Bản án 84/2019/HS-ST ngày 29/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĂN LÂM, TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 84/2019/HS-ST NGÀY 29/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 29 tháng 11 năm 2019 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 73/2019/HSST ngày 12 tháng 11 năm 2019, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 76/2019/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 11 năm 2019, đối với:

Bị cáo Nguyễn Thị T, sinh năm 1972. Đa chỉ: Thôn T, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên. Nghề nghiệp: Tự do; trình độ văn hóa 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn T (đã chết) và bà Dương Thị D; chồng: Nguyễn Văn T; con: Có 02 con, lớn sinh năm 1994, nhỏ sinh năm 1997; tiền án, tiền sự: Chưa có. Bị cáo tại ngoại. Áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt tại phiên tòa.

Người bị hại: Ông Bùi Đức T, sinh năm 1967, có mặt.

Đa chỉ: Thôn T, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do trước đó Nguyễn Thị T có mâu thuẫn với dòng họ B trong việc xây bờ tường ở cạnh nhà T cho nên khoảng 14 giờ ngày 15/6/2019 khi các ông Bùi Đức T, Bùi Văn T, Bùi Văn A và anh Bùi Văn S (đều là thợ xây) đang thi công xây dựng bờ tường bao của nhà thờ họ B ở thôn T, xã L, huyện V thì chị Nguyễn Thị Mai H (là con của T) đi từ trong nhà ra gần vị trí đang xây dựng bức tường, chị H một tay bế con, một tay dùng vòi nước của gia đình T tưới hất nước vào phần tường mà các anh T, T, A và S đang xây.

Thy vậy anh S đi ra cầm vòi nước hất ra chỗ khác cho đỡ ướt tường thì chị H tiếp tục hất vòi nước vào phần móng tường chỗ vị trí ông T đang xây làm nước chảy vào móng. Ông T nói chị H thì bị H cầm vòi nước xịt vào người, ông T đã cầm vòi nước để xuống đất rồi dùng dao xây dựng chặt vòi nước nhưng không đứt và hai bên xảy ra to tiếng. Đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, Nguyễn Thị T về nhà thấy sự việc, đã hỏi thì chị H bảo:“Bọn này nó chặt vòi nước của nhà mình”, T hỏi: “Ai chặt”, thì chị H chỉ về phía ông T. T bảo chị H bế con vào trong nhà, T cúi xuống nhặt 01 viên gạch chỉ màu đỏ, một mặt còn dính xi măng, có góc đã bị vỡ, dài khoảng 20cm, bề dầy viên gạch khoảng 7cm đi đến chỗ ông T. Lúc này ông T đang đứng ở phần móng tường khom người xây, còn T đứng ở trên nền đất đối diện với ông T, T cầm viên gạch bằng tay phải đập một nhát vào vùng đỉnh đầu ông T. Khi bị T đập gạch vào đầu, ông T tay đang cầm dao xây vung lên đập 01 cái thì trúng vào vùng bả vai phía sau bên trái của T nhưng không để lại thương tích, T bỏ chạy về nhà.

Hu quả: Ông T bị thương ở vùng đỉnh đầu được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện V, sau đó chuyển xuống Bệnh viện đa khoa P chiếu chụp nhưng không phải nằm viện. Tại giấy chứng nhận thương tích của Trung tâm y tế huyện V kết luận ông Bùi Đức T bị: Vết thương rách da vùng đỉnh đầu phải, gây tê tại chỗ, khâu cầm máu. Tại phiếu kết quả chụp cắt lớp vi tính của Bệnh viện đa khoa P thể hiện: Vết thương hở ở đầu.

Ngày 17/6/2019, ông T đã làm đơn đề nghị khởi tố gửi Công an xã L và đến ngày 19/6/2019 hồ sơ cùng vật chứng là viên gạch được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Văn Lâm để giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 25/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Văn Lâm ra Quyết định trưng cầu giám định số: 128/CQĐT, Trưng cầu Trung tâm giám định pháp y – Sở y tế tỉnh Hưng Yên giám định tỉ lệ % thương tích đối với ông T. Ngày 18/7/2019 Trung tâm giám định pháp y tỉnh Hưng Yên kết luận như sau:

Vết thương vùng đỉnh phải gây rách da chảy máu, đã được điều trị ổn định 

- Hiện tại chéo vùng đỉnh phải có 01 vết sẹo màu trắng nhạt, bờ mép tương đối gọn, kích thước 4,3cm x 0,2cm.

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây lên tại thời điểm giám định là 03%. Cơ chế hình thành thương tích: do tác động bởi vật cứng có cạnh gây nên”.

Ông Bùi Đức T yêu cầu Nguyễn Thị T phải bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh là 2.857.000 đồng, ngày công phải nghỉ không lao động của 04 tháng là 36.000.000 đồng, tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 38.857.000 đồng. Bị cáo T không nhất trí bồi thường số tiền trên nên hiện nay vẫn chưa bồi thường.

Quá trình điều tra bị cáo T không nhận tội, bị cáo khai: Do bị ông T cầm dao xây dựng đánh trước nên mới cầm gạch đánh để tự vệ. Quá trình điều tra xác định: T dùng gạch gây thương tích cho ông T trước, sau khi bị đánh ông T mới dùng dao xây đánh vào bả vai của T.

Bản cáo trạng số 78/CT-VKS, ngày 08 tháng 11 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Lâm, truy tố bị cáo về tội Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 khoản 1 điểm a Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa: Bị cáo T khai, chiều ngày 15/6/2019 khi bị cáo về đến nhà thì ông T đang cầm dao xây sang đất nhà bị cáo và đang cãi nhau với con gái bị cáo, bị cáo có vào đẩy con gái vào nhà thì ông T dùng dao xây chém sượt vào vai bị cáo thì bị cáo có cầm viên gạch ném về phía ông T, bị cáo vừa ném vừa chạy nên không biết trúng vào đâu.

Bị cáo xác định viên gạch bị cáo ném không phải là viên gạch vật chứng mà Cơ quan điều tra thu giữ, vì bị cáo nhặt và biết rõ đặc điểm viên gạch, sau khi bị cáo ném thì có thể viên gạch đó đã bị lấp đất lên ở khu vực xây dựng.

Đi với việc ông T dùng dao xây chém vào vai bị cáo nhưng không bị thương tích gì, bị cáo tự nguyện không có yêu cầu gì.

Bị hại là ông T trình bày bị cáo cầm gạch đánh vào đầu ông trước, sau khi bị đánh ông có dùng dao xây chém sượt vào vai bị cáo thì bị cáo bỏ chạy, ông dùng tay sờ lên đầu thì thấy chảy máu, ông có vào điều trị tại Trung tâm y tế huyện V, sau đó xuống Bệnh viện đa khoa P chụp X quang. Ông yêu cầu bị cáo bồi thường với số tiền như trên và đồng thời yêu cầu tiền bồi thường tổn thất tinh thần, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe theo mức quy định của pháp luật.

Người làm chứng là ông Bùi Văn A, ông Bùi Văn S đều trình bày bị cáo T dùng gạch đánh ông T trước, đều xác định sự việc sau đó Công an xã L vào giải quyết và thu giữ đúng viên gạch bị cáo T dùng để đánh ông T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Lâm đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thị T phạm tội Cố ý gây thương tích.

Áp dụng: Điểm a Khoản 1 Điều 134; Điểm i Khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điểm b Khoản 1 Điều 46; Khoản 1 Điều 47; Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 590 Bộ luật Dân sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị T từ 06 tháng đến 09 tháng tù, thời gian tù tính từ ngày bị cáo đi thi hành.

Các biện pháp tư pháp:

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường trả ông Bùi Đức T số tiền là 8.347.000 đồng (tám triệu ba trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng).

Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 viên gạch chỉ đỏ bị vỡ một góc, có bám dính xi măng.

Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bản cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử được tống đạt cho bị cáo đúng pháp luật; việc lấy lời khai những người tham gia tố tụng, hỏi cung bị can đều đảm bảo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có khiếu nại gì. Hội đồng xét xử xác định việc điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Về nội dung; tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận hành vi dùng gạch đánh ông T trước, tuy nhiên lời khai của ông T và nhứng người làm chứng có mặt đều xác định bị cáo là người dùng gạch đánh vào đầu ông T trước. Lời khai của bị cáo cũng mâu thuẫn với chính lời khai của con gái bị cáo, con bị cáo khai đã bế con đi vào trong nhà, nhưng bị cáo lại khai con gái bị cáo và ông T đang cãi nhau thì bị cáo ra đẩy con bị cáo đi vào thì ông T dùng dao xây chém bị cáo và bị cáo dùng gạch ném về phía ông T.

Như vậy lời khai của bị cáo là mâu thuẫn, không phù hợp với các chứng cứ khác, nên không có cơ sở xác định ông T đánh bị cáo trước. Lời khai của bị hại phù hợp với lời khai của người làm chứng, phù hợp với các chứng cứ khách quan khác. Nên có cơ sở chấp nhận; Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận:

Do có mâu thuẫn về việc dòng bọ B xây tường cạnh nhà của mình nên khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 15/6/2019 tại thôn T, xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên, bị cáo Nguyễn Thị T đã dùng 01 viên gạch chỉ màu đỏ đã bị vỡ một góc đập vào vùng đỉnh đầu ông Bùi Văn T là thợ xây đang xây tường cho dòng họ B gây thương tích với tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 03%. Cơ chế hình thành thương tích do tác động bởi vật cứng có cạnh gây nên.

Hành vi dùng gạch (là hung khí nguy hiểm) gây thương tích cho ông Bùi Đức T với tỷ lệ thương tích là 03% như nêu trên của bị cáo Nguyễn Thị T đã phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo tội danh và điều luật viện dẫn là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khoẻ của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an xã hội.

Xét về vụ án này bị cáo thực hiện hành vi phạm tội độc lập. Bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự phải nhận thức được rằng việc xảy ra mâu thuẫn thì các bên phải xử sự phù hợp với quy định của pháp luật. Lẽ ra khi bị cáo về nhà thấy có việc cãi nhau, xô sát giữa con gái bị cáo với những người đang xây dựng bên nhà họ B thì bị cáo cần tìm hiểu sự việc, trao đổi, giải quyết phù hợp, trường hợp vẫn xảy ra mâu thuẫn cần yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, như vậy mới đảm bảo an ninh trật tự, không xảy ra vi phạm, nhưng bị cáo không xử sự như vậy mà lại gây thương tích cho ông T như trên là phạm tội.

Với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, áp dụng mức hình phạt tương xứng thì mới có tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo và phòng ngừa các hành vi tương tự xảy ra.

Khi đánh giá về các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Ông T là người chặt vòi nước, cãi nhau xô sát với con gái bị cáo nên dẫn đến sự việc, trường hợp ông T yêu cầu phía con gái bị cáo không được thì phải đề nghị cơ quan chức năng giải quyết, ông T cũng dùng dao xây chém sượt vào vai bị cáo, nên xác định người bị hại cũng có lỗi một phần trong vụ án. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm i Khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà bị cáo được hưởng. Do vậy có căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, xét thấy bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có đủ căn cứ cho bị cáo hưởng án treo; thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ phạt, áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được cải tạo tại địa phương, tạo cơ hội cho bị cáo sửa chữa hành vi vi phạm pháp luật của mình, để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Giao bị cáo cho chính quyền địa phương nơi bị cáo thường trú giám sát và giáo dục.

[3] Các biện pháp tư pháp; về trách nhiệm dân sự: Hành vi phạm tội của bị cáo đã gây thương tích cho bị hại. Tại phiên toà bị cáo và bị hại không nhất trí được việc bồi thường thương tích, nên Hội đồng xét xử sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xét về các khoản bồi thường, Hội đồng xét xử thấy: Về khoản chi phí khám, chữa bệnh và thuê xe đi lại hết 2.857.000 đồng (hai triệu tám trăm năm mươi bẩy nghìn đồng) là có hóa đơn và là chi phí hợp lý, nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với khoản ngày công nghỉ lao động ông T yêu cầu là 04 tháng với mức thu nhập là 09 triệu đồng mỗi tháng, nhưng không có chứng cứ phù hợp; căn cứ vào tỷ lệ thương tích của ông là 03%, ông không phải nằm viện mà chỉ xử lý thương tích xong rồi về nhà, như vậy Hội đồng xét xử xác định khoản ngày công nghỉ lao động của ông là một tháng với mức thu nhập bình quân tại địa phương là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) là phù hợp. Đối với khoản bồi thường tổn thất tinh thần là một tháng lương cơ sở, hiện nay mức lương cơ sở theo quy định là 1.490.000 đồng/tháng (một triệu bốn trăm chín mươi nghìn đồng mỗi tháng). Khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe là 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Như vậy tổng số các khoản bồi thường là 8.347.000 đồng (tám triệu ba trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng).

Đi với việc bị cáo cho rằng ông Thắng dùng dao xây đánh bị cáo nhưng không gây thương tích gì, bị cáo tự nguyện không có yêu cầu gì nên không đặt ra để xét và không khấu trừ một phần bồi thường tương ứng với phần lỗi của ông T do bị cáo không yêu cầu.

[4] Về vật chứng: Đối với 01 viên gạch bị cáo dùng làm công cụ gây thương tích cho ông T, nên tịch thu, tiêu hủy. Việc tại phiên tòa bị cáo khai không đúng viên gạch đã gây thương tích, nhưng không có căn cứ gì chứng minh, lời khai người làm chứng đều xác định đúng là viên gạch bị cáo sử dụng đánh ông T. Viên gạch này được thu giữ theo đúng trình tự pháp luật, nên không có cơ sở chấp nhận lời khai của bị cáo.

[5] Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Toà án, buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thị T phạm tội Cố ý gây thương tích.

Áp dụng: Điểm a Khoản 1 Điều 134; Điểm i Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điểm b Khoản 1 Điều 46; Điểm a Khoản 1 Điều 47; Khoản 1 Điều 48; Khoản 1, 2 Điều 65 Bộ luật Hình sự. Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 590 Bộ luật Dân sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị T 09 tháng tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 năm 06 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Thị T cho Ủy ban nhân dân xã L, huyện V, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Các biện pháp tư pháp:

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Nguyễn Thị T bồi thường thương tích trả ông Bùi Đức T số tiền là 8.347.000 đồng (tám triệu ba trăm bốn mươi bẩy nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 viên gạch chỉ đỏ bị vỡ một góc, có bám dính xi măng.

Về án phí: Buộc bị cáo Nguyễn Thị T phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 417.000 đồng (bốn trăm mười bẩy nghìn đồng) án phí dân sự.

Trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên để yêu cầu xét xử phúc thẩm.

Trong trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người phải thi hành án, người được thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

312
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 84/2019/HS-ST ngày 29/11/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:84/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Văn Lâm - Hưng Yên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về