Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 75/2020/HC-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 75/2020/HC-PT NGÀY 29/05/2020 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Ngày 29-5-2020, tại trụ sở. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 97/2020/TLPT-HC ngày 09-01-2020 về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.Do Bản án hành chính sơ thẩm số 35/2019/HC-ST ngày 21-11-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 749/2020/QĐ-PT ngày 29-4-2020, giữa các đương sự:

- Người khởi kiện: Ông Trần Công V, sinh năm 1968; địa chỉ cư trú: Tổ 26, phường M, quận N, thành phố Đà Nẵng; tạm trú: K65/95, đường T, phường P, quận S, thành phố Đà Nẵng, có mặt.

- Người bị kiện: y ban nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng; địa chỉ: Xã H1, huyện H, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Phú H2 - Chức vụ: Phó Chú tịch UBND huyện H, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân xã H3, huyện H.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tân Ph - Chức vụ: Chủ tịch UBND xã H3, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc T1 - Công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường, có mặt.

2. Công ty Cổ phần V1; địa chỉ: Số 89A, đường P1, quận H4, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân Nh - Chức vụ: Phó tổng Giám đốc công ty, có mặt.

3. Công ty Cổ phần Đ; địa chỉ: Đường số 2, KCN B1, phường A, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Ngọc T2, có mặt.

4. Ông Trần Công H5, sinh năm 1957; địa chỉ cư trú: Thôn TN, xã H3, huyện H, thành phố Đà Nẵng, có mặt.

5. Ông Trần Công Q, sinh năm 1959; địa chỉ cư trú: Số 205, đường H6, phường H7, quận H4, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

6. Bà Trần Thị B2, sinh năm 1963; địa chỉ cư trú: Số 391/68D, đường Tr, phường X, quận T3, thành phố Đà Nẵng, có mặt.

7. Ông Trần Công T4, sinh năm 1963; địa chỉ cư trú: Căn hộ 605, lô BI, Chung cư H8, Phường X1, Quận X2, Thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.

8. Bà Trần Thị B3, sinh năm 1964; địa chỉ cư trú: K82/125, Nguyễn Lương Bằng, phường H9, quận L, thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Công Q, ông Trần Công T4, bà Trần Thị B2 và bà Trần Thị B3: Ông Trần Công V sinh năm 1968; địa chỉ cư trú: Tổ 26, phường M, quận N, thành phố Đà Nẵng; tạm trú: K65/95, đường T, phường P, quận S, thành phố Đà Nẵng (đồng thời là người khởi kiện), ông V có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

N gười khởi kiện là ông Trần Công V trình bày:

Sau khi cha mẹ ông (Vinh) chết, có để lại cho anh, em ông thừa kế thửa đất số 26, tờ bản đồ hiện trạng 379, tại thôn TN, xã H3, huyện H, thành phố Đà Nẵng. Theo Trung tâm đo đạc bản đồ xác định, thì thửa đất có diện tích 13.101,3 m2. Diện tích đất này 14 anh, em thống nhất chia mỗi người 935,8 m2. Do mảnh đất liền kề tờ bản đồ số 20, thửa đất số 43B được chia thừa kế cho 6 anh em có tên trên nên 14 anh em thống nhất chia diện tích liền kề cho 6 anh em này để tiện sử dụng. Tức diện tích chia cho 6 anh em, tương đương 5.614,8 m2.

Trong quá trình phân chia bất động sản thừa kế, thì đúng lúc Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) huyện H có quyết định thu hồi đất cho dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai. Sau khi thu hồi đất, UBND huyện H không ra quyết định thu hồi đất, không cung cấp sơ đồ quy hoạch công khai. Ngày 11-01-2018, ông V có đơn yêu cầu cung cấp quyết định thu hồi đất, nhưng UBND huyện H vẫn không cung cấp. Ngày 17-7-2018, ông V làm đơn khiếu nại, thì ngày 13-8-2018, UBND huyện cho nhân viên cung cấp Quyết định thu hồi đất số 2665/QĐ-UBND của UBDN huyện H (ghi ngày 08-5-2018) về việc thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai, do Phó Chủ tịch huyện Đặng Phú H2 ký thay. Ngày 15-10-2018, ông V được UBND xã H3, huyện H mời về giao Quyết định thay đổi quy hoạch dự án số 4413/QĐ-UBND ngày 03-10-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng (do Chủ tịch Huỳnh Đức T5 ký) về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai. Khi gửi quyết định, thì ông Toàn địa chính xã H3 có đưa ra bản đồ khổ A10, phê duyệt điều chỉnh và giải thích cho ông ranh giới sau khi điều chỉnh. Từ bản đồ này, ông phát hiện ra UBND huyện H thu hồi đất ngoài dự án để cấp cho Trạm trộn Bê tông thương phẩm V1. Điều đáng lưu ý là Bản đồ hiện trạng do UBND huyện H ra quyết định thu hồi đã chỉnh sửa ranh giới khác với bản đồ hiện trạng do Trung tâm đo đạc bản đồ xác lập ngày 21-01-2015 nhằm hợp thức hóa việc thu hồi sai. Tuy nhiên, UBND huyện H quên xóa đi diện tích thu hồi ngoài vệt dự án đã thu hồi sai.

Vì vậy, ông Trần Công V yêu cầu Tòa án:

- Hủy một phần Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của UBND huyện H về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy đối với phần diện tích thu hồi ngoài ranh giới dự án để cấp cho Trạm trộn Bê tông thương phẩm V1;

- Trả lại đất nguyên hiện trạng ban đầu đối với diện tích thu hồi ngoài ranh giới của gia đình ông.

- Yêu cầu UBND huyện H bồi thường thiệt hại số tiền mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không thì trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu).

Người bị kiện trình bày:

- Nguồn gốc sử dụng đất: Theo xác nhận của UBND xã H3 ngày 28-01-2019, thửa đất số 26, tờ bản đồ số 379 (hồ sơ số 3) đối chiếu với hồ sơ 64/CP thuộc thửa đất số 994, tờ bản đồ số 20 và thửa đất số 267, tờ bản đồ số 7, loại đất hoang đồi. Hộ bà Đặng Thị Nh1 (chết). Ông Trần Công V đại diện tự khai hoang sử dụng từ sau ngày 15-10-1993 và trước ngày 01-4-2004. Tổng diện tích đo đạc: 12.520,5 m2, trong đó diện tích thu hồi để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy là 8.311,3 m2, diện tích chồng lấn với Công ty CP V1 là 1.756,6 m2, diện tích còn lại là 2.452,6 m2. Hiện trạng: trồng chuối, sầu riêng, chanh, gỗ tạp, sả.

- Kết quả giải quyết: Căn cứ khoản 8 Điều 16 Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 của UBND thành phố Đà Nẵng, trường hợp thửa đất của gia đình bà Đặng Thị Nh1 sản xuất được hỗ trợ 60% giá đất trồng cây lâu năm; hỗ trợ 60% chuyển đổi ngành nghề, ổn định cho diện tích 8.311, 3m2. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 của Quyết định số 63/2012/QĐ-UBND ngày 20-12-2012, thì không hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống quá 4.000 m2, nhưng xét trường hợp gia đình bà Đặng Thị Nh1 có nhiều hồ sơ giải tỏa và xem xét đến hoàn cảnh gia đình bà Nh1, nên Hội đồng giải phóng mặt bằng (sau đây viết tắt là Hội đồng GPMB) đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống cho diện tích 8.311,3 m2. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, Hội đồng GPMB huyện đã trình bày và được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt như sau: Hỗ trợ 60% giá đất trồng cây hàng năm hàng 1 đồng bằng cho diện tích 8.311,3 m2; hỗ trợ 60% chuyển đổi ngành nghề, ổn định cho diện tích 4.000 m2; không hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống cho diện tích 4.311,3 m2.

Ngày 03-4-2017, ông Trần Công V có đơn kiến nghị với nội dung: Thửa đất có diện tích 12.520,5 m2, dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy dự kiến thu hồi một phần diện tích. Tuy nhiên, do đông thừa kế, nên diện tích còn lại khó phân chia sản xuất sau này. Được ủy quyền của các đồng thừa kế, ông V đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng và Hội đồng GPMB huyện H tính toán thu hồi hết diện tích. Vì vậy, Hội đồng GPMB huyện H đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng và được phê duyệt tại Quyết định số 2196/QĐ-UBND ngày 22-4-2017, với nội dung: Hỗ trợ 60% giá đất trồng cây hàng năm hàng 1 đồng bằng cho diện tích 12.520,5 m2; hỗ trợ 60% chuyển đổi ngành nghề, ổn định cho diện tích 4.000 m2;

không hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống cho diện tích 8.520,5 m2. Bồi thường 100% cây cối hoa màu; hỗ trợ công bồi trúc, khai hoang cho 14 đồng thừa kế, mỗi người 41 triệu đồng. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 1.472.831.000 đồng, đã được gia đình ông V nhận đầy đủ. Ngày 17-5-2018, ông Trần Công V ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và cam kết không khiếu nại gì về hồ sơ này.

Trên cơ sở kiến nghị của ông Trần Công V và kết quả giải quyết của UBND thành phố, UBND huyện H đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 thu hồi của gia đình ông Trần Công V diện tích 12.520,5 m2. Như vậy, việc thu hồi đất là đúng quy định pháp luật và sự đồng ý của người có đất bị thu hồi.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- UBND xã H3, huyện H trình bày:

Thống nhất ý kiến trình bày của người bị kiện là UBND huyện H. Ông Trần Công V đã nhận đầy đủ các chế độ bồi thường khi có đất bị thu hồi.

- Công ty Cổ phần V1 trình bày:

Do yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định di dời Trạm trộn bê tông của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ V2 từ Hòa Cầm lên xã H3, huyện H. Thực hiện chủ trương trên, Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ V2 đã trình quy hoạch tổng mặt bằng và được UBND thành phố Đà Nẵng “Phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ V2 tại thôn TN Tây, xã H3, huyện H” tại Quyết định số 6268/QĐ-UBND ngày 02-8-2008. Tiếp đó, ngày 17-3-2009, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2006/QĐ-UB về việc “Thu hồi đất, cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ V2 thuê đất để xây dựng cơ sở sản xuất bê tông xi măng thương phẩm”.

Đến năm 2010, do tình hình sản xuất kinh doanh không được thuận lợi, Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ V2 chuyển dự án trên cho Công ty Cổ phần V1 và được UBND thành phố Đà Nẵng điều chỉnh đơn vị thuê đất tại Quyết định số 5282/QĐ-UBND ngày 17-7-2010. Ngày 05-8-2010, Công ty Cổ phần V1 ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng. Từ đó đến nay, công ty đã dử dụng liên tục và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước. Theo các văn bản nêu trên, diện tích đất mà công ty thuê là 8.558,6 m2 nhưng thực tế sử dụng chỉ là 6.800 m2, diện tích còn thiếu là 1.756,6 m2. Sở dĩ có việc này là do phần đất cấp cho công ty, hộ ông Trần Công D (ở sát bên cơ sở sản xuất của công ty) không chịu bàn giao đất. Công ty đã nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng địa phương để được giải quyết, nhưng vẫn chưa có kết quả. Đến năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng quy hoạch xây dựng Nhà máy dăm gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai. Theo quy hoạch này, ranh giới của Nhà máy dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai không nằm trong phần diện tích của công ty chưa giải tỏa, mà được xác định đất này vẫn nằm trong quy hoạch đất cấp cho Công ty Cổ phần V1.

Được biết gia đình ông Trần Công D mà đại diện là ông Trần Công V đã có đơn xin đi hẳn và đề nghị được nhận tiền đền bù 1 lần phần diện tích 12.520,5 m2, trong đó có phần diện tích mà công ty chưa nhận được, nên công ty đã đề nghị Ban giải tỏa đền bù số 3, thành phố Đà Nẵng xin được giao phần diện tích còn thiếu cho công ty. Xét thấy đề nghị của công ty hợp lý, Ban giải tỏa đền bù số 3, thành phố Đà Nẵng đồng ý giao diện tích đất còn lại cho công ty, vì đất này đã có quy hoạch đất cấp cho công ty, mà trước đây chưa giải tỏa được.

- Công ty Cổ phần Đ trình bày:

Công ty được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch 1 khu đất đối với diện tích là 57.090 m2 để xây dựng Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy. Trên diện tích này có 65 hồ sơ giải tỏa, thì đã có 64 hồ sơ bàn giao mặt bằng, chỉ còn 1 hồ sơ của hộ ông Trần Công V chưa bàn giao. Gia đình ông V khởi kiện và được Tòa án thành phố Đà Nẵng và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử. Hai bản án đều thống nhất là Hòa Vang làm đúng cho nên không hủy các quyết định thu hồi đất như ông V khởi kiện. Còn hồ sơ giải tòa số 3, thì gia đình ông Trần Công V đã thống nhất bàn giao mặt bằng với diện tích là 12.520,5 m2 tại Biên bản bàn giao mặt bằng ngày 29-5-2017. Trong biên bản bàn giao, ông V có viết: “Tôi đã rút đơn tại Tòa án nhân dân quận H4. Tôi cam kết không khiếu nại hồ sơ này” và ông V đã nhận đủ số tiền là 1.472.831.000 đồng. Cụ thể như sau: Dự án dăm gỗ Đồng Nai diện tích 8.311,3 m2; diện tích chồng lấn Công ty Cổ phần V1 là 1.756,6 m2; diện tích ngoài vệt thu hồi là 2.452,6 m2. Đúng theo quy hoạch được phê duyệt cho Công ty Cổ phần Đ thì Hòa Vang chỉ thu hồi đất của gia đình ông V là 8.311,3 m2 và Hòa Vang cũng đã có quyết định thu hồi đất với diện tích nêu trên, nhưng do gia đình ông V có đơn đề nghị đền bù đi hẳn thửa đất vào Dự án nhà máy dăm mảnh gỗ Đồng Nai, nên UBND huyện H xét đơn của ông V và ra Quyết định số 6225/QĐ-UB ngày 08-5-2018 thu hồi diện tích là 12.520.5 m2 làm như vậy là đúng với nguyện vọng của dân và cũng đúng với luật pháp. Còn hiện nay gia đình ông Trần Công V khởi kiện cho rằng UBND huyện H làm sai, thu hồi thêm 1.756.6 m2 mà đất chồng lấn với V1 đất ngoài vệt là sai, bởi V1 đã có quy hoạch trước rồi, nhưng chưa giải tỏa được.

Việc thu hồi 2.452,6 m2 mà hiện nay UBND xã H3 quản lý mới gọi là đất thu hồi ngoài vệt, nhưng thu hồi theo nguyện vọng của gia đình. Hiện nay đất này để hoang, nhưng cũng phải thu hồi thì mới đúng luật. Công ty cùng với UBND huyện H đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng gia đình ông V luôn khởi kiện là ảnh hưởng đến việc sản xuất của công ty. Vì vậy, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án nhanh chóng để tạo điều kiện cho công ty sớm ổn định sản xuất.

- Ông Trần Công H5 trình bày: UBND huyện H thu hồi đất của gia đình chúng tôi là không hợp lý. Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công V.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 35/2019/HC-ST ngày 21-11-2019, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng:

Căn cứ các Điều 30, 32, 116, 158, 193, 204 và Điều 206 của Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công V về việc: Hủy một phần Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của Ủy ban nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy đối với phần diện tích thu hồi ngoài ranh giới dự án để cấp cho Trạm trộn Bê tông thương phẩm V1; trả lại đất nguyên hiện trạng ban đầu đối với diện tích thu hồi ngoài ranh giới của gia đình ông; buộc Ủy ban nhân dân huyện H bồi thường thiệt hại số tiền mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí hành chính sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 09-12-2019, ông Trần Công V kháng cáo bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Do không được Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu hủy một phàn quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và bồi thường thiệt hại nên ngày 09-12-2019, ông Trần Công V kháng cáo bản án sơ thẩm; đơn kháng cáo của đương sự là trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 206 của Luật Tố tụng hành chính. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, người kháng cáo bổ sung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy một phần Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của Ủy ban nhân dân huyện H và xem xét lại việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc người khởi kiện phải nộp án phí sơ thẩm có giá ngạch do không được chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại; người bị kiện giữ nguyên quyết định hành chính đã ban hành. Như vậy, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính: Bác kháng cáo của ông Trần Công V, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của người khởi kiện (ông Trần Công V):

[2.1]. Về việc thu hồi đất theo Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của UBND huyện H, thành phố Đà Nẵng:

Theo xác nhận của UBND xã H3 ngày 28-01-2019, thửa đất số 26, tờ bản đồ số 379 (hồ sơ số 3) đối chiếu với hồ sơ 64/CP thuộc thửa đất số 994, tờ bản đồ số 20 và thửa đất số 267, tờ bản đồ số 7, loại đất hoang đồi. Hộ bà Đặng Thị Nh1 (chết); ông Trần Công V đại diện tự khai hoang sử dụng từ sau ngày 15-10-1993 và trước ngày 01-4-2004, tổng diện tích đo đạc là 12.520,5 m2. Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện H đã trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt hỗ trợ theo chính sách đối với phần diện tích 8.311,3 m2; đối với phần diện tích đất còn lại là 4.311,3 m2 không hỗ trợ.

Ngày 05-5-2016, UBND huyện H ban hành Quyết định số 1074/QĐ-UBND về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy, theo đó thu hồi phần diện tích đất 8.311,3 m2, thuộc thửa đất số 26, tờ bản đồ số 379 (đối chiếu bản đồ 64/CP thuộc thửa đất số 994, tờ bản đồ số 20) do UBND xã - bà Đặng Thị Nh1 sản xuất tại xã H3, huyện H. Sau đó, ông Trần Công V có cung cấp các đồng thừa kế do bà Nh1 (là mẹ kế ông V - đã chết), nên UBND huyện H đã ban hành Quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 05-5-2016 về việc thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 05-5-2016 để quy chủ lại.

Căn cứ Giấy ủy quyền ngày 06-3-2017 của các đồng thừa kế; ngày 03-4-2017, ông Trần Công V có đơn kiến nghị, với nội dung: “Sau khi cha mẹ tôi là ông Trần Công D và bà Nguyễn Thị Giảng, mẹ kế bà Đặng Thị Nh1 qua đời có để lại cho anh em tôi thừa kế mảnh đất tờ bản đồ số 20, thửa 43a diện tích 12.520,5 m2. Dự án nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy Đồng Nai dự kiến thu hồi một phần diện tích. Tuy nhiên, do đông thừa kế nên diện tích đất còn lại khó cho việc phân chia để sản xuất sau này, nên được sự đồng ý của các đồng thừa kế, tôi đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng và Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện H tính toán thu hồi hết diện tích 100%”. Vì vậy, Hội đồng GPMB huyện H đã báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng và được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 2196/QĐ-UBND ngày 22-4-2017, với nội dung: Hỗ trợ 60% giá đất trồng cây hàng năm hàng 1 đồng bằng cho diện tích 12.520,5 m2; hỗ trợ 60% chuyển đổi ngành nghề, ổn định cho diện tích 4.000 m2; không hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống cho diện tích 8.520,5 m2. Bồi thường 100% cây cối hoa màu; hỗ trợ công bồi trúc, khai hoang cho 14 đồng thừa kế, mỗi người 41 triệu đồng, tổng số tiền bồi thường hỗ trợ là 1.472.831.000 đồng và gia đình ông Trần Công V đã nhận đủ. Ngày 19-5-2017, ông Trần Công V ký biên bản bàn giao mặt bằng cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng và cam kết không khiếu nại gì về hồ sơ này.

Trên cơ sở kiến nghị của ông Trần Công V và kết quả giải quyết của UBND thành phố Đà Nẵng, UBND huyện H ban hành Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 thu hồi của gia đình ông Trần Công V diện tích 12.520,5 m2 và được phân bố, quản lý như sau: Phần diện tích đất 8.311,3 m2 giao cho dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ và nguyên liệu giấy; phần diện tích đất 1.756,6 m2 chồng lấn Công ty Cổ phần V2, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2807/QĐ-UBND ngày 05-7-2018 để điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho Công ty Cổ phần V1 sử dụng; phần diện tích đất còn lại hiện do UBND xã H3 quản lý.

Ông Trần Công V cho rằng ông không biết trong diện tích 12.520,5 m2 có phần diện tích đất 1.756,6 m2 chồng lấn Công ty Cổ phần V1. Tuy nhiên, tại Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường lập ngày 21-01-2015 thể hiện rõ vị trí, diện tích đất thu hồi là 8.311,3 m2 và vị trí, diện tích đất 1.756,6 m2 chồng lấn Công ty Cổ phần V1 (ông Trần Công V đã ký tên);

ngoài ra, ông Trần Công V cho rằng Bản đồ hiện trạng do UBND huyện H ra quyết định thu hồi đất đã chỉnh sửa ranh giới khác với bản đồ hiện trạng do Trung tâm đo đạc bản đồ xác lập ngày 21-01-2015, nhưng qua đối chiếu hai tài liệu này, thì phần diện tích đất đều nằm tại thửa đất số 26, tờ bản đồ địa chính 379, có diện tích 12.520,5 m2, các số liệu xác định tọa độ, ký hiệu X, Y và chiều dài đều trùng khớp với nhau, nên không có cơ sở để cho rằng UBND huyện H đã chỉnh sửa lại ranh giới. Trong phần diện tích 12.520,5 m2, cả hai tài liệu đều xác định rõ phần diện tích 1.756,6 m2 là phần diện tích chồng lấn Công ty Cổ phần V1 và được giao cho công ty tại Quyết định số 2006/QĐ-UBND ngày 17-3-2009 của UBND thành phố Đà Nẵng, với diện tích chung là 8.558,6 m2.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định: “Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của UBND huyện H về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy là đúng thủ tục, trình tự về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật Đất đai” là có căn cứ.

[2.2]. Về việc yêu cầu UBND huyện H trả lại đất nguyên hiện trạng ban đầu đối với diện tích thu hồi ngoài ranh giới; bồi thường thiệt hại số tiền mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu):

Do xác định UBND huyện H ban hành Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 “Về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy” đối với hộ ông Trần Công D và bà Đặng Thị Nh1 (đều đã chết), mà người đại diện là ông Trần Công V đúng pháp luật; đồng thời, quá trình làm thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thì ông Trần Công V đại diện cho các đồng thừa kế đã nhận đủ số tiền bồi thường, hỗ trợ và cam kết không khiếu nại gì; do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại khoản mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu) là đúng pháp luật.

[2.3]. Về kháng yêu cầu xem xét số tiền án phí sơ thẩm:

Ngoài yêu cầu hủy một phần Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của Ủy ban nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy đối với phần diện tích thu hồi ngoài ranh giới dự án để cấp cho Trạm trộn Bê tông thương phẩm V1, thì người khởi kiện còn yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện H bồi thường thiệt hại số tiền mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu) và yêu cầu này đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, nhưng do không có căn cứ, nên không chấp nhận. Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì người khởi kiện phải chịu án phí sơ thẩm có giá ngạch đối với yêu cầu bồi thường không được chấp nhận.

Như vậy, kháng cáo của ông Trần Công V đã được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, nhưng không có cơ sở để chấp nhận.

[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên ông Trần Công V phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 241 của Luật Tố tụng hành chính.

- Bác kháng cáo của ông Trần Công V.

- Giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 35/2019/HCST ngày 21-11-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

2. Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a khoản 2 Điều 193 của Luật tố tụng hành chính.

Bác yêu cầu khởi kiện của ông Trần Công V về việc: Hủy một phần Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 08-5-2018 của Ủy ban nhân dân huyện H, thành phố Đà Nẵng về việc thu hồi đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng trong khu vực đất giải tỏa để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy đối với phần diện tích thu hồi ngoài ranh giới dự án để cấp cho Trạm trộn Bê tông thưởng phẩm V1; trả lại đất nguyên hiện trạng ban đầu đối với diện tích thu hồi ngoài ranh giới của gia đình ông; buộc Ủy ban nhân dân huyện H bồi thường thiệt hại số tiền mất thu nhập là 457.000.000 đồng và chi phí đầu tư là 52.200.000 đồng (nếu không trồng cây trả lại nguyên trạng ban đầu).

3. Quyết định về án phí sơ thẩm được thực hiện theo Bản án hành chính sơ thẩm số 35/2019/HCST ngày 21-11-2019 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

4. Về án phí:

Căn cứ khoản 1 Điều 349 của Luật Tố tụng hành chính; khoản 1 Điều 34 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

- Ông Trần Công V phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí hành chính phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0002522 ngày 17-12-2019 của Cục Thi hành án Dân sự thành phố Đà Nẵng, nay được chuyển thành án phí; ông Trần Công V đã nộp đủ án phí hành chính phúc thẩm.

5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

367
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 75/2020/HC-PT

Số hiệu:75/2020/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 29/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về