Bản án 83/2018/HS-ST ngày 28/09/2018 về tội buôn lậu

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 83/2018/HS-ST NGÀY 28/09/2018 VỀ TỘI BUÔN LẬU

Ngày 28 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 87/2018/TLST-HS ngày 12 tháng 9 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 522/2018/QĐXXST-HS ngày 13 tháng 9 năm 2018 đối với bị cáo:

Đào Quang V, sinh ngày 16 tháng 9 năm 1954 tại Hà Tĩnh. Nơi cư trú: Số 1766/44 đường 30/4, phường 12, thành phố VT, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nghề nghiệp: Giáo viên nghỉ chế độ; trình độ văn hóa: Lớp 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đào Quang T và bà Trần Thị N; có vợ là Trần Thị M và 01 con; tiền án, tiền sự: Không; bị tạm giữ từ ngày 06/7/2018 đến ngày 12/7/2018 chuyển tạm giam; có mặt.

Người làm chứng:

Ông Võ Văn Q, ông Hoàng Văn T1, ông Nguyễn Văn C, ông Đào Dương L,ông Trần T2 và anh Trần Văn Đ  đều vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 10/9/1994, tại khu vực đảo BLV, thành phố Hải Phòng, Đồn 58 - Bộ đội biên phòng Hải Phòng phát hiện, bắt giữ tàu NA-781 do Võ Văn Q, sinh năm 1957, trú tại: Xã QT, huyện QL, tỉnh Nghệ An là thuyền trưởng đang vận chuyển hàng hóa trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam. Trên tàu còn có Hoàng Văn T1, sinh năm 1958, trú tại: Xã SH, huyện QL, tỉnh Nghệ An là máy trưởng; Nguyễn Văn C, sinh năm 1967; Đào Dương L, sinh năm 1956; Trần Văn Đ, sinh năm 1972; cùng trú tại: Xã SH, huyện QL, tỉnh Nghệ An là thủy thủ; Trần T2, sinh năm1955, trú tại: Xã SH, huyện QL, tỉnh Nghệ An là chủ hàng; Nguyễn Văn T3, sinh năm  1977 và Hồ Văn C1, sinh năm 1935, cùng trú tại: Xã SH, huyện QL, tỉnh Nghệ An là người làm thuê trên tàu. Hàng hóa thu giữ gồm 27 máy nổ, 898 két bia, 527 xe đạp và khung xe đạp các loại tháo rời linh kiện không đầy đủ do Trung Quốc sản xuất, không có giấy tờ hợp lệ.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng, Võ Văn Q; Hoàng Văn T1; Nguyễn Văn C; Trần Văn Đ; Đào Dương L và Trần T2 khai nhận: Vào khoảng cuối tháng 8/1994 Đào Quang V gặp Võ Văn Q là thuyền trưởng tàu NA-781 để bàn bạc thuê tàu sang cảng Kỳ Xá - Trung Quốc mua hàng hóa của Trung Quốc rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam bán kiếm lời, V đã đưa cho Q 5.500.000 đồng để mua dầu, mỡ, thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đi, Trần T2 đi sang Trung Quốc trước để khảo sát thị trường và tìm nguồn hàng; Hoàng Văn T1 và Đào Quang V đi quyên góp tiền của gia đình và người quen biết để mua hàng. Khi xuống tàu đi sang Trung Quốc thì Hoàng Văn T1 đem theo số tiền 90.000.000 đồng, Đào Quang V đem theo số tiền 95.000.000 đồng, tàu đến cảng Kỳ Xá, Trung Quốc thì T1 và V đã giao số tiền trên cho Trần T2 để mua 27 máy nổ; 898 két bia Li-Quan; 300 chiếc xe đạp nguyên chiếc; 227 chiếc xe đạp tháo rời để vận chuyển về Việt Nam, khi tàu về Việt Nam thì Trần T2 áp tải hàng theo tàu còn Đào Quang V ở lại Trung Quốc và đi về Việt Nam bằng đường bộ. Khi tàu về đến khu vực đảo BLV thì bị Đồn 58 - Bộ đội biên phòng Hải Phòng phát hiện, bắt giữ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng quyết định trưng cầu giám định và định giá số hàng hóa thu giữ trên tàu NA-781. Tại Biên bản kiểm kê hàng hóa, biên bản và Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá thành phố Hải Phòng, tổng giá trị hàng hóa thu giữ trên tàu NA-781 là: 317.001.000 (Ba trăm mười bảy triệu, không trăm linh một nghìn) đồng.

Ngày 18/02/1995, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng áp dụng khoản 3 Điều 97; khoản 3, 4 Điều 100 Bộ luật Hình sự năm 1985 tuyên phạt Hoàng Văn T110 năm tù, phạt tiền 10.000.000 đồng; Võ Văn Q 08 năm tù,  phạt tiền 5.000.000 đồng; Trần Văn T2 07 năm tù, phạt tiền 5.000.000 đồng; Nguyễn Văn C 04 năm tù, phạt tiền 1.000.000 đồng; Đào Dương L 04 năm tù, phạt tiền 1.000.000 đồng; Trần Văn Đ 04 năm tù, phạt tiền 1.000.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Võ Văn Q và Trần Văn T2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 20/6/1995, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên y án sơ thẩm đối với Võ Văn Q; sửa án sơ thẩm đối với Trần Văn T2, xử phạt Trần Văn T2 05 năm tù.

Đối với Đào Quang V, ngày 06/12/1994 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng ra Lệnh truy nã số 162/LTN về tội Buôn lậu trái phép hàng hóa qua biên giới.

Ngày 05/7/2018, Đào Quang V ra đầu thú tại Công an tỉnh Nghệ An. Ngày 06/7/2018 Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao Đào Quang V cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng.

Tại Cơ quan điều tra, Đào Quang V khai nhận: Ngày 01/9/1994, Đào Quang V được bà Trần Thị M (đã chết - là vợ của V) nhờ mang giúp số tiền là 95.000.000 đồng đi theo tàu NA-781 cùng các bị cáo trong vụ án đã bị xét xử sang Trung Quốc đưa cho Trần T2 (em vợ V) để mua hàng hóa của Trung Quốc rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam bán kiếm lời. Trong số tiền trên có 20.000.000 đồng là của gia đình Đào Quang V, còn lại là của một số người cùng xã chung vốn với bà M. Việc bàn bạc thuê tàu sang cảng Kỳ Xá, Trung Quốc để mua hàng hóa rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam bán kiếm lời do bà M cùng với Trần T2 trực tiếp bàn bạc với nhau, V có biết nhưng do thời gian đã lâu nên V không nhớ ai là người trực tiếp thuê tàu và giao cho Q số tiền 5.500.000 đồng để chuẩn bị dầu, mỡ, thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đi. Việc giao dịch mua bán hàng hóa tại Trung Quốc rồi vận chuyển lên tàu, áp tải hàng đưa về Việt Nam do Trần T2 trực tiếp thực hiện, Đào Quang V không tham gia. Sau khi đưa hàng hóa xuống tàu vận chuyển về Việt Nam, Đào Quang V không về theo tàu mà ở lại Trung Quốc và về Việt Nam bằng đường bộ. Bản thân Đào Quang V nhận thức được việc giúp vợ mang tiền sang Trung Quốc chuyển cho em vợ để mua hàng hóa không hợp pháp về Việt Nam bán kiếm lời là vi phạm pháp luật. Sau khi biết có Lệnh truy nã, Đào Quang V đã tự nguyện đến Cơ quan Công an đầu thú.

Phần xử lý vật chứng: Đã được giải quyết xong tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37 ngày 18/02/1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử đối với các bị cáo Hoàng Văn T1; Võ Văn Q; Trần Văn T2; Nguyễn Văn C; Đào Dương L và Trần Văn Đ.

Tại bản Cáo trạng số 78/CT-VKS-P3 ngày 10 tháng 9 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng truy tố bị cáo Đào Quang V về tội “Buôn lậu hàng hóa trái phép qua biên giới” theo khoản 3 Điều 97 Bộ luật Hình sự năm 1985 (nay là tội “Buôn lậu” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tại phiên tòa, bị cáo Đào Quang V khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Đồng thời, bị cáo khẳng định: Bị cáo không tham gia bàn bạc, thỏa thuận với Q về việc thuê tàu, không bàn bạc về việc mua hàng hóa với Trần T2; việc thuê tàu và mua hàng hóa là do bà M (vợ bị cáo) trực tiếp bàn bạc thống nhất với Q và T2. Bị cáo chỉ được vợ dặn mang số tiền 95.000.000 đồng (trong đó có 20.000.000 đồng là tiền của gia đình bị cáo) đưa cho Trần T2. Bị cáo không tham gia mua hàng và cũng không tham gia vận chuyển hàng lên tàu để đưa về Việt Nam. Bị cáo không biết mình có Lệnh truy nã. Khoảng thời gian từ năm 1994 đến tháng 6/1995, bị cáo vẫn ăn ở, sinh hoạt bình thường tại xã SH, huyện QL, tỉnh Nghệ An. Sau đó, bị cáo có làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu vào định cư tại địa chỉ hiện nay ở thành phố VT, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi sinh sống tại VT, bị cáo luôn gương mẫu (gia đình bị cáo nhiều năm được công nhận là gia đình văn hóa, bị cáo đã từng giúp Công an tỉnh Nghệ An truy bắt tội phạm). Khi biết mình có Lệnh truy nã, bị cáo đã ra đầu thú ngay.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo như nội dung Cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 188; điểm s, u khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội ngày 20/6/2017; xử: Phạt tiền bị cáo Đào Quang V với mức từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng về tội “Buôn lậu”. Không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

Về xử lý vật chứng: Đã được giải quyết xong tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37 ngày 18/02/1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử đối với các bị cáo Hoàng Văn T1, Võ Văn Q, Trần Văn T2, Nguyễn Văn C, Đào Dương L và Trần Văn Đ nên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Bị cáo không tranh luận gì đối với luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

Bị cáo có lời nói sau cùng: Bị cáo đã cao tuổi, sức yếu nên mong Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, cho bị cáo ở ngoài xã hội để khắc phục hậu quả.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an thành phố Hải Phòng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo Đào Quang V tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp lời khai của người làm chứng và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở kết luận: Ngày 01/9/1994, theo lời dặn của bà Trần Thị M (vợ bị cáo), Đào Quang V đem theo số tiền 95.000.000 (chín mươi lăm triệu) đồng đi trên chuyến tàu NA-781 sang cảng Kỳ Xá,Trung Quốc đưa cho Trần T2 (là em vợ V). Tại Trung Quốc, T2 đã trực tiếp đi mua hàng hóa không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc rồi đưa lên tàu, vận chuyển về Việt Nam để bán kiếm lời. V không đi theo tàu mà về Việt Nam bằng đường bộ. Hậu quả tàu NA-781 đã bị Đồn 58 - Bộ đội biên phòng Hải Phòng bắt giữ cùng toàn bộ số hàng trên tàu, cụ thể gồm có: 27 máy nổ; 898 két bia Li-Quan; 300 chiếc xe đạp nguyên chiếc; 227 chiếc xe đạp tháo rời có tổng giá trị là 317.001.000 (Ba trăm mười bảy triệu, không trăm linh một nghìn) đồng. Vì vậy, bị cáo Đào Quang V phạm tội “Buôn lậu hàng hóa trái phép qua biên giới” theo khoản 3 Điều 97 Bộ luật Hình sự năm 1985 (nay là tội “Buôn lậu” được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm2015).

 [3] Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Hành vi phạm tội của bị cáo thực hiện từ tháng 9/1994. Tại khoản 3 Điều 97 Bộ luật Hình sự 1985 quy định: “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”. Hành vi phạm tội của bị cáo nay mới xét xử nên đối chiếu với điểm c khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt là “Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”. Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, áp dụng theo hướng có lợi cho bị cáo, cần xét xử và áp dụng hình phạt đối với bị cáo về tội “Buôn lậu” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

[4] Trong vụ án này, bị cáo V chỉ có vai trò đồng phạm giúp sức cho bà M (vợ bị cáo); bị cáo chỉ cầm tiền đi theo tàu sang Trung Quốc để chuyển cho Trần T2. Việc mua bán, vận chuyển hàng hóa như thế nào là do bà M bàn bạc với T2; bị cáo V không trực tiếp tham gia mua hàng, không vận chuyển hàng lên tàu và cũng không đi theo tàu có hàng buôn lậu về Việt Nam. Do đó cần áp dụng hình phạt tương ứng với tính chất và hành vi của bị cáo V.

[5] Bị cáo Đào Quang V không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Xét các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo hiện nay đã cao tuổi (64 tuổi); nguyên là giáo viên; nhân thân không có tiền án, tiền sự; ngoài hành vi bị cáo đã thực hiện vào ngày 01/9/1994 thì bị cáo không vi phạm pháp luật lần nào khác. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Công an tỉnh Nghệ An có công văn xác nhận về việc bị cáo đã có công trong việc truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm tại Vũng Tàu và đề nghị xét xử khoan hồng đối với bị cáo; bị cáo ra đầu thú; gia đình bị cáo có bố, mẹ đẻ tham gia kháng chiến được nhà nước tặng thưởng Huân chương hạng Nhất, Nhì. Vì vậy cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm s, u khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với bị cáo.

[6] Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, vai trò của bị cáo trong vụ án cùng với sự thay đổi của pháp luật, Hội đồng xét xử thấy không cần cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần áp dụng hình chính là phạt tiền đối với bị cáo theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phù hợp. Bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên có thể áp dụng mức phạt tiền dưới mức khởi điểm của khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ. Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử thấy hiện bị cáo đang bị tạm giam, hành vi của bị cáo có mức độ nên cần trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

[7] Về vật chứng: Các vật chứng gồm: 27 máy nổ; 898 két bia Li-Quan; 300 chiếc xe đạp nguyên chiếc; 227 chiếc xe đạp tháo rời đã được giải quyết xong tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37 ngày 18/02/1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử đối với các bị cáo Hoàng Văn T1; Võ Văn Q; Trần Văn T2; Nguyễn Văn C; Đào Dương L và Trần Văn Đ nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[8] Trong vụ án này còn có bà Trần Thị M là vợ của bị cáo V cùng thực hiện tội phạm. Hiện bà M đã chết, do vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng không khởi tố là có căn cứ.

[9] Về án phí và quyền kháng cáo đối với Bản án: Bị cáo phải nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và được quyền kháng cáo Bản án theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 188; điểm s, u khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 35; Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015; Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội ngày 20 tháng 6 năm 2017 xử :

Phạt tiền bị cáo Đào Quang V, số tiền là 150.000.000 (Một trăm năm mươi triệu) đồng về tội “Buôn lậu” để sung quỹ Nhà nước. Trả tự do cho bị cáo Đào Quang V đang bị tạm giam ngay tại phiên tòa nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Căn cứ vào Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Buộc bị cáo Đào Quang V phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

3. Về quyền kháng cáo: Căn cứ các Điều 61; Điều 331; Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

Bị cáo được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

611
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 83/2018/HS-ST ngày 28/09/2018 về tội buôn lậu

Số hiệu:83/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về