TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 77/2019/HS-ST NGÀY 06/12/2019 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
Ngày 06 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 74/2019/TLST-HS ngày 09 tháng 10 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 85/2019/QĐXXST-HS ngày 26 tháng 11 năm 2019 đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Vũ Việt H, sinh năm 1957, tại tỉnh Nam Định;
Nơi cư trú: Tổ dân phố 7, phường L, thành phố M, tỉnh Đắk Lắk; Giới tính:
Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 10/10; Nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng P khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 11/6/2014 bị khai trừ ra khỏi Đảng; con ông Vũ Văn N và bà Nguyễn Thị T (Đều đã chết); bị cáo có vợ là bà Trần Thị H1 và có 04 con, lớn nhất sinh năm 1983, nhỏ nhất sinh năm 1991;
Tiền án, tiền sự: Không;
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 28/12/2011 đến nay theo vụ án đã được xét xử theo Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Nhân thân: Ngày 26/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao – Tòa phúc thẩm tại Đà Nằng (Nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng) xét xử theo Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014/HSPT, xử phạt Vũ Việt H 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt 03 tội, buộc bị cáo Vũ Việt H phải chấp hành hình phạt chung là “Tử hình”.
2. Họ tên: Trần Xuân L, sinh năm 1956, tại tỉnh Quảng Ngãi;
Nơi cư trú: Số 84/7 Phạm Ngũ L, phường C, thành phố M, tỉnh Đắk Lắk; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 10/10; Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu Chi nhánh Ngân hàng P khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 18/6/2014 bị khai trừ ra khỏi Đảng; Con ông Trần Minh T và bà Nguyễn Thị V (Đều đã chết); Bị cáo có vợ là bà Dương Thị Thiên N và có 02 con.
Tiền án, tiền sự: Không;
Nhân thân: Ngày 26/9/2014, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử theo Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014/HSPT, xử phạt Trần Xuân L 05 (Năm) năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Chấp hành xong hình phạt vào ngày 24/8/2018 với nội dung: Ra tù trước thời hạn có điều kiện.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/8/2019, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
3. Họ tên: Trần Hoài K, sinh năm 1973, tại tỉnh Nghệ An;
Nơi cư trú: Liên Gia 2, phường Tân Lợi, tp Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nơi ĐKHKTT: TDP 9, phường H, Tp. M, tỉnh Đắk Lắk. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Nguyên Cán bộ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng P khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông; Là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, bị đình chỉ sinh hoạt Đảng từ ngày 09/8/2019; Con ông Trần Hoài T và bà Trần Thị L; Bị cáo có Vợ là bà Lê Thị Thanh L và có 02 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2013.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/8/2019, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho bị cáo Trần Hoài K: Luật sư Lại Nam H thuộc Văn phòng Luật sư H - Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk - có mặt.
* Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng P Việt Nam.
Địa chỉ: 25 Cát L, quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Minh Q – Chức vụ: Phó Trưởng phòng đại diện Ngân hàng P Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: Trụ sở số 18 Trần Cao V, phường K, Quận M, thành phố Hồ Chí Minh, vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Trương Thị T, sinh năm 1963. Là chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại N. Địa chỉ: 124 Hùng V, phường A, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk. Hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắk Trung thuộc Bộ Công an, vắng mặt.
2. Bà Đào Thị T1, sinh năm 1962;
Nơi cư trú: 119/2 Mai Hắc Đ, thành phố M, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
3. Bà Nguyễn Thị Hồng L, sinh năm 1985;
Nơi cư trú trước đây: Số 66 Lê Đại H, thành phố M, tỉnh Đắk Lắk;
Địa chỉ mới: Số 84 Hai Bà T, phường L, thành phố M, tỉnh Đắk Lắk, có măt;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chi nhánh Ngân hàng P Khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông (viết gọn là Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông) là đơn vị trực thuộc và được thành lập theo Quyết định số 03/QĐ-NHPT ngày 01/7/2006 của Ngân hàng P Việt Nam; hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động được ban hành kèm theo Quyết định số 425/QĐ-NHPT ngày 01/9/2006 của Tổng Giám đốc Ngân hàng P Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ huy động, tiếp nhận vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước trên địa bàn.
Quy trình, quy định về việc giải quyết cho vay tín dụng xuất khẩu tại hệ thống Ngân hàng P Việt Nam được quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ; Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ; Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2007 của Hội đồng quản lý Ngân hàng P Việt Nam và các quy định trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu được ban hành kèm theo Quyết định số 105/QĐ-NHPT ngày 04/3/2008 của Ngân hàng P Việt Nam.
Về tổ chức bộ máy điều hành hoạt động tại Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông giai đoạn 2006 đến 2011 như sau: Ông Vũ Việt H - Giám đốc theo Quyết định số: 17/QĐ-NHPT ngày 01/7/2006 của Ngân hàng P Việt Nam; ông Trần Xuân L - Trưởng phòng tín dụng I (thời điểm này gồm cả: Tín dụng đầu tư và Tín dụng xuất khẩu) theo Quyết định số 02/QĐ-NHPT-ĐLA ngày 12/7/2006, Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu từ ngày 01/10/2010 theo Quyết định số 48/QĐ-NHPT-ĐLA-ĐNO ngày 23/9/2010; bà Đào Thị T1 - Phó Trưởng phòng tín dụng I theo Quyết định số 07/QĐ-NHPT-ĐLA ngày 12/7/2006, Phó Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu từ ngày 01/10/2010 theo Quyết định số 49/QĐ-NHPT-ĐLA-ĐNO ngày 23/9/2010; ông Trần Hoài K - Chuyên viên Phòng tín dụng I theo Quyết định số 11/QĐ-NHPT-ĐLA-ĐNO ngày 05/5/2009, Chuyên viên Phòng tín dụng xuất khẩu từ ngày 01/10/2010 theo Quyết định số 50/QĐ-NHPT-ĐLA-ĐNO ngày 23/9/2010; bà Nguyễn Thị Hồng L1 - Chuyên viên Phòng tín dụng I theo Quyết định số 53/QĐ-NHPT-ĐL-ĐN ngày 03/10/2008, Chuyên viên Phòng tín dụng xuất khẩu từ ngày 01/10/2010 theo Quyết định số 51/QĐ-NHPT-ĐLA-ĐNO ngày 23/9/2010 của Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông (BL số: 82 - 102).
Từ ngày 28/5/2009 đến ngày 06/8/2009, Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông đã giải quyết cho Doanh nghiệp tư nhân Thương mại N (Viết gọn là: DN N), do Trương Thị T, hộ khẩu thường trú: Số 203, đường Trần Hưng Đ, phường A, Thị xã B, tỉnh Đắk Lắk là chủ doanh nghiệp vay vốn theo 06 Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số: 131, 136, 138, 146, 157, 161 vay tổng số tiền 100 tỷ đồng (hiện Doanh nghiệp đã tất toán toàn bộ nợ gốc); sau khi vay tiền DN N không sử dụng tiền vay để thu mua cà phê xuất khẩu theo đúng mục đích vay trong hợp đồng tín dụng, mà sử dụng số tiền trên vào việc trả nợ và chi trả cho các hoạt động khác của doanh nghiệp nên không có chứng từ xuất khẩu nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông.
Tuy nhiên, từ ngày 11/11/2009 đến ngày 22/01/2010, Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông vẫn tiếp tục giải quyết cho DN N vay vốn theo 06 Hợp đồng tín dụng xuất khẩu với số tiền được giải ngân là 6 5 tỷ đồng, cụ thể như sau:
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 301/2009/TDXK-NHPT.PC ngày 11/11/2009, số tiền duyệt cho vay 10 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 10 tỷ đồng;
căn cứ theo bản chính 02 hợp đồng nguyên tắc số 09/D/017/MOU và số 09/D/018/MOU ngày 09/11/2009 giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam. Hồ sơ do Trần Hoài K - Cán bộ tín dụng chuyên quản lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; Trần Xuân L - Trưởng phòng xét duyệt và Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc 1.510.032.767 đồng.
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 311/2009/TDXK-NHPT.PC ngày 19/11/2009, số tiền duyệt cho vay 10 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 10 tỷ đồng;
căn cứ theo bản chính 02 hợp đồng nguyên tắc số 09/D/019/MOU và số 09/D/020/MOU ngày 19/11/2009 giữa DN N ký với Công ty TNHH O Việt Nam. Hồ sơ do Nguyễn Thị Hồng L1 - Cán bộ tín dụng lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; Trần Xuân L - Trưởng phòng xét duyệt và Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc 10 tỷ đồng.
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 316/2009/TDXK-NHPT.PC ngày 01/12/2009, số tiền duyệt cho vay 10 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 10 tỷ đồng;
căn cứ theo bản chính 02 hợp đồng nguyên tắc số 09/D/021/MOU và số 09/D/022/MOU ngày 30/11/2009 giữa DN N ký với Công ty TNHH O Việt Nam.
Hồ sơ do Trần Hoài K - Cán bộ tín dụng chuyên quản lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; ông Trần Xuân L - Trưởng phòng xét duyệt và ông Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc: 10 tỷ đồng.
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 319/2009/TDXK-NHPT.PC ngày 11/12/2009, số tiền duyệt cho vay 10 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 10 tỷ đồng;
căn cứ theo bản chính 02 hợp đồng nguyên tắc số 09/D/023/MOU và số 09/D/024/MOU ngày 08/12/2009 giữa DN N ký với Công ty TNHH O Việt Nam.
Hồ sơ do Trần Hoài K - Cán bộ tín dụng chuyên quản lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; Trần Xuân L - Trưởng phòng xét duyệt và Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc 10 tỷ đồng.
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 01/2010/TDXK-NHPT.PC ngày 21/01/2010, số tiền duyệt cho vay 15 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 15 tỷ đồng;
căn cứ theo bản chính 02 bản ghi nhớ mua hàng số MM1001 và số MM1002 ngày 15/01/2010 giữa DN N ký với đại diện của Công ty E – Thụy Sỹ. Hồ sơ do Trần Hoài K - Cán bộ tín dụng chuyên quản lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; Đào Thị T1 - Phó Trưởng phòng xét duyệt và Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc 15 tỷ đồng.
+ Hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 04/2010/TDXK-NHPT.PC ngày 22/01/2010, số tiền duyệt cho vay 10 tỷ đồng, số tiền được giải ngân 10 tỷ đồng; căn cứ theo bản chính 02 bản ghi nhớ mua hàng số MM10003 và số MM10004 ngày 15/01/2010 giữa DN N với đại diện của Công ty E – Thụy Sỹ. Hồ sơ do Trần Hoài K - Cán bộ tín dụng chuyên quản lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay; Trần Xuân L - Trưởng phòng xét duyệt và Vũ Việt H - Giám đốc phê duyệt cho vay. Đến tháng 4/2017, hợp đồng tín dụng xuất khẩu này còn nợ gốc 10 tỷ đồng (BL số: 169 – 178; 536 – 705).
Trước khi vay vốn tại Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông theo 06 Hợp đồng tín dụng xuất khẩu nêu trên , DN N đã vay vốn tại nhiều ngân hàng, tính đến tháng 5/2009 DN N đã mất cân đối về khả năng trả nợ 30 tỷ đồng; đến tháng 11/2009 mất khả năng trả nợ 32 tỷ đồng; đã thế chấp toàn bộ tài sản tại các Ngân hàng và tình trạng kinh doanh thua lỗ, hàng tháng phải trả lãi khoảng 02 tỷ đồng. Biết thủ tục cho vay vốn tại Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông đơn giản, nhưng theo quy định của Ngân hàng P Việt Nam thì: “Chi nhánh có thể từ chối cho vay khi khách hàng thua lỗ liên tục trong nhiều năm” và chỉ cho vay ngắn hạn. Vì vậy, để được Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông giải quyết cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu, Trương Thị T đã có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn và sử dụng vốn vay, cụ thể:
- Chỉ đạo nhân viên lập Báo cáo tài chính nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông thể hiện kết quả kinh doanh có lợi nhuận – đủ điều kiện được vay vốn, cụ thể: Năm 2007, lợi nhuận 1.613.282.410 đồng; năm 2008, lợi nhuận 973.604.778 đồng và năm 2009, lợi nhuận 1.739.675.161 đồng. Tuy nhiên, theo Báo cáo tài chính thực tế 03 năm của DN N thể hiện: Năm 2007, lỗ 06 tỷ đồng; năm 2008, lỗ trên 10 tỷ đồng và năm 2009, lỗ 17.303.313.595 đồng.
- Sử dụng 12 văn bản không phải hợp đồng xuất khẩu, gồm: 08 hợp đồng nguyên tắc ký với Công ty TNHH O Việt Nam và 04 Bản ghi nhớ mua hàng ký với Công ty E – Thụy Sĩ để đề nghị được vay vốn tín dụng xuất khẩu, điều này được thể hiện như sau:
+ Theo ông Trần Lê Anh D - Giám đốc Công ty TNHH O Việt Nam, là người trực tiếp ký kết 08 hợp đồng trên với DN N xác nhận: 08 hợp đồng đã ký nêu trên với DN N là Hợp đồng nguyên tắc; khi DN N giao hàng, nếu muốn xuất khẩu thì phải ký kết hợp đồng xuất khẩu với Văn phòng đại diện Công ty O International.Ltd - Singapore tại Việt Nam; nếu bán hàng nội địa thì ký kết hợp đồng với Công ty TNHH O Việt Nam.
+ Công ty TNHH Thương phẩm A Việt Nam là Chi nhánh tại Việt Nam của Công ty E – Thụy Sỹ xác định: 04 văn bản MM1001, MM1002, MM10003 và MM10004 ngày 15/01/2010 giữa DN N ký với đại diện của Công ty E – Thụy Sỹ là không tương thích với các giao dịch hợp đồng kinh tế của Công ty E Thụy Sỹ. Công ty E – Thụy Sỹ có Giấy ủy quyền ngày 02/02/2009 uỷ quyền cho ông A- G làm đại diện hợp pháp để ký kết các hợp đồng giao dịch mua cà phê tại Việt Nam.
+ Ông A G - Người ký kết 04 Bản ghi nhớ mua hàng với DN N xác định: Ông được Công ty E - Thụy Sỹ ủy quyền ký kết các hợp đồng kinh tế mua cà phê tại Việt Nam theo Thư ủy quyền ngày 02/02/2009 và ông có ký kết các Bản ghi nhớ mua hàng số MM1001, MM1002, MM10003, MM10004 ngày 15/01/2010 với DN N. Tuy nhiên, đây chỉ là các Bản ghi nhớ thể hiện việc DN N có chào giá mặt hàng cà phê cho Công ty E – Thuỵ Sỹ và hai bên có dự định ký kết hợp đồng mua bán trong tương lai; các bản ghi nhớ này không được xem là giao dịch mua bán thực tế, không phải là Hợp đồng kinh tế nên không được theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán và không tương thích với bất kỳ giao dịch kinh tế nào của Công ty E - Thụy Sỹ. Sau đó, do không thương lượng được việc mua bán cà phê nhân với DN N nên ông AG đã không ký Hợp đồng kinh tế để tiếp tục thực hiện mua bán với DN N.
- Chỉ đạo nhân viên lập khống các phiếu chi tiền, phiếu nhập kho thể hiện thu mua cà phê của 305 hộ dân tại địa bàn huyện K, tỉnh Đắk Lắk với tổng số tiền chi mua là 42.331.249.700 đồng, tương ứng 1.723,235 tấn cà phê nhân xô, nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk – Đắk Nông. Kết quả điều tra, xác minh xác định: 305/305 hộ dân bán cà phê cho DN N là không có thật, không có cư trú tại địa phương. Sau đó cũng không nộp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn vay 25 tỷ đồng của 02 hợp đồng tín dụng xuất khẩu số 01/2010 và số 04/2010 vào tháng 01/2010; không thực hiện xuất khẩu cà phê và cũng không trả nợ tiền vay cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk – Đắk Nông.
- Số tiền 65 tỷ đồng vay của Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông, Trương Thị T đã sử dụng để trả nợ cho các Ngân hàng thương mại, trả cho khoản vay trước đó tại Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông, trả nợ cho các hộ dân có cà phê gửi kho tại doanh nghiệp và thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước đó và không thực hiện việc trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông, cụ thể:
+ Ngày 02/12/2009, chuyển khoản trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông số tiền 10 tỷ đồng (theo hợp đồng số 136 ngày 03/6/2009);
+ Ngày 20/11/2009, chuyển khoản trả nợ cho ngân hàng E Buôn Ma Thuột 04 tỷ đồng;
+ Ngày 12/11/2009, chuyển khoản cho Công ty TNHH Một thành viên H 10 tỷ đồng. Sau khi chuyển tiền, số tiền này được rút về đưa cho Trương Thị T quản lý, sử dụng;
+ Từ ngày 20/11/2009 đến ngày 21/01/2010, Trương Thị T chỉ đạo rút 41 tỷ đồng tiền mặt (Ngày 20/11/2009 rút 6 tỷ đồng; ngày 16/12/2009 rút 10 tỷ; ngày 21/01/2010 rút 15 tỷ). Sau khi rút tiền, Tính sử dụng 03 tỷ đồng tiền mặt để nộp trả nợ cho ngân hàng E Buôn Ma Thuột vào ngày 20/11/2009; 38 tỷ đồng còn lại do T quản lý, sử dụng để trả nợ cho các hộ dân có cà phê gửi kho tại Doanh nghiệp và thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước (BL số: 169 - 178; 1143 - 1284);
Tại Công văn số 11452/BCT-PC ngày 09/12/2011 và Công văn số 5154/BCT-PC ngày 13/6/2017 của Bộ Công thương, xác định: Các hợp đồng đã ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam không thuộc trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, không thể hiện hoạt động xuất khẩu, không có căn cứ để cho rằng đây là các hợp đồng xuất khẩu (BL số: 203);
Tại Bản kết luận giám định số 1317/KLGĐ-STC ngày 09/6/2017 của Giám định viên - Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, xác định: Đối với việc Chi nhánh NHPT cho vay 04 hợp đồng tín dụng xuất khẩu với tổng số tiền 40 tỷ đồng theo 08 hợp đồng kinh tế (hợp đồng nguyên tắc) ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam: Không có căn cứ để xác định 08 hợp đồng kinh tế giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam là hợp đồng xuất khẩu, nên 08 hợp đồng này không đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và không thuộc đối tượng cho vay của Ngân hàng P. Việc Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông ký kết 04 hợp đồng tín dụng xuất khẩu (cho vay xuất khẩu) đối với DN N theo 08 hợp đồng kinh tế nêu trên là không đúng quy định của Nhà nước (BL số: 205 - 208).
Đối với hành vi phạm tội của Trương Thị T, tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2018/HSST ngày 18/01/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt Trương Thị T “ Tù Chung thân” về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Bản án đã có hiệu lực pháp luật) và buộc Trương Thị T phải trả cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông số tiền gốc là 56.510.032.767 đồng (BL số 169 – 178).
Đối với các cán bộ thuộc Chi nhánh NHPT Đắk Lắk – Đắk Nông: Trong quá trình giải quyết cho DN N vay vốn tín dụng xuất khẩu tại 06 hợp đồng nêu trên đã thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ một số nội dung trong tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt, phê duyệt và giám sát vốn vay theo quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ- CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ; Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính; Điều 22, Điều 26 Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 39/QĐ - HĐQL ngày 31/8/2008 của Hội đồng quản lý Ngân hàng P Việt Nam và các quy định trong Sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu ban hành theo Quyết định số 105/QĐ-NHPT ngày 04/3/2008 của Ngân hàng P Việt Nam dẫn đến hậu quả Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông không thu hồi được số tiền gốc là 56.510.032.767 đồng, cụ thể:
1. Đối với Trần Xuân L – Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu:
Trực tiếp xét duyệt đề xuất Giám đốc giải quyết cho vay và cùng cán bộ tín dụng chuyên quản thực hiện kiểm tra, giám sát vốn vay sau giải ngân đối với 05 hợp đồng, gồm số: 301/2009, 311/2009, 316/2009, 319/2009, 04/2010 và cùng cán bộ tín dụng chuyên quản thực hiện kiểm tra, giám sát vốn vay sau giải ngân đối với hợp đồng số: 01/2010 (hợp đồng này do bà Đào Thị T1- Phó Trưởng phòng thực hiện giải quyết cho vay khi Trần Xuân L đi vắng); quá trình thẩm định, xét duyệt đề xuất giải quyết cho vay và kiểm tra, giám sát sau giải ngân, Trần Xuân L đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Không kiểm tra lại các nội dung thẩm định của Cán bộ tín dụng nên không phát hiện việc DN N đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 03 năm liền nhưng vẫn lập Báo cáo tài chính nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk- Đắk Nông thể hiện kết quả kinh doanh có lợi nhuận – đủ điều kiện được vay vốn; nhận thức các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam và Công ty E – Thụy Sỹ là hợp đồng xuất khẩu; không xem xét kỹ về chủ thể ký kết các hợp đồng; không xem kỹ văn bản ủy quyền của Công ty O International.Ltd - Singarpore cho ông Lê Trần Anh D – Giám đốc Công ty TNHH O Việt Nam nên nhận định các hợp đồng trên là hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, đã đồng ý xét duyệt đề xuất Giám đốc giải quyết cho vay.
- Cùng cán bộ tín dụng thực hiện kiểm tra DN N vào các ngày 05/01/2010 và 15/3/2010 nhưng không thực hiện kiểm tra sổ sách để xác định hàng hóa hình thành từ nguồn vốn nào mà chỉ nghe doanh nghiệp báo cáo; giao cho cán bộ tín dụng kiểm tra sổ sách Doanh nghiệp nhưng không nắm rõ cán bộ tín dụng có đối chiếu, kiểm tra hay không; không theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh sử dụng vốn vay của DN N dẫn đến việc doanh nghiệp thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước đó và không thực hiện việc trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông - Khi Doanh nghiệp N không hoàn chứng từ sử dụng vốn vay theo cam kết đã không thực hiện thu hồi nợ trước hạn đối với phần vốn chưa sử dụng (ngày 15/3/2010 Doanh nghiệp còn 29.984.775.000 đồng chưa sử dụng).
2. Đối với Trần Hoài K, cán bộ tín dụng chuyên quản:
Là người trực tiếp lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay và thực hiện kiểm tra, giám sát sau giải ngân đối với 05 hợp đồng, gồm số: 301/2009; 316/2009; 319/2009; 01/2010, 04/2010 và thực hiện kiểm tra, giám sát sau giải ngân đối với hợp đồng số: 311/2009 (hợp đồng này do cán bộ tín dụng Nguyễn Thị Hồng L1 thực hiện khi Trần Hoài K đi vắng); quá trình thực hiện giải quyết cho vay và kiểm tra, giám sát sau giải ngân, Trần Hoài K đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Tìm hiểu không kỹ về tình hình tài chính của DN N, nên không phát hiện việc DN N đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 03 năm liền nhưng vẫn lập Báo cáo tài chính nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông thể hiện kết quả kinh doanh có lợi nhuận và đủ điều kiện được vay vốn;
- Tìm hiểu không kỹ các quy định của pháp luật về hợp đồng xuất khẩu, nhận thức các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam và người đại diện của Công ty E – Thụy Sỹ là Hợp đồng xuất khẩu, thực tế đây chỉ là Hợp đồng nguyên tắc; không đánh giá về Nhà nhập khẩu và thị trường nhập khẩu; không xem xét đánh giá kết quả thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký gần nhất trước đó và về nhà cung cấp nguyên liệu nên đã đề xuất cho vay;
- Có kiểm tra kho hàng nhưng không xác định nguồn hàng cà phê trong kho của Doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn nào, dẫn đến việc doanh nghiệp dùng tiền vay từ Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước đó mà không không thực hiện việc trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông.
- Khi DN N không hoàn chứng từ sử dụng vốn vay theo cam kết đã không đề xuất thu hồi nợ trước hạn đối với phần vốn chưa sử dụng (ngày 15/3/2010 Doanh nghiệp còn 29.984.775.000 đồng chưa sử dụng).
3. Đối với Vũ Việt H – Giám đốc Chi nhánh NHPT Đắk Lắk – Đắk Nông:
Là người phê duyệt giải quyết cho DN N vay vốn tín dụng xuất khẩu tại 06 hợp đồng số: 301/2009; 311/2009; 316/2009; 319/2009; 01/2010 và 04/2010; quá trình thẩm định, phê duyệt giải quyết cho vay và đôn đốc bộ kiểm tra, giám sát sau giải ngân, Vũ Việt H đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Khi phê duyệt cho vay chỉ xem phần ý kiến của Phòng tín dụng và cán bộ tín dụng; nhận thức 08 hợp đồng kinh tế ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam là hợp đồng xuất khẩu vì hồ sơ đầu tiên DN N sử dụng vay vốn là Hợp đồng xuất khẩu ký với Công ty O International. Ltd - Singarpore nên cho rằng các hợp đồng sau là của cùng một công ty. Nhận thức 04 Bản ghi nhớ mua hàng ký với đại diện Công ty E – Thụy Sỹ là hợp đồng xuất khẩu.
- Khi thẩm định chủ yếu dựa vào nhận định chủ quan, không có các nguồn thông tin khác để kiểm tra, đối chiếu nên quá trình phê duyệt các tờ trình duyệt vay đã không kiểm tra lại tính hợp pháp, hợp lệ hồ sơ vay vốn của DN N, không kiểm tra lại nội dung thẩm định của Cán bộ tín dụng và Trưởng phòng tín dụng.
Do đó, không phát hiện việc DN N có chỉ tiêu tài chính rất thấp, kinh doanh thua lỗ; không phát hiện ra việc DN N sử dụng vốn vay sai mục đích và các thủ đoạn của Trương Thị T như lập khống các phiếu chi tiền, phiếu nhập kho thể hiện thu mua cà phê của 305 hộ dân thuộc địa bàn huyện K để chiếm đoạt tiền vay.
Những việc làm thiếu sót nêu trên của Trần Hoài K, Trần Xuân L và Vũ Việt H đã dẫn đến hậu quả Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông không thu hồi được số tiền gốc là 56.510.032.767 đồng.
Đối với bà Đào Thị T1 – Phó phòng tín dụng xuất khẩu: Được giao nhiệm vụ giải quyết khi ông Trần Xuân L - Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu đi vắng, theo chỉ đạo của ông Vũ Việt H - Giám đốc, bà T đã giải quyết 01 hồ sơ hợp đồng tín dụng số 01/2010 ngày 21/01/2010 và giải ngân 15 tỷ đồng cho DN N. Do làm thay khi ông L đi vắng nên không kiểm tra thực tế, không thẩm định lại hồ sơ của cán bộ tín dụng chuyển đến có đủ điều kiện cho vay hay không mà đã ký duyệt tờ trình và hồ sơ giải ngân, sau đó trình hồ sơ cho lãnh đạo, thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bà T chỉ là phó trưởng phòng và phụ trách lĩnh vực tín dụng đầu tư và do ông L – Trưởng phòng đi vắng nên được Giám đốc giao hồ sơ xét duyệt, đề xuất cho Doanh nghiệp N vay vốn cho ông L và phải giải quyết 01 hồ sơ vay vốn trong thời gian 01 ngày với sức ép từ lãnh đạo, đồng thời dựa trên cơ sở của 04 hồ sơ vay vốn mà cán bộ chuyên quản Trần Hoài K đã giải quyết trước đó. Sau khi giải ngân xong thì bà T giao lại hồ sơ cho ông Trần Hoài K và ông Trần Xuân L theo dõi nên không có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ này. Do vậy, chưa có đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đ ối với bà T.
Đối với bà Nguyễn Thị Hồng L1 – Cán bộ tín dụng: Do cán bộ tín dụng chuyên quản là ông Trần Hoài K đi vắng nên lãnh đạo phân công bà L1 đề xuất giải quyết 01 hợp đồng tín dụng số 311/2009 ngày 19/10/2009 đối với 02 hợp đồng kinh tế của DN N với số tiền giải ngân là 10 tỷ đồng. Do trước đó cán bộ tín dụng chuyên quản là ông K đã giải quyết các hợp đồng kinh tế loại này và đã hỏi ý kiến của ông K, đồng thời phải giải quyết 01 hồ sơ vay vốn trong thời gian 01 ngày với sức ép từ lãnh đạo nên không tìm hiểu quy định cụ thể 02 hợp đồng kinh tế nêu trên có phải là hợp đồng xuất khẩu hay không. Do tin tưởng cán bộ tín dụng trước đó đã làm đúng nên khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của DN N thì bà L đã không thẩm định tình hình năng lực sản xuất kinh doanh, về khả năng tài chính của DN N, không kiểm tra tài sản thực tế, khả năng kinh doanh của DN N mà chỉ căn cứ vào hồ sơ do DN N cung cấp nhưng bà L đã đề xuất cho DN vay vốn, sau đó giao lại hồ sơ cho ông K nên không có trách nhiệm theo dõi. Hành vi của bà L thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao nhưng chưa đủ cơ sở để xử lý trá ch nhiệm hình sự đối với bà L.
Tại Bản Cáo trạng số 72/CT-VKS-P3 ngày 07 tháng 10 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã truy tố các bị cáo Vũ Việt H, Trần Xuân L và Trần Hoài K, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Xuân L khai nhận: Bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng tội, bị cáo là người trực tiếp xét duyệt đề xuất Giám đốc giải quyết cho vay và cùng cán bộ tín dụng chuyên quản là bị cáo Trần Hoài K thực hiện kiểm tra, giám sát vốn vay sau giải ngân đối với 05 hợp đồng, gồm số: 301/2009, 311/2009, 316/2009, 319/2009, 04/2010 và cùng cán bộ tín dụng chuyên quản thực hiện kiểm tra, giám sát vốn vay sau giải ngân đối với hợp đồng số: 01/2010 (hợp đồng này do bà Đào Thị T1 - Phó Trưởng phòng thực hiện giải quyết cho vay khi Trần Xuân L đi vắng). Tuy nhiên, không kiểm tra lại các nội dung thẩm định của Cán bộ tín dụng nên không phát hiện việc DN N đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 03 năm liền nhưng vẫn lập Báo cáo tài chính nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk- Đắk Nông thể hiện kết quả kinh doanh có lợi nhuận và đủ điều kiện được vay vốn; nhận thức các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam và Công ty E – Thụy Sỹ là hợp đồng xuất khẩu; không xem xét kỹ về chủ thể ký kết các hợp đồng; không xem kỹ văn bản ủy quyền của Công ty O International.Ltd - Singarpore cho ông Lê Trần Anh D – Giám đốc Công ty TNHH O Việt Nam nên nhận định các hợp đồng trên là hợp đồng xuất khẩu. Vì vậy, đã đồng ý xét duyệt đề xuất Giám đốc giải quyết cho vay. Vào các ngày 05/01/2010 và 15/3/2010 cùng cán bộ tín dụng thực hiện kiểm tra DN N nhưng không thực hiện kiểm tra sổ sách để xác định hàng hóa hình thành từ nguồn vốn nào mà chỉ nghe Doanh nghiệp báo cáo; giao cho cán bộ tín dụng kiểm tra sổ sách doanh nghiệp nhưng không nắm rõ cán bộ tín dụng có đối chiếu, kiểm tra hay không; không theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh sử dụng vốn vay của DN N dẫn đến việc doanh nghiệp thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước đó mà không thực hiện việc trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông. Bị cáo L còn khai, trong quá trình giải quyết hồ sơ vay vốn cho DN N, bị cáo Vũ Việt H có chỉ đạo bằng miệng đôn đốc giải quyết ngay cho DN N vay vốn vì Doanh nghiệp đang cần vốn gấp.
Bị cáo Trần Hoài K khai: Bản cáo trạng truy tố bị cáo là đúng tội, bị cáo là người trực tiếp lập, thẩm định ký tờ trình đề xuất cho vay và thực hiện kiểm tra, giám sát sau giải ngân đối với 05 hợp đồng, gồm số: 301/2009; 316/2009; 319/2009; 01/2010; 04/2010 và thực hiện kiểm tra, giám sát sau giải ngân đối với hợp đồng số: 311/2009 (hợp đồng này do cán bộ tín dụng Nguyễn Thị Hồng L1 thực hiện khi Trần Hoài K đi vắng); quá trình thực hiện giải quyết cho vay và kiểm tra, giám sát sau giải ngân, bị cáo đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, cụ thể: Bị cáo đã không tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN N, nên không phát hiện việc DN N đã kinh doanh thua lỗ liên tục trong 03 năm liền nhưng vẫn lập Báo cáo tài chính nộp cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông thể hiện kết quả kinh doanh có lợi nhuận và đủ điều kiện được vay vốn; Tìm hiểu không kỹ các quy định của pháp luật về hợp đồng xuất khẩu, nhận thức các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam và người đại diện của Công ty E– Thụy Sỹ là Hợp đồng xuất khẩu, thực tế đây chỉ là Hợp đồng nguyên tắc; không đánh giá về Nhà nhập khẩu và thị trường nhập khẩu; không xem xét đánh giá kết quả thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký gần nhất trước đó và về nhà cung cấp nguyên liệu, nên đã đề xuất cho vay là một phần do bị cáo bị hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ; Thực tế có kiểm tra kho hàng của Doanh nghiệp N nhưng không xác định được nguồn hàng cà phê trong kho của Doanh nghiệp được hình thành từ nguồn vốn nào, dẫn đến việc Doanh nghiệp dùng tiền vay từ Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông thu mua cà phê nhưng không xuất khẩu mà giao lại cho các công ty đã cho DN N ứng tiền mua cà phê trước đó và không không thực hiện việc trả nợ cho Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông; Khi DN N không hoàn chứng từ sử dụng vốn vay theo cam kết đã không đề xuất thu hồi nợ trước hạn đối với phần vốn chưa sử dụng.
Bị cáo Vũ Việt H khai: Bản cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và lời khai của bị cáo L, bị cáo K kể cả lời khai của bà Đào Thị T1, bà Nguyễn Thị Hồng L1, Trương Thị T (Chủ Doanh nghiệp N) trong quá trình điều tra và tại phiên tòa là không đúng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo mọi hoạt động của Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông, bị cáo đều thực hiện đúng với quy định của pháp luật, bị cáo không có hành vi thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng, việc Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông không thu hồi được vốn 56.510.032.767 đồng từ DN N là do Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của khách hàng, bị cáo rất tin tưởng vào năng lực của các cán bộ trong cơ quan, trong đó có bị cáo L, bị cáo K là sau khi hồ sơ vay vốn của Doanh nghiệp N đã được bị cáo K là cán bộ tín dụng chuyên quản đề xuất và bị cáo L là Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu phê duyệt đề xuât đồng ý cho vay thì bị cáo phê duyệt ngay mà không cần thẩm định, kiểm tra lại hồ sơ có đảm bảo tính hợp pháp hay không và thực tế các cán bộ Ngân hàng đều làm đúng với quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa bà Đào Thị T1 (Nguyên Phó phòng tín dụng xuất khẩu) khai nhận: Trong thời gian ông Trần Xuân L - Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu đi vắng, bà T1 được ông Vũ Việt H - Giám đốc giao nhiệm vụ giải quyết 01 hồ sơ hợp đồng tín dụng số 01/2010 ngày 21/01/2010 cho DN N, do làm thay công việc của bị cáo L và trước đó bị cáo L, bị cáo K đã giải quyết nhiều hợp đồng tín dụng của DN N, đồng thời do ông H chỉ đạo giải quyết trong ngày, do đó bà T không kiểm tra thực tế, không thẩm định lại hồ sơ của cán bộ tín dụng chuyển đến có đủ điều kiện cho vay hay không mà đã ký duyệt tờ trình vào hồ sơ giải ngân, sau đó trình hồ sơ cho ông H. Sau khi giải ngân xong thì bà T1 giao lại hồ sơ cho ông Trần Hoài K và ông Trần Xuân L theo dõi nên không có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ này.
Tại phiên tòa bà Nguyễn Thị Hồng L1 (Nguyên Cán bộ tín dụng) khai: Do ông Trần Hoài K là cán bộ tín dụng chuyên quản đi tập huấn nên lãnh đạo phân công bà L đề xuất giải quyết 01 hợp đồng tín dụng số 311/2009 ngày 19/10/2009 đối với 02 hợp đồng kinh tế của DN N với số tiền giải ngân là 10 tỷ đồng. Do trước đó là ông K đã giải quyết các hợp đồng kinh tế loại này và đã hỏi ý kiến của ông K, đồng thời phải giải quyết trong thời gian 01 ngày với sức ép từ lãnh đạo nên không tìm hiểu quy định cụ thể 02 hợp đồng kinh tế nêu trên có phải là hợp đồng xuất khẩu hay không. Do tin tưởng cán bộ tín dụng trước đó đã làm đúng nên khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn của DN N thì bà L1 đã không thẩm định tình hình năng lực sản xuất kinh doanh, về khả năng tài chính của DN N, không kiểm tra tài sản thực tế, khả năng kinh doanh của DN N mà chỉ căn cứ vào hồ sơ do DN cung cấp nhưng bà L1 đã đề xuất cho DN vay vốn, sau đó giao lại hồ sơ cho ông K nên không có trách nhiệm theo dõi .
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra và giữ nguyên Quyết định truy tố tại Bản cáo trạng số 72/CT-VKS-P3 ngày 07/10/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Vũ Việt H, Trần Xuân L và Trần Hoài K phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285 của Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Vũ Việt H từ 06 đến 07 năm tù, tổng hợp hình phạt của Bản án số 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xử phạt Vũ Việt H 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tù chung thân” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt của 02 Bản án, buộc bị cáo Vũ Việt H phải chấp hành hình phạt chung là “Tử hình”;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm s, v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Trần Xuân L từ 04 đến 05 năm tù;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, xử phạt bị cáo Trần Hoài K từ 03 đến 04 năm tù.
Về phần dân sự: Đối với số tiền gốc là 56.510.032.767 đồng mà Trương Thị T có hành vi chiếm đoạt hiện chưa thu hồi được, số tiền này đã được giải quyết tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/HSST ngày 18/01/2018 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk; hiện Bản án đã có hiệu lực pháp luật nên không đề cập giải quyết nữa. Còn về tang vật chứng của vụ án là không có nên không xử lý.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Hoài K trình bày: Bản cáo trạng truy tố bị cáo Ki về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự là có căn cứ. Tuy nhiên, mức hình phạt mà Kiểm sát viên đề nghị là có phần nghiêm khắc, vì trong vụ án này, bị cáo K có vai trò thứ yếu là cán bộ nhân viên của bị cáo L, bị cáo H; Đồng thời việc bị cáo K phạm tội là do thực hiện theo sự chỉ đạo của các bị cáo L và H. Mặt khác, một phần do bị cáo bị hạn chế về năng lực chuyên môn, không có kinh nghiệm và chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm của những người đã có kinh nghiệm đi trước. Sau khi phạm tội bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội của mình, trong quá trình công tác bị cáo có thành tích xuất sắc được tặng bằng khen và bố mẹ bị cáo có công với cách mạng nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015 để xử phạt bị cáo Kiên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Tại phiên tòa, các bị cáo Trần Xuân L, Trần Hoài K không tranh luận, bào chữa gì mà chỉ đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Bị cáo Vũ Việt H không đồng ý với ý kiến luận tội của Kiểm sát viên, bị cáo Hùng cho rằng bị cáo không phạm tội, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chỉ đạo mọi hoạt động của Chi nhánh NHPT Đắk Lắk - Đắk Nông, bị cáo đều thực hiện đúng với quy định của pháp luật.
Các bị cáo Trần Xuân L, Trần Hoài K không tranh luận, bào chữa gì mà chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Quá trình tranh luận, Kiểm sát viên, Luật sư, bị cáo Hùng tranh luận đối đáp với nhau và giữ nguyên quan điểm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng:
Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã tuân thủ đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại đối với hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2]. Lời khai của bị cáo Trần Xuân L, bị cáo Trần Hoài K tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với nội dung Bản cáo trạng, Bản kết luận điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Còn đối với bị cáo Vũ Việt H tuy không thừa nhận về hành vi phạm tội của mình nhưng căn cứ vào lơi khai của bị cáo L và bị cáo K, lời khai của bà Đào Thị T1, bà Nguyễn Thị Hồng L1, Trương Thị T và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở khẳng định: Bị cáo H với tư cách là người đứng đầu đơn vị đã phê duyệt giải quyết cho doanh nghiệp N vay vốn tín dụng xuất khẩu tại 06 hợp đồng số: 301/2009; 311/2009; 316/2009; 319/2009; 01/2010 và 04/2010; quá trình thẩm định, phê duyệt giải quyết cho vay và đôn đốc bộ kiểm tra, giám sát sau giải ngân, bị cáo H cùng các bị cáo L, K đã thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao khi phê duyệt cho Doanh nghiệp N vay tiền. Mặt khác, do nhận thức 08 hợp đồng kinh tế ký kết giữa DN N với Công ty TNHH O Việt Nam là hợp đồng xuất khẩu; khi thẩm định chủ yếu dựa vào nhận định chủ quan, không có các nguồn thông tin khác để kiểm tra, đối chiếu nên quá trình phê duyệt các tờ trình duyệt vay đã không kiểm tra lại tính hợp pháp, hợp lệ hồ sơ vay vốn của DN N, không kiểm tra lại nội dung thẩm định của Cán bộ tín dụng và Trưởng phòng tín dụng nên dẫn đến không phát hiện việc DN N có chỉ tiêu tài chính rất thấp, kinh doanh thua lỗ; không phát hiện ra việc DN N sử dụng vốn vay sai mục đích và các thủ đoạn của Trương Thị T như lập khống các phiếu chi tiền, phiếu nhập kho thể hiện thu mua cà phê của 305 hộ dân thuộc địa bàn huyện K để chiếm đoạt tiền vay.
Như vậy, có căn cứ kết luận: Các bị cáo Trần Xuân L, Trần Hoài K và Vũ Việt H đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 của Bộ luật Hình sự năm 1999 như Bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố.
Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:
“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.”
[3]. Xét tính chất vụ án do các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng. Bị cáo Vũ Việt H là Giám đốc, bị cáo Trần Xuân L là trưởng phòng tín dụng xuất khẩu và bị cáo Trần Hoài K là cán bộ tín dụng chuyên quản, trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn tính dụng xuất khẩu của Doanh nghiệp tư nhân thương mại N, vì thiếu trách nhiệm các bị cáo đã thực hiện không đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện không đúng quy định của Nhà nước và quy định của Ngân hàng P Việt Nam, quá trình thẩm định không đầy đủ theo quy định, kiểm tra tại đơn vị vay vốn không chặt chẽ. Quá trình cho vay vốn không thực hiện việc kiểm tra sử dụng vốn theo quy định, các khoản vay nộp chứng từ không đầy đủ và thực tế đó chỉ là hợp đồng nguyên tắc không phải hợp đồng tín dụng xuất khẩu nhưng các bị cáo vẫn xét duyệt cho DN N vay vốn dẫn đến hậu quả không thu hồi được vốn vay gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền 56.510.032.767 đồng.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thực hiện không đúng với nhiệm vụ được giao dẫn đến việc kiểm tra, xem xét lập hồ sơ, thẩm định đầy đủ các điều kiện để được vay tín dụng xuất khẩu không đúng quy định tại Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu, Thông tư 69/2007 TT -BTC ngày 25/6/2007 về hướng dẫn một số điều của Nghị đình 151/2006/NĐ-CP; Điều 22, 26 của Quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước ban hành theo Quyết định số 39/QĐ-HĐQL ngày 31/8/2008 của Hội đồng quản lý Ngân hàng P Việt Nam và các quy định trong sổ tay nghiệp vụ tín dụng xuất kh ẩu của Ngân hàng Nhà nước ban hành theo Quyết định số 105/QĐ -NHPT ngày 04/3/2008 của Ngân hàng P Việt Nam.
Do vậy, đối với hành vi phạm tội của các bị cáo cần xử lý thích đáng và buộc cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định thì mới phát huy được tính răn đe đối với các bị cáo và phòng ngừa chung trong toàn xã hội.
[4]. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều bị cáo tham gia nên cần phân hóa tính chất, mức độ và vai trò của từng bị cáo trên cơ sở đó áp dụng mức hình phạt phù hợp. Đối với bị cáo Vũ Việt H là Giám đốc chi nhánh ngân hàng có vai trò quyết định trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn. Do đó, cần xử phạt bị cáo mức án cao hơn so với các bị cáo khác. Đ ối với bị cáo Trần Xuân L là Trưởng phòng tín dụng, có vai trò thấp hơn bị cáo H, bị cáo đã thiếu trách nhiệm trong hoạt động tổ chức tín dụng , xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn và gây gây thiệt hại cho Nhà nước. Tuy nhiên, quyền hạn và trách nhiệm trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của bị cáo L là hạn chế, là chấp hành mệnh lệnh của bị cáo H. Do vậy, mức hình phạt của bị cáo L thấp hơn bị cáo H là phù hợp. Đối với bị cáo Trần Hoài K, là cán bộ tín dụng xuất khẩu chuyên quản, bị cáo đã có hành vi thiếu trách nhiệm, là người trực tiếp được giao nhiệm vụ trong việc thẩm định , xem xét hồ sơ vay vốn của Doanh nghiệp N nhưng do thiếu trách nhiệm nên không thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện cho vay tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, bị cáo có vai trò thứ yếu và thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đ ạo của bị cáo H và bị cáo L nên mức án thấp hơn so với hai bị cáo trên là phù hợp.
[5]. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng về trách nhiệm hình sự.
[6]. Về tình tiết giảm nhẹ về trách nhiệm hình sự: Bị cáo L và bị cáo K thành khẩn khai báo, ăn năn hối cãi về hành vi phạm tội của mình và các bị cáo có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; gia đình bị cáo K có công với cách mạng, bố bị cáo là ông Trần Hoài T được tặng huân chương kháng chiến hạng nhất, mẹ bị cáo là bà Trần Thị L được tặng huân chương kháng chiến hạng ba.
Đối với bị cáo Vũ Việt H, không có tình tiết giảm nhẹ nào và phải tổng hợp hình phạt với Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao – Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng (Nay là Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng) theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật hình sự.
[7]. Đối với bà Đào Thị T1 nguyên là Phó phòng tín dụng xuất khẩu và bà Nguyễn Thị Hồng L1, nguyên là Cán bộ tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng P khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết cho Doanh nghiệp N vay vốn nhưng chưa có đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự đối với bà T1, bà L1 như Bản kết luận điều tra và Bản cáo trạng đã nhận định là phù hợp.
[8]. Về phần trách nhiệm dân sự: Đối với số tiền 56.510.032.767 đồng mà các bị cáo đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây thất thoát cho Nhà nước đã được giải quyết tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2018/HS -ST ngày 18/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk nên không xem xét giải quyết.
[9]. Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Tuyên bố: Các bị cáo Vũ Việt H, Trần Xuân L, Trần Hoài K phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
[1.1] Áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999, các điểm s, v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Trần Xuân L 04 (Bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giam ngày 09/8/2019.
[1.2] Áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Trần Hoài K 03 (Ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giam ngày 09/8/2019.
[1.3] Áp dụng khoản 2 Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999 và khoản 1 Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015;
Xử phạt bị cáo Vũ Việt H 07 (Bảy) năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cộng với phần hình phạt của Bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014/HSPT ngày 26/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao – Tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng (Nay là Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng) đã xử phạt bị cáo Vũ Việt H 20 (Hai mươi) năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tù chung thân” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tử hình” về tội “Tham ô tài sản”.
Tổng hợp hình phạt của hai bản án, buộc bị cáo Vũ Việt H phải chấp hành hình phạt chung là “Tử hình”.
[2]. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Các bị cáo Vũ Việt H, Trần Xuân L, Trần Hoài K, mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.[3]. Về quyền kháng cáo: Các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với những người vắng mặt, được quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Bản án hoặc được niêm yết công khai theo quy định.
Bản án về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng số 77/2019/HS-ST
Số hiệu: | 77/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/12/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về