Bản án về kiện đòi tài sản số 01A/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 01A/2022/DS-PT NGÀY 04/01/2022 VỀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN

Ngày 04/01/2022 tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 268/2021/TLPT-DS ngày 17/11/2021 về việc “Kiện đòi tài sản” do có kháng cáo, kháng nghị. Các đương sự trong vụ án gồm:

- Nguyên đơn: Ông Phan Thanh S, sinh năm 1966 (Có mặt). Địa chỉ: Thôn A, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Minh L (Vắng mặt); Ông Trần Minh T (Có mặt). Cùng địa chỉ: Thôn B, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

- Bị đơn: Bà Châu Thị M, sinh năm 1964 (Có mặt). Địa chỉ: Thôn A, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1973 (Vắng mặt). Đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Thanh S;

- Người kháng cáo: Nguyên đơn - ông Phan Thanh S;

- Người kháng nghị: Viện trưởng VKSND huyện Cư Kuin.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn và bị đơn là hàng xóm láng giềng với nhau. Năm 2017 vợ nguyên đơn là bà Nguyễn Thị L có vay bị đơn 50.000.000 đồng, lãi suất và thời gian trả nợ không rõ. Tháng 3/2019 nguyên đơn ký gửi 2.187,7 kg hạt tiêu khô với bị đơn. Nguyên đơn có nói với bị đơn là: “Khi nào cần tiền thì sẽ bán số tiêu trên” và mượn tiếp của bị đơn 10.000.000 đồng để trả tiền công cho những người hái tiêu. Khi mượn không nói lãi suất và thời gian trả nợ và tôi nói: “Khi nào bán tiêu sẽ trả số tiền trên”.

Khoảng tháng 12/2020 nguyên đơn có vào nhà bị đơn để thanh toán khoản nợ 50.000.000 đồng. Sau khi tính toán, bị đơn tính lãi theo mức lãi suất là 20.000 đồng/01 triệu/01 tháng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn tính theo lãi suất ngân hàng nhưng không đồng ý.

Ngày 30/8/2021 nguyên đơn có Đơn trình bày bổ sung đã nộp cho Tòa án. Nguyên đơn vẫn giữ quan điểm như đơn khởi kiện ban đầu, yêu cầu bị đơn phải trả lại 2.187,7 kg hạt tiêu khô cho tôi, nếu không có tiêu thì trả giá trị bằng tiền theo giá hiện tại. Đối với số tiền 50.000.000 đồng do vợ nguyên đơn mượn trước đây và 10.000.000 đồng nhận của bị đơn tại thời điểm ký gửi tiêu, tổng cộng hai khoản là 60.000.000 đồng. Khi vợ tôi mượn tiền của bà M, lãi suất hai bên thỏa thuận thế nào, tôi không biết. Nguyên đơn đồng ý sẽ trả thay vợ và gia đình số tiền nói trên. Nếu gia đình nguyên đơn không trả được số tiền trên cho bị đơn, thì bị đơn khởi kiện vợ chồng tôi bằng một vụ án khác.

2. Bị đơn trình bày:

Bị đơn và gia đình ông Phan Thanh S là hàng xóm. Gia đình bị đơn làm nông, những lúc rãnh rổi vào các nhà dân ai có nhu cầu bán nông sản thì mua để bán lại kiếm lời, nhằm lấy tiền tiêu xài trong gia đình (gia đình không mở đại lý thu mua nông sản, không có bảng hiệu mua bán).

Vào ngày 18/4/2017, bà Nguyễn Thị L (vợ cùa ông Phan Thanh S) có vào nhà bị đơn để vay số tiền 50.000.000 đồng và hẹn mùa tiêu năm sau (năm 2018) sẽ trả, lãi suất hai bên thỏa thuận là 2%/tháng, nhưng không ghi vào giấy vay tiền. Đến hạn trả tiền, nhiều lần bị đơn có đến nhà vợ chồng ông S để đòi số tiền trên nhưng không trả. Đầu năm 2019, biết gia đình ông S thu hoạch tiêu nên bị đơn đến nhà ông S để đòi tiền, ông S nói tôi: “Chờ khi nào thu hoạch tiêu xong, tôi sẽ trả”.

Khoảng tháng 9/2019, bị đơn vào nhà ông S cân tiều để trừ số tiền 50.000.000 đồng đã vay trước đây. Tại thời điểm cân tiêu với giá 39.500 đồng/01 kg hạt tiêu khô, sau khi tính số tiền vay và lãi suất vay, bị đơn đã cân của ông S 2.187,7 kg hạt tiêu khô, ông S nhận thêm 10.000.000 đồng và nói với bị đơn khi nào vợ ở quê vào sẽ tính toán lại với nhau sau (việc tôi cân 2.187,7 kg hạt tiêu khô của ông S là đúng thực tế, hai bên cân tiêu có ghi mã số cân chứ không có hóa đơn chứng từ gì). Tính cộng cả gốc và lãi suất, ông S còn nợ bị đơn số tiền trên dưới 3.000.000 đồng.

Kể từ ngày cân tiêu để trừ nợ cho đến nay, vợ chồng ông S đi làm ăn xa ít khi có mặt tại địa phương. Nay ông S thấy tiêu được giá, ông bảo bị đơn tính lại giá tiêu theo thời điểm hiện tại thì bị đơn không đồng ý, vì số tiền vay và lãi suất đã được hai bên cân tiêu khấu trừ với nhau rồi. Nay ông Phan Thanh S làm đơn khởi kiện yêu cầu tôi trả 2.187,7 kg hạt tiêu khô theo giá thị trường hiện tại thì bị đơn không đồng ý vì các khoản nợ đã thanh toán rồi, đề nghị Tòa án xem xét.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị L trình bày:

Vào năm 2017, tôi có vay của bà Châu Thị M số tiền 50.000.000 đồng. Đến cuối năm 2020, tôi muốn trả lại số tiền tôi đã vay cho bà M nhưng hai bên không thỏa thuận được. Nay tôi mong quý cấp xem xét và giúp đỡ, để tôi đủ khả năng trả lại cho bà M số tiền trên.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2021/DS-ST ngày 27/9/2021 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều447, Điều 220, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 372, 373 và 378 của Bộ luật dân sự; Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 24; khoản 1, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/ƯBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc Hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thanh S, yêu cầu bà Châu Thị M phải trả cho ông Phan Thanh S 2.187,7 kg hạt tiêu khô, trị giá 175.016.000 đồng (một trăm bảy lăm triệu, không trăm mười sáu ngàn đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn ông Phan Thanh S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02 ngày 12/10/2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin đề nghị cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn, đại diện uỷ quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nội dung kháng cáo. Nguyên đơn giữ nguyên các lời trình bày, các tài liệu, chứng cứ đã cung cấp tại cấp sơ thẩm, đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm triệu tập thêm và lấy lời khai các nhân chứng: Nguyễn Văn T, Phạm Văn C và Nguyễn Quang T.

Bị đơn giữ nguyên nội dung giữ nguyên lời trình bày, các tài liệu, chứng cứ của bị đơn đã cung cấp tại cấp sơ thẩm, không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào mới, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Sau khi phát biểu một số nội dung bổ sung kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận Kháng nghị số 02 ngày 12/10/2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin sửa án sơ thẩm, theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của nguyên đơn, bị đơn, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Về việc thu thập chứng cứ, tài liệu tại cấp sơ thẩm: Toàn bộ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã thu thập được tại cấp sơ thẩm đều do nguyên đơn và bị đơn cung cấp. Trong quá trình giải quyết vụ án, không có khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, mâu thuẫn, yêu cầu giám định… nào liên quan đến việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án. Việc thu thập đánh giá giá trị tài liệu, chứng cứ của vụ án tại cấp sơ thẩm đảm bảo đầy đủ, đúng theo các quy định từ Điều 91 đến Điều 110 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, do vậy các chứng cứ, tài liệu đã thu thập trong hồ sơ vụ án đều có giá trị chứng minh trong vụ án.

Do vậy, tại cấp phúc thẩm nguyên đơn đề nghị triệu tập thêm nhân chứng Nguyễn Văn T, Phạm Văn C và Nguyễn Quang T để lấy lời khai là không cần thiết vì cấp sơ thẩm đã thu thập đầy đủ các chứng cứ đề chứng minh cho việc giải quyết vụ án, vì lịch sử việc giao dịch chủ yếu chỉ có 02 đương sự: Ông S và bà M trực tiếp giao dịch với nhau. Chứng cứ chủ yếu vụ án chỉ có 2 giấy vay nợ và 01 giấy ghi bảng mã cân tiêu và lời khai của 2 bên.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin:

Vào ngày 18/4/2017 bà L vợ của ông S có vay của bà M số tiền 50.000.000đ (thời hạn 01 năm mùa tiêu năm sau sẽ trả, lãi suất không thể hiện). Sau đó, vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 9 năm 2019, bà M có đến nhà ông S để cân tiêu 2.187,7kg tiêu, sau khi cân Tiêu bà M có đưa thêm cho ông S vay thêm số tiền 10.000.000 đồng. Căn cứ vào 2 giấy vay nợ và 01 giấy ghi bảng mã cân tiêu và lời khai của 2 bên - các bên đều thừa nhận các nội dung này nên không cần phải chứng minh.

Tại cấp sơ thẩm và tại phiên toà phúc thẩm, ông S khai: vào khoảng tháng 12/2020 ông có đến nhà bà M để thanh toán các khoản nợ nói trên của gia đình nhưng không thanh toán được với bà M vì hai bên thống nhất được phần lãi suất của các khoản vay này. Như vậy qua lời khai này nhận thấy: Ông S đã thừa nhận các khoản nợ nói trên đến thời điểm cân tiêu, chưa tính lãi suất là 60.000.000 đồng. Việc ông đồng ý cho bà M nhận để cân tiêu 2.187, 7kg tiêu vào thời điểm tháng 3 năm 2019 là mặc nhiên chấp nhận nhằm mục đích thanh toán cho khoản nợ nói trên. Việc không thanh toán dứt đểm được khoản nợ này với bà M chỉ do còn tranh chấp về lãi suất và giá khi cân tiêu. Về nội dung còn tranh chấp này, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

- Về lãi suất: Áp dụng quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, đối với khoản vay, do các bên có tranh chấp về lãi suất nên xác định lãi suất là 10%/năm đối với lãi trong hạn khoản vay 50.000.000 đồng từ thời điểm 18/4/2017 đến 18/4/2018 và lãi suất quá hạn 150% từ 19/4/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm 27/9/2021, tổng gốc và lãi là 81.250.000 đồng. Lãi suất 10% đối với khoản vay 10.000.000 đồng từ 19/3/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm 27/9/2021= 12.500.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền nợ gốc và lãi ông S phải trả cho bà M là 93.750.000 đồng. Khấu trừ số tiêu đã trả cho bà M 2.187,7 kg x 39.500 đồng/1kg = 86.386.000 đồng, ông S còn phải trả cho bà M 7.364.000 đồng.

- Về giá tiêu năm 2019: Căn cứ Báo cáo tình hình hoạt động thương mại, diễn biến giá cả thị trường Đắk Lắk số 42 ngày 22/3/2019, số149 ngày 27/9/2019 của Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, xác nhận ngày 23/12/2021của Công ty xuất nhập khẩu 2-9 tỉnh Đăk Lăk, giá tiêu mà bà M đưa ra vào tháng 3 đến tháng 9/2019 là 39.500 đồn/kg là phù hợp với thị trường tỉnh Đắk Lắk.

Bản án sơ thẩm đã nhận định rằng: Do hiện nay giá tiêu lên 80.000 đồng/kg nên ông S có tâm lý đòi lại bà M phải cân tiêu theo giá hiện nay hoặc phải trả lại tiêu, không chấp nhận giá tiêu cũ nên mới dẫn đến việc khởi kiện của ông S. Nhận định này của bản án sơ thẩm là có căn cứ thực tế và phù hợp với các lời khai của ông S.

Hội đồng xét xử nhận thấy những lời khai của bà M là có cơ sở thực tế và có chứng cứ chứng mình: Việc cân tiêu nhằm để thanh toán các khoản nợ, không phải cân tiêu của ông S để nhập kho ở nhà bà M, chờ lên giá rồi bán cho ông S. Việc bà M không chấp nhận khởi kiện để đòi khoản nợ là có cơ sở thực tế và căn cứ pháp lý vì bà cho rằng các khoản nợ đã thanh toán xong, việc còn nợ lại một chút là bà không có yêu cầu đòi nợ. Do vậy đây là ý kiến phản đối lại của bị đơn với yêu cầu của nguyên đơn, không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn nên cấp sơ thẩm không phải thụ lý là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về quyền lợi của ông S: Qua phân tích, đánh giá nêu trên, việc tính toán lại lãi suất theo quy định của pháp luật đối với các khoản vay, nhận thấy bà M cho rằng còn một số tiền lãi không có yêu cầu đòi lại ông S là có cơ sở (7.364.000 đồng). Do vậy yêu cầu của ông S đề nghị tách ra để giải quyết thành một vụ kiện riêng là không cần thiết và không có cơ sở vì việc cân tiêu để ký gửi đại lý nông sản hưởng lợi khi giá lên phải được tiến hành dựa trên thoả thuận hợp đồng dân sự, đồng ý của đại lý nông sản...

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Phan Thanh S và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin, ý kiến của Đại điện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tại phiên toà. Quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ thực tế và pháp luật nên cần giữ nguyên.

[3] Về án phí:

Do không được chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm nên ông Phan Thanh S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Phan Thanh S;

Không chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/KN-VKS-DS, ngày 12/10/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2021/DS-ST ngày 27/9/2021 của Toà án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

2. Về án phí:

- Dân sự sơ thẩm: Ông Phan Thanh S phải chịu 8.750.000 đồng, được khấu trừ 4.500.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số AA/2021/0001761 ngày 05/4/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C. Ông Phan Thanh S còn phải nộp tiếp 4.250.800 đồng;

- Dân sự phúc thẩm: Ông Phan Thanh S phải chịu 300.000 đồng được khấu trừ 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu số 60AA/2020/0001918 ngày 13/10/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

222
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về kiện đòi tài sản số 01A/2022/DS-PT

Số hiệu:01A/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về