TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 162/2017/HSPT NGÀY 15/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 15 tháng 9 năm 2017, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 137/2017/HSPT ngày 16/8/2017 đối với bị cáo Trần Đức H, do bị cáo và người bị hại kháng cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 143/2017/HSST ngày 27/06/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa.
- Bị cáo kháng cáo: Trần Đức H, sinh năm 1968; trú tại: 30/132 đường Đ, phường N, thành phố H; trình độ văn hóa: 5/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Trần Đức M, sinh năm 1948 và bà Kiều Thị L (đã chết); vợ là Nguyễn Thị X; có 03 con (lớn sinh năm 1990, nhỏ sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú” từ ngày 24/01/2017 (có mặt).
- Người bị hại có kháng cáo: Anh Trần Đức V, 1972 (có mặt). Địa chỉ: SN 28/132 đường Đ, phường N, thành phố H.
NHẬN THẤY
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thanh Hóa (sau đây viết tắt là VKSND) và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dânthành phố Thanh Hóa (sau đây viết tắt là TAND), bị cáo Trần Đức H bị xét xử về hành vi phạm tội như sau:
Anh Trần Đức Lương làm nhà để vật liệu xây dựng rơi trên mái nhà của anh Trần Đức V (anh trai của Lương). Khoảng 8h ngày 25/11/2016 Trần Đức V sang đứng trước cửa nhà Lương chửi bới thợ xây, lúc này Lương có ra can ngăn, do bực tức nên V lấy một viên gạch chỉ lao vào định đánh Lương nhưng được anh Nguyễn Văn Tú là thợ sơn nhà cho Lương lại ôm V can ngăn. Do bực tức vì bị V chửi bới nênTrần Đức H (là anh trai của Lương và V) lấy 01 ống tuýp nước dài 50cm, màu xám có đường kính 1,5cm, một đầu ống có gắn cút 90 độ (dùng làm tay phanh máy tời) lại vụt 01 cái vào chân Trần Đức V gây thương tích. Sau khi bị thương V được đưa đi Bệnh viện Hợp Lực sơ cứ rồi chuyển ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội điều trị từ ngày 25/11/2016 đến ngày 30/11/2016 ra viện.
Tại Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể ngày 25/11/2016, anh Trần Đức V bị các thương tích sau:
- Sưng nề, biến dạng bên phải.
- 02 vết thương chân phải, một vết có KT (1cm x 1cm).
Tại trích sao Bệnh án của Bệnh viện Việt Đức ngày 25/11/2016 chẩn đoán anh Trần Đức V bị gẫy hở độ 1 hai xương cẳng chân phải.
Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 09/2017/TTPY ngày 12/01/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 24% sức khỏe.
Theo báo cáo của anh Trần Đức V: Chi phí điều trị thương tích hết tổng số tiền: 184.778.000đ. Hai bên không thỏa thuận được đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết theo quy định.
Ngày 17/4/2017, bị cáo Trần Đức H tự nguyện giao nộp số tiền 20.000.000đ khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Đối với ống tuýp nước bị cáo dùng làm hung khí gây thương tích cho anh V, ngày 26/11/2016 H đã giao nộp cho Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 143/2017/HSST ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa đã Quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Trần Đức H phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng: Khoản 2 Điều 104; điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật hình sự (sau đây viết tắt là BLHS).
Xử phạt: Trần Đức H 30 (ba mươi) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo bồi thường cho anh Trần Đức V số tiền 58.479.000đ, được trừ đi số tiền 20.000.000đ bị cáo đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa, bị cáo còn phải bồi thường tiếp cho anh V số tiền 38.479.749đ.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên xử lý vật chứng, án phí và giành quyền kháng cáo cho các bên theo quy định của pháp luật.
Ngày 29/6/2017, bị cáo Trần Đức H có đơn kháng cáo với nội dung: Xin hưởng án treo với lý do: Bị cáo phạm tội lần đầu; khai báo thành khẩn; đã khắc phục hậu quả; phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động; người bị gây thương tích là em ruột; hiện tại bị cáo đang trực tiếp chăm sóc bố đẻ già yếu.
Ngày 12/7/2017, người bị hại là anh Trần Đức V có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm không cho bị cáo hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị cáo và người bị hại giữ nguyên kháng cáo.
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Thanh Hóa tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự (sau đây viết tắt là BLTTHS), chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Đức H, không chấp nhận kháng cáo của bị hại Trần Đức V, giữ nguyên mức phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các tài liệu,chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa,trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu,chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và người bị hại..
XÉT THẤY
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Đức H khai nhận: Bị cáo là anh ruột của Trần Đức Lương và Trần Đức V, bị cáo trực tiếp trông coi việc xây nhà cho Lương, do thợ xây làm rơi vật liệu lên mái nhà của V nên sáng ngày 25/11/2016 V sang nhà Lương chửi bới, bị cáo và mọi người đã can ngăn nhưng V vẫn cầm gạch định đánh nhau với Lương, do bực tức nên bị cáo đã cầm đoạn tuýp sắt dùng làm tay tời vật liệu, một đầu có cút cong hình chữ L vụt một cái vào cẳng chân của V.
Do bị cáo dùng hung khí nguy hiểm gây tổn hại sức khỏe cho anh V trên 11%, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 109 BLHS năm 1999 như án sơ thẩm đã xử là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
Xét kháng cáo của bị cáo xin hưởng án treo và kháng cáo của người bị hại không đồng ý cho bị cáo hưởng án treo thấy rằng:
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sức khỏe của người khác trái pháp luật, gây mất trật tự tri an xã hội nên cần xử lý nghiêm để cải tạo bị cáo và giáo dục phòng ngừa chung. Khi quyết định hình phạt bị cáo đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo; đã tự nguyện khắc phục bồi thường một phần cho người bị hại theo điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 là chính xác, mức án đã xử 30 tháng tù là đảm bảo sự nghiêm minh.
Tuy nhiên trong vụ án này cũng cần xem xét, giữa bị cáo và người bị hại là anh em ruột của nhau, nguyên nhân dẫn đến vụ án người bị hại cũng có lỗi một phần, chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ do thợ xây của bị cáo H trong khi xây nhà cho Lương để vật liệu rơi xuống mái nhà của V, (Lương cũng là anh trai của V), anh V không dùng lời nói nhắc nhở đúng mức mà có hành vi chửi bới, đã được mọi người can ngăn vẫn cầm gạch định đánh anh Lương. Bị cáo H là anh trai của cả V và Lương và là người trực tiếp trông coi việc xây dựng cũng nóng nảy thiếu kiềm chế đã có hành vi dùng ống tuýp sắt đánh vào cẳng chân gây tổn hại 24%sức khỏe cho anh V.
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo xuất trình chứng cứ chứng minh: Sau khi xử sơ thẩm bị cáo đã tự nguyện nộp đủ số tiền còn lại 38.479.749 đ để bồi thường cho anh V và tiền án phí hình sự sơ thẩm theo bản án sơ thẩm đã tuyên. Điều đó chứng tỏ bị cáo ăn năn hối cải, tích cực sửa chữa sai phạm; bị cáo cũng được Chính quyền địa phương xác nhận là lao động chính đang nuôi dưỡng ông Trần Đức M (là bố đẻ của bị cáo và là người trực tiếp thờ cúng Liệt sỹ Trần Văn Thành), hiện nay ông M đã già yếu. Đây là tình tiết mới được xem xét theo khoản 2 Điều 46 BLHS. Ngoài ra căn cứ khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về thực hiện những quy định có lợi cho người phạm tội, sửa bản án sơ thẩm về áp dụng điều luật, xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 của BLHS năm 2015 (khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 có khung hình phạt nhẹ hơn so với khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999).
Xét bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và có nơi cư trú ổn định rõ ràng. Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đề nghị của Kiểm sát viên: Giữ nguyên mức phạt tù cho bị cáo hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách, không chấp nhận kháng cáo của người bị hại. Như vậy cũng đủ điều kiện để bị cáo tự cải tạo thành người tốt mà không ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa phương.
Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm do được Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 BLTTHS .
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Đức H, không chấp nhận kháng cáo của bị hại Trần Đức V, sửa bản án sơ thẩm số 143/2017/HSST ngày 27/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về biện pháp chấp hành hình phạt.
Áp dụng: Khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999; điểm b, điểm p khoản 1; khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 BLHS năm 1999; khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Xử phạt: Bị cáo Trần Đức H 30 (ba mươi) tháng tù cho hưởng án treo về tội: “Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân phường N, thành phố Thanh Hóa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 1 Điều 69 Bộ luật hình sự.
Công nhận bị cáo Trần Đức H đã nộp đủ số tiền bồi thường thiệt hại sức khỏe cho anh Trần Đức V 58.479.745(năm tám triệu bốn trăm bảy chín ngàn bảy trăm năm tư đồng) và tiền án phí hình sự sơ thẩm; án phí dân sự sơ thẩm theo bản án sơ thẩm đã tuyên.
Anh Trần Đức V được nhận số tiền 58.479.745đ do bị cáo Trần Đức H đã nộp theo Biên bản giao nhận vật chứng ngày 18/4/2017 giữa Công an thành phố Thanh Hóa và Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa; Biên lai thu số 00001702 ngày 15/8/2017; Biên lai thu số 00001707 ngày 17/8/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thanh Hóa.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo không phải nộp.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 162/2017/HSPT ngày 15/09/2017 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 162/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 15/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về