TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 83/2019/HS-PT NGÀY 19/04/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 19 tháng 04 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 28/2019/TLPT-HS ngày 08 tháng 03 năm 2019 đối với bị cáo Manh H do có kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 03/2019/HS-ST ngày 25 tháng 01 năm 2019 của Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Bị cáo bị kháng cáo:
MANH H, sinh ngày 24/3/1985; nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Thôn CL, xã CH, huyện CL, tỉnh Khánh Hòa; Nghề nghiệp: Lao động phổ thông; Trình độ học vấn: 4/12; Dân tộc: Rắc Lây; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Mang T, sinh năm 1946 và bà Lê Thị NH, sinh năm 1956, gia đình có 07 anh chị em, bị cáo là con thứ ba; vợ Nguyễn Thị PO (Q); bị cáo có 02 con; con lớn sinh năm 2013; con nhỏ sinh năm 2018; Tiền sự: Chưa; Tiền án: Năm 2015 bị Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xử phạt 02 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”; Nhân thân: Năm 2008 bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 02 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”; bị cáo bị bắt tạm giam ngày 05/5/2018; có mặt tại phiên tòa.
Người kháng cáo: Ông Trần Phước T, sinh năm 1955; Trú tại: Số 19 Đô Đốc Lộc, phường HX, quận CL, thành phố ĐN, ông T là người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị H, sinh 1973; Trú tại: Tổ 29, phường HCN, quận HC, thành phố ĐN, bà Hà là vợ của bị hại Trần Phước Đ, sinh năm 1973 (đã chết). Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào tháng 5 năm 2018, bà Nguyễn Thị PA mở quán Bê thui Trung Anh 2 tại địa chỉ: Số 286 Lê Đại Hành, thuộc phường HP, quận CL có thuê ông Trần Phước Đ làm quản lý và 03 nhân viên phục vụ là ông Trần Xuân H, ông Phan Văn Đ và Manh H.
Khoảng 16 giờ chiều ngày 02/05/2018, sau khi đi dự tiệc và có uống rượu bia, ông Trần Phước Đ điều khiển xe mô tô hiệu Dylan, biển kiểm soát 43C1-103.38 về lại quán Trung Anh 2. Tại đây, giữa ông Đ và bà Nguyễn Thị PA xảy ra cãi vả về việc tối ngày 01/05/2018, ông Đ nhậu say về đập phá đồ đạc tại quán. Ông XH, ông Đ và Manh H chứng kiến hai người cãi nhau, Manh H yêu cầu ông Đ ra bàn ngồi nói chuyện thì ông Đ nói: “ Đ.M mi có cửa nói chuyện với tao hả?” thì Manh H trả lời: “Ông đừng Đ.M tui nữa”, Ông Đ tiếp tục: “Ta Đ.M mi đó, mi thách à, thằng nhãi ranh” rồi đi vào phòng tắm. Manh H theo sau đến trước cửa phòng tắm và nhà vệ sinh nói: “Ông đừng có chửi Đ.M tôi nữa, nếu không tôi đánh ông đó” rồi quay ra thì bất ngờ ông Đ từ phía sau dùng tay đánh vào bả vai rồi vòng tay qua siết cổ Manh H. Manh H dùng cùi chỏ tay phải thúc nhiều cái vào vùng bụng phải của ông Đ để thoát ra nhưng không được, Manh H tiếp tục giật mạnh đầu của mình ra sau nhiều lần trúng vào vùng miệng của ông Đ thì bị ông Đ quật ngã trong tư thế ngồi ở sát tường phòng vệ sinh nhưng Manh H nhanh chóng vùng dậy ngay. Ông Đ tiến đến đứng đối diện và dùng tay đấm Manh H nhưng Manh H tránh được rồi Hải dùng tay phải đấm thẳng vào vùng má bên trái của ông Đ và cả hai cùng nhảy lên sạp giường. Manh H tiếp tục dùng tay phải đấm liên tiếp nhiều cái thật mạnh vào nhiều vị trí trên mặt ông Đ khiến ông Đ ngã bật ngửa ra phía sau, đầu đập vào góc tường, té xuống trong tư thế người ngồi dựa vào góc tường, chân phải duỗi thẳng, chân trái co lên, tay trái đặt lên trên đùi trái. Thấy ông Đ bị chảy máu miệng và té ngã nên Manh H dừng lại không đánh nữa và đi ra khỏi phòng thì ông Đ dơ tay phải lên chỉ vào Manh H và nói rằng: “Mi được lắm Hải, mi chờ đó”.
Lúc rời khỏi phòng ông Đ, Manh H gặp ông Trần XH, thấy Manh H vừa đi vừa rẫy tay phải nhiều lần, ông XH hỏi: “Có chuyện gì vậy?” thì Manh H trả lời: “Vừa đánh nhau với ông Đ xong”. Bà PAcũng hỏi: “Ổng có sao không?” thì Manh H trả lời: “Ổng không sao hết” rồi ra lấy xe mô tô đi về nhà tại xã ĐP, thị xã ĐB, tỉnh QN.
Ông XH đi vào phòng thì thấy ông Đ nằm thẳng người song song và sát với vách ngăn, tay trái gác lên trán, có tiếng “khò, khò” phát ra nên XH nghĩ ông Đ đang ngủ nên quay ra tiếp tục làm việc.
Sau khi Manh H rời đi, khoảng 20 phút sau (tức vào lúc 16h 30 phút cùng ngày), bà PA đi vào phòng xem tình trạng của ông Đ như thế nào thì thấy ông Đ nằm nghiêng bên phải, đầu hướng vào vách ngăn, chân hướng vào nhà vệ sinh, mặt quay vào tường và có tiếng “khò, khò” nên bà PA đi ra và vào bếp tiếp tục làm công việc của mình.
Khoảng 15 phút tiếp theo (tức vào lúc 16 giờ 45 phút), bà PA nhớ việc ông Đ nhờ mang dầu gội đầu vào nên bà đi vào phòng, đặt chai dầu gội đầu trên ghế trong nhà vệ sinh thì thấy ông Đ nằm như vị trí ban đầu, nhưng người ngửa ra, chân tay duỗi thẳng, trên mặt bị sưng và có máu. Bà PA nghĩ rằng vết thương do Manh H gây ra và nghĩ ông Đ vẫn đang ngủ nên đi ra và làm tiếp công việc của mình.
Đến khoảng 19 giờ, bà Nguyễn Thị CT (là bạn của ông Đ) vào quán mua xương có hỏi bà PA: “Anh Đ đâu sao không ra phụ chị bán quán?” thì bà PA trả lời: “Ông Đ nằm ngủ trong phòng” rồi cả hai cùng vào phòng kiểm tra thì phát hiện ông Đ nằm ngửa trên lối đi. Bà Pal ấy khăn lau máu cho ông Đ rồi nhờ bà T đưa anh Đ đi cấp cứu nhưng bà T quay về nhà để cho con ăn.
Khoảng 20 giờ, bà T quay lại quán và cùng bà PA vào phòng thì thấy trên miệng ông Đ có nhiều máu, phun bắn thành tia và gọi cấp cứu đưa ông Đ đi bệnh viện ĐN. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày thì ông Đ tử vong. Ngày 05/05/2018, bị can Manh H đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố ĐN đầu thú.
Vật chứng thu giữ gồm:
- 01 (một) xe mô tô hiệu Dylan 125 màu đỏ đen, biển kiểm soát 43C1-10338 - 01 (một) mũ bảo hiểm màu xám, dây đeo màu đen;
- 01 (một) điện thoại di động hiệu Oppo màu hồng trắng;
- 01 (một) điện thoại di động hiệu Samsung J7 màu xanh.
Theo kết luận giám định số 62/GĐ-PY ngày 11/05/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố ĐN xác định nguyên nhân chết của Trần Phước Đ là chấn thương sọ não.
Theo Công văn số 160/CV-PC54(DD4) ngày 11/06/2018 và Công văn số 255/CVDD4-P.KTHS ngày 27/08/2018 của phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố ĐN giải thích cơ chế hình thành vết thương của ông Đ như sau: “Vùng cổ phải đến vùng sau tai phải có vết thâm tím da cơ, kích thước (17x3)cm khả năng là do nạn nhân ngã vào thanh giường tại hiện trường gây nên; Gãy kín phức tạp 1/3 trên hai xương cẳng tay trái là do tác động lực gián tiếp làm gãy phần xương bị can hóa cũ tại ví trí 1/3 trên cẳng tay trái, vùng chẩm có vết xây xác da, thâm tím da cơ nằm trên diện (4x3)cm được hình thành do đầu nạn nhân tác động vào vật cứng có diện rộng, phẳng tại hiện trường như tường, nền nhà; Vùng ngực trái tương ứng với khoang gian sườn 6 cách đường giữa 7cm, có vết sưng nề bấm tím cơ nằm trên diện (10x3)cm khả năng là do nắm đấm, khủy tay tạo nên; Vết xây xác thâm tím kích thước (5x1)cm dạng thẳng, hướng chếch từ trái sang phải, do vật cứng có cạnh dà 01cm tạo nên khả năng do móng tay tạo nên” .
Theo Kết luận giám định số 137/GĐ-SH ngày 05/09/2018 và 138/GĐ-SH ngày 13/09/2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố ĐN kết luận:
“Mẫu dấu vết màu đỏ nghi máu thu tại hiện trường ở vị trí vách ngăn, dưới nền nhà, thành giường sát vách ngăn, trên vách ngăn (ký hiệu M1); mẫu thu ở nền nhà (ký hiệu M2); mẫu dạng quệt trên tường ngăn phòng số 2 và nhà vệ sinh (ký hiệu M3); mẫu bám dính tại chiếc áo thu ở hiện trường (ký hiệu M4) thuộc nhóm máu O trùng với nhóm máu của nạn nhân Trần Phước Đ.” “Mẫu dấu vết đỏ nghi máu tại vị trí tay cầm ở đuôi xe mô tô hiệu Dylan, BKS 43G1- 103.38 (ký hiệu M1) và mẫu dấu vết màu đỏ ghi nhận ở phần mũ bảo hiểm treo trên xe mô tô Dylan (ký hiệu M2) không phải là máu”.
Theo Kết luận số 761/C09C(DD5) ngày 13/11/2018 của phân viện Khoa học hình sự tại thành phố ĐN kết luận:
“Dấu máu dạng phun tại vị trí sát vách ngăn dưới nền nhà, trên vách ngăn (ký hiệu M1) do chất lượng dấu vết kém nên không xác định được có phải là máu người hay không”.
Dấu máu đỏ thu tại vị trí vạt giường và ví trí tương ứng dưới nền ( ký hiệu M2); dấu máu dạng quẹt trên tường ngăn phòng số 2 và nhà vệ sinh (ký hiệu M3); dấu máu bám dính tại chiếc áo thu ở hiện trường (ký hiệu M4) là máu của Trần Phước Đ”.
Ngày 07/08/2018, Cơ quan điều tra thực nghiệm điều tra vụ án, lời khai bị cáo Manh H và những người liên quan phù hợp với những chứng cứ, tài liệu được thu thập.
Quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị hại Trần Phước Đ yêu cầu bị cáo Manh H phải bồi thường chi phí điều trị thương tích, chi phí mai táng, tiền tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng nuôi 3 con của ông Trần Phước Đ với tổng số tiền là 1.751.979.545 đồng (Một tỷ, bảy trăm năm mươi mốt triệu, chín trăm bảy mươi chín nghìn, năm trăm bốn mươi lăm đồng).
Với nội dung như trên tại bản án hình sự sơ thẩm số 38/2018/HSST ngày 03/05/2018 của Toà án nhân dân quận CL đã quyết định:
Căn cứ: điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h Điều 52 Bộ luật hình sự; Xử phạt: Bị cáo Manh H 8 (tám) năm tù về tội ”Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam ngày 05/5/2018.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 610 Bộ luật dân sự và điểm 2 mục II Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm nên xử buộc bị cáo Manh H phải tiếp tục bồi thường cho anh Đ gồm các khoản: tiền điều trị ban đầu; chi phí mai táng; tiền tổn thất về mặt tinh thần với số tiền là 139.295.000đ, gia đình bị cáo đã bồi thường thay được 20.000.000 đồng, bị cáo phải bồi thường tiếp số tiền là 119.295.000đ (Một trăm mười chín triệu, hai trăm chín mươi lăm nghìn đồng). Giao cho ông Trần Phước Tùng là anh ruột của ông Đ nhận số tiền này.
Buộc bị cáo phải có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng là 4.500.000 đồng nuôi ba con của anh Đ gồm: Trần Phước AV; sinh năm 2004; Trần Vũ PU; sinh năm: 2011; Trần Phước AK; sinh năm: 2016 (1.500.000đồng/01 người con/1 tháng). Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ ngày xảy ra tai nạn là ngày 02/5/2018 cho đến khi ba con của anh Đ đủ 18 tuổi hoặc đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân gia đình. Giao cho ông Trần Phước N là em ruột của ông Đ nhận số tiền cấp dưỡng cho Trần Phước AV sinh năm: 2004. Giao cho bà Trần Thị H là vợ của ông Đ nhận số tiền cấp dưỡng cho Trần Vũ PU, sinh năm: 2011 và Trần Phước AK; sinh năm: 2016.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý tang vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Trong hạn luật định, ngày 01/02/2019 đại diện hợp pháp của bị hại là ông Trần Phước T kháng cáo với nội dung:
- Về tội danh: Ông cho rằng vụ án có đồng phạm và yêu cầu xử bị cáo Manh H về tội “Giết người”.
- Về hình phạt: Yêu cầu xử tăng hình phạt đối với bị cáo.
- Về trách nhiệm dân sự: Yêu cầu tăng mức bồi thường cho gia đình bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố ĐN có quan điểm về việc giải quyết vụ án như sau:
+ Về hình thức: Đơn kháng cáo của người kháng cáo là hợp lệ nên đề nghị xem xét.
+ Về nội dung kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại:
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng với các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, diễn biến của vụ việc, lời khai nhân chứng, cơ chế hình thành vết thương, kết luận giám định về nguyên nhân chết của bị hại…Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Manh H về tội “Cố ý gây thương tích” theo tình tiết định khung “làm chết 1 người” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS là đúng pháp luật; kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu xét xử bị cáo về tội “Giết người” là không có căn cứ nên đề nghị không chấp nhận nội dung kháng cáo này.
Về hình phạt, xét Tòa án cấp sơ thẩm đã định tội danh đúng, khi quyết định hình phạt đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, nguyên nhân của vụ án cũng có một phần lỗi của bị hại; đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo để xử phạt bị cáo mức án 08 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” là phù hợp và có căn cứ pháp luật. Do vậy, đề nghị không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của đại diện hợp pháp của bị hại.
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện Viện kiểm sát cho rằng kháng cáo nội dung này là có căn cứ, đề nghị căn cứ quy định của Bộ luật dân sự, Nghị quyết hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao xem xét tăng mức bồi thường tiền tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại; riêng tiền cấp dưỡng nuôi con, tiền bồi thường chi phí điều trị thương tích ban đầu và chi phí mai táng là có căn cứ, đúng pháp luật nên cần giữ nguyên.
Bị cáo Manh H thừa nhận hành vi và tội danh như Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là đúng; bị cáo khẳng định hoàn toàn không có ý thức tước đoạt tính mạng của ông Đ, khi dùng tay chân đánh ông Đ bị cáo cũng không nghĩ đến hậu quả chết người nên bị cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét; về kháng cáo của đại diện bị hại bị cáo đề nghị xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại, HĐXX nhận thấy:
[1] Lúc 16 giờ ngày 02/05/2018, xuất phát từ việc giữa ông Trần Phước Đ (quản lý quán) với bà Nguyễn Thị PA (chủ quán bê thui Trung Anh 2) có xảy ra việc cự cãi lẫn nhau. Lúc này, Manh H đến can ngăn và hòa giải thì giữa ông Đ và Hải tiếp tục xảy ra cãi lộn lẫn nhau. Ông Đ có lời nói chửi tục đối với bị cáo và đã có hành vi đánh và ôm siết cổ Manh H nên Manh H đã dùng cùi chỏ tay phải thúc nhiều cái vào vùng bụng ông Đ rồi dùng đầu giật mạnh ra phía sau trúng vào vùng môi mép của ông Đ. Ông Đ vật ngã Manh H thì H vùng dậy dùng tay đấm mạnh nhiều cái vào vùng má, mặt ông Đ. Khi cả hai cùng nhảy lên sạp giường thì Manh H tiếp tục dùng tay phải đấm mạnh nhiều cái vào nhiều vị trí trên vùng đầu mặt của ông Đ khiến cho ông Đ ngã bật ngửa ra phía sau đầu đập vào góc tường té xuống trong tư thế người ngồi dựa vào góc tường. Lúc này, khi thấy ông Đ chảy nhiều máu miệng nên H dừng lại không đánh nữa đi ra khỏi phòng thì ông Đ vẫn còn nói với theo “Mi được lắm Hải, mi chờ đó”. Sau khi kết thúc việc đánh nhau giữa ông Đ và Manh H thì ông Trần Xuân H (cũng là người làm công tại quán) có đi vào vẫn thấy ông Đ vẫn nằm và có tiếng “khò, khò”; 20 phút sau bà Nguyễn Thị PA (chủ quán) đi vào thì vẫn thấy ông Đ nằm mặt quay vào tường và nghe thấy tiếng “khò, khò” nên bà Anh đi ra. Tiếp đó 15 phút sau, bà PA vào lại thì vẫn thấy ông Đ nằm nhưng lúc này mặt có biểu hiện sưng phù và có máu, nghỉ ông Đ vẫn còn ngủ nên bà PA đi ra. Đến 19 giờ cùng ngày khi bà Nguyễn Thị CT đến cùng với bà PA vào kiểm tra thì phát hiện ông Đ nằm ngửa bất động trên lối đi nên cả hai mới gọi người đưa đi cấp cứu lúc 20 giờ nhưng đến 23 giờ cùng ngày ông Đ tử vong. Kết luận giám định pháp y xác định nguyên nhân ông Đ chết là do bị chấn thương sọ não; kết luận giám định về cơ chế hình thành vết thương vùng chẩm trên đầu là do đầu nạn nhân bị tác động vào vật cứng có diện rộng, phẳng tại hiện trường như tường hoặc nền nhà… Với nội dung vụ án trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung “Làm chết 1 người” theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS có khung hình phạt tù từ 7 năm đến 14 năm tù là đúng pháp luật.
[2]. Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về vấn đề có đồng phạm và yêu cầu xét xử bị cáo về tội “Giết người”, HĐXX nhận thấy:
Với diễn biến sự việc như trên, HĐXX nhận thấy không có tài liệu hoặc nguồn chứng cứ nào thể hiện bị cáo Manh H có ý thức tước đoạt tính mạng của ông Đ. Giữa ông Đ và bị cáo hoàn toàn không có mâu thuẫn, các dấu vết thương tích trên người ông Đ được hình thành trong quá trình giữa ông Đ và bị cáo Hải đánh nhau, về cơ chế hình thành các vết thương của ông Đ đều phù hợp với lời khai nhận của bị cáo H, phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra và các kết luận giám định pháp y của cơ quan có thẩm quyền; các lời khai của nhân chứng đều thể hiện chỉ có ông Đ và bị cáo H có mặt tại khu vực phòng ngủ, bếp và vệ sinh khi xảy ra vụ việc. Sau khi kết thúc việc đánh nhau giữa ông Đ và Manh H các nhân chứng là bà PA và ông Trần Xuân H đi vào đều có nghe tiếng ông Đ nằm dưới đất còn thở “khò, khò” nên không có cơ sở xác định bị cáo có ý thức cố ý tước đoạt sinh mạng của ông Đ từ trước. Các hành vi khách quan mà bị cáo thực hiện đều chỉ nhằm và có khả năng gây thương tích cho bị hại; việc ông Đ chết là do H đấm ông Đ khiến ông Đ té ngã đầu đập vào vách tường dẫn đến chấn thương sọ não, không được phát hiện và cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong nên không có đủ căn cứ để xét xử bị cáo về tội “Giết người” như nội dung kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại. Đồng thời, kết quả điều tra, xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa cũng không có cơ sở xác định vụ án có đồng phạm nào khác ngoài bị cáo Manh H; các nhân chứng đều xác nhận chỉ có Manh H và ông Đ có mặt tại hiện trường, đều xác nhận H rời khỏi hiện trường đi ra. Thấy Manh H vẫy vẫy tay, Trần Xuân H có hỏi thì Manh H trả lời là “vừa mới đánh nhau với ông Đ”, bà PA có hỏi thì Manh H trả lời “Ổng không sao hết”…; việc đại diện bị hại cho rằng bị cáo Manh H có hình dáng thấp bé hơn ông Đ thì không thể đánh ông Đ té ngã dẫn đến cái chết hoặc nghe bà PA nói người đánh chết ông Đ là cháu của bà PA như lời trình bày của ông Trần Phước T chỉ là suy diễn chủ quan, không có căn cứ pháp lý nên không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo này.
[3]. Xét kháng cáo của đại diện bị hại về việc yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, HĐXX nhận thấy: Xuyên suốt vụ việc đều thể hiện giữa bị cáo với bị hại không hề có mâu thuẫn gì, nguyên nhân sự việc xảy ra cũng một phần do hành vi và ứng xử của bị hại, bản thân bị hại đã có hành vi dùng tay đánh và kẹp cổ bị cáo trước nên mới dẫn đến việc bị cáo dùng tay đánh lại. Xét thấy, khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã định tội danh đúng, đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, nguyên nhân của vụ án cũng có một phần lỗi của bị hại; đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của bị cáo để xử phạt bị cáo mức án 08 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” là phù hợp và có căn cứ pháp luật nên HĐXX không chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại mà giữ nguyên án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của pháp luật.
[4]. Xét kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về vấn đề trách nhiệm dân sự yêu cầu tăng mức bồi thường, HĐXX nhận thấy:
Vấn đề bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được quy định tại các Điều 584, 585, 586 và 591 Bộ luật dân sự năm 2015 và được hướng dẫn cụ thể bởi Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Quá trình giải quyết vụ án, gia đình bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổng số tiền: 1.751.979.545 đồng (Một tỷ, bảy trăm năm mươi mốt triệu, chín trăm bảy mươi chín nghìn, năm trăm bốn mươi lăm đồng), bao gồm các khoản: chi phí điều trị thương tích ban đầu là 4.060.000 đồng, chi phí mai táng và các khoản chi liên quan đến mai táng là 145.919.545 đồng, tiền tổn thất tinh thần 120.000.000 đồng, tiền cấp dưỡng nuôi con Trần Phước AV, sinh năm 2004 là 216.000.000 đồng, nuôi con Trần Vũ PU, sinh năm 2011 là 594.000.000 đồng và nuôi con Trần Phước AK, sinh năm 2016 là 672.000.000 đồng (yêu cầu cấp dưỡng 1 lần).
- Về căn cứ áp dụng pháp luật: Xét thấy, khi giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ quy định tại Điều 610 Bộ luật Hình sự 2005 là áp dụng pháp luật chưa phù hợp mà phải căn cứ vào Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết mới đúng vì sự kiện pháp lý xảy ra vào ngày 02/05/2018 nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại cho đúng.
- Về mức bồi thường:
+ Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường tiền chi phí điều trị ban đầu với số tiền 4.060.000 đồng là phù hợp, có căn cứ pháp luật nên giữ nguyên khoản này.
+ Về chi phí mai táng và các khoản khác liên quan đến việc mai táng: Gia đình bị hại yêu cầu số tiền là 145.919.545 đồng, Tòa sơ thẩm chấp nhận số tiền là 51.835.000 đồng, bao gồm: tiền mua quan tài 20.000.000 đồng, tiền tẩm liệm và chôn cất 23.535.000 đồng, tiền thuê xe chở quan tài và xe đưa tang là 5.800.000 đồng và tiền thuê bàn ghế, che rạp 2.500.000 đồng (đây là các khoản chi có chứng từ, chứng minh được) là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy: Còn có một số khoản chi là có thật, phù hợp với phong tục tập quán tại địa phương tuy không có chứng từ để chứng minh như: tiền thuê xe chở xác về, tiền mua đất xây mộ, một phần tiền dịch vụ tang lễ, hương đèn…, để đảm bảo quyền lợi của gia đình bị hại trong việc tổ chức đám tang theo nghi lễ, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo này buộc bị cáo bồi thường thêm cho chi phí này với số tiền là 20.000.000 đồng, tổng chí phí mai táng là 71.835.000 đồng.
+ Về tiền tổn thất tinh thần, gia đình bị hại yêu cầu bồi thường số tiền 120.000.000 đồng; Tòa sơ thẩm chấp nhận 83.400.000 đồng (tương ứng 60 tháng lương cơ sở), HĐXX nhận thấy ông Đ chết đi để lại 03 người con nhỏ dại trong điều kiện hoàn cảnh đã ly thân vợ, Tòa sơ thẩm chấp nhận 60 tháng lương là thấp, nên Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo này buộc bồi thường bằng 80 tháng lương cơ sở là 80 x 1.390.000 đồng/tháng = 111.200.000 đồng.
+ Về tiền cấp dưỡng nuôi con, xét gia đình bị hại yêu cầu cấp dưỡng 1 lần cho cả 3 người con với tổng số tiền 216.000.000 đồng + 594.000.000 đồng + 672.000.000 đồng = 1.482.000.000 đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật, không phù hợp với khả năng và điều kiện bồi thường của bị cáo. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì việc cấp dưỡng 1 lần phải trên cơ sở đồng thuận của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu không có sự đồng thuận thì phải buộc cấp dưỡng hàng tháng. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận mức cấp dưỡng 1.500.000 đồng/ 1 tháng tính từ ngày xảy ra sự kiện ngày 02/05/2018 cho đến khi các con của ông Đ lần lượt đủ 18 tuổi hoặc đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân gia đình là có căn cứ, đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tế tại địa phương và phù hợp với điều kiện và khả năng của bị cáo nên HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo này của gia đình bị hại.
Như vậy, HĐXX chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại về phần trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường số tiền chi phí điều trị ban đầu là 4.060.000đồng, nâng số tiền chi phí mai táng thành 71.835.000 đồng, nâng số tiền tổn thất tinh thần thành 111.200.000 đồng, tổng cộng các khoản nêu trên là 187.095.000 đồng, gia đình bị cáo đã bồi thường thay được 20.000.000 đồng, bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền là 167.095.000 đồng, chưa kể tiền cấp dưỡng nuôi 3 con hàng tháng.
[4]. Về kiến nghị và yêu cầu rút kinh nghiệm: Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ án không nhận định và ghi vào bản án ngày tháng năm sinh của từng người con của bị hại là chưa đảm bảo và thuận tiện cho quá trình thi hành án nên Tòa án cấp phúc thẩm ghi nhận bổ sung thông tin về ngày tháng năm sinh cho đầy đủ.
Tại phần quyết định của bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự có ghi: Giao cho ông Trần Phước T là anh ruột của bị hại Trần Phước Đ nhận số tiền bồi thường về chi phí điều trị ban đầu, mai táng phí, tổn thất tinh thần…; giao cho ông Trần Phước V nhận số tiền cấp dưỡng của cháu Trần Phước AV, sinh năm 2004; giao cho bà Trần Thị H là vợ của ông Đ nhận số tiền cấp dưỡng của cháu Trần Vũ PU, sinh năm 2011 và cháu Trần Phước AK, sinh năm 2016…là không đúng mà cần phải tuyên giao cho đại diện hợp pháp của bị hại nhận các số tiền này mới đúng quy định của pháp luật, nên Tòa án cấp phúc thẩm sửa lại cho phù hợp.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn chưa tuyên về phần nghĩa vụ chậm thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 375 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 là thiếu sót nên Tòa án cấp phúc thẩm bổ sung cho phù hợp.
[5]. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật sau khi hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
[6]. Về án phí: Do sửa mức bồi thường thiệt hại nên Tòa án cấp phúc thẩm tính lại phần án phí dân sự mà bị cáo phải chịu cho đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, bị cáo phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho bị hại nhưng Tòa sơ thẩm không buộc bị cáo phải chịu án phí cấp dưỡng theo mức án phí không có giá ngạch 300.000 đồng là thiếu sót, Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng bổ sung cho đúng và cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện hợp pháp của bị hại, sửa một phần án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại và án phí dân sự; giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm về phần tội danh và hình phạt đối với bị cáo Manh H.
1.1. Căn cứ: điểm a khoản 4 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h Điều 52 Bộ luật hình sự; Xử phạt: Bị cáo Manh H 8 (tám) năm tù về tội ”Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam ngày 05/5/2018.
1.2. Về trách nhiệm dân sự:
Căn cứ Điều 591 Bộ luật dân sự và điểm 2 mục II Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Xử:
- Buộc bị cáo Manh H phải bồi thường cho gia đình bị hại Trần Phước Đ các khoản: tiền chi phí điều trị ban đầu là 4.060.000đ, tiền chi phí mai táng là 71.835.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần là 111.200.000 đồng, tổng cộng là 187.095.000 đồng, gia đình bị cáo đã bồi thường thay được 20.000.000 đồng, bị cáo còn phải bồi thường tiếp số tiền là 167.095.000 đồng (Một trăm sáu mươi bảy triệu, tám trăm ba mươi lăm ngàn đồng).
- Buộc bị cáo Manh H phải có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng là 4.500.000 đồng nuôi ba con của ông Trần Phước Đ gồm: Trần Phước AV; sinh ngày 26 tháng 08 năm 2004; Trần Vũ PU; sinh ngày 28 tháng 07 năm 2011; Trần Phước AK; sinh ngày 27 tháng 10 năm 2016 (1.500.000đồng/01 người con/1 tháng). Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ ngày xảy ra sự kiện ông Đ chết là ngày 02/5/2018 cho đến khi 03 người con của ông Đ lần lượt đủ 18 tuổi hoặc đến khi chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân gia đình.
Giao cho người đại diện hợp pháp của bị hại Trần Phước Đ nhận các số tiền này.
Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị cáo không thực hiện nghĩa vụ bồi thường và cấp dưỡng nêu trên thì bị cáo còn phải chịu tiền lãi chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
2. Về án phí:
- Án phí cấp dưỡng: Bị cáo phải chịu 300.000 đồng án phí về việc cấp dưỡng nuôi con.
- Án phí dân sự: Bị cáo phải chịu là 8.354.750 đồng.
3. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 83/2019/HS-PT ngày 19/04/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 83/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đà Nẵng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về