TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 96/2018/DS-PT NGÀY 08/02/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC
Ngày 08 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 388/2017/TLPT-DS ngày 14 tháng 12 năm 2017 về tranh chấp “Hợp đồng đặt cọc”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 99/2017/DS-ST ngày 11/9/2017, của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 01/2018/QĐ-PT ngày 02 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Châu Văn H, sinh năm 1965 (có mặt).
Địa chỉ: Ấp V, xã V, huyện T, tỉnh Long An.
- Bị đơn: Bà Phạm Thị D, sinh năm 1965 (có mặt).
Địa chỉ: Ấp A, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Đoàn Thanh T là Luật sư, cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Tiền Giang (có mặt).
- Người kháng cáo: Bị đơn Phạm Thị D.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo bản án sơ thẩm, nguyên đơn Ông Châu Văn H trình bày:
Vào ngày 11/04/2017 ông có ký hợp đồng mua bán lúa tươi với bà D. Theo hợp đồng thỏa thuận mua bán, bên ông mua 100 công, giống lúa là IR 504, giá là 4.250 đồng/1 kg, số tiền đặt cọc là 20.000.000 đồng, ngày cắt lúa là 24/4/2017 âm lịch, ngày cân lúa 25/4/2017 âm lịch. Đến ngày 24/4/2017 âm lịch ghe mua lúa của ông đến địa phương nhưng bà D chưa có cắt lúa nên ngày 25/4/2017 âm lịch chưa có lúa để giao, hai bên thống nhất dời ngày giao lúa vào ngày 26/4/2017 âm lịch và bà D chỉ giao được có 24 tấn lúa tương đương 8.000.000 đồng, số lúa còn lại bà D không có lúa để giao đúng theo hợp đồng và trừ đi 8.000.000 đồng tiền cọc, còn lại 12.000.000 đồng tiền cọc bà D không có trả.
Nay ông yêu cầu buộc bà D trả lại 12.000.000 đồng tiền cọc cho ông, do bà D đã vi phạm hợp đồng mua bán.
- Bị đơn Bà Phạm Thị D trình bày:
Bà có ký hợp đồng mua bán lúa tươi - khô với ông H vào ngày 11/4/2017, bán lúa loại IR504 trên 100 công với giá 4.250 đồng/1 kg, ngày cắt lúa 24/4/2017 âm lịch, ngày giao lúa 25/4/2017 âm lịch. Ông H sẽ lấy hết số lượng lúa của 100 công, giờ cắt lúa là 10 giờ, nếu trời mưa gió hai bên sẽ thỏa thuận giảm giá lúa. Bà nhận tiền đặc cọc của ông H là 20.000.000 đồng.
Từ ngày 24/4/2017 âm lịch đến ngày 26/4/2017 âm lịch bà cắt lúa được tổng cộng là 79 công, do trời mưa nên không cắt kịp 100 công để giao, đến ngày 27/4/2017 âm lịch mới cắt hết 21 công lúa còn lại.
Ngày 25/4/2017 âm lịch ông H có đến lấy lúa nhưng do trời mưa nên ông không có cân lúa, do đó hai bên thống nhất cân lúa vào ngày 26/4/2017, ông H cân được 22 tấn lúa tương đương là 8.000.000 đồng tiền đặc cọc thì không cân lúa nữa và cho nghe chạy đi, trong khi số lượng lúa vẫn còn nhiều. Nay ông H khởi kiện yêu cầu bà trả lại tiền cọc là 12.000.000 đồng bà không đồng ý, vì bà phải giao số tiền cọc 12.000.000 đồng của ông H cho thương lái khác để họ đồng ý mua số lúa còn lại theo giá mà ông H đã mua, nếu lúa bán không kịp sẽ bị mọc mầm gây thiệt hại cho bà con. Như vậy xem như ông H mất tiền cọc vì đã không lấy hết số lượng lúa của 100 công.
- Bản án dân sự sơ thẩm số: 99/2017/DS-ST ngày 11/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện C đã áp dụng các Điều 328, Điều 357, Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự; khoản 2 Điều 26, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Châu Văn H.
Buộc Bà Phạm Thị D trả cho Ông Châu Văn H 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) tiền đặt cọc. Thời gian thực hiện trả ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiềncòn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về án phí: Bà Phạm Thị D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 600.000 đồng.
Hoàn trả lại cho Ông Châu Văn H 300.000 đồng số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 14611 ngày 24/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, Tiền Giang.
- Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
- Ngày 15 tháng 9 năm 2017, bị đơn Bà Phạm Thị D có đơn kháng cáo không đồng ý trả cho nguyên đơn 12.000.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn có đơn trình bày và yêu cầu đưa 12 hộ dân tại xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang vào tham gia tố tụng vì có liên quan đến vụ án, do tiền cọc bà nhận từ ông H theo hợp đồng bà đã giao cho những người này để thực hiện việc cắt lúa và giao cho ông H.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng cấp sơ thẩm không đưa 12 hộ dân đã nhận tiền cọc như lời trình bày của bà D là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự hủy bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C.
Nguyên đơn trình bày: việc thực hiện hợp đồng là giữa nguyên đơn và bị đơn, 12 hộ dân mà bị đơn yêu cầu đưa vào tham gia tố tụng nguyên đơn không biết, nguyên đơn cũng không giao tiền cọc và mua bán lúa với những người mà bị đơn trình bày, nên yêu cầu Tòa án buộc bà D trả lại phần tiền cọc còn lại cho nguyên đơn.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến:
+ Về tố tụng: Kể từ ngày thụ lý vụ án đến nay Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tuân thủ đúng quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự.
+ Về nội dung vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đánh giá đầy đủ các chứng cứ tài liệu có liên quan đến vụ án và xét xử đúng pháp luật, nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên và những quy định pháp luật
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định mối quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với vụ án là có căn cứ đúng quy định của pháp luật theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 328 Bộ luật dân sự.
[2] Để thực hiện giao dịch mua bán lúa giữa nguyên đơn Châu Văn H và bị đơn Phạm Thị D ký hợp đồng ngày 11/04/2017. Theo hợp đồng thỏa thuận mua bán, bên ông H mua 100 công, giống lúa là IR 504, giá là 4.250 đồng/1 kg, số tiền đặt cọc là 20.000.000 đồng, ngày cắt lúa là 24/4/2017 âm lịch, ngày cân lúa là ngày 25/4/2017 âm lịch. Đến ngày 24/4/2017 âm lịch ghe mua lúa của ông H đến để nhận lúa nhưng bà D chưa cắt lúa nên ngày 25/4/2017 âm lịch chưa có lúa để giao, hai bên thống nhất dời ngày giao lúa vào ngày 26/4/2017 âm lịch và bà D chỉ giao được có 24 tấn lúa tương đương 8.000.000 đồng, số lúa còn lại bà D không có giao đúng theo hợp đồng và trừ đi 8.000.000 đồng tiền cọc, còn lại 12.000.000 đồng tiền cọc bà D không có trả, nên ông H yêu cầu buộc bà D trả lại số tiền 12.000.000 đồng tiền cọc còn lại cho ông, do bà D đã vi phạm hợp đồng mua bán đã ký. Bà D cho rằng vì bà phải giao số tiền cọc 12.000.000 đồngcủa ông H cho thương lái khác để họ đồng ý mua số lúa còn lại theo giá mà ôngH đã mua, nếu lúa bán không kịp sẽ bị mọc mầm gây thiệt hại cho bà con. Theo bà thì ông H mất tiền cọc vì đã không lấy hết số lượng lúa của 100 công.
[3] Qua tranh tụng tại phiên tòa và các tài liệu chứng cứ các bên đương sự cung cấp thể hiện giữa nguyên đơn Châu Văn H và bị đơn Phạm Thị D thỏa thuận ký kết “Hợp đồng mua bán lúa tươi - khô” vào ngày 11 tháng 4 năm 2017, trong hợp đồng thể hiện giống lúa, điều kiện máy cắt phải sạch, giờ cắt, số tiền đặt cọc, ngày cắt 24/4/2017 âm lịch, bên mua lúa hẹn ngày 25/4/2017 sẽ lấy hết số lúa đã đặt cọc trên, nếu không thì sẽ mất số tiền cọc, nếu không thực hiện đúng hợp đồng nêu trên thì sẽ trả lại cho bên mua gấp 02 lần số tiền đã đặc cọc ban đầu và một số thỏa thuận khác (Bút lục 26). Thực tế và bị đơn cũng thừa nhận bên ông H đã đặt tiền cọc 20.000.000 đồng, ghe chở lúa của ông H đã đến vào ngày 24/4/2017 âm lịch để ngày 25/4/2017 âm lịch nhận lúa, nhưng bà D chưa cắt và không có đủ lúa để giao và có thỏa thuận ngày 26/4/2017 âm lịch sẽ giao nhưng không giao đủ theo cam kết của hợp đồng do chưa cắt kịp số lúa đã cam kết.
[4] Xét về hợp đồng giữa hai bên đúng pháp luật, hai bên đương sự tự nguyện ký kết và chấp nhận các điều khoản của hợp đồng, hợp đồng phát sinh hiệu lực pháp luật cũng như phát sinh về quyền và nghĩa vụ của hai bên, việc thực hiện không đúng hợp đồng của bị đơn là sự chủ quan của bị đơn khi ký kết hợp đồng dẫn đến hậu quả vi phạm hợp đồng đã ký kết, bên nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ về nghĩa vụ về đặt cọc, về thời gian lấy lúa, các bên còn thỏa thuận dời ngày giao lúa một ngày (26/4/2017 Al). Từ đó, thể hiện việc không thực hiện đúng hợp đồng của bị đơn đối với nguyên đơn về nghĩa vụ thực hiện khi giao kết hợp đồng, phía nguyên đơn không có lỗi, do đó việc nguyên đơn đòi lại phần tiền đặt cọc là có cơ sở do bị đơn vi phạm nghĩa vụ, nguyên đơn chỉ đòi lại tiền cọc theo hợp đồng là có lợi cho bị đơn về tiền lãi, tiền phạt cọc theo hợp đồng và thực tế bị đơn cũng không ảnh hưởng gì do lúa bị đơn cắt xong đã bán cho người khác lấy tiền.
[5] Ngoài ra bị đơn kháng cáo cho rằng việc mua bán lúa này do bị đơn đại diện nhiều người dân trong ấp A, xã T, huyện C. Tuy nhiên, căn cứ vào hợp đồng giữa nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận ký kết “Hợp đồng mua bán lúa tươi- khô” vào ngày 11 tháng 4 năm 2017 không có thể hiện nội dung này, do đó nghĩa vụ và hậu quả của việc thực hiện hợp đồng này bị đơn phải chịu trách nhiệm, nếu có việc bị đơn giao tiền cho những người khác nếu phát sinh tranh chấp thì bị đơn khởi kiện bằng một vụ án khác. Nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu bị đơn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đặt cọc còn lại do bị đơn vi phạm hợp đồng, trong giao dịch thực hiện hợp đồng chỉ có nguyên đơn và bị đơn, những người khác nguyên đơn không có ký kết thực hiện. Do đó, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, bản án sơ thẩm xét xử có căn cứ đúng pháp luật cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C.
[6] Ý kiến phát biểu của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị hủy án sơ thẩm do vi phạm tố tụng do cấp sơ thẩm không xem xét và đưa 12 hộ dân ở xã T vào tham gia tố tụng. Ý kiến của luật sư đề nghị không có căn cứ về nội dung, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, nên không có cơ sở để chấp nhận.
[7] Ý kiến của Kiểm sát viên phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[8] Về án phí: Do không có căn cứ chấp nhận việc kháng cáo của bị đơn , nên bị đơn phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, Điều 293 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Không chấp nhận kháng cáo của Bà Phạm Thị D.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 99/2017/DS-ST ngày 11/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện C.
- Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông Châu Văn H.
Buộc Bà Phạm Thị D trả cho Ông Châu Văn H 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng) tiền đặt cọc. Thời gian thực hiện trả ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quant hi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Về án phí: Bà Phạm Thị D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 600.000 đồng. Hoàn trả lại cho Ông Châu Văn H 300.000 đồng số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 14611 ngày 24/7/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, Tiền Giang.
Về án phí án phí dân sự phúc thẩm:
Bà Phạm Thị D phải nộp 300.000 đồng án phí phúc thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 14685 ngày 15/9/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, nên đã nộp xong án phí phúc thẩm.
- Những quyết định khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
- Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, ngư ời phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 96/2018/DS-PT ngày 08/02/2018 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Số hiệu: | 96/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tiền Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/02/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về