TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 92/2017/HS-PT NGÀY 04/12/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ RỪNG
Ngày 04 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 87/2017/HSPT ngày 09 tháng 10 năm 2017 đối với bị cáo Trần Văn H và 04 đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 29/2017/HSST ngày 14 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện P.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. TRẦN VĂN H. Sinh năm 1962 tại tỉnh Bến Tre.
Nơi cư trú: Số xxx/xx, đường N, Khu phố x, Phường x, thành phố B, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn H2 và bà Võ Thị B; có vợ: Nguyễn Thị H3, sinh năm 1962 và 01 người con sinh năm 1990; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú; bị cáo tại ngoại. Có mặt.
2. VÕ VĂN N. Sinh năm 1959 tại tỉnh Bến Tre.
Nơi cư trú: Không có nơi đăng ký thường trú; chỗ ở hiện nay: Số xx, ấp H, xã T, huyện N, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Văn S (chết) và bà Phạm Thị C (chết); có vợ: Phạm Thị Hồng N2, sinh năm 1955 và 02 người con, lớn sinh năm 1994, nhỏ sinh năm 1997; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú; bị cáo tại ngoại. Có mặt.
3. NGUYỄN VĂN Đ. Sinh năm 1959 tại tỉnh Bến Tre.
Nơi cư trú: Số xxx, Khu phố x, Phường x, thành phố B, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn P (chết) và bà Phan Thị H4 (chết); có vợ: Lê Vũ Bạch T, sinh năm 1957 và 01 người con sinh năm 1994; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.
4. TIẾT KIM C. Sinh năm 1963 tại tỉnh Bến Tre.
Nơi cư trú: Số xx, Khu phố x, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tiết Kim T2 (chết) và bà Trần Thị D2; có vợ: Cao Thị T3, sinh năm 1969 và 02 người con, lớn sinh năm 1990, nhỏ sinh năm 1997; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.
5. NGUYỄN ĐỨC D. Sinh năm 1964 tại tỉnh Long An.
Nơi cư trú: Số xxx, đường Đ, Phường x, thành phố B, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Nguyên Chuyên viên chính Phòng Khoa học – Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre; trình độ văn hoá (học vấn): 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên chúa giáo; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Tiến S2 (chết) và bà Phùng Thị L; có vợ: Đặng Thị Mộng A, sinh năm 1965; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị cáo tại ngoại. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn H: Ông Nguyễn Hữu D là Luật sư – Văn phòng luật sư D thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre. Có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo Võ Văn N: Ông Lê Văn L là Luật sư – Văn phòngLuật sư C thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre. Có mặt.
- Người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo: Nguyên đơn dân sự Ban quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre. Địa chỉ: Ấp Thạnh Thới Đông, xã T, huyện P, tỉnh Bến Tre. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quang K, Chức vụ: Giám đốc ủy quyền cho ông Võ Văn T – sinh năm: 1965. Đăng ký hộ khẩu thường trú: Số xxx/xx, đường N, Phường x, thành phố B, tỉnh Bến Tre. Chức vụ: Chuyên viên Phòng Kỹ thuật - Bảo vệ rừng tham gia tố tụng theo văn bản ủy quyền ngày 29 tháng 11 năm 2017. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre được thành lập trên cơ sở Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 13/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ, được điều chỉnh theo Quyết định số 57/2005/QĐ-TTg ngày 23/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích 2.584 héc-ta (ha). Đây là rừng thuộc hệ thống rừng đặc dụng quốc gia, được phân chia làm 04 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái I; Phân khu phục hồi sinh thái II; Phân khu hành chính dịch vụ. Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Ban Quản lý rừng) được thành lập năm 1999, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Sở Nông nghiệp) có chức năng duy trì, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, có văn phòng đặt tại xã T, huyện P, tỉnh Bến Tre.
Vào năm 2009, Võ Văn N được Sở Nông nghiệp bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý rừng; khoảng giữa tháng 4 năm 2012 ông Võ Văn N3 - Phó Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Ban Quản lý rừng báo cáo rừng đước có hiện tượng sâu bệnh nên Võ Văn N chỉ đạo cho ông N3 phối hợp kiểm tra. Ngày 25/4/2012, ông N3 tổ chức đoàn kiểm tra gồm có ông Nguyễn Quang K - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện P, ông Nguyễn Văn V – Kiểm lâm viên, ông Võ Văn T – Phòng Kế toán kế hoạch Ban Quản lý rừng do ông N3 làm trưởng đoàn. Khi đoàn đi tiến hành kiểm tra không thực hiện đúng quy trình kiểm tra, không đi hết diện tích rừng, không xác định được rừng có sâu bệnh hay không, không có sổ sách ghi chép về hiện tượng rừng nhưng sau đó ông N3 về báo lại với Võ Văn N là rừng có sâu bệnh. Võ Văn N chỉ đạo cho ông N3 lập biên bản ghi khống số liệu cho rằng 25,8 ha rừng đước tại xã T ở các lô 1, 2, 3, 4, 5, 6 khoảnh 01a tiểu khu 14 Phân khu phục hồi sinh thái II và lô 9 khoảnh 02a tiểu khu 15
Phân khu hành chính, dịch vụ có hiện tượng sâu bệnh, đồng thời Võ Văn N chỉ đạo ông N3 lập 07 phiếu điều tra khống dựa trên số liệu từ biểu điều tra ngoại nghiệp rừng của năm 2011. Ngày 27/4/2012, Võ Văn N tiếp tục chỉ đạo ông N3 lập Tờ trình số 91/TTr-BQL ngày 27/4/2012 do Võ Văn N ký cùng các tài liệu ghi số liệu khống gửi về Sở Nông nghiệp để xin khai thác toàn bộ diện tích 25,8 ha rừng nêu trên.
Sau khi tiếp nhận tờ trình của Ban Quản lý rừng, Sở Nông nghiệp thành lập đoàn đi khảo sát thực tế gồm: Trần Văn H – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp làm trưởng đoàn cùng các thành viên: Nguyễn Văn Đ – Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Tiết Kim C – Phó Phòng Khoa học kỹ thuật Sở Nông nghiệp, Nguyễn Đức D – Chuyên viên Phòng Khoa học kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Võ Văn N – Giám đốc Ban Quản lý rừng. Ngày 09/5/2012, trong quá trình đi khảo sát đoàn cũng không đi hết diện tích theo tờ trình của Ban Quản lý rừng, chỉ đi một đoạn trên bờ đê dùng mắt thường quan sát, không vào trong rừng. Sau đó, đoàn về Văn phòng Ban Quản lý rừng để hội ý và tất cả đều thống nhất cho Ban Quản lý rừng khai thác toàn bộ diện tích theo tờ trình với lý do rừng có sâu bệnh, có hiện tượng ngừng sinh trưởng, … Để thống nhất nội dung này, Nguyễn Đức D đã cụ thể bằng Biên bản số 57 ngày 15/5/2012. Tuy nhiên, trong biên bản này lại nêu là thống nhất cho Ban Quản lý rừng khai thác “tận thu” mặc dù trước đó thống nhất là khai thác trắng toàn diện tích.
Trên cơ sở này, ngày 18/5/2012, Trần Văn H ký Tờ trình số 147/TTr-SNN (do ông D lập và ông C ký nháy) gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre xin chủ trương khai thác tận thu rừng Đước với lý do cây rừng có hiện tượng ngừng sinh trưởng, rải rác một số nơi cây bị trùng đọt chết dần, ngoài ra trên toàn bộ các lô khảo sát đều có hiện tượng sâu đục thân làm chết cây.
Căn cứ vào Tờ trình nêu trên của Sở Nông nghiệp, ngày 29/5/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã lập đoàn khảo sát gồm: Ông Nguyễn Phước H – Chuyên viên Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre làm trưởng đoàn cùng với Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C, Nguyễn Đức D, Võ Văn N, Võ Văn N3 cùng một số cán bộ của huyện P và xã T. Quá trình và cách thức khảo sát cũng giống như đoàn của Sở Nông nghiệp đi ngày 09/5/2012. Sau khi khảo sát đã lập biên bản với nội dung thống nhất cho Ban Quản lý rừng khai thác tận thu do rừng bị sâu bệnh. Trên cơ sở đó, ngày 06/06/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 2585/UBND-KTN gửi Sở Nông nghiệp cho chủ trương khai thác tận thu và trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích đã khai thác để Sở Nông nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, Tiết Kim C đã yêu cầu Ban Quản lý rừng lập hồ sơ thiết kế và dự toán khai thác trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phê duyệt, Võ Văn N đã chỉ đạo ông Nguyễn Văn C2 - Phó Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Ban Quản lý rừng lập hồ sơ thiết kế phần ngoại nghiệp và nhờ Tiết Kim C lập hồ sơ thiết kế phần nội nghiệp, trong hồ sơ thiết kế có nêu rõ khai thác trắng toàn diện tích, cường độ chặt 100%. Sau khi có hồ sơ thiết kế, ngày 12/6/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc họp xét duyệt thiết kế và dự toán khai thác với thành phần dự họp gồm: Trần Văn H chủ trì, Nguyễn Văn Đ, Võ Văn N, Nguyễn Đức D và ông Nguyễn Văn C2. Tại buổi họp, các thành viên dự họp đã thống nhất với hồ sơ thiết kế và sau đó ngày 12/6/2012 Trần Văn H đã ký Quyết định số 385/QĐ-SNN về việc phê duyệt thiết kế khai thác rừng, cho phép khai thác trắng toàn diện tích 25,8 ha do rừng bị sâu bệnh.
Ngoài ra, khi có chủ trương khai thác rừng, Võ Văn N đã ký Tờ trình gửi Sở Nông nghiệp đề nghị được chỉ định đơn vị thi công và thu mua sản phẩm. Trần Văn H đã đồng ý với đề nghị trên và ký văn bản trả lời gửi Ban Quản lý rừng. Sau đó, Ban Quản lý rừng đã chọn và ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân A (có trụ sở đặt tại ấp T, xã P, huyện P, tỉnh Bến Tre) do bà Nguyễn Thị N4 làm Giám đốc để thực hiện việc khai thác trên cơ sở giá do Sở Tài chính duyệt. Trong quá trình khai thác thì sự việc bị phát hiện và bị đình chỉ.
Theo Công văn số 330 ngày 18/9/2013 của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre kết luận: “Trong diện tích 25,8 ha rừng đước tại các lô 1, 2, 3, 4, 5, 6 khoảnh 1a – tiểu khu 14, phân khu phục hồi sinh thái II và tại lô số 9 khoảnh 2a – tiểu khu 15, phân khu Hành chính, dịch vụ thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện P không có sâu, không có bệnh phá hại”.
Tại văn bản số 1564 ngày 13/9/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre kết luận: Tổng diện tích khu vực bị khai thác 218.618,0 m2 tương đương 21,8618 ha.
Theo Kết luận giám định số 37 ngày 01/3/2017 của Viện Sinh học nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận: Khối lượng gỗ bị thiệt hại là 2.842,5675 m3.
Tại Kết luận giám định tư pháp của Giám định viên Bộ Tài chính kết luận giá trị thiệt hại do bán chỉ định củi từ việc khai thác rừng là 412.507.916 đồng.
Trong quá trình điều tra, Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D đã khai nhận phù hợp với tài liệu chứng cứ đã được thu thập. Đối với diện tích rừng bị khai thác, đã được trồng lại ngay sau đó bằng chính nguồn thu từ việc bán gỗ có được do hành vi khai thác rừng nêu trên. Ban Quản lý rừng với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án có yêu cầu bồi thường thiệt hại do thực hiện không đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản Nhà nước.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 14-8-2017 của Tòa án nhân dân huyện P đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D phạm “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”;
- Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Văn H 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 là 04 tháng 12 ngày;
- Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Võ Văn N 03 (Ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 là 04 tháng 12 ngày;
- Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án;
- Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Tiết Kim C 02 (Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017;
- Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức D 02 (Hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017;
Giao bị cáo Tiết Kim C cho Ủy ban nhân dân phường P và bị cáo Nguyễn Đức D cho Ủy ban nhân dân Phường x, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre giám sát giáo dục trong suốt thời gian thử thách. Trường hợp trong thời gian thử thách nếu bị cáo Tiết Kim C, Nguyễn Đức D có thay đổi nơi cư trú thì thủ tục chuyển giao hồ sơ thi hành án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự và các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự; buộc các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D phải liên đới trách nhiệm bồi thường giá trị cây rừng bị thiệt hại cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre với số tiền là 412.507.916 (Bốn trăm mười hai triệu năm trăm lẻ bảy ngàn chín trăm mười sáu) đồng. Cụ thể như sau:
- Trần Văn H bồi thường số tiền: 123.752.375 đồng, được khấu trừ số tiền 20.000.000 đồng đã tạm nộp theo biên lai thu số 005836 ngày 22/6/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P.
- Võ Văn N bồi thường số tiền: 123.752.375 đồng, được khấu trừ số tiền 10.000.000 đồng đã tạm nộp theo biên lai thu số 005869 ngày 26/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P.
- Nguyễn Văn Đ bồi thường số tiền: 82.501.582 đồng.
- Tiết Kim C bồi thường số tiền: 41.250.792 đồng.
- Nguyễn Đức D bồi thường số tiền: 41.250.792 đồng.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi suất của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về phần án phí, quyền và thời hạn kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, cùng ngày 25-8-2017 các bị cáo kháng cáo như sau:
- Trần Văn H yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt và được hưởng án treo;
- Võ Văn N yêu cầu giảm hình phạt và được hưởng án treo;
- Nguyễn Văn Đ yêu cầu giảm hình phạt, được hưởng án treo và không phải bồi thường số tiền 82.501.582 đồng;
- Tiết Kim C yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường số tiền 41.250.792 đồng;
- Nguyễn Đức D kháng cáo yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường số tiền 41.250.792 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội phù hợp với nội dung Bản án sơ thẩm và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau: Về thủ tục tố tụng:
Đơn kháng cáo của các bị cáo gửi đến Tòa án trong thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 234 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, giải quyết là phù hợp. Về nội dung: Bị cáo Trần Văn H được giao nhiệm vụ phụ trách trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng lại đồng ý cùng cấp dưới khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng tại xã T, huyện P, tỉnh Bến Tre một cách trái pháp luật; bị cáo Võ Văn N được giao nhiệm vụ duy trì, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái của rừng, biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng chỉ đạo cho cấp dưới lập khống số liệu sâu bệnh và lập thiết kế khai thác trắng diện tích 25,8 ha (thực tế đã khai thác trắng 21,8618 ha) trình Sở Nông nghiệp, đây là căn cứ để xin chủ trương khai thác rừng; bị cáo Nguyễn Văn Đ được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, biết việc khai thác trắng rừng đặc dụng là không được phép nhưng cũng tham gia cùng các bị cáo khác xét duyệt cho khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng; bị cáo Tiết Kim C và bị cáo Nguyễn Đức D có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Sở trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã tham gia 02 lần kiểm tra thực tế thực trạng sâu bệnh của rừng đặc dụng, biết rừng không bị sâu bệnh như báo cáo và cũng biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng cũng soạn thảo văn bản trình cấp trên để khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng. Tất cả 05 bị cáo điều vi phạm việc quản lý rừng dẫn đến hậu quả khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng ở huyện P, tỉnh Bến Tre với khối lượng gỗ bị thiệt hại là 2.842,567 m3. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và tuyên bố các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D phạm “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng” theo quy định tại khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo tại điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự, do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Đến nay các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N và Nguyễn Văn Đ đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả mà cấp sơ thẩm đã tuyên, nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo H, N và Đ nhưng phải cách ly các bị cáo với xã hội một thời gian nhất định. Đối với các bị cáo Tiết Kim C và Nguyễn Đức D kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự là không có căn cứ. Về trách nhiệm dân sự; với khối lượng gỗ bị thiệt hại là 2.842,567 m3, bị cáo H và bị cáo N bán không qua thủ tục đấu giá tài sản của Nhà nước mà chỉ định thầu khai thác và thu mua sản phẩm gây thiệt hại số tiền 412.507.916 đồng, do đó bị cáo H và bị cáo N phải tự chịu trách nhiệm về thiệt hại. Các bị cáo Đ, C và D không tham gia và cũng không thuộc trách nhiệm của các bị cáo này, cấp sơ thẩm buộc các bị cáo Đ, C và D liên đới trách nhiệm bồi thường là không phù hợp, cho nên kháng cáo của các bị cáo Đ, C và D về phần trách nhiệm dân sự là có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; sửa bản án hình sự sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 14/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện P. Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20, Điều 53, Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Trần Văn H từ 02 năm06 tháng tù đến 02 năm 09 tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017. Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20, Điều 53, Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Võ Văn N từ 02 năm 06 tháng tù đến 02 năm 09 tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017.
Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20, Điều 53, Điều 33 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ từ 02 năm tù đến 02 năm 03 tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Tiết Kim C 02 năm tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng” nhưng chohưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017. Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Đức D 02 năm tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017. Về trách nhiệm dân sự; áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự; Các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự: Ghi nhận bị cáo Trần Văn H đã bồi thường số tiền 123.752.375 đồng, buộc bị cáo H phải bồi thường tiếp số tiền 82.501.528 đồng. Ghi nhận bị cáo Võ Văn N đã bồi thường số tiền 123.752.375 đồng, tiếp tục buộc bị cáo N phải bồi thường số tiền 82.501.528 đồng. Trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn Đ số tiền 86.621.561 đồng mà bị cáo đã nộp đảm bảo cho việc thi hành án. Bị cáo Tiết Kim C không phải bồi thường số tiền 41.250.792 đồng. Bị cáo Nguyễn Đức D không phải bồi thường số tiền 41.250.792 đồng. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn H phát biểu ý kiến: Không tranh luận về tội danh và điều luật áp dụng đối với bị cáo. Vụ án này xảy ra năm 2012 đến nay mới xét xử nhưng hành vi này của bị cáo đã được đưa ra xử lý rồi, Cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra và miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo rồi vì cho rằng hành vi của bị cáo là không nguy hiểm cho xã hội nữa, hậu quả cũng đã được khắc phục trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích đã chặt, bị cáo không có tư lợi, số tiền có được từ việc bán gỗ do khai thác rừng đã nộp ngân sách Nhà nước. Do nhận thức Công văn số 2585/UBND-KTN ngày 06/06/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre có đoạn “Sau khi khai thác xong phải tiến hành vệ sinh rừng theo quy định để tránh lây lan mầm bệnh và trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích đã khai thác trong mùa vụ năm2012”, mặc dù Công văn này chỉ cho phép khai thác tận thu rừng nhưng bị cáo hiểu nhầm đã khai thác trắng và trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích đã khai thác. Do bị cáo xác định không có thẩm quyền cho khai thác rừng đặc dụng nên đã có tờ trình xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và việc bị cáo đồng ý cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre khai thác 25,8 ha rừng đước là thực hiện theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Hơn nữa vụ án đã được đình chỉ điều tra nên khi phục hồi điều tra phải có căn cứ pháp luật. Công văn số 330 ngày 18/9/2013 của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre kết luận rừng không có sâu, không có bệnh là không có căn cứ pháp luật, không có căn cứ xác định số cây rừng bị thiệt hại, bị cáo đã bị xử phạt hành chính. Đề nghị Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Về trách nhiệm dân sự, người bào chữa đồng ý với quy định tại Điều 86 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mà Hội đồng xét xử phúc thẩm đã phân tích.
Người bào chữa cho bị cáo Võ Văn N phát biểu ý kiến: Đồng ý về tội danh và điều luật áp dụng đối với bị cáo, tuy nhiên về hình phạt đối với bị cáo là quá nghiêm khắc. Bởi vì, bị cáo đã tỏ ra ăn năn hối cải, đã bồi thường thiệt hại xong theo bản án sơ thẩm đã tuyên, cụ thể trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp bồi thường trước 10.000.000 đồng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bị cáo đã nộp bồi thường thiệt hại xong toàn bộ số tiền còn lại, bị cáo có nhân thân tốt, gia đình có nhiều người thân có công với Tổ quốc, hiện sức khỏe bị giảm sút còn 27%, tại cấp phúc thẩm bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới, bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Điều 60 của Bộ luật Hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, xử phạt bị cáo 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm.
Bị cáo H phát biểu ý kiến: Vụ việc bị cáo vi phạm từ năm 2012, các Cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, từ cuối năm 2012 bị cáo đã cho trồng mới lại rừng và cho đến nay rừng đã phát triển thành rừng trên toàn bộ diện tích đã khai thác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quyết định xử lý vi phạm hành chính số 524/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 kỷ luật bị cáo với hình thức cảnh cáo và bị cáo đã thực hiện xong. Trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã bồi thường trước số tiền 20.000.000 đồng. Trong khi chờ xét xử phúc thẩm bị cáo đã nộp đủ toàn bộ số tiền phải bồi thường theo bản án sơ thẩm tuyên là 123.752.375 đồng. Bị cáo xin Hội đồng xét xử phúc thẩm cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, nếu không được xem xét cho miễn trách nhiệm hình sự thì cho bị cáo được giảm án và hưởng án treo.
Bị cáo N phát biểu ý kiến: Bị cáo đã nhận thức được hành vi của bị cáo là trái pháp luật. Trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã bồi thường trước số tiền 10.000.000 đồng. Trong khi chờ xét xử phúc thẩm bị cáo đã nộp đủ toàn bộ số tiền phải bồi thường theo bản án sơ thẩm tuyên là 123.752.375 đồng. Hiện nay bị cáo bị bệnh tăng huyết áp mãn tính độ 2 và thiếu máu cơ tim cục bộ đưa về não, theo giám định của Hội đồng y khoa tỉnh Bến Tre thì sức khỏe của bị cáo hiện còn 27%, hiện bị cáo thờ cúng 06 liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bị cáo xin Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.
Bị cáo Đ phát biểu ý kiến: Bị cáo hai lần tham gia đi khảo sát và dự họp đều thống nhất xin chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, việc bán tài sản là củi khai thác ở rừng thì bị cáo không biết và không được tham gia bàn. Bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ sức khỏe kém, con đang thi hành nghĩa vụ quân sự, đang thờ cúng người anh là liệt sĩ, năm 2014 đã bị kỷ luật cảnh cáo theo Quyết định số 265/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre. Bị cáo xin Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo và không phải bồi thường số tiền như Tòa sơ thẩm đã tuyên là 82.501.582 đồng.
Bị cáo C phát biểu ý kiến: Bị cáo tham gia hai đoàn khảo sát và viết hồ sơ thiết kế phần nội nghiệp xin khai thác trắng rừng bị sâu bệnh, bị cáo không có vụ lợi, hậu quả đã được khắc phục trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng đã khai thác, bị cáo đã bị xử lý kỷ luật hạ bậc lương, bị cáo không có tham gia đề xuất hoặc tham mưu cho việc bán chỉ định sản phẩm gỗ từ việc khai thác rừng. Bị cáo xin Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo và bị cáo không phải bồi thường số tiền như Tòa sơ thẩm đã tuyên là 41.250.792 đồng.
Bị cáo D phát biểu ý kiến: Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hiện nay hậu quả đã được khắc phục trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích rừng đã khai thác, bị cáo cũng có tham gia một phần trong việc trồng lại rừng; bị cáo không có vụ lợi, đã bị xử lý kỷ luật hạ bậc lương, không có tham gia đề xuất hoặc tham mưu cho việc bán chỉ định sản phẩm gỗ từ việc khai thác rừng. Bị cáo xin Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo và bị cáo không phải bồi thường số tiền như Tòa sơ thẩm đã tuyên là 41.250.792 đồng.
Ông Võ Văn T phát biểu ý kiến: Yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc năm bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường giá trị cây rừng bị thiệt hại cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre với số tiền là 412.507.916 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D khai nhận hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng trong việc khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, thể hiện: Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2012, tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước thuộc xã T, huyện P, tỉnh Bến Tre; bịcáo Trần Văn H – Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp quản lý rừng trên địa bàn toàn tỉnh, biết rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng đồng ý ký duyệt cho cấp dưới khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng trái pháp luật; bị cáo Võ Văn N – Nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng được giao nhiệm vụ duy trì, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, phát huy vai trò phòng hộ và môi trường của rừng, biết rõ không được phép khai thác trắng rừng đặc dụng nhưng cố ý chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu xác định tỷ lệ sâu bệnh và lập thiết kế khai thác trắng toàn diện tích để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin khai thác rừng đước tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước P; bị cáo Nguyễn Văn Đ – Nguyên Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, với nhiệm vụ, quyền hạn quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, biết rõ rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng cùng với các bị cáo khác tham gia xét duyệt cho khai thác trắng rừng đặc dụng sai quy định; bị cáo Tiết Kim C – Nguyên Phó Trưởng phòng Khoa học - Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biết rõ rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng vẫn đồng tình cho khai thác, hỗ trợ Ban Quản lý lập hồ sơ thiết kế khai thác rừng và tham mưu cho Trần Văn H ký văn bản cho phép Ban Quản lý rừng khai thác trắng toàn diện tích; bị cáo Nguyễn Đức D – Nguyên Chuyên viên Phòng Khoa học - Kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nhiệm vụ làm tham mưu và giúp việc cho lãnh đạo trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, tuy biết rõ rừng đặc dụng không được phép khai thác trắng nhưng khi tham gia cùng hai đoàn kiểm tra thực tế tình trạng sâu bệnh, đồng thời cùng với Trần Văn H tổ chức họp xét duyệt thiết kế đã thống nhất với ý kiến khai thác rừng trái quy định; tham mưu soạn thảo các văn bản, quyết định cho Trần Văn H ký duyệt thiết kế và các thủ tục cho phép khai thác trắng toàn diện tích rừng. Hành vi của các bị cáo là trái pháp luật trong việc cho phép khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đặc dụng tại các lô 1, 2, 3, 4, 5, 6 khoảnh 1a – tiểu khu 14 Phân khu phục hồi sinh thái II và tại lô số 9 khoảnh 2a – tiểu khu 15 Phân khu Hành chính, dịch vụ thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện P, gây thiệt hại với khối lượng gỗ (loại gỗ tròn nhóm VI) là 2.842,5675 m3, vi phạm vào khoản 1 Điều 12 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và tuyên bố các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D phạm “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng” theo quy định tại khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
[2] Xét kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt, được hưởng án treo; Võ Văn N yêu cầu giảm hình phạt, được hưởng án treo; Nguyễn Văn Đ yêu cầu giảm hình phạt, được hưởng án treo; Tiết Kim C yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự và Nguyễn Đức D yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự, thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất của vụ án, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được hưởng như: Các bị cáo đã khai báo làm rõ nội dung vụ án; bản thân các bị cáo H, N đã nộp tiền bồi thường thiệt hại cho Ban Quản lý rừng, diện tích rừng bị thiệt hại đã được trồng mới lại nên đây là tình tiết được xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo H, N, Đ, C và D theo quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Các bị cáo H, N, Đ và C trong quá trình công tác có thành tích xuất sắc nên được xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra các bị cáo N, Đ và C thuộc diện gia đình chính sách có công với Tổ quốc, bị cáo H có nhiều khen thưởng trong công tác nên được xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, các bị cáo thực hiện tội phạm mang tính chất đồng phạm giản đơn; các bị cáo H, N và Đ mang tính quyết định trong thực hiện, nguy hiểm hơn, hình phạt nặng hơn nên áp dụng hình phạt tù giam đối với các bị cáo; các bị cáo C và D với vai trò giúp sức, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo. Đã xử phạt bị cáo H 03 năm tù; bị cáo N 03 năm tù; bị cáo Đ 02 năm 06 tháng tù; bị cáo C 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm và bị cáo D 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Đối với các bị cáo H và N, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo hình phạt dưới mức hình phạt thấp nhất mà khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Hình sự quy định là đã có xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo, đã áp dụng hình phạt tù và không cho các bị cáo hưởng án treo là tương xứng. Xét thấy các quyết định của Bản án sơ thẩm về phần hình phạt là có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo của các bị cáo H và N cũng như kháng cáo yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự của bị cáo H. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo H và N đã tích cực nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P đủ số tiền để bồi thường thiệt hại theo bản án sơ thẩm đã tuyên, điều đó minh chứng các bị cáo đã thật sự ăn năn hối cải và tích cực bồi thường thiệt hại. Ngoài ra; đối với bị cáo H được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre chỉ trong thời gian ngắn, được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp quản lý rừng không phù hợp với nghiệp vụ chuyên môn, nên trong quá trình công tác đã xảy ra sai phạm; bị cáo N hiện sức khỏe giảm sút, theo giám định của Hội đồng y khoa tỉnh Bến Tre thì sức khỏe của bị cáo hiện còn 27%. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo và giảm nhẹ thêm một phần hình phạt theo yêu cầu kháng cáo của các bị cáo H và N là phù hợp. Đối với bị cáo Đ mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm bị cáo đã nộp bồi thường thiệt hại đủ số tiền như bản án sơ thẩm đã tuyên, đồng thời bị cáo cho rằng gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo là Chi cục Trưởng của Cơ quan Chi cục Kiểm lâm, là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý rừng và bảo vệ rừng ở địa phương, đồng thời là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý rừng nhưng đã đồng ý cho khai thác trắng diện tích 21,8618 ha rừng đước một cách trái pháp luật. Vì vậy quyết định của bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo là tương xứng. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo của bị cáo Đ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Đ là phù hợp. Đối với hai bị cáo C và D, mặc dù vai trò của hai bị cáo ít nguy hiểm hơn so với các bị cáo khác. Tuy nhiên, hai bị cáo đã phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của hai bị cáo không chỉ gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước mà còn gây tác động xấu đến môi trường và biến đổi khí hậu, gây bất bình trong nhân dân, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt hai bị cáo hình phạt dưới mức hình phạt thấp nhất mà khoản 3 Điều 176 của Bộ luật Hình sự quy định và cho hai bị cáo hưởng án treo là đã có xem xét giảm nhẹ cho hai bị cáo. Xét thấy các quyết định của Bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo C và D là có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo yêu cầu được miễn trách nhiệm hình sự của hai bị cáo C và D nên giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt đối với hai bị cáo C và D là phù hợp.
[3] Xét kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D yêu cầu không phải bồi thường về trách nhiệm dân sự như bản án sơ thẩm đã tuyên. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Tại khoản 1 Điều 85 quy định Người khai thác rừng trái phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tại Điều 86 quy định Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng mà gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Điều 85 của Luật này còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Từ những quy định của pháp luật nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc các bị cáo liên đới trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng huyện P với tổng số tiền 412.507.916 đồng do hành vi khai thác rừng trái phép của các bị cáo là có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo để xác định trách nhiệm của từng bị cáo phải bồi thường số tiền cụ thể theo bản án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp. Xét thấy các quyết định của Bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự là có căn cứ pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo yêu cầu không phải bồi thường trách nhiệm dân sự của các bị cáo Đ, C và D nên giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo này là phù hợp.
[4] Trước khi xét xử sơ thẩm; bị cáo Trần Văn H đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P số tiền 20.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 005836 ngày 22/6/2017; bị cáo Võ Văn N đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P số tiền 10.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 005869 ngày 26/7/2017. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm; bị cáo Trần Văn H đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P số tiền 103.752.375 đồng theo biên lai thu tiền số 005839 ngày 24/8/2017; bị cáo Võ Văn N đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P tổng số tiền 113.752.375 đồng theo các biên lai thu tiền số 005838 ngày 18/8/2017, số 0003075 ngày 31/10/2017, số 0003076 ngày 02/10/2017 và số 005846 ngày 23/11/2017; bị cáo Nguyễn Văn Đ đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P tổng số tiền 86.626.661 đồng theo các biên lai thu tiền số 005843 ngày 19/10/2017, số 0003071 ngày 23/10/2017, số 0003072 ngày 23/10/2017 và số 0003073 ngày 25/10/2017. Cần tiếp tục tạm giữ toàn bộ các khoản tiền này để đảm bảo thi hành án cho các bị cáo là phù hợp.
[5] Đối với Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo H và N là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận. Nhưng Kiểm sát viên đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Đ là chưa nghiêm và đề nghị không buộc các bị cáo Đ, C và D bồi thường trách nhiệm dân sự là không phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[6] Đối với người bào chữa đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo H, cho bị cáo N được hưởng án treo là chưa nghiêm nên không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[7] Trong quá trình điều tra xác định ông Võ Văn N3 là người giúp sức cho Võ Văn N trong việc lập hồ sơ khống xác định tình trạng rừng đước bị sâu bệnh để trình lên cấp có thẩm quyền. Cần kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P xem xét xử lý về trách nhiệm đối với ông N3 là phù hợp.
[8] Đối với ông Trần Anh T và Nguyễn Phước H là đại diện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre quản lý Nhà nước đối với hệ thống rừng đặc dụng ở địa phương, tuy có thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra nhưng đã cho chủ trương khai thác tận thu rừng đước bị sâu bệnh là đúng quy định của pháp luật, nên không cần phải kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P xem xét trách nhiệm đối với ông Tuấn và ông Hải là phù hợp.
[9] Về án phí: Căn cứ vào Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc. Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo H và N không phải chịu án phí phúc thẩm. Các bị cáo Đ, C và D phải chịu án phí phúc thẩm do kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm a, b khoản 2 Điều 248; điểm c khoản 1 Điều 249 của Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Trần Văn H và Võ Văn N; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D; sửa phần quyết định về hình phạt của Bản án sơ thẩm số 29/2017/HSST ngày 14-8-2017 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Bến Tre;
1.1 Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 33 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trần Văn H 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 là 04 tháng 12 ngày;
1.2 Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 33 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Võ Văn N 02 (Hai) năm 09 (Chín) tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án nhưng được khấu trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 03/3/2017 đến ngày 12/7/2017 là 04 tháng 12 ngày;
1.3 Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 33 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Đ 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng”, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án;
1.4 Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Tiết Kim C 02 (Hai) năm tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017;
1.5 Áp dụng khoản 3 Điều 176; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 20; Điều 53; Điều 60 của Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Đức D 02 (Hai) năm tù về “Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (Bốn) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là ngày 14/8/2017;
Giao bị cáo Tiết Kim C cho Ủy ban nhân dân phường P và bị cáo Nguyễn Đức D cho Ủy ban nhân dân Phường x, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre cùng gia đình phối hợp giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 của Bộ luật Hình sự. Các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự;
2.1 Buộc các bị cáo Trần Văn H, Võ Văn N, Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D phải liên đới trách nhiệm bồi thường giá trị cây rừng bị thiệt hại cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ và Đặc dụng tỉnh Bến Tre với tổng số tiền là 412.507.916 (Bốn trăm mười hai triệu năm trăm lẻ bảy ngàn chín trăm mười sáu) đồng. Cụ thể như sau:
- Trần Văn H bồi thường số tiền: 123.752.375 (Một trăm hai mươi ba triệu bảy trăm năm mươi hai ngàn ba trăm bảy mươi lăm) đồng.
- Võ Văn N bồi thường số tiền: 123.752.375 (Một trăm hai mươi ba triệu bảy trăm năm mươi hai ngàn ba trăm bảy mươi lăm) đồng.
- Nguyễn Văn Đ bồi thường số tiền: 82.501.582 (Tám mươi hai triệu năm trăm lẽ một ngàn năm trăm tám mươi hai) đồng.
- Tiết Kim C bồi thường số tiền: 41.250.792 (Bốn mươi mốt triệu hai trăm năm mươi ngàn bảy trăm chín mươi hai) đồng.
- Nguyễn Đức D bồi thường số tiền: 41.250.792 (Bốn mươi mốt triệu hai trăm năm mươi ngàn bảy trăm chín mươi hai) đồng.
Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền bồi thường nêu trên nếu chưa được thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2.2 Tiếp tục tạm giữ các khoản tiền mà các bị cáo đã tạm nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện P để đảm bảo thi hành án. Cụ thể như sau:
- Trần Văn H tổng số tiền: 123.752.375 (Một trăm hai mươi ba triệu bảy trăm năm mươi hai ngàn ba trăm bảy mươi lăm) đồng theo các biên lai thu tiền số 005836 ngày 22/6/2017 và số 005839 ngày 24/8/2017;
- Võ Văn N tổng số tiền: 123.752.375 (Một trăm hai mươi ba triệu bảy trăm năm mươi hai ngàn ba trăm bảy mươi lăm) đồng theo các biên lai thu tiền số 005869 ngày 26/7/2017, số 005838 ngày 18/8/2017, số 0003075 ngày 31/10/2017, số 0003076 ngày 02/10/2017 và số 005846 ngày 23/11/2017;
- Nguyễn Văn Đ tổng số tiền: 86.626.661 (Tám mươi sáu triệu sáu trăm hai mươi sáu ngàn sáu trăm sáu mươi mốt) đồng theo các biên lai thu tiền số 005843 ngày 19/10/2017, số 0003071 ngày 23/10/2017, số 0003072 ngày 23/10/2017 và số 0003073 ngày 25/10/2017.
3. Về án phí: Căn cứ vào Điều 99 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Áp dụng Điều 23; Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
3.1 Các bị cáo phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Cụ thể như sau:
- Trần Văn H phải nộp: 6.187.618 (Sáu triệu một trăm tám mươi bảy ngàn sáu trăm mười tám) đồng.
- Võ Văn N phải nộp: 6.187.618 (Sáu triệu một trăm tám mươi bảy ngàn sáu trăm mười tám) đồng.
- Nguyễn Văn Đ phải nộp: 4.125.079 (Bốn triệu một trăm hai mươi lăm ngàn không trăm bảy mươi chín) đồng.
- Tiết Kim C phải nộp: 2.062.539 (Hai triệu không trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm ba mươi chín) đồng.
- Nguyễn Đức D phải nộp: 2.062.539 (Hai triệu không trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm ba mươi chín) đồng.
3.2 Các bị cáo Trần Văn H và Võ Văn N không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
3.3 Các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Tiết Kim C và Nguyễn Đức D mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.
4. Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện P xem xét xử lý về trách nhiệm đối với ông Võ Văn N3.
5. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm về phần án phí hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 92/2017/HS-PT ngày 04/12/2017 về tội vi phạm các quy định quản lý rừng
Số hiệu: | 92/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 04/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về