TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 98/2018/HS-PT NGÀY 26/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 75/2018/HSPT ngày 20 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo Phạm M. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018 HS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Bị cáo có kháng cáo: Phạm M, sinh ngày 06 tháng 10 năm 1985; trú tại: thôn A, xã H, huyện S, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: không; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn Đ và bà Lê Thị P; vợ Nguyễn Thị N, sinh năm 1986 và 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 18-12-2017.
Nhân thân: ngày 22/9/2010, bị Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình xử phạt 09 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản” nhưng cho hưởng án treo, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Bị hại: Anh Nguyễn T, sinh năm 1990. Địa chỉ: thôn X, xã H, huyện S, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 11-11-2017, Nguyễn T đến quán “Nhớ lại đến” thuộc thôn X, xã H để uống bia cùng với Phan Đông K. Ngồi uống bia được khoảng 30 phút thì T gọi điện rủ Lê Thanh B và Mai Xuân V đến uống bia chung. Khi B và V đến thì K đứng lên tính tiền đi về trước vì nhà có việc; trong bàn lúc này chỉ còn T, B và V. Sau đó, B gọi điện thoại cho bị cáo Phạm M đến để uống bia. Nghe điện thoại xong, bị cáo điều khiển xe mô tô hiệu Dream biển số 43H6-3035 từ nhà đến quán “Nhớ lại đến”. Trong lúc uống bia giữa T và M nói qua nói lại xảy ra mâu thuẫn vì T có những lời nói thô tục, thiếu tôn trọng mọi người trong bàn nhậu; T nói với bị cáo: “Mi đừng có chơi nhớp”, bị cáo trả lời: “Cỡ như mi tau lên nhà khi nào không được mi đừng có hù tau”, nghe bị cáo nói vậy, T liền cầm hai chiếc ly thủy tinh loại ly dùng để uống bia đập xuống nền nhà. Lúc này, thấy T đã say nên anh Lê Văn A (chủ quán nhậu “Nhớ lại đến”) và B kéo T ra trước quán để đi về; tại bàn nhậu V đi vệ sinh chỉ còn bị cáo ngồi lại bàn. Khi T được B dìu ra trước quán để chuẩn bị ra về thì bị cáo đứng dậy đi thẳng về phía T, vừa đi bị cáo vừa dùng tay phải thò vào túi quần phía trước bên phải của mình lấy ra 01 con dao bấm màu đen, dài khoảng 20cm và bật phần lưỡi dao lên. Khi đi đến đối diện với T, cách khoảng 01 mét, bị cáo vung tay phải cầm dao đâm vòng tay một nhát từ sau ra trước vào vùng bụng bên trái của . Đâm xong bị cáo cầm dao bỏ đi còn T được B và V đưa đi cấp cứu tại bệnh viện H, huyện B sau đó chuyển bệnh viện Đa khoa N để điều trị; đến ngày 17-11-2017 thì xuất viện.
Tại bản giám định thương tích số 334/GĐTT.17 ngày 04-12-2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Nam kết luận: Vết thương thấu bụng gây rách cơ thành bụng và đầu trong xương sườn số X bên trái, rách mạc nối lớn và thanh mạc dạ dày đã được phẫu thuật khâu lại thanh mạc dạ dày, cầm máu mặc nối lớn, khâu cơ và phúc mạc tạm ổn. Tỷ lệ thương tích là 25%.
Về phần dân sự: Bị hại anh Nguyễn T yêu cầu bị cáo bồi thường chi phí điều trị thương tích cho mình với số tiền 13.244.000 đồng.
Với nội dung vụ án như trên, tại bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HS-ST ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Quế Sơn đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Phạm M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017; điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009; xử phạt bị cáo Phạm M 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam (18-12-2017).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, việc xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Vào ngày 05-02-2018, bị cáo Phạm M kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm M có đơn kháng cáo trong hạn luật định theo quy định tại các Điều 331, 333, 334 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của bị cáo là hợp pháp.
Hành vi dùng con dao bấm là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người bị hại anh Nguyễn T với tỷ lệ 25% của bị cáo M bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án và xử phạt 18 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có đơn kháng cáo, gia đình bị cáo đã bồi thường cho người bị hại 7.500.000 đồng, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên xét mức án mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là phù hợp, không nặng; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị cáo không tranh luận, xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về thủ tục tố tụng:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm M có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và trong hạn luật định theo đúng quy định tại các Điều 331, 333, 334 của Bộ luật tố tụng Hình sự nên kháng cáo của bị cáo là hợp pháp.
Về nội dung vụ án:
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm M khai nhận: Do bực tức về việc T có những lời nói thô tục, thiếu tôn trọng người trong bàn nhậu; T nói với bị cáo: “Mi đừng có chơi nhớp”, bị cáo trả lời: “Cỡ như mi tau lên nhà khi nào không được mi đừng có hù tau”, nghe bị cáo nói vậy, T liền cầm hai chiếc ly thủy tinh loại ly dùng để uống bia đập xuống nền nhà. Lúc này, thấy T đã say nên anh Lê Văn A và B kéo T ra trước quán để đi về. Khi T được B dìu ra trước quán để chuẩn bị ra về thì bị cáo đứng dậy đi thẳng về phía T, vừa đi bị cáo vừa dùng tay phải thò vào túi quần phía trước bên phải của mình lấy ra 01 con dao bấm màu đen, dài khoảng 20cm và bật phần lưỡi dao lên. Khi đi đến đối diện với T, cách khoảng 01 mét, bị cáo vung tay phải cầm dao đâm vòng tay một nhát từ sau ra trước vào vùng bụng bên trái của T gây thương tích cho T với tỷ lệ là 25 %, bị cáo nhận tội xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
[3] Xét lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, vật chứng thu giữ, kết quả giám định thương tích và các tài liệu, chứng cứ được chứng minh có tại hồ sơ vụ án; Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Hành vi dùng con dao bấm là hung khí nguy hiểm, đâm vào người anh T gây thương tích với tỷ lệ 25%, nên bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng pháp luật.
[4] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất của vụ án, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 để làm căn cứ xử phạt bị cáo Phạm M 18 tháng tù là có căn cứ, phù hợp. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có đơn kháng cáo, gia đình bị cáo tiếp tục bồi thường cho bị hại Nguyễn T số tiền 7.500.000 đồng, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, xét mức án mà Toà án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 18 tháng tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là phù hợp, không nặng. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Bản án sơ thẩm buộc bị cáo M phải tiếp tục bồi thường cho anh Nguyễn T số tiền là 12.244.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại Nguyễn T chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 7.500.000 đồng, gia đình bị cáo Phạm M đã bồi thường xong cho bị hại T số tiền 7.500.000 đồng. Đây là sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự tại cấp phúc thẩm nên Hội đồng xét xử công nhận theo quy định tại Điều 300 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[6] Về việc áp dụng pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm có những sai sót như sau: Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng điều luật để giải quyết về trách nhiệm dân sự là thiếu sót. Về xử lý vật chứng, áp dụng điểm a, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 là không đúng, vì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01-01-2018 nên được áp dụng. Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục những sai sót nêu trên phù hợp với quy định của pháp luật: về trách nhiệm dân sự áp dụng Điều 584; 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; về xử lý vật chứng áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[7] Kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
[8] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không xét.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm M, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.
Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
Xử phạt Phạm M 18 (Mười tám) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, ngày 18-12-2017.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584; 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 300 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bị cáo Phạm M phải bồi thường cho bị hại Nguyễn T số tiền 7.500.000 đồng; gia đình bị cáo đã thi hành xong khoản bồi thường này.
Về xử lý vật chứng: áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) con dao bằng kim loại màu đen, có chiều dài 20cm, loại dao bấm, lưỡi dao dài 10cm, có mũi nhọn; 01 (một) cái áo thun mày đen ngắn tay có cổ, mặt trước bên trái áo là logo có dòng chữ YIQING GIRL; mặt trước bên trái áo có vết rách dài 4,5cm, tâm vết rách cách lai áo dưới 16cm, cách lai áo bên trái là 08cm.
Bị cáo Phạm M phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 98/2018/HS-PT ngày 26/04/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 98/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/04/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về