TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỎ CÀY BẮC, TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 84/2017/HNGĐ-ST NGÀY 21/09/2017 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN, NUÔI CON CHUNG
Ngày 21 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 153/2017/TLST-HNGĐ, ngày 09/5/2017 về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 86/2017/QĐXXST - HNGĐ, ngày 28/8/2017, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Chị Lê Thị T, sinh năm 1985 (có mặt). Địa chỉ: ấp T, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre.
Bị đơn: Anh Hồ Văn M, sinh năm 1984 (vắng mặt). Địa chỉ: ấp T, xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn xin ly hôn ngày 02/5/2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn chị Lê Thị T trình bày: Chị và anh Hồ Văn M kết hôn do mai mối nhưng cả hai tự nguyện tiến đến hôn nhân, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre ngày 29/12/2008. Sau khi kết hôn vợ chồng sống hạnh phúc khoảng gần hai năm thì phát sinh mâu thuẫn do anh M không quan tâm đến vợ con, vợ chồng đã ly thân cách nay gần tám năm, thời gian ly thân gia đình hai bên có hàn gắn nhưng không đạt kết quả, bản thân anh M không có bàn bạc hàn gắn với chị. Nay chị xin ly hôn với anh M. Con chung có một cháu tên Hồ Minh H, sinh ngày 21/6/2010 hiện đang sống chung với chị, khi ly hôn chị xin nuôi con, yêu cầu anh M cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khicháu H tròn 18 tuổi. Tài sản chung không yêu cầu giải quyết. Nợ chung không có.
Bị đơn anh Hồ Văn M vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án, không có lời trình bày hay ý kiến gì đối với yêu cầu của chị Lê Thị T.
Tại phiên tòa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc phát biểu quan điểm: Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự; nguyên đơn chấp hành pháp luật tốt, bị đơn chưa chấp hành pháp luật, vắng mặt trong các lần Tòa án mời giải quyết vụ án. Về nội dung: đề nghị áp dụng Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình cho chị Lê Thị T được ly hôn với anh Hồ Văn M; về con chung chị T trực tiếp nuôi cháu Hồ Minh H, sinh ngày 21/6/2010, anh Hồ Văn M cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi cháu H tròn 18 tuổi; tài sản chung không yêu cầu giải quyết và nợ chung không có nên không xem xét giải quyết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Anh Hồ Văn M vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai không có lý do nên căn cứ khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt anh M.
[2] Về quan hệ hôn nhân giữa chị Lê Thị T và anh Hồ Văn M thấy rằng anh chị kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện M, tỉnh Bến Tre ngày 29/12/2008. Do đó hôn nhân của anh chị là hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Sau khi kết hôn theo chị T trình bày thì anh chị sống hạnh phúc khoảng hai năm thì phát sinh mâu thuẫn do anh M không quan tâm đến vợ con. Tại phiên tòa chị T cương quyết xin ly hôn với anh M. Đối với anh M trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã mời anh đến Tòa án để tham gia hòa giải với chị T, mục đích là để cho anh chị bàn bạc, tháo gỡ những bất đồng mâu thuẫn, tìm giải pháp để vợ chồng hàn gắn nhưng anh M không tham gia hòa giải, điều đó chứng tỏ anh có biểu hiện bỏ mặc, không quan tâm hàn gắn tình cảm vợ chồng, quan hệ vợ chồng của anh chị chỉ hạnh phúc trong khoảng thời gian ngắn đã dẫn đến sống ly thân, thời gian ly thân anh chị cũng không có giải pháp nào để vợ chồng hàn gắn. Do đó có căn cứ xác định mâu thuẫn của anh chị đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên cần áp dụng Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho chị T được ly hôn với anh M là phù hợp.
[3] Về nuôi con chung: Trong quá trình chung sống anh chị có một con chung tên Hồ Minh H, sinh ngày 21/6/2010 hiện đang sống chung với chị T, khi ly hôn chị T xin nuôi con yêu cầu anh M cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng cho đến khi cháu H tròn 18 tuổi. Xét thấy từ khi thụ lý vụ án đến nay anh M không có ý kiến hay yêu cầu gì về việc nuôi con chung, để bảo đảm nguyện vọng của cháu H là muốn sống chung với chị T đồng thời để cho cuộc sống của cháu ổn định cần để cho chị T tiếp tục nuôi con là phù hợp. Về việc cấp dưỡng nuôi con thấy rằng sau khi ly hôn cha, mẹ là người không trực tiếp nuôi phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, mức cấp dưỡng mỗi tháng 500.000 đồng theo yêu cầu của chị T là phù hợp vừa bảo đảm khả năng của người cấp dưỡng và đáp ứng một phầnsinh hoạt của cháu H nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Về tài sản chung và nợ chung: Chị T không yêu cầu giải quyết tài sản chung và trình bày không có nợ chung, đối với anh M không có ý kiến hay yêu cầu giải quyết về tài sản chung, nợ chung nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết, nếu sau này có tranh chấp thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
[5] Về nghĩa vụ nộp án phí:
Chị Lê Thị T phải nộp án phí ly hôn, anh Hồ Văn M phải nộp án phí cấp dưỡng theo quy định tại Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 56, 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Lê Thị T.
Chị Lê Thị T được ly hôn với anh Hồ Văn M.
[2] Về nuôi con chung: Chị Lê Thị T trực tiếp nuôi cháu Hồ Minh H, sinh ngày 21/6/2010 hiện đang sống chung với chị T, anh Hồ Văn M có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 500.000 đồng, thời gian cấp dưỡng tính từ tháng 9/2017 cho đến khi cháu H tròn 18 tuổi, phương thức cấp dưỡng mỗi tháng một lần.
Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan. Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Người trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 5 điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan Thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hằng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
[3] Về tài sản chung và nợ chung: Không xem xét giải quyết.
[4] Về nghĩa vụ nộp án phí:
Án phí ly hôn chị Lê Thị T phải nộp 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 000xxxx ngày09/5/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh Bến Tre nên không còn phải nộp thêm.
Án phí cấp dưỡng anh Hồ Văn M phải nộp 300.000 đồng.
[5] Về quyền kháng cáo:
Nguyên đơn có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; bị đơn vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án tống đạt hợp lệ để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
Bản án 84/2017/HNGĐ-ST ngày 21/09/2017 về tranh chấp ly hôn, nuôi con chung
Số hiệu: | 84/2017/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Mỏ Cày Bắc - Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 21/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về