Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế số 365/2018/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 365/2018/HC-PT NGÀY 12/09/2018 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ

Ngày 12 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số: 376/2017/TLPT-HC ngày 21 tháng 10 năm 2017 về “khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế”.

Do bản án hành chính sơ thẩm số 05/2017/HC-ST ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 990/2018/QĐ-PT ngày 20 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:

Người khởi kiện:

Công ty S; địa chỉ: Lô C1-3-3 Khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố M, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của người khởi kiện:

Ông Lin Ching - W, là người đại diện theo pháp luật của người khởi kiện (chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty S).

Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1960; địa chỉ: số 133, đường B1, Phường 10, quận B2, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện (Văn bản ủy quyền ngày 23 tháng 9 năm 2016) (có mặt).

Người bị kiện:

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương; địa chỉ: số 328 Đại lộ Bình Dương, phường B3, thành phố M, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện: Ông Huỳnh Đình T - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện (Văn bản ủy quyền số 15797/CT-KTNB ngày 04 tháng 11 năm 2016) (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện: Luật sư Hà Văn C1 và Luật sư Nguyễn Minh N – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương; địa chỉ: Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, đường L1, phường L2, thành phố M, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Dương Thanh P (có mặt).

Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người đại diện hợp pháp của người khởi kiện bà Nguyễn Thị C trình bày:

Theo nội dung Quyết định số 2549/QĐ-CT ngày 20/5/2016 (Sau đây viết tắt là Quyết định số 2549) của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc xử ỉý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế của Công ty S, thời kỳ kiểm tra năm 2008-2013:

1. Truy thu thuế TNDN: 1.810.086.769 đồng (Năm 2012-2013).

Tiền chậm nộp: 773.252.856 đồng 2. Phạt vi phạm hành chính: 324.138.717 đồng.

Công ty S không đồng ý với Quyết định số 2549/QĐ- CT ngày 20/5/2016 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương, nên đã có Đơn khiếu nại đến Cục thuế tỉnh Bình Dương ngày 25/5/2016. Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương không chấp nhận yêu cầu và ban hành tiếp Quyết định số 3993/QĐ-CT ký ngày 07/7/2016 (Sau đây viết tắt là Quyết định số 3993) tiếp tục bác yêu cầu chính đáng của Công ty S.

Theo nội dung kết luận của Quyết định số 3993 của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã bác yêu cầu đối với Công ty S. Công ty S cho rằng việc kết luận nội dung vụ việc như trên chưa thật sự khách quan và toàn diện.

Ngày 18/4/2008, Công ty S được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000433.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty S tiến hành các thủ tục cần thiết phải có khi xây dựng nhà xưởng như sau:

- Báo cáo khảo sát địa chất công trình tháng 7/2008 của Liên hiệp Khảo sát địa chất công trình - nền móng và môi trường của nhà xưởng Công ty S (thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam).

- Ngày 21/7/2009, Công ty S ký Hợp đồng xây dựng số 701 -09- HĐXD/ĐN-HS với Công ty Đ và ký Phụ lục hợp đồng ngày 29/4/2010 để gia hạn thời gian hoàn công đến ngày 30/6/2010.

- Ngày 07/12/2009, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép xây dựng số 109/GPXD cho Công ty S được phép xây dụng nhà xưởng sản xuất tại lô C1-3-3, Khu công nghiệp Đại Đăng, thành phố M, tỉnh Bình Dương.

- Ngày 26/4/2010, Bản nghiệm thu để đưa công trình vào sử dụng giữa Công ty S và Công ty Đ;

- Ngày 07/6/2010, theo nội dung Biên bản số 42/BB-BQL về việc kiểm tra hồ sơ nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng của Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã tiến hành những việc sau:

+ Kiểm tra danh mục hồ sơ nghiệm thu xây dựng hoàn thành công trình đã lập giữa chủ đầu tư (Công ty S) và nhà thầu thi công xây dựng (Công ty Đ).

+ Kiểm tra tính pháp lý và chất lượng của hồ sơ nghiệm thu hoàn thành.

Là Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam, Công ty S luôn luôn đề cao việc chấp hành pháp luật Việt Nam, khi đã đầu tư bằng vốn và thiết bị vào khu công nghiệp là Công ty S luôn hoàn toàn tin tưởng ở những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời và đúng lúc của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những trở ngại khách quan không hoàn toàn thuộc lỗi của Công ty S mà đó là do hoàn cảnh thực tế và những điều kiện khách quan phát sinh ngoài ý muốn của Công ty S nói riêng.

Tình hình kinh tế vào những năm 2008-2009 không được thuận lợi do kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, đây là bối cảnh chung vào thời điểm này. Công ty S vẫn tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục đầu tư.

Công ty S luôn mong muốn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp cho sự phát triển tỉnh Bình Dương.

Trong quá trình thực hiện và hoàn thành các thủ tục pháp lý để kịp đưa dự án vào sản xuất chính thức, Công ty S đã vấp phải rất nhiều trở ngại khó khăn, bên cạnh đó Công ty S còn có nhiều áp lực đối với các thủ tục hành chính khác như: Ký kết các họp đồng thuê lại đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng, hợp đồng thi công, bảo đảm tiến độ thi công....

Cục thuế tỉnh Bình Dương đã không xem xét khách quan và toàn diện đối với tình hình thực tế tại thời điểm thực hiện dự án nói chung và nói riêng của Công ty S dẫn đến việc ban hành Quyết định xử phạt làm ảnh hưởng đến uy tín không nhỏ của doanh nghiệp.

Trong quá trình này, Công ty S vẫn thực hiện dự án chứ không phải tạm ngưng. Có thể do Công ty S báo cáo chậm trễ với Cục thuế tỉnh Bình Dương nên dẫn tới việc bị phạt thuế.

Do Công ty S bắt đầu hoạt động từ năm 2010, vì vậy đề nghị Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương xem xét cho Công ty S được hưởng ưu đãi thuế, nếu không được yêu cầu Tòa án xử hủy Quyết định số 3993/QĐ-CT ngày 07/7/2016 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương và Quyết định số 2549/QĐ-CT ngày 20/5/2016 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương, do không có cơ sở xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty S (thời điểm kiểm tra ngày 18/5/2016; theo niên độ từ năm 2008-2013).

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện, ông Huỳnh Đình T trình bày: Ngày 26/5/2016, Cục thuế tỉnh Bình Dương có nhận được đơn khiếu nại số CV/04-HS đề ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Công ty S khiếu nại về việc xử lý về thuế, xử lý vi phạm hành chính qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế thời kỳ kiểm tra năm 2008-2013. Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại, căn cứ Luật khiếu nại năm 2011, Cục thuế tỉnh Bình Dương đã thụ lý đơn và giải quyết khiếu nại của Công ty S theo các căn cứ pháp lý sau:

- Căn cứ Khoản 1, Điều 20 Luật Đầu tư năm 2005 quy định về nghĩa vụ của nhà đầu tư như sau:

“Tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; thực hiện hoạt động đầu tư theo đủng nội dung đăng ký đầu tư, nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đăng ký đầu tư, hồ sơ dự án đầu tư và tính hợp pháp của các văn bản xác nhận. ”

- Căn cứ Điều 37 Luật Đầu tư năm 2005 quy định về ưu đãi đối với đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ và các nguyên tắc quy định tại Luật này, Chính Phủ quy định những ưu đãi cho các nhà đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

- Căn cứ Khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư năm 2005 quy định về việc tạm ngừng dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư như sau: “2. Dự án được cấp Giấy chúng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. ” - Căn cứ Khoản 2, Điều 28 Luật Đầu tư năm 2005 quy định về việc điều chỉnh, bổ sung ưu đãi đầu tư: “Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi đầu tư. ”

- Căn cứ Khoản 4, Điều 35 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định: “Được miễn thuế 03 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. ” (khu công nghiệp thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ- CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ).

- Căn cứ Điều 16 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngàỵ 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về việc miễn thuế, giảm thuế: “Không có quy định miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp thực hiện dự án trong khu công nghiệp do khu công nghiệp không nằm trong Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định này ”.

- Căn cứ Khoản 6, Điều 2 Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000433 do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty S ngày 18/4/2008 có nêu:

“6. Tiến độ thực hiện dự án:

Khởi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị 08 tháng. Sản xuất chính thức tháng 01/2009.” Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định sổ 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008; Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

“2. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp c) Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.

… Việc ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư chỉ áp dụng đôi với thu nhập từ hoạt động sản xuât kinh doanh đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của doanh nghiệp...”.

- Căn cứ theo Bảng giải trình số CV/l 3-09-HS của Công ty S do ông Ting Lu Sui ký ngày 18/11/2015 (theo giấy ủy quyền ngày 20/6/2013) thì Công ty S được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000433 ngày 18/4/2008 nhưng đến tháng 3 năm 2010 mới triển khai xây dựng nhà xưởng, sản xuất chính thức tháng 01/2011. Đồng thời, qua công tác kiểm tra thuế tại trụ sở Công ty S, Cục Thuế xác định từ tháng 4/2008 đến tháng 02/2010, Công ty S chỉ phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại nhưng không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký kinh doanh. Do sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, công ty không phát sinh hoạt động kinh doanh như đã cam kết.

Do Công ty S thực hiện không đúng nội dung dự án đầu tư đã đăng ký tại Điều 2 Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000433 do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp ngày 18/4/2008 nên căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế xác định Công ty S không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư trong khu công nghiệp theo như hướng dẫn tại Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Người bị kiện yêu cầu Tòa án xử không chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương trình bày:

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương xác nhận theo tiến độ triển khai dự án đầu tư của Công ty S phải thực hiện từ tháng 5/2008 nhưng đến ngày 10/9/2009, Công ty mới nộp đơn xin giấy phép xây dựng. Ngày 07/12/2009, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã cấp giấy phép xây dựng cho Công ty S và đến ngày 07/6/2010, Công ty S đi vào hoạt đông sản xuất.

Công ty S có triển khai thực hiện dự án chậm so vói tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư quá 12 tháng và không có văn bản xin gia hạn nhưng tiếp tục thực hiện dự án là không có lỗi chủ quan của Công ty. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty được xác định tại giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp ngày 18/4/2008 được áp dụng theo tiến độ đi vào hoạt động thực tế của công ty và các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.

Hủy Ọuyết định số 2549/QĐ-CT ngày 20/5/2016 của Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc Xử lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và Quyết định số 3993/QĐ-CT ngày 07/7/2016 của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc giải quyết khiếu nại của Công ty S.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/4/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 42/KNPT-VKS-HC ngày 13/4/2017 kháng nghị Bản án hành chính sơ thẩm số 05/2017/HC-ST ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Công ty S theo khoản 2 Điều 246 Luật Tố tụng hành chính.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện Công ty S vẫn giữ nguyên yêu cầu đề nghị hủy Quyết định số 2549; hủy Quyết định số 3993 với các lý do: Căn cứ các điều 11, 19, 21, 28, 33, 34 Luật Đầu tư; khoản 2, khoản 3 Thông tư 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp, thời điểm Công ty S đi vào hoạt động là tháng 01/2011 và có lãi năm 2012. Theo pháp luật về đầu tư thì công ty được chuyển lỗ trong thời gian 02 năm. Mặt khác, qua 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên ưu đãi cho công ty. Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về địa bàn hưởng ưu đãi đầu tư, Công ty S cũng thuộc trường hợp được ưu đãi. Như vậy, căn cứ điểm a khoản 7 của Giấy chứng nhận đầu tư thì Công ty S vẫn được hưởng ưu đãi. Khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư cũng quy định trường hợp không triển khai dự án thì không được hưởng ưu đãi thuế, trong khi Công ty S vẫn triển khai dự án nhưng chỉ là chậm. Từ tháng 07/2008, Công ty phải làm báo cáo khảo sát công trình, ban đầu vị trí xây dựng xưởng được cấp ở khu Tân Uyên, sau này chuyển về thành phố M. Ngày 21/7/2009, Công ty mới làm hợp đồng xây dựng, đến tháng 02/2010 mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, việc hoàn tất các thủ tục về nghiệm thu cũng mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới việc bắt đầu sản xuất kinh doanh của Công ty.

Đại diện Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương xin được hoãn phiên tòa để chờ kết quả trả lời của Tổng cục thuế về trường hợp của Công ty S.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa: Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để chờ Tổng Cục Thuế trả lời Công văn số 16273/CT-THNVDT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc “xin ý kiến hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN đối với dự án chậm triển khai”. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 13/8/2018, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định hoãn phiên tòa để phía người bị kiện có thời gian kiểm tra phản hồi của Tổng Cục thuế cũng như triệu tập người bị kiện có mặt tại phiên tòa phúc thẩm nhằm làm rõ vấn đề này. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày hôm nay, đại diện người bị kiện xác định chưa nhận được trả lời của Tổng Cục Thuế, mặc dù từ năm 2016, Cục thuế đã có văn bản gửi Tổng Cục, cũng không có căn cứ xác định nếu Cục thuế tiếp tục yêu cầu thì Tổng Cục Thuế có trả lời hay không, trong khi vụ án này đã bị hoãn nhiều lần. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa phúc thẩm, giải quyết vụ án trên cơ sở đánh giá khách quan toàn bộ chứng cứ đã có. Về tố tụng:

Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Về nội dung: Công ty S đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án, tại Điều 2 Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty cam kết thực hiện đúng tiến độ dự án, nhưng đến tháng 03/2010, Công ty mới triển khai xây dựng nhà xưởng là không đảm bảo tiến độ như đã cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư, Công ty cũng không có văn bản xin giãn tiến độ đầu tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, Công ty S đã vi phạm các quy định của Luật Đầu tư, nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư. Cục thuế tỉnh Bình Dương xác định Công ty S không đủ điều kiện hưởng ưu đãi về thuế, xử phạt hành chính doanh nghiệp này là có căn cứ. Trong kháng nghị có nêu về phần án phí nhưng tại phần quyết định kháng nghị chỉ đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của Công ty S nên xem như không kháng nghị về phần án phí. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S.

Các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương trình bày: Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là có căn cứ, đúng quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, đã quy định cụ thể về về nghĩa vụ chủ đầu tư, về triển khai thực hiện dự án đầu tư, về dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Công ty S thừa nhận triển khai chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp tại Bản giải trình cũng như tại phiên tòa hôm nay. Theo quy định pháp luật, nhà đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo về tiến độ đầu tư cho Ban quản lý khu công nghiệp, cơ quan thuế không có thẩm quyền quản lý về tiến độ đầu tư. Thực tế, Công ty S có giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 01/2009, đến tháng 11/2011 mới đi vào hoạt động, như vậy Công ty S đã chậm tiến độ hơn 24 tháng. Điều 7 Giấy chứng nhận đầu tư cũng đã quy định về ưu đãi khi thực hiện đúng Điều 2 Giấy chứng nhận. Công ty S không thực hiện đúng, cũng không thông báo bằng văn bản cho Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương trong khi chưa được điều chỉnh về tiến độ đầu tư, xem như đã vi phạm các quy định về đầu tư nên không được hưởng các ưu đãi đầu tư. Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành các văn bản xử lý vi phạm về thuế, không chấp nhận khiếu nại của Công ty S là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Việ n kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Công ty S.

Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương trình này: Công ty S không có văn bản nào thông báo về việc xin giãn tiến độ đầu tư dự án. Tuy nhiên, Công ty S có tiến hành đầu tư nhưng việc chậm tiến độ so với giấy chứng nhận đầu tư có một phần do điều kiện khách quan là việc thay đổi địa giới địa điểm xây dựng xưởng từ huyện U về thành phố M; do khủng hoảng kinh tế chung toàn cầu và các thủ tục pháp lý cần thiết trước khi tiến hành xây dựng nhà xưởng để đưa vào sản xuất. Mặt khác, không có văn bản nào quy định về việc chậm tiến độ thì sẽ không được hưởng ưu đãi, do đó Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi đầu tư theo các quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Hội đồng xét xử căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, có đủ cơ sở để kết luận: Toàn bộ diễn biến vụ án như phần tóm tắt nội dung đã được viện dẫn ở trên, xét kháng nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đại diện người bị kiện đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên tòa để chờ Tổng Cục Thuế trả lời Công văn số 16273/CT-THNVDT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc “xin ý kiến hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN đối với dự án chậm triển khai” là không có cơ sở chấp nhận như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[1.2] Công ty S không đồng ý đối với Quyết định số 2549 và Quyết định số 3993 nên khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hai hủy quyết định nêu trên. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết vụ án là phù hợp với quy định tại Điều 30, Điều 32 và Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

[2] Về nội dung:

[2.1] Công ty S được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000433 ngày 18/4/2008. Tại Điều 2 của Giấy chứng nhận đầu tư quy định:

“1. Tên dự án đầu tư: Nhà máy Công ty S.

2. Mục tiêu và quy mô của dự án: Sản xuất gia công vật liệu làm vỏ bọc khuôn, vật liệu làm khuôn bằng sắt, thép 1.600 tấn/năm: kim loại nguyên chất, hợp kim sắt, hợp kim cao cấp 710 tấn/năm; chất phụ gia, ti- tan và hợp kim ti- tan 2.100 tấn/năm; dây kim loại đặc biệt và que hàn, hợp kim dùng trong tế và không gian, vật liệu 3c 30 tấn/năm; hợp kim đồng và nhôm 100 tấn/năm; chất khoáng, chất kết dính 800 tấn/năm.

3. Địa điểm thực hiện dự án: Lô C1-3-3, khu công nghiệp Đại Đăng, huyện U, tỉnh Bình Dương. Diện tích đất sử dụng: 11.069m2.

4. Tổng vốn đầu tư: 1.200.000 đô la Mỹ tương đương 19,2 tỷ đồng.

5. Thời gian thực hiện dự án là 47 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

6. Tiến độ thực hiện dự án: Khởi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị 08 tháng. Sản xuất chính thức tháng 01/2009.

7. Doanh nghiệp khi thực hiện dự án nêu tại Điều 2 được ưu đãi như sau:

a) Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp cho Nhà nước Việt nam:

- Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 15% lợi nhuận thu được trong mười hai năm kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh; Thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm bằng 28% cho thời gian còn lại.

- Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 7 năm tiếp theo...” Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng căn cứ khoản 6, Điều 2 của Giấy chứng nhận đầu tư nêu trên có nội dung: “Tiến độ thực hiện dự án: Khởi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị 08 tháng. Sản xuất chính thức tháng 01/2009”. Công ty S không thực hiện khởi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị đúng tiến độ như quy định ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư nên Công ty không đủ điều kiện để được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính trong kháng nghị cũng thể hiện nội dung: ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty S đã tiến hành các hoạt động đầu tư như: Ký hợp đồng thuê đất, Ký hợp đồng xây dựng... Thực tế, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, vị trí thực hiện dự án c ủa Công ty S có sự thay đổi địa giới hành chính từ huyện U về thành phố M. Sau khi lập Báo cáo khảo sát công trình, Công ty mới được cấp giấy phép xây dựng và đến tháng 02/2010 mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư do thay đổi địa giới hành chính.

Mặt khác, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009, Công ty S gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để được cấp Giấy phép xây dựng như: Báo cáo khảo sát địa chất công trình, ký kết các hợp đồng thuê lại đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng, ký các hợp đồng thi công, đảm bảo tiến độ thi công....Các thủ tục này mất nhiều thời gian, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thủ tục pháp lý ở Việt Nam phải qua nhiều trình tự nên không thể thực hiện việc vừa xin các giấy phép vừa xây dựng nhà xưởng trong thời gian 8 tháng. Trên thực tế đến ngày 07/12/2009, Công ty S mới được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép xây dựng và mặc dù Công ty không có văn bản xin gia hạn nhưng cũng không bị Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương xử phạt hay rút giấy phép đầu tư. Bản thân Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cũng thừa nhận: “Công ty S có triển khai thực hiện dự án chậm so với tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn tiếp tục thực hiện dự án là không có lỗi chủ quan của Công ty. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty được xác định tại Giấy chứng nhận đầu tư do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cấp ngày 18/4/2008 được áp dụng theo tiến độ đi vào hoạt động thực tế của Công ty và các văn bản hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định”. Khi cấp các Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi cho Công ty S, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn khẳng định các ưu đãi về thuế mà Công ty được hưởng.

Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Tổng Cục thuế khi ban hành các Văn bản hướng dẫn Cục thuế các tỉnh đối với những trường hợp công ty có khó khăn và chưa thực hiện được dự án, nhưng có tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy thì thời gian tính thuế ưu đãi được tính từ thời gian thực tế công ty đó bắt đầu hoạt động, thể hiện sự linh hoạt, ưu đãi nhằm khuyến khích các công ty đầu tư trong nước và nước ngoài góp phần đưa nền kinh tế nước nhà phát triển.

Như vậy, ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty S đã triển khai thực hiện đầu tư theo như trong giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết, đến ngày 07/6/2010, Công ty S chính thức đưa công trình vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện (Bút lục 277) thì tháng 01/2011, Công ty mới bắt đầu sản xuất, hoạt động, có doanh thu xuất khẩu nhưng bán cho Công ty mẹ, năm 2012 và năm 2013 phát sinh hoạt động như năm 2011 nên được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2011-2013 và được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 7 năm tiếp theo là phù hợp với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 và Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do đó, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương cho rằng Công ty S không triển khai thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ cam kết để ban hành Quyết định số 2549/QĐ-CT, Quyết định số 3993/QĐ-CT về việc xử lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị bác đơn khởi kiện của Công ty S là không có cơ sở. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng đắn các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ và áp dụng quy định của pháp luật để tuyên hủy các quyết định nêu trên là phù hợp.

[2.2] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có nêu phần án phí hành chính sơ thẩm nhưng tại phần quyết định kháng nghị chỉ đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của Công ty S và tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định không kháng nghị về nội dung này. Theo Điều 203 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Tuy nhiên, phần quyết định của bản án sơ thẩm căn cứ Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 để tuyên buộc Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương nộp 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tiền án phí sơ thẩm là chưa đúng do vụ án được thụ lý ngày 12/9/2016 trước khi Nghị quyết số 326 nêu trên có hiệu lực. Do Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, giữ nguyên quyết định của Tòa án sơ thẩm về việc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S nên Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh lại phần án phí sơ thẩm cho phù hợp với quy định pháp luật.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương; Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

Căn cứ khoản 2 Điều 64 Luật Đầu tư năm 2005; khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008; Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty S; Hủy Quyết định số 2549/QĐ-CT ngày 20/5/2016 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc xử lý thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế; hủy Quyết định số 3993/QĐ-CT ngày 07/7/2016 của Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc giải quyết khiếu nại của Công ty S.

Về án phí hành chính sơ thẩm:

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Dương phải nộp 200.000đồng (hai trăm ngàn) tiền án phí hành chính sơ thẩm.

Công ty S được nhận lại số tiền 200.000 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm số 0002891 ngày 12/9/2016 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3274
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế số 365/2018/HC-PT

Số hiệu:365/2018/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 12/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về