nhận thức mình đánh anh D khi anh D đã bị thương là sai. Tại cơ quan điều tra chưa nhận đánh anh D vì bị cáo chỉ vào can, nhưng vì anh D đánh bị cáo nên bị cáo mới đánh lại, do nhận thức pháp luật chưa đúng, tại phiên tòa để nhận được sự khoan hồng của pháp luật, bị cáo thành khẩn khai nhận là bị cáo có dùng chân tay không đánh anh D.

+ Anh D trình bày: Người ném cốc vào trán tôi là T chứ không phải K vì lúc đó tôi đang cãi nhau với T, tôi và T nói nhau qua lại vì T cứ dọa đến nhà tôi nên T mới dùng cốc bia ném tôi. Tôi thừa nhận là tôi và phía bị cáo đang cãi nhau vì em trai tôi là B vừa va chạm giao thông với người quen của K, nên khi ngồi uống bia tôi và nhóm K, T có lời qua tiếng lại với nhau nên mới xảy ra việc nhóm của K xông vào đánh tôi. Ngoài lời trình bày của tôi, tôi không có tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh là T ném cốc vào trán tôi. Sau khi T ném cốc vào trán tôi thì mọi người phía T, K, C xông vào đánh tôi bằng chân tay không, lúc đó tôi bị thương ở đầu nên ôm đầu chịu trận, tôi không nhìn được có những ai đánh tôi bằng chân tay không. Thương tích tại trán, tại mắt của tôi do T gây ra. Tôi không thắc mắc gì về kết quả giám định, về thương tích của mình, ngoài thương tích tại trán, mắt ra thì còn những vết thương phần mềm. Tôi bị mọi người đánh nên rất đau, nhưng không kết luận giám định được. Nay tôi cũng đã nhận lời xin lỗi của các bị cáo, người cùng làng, toàn thanh niên quen biết nhau, tôi cũng đã nhận được đầy đủ tiền bồi thường, nay không còn bất cứ yêu cầu bồi thường dân sự nào khác đối với các bị cáo. Tôi xin rút yêu cầu truy tố với các bị cáo, xin giảm nhẹ hình phạt cho cả ba bị cáo mức án thấp nhất.

+ Chị L trình bày: Tôi không nhìn thấy ai ném cốc vào trán của anh D, vì lúc đó tôi đang loay hoay ở quầy chuẩn bị đồ khách gọi, nên không nhìn các bị cáo. Tôi nghe thấy tại bàn uống bia đó các bị cáo và anh D có cãi nhau to tiếng, tôi còn nói các bị cáo nói nhỏ thôi. Xong tự nhiên tôi thấy các bị cáo xô đẩy nhau ầm ầm, tôi không rõ ai đánh ai, tôi vào can, thì thấy anh D bị chảy máu ở trán, tôi lấy ai đưa cho bạn của anh D rịt vào vết thương, xong tôi đuổi mọi người ra hết quán của tôi. Tôi đóng cửa quán, thu dọn hết cốc chén vỡ đổ ra thùng rác. Camera thì có anh công an vào thu giữ, tôi không rõ tại sao lại có chữ ký của tôi trong biên bản thu giữ camera là không thu được, tôi thừa nhận chữ ký trong biên bản đó là của tôi. Nhưng nhà tôi bán quán thì có camera và có ghi lại được cảnh đánh nhau đó. Nay có người đến thu rồi, tôi không còn để nộp cho Công an nữa. Hôm các bị cáo đánh nhau, tôi chỉ biết mỗi bị cáo C, ngoài ra tôi không biết tên ai nữa. Hôm đó tôi có nhìn thấy C đánh nhau với D, tôi còn vào can. Ngoài ra tôi không biết gì để trình bày gì thêm.

+ Anh B trình bày: Hôm đó tôi có ngồi uống bia với các bị cáo và anh D. Lúc mọi người cãi nhau hay không tôi không rõ, vì tôi mải xem điện thoại, ai đánh ai tôi cũng không nhìn thấy. Thấy mọi người xô xát thì tôi có vào can, HĐXX hỏi tôi can ai thì tôi cũng rõ tôi can ai. Vết thương ở tay của tôi là do tôi vào can, bị ngã ra đất, ai đó giẫm vào tay tôi dẫn đến tay tôi chảy máu. Ngoài ra tôi không còn trình bày gì thêm.

+ Anh T trình bày: Hôm đó mọi người ngồi uống bia, tôi có mặt, nhưng tôi chỉ xem điện thoại, không nghe thấy ai cãi nhau với ai, không biết ai đánh nhau với ai, khi mọi người xô xát tôi quay mặt vào tường xem điện thoại, nên không nhìn thấy ai đánh ai, mọi người vào can ngăn tôi vẫn chỉ ngồi xem điện thoại. Ngoài ra tôi không trình bày gì thêm.

+ Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện L đưa ra tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và đề nghị giữ nguyên nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Tuy nhiên, tại phiên tòa qua phần xét hỏi của HĐXX của KSV, bị cáo T đã thừa nhận có dùng chân tay không đánh anh D. Các bị cáo cùng nhau đánh anh D gây thương tích, cùng thực hiện với vai trò đồng phạm giản đơn, cùng là người thực hành, K dùng cốc, tay chân không đánh anh D; C, T dùng chân tay không đánh anh D. Các bị cáo K và C đã tự nguyện bồi thường cho anh D, đều thành khẩn khai báo. Bị cáo T tại cơ quan điều tra chưa thành khẩn nhưng ra phiên tòa thành khẩn. Đề nghị áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s Khoản 1, khoản 2 Điều 51, điều 17, 58, Điều 65 BLHS; xử phạt: Nguyễn Việt K từ 28 tháng – 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 56 – 60 tháng. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17, 58, khoản 1 Điều 54, Điều 65 BLHS, xử phạt: Ngô Quốc C từ 18 tháng – 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36 – 48 tháng. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Điều 17, 58, Điều 65 BLHS xử phạt: Nguyễn Thanh T từ 24 tháng – 28 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 48 – 56 tháng. Giao các bị cáo về UBND nơi các bị cáo cư trú theo dõi giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Về dân sự: không.

+ Người bào chữa cho bị cáo T tại phiên tòa: Về hành vi phạm tội của bị cáo T tại cơ quan điều tra không nhận, ra phiên tòa có khai có đấm là có nhận tội. Đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của anh D và B khởi đầu câu chuyện cãi nhau nên không thể coi các bị cáo có lỗi mà anh D không có lỗi gì. Cũng không thể coi bị cáo T khai báo không thành khẩn vì bị cáo khai khác với các bị cáo khác. Vì cũng chưa chắc các bị cáo khác đã khai đúng, đề nghị HĐXX xem xét bị cáo T tuy có khai khác là do nhận thức và sự nhìn được của bị cáo, bị cáo nhìn thấy gì thì khai thế, nghĩa là bị cáo T có khai báo thành khẩn. Về thương tích của anh D có 02 vết sẹo tại cung mày phải, hốc mắc thì tỷ lệ thương thật là 3%, nhưng đây là 5% theo Thông tư 22, tôi có ý kiến để HĐXX xem xét tỷ lệ thương tật nhưng tôi không yêu cầu giám định lại thương tích của anh D, không khiếu nại gì đối với kết quả giám định tỷ lệ thương tật của anh D, mong HĐXX xem xét để tính toán lại tỷ lệ thương tật. Vì nếu tỷ lệ thương tật hốc mắt chỉ là 3% thì tỷ lệ thương tật của anh D là 9%, dưới 11%, bị hại có đơn xin rút đơn trình báo thì vụ án đình chỉ, bị cáo T không phạm tội. Đây chỉ là quan điểm của tôi, tôi không yêu cầu giám định lại. HĐXX không xem xét thì tôi và bị cáo chấp nhận kết quả giám định. Về dân sự: bị cáo T hỗ trợ 5.000.000 đồng tại cơ quan điều tra, tuy chưa thực hiện, nhưng đề nghị HĐXX ghi nhận chứ không phải T không bồi thường. Đây là vụ án đồng phạm đơn giản, T có hành vi can ngăn rồi mới đấm D 1 cái như khai tại phiên tòa, nên đề nghị HĐXX xem xét xử phạt T mức án thấp hơn đề nghị của VKS.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện L, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện theo trình tự thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì khác về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2]. Về việc xét xử vắng mặt người làm chứng là anh Nguyễn Ngọc M, anh Đào Minh B, anh Phạm Quý D: Xét thấy đây là phiên tòa lần thứ hai, nhưng anh M, anh B, anh D vắng mặt mà không có lý do. Tại cơ quan điều tra, các anh đã có lời khai trình bày không nhìn thấy ai gây thương tích cho anh D. Tại phiên tòa, các bị cáo, người bị hại đều không yêu cầu phải hoãn phiên tòa vì vắng mặt anh M, anh B, anh D. Căn cứ vào Điều 293 BLTTHS, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vắng mặt 3 người làm chứng là anh M, anh B, anh D là có căn cứ.

[3]. Về hành vi phạm tội của các bị cáo:

-Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo K khai nhận vào hồi 20h30 đến 21h00 ngày 30/5/2020 tại quán bia Khải L ở thôn M, xã Q, L, Hà Nội, do K và anh D có cãi nhau về việc B em trai anh D vừa va chạm xe với người quen của K nên hai bên vừa ngồi uống bia, vừa đôi co nên K có đấm vào mặt D trước, D đấm lại K nên K dùng cốc bia ném vào trán anh D gây thương tích cho anh D. Anh D cho rằng T mới là người dùng cốc bia đập vào trán anh vì lúc đó anh và T đang cãi nhau. T không thừa nhận dùng cốc bia gây thương tích cho anh D, ngoài ra không có nhân chứng nào, không còn tài liệu nào khác chứng minh T ném cốc bia vào trán anh D, nên đủ căn cứ kết luận K là người ném cốc bia vào trán của anh D.

- Đối với C tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa thừa nhận sau khi đi vệ sinh vào gặp anh D ở cửa quán bia, thấy anh D đã chảy máu ở trán, anh D có chửi C nên C có dùng chân tay không đánh anh D, lời khai này của C phù hợp với lời khai của anh D, phù hợp với lời khai của các nhân chứng khác là chị L chủ quán, của B, của T, của K là nhìn thấy anh D bị C dùng chân tay không đánh vào người, nên đủ cơ sở kết luận là C dùng chân tay không đánh D.

- Đối với T, tại cơ quan điều tra không nhận có đánh anh D, nhưng tại phiên tòa T đã nhận là trong lúc cãi nhau, thấy K và anh D đánh nhau thì T có dùng chân tay không đánh D khi anh D đánh bị cáo trước, nên đủ cơ sở kết luận T có dùng chân tay không tham gia đánh anh D.

Ngày 07/8/2020 Trung tâm pháp y Sở Y Tế Hà Nội kết luận: “1. Các sẹo vết thương vùng trán và sẹo sây sát đuôi cung mày phải 7%; 2. Vỡ thành hốc mắt phải 5%; 3. Các vền thương phần mềm vùng đầu, ngực, lưng, bụng không ảnh hưởng chức năng: Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 không có chương mục nào quy định cho điểm tỷ lệ tổn hại sức khỏe đối với các chạm thương này; 4. Cơ quan điều tra công an huyện L không cung cấp bản ảnh vết thương ban đầu khi chưa xử lý cắt lọc, khâu. Vì vậy không xác định được chiều hướng vết thương của anh Đào Văn D; 5. Nhiều khả năng các thương tích và các chạm thương do vật tày, tày có cạnh gây nên. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 12% tính theo phương pháp cộng lùi.”.

Việc các bị cáo K, C, T và anh D đang ngồi uống bia, vì chuyện va chạm giao thông giữa em của anh D và người quen của K nên K, T và anh D cãi nhau, K cầm cốc bia ném anh D, rồi K, C và T dùng chân tay không đánh anh D, các bị cáo không bàn bạc, không thù oán, không mâu thuẫn từ trước nên không có căn cứ kết luận các bị cáo có bàn bạc với nhau dùng hung khí đánh anh D. Đây là vụ án Đồng phạm, các bị cáo cùng cố ý thực hiện 1 hành vi là đánh anh D gây thương tích. Các bị cáo cùng là người thực hành, nhưng vai trò khác nhau.

Kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh D là 12% nhiều khả năng các thương tích và các chạm thương do vật tày, tày có cạnh gây nên, phù hợp với lời khai của K dùng cốc ném vào trán anh D gây nên thương tích của D nên K bị truy tố theo điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS dùng hung khí nguy hiểm là có căn cứ.

Đối với hành vi C và T dùng chân tay không đánh anh D. Tại phiên tòa, các bị cáo đều khẳng định các bị cáo không bàn bạc nhau đánh anh D, không bàn nhau việc dùng hung khí đánh anh D, cũng phù hợp với việc các bị cáo và anh D đang ngồi uống bia với nhau, không có thù oán, không mâu thuẫn gì trước khi đi uống bia với nhau. Căn cứ vào khoản 4 Điều 17 BLHS về Đồng phạm: “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”, các bị cáo không có sự bàn bạc nên C và T không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của K dùng cốc ném vào trán anh D, nên bị cáo C và T chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS nhưng phải cùng chịu trách nhiệm với bị cáo K về tổng tỷ lệ thương tật của anh D là có căn cứ.

Về giới hạn của việc xét xử: Căn cứ vào khoản 2 Điều 298 của BLTTHS quy định: “Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản và Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”, nên HĐXX xét xử bị cáo C và T theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố là có căn cứ.

Vụ án khởi tố không thuộc trường hợp theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 155 của BLTTHS; VKSND huyện L truy tố các bị cáo theo khoản 2 Điều 134 BLHS; Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa người bị hại có đơn xin rút đơn trình báo, xin miễn trách nhiệm hình sự với người đánh gây thương tích cho mình, không phải đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án nên HĐXX không đình chỉ vụ án đối với 02 bị cáo C và T là có căn cứ.

Xét thấy hành vi của 3 bị cáo K, C, T đông người đánh anh D gây thương tích cho anh D, đã xâm phạm đến khách thể là sức khỏe của công dân được BLHS bảo vệ, gây hoang mang lo lắng cho quần chúng nhân dân, gây ra sự bất an trong cuộc sống của người dân, cần phải xem xét xử lý nghiêm 3 bị cáo mức án trong khung hình phạt để giáo dục và răn đe chung. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo K, C thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại cho người bị hại, bị cáo K phạm tội lần đầu, bị cáo C phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nguy hiểm, người bị hại xin miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, điểm b, (điểm I với bị cáo C) khoản 1 khoản 2 Điều 51 BLHS. Đối với bị cáo T tại phiên tòa thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tại cơ quan điều tra chưa thành khẩn khai báo nhưng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS là thể hiện đúng chính sách khoan hồng của pháp luật, bị cáo T phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nguy hiểm (khung hình phạt khoản 1 đến 3 năm), tự nguyện khắc phục bồi thường cho người bị hại 5.000.000 đồng, người bị hại cũng xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo nên cho bị cáo T được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i khoản 1 khoản 2 Điều 51 của BLHS. Các bị cáo đều có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, nên cho bị cáo K được hưởng khoản 1 Điều 54 BLHS quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho 3 bị cáo được hưởng Điều 65 BLHS và Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo vì các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có nhân thân tốt, có khả năng tự cải tạo và cho các bị cáo cải tạo ngoài xã hội không gây nguy hiểm cho xã hội nên cho các bị cáo cải tạo ngoài xã hội cũng đảm bảo tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.

[4]. Đối với lập luận của người bào chữa cho bị cáo T đề nghị HĐXX xem xét tỷ lệ thương tật của anh D nơi hốc mắt là 3% chứ không phải 5% như kết quả giám định theo Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 mà không đưa ra được bất cứ tài liệu nào phủ nhận kết quả giám định hoặc cho rằng kết quả giám định là không chính xác, là có vi phạm nên không đủ căn cứ để HĐXX nghi ngờ hoặc không chấp nhận kết quả giám định tại Bản kết luận giám định pháp y thương tích số 755/TTPY ngày 07/8/2020 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Hà Nội. Bị cáo T, C, K, anh D và người bào chữa cho bị cáo T đều không ai yêu cầu giám định lại, không đưa ra tài liệu chứng cứ nào chứng minh kết quả giám định không đúng nên HĐXX không chấp nhận xem xét lại tỷ lệ thương tật của anh D theo như yêu cầu của người bào chữa cho bị cáo T là có căn cứ.

[5]. Về trách nhiệm dân sự: Anh Đào Văn D đã nhận bồi thường số tiền là 70.000.000 đồng từ bị cáo K và C, nay anh D không yêu cầu 3 bị cáo bồi thường gì thêm. Tại phiên tòa, bị cáo T tự nguyện bồi thường 5.000.000 đồng trong số tiền 70.000.000 đồng anh D đã nhận, nên ghi nhận bị cáo K, C, T đã bồi thường về dân sự số tiền 70.000.000 đồng cho anh D xong. Bị cáo T phải có trách nhiệm thanh toán lại cho bị cáo K và C số tiền 5.000.000 đồng, nếu bị cáo T không thanh toán, bị cáo K và C có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác.

[6]. Về vật chứng: không.

[7]. Về án phí: Các bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Về án phí dân sự sơ thẩm bị cáo K, C đã tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa thì không phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền đã tự nguyện nộp theo điểm g khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 54, 65, 17, 58 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Việt K;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 134, điểm s, b, i khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 65, 17, 58 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T;

Căn cứ Điều 2 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo;

Căn cứ các Điều 155, 136, 293, 298, 331, 332, 333 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ điểm a, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1.Xử phạt bị cáo Nguyễn Việt K 18 (Mười tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

2.Xử phạt bị cáo Ngô Quốc C 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

3.Xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh T 12 (Mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao 03 bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T về UBND xã Q, huyện L, thành phố Hà Nội để giám sát giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo 

4. Về dân sự: Ghi nhận bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T đã bồi thường về dân sự số tiền là 70.000.000 đồng cho anh Đào Văn D xong.

Bị cáo Nguyễn Thanh T phải có trách nhiệm thanh toán lại số tiền 5.000.000 đồng cho bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C. Nếu bị cáo T không thanh toán, bị cáo K và C có quyền khởi kiện vụ án dân sự khác.

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

5.Về vật chứng: Không.

6. Về án phí: Các bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

7. Về quyền kháng cáo: Báo cho các bị cáo Nguyễn Việt K, Ngô Quốc C, Nguyễn Thanh T, người bị hại anh Đào Văn D có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

235
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tội cố ý gây thương tích số 127/2021/HS-ST

Số hiệu:127/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mê Linh - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về