TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
BẢN ÁN 89/2019/HS-PT NGÀY 26/11/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 130/2019/TLPT-HS ngày 04 tháng 11 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Hoài L, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 91/2019/HS-ST ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Hoài L, sinh ngày 19 tháng 02 năm 2000 tại huyện V, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký thường trú: Thôn T, xã T, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và bà Trần Thị N; chưa có vợ, con; tiền án: Không, tiền sự: Không; nhân thân: Chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện tại ngoại; có mặt.
- Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Trọng H, Luật sư Văn phòng Luật sư H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn; có mặt.
- Bị hại: Bà Vi Thị P, sinh năm 1966 (đã chết)
- Người đại diện hợp pháp của bị hại Vi Thị P:
1. Chị Mã Thị X, sinh năm 1989, là con gái của bà Vi Thị P.
2. Anh Mã Văn P, sinh năm 1990, là con trai của bà Vi Thị P.
3. Anh Mã Văn L, sinh năm 1992, là con trai của bà Vi Thị P.
Cùng trú tại: Thôn H, xã V, huyện C, tỉnh Lạng Sơn.
Người đại diện theo ủy quyền của chị Mã Thị X, anh Mã Văn L: Anh Mã Văn P, sinh năm 1990. Trú tại: Thôn H, xã V, huyện C, tỉnh Lạng Sơn (Giấy ủy quyền ngày 25 tháng 6 năm 2019); có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Sáng ngày 09-5-2019, Nguyễn Hoài L điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát 14AY-002.15 đi từ nhà đến Trường T huyện C, tỉnh Lạng Sơn để đi học. Khi đi đến đầu cầu T - G thuộc Km 0+400, đường huyện thuộc xã T, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, đoạn đường thẳng không bị che khuất tầm nhìn lúc đó không có phương tiện qua lại hai chiều, Nguyễn Hoài L điều khiển xe gắn máy với vận tốc khoảng 40 km/giờ. Từ khoảng cách khoảng 50m, Nguyễn Hoài L thấy bà Vi Thị P đi bộ ở sát mép đường bên phải đi cùng chiều phía trước nhưng Nguyễn Hoài L không giảm tốc độ mà vẫn tiếp tục điều khiển xe với vận tốc trên. Khi cách vị trí bà Vi Thị P khoảng 02m thì bà Vi Thị P bước một bước sang bên trái đường để tránh vũng nước; sau đó, đi thêm khoảng 02 bước chân nữa về phía trước. Vì trước đó trời mưa nên chân phải của Nguyễn Hoài L không để ở vị trí phanh mà để trên hộp số. Do vậy, bị cáo chỉ kịp bóp phanh trước và đã đâm vào phía sau bà Vi Thị P, khiến cả hai ngã ra đường. Hậu quả bà Vi Thị P bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đ tỉnh Lạng Sơn, đến ngày 10-5-2019 thì tử vong.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số: 14/GĐPY-PC09 ngày 27- 5-2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn kết luận nguyên nhân chết của bà Vi Thị P: Chấn thương sọ não, tụ máu, chảy máu não, tổ chức não phù nề, xung huyết làm suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp dẫn đến tử vong.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 91/2019/HS-ST ngày 15-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Hoài L phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 260, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 50, 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Hoài L 01 năm 06 tháng tù. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, khoản 1 Điều 586, Điều 591 và Điều 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015; công nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo Nguyễn Hoài L và người đại diện hợp pháp của bị hại. Bị cáo Nguyễn Hoài L có trách nhiệm bồi thường cho anh Mã Văn P tổng số tiền 130.000.000 đồng. Xác nhận bị cáo Nguyễn Hoài L đã bồi thường 30.000.000 đồng, bị cáo Nguyễn Hoài L còn phải bồi thường tiếp cho anh Mã Văn P 100.000.000 đồng. Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí, lãi suất chậm trả, quyền kháng cáo và thỏa thuận thi hành án theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn luật định, bị cáo Nguyễn Hoài L có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo và xin giảm mức bồi thường thiệt hại.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị cáo Nguyễn Hoài L vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, cụ thể: Bị cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo ở nhà đi làm phụ giúp gia đình, kiếm tiền trả nợ cho gia đình bị hại và xin giảm mức bồi thường thiệt hại, bị cáo chỉ đồng ý bồi thường cho gia đình bị hại tổng số tiền là 40.000.000 đồng.
Người đại diện hợp pháp của bị hại, anh Mã Văn P đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm kết án bị cáo về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và xử phạt bị cáo mức án 01 năm 06 tháng tù là hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Hoài L tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đúng, vì bị cáo mới chỉ bồi thường cho gia đình bị hại được số tiền 30.000.000 đồng trên tổng số 130.000.000 đồng. Cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề này. Tại cấp phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị giữ nguyên mức hình phạt của bị cáo. Bị cáo có xuất trình thêm 01 Đơn trình bày và đề nghị, nhưng cũng không đủ căn cứ cho bị cáo được hưởng án treo nên đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên mức hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên. Về kháng cáo xin giảm mức bồi thường thiệt hại thấy rằng: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện thỏa thuận với nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 130.000.000 đồng. Xét thấy, số tiền các bên tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại không phải là cao và cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Tại cấp phúc thẩm người đại diện hợp pháp của bị hại không chấp nhận giảm mức bồi thường thiệt hại; bị cáo không trình bày được thêm căn cứ nào mới cho kháng cáo xin giảm mức bồi thường thiệt hại của mình nên cần giữ nguyên mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên. Do đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về mức hình phạt và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Luật sư Nguyễn Trọng H là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài L trình bày ý kiến: Bị cáo mới chỉ 19 tuổi, bị cáo còn đang độ tuổi ăn học, trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã tác động gia đình để có 30.000.000 đồng bồi thường cho gia đình bị hại; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng; phạm tội lần đầu, cần cho bị cáo có cơ hội đi làm để bồi thường cho gia đình bị hại nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo cho bị cáo được hưởng án treo. Bản thân bị cáo phạm tội do lỗi vô ý, bị cáo chưa có việc làm, chưa có thu nhập, các chi phí mà gia đình bị hại đưa ra ở cấp sơ thẩm là quá cao, không phù hợp nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo xuống còn 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Hoài L thừa nhận hành vi phạm tội đúng như Bản án sơ thẩm đã tuyên, cụ thể: Hồi 07 giờ 00 phút ngày 09-5-2019, bị cáo Nguyễn Hoài L đã điều khiển mô tô biển kiểm soát 14AY- 002.15 đi theo hướng T - G, khi đi đến khu vực Km 0+400 đường huyện thuộc thôn T, xã T, huyện C, tỉnh Lạng Sơn, do chủ quan, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với người đi bộ đi cùng chiều nên đã đâm vào bà Vi Thị P đang đi bộ phía trước. Hậu quả bà Vi Thị P bị chấn thương sọ não, tụ máu, chảy máu não, tổ chức não phù nề, xung huyết làm suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp dẫn đến tử vong. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Hoài L về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan.
[2] Xét kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Hoài L thấy rằng: Bị cáo là người đã trên 18 tuổi, có đầy đủ năng lực, nhận thức việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ mỗi khi điều khiển xe để được an toàn cho chính mình và cho những người tham gia giao thông khác. Nhưng khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông bị cáo không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ đã gây ra tai nạn, hậu quả làm bị hại Vi Thị P bị chết. Hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của bị cáo không những gây ra hậu quả chết người mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của gia đình nạn nhân. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo cần xử nghiêm minh đúng theo pháp luật nhằm giáo dục bị cáo và có tác dụng phòng ngừa chung đối với mọi người dân khi tham gia giao thông. Bản án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, đồng thời đã xem xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tổng cộng là 130.000.000 đồng. Bị cáo mới bồi thường được 30.000.000 đồng cho gia đình bị hại. Số tiền này mới chiếm chưa được 1/4 số tiền bị cáo phải bồi thường. Đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 chứ không phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo được hưởng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm vấn đề này. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 01 năm 06 tháng tù là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo có xuất trình thêm 01 Đơn trình bày và đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Đại diện hợp pháp của gia đình bị hại yêu cầu giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo. Xét tính chất vụ án, xét mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra và nhất là để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong một thời gian nhất định. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, cần giữ nguyên mức hình phạt của Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Nguyễn Hoài L.
[3] Xét kháng cáo yêu cầu giảm mức bồi thường thiệt hại của bị cáo Nguyễn Hoài L, thấy rằng: Trong vụ án này lỗi hoàn toàn thuộc bị cáo, theo quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có); thiệt hại khác do pháp luật quy định. Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại … Mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, hiện mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là: 1.490.000 đồng, tức là: 100 tháng x 1.490.000 đồng = 149.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện thỏa thuận với nhau, không hề có sự ép buộc nào. Mặt khác, tổng số tiền 130.000.000 đồng mà bị cáo và người đại diện của bị hại tự nguyện thỏa thuận không phải là cao và cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu giữ nguyên mức bồi thường thiệt hại các bên đã thỏa thuận tại Tòa án cấp sơ thẩm. Bị cáo không xuất trình thêm được căn cứ nào mới cho kháng cáo xin giảm mức bồi thường thiệt hại của mình. Xét thấy, mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định là phù hợp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc giảm mức bồi thường thiệt hại.
[4] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đã xảy ra, đúng với các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi trên và phù hợp với các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Đề nghị của người bào chữa cho bị cáo là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội đã xảy ra, không đúng với các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi trên và không phù hợp với các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[6] Về án phí: Bị cáo phải chịu 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trong vụ án hình sự để sung quỹ Nhà nước. Do kháng cáo của bị cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm để sung quỹ Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, điểm c, g khoản 1, điểm b, e khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
[7] Các phần quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo và xin giảm mức bồi thường thiệt hại của bị cáo Nguyễn Hoài L, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số: 91/2019/HS-ST ngày 15-10-2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn về phần hình phạt và về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể:
1. Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 260, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Hoài L 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; căn cứ Điều 357, Điều 468, khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, khoản 1 Điều 586, Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Buộc bị cáo Nguyễn Hoài L phải bồi thường thiệt hại về tính mạng cho người đại diện hợp pháp của bị hại Vi Thị P gồm có chị Mã Thị X, anh Mã Văn P, anh Mã Văn L do anh Mã Văn P làm đại diện với tổng số tiền là 130.000.000 đồng. Xác nhận bị cáo Nguyễn Hoài L đã bồi thường số tiền 30.000.000 đồng. Sau khi khấu trừ, bị cáo Nguyễn Hoài L còn phải bồi thường tiếp số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).
Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về án phí:
Căn cứ khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; căn cứ điểm c, g khoản 1, điểm b, e khoản 2 Điều 23, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
3.1. Về án phí sơ thẩm dân sự trong vụ án hình sự: Bị cáo Nguyễn Hoài L phải chịu 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trong vụ án hình sự để sung quỹ Nhà nước.
3.2. Về án phí phúc thẩm: Bị cáo Nguyễn Hoài L phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự phúc thẩm và 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự để sung quỹ Nhà nước.
Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 89/2019/HS-PT ngày 26/11/2019 về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
Số hiệu: | 89/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lạng Sơn |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về