Bản án 96/2018/HSPT ngày 14/03/2018 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 96/2018/HSPT NGÀY 14/03/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG

Ngày 14 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 38/2018/TLPT-HS ngày 29/01/2018 đối với bị cáo L.V.C, do có kháng cáo của bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 61/2017/HSST ngày 19/12/2017 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: L.V.C sinh năm: 1966; tại: tỉnh H.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn 2, xã X, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Dân tộc: Kinh; trình độ văn hóa: không đi học; nghề nghiệp: Làm nông; Con ông A, sinh năm 1934, hiện sinh sống tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và con bà B (đã chết).

Bị cáo có vợ là C, sinh năm 1978; Bị cáo có 04 người con (lớn nhất sinh năm 2001, nhỏ nhất sinh năm 2017), hiện trú tại: Thôn 2, xã X, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Tiền án: Ngày 05/11/2013 bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 09 tháng tù về tội Đánh bạc (đã chấp hành xong);

Tiền sự: 01 tiền sự về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 21 giờ 00 phút ngày 15/5/2017 tại thôn 13, xã X, huyện E, tỉnh Đắk Lắk Công an huyện E phát hiện bắt quả tang L.V.C có hành vi sử dụng xe ô tô mang biển số 81C – 077.30 vận chuyển trái phép 11 hộp gỗ Re rừng thuộc nhóm IV. Cấp khai nhận vận chuyển thuê cho một người đàn ông dân tộc Mông không rõ họ tên, địa chỉ với giá 1.000.000 đồng nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số gỗ trên.

Quá trình điều tra xác định: Ngày 13/10/2016, L.V.C bị Hạt kiểm lâm huyện E xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, đến ngày 15/5/2017 chưa hết thời gian chấp hành quyết định xử phạt hành chính đã tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như trên.

Vật chứng của vụ án gồm: 01 xe ô tô tải màu xanh, biển số 81C – 077.30 và 11 hộp gỗ tổng khối lượng 2,701 m3. Chiếc xe ô tô cơ quan điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Tại bản kết luận giám định ngày 28/7/2017 của Hội đồng giám định tư pháp thuộc Chi cục kiểm lâm và khoa nông lâm Trường đại học T.N kết luận: Về khối lượng gỗ xẻ 2,701 m3 gồm 11 hộp; quy gỗ xẻ thành gỗ tròn 2,701 x 1,6 = 4,322 m3  gỗ tròn. Về chủng loại gỗ: Tên Việt Nam Re gừng; tên khoa học: Litsea annanensis H.Lec, thuộc nhóm IV.

Tại biên bản định giá tài sản trong tố tụng Hình sự số 44/KL – ĐGTS, ngày 19/9/2017 của Hội đồng định giá tài sản số 293 kết luận: 11 hộp gỗ xẻ, chủng loại Re gừng, thuộc nhóm 4 có tổng khối lượng 2,701 m3, trị giá 10.804.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2017/HSST ngày 19/12/2017 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo L.V.C phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Áp dụng  điểm b, khoản 1 Điều 175, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt: bị cáo L.V.C 09 (chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/12/2017, bị cáo L.V.C kháng cáo với nội dung xin được hưởng án treo hoặc giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo L.V.C khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã nêu.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo L.V.C về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 09 tháng tù là phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo bởi lẽ hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra bị cáo còn có 01 tiền án, bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 09 tháng tù về tội “Đánh bạc”; bị cáo có 01 tiền sự, bị Hạt kiểm lâm huyện E xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, bị cáo không lấy đó làm bài học nhưng xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý của nhà nước đối với tài nguyên thiên nhiên nên đã phạm tội. Do đó đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo L.V.C, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 61/2017/HSST ngày 19/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện E về mức hình phạt. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo L.V.C 09 tháng tù.

Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì thêm mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo L.V. C phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo L.V.C, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Mức hình phạt 09 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Bởi lẽ, bị cáo L.V.C vận chuyển lâm sản không rõ nguồn gốc là hành vi vi phạm pháp luật, với ý thức coi thường pháp luật, coi thường sự quản lý của nhà nước đối với tài nguyên thiên nhiên nên bị cáo đã có hành vi vận chuyển trái phép 2,701 m3 gỗ trị giá 10.804.000 đồng. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, bản thân bị cáo không được đi học (không biết chữ), do vậy nhận thức về pháp luật còn hạn chế, gia đình bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình, làm nghề lái xe thuê nuôi vợ và 04 người con (con lớn sinh năm 2001, con nhỏ nhất sinh năm 2017). Tuy nhiên, trong quá trình xét xử tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, cấp sơ thẩm không áp dụng thêm điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là thiếu sót. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần phải áp dụng điểm g, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.

[3] Về án phí: Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo L.V.C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo L.V.C, sửa bản án sơ thẩm số 61/2017/HSST ngày 19/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện E về mức hình phạt.

Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 175; điểm g, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt: bị cáo L.V.C 05 (năm) tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

[2] Án phí: Bị cáo L.V.C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

430
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 96/2018/HSPT ngày 14/03/2018 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu:96/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về