Bản án 95/2018/HS-ST ngày 18/06/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 95/2018/HS-ST NGÀY 18/06/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong ngày 18/6/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Ninh mở phiên toà công khai để xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 98/2018/TLST-HS ngày 14/5/2018, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 97/2018/HSST- QĐ ngày 06 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo:

Nguyễn Đăng M, sinh năm 1987(tên gọi khác: Không); Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đăng M1, sinh năm 1963 và bà Trần Thị D, sinh năm 1967; Vợ; con: Chưa có; Tiền án; Tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 18/10/2004 bị Tòa án nhân dân huyện T xét xử, xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng về tội “ Cưỡng đoạt tài sản”. Đã chấp hành xong Bản án. Bị cáo bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ ngày 20/7/2017 đến ngày 03/4/2018 và áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Hiện bị cáo tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa, đồng thời là người đại diện hợp pháp cho bị cáo: Ông Nguyễn Đăng M1, sinh năm 1963. Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Có mặt.

Bị hại: Anh Hoàng Văn C, sinh năm 1995. Địa chỉ: Thôn Đ, xã Y, huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Nguyễn Công A, sinh năm 1989. Địa chỉ: Thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: M không có việc làm ổn định, bản thân sử dụng chất ma túy từ năm 2010 dẫn đến nghiện phải đi điều trị sức khỏe tâm thần tại bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2016 do bị rối loạn loạn thần liên quan đến sử dụng ma túy Methamphetamine.

Khoảng hơn 20 giờ ngày 15/9/2016, M đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J5, màu vàng của anh C. Để thực hiện ý định của mình, M đã dùng những thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản như: Mượn điện thoại gọi cho bạn; nhờ anh C chở đi lòng vòng tìm nơi vắng vẻ ít người để thuận lợi cho việc chiếm đoạt. Sau khi đi đến cổng Công ty Q, M xuống xe, mượn điện thoại vờ gọi cho bạn rồi bỏ đi. Sau khi chiếm đoạt được chiếc điện thoại liền bắt xe taxi đi đến nhà bạn là Nguyễn Tiến T, sinh năm 1990, ở T, phường Đ, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh rủ anh T đi chơi. Sau đó, hai người đi đến nhà anh A (là bạn quen của M). Khi gặp anh A, M nói do cần tiền chi tiêu, muốn vay anh A 2.000.000đ và đặt chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5, màu vàng làm tin, hẹn 02 ngày sau sẽ quay lại trả tiền và lấy điện thoại, anh A tin tưởng đồng ý. Số tiền này sau đó M đã một mình sử dụng hết.

Tại biên bản họp và kết luận định giá tài sản ngày 20/9/2016 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện T, kết luận: “01(một) chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5, màu vàng, đã qua sử dụng, có giá trị còn lại là 4.000.000đ”

Ngày 18/5/2017, Cơ quan điều tra đã trả lại cho anh C chiếc điện thoại nêu trên; Quá trình điều tra, ông M là bố đẻ của bị cáo đã tự nguyện thay bị cáo hoàn trả cho anh A số tiền 2.000.000đ. Anh C và anh A nhận lại tài sản và đều không yêu cầu, đề nghị gì khác.

Trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã thu thập xác định tình trạng bệnh tâm thần liên quan đến sử dụng chất ma túy Methamphetamine của bị cáo M, ngày 26/4/2017, Cơ quan điều tra Công an huyện T đã trưng cầu Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định tình trạng sức khỏe tâm thần của M để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại kết luận giám định Pháp y tâm thần số 199/ KLGĐ ngày 22/6/2017 của Viện pháp y tâm thần Trung ương đã kết luận:

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định bị can Nguyễn Đăng M có bệnh Rối loạn loạn thần do sử dụng nhiều loại ma túy. Theo phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 năm 1992 bệnh có mã số F19.5.

Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội bệnh ở giai đoạn ổn định, bị can đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn tiến triển, bị can mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.

Căn cứ vào kết quả giám định Pháp y tâm thần này, ngày 14 tháng 7 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện T đã ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với M tại Viện pháp y tâm thần Trung ương và cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can. Đến ngày 21/3/2018, bị can đã chữa khỏi bệnh nên đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời cơ quan điều tra Công an huyện T đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án, bị can để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại bản Cáo trạng số 56/CT-VKS ngày 11/5/2018 của VKSND huyện T đã truy tố bị cáo Nguyễn Đăng M theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (nay là khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi , bổ sung năm 2017).

Tại cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa bị cáo M khai nhận: Khoảng 20 giờ ngày 15/9/2016, sau khi đi chơi về, M đi bộ qua khu nhà trọ của gia đình anh C ở thôn Đ, xã H, huyện T thấy nhóm thanh niên đang đứng chơi ở khu vực trước cổng nhà trọ. Lúc này do không có tiền để chơi điện tử và sử dụng cá nhân, M đã nảy sinh ý định tìm cách chiếm đoạt tài sản của họ. M liền đi đến bắt chuyện, rồi hỏi mượn điện thoại, sau này mới biết là của anh Hvà chị T nói là để gọi điện thoại cho bạn nhưng không gọi được, sau đó M trả lại điện thoại cho họ. Cùng lúc này anh C đi xe máy đến. Thấy anh C sử dụng điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J5, màu vàng còn mới, M đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại này của anh C, M vờ mượn điện thoại của anh C để gọi điện cho bạn (nhưng thực chất không gọi cho ai) rồi trả lại cho anh C. Thấy ở đây đông người, khó cho việc chiếm đoạt M đã nói dối anh C nhờ chở M đến khu vực cầu Đ, xã H để tìm gặp bạn. Anh C tin tưởng đã điều khiển xe mô tô của mình chở M đi. Trên đường đi, M liên tục vờ mượn điện thoại nói để gọi điện cho bạn, rồi bảo anh C đi theo đường M chỉ dẫn, mục đích tìm nơi vắng vẻ để dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh C. Khi đến khu vực cổng Công ty Q, M xuống xe, nói với anh C cho M mượn điện thoại để gọi bạn ra đón, anh C tin tưởng đưa điện thoại cho M, M vờ bấm số, đưa lên tai nghe và cứ thế đi bộ cắt ngang qua đường cao tốc sang khu vực dân cư Đ, xã H. Anh C gọi với theo đòi điện thoại nhưng M không nói gì. Sau khi chiếm đoạt được chiếc điện thoại liền bắt xe taxi đi đến nhà bạn là T ở T, phường Đ rủ anh T đi chơi. Sau đó, hai người đi đến nhà anh A (là bạn quen của M). Khi gặp anh A, M nói do cần tiền chi tiêu, muốn vay anh A 2.000.000đ và đặt chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5, màu vàng của mình làm tin, hẹn 02 ngày sau sẽ quay lại trả tiền và lấy điện thoại, anh A tin tưởng đồng ý. Số tiền này sau đó M đã một mình sử dụng hết.

Bị hại là anh C vắng mặt tại phiên tòa, nhưng những lời khai tại cơ quan điều tra và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện nội dung: Khoảng hơn 20 giờ ngày 15/9/2016, M liên tục hỏi mượn điện thoại nói để gọi điện cho bạn, rồi bảo anh C đi theo đường M chỉ dẫn, khi đến khu vực cổng Công ty Q, M xuống xe, nói với anh C cho M mượn điện thoại để gọi bạn ra đón, anh C tin tưởng đưa điện thoại cho M, M vờ bấm số, đưa lên tai nghe và cứ thế đi bộ cắt ngang qua đường cao tốc sang khu vực dân cư Đồng Xép, xã Hoàn Sơn. Anh C gọi với theo đòi điện thoại nhưng M không nói gì. Anh C đã nhận lại tài sản, không yêu cầu, đề nghị gì khác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh A có đơn đề nghị xét xử vắng mặt tại phiên tòa, nhưng những lời khai tại cơ quan điều tra và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện nội dung: Do M cần tiền chi tiêu, muốn vay anh A 2.000.000đ và đặt chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5, màu vàng của mình làm tin, hẹn 02 ngày sau sẽ quay lại trả tiền và lấy điện thoại, anh A tin tưởng đồng ý, sau khi được thông báo chiếc điện thoại là vật chứng của vụ án đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra. Ông M là bố đẻ của bị cáo đã tự nguyện thay bị cáo hoàn trả cho anh A số tiền 2.000.000đ. Anh A nhận lại tài sản, không yêu cầu, đề nghị gì khác.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKSND huyện T vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đăng M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hình phạt:

Áp dụng khoản 1 Điều 139; khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 43; Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng M từ 8 tháng 13 ngày tù đến 10 tháng tù, được trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh từ 20/7/2017 đến ngày 03/4/2018.

Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo. Trách nhiệm dân sự, vật chứng: Không đề nghị giải quyết

Bị cáo M sau khi nghe Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện T trình bày lời luận tội không tranh luận về hành vi phạm tội, điều luật áp dụng mức hình phạt cũng như các vấn đề khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau: Lời khai nhận của bị cáo tại cơ quan Cảnh sát điều tra, cũng như tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, kết luận định giá tài sản và các tài liệu chứng cứ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh Bắc Ninh thu thập được có trong hồ sơ vụ án đã có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Nguyễn Đăng M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nên căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội, xét thấy cần áp dụng theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 như nội dung bản cáo trạng mà viện kiểm sát nhân dân huyện T đã quy kết.

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội bởi đã xâm hại đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an ở địa phương, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Do vậy cần có một hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thì thấy: Bị cáo không có tiền án, tiền sự nhưng là đối tượng có nhân thân xấu, tuy nhiên, tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, hơn nữa, ông Nguyễn Đăng M2 là ông nội bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì, và bị cáo đã tác động đến gia đình hoàn trả tiền cho anh A, anh A có đơn xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Sau khi xem xét, đánh giá tính chất và mức độ hành vi phạm tội cũng như nhân thân và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy cần phải cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội một thời gian mới giúp bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo khi lượng hình.

Trách nhiệm dân sự : Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu, đề nghị gì, nên Hội đồng xét xử xét không xem xét giải quyết.

Do bị cáo không có nghề nghiệp ổn định nên không áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền là phù hợp.

Đề nghị của đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện T tại phiên toà là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Liên quan trong vụ án có anh A đã nhận chiếc điện thoại Samsung Galaxy J5, màu vàng bị cáo M đặt làm tin rồi cho bị cáo vay 2.000.000đ; anh T đi cùng bị cáo mang điện thoại đến nhà anh A. Quá trình này các anh không biết và bị cáo không nói cho các anh biết đó là tài sản do phạm tội mà có, nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý mà giáo dục, nhắc nhở là phù hợp.

Án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Từ những nhận định trên;

QUYẾT ĐỊNH

1/ Tuyên bố bị cáo Nguyễn Đăng M phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 43; Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, M, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Đăng M 08 tháng 13 ngày tù, được trừ thời gian chữa bệnh bắt buộc từ ngày 20/7/2017 đến ngày 03/4/2018 (ngày bàn giao bệnh nhân bắt buộc chữa bệnh giữa Công an huyện Tiên Du và Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương). Theo quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh số 01/QĐ- VKS ngày 14/7/2017 và quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh số 01/QĐ-VKS ngày 30/3/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Ninh.

2/Án phí: Bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.

3/ Bị cáo có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

301
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 95/2018/HS-ST ngày 18/06/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:95/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tiên Du - Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về